Cô gái thành Rome

Phần thứ nhất - CHƯƠNG MỘT

Vào tuổi mười sáu, tôi đã là một cô gái xinh đẹp. Mặt trái xoan cân đối, thon thả nơi thái dương, hơi bầu về phía dưới, cặp mắt hình trái hạnh đào to và rực sáng, đường trán mềm mại chạy xuống chiếc mũi dọc dừa còn cái miệng rộng với cặp cặp môi mọng thắm hồng trông rất duyên để lộ hai hàng răng đều đặn trắng bóng mỗi khi mỉm cười. Mẹ tôi nói tôi như đúc khuôn từ Đức mẹ đồng trinh. Tôi thì cho rằng mình giống một cô đào đang được ưa chuộng hồi đó, nên tôi để tóc bắt chước bộ tóc của cô ta. Mẹ bảo nếu khuôn mặt tôi xinh một, thân hình tôi còn óng ả gâp trăm lần. Mẹ nói tấm thân nhường ấy có bói khắp cả thành Rome cũng chẳng ra. Song, dạo đó tôi còn chưa hiểu hết chân ý nghĩa của nó. Đối với tôi dường như cái quan trọng là phải có khuôn mặt mĩ miều, những giờ đây tôi có thể khẳng định là mẹ đã đúng. Tôi có cặp chân thẳng và chắc, mông đầy, lưng đều đặn, eo thắt và vai nở, nét bụng của tôi hơi lượn về phía trước, còn rốn thì hầu như không thấy rõ, vì nằm khuất sâu dưới các cơ bụng. Mẹ tôi bảo như thế mới ưa nhìn, thế mới đẹp vì bụng phụ nữ phải hơi nhô ra, chứ không phẳng lì như phụ nữ ngày nay. Ngực tôi đầy song chắc và cao nên không cần phải mang nịt vú. Khi nghe tôi phàn nàn ngực quá to, mẹ tôi nói như đanh đóng cột rằng thế mới đáng giá, còn ngực phụ nữ ngày nay ư, đến là chán! Khi không mặc quần áo, như sau này tôi mới nhận thấy, dáng tôi dong dỏng và có khối hình tựa hồ một pho tượng. Còn khi khoác xống áo vào vẫn ra tuồng một cô gái mảnh mai, chẳng ai nghĩ tôi nở nang đến vậy. Ăn nhau là ở tỷ lệ các phần, sau này người họa sĩ mà tôi ngồi làm mẫu đầu tiên đã giải thích như vậy.

Mẹ tôi đã tìm được một họa sĩ, chẳng là trước khi lấy chồng và làm nghề may áo lót, mẹ đã là người mẫu. Người họa sĩ đến đặt mẹ may cho chiếc áo sơ mi và nhớ tới công việc trước đây của mình mẹ đề nghị ông nhận thuê tôi làm người mẫu. Buổi đầu tới chỗ ông họa sĩ, mẹ quyết định đưa tôi đi dù tôi một mực khăng khăng là đi một mình cũng được. Tôi bối rối, có lẽ chẳng phải lần đầu tiên trong đời tôi cởi bỏ áo xống trước mặt một người đàn ông, mà chẳng qua sợ mẹ tôi sẽ tô vẽ thêm vẻ đẹp của tôi để thuyết phục ông họa sĩ nhận tôi vào làm. Quả đúng như vậy. Sau khi giúp tôi cởi áo xống và đẩy tôi ra giữa phòng, mẹ bắt đầu hăng hái tán dương tôi:

- Ông thử ngó xem, ngực này, hông này hãy cứ ngó đi, chân này…ông hỏi bói đâu ra bộ ngực, cặp giò và hông như thế?

Vừa nói mẹ vừa sờ nắn tôi như lái ngựa sờ nắn gia súc ở ngoài chợ, hy vọng gạ gẫm người mua. Ông họa sĩ mỉm cười, còn tôi ngượng chín người và run cầm cập, vì dạo ấy đang tiết mùa đông. Song tôi hiểu mẹ tôi không ác ý với tôi, chẳng qua mẹ tự hào vì sắc đẹp của tôi, và coi nhan sắc này nhờ mẹ mới có. Ông họa sĩ, có lẽ thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, đã mỉm cười không ác ý và cởi mở, nên tôi cũng nhanh chóng cảm thấy thoải mái hơn, và cố nén nỗi e thẹn, tôi rón rén đi nhón trên đầu ngón chân tiến đến bên lò sưởi để sưởi ấm đôi chút. Ông họa sĩ vào trạc tứ tuần, người đẫy đà, xem ra vui tính và điềm đạm. Tôi nhận thấy ông nhìn tôi không hề có chút thèm muốn, ông nhìn như nhìn một đồ vật, nên tôi cũng yên tâm. Sau này, khi chúng tôi đã quen nhau thân thiết hơn, ông đối xử với tôi một cách trân trọng và lịch thiệp, không còn nhìn tôi như một đồ vật, mà là một con người. Tôi liền có cảm tình ngay với ông, và có lẽ, do biết ơn, đã đem lòng yêu ông chì vì ông đã đối xử lịch thiệp và dịu dàng như thế với tôi. Những ông không bao giờ tỏ ra quá cởi mở, vì luôn nhìn tôi với con mắt của người họa sĩ chứ không bằng con mắt của người đàn ông và suốt trong thời gian tôi làm mẫu cho ông, chúng tôi đã cư xử nhã nhặn và dè dặt với nhau, lúc nào cũng như buổi mới quen.

Khi mẹ ngớt lời tán dương tôi, ông họa sĩ lẳng lặng tiến lại bên bàn trên có để một đống cặp giấy…và lục tìm trong các cặp rồi lôi ra một tấm phiên bản màu. Ông đưa cho mẹ tôi xem và bảo:

- Con gái bà đây này.

Tôi rời lò sưởi để ngó bức tranh. Bức tranh vẽ một người đàn bà khỏa thân nằm trên một chiếc giường trang hoàng lộng lẫy. Một chiếc rèm nhung buông phủ phía sau giường, hai chú bé có cánh theo kiểu các thiên thần bay lượn trên những nếp rèm. Người đàn bà quả là giống tôi. Tuy khỏa thân những căn cứ vào khăn phủ giường và nhẫn đeo đầy các ngón tay thì đủ rõ người đàn bà này hoặc là nữ hoàng, hoặc là một nhân vật quan trọng, còn tôi chỉ là một cô gái nghèo. Thoạt đầu, mẹ không rõ nếp tẻ ra sao nên ngó nhìn bức tranh, vẻ hoài nghi, sau bỗng nhận ra sự giống nhau, bèn xúc động bảo:

- Đúng rồi, đúng rồi…giống đấy. Thấy chưa, tôi đã bảo mà…nhưng ai đấy?

- Danae(1), ông họa sĩ mỉm cười đáp.

- Danae là ai vậy?

- Danae là thiên thần của đạo đa thần giáo.

Do hy vọng được nói đến tên một người đang sống, một người có thực, nên mẹ tôi đâm ra bối rối và để lấp liếm chỗ bối rối của mình, mẹ bắt đầu căn dặn tôi rằng ông họa sĩ bảo đứng ngồi làm mẫu ra sao thì phải nghe theo ông ấy, chẳng hạn như nằm trong tư thế người đàn bà trong tranh, hoặc đứng hoặc ngồi và không được động đậy khi ông ấy vẽ. Ông họa sĩ nói rằng mẹ tinh thông việc này hơn ông. Nghe vậy, mẹ mát lòng mát dạ liền kể là đã có hồi mẹ làm người mẫu và cả thành Rome biết tiếng mẹ là một người mẫu tuyệt đẹp. Mẹ còn kể rằng đi lấy chồng và bỏ nghề này là một sai lầm lớn. Trong lúc ấy ông họa sĩ bảo tôi nằm xuống cái đi-văng kê ở trong phòng còn bản thân ông gò uốn chân tay tôi cho thích hợp, nhưng ông đã làm tất cả với một vẻ tế nhị trầm ngâm và lơ đễnh - ông khẽ đụng vào người tôi - tựa hồ như trước đây ông đã thấy tôi y như ý ông muốn thực hiện. Sau đấy, ông bắt đầu phác họa những nét đầu tiên lên tấm khung vải đặt trên giá, còn mẹ lại tiếp tục nói phiếm.

Nhận thấy ông họa sĩ mải mê vẽ không để tai nghe mẹ tôi liền hỏi:

- Thế ông trả cho con gái tôi bao nhiêu tiền một giờ?

Ông họa sĩ nêu lên một con số, mắt vẫn không rời khỏi tấm khung vải. Mẹ vớ luôn áo xống của tôi vắt trên lưng ghế, ném vào mặt tôi và ra lệnh:

- Mặc quần áo vào…Ở đây không có việc gì để làm cả.

- Bà sao vậy? - Ông họa sĩ ngừng vẽ và ngạc nhiên hỏi.

- Chẳng sao, chẳng sao cả - Mẹ đáp và làm ra vẻ đang vội - Đi thôi Adriana…Mẹ con ta còn khối việc.

- Bà này - Ông họa sĩ bảo - thì bà cứ nói thẳng ra bà đòi bao nhiêu nào, gây rắc rối để làm gì thế?

Thế là mẹ liền làm toáng lên, quát tháo ông họa sĩ ầm ĩ, bảo rằng ông ta có điên mới trả tôi ít ỏi như vậy, rằng tôi đâu phải là một khọm già không ai buồn thuê mà đang tuổi trăng tròn và lần đầu tiên làm mẫu. Khi mẹ muốn đòi cho được điều gì đấy, bao giờ mẹ cũng xồn xồn tỏ vẻ thực sự tức giận. Thực ra, như tôi biết rõ mẹ, mẹ không hề tức giận và tâm thần vẫn ổn định. Mẹ quát la chẳng qua như mấy bà bán hàng ngoài chợ bị chạm nọc mỗi khi khách hàng trả giá quá thấp. Mẹ quát la chủ yếu những người lịch thiệp vì biết rằng do lịch sự cuối cùng họ sẽ nhượng bộ.

Lần này cũng vậy, ông họa sĩ đành nhượng bộ. Trong khi mẹ tôi gầm gào, ông chỉ mỉm cười và mấy lần giơ tay tựa hồ như xin được nói. Cuối cùng mẹ dừng lại lấy hơi, ông lại hỏi xem mẹ tôi muốn đòi bao nhiêu. Song mẹ không đáp ngay, bỗng hỏi:

- Kể biết được cái ông họa sĩ vẽ bức tranh này đã trả cho người mẫu của mình bao nhiêu cũng hay đấy nhỉ?

Ông họa sĩ bật cười:

- Chuyện đó chẳng liên quan gì đến chúng ta cả…thời ấy hoàn toàn khác…có lẽ, ông ta rót cho cô ấy một cốc rượu vang…hoặc tặng một đôi găng tay.

Mẹ tôi lại bối rối như khi nghe ông họa sĩ bảo bức tranh miêu tả nàng Danae. Ông họa sĩ hơi giễu mẹ tôi một chút, thật ra hoàn toàn không có ác ý, những mẹ tôi không nhận ra điều đó. Mẹ lại gầm gào, bảo ông ta là keo bẩn và lại tán dương vẻ đẹp của tôi. Sau đấy, làm ra vẻ tự kìm mình, mẹ tôi đưa ra cái giá đòi ông họa sĩ phải trả. Ông họa sĩ tranh luận một chút và cuối cùng hai bên thỏa thuận cái giá hơi thấp hơn giá mẹ tôi đòi. Ông họa sĩ tiến đến bên bàn, mở ngăn kéo lấy tiền đưa cho mẹ tôi. Hài lòng về kết quả công việc, mẹ tôi còn căn dặn tôi vài lời cuối cùng nữa rồi mới chịu đi. Ông họa sĩ đóng cửa lại, quay về bên giá vẽ rồi hỏi tôi:

- Mẹ cô lúc nào cũng gầm gào như vậy à?

- Mẹ tôi yêu tôi - Tôi bảo.

- Tôi thấy bà cụ xem ra yêu tiền bạc hơn đấy, - ông họa sĩ thản nhiên nhận xét và bắt đầu vẽ.

- Không, không phải thế đâu - tôi sôi nổi bác lại - Mẹ tôi yêu tôi hơn tất cả mọi thứ…Song mẹ tôi đau buồn vì tôi sinh ra trong cảnh nghèo túng, nên muốn tôi kiếm được nhiều tiền.

Tôi kể lại chi tiết như vậy chuyện xảy ra ở nhà ông họa sĩ là vì, thứ nhất, từ hôm đó tôi đã đi làm, mặc dù sau này tôi lựa chọn một công việc khác, thứ hai, vì không thể nào miêu tả tính cách của mẹ tôi và giãi bày những tình cảm của bà đối với tôi tốt hơn là kể những hành vi của mẹ tôi trong câu chuyện ấy.

Một tiếng sau tôi gặp lại mẹ, như hai mẹ con đã thỏa thuận, tại cửa hàng bán sữa. Mẹ tôi hỏi tôi buổi làm mẫu ra sao, bắt tôi phải thuật lại chi tiết những gì ông họa sĩ đã nói với tôi, tuy ông không hề nói gì trong suốt thời gian làm việc. Cuối cùng, mẹ tuyên bố rằng tôi phải cảnh giác. Có lẽ ông họa sĩ đó không có ý đồ gì mờ ám những khối người trong bọn họ thuê người mẫu để cặp bồ. Do đó tôi phải khước từ bất kỳ đề nghị nào của họ.

- Tất cả bọn họ đều rách rưới như nhau - mẹ tôi giải thích - chẳng trông mong gì được ở họ đâu…người nõn nà như con sẽ tìm được nơi chốn tốt hơn…một chỗ tinh tươm hơn…

Tuy lần đầu trao đổi với tôi một câu chuyện tương tự, mẹ nói giọng tin tưởng như đã suy nghĩ kỹ tất cả điều này từ rất lâu.

- Mẹ bảo gì cơ - tôi nghe không rõ, hỏi lại.

Mẹ tôi đáp, giọng úp mở thế nào ấy:

- Tất cả những ông ấy đều hứa những lời hươu vượn chứ không phải là tiền…Một cô gái xinh đẹp như con thì phải giao thiệp với các signor cơ.

- Với các signor nào ạ? Với lại con chẳng quen biết signor nào cả.

Mẹ tôi nhìn tôi và bảo, giọng hoàn toàn khó hiểu:

- Tạm thời con chịu khó làm người mẫu…sẽ liệu sau,…mọi cái, rồi đâu sẽ có đấy.

Tôi hoảng sợ trước vẻ mặt của mẹ tôi, đăm chiêu và hám lợi. Ngày hôm đó tôi không quay lại đề tài này với mẹ tôi nữa.

Nói chung, mẹ đã hoài hơi căn dặn tôi, vì hồi ấy, tuy còn trẻ, tôi đã là một cô gái rất nền nã. Tôi kiếm được việc làm ở cả chỗ những ông họa sĩ khác nữa. Chẳng mấy chốc, các xưởng họa đã biết rõ tôi. Phải thú nhận rằng nhiều họa sĩ đã xử sự nhã nhặn và lịch thiệp, còn dăm ông đã không che giấu tình cảm của mình đối với tôi. Song tôi kiên quyết bỏ ngoài tai những lời ong bướm của họ, nên chẳng bao lâu tôi được tiếng là một cô gái giản dị và đoan chính. Như tôi đã nói, không phải bao giờ các ông họa sĩ cũng tôn trọng tôi, bởi vì tôi cho rằng cái quan trọng đối với họ là vẽ chứ không phải tán tỉnh tôi, nên khi đang làm việc, ai nấy đều nhìn tôi không phải với con mắt của người đàn ông mà với con mắt của nhà họa sĩ như nhìn một chiếc ghế hay nhìn bất cứ một vật nào khác chẳng hạn. Các ông quen nhìn người mẫu, nên tấm thân trần trẻ trung và đầy quyến rũ của tôi không làm các ông xao xuyến, điều đó cũng hệt như ở mấy ông bác sĩ. Thế những bạn bè của các ông họa sĩ lại làm tôi ngượng nghịu. Họ đến xưởng họa và bắt đầu tán gẫu với ông họa sĩ. Song tôi nhanh chóng nhận thấy rằng, dù cố tỏ vẻ hờ hững, họ vẫn dán mắt nhìn tôi. Đám người chẳng biết ngượng là gì, đã cố tình đi đi lại lại khắp xưởng để ngắm nghía tôi cho rõ từ mọi phía. Những cái nhìn ấy và những lời ám chỉ vu vơ của mẹ tôi đã làm thức tỉnh tính đỏng đảnh trong tôi, tôi nhận ra rằng mình xinh đẹp và có thể sử dụng sắc đẹp một cách có lợi. Dần dần, tôi không những quen với sự suồng sã của đám bạn bè ông họa sĩ mà thậm chí còn thấy vui vui khi nhận thấy nỗi xúc động lộ rõ trên khuôn mặt họ, và thất vọng lúc họ dửng dưng. Do đó, tôi ngây ngất và bất giác đưa đến kết luận là nhờ có sắc đẹp, nếu muốn, tôi có thể gây dựng cuộc đời mình tuyệt diệu hơn. Mẹ tôi chỉ cần có vậy thôi.

Hồi ấy, tôi suy nghĩ rất nhiều đến chuyện lấy chồng. Mọi tình cảm vẫn thiêm thiếp trong tôi, còn mấy người nhìn tôi khi tôi làm người mẫu chỉ thức tỉnh trong tôi tính hiếu danh và lòng kiêu ngạo. Tiền kiếm ra được tôi đưa hết cho mẹ, còn những ngày không phải làm việc ở chỗ mấy ông họa sĩ, tôi ở nhà giúp mẹ tôi cắt và khâu áo lót. Kể từ ngày bố tôi làm ở ngành đường sắt bị chết đến nay, nguồn thu nhập duy nhất chúng tôi kiếm được là do khâu vá. Chúng tôi sống trong một căn hộ nhỏ ở tầng hai ngôi nhà thấp và dài, xây cách đây mấy chục năm dành riêng cho công nhân đường sắt. Ngôi nhà nằm ở vùng ngoại ô, dẫn đến đấy là những con đường rợp bóng cây tiêu huyền. Một bên dãy phố gồm toàn nhà ngói như nhà chúng tôi. Đó là những cấu trúc hai tầng, mặt trước xây gạch trần, lối vào ở giữa, có mười hai cửa sổ, mỗi tầng sáu cửa. Tường thànhvà những tháp canh chạy dọc suốt bên kia đường. Tại quãng này được giữ gìn khá tốt và phủ đầy những bụi cây rậm rạp. Cổng thành nằm gần nhà tôi. Bờ rào công viên Mặt Trăng ở ngay sau cổng thành, vách sát tường, đấy là nơi cứ mỗi dịp hè sang là lại rực rỡ ánh sáng đèn và rộn tiếng nhạc. Qua cửa sổ của tôi, nằm chênh chếch với công viên, tôi thấy những dãy đèn màu, mái nhà các dãy có trang hoàng cờ quạt, người đứng túm tụm dưới những cây tiêu huyền râm mát ở ngay cổng ra vào công viên Mặt Trăng. Tiếng nhạc nghe rất rõ. Tối tối tôi thường nằm ngủ nghe nhạc và mơ mộng. Tôi cảm thấy những âm thanh này dội ra từ một thế giới nào đó mà tôi không thể vươn tới. Cảm giác ấy dâng lên còn tôi bị hãm trong mấy bức tường của căn phòng chật hẹp và tăm tối. Tôi cảm thấy tất cả cư dân thành phố tụ tập ở công viên Mặt Trăng và chỉ thiếu mỗi mình tôi. Tôi những muốn vùng dậy và ra đấy, những tôi vẫn nằm im không nhúc nhích, còn nhạc nổi lên tận sáng đã gợi cho tôi ý nghĩ tới những thiếu thốn mà bản thân phải chịu đựng có Trời mới biết được vì những lỗi lầm gì. Đôi lúc khi nghe tiếng nhạc, tôi chua xót khóc, tự thấy mình bị bỏ rơi, cô đơn. Dạo ấy tôi còn rất đa sầu, đa cảm và dễ rơi lệ vì những chuyện không đâu: vì một lời nói thô bạo của một cô bạn gái, vì mẹ mắng, vì một cảnh lâm ly trên phim. Giá hồi còn nhoe, mẹ không giữ tôi tránh xa công viên Mặt Trăng với những chốn vui chơi khác, có lẽ tôi đã coi toàn bộ cái thế giới hạnh phúc này được tạo dựng cho riêng tôi. Song sự túng bấn của chúng tôi, cảnh góa bụa của mẹ tôi và đặc biệt, định kiến của mẹ tôi đối với mọi tò vui chơi mà số phận đã cắt bỏ của mẹ là nguyên nhân khiến tôi không lại vãng tới công viên Mặt Trăng và những chốn giải trí khác cho mãi đến khi chưa hẳn là một cô gái và tính tình được hình thành. Có lẽ vì thế mà suốt đời tôi cứ bị ám ảnh bởi cảm giác cho rằng tôi bị loại ra khỏi một thế giới vui tươi, sáng ngời hạnh phúc nào đó. Thậm chí ngay cả khi tôi biết chắc chắn thế nào là hp cũn không thể rũ bỏ cảm giác ấy.

Như đã nói, hồi mới lớn tôi mơ ước hơn bao giờ hết chuyện lấy chồng. Tôi đã hình dung điều ấy như sau: Con đường hai bên trồng cây ở ngoại ô - ngôi nhà chúng tôi nằm bên đường này - đổ thoai thoải nằm xuống phía dưới, chạy vắt qua một khu dân cư sung túc hơn chỗ tôi. Nhà cửa ở đấy không dài và thấp như nhà của nhân viên đường sắt, trông như những toa tàu bụi bặm, mà là những ngôi biệt thự nhỏ có vườn bao xung quanh. Đây không phải là những ngôi biệt thự lộng lẫy, viên chức và những nhà buôn nhỏ sống tại đây, song so với những ngôi nhà nhỏ tồi tàn của chúng tôi thì chúng xem ra sang trọng và tuyệt vời. Trước hết không ngôi biệt thự nào giống ngôi nào, sau nữa là chúng không bị long lở, ám khói như nhà chúng tôi, nhìn chúng người ta bất giác nghĩ ngay đến thái độ dửng dưng của những người sống trong đó. Cuối cùng, những mảnh vườn nho nhỏ cà sum suê mọc quanh các biệt thự này gợi lên cảm giác hết sức yên ả,cách bức hẳn khỏi cái ồn ào của sự huyên náo đường phố. Còn nhà chúng tôi mang dấu vết của đường phố đúng là trên khắp mọi nơi: trên những cánh cửa lớn giống như những cổng kho hàng, trên chiếc cầu thang rộng, dơ bẩn và trơ trụi. Thậm chí ngay cả trong các căn phòng, đồ đạc cũ kỹ và bát nháo các kiểu gợi nhớ đến những người buôn đồ cũ, chẳng là ngày ngày họ bán ngay trên hè phố những đồ dùng tầm tầm như thế.

Một bận, vào một buổi tối mùa hè, tôi cụng mẹ dạo chơi trên con đường hai bên trồng cây, qua cửa sổ một ngôi biệt thự nhỏ, tôi được chứng kiến một cảnh gia đình đã ghi sâu mãi mãi trong tâm trí tôi và theo cách tôi nghĩ ngày ấy, phù hợp với quan niệm của tôi về cuộc sống bình thường đúng đắn, một căn phòng nho nhỏ những sạch sẽ, tường bồi giấy màu, một chiếc tủ buýp-phê, đèn treo trên chiếc bàn đã bày sẵn. Năm - sáu người, trong đó có ba em bé tuổi từ tám đến mười hai, đang ngồi quây quần bên bàn. Một đĩa súp đang bày giữa bàn, người mẹ đang múc súp. Kể cũng lạ, song điềul àm tôi sửng sốt hơn cả là ánh điện, hay nói đúng hơn, cái khung cảnh đặc biệt thanh bình và đầm ấm đã tỏa làn ánh sáng ấm cúng này lên mọi vật xung quanh. Mỗi khi nghĩ đến cảnh này, tôi lại tự đề ra mục đích là rồi đây sẽ có lúc được sống trong một ngôi nhà như ngôi nhà đó, sẽ có một gia đình tựa như gia đình đó, và sống trong một bầu không khí giống hệt như dưới làn ánh sáng xem ra xem ra mẫu mực cho những tình cảm êm đềm và thanh bình nhất kia. Có lẽ có nhiều người nghĩ mong ước của tôi quá đơn sơ. Song, cần nhớ đến gia đình tôi hồi ấy. Ngôi biệt thự nhỏ đã gây cho tôi - một người đã lớn lên trong căn nhà dành cho nhân viên đường sắt - một ấn tượng chắc chắn giống như những ngôi biệt thự giàu sang và rộng lớn tại các khu lộng lẫy của thành phố đã gây cho những người sống trong ngôi biệt thự nhỏ tôi ao ước. Như vậy, mỗi người coi thiên đường cảu mình là nơi mà tất cả đã trở thành địa ngục đối với những người khác.

Dựa vào tôi mẹ tôi đã xây dựng những ý đồ bạo dạn hơn, những chẳng bao lâu sau, tôi nhận thấy chúng chẳng ăn nhập gì với những toan tính của tôi. Mẹ tôi cho rằng trước hết, nhờ có nhan sắc, tôi có cơ hội thành đạt lớn, những muốn vậy, tôi sẽ không lấy chồng và có con như thường tình. Chúng tôi nghèo, nên nhan sắc của tôi được mẹ coi như thứ tài sản duy nhất, không chỉ của riêng tôi, mà cả cảu mẹ nữa, vì dẫu sao mẹ đã sinh ra tôi. Tôi phải chi tiêu - với sự đồng ý của mẹ - khoản tài sản này, để bằng mọi cách thay đổi cuộc sống của chúng tôi. Chắc mẹ cũng chỉ nghĩ có vậy, nên mẹ là người đầu tiên nghĩ đến chuyện lợi dụng sắc đẹp của tôi. Mẹ một mực bám chắc ý nghĩ ấy.

Hồi ấy tôi vẫn chưa rõ những kế hoạch của mẹ tôi. Thậm chí mãi sau này, khi đã biết mẹ muốn gì, tôi cũng không dám hé răng hỏi xem, do đâu với những quan niệm đó về cuộc sống, bản thân mẹ lại nghèo khổ như vậy và đã lấy chồng là một nhân viên đường sắt tầm thường. Qua những lời nói bóng gió của mẹ, tôi được biết chính là do tôi, chính việc tôi đã bất ngờ và ngoài ý nguyện và là nguyên nhân gây nên nỗi bất hạnh của mẹ. Tóm lại, ngẫu nhiên mang thai tôi, do không dám phá thai (tuy theo lời mẹ lẽ ra phải phá thai thì hơn), mẹ buộc lòng phải lấy bố và gánh chịu hậu quả của cuộc hôn nhân này. Những lần ngụ ý nói đến sự ra đời của tôi mẹ đã bảo: "Mày giết tao!". Thoạt đầu do không hiểu mẹ định nói gì nên tôi rất giận, những sau mới rõ…ý mẹ muốn bảo là: "Giá không có mày, tao đâu phải vướng chuyện chồng con và lúc này thênh thang lên xe xuống ngựa rồi". Dĩ nhiên, do suy nghĩ như vậy về cuộc đời mình, mẹ không muốn cô con gái xinh đẹp hơn mình lặp lại những sai lầm tương tự, và chẳng muốn số phận của con gái rơi đúng vào cảnh ngộ của bản thân. Thậm chí giờ đây khi t đã nhìn nhận sự việc với con mắt từng trải dạn dĩ hơn, tôi cũng không nỡ lên án mẹ. Đối với mẹ, gia đình là cảnh nghèo túng, là tình trạng nô lệ và những niềm vui ít ỏi vị vùi chôn cùng với thi hài của người chồng. Hoàn toàn tự nhiên, có lẽ hoàn toàn đúng đắn khi mẹ cho rằng cuộc sống bình thường là điều bất hạnhvà mẹ chẳng chịu để yên chừng nào tôi chưa chịu nghe theo cái ảo tưởng về những điều mẹ đã không thể làm được.

Mẹ yêu tôi theo kiểu của riêng mình. Chẳng hạn tôi vừa mới được nhận thuê người mẫu cho các họa sĩ, mẹ sắm luôn cho tôi hai bộ cánh: một bộ gồm chiếc váy, chiếc áo vét và một bộ là một chiếc áo dài. Thật ra, tôi muốn có một tấm áo lót mới, vì mỗi lần cởi áo xuống ở chỗ mấy ông họa sĩ, tôi phát ngượng vì áo lót bằng vải thô đã sờn bợt và thường cứ phải mặc đi mặc lại, những mẹ bảo áo lót thì cần gì, có rách cũng chẳng sao, chủ yếu là áo mặc ngoài phải tươm tất. Mẹ chọn hai mảnh vải màu sặc sỡ rồi tự cắt lấy. Song, mẹ là một người chuyên may quần áo lót và chưa hề bao giờ cắt may áo dài, nên dù bỏ ra bao nhiêu công sức, vẫn đánh hỏng cả hai bộ. Tôi nhớ là chiếc áo sài lúc nào cũng bị phanh ngực, nên cứ phải dùng kim băng găm lại. Còn chiếc áo vét bó lấy mông và ngực, tay ngắn cũn cỡn trông tôi y như thòi hẳn ra ngoài quần áo, chiếc váy thì ngược lại, rộng thùng thình thành một đụn tướng xếp nếp ở bụng. Song dẫu sao mấy bộ ấy vẫn cứ là sang trọng đối với tôi, vì trước đây tôi ăn mặc còn tồi tàn hơn, chỉ rặt mấy cái váy ngắn chưa chấm gối, những thứ áo ngoài và khăn cũ kĩ. Mẹ còn mua cho tôi hai đôi bít tất lụa, trước đó tôi toàn dùng bít tất dài và để trơ cả đầu gối trần ra. Mấy món quà này làm tôi rất vui và tự hào, tôi ngắm không chán mắt và thường nghĩ đến chúng. Tôi vênh vênh đi ngoài phố, tựa hồ như không phải đang mặc mấy thứ thảm hại mà là một chiếc áo dài quý do tay thợ hợp thời trang may.

Mẹ tôi lúc nào cũng trăn trở về tương lai của tôi. Được độ một tháng, mẹ đã thấy chán cái nghề làm người mẫu. Mẹ bảo tôi kiếm tiền chẳng được bao lăm, vả lại, cánh họa sĩ và bè bạn họ đều nghèo rớt và cũng chẳng thể tìm được một chỗ quen biết hữu ích trong môi trường của họ. Và thế là mẹ nảy ra ý nghĩ là tôi có thể trở thành vũ nữ.

Đầu óc mẹ lúc nào cũng đầy những ý nghĩ hiếu danh, trong lúc đó thì tôi - như tôi đã nói - chỉ mơ ước có được cuộc sống an bài với chồng con. Ông bầu của một đoàn tạp kỹ biểu diễn trên sân khấu rạp chiếu bóng trước mỗi buổi chiều đều đến đặt mẹ tôi may áo, thế là mẹ tôi liền nảy ra ý nghĩ về cái chuyện múa may này. Mẹ tôi cho rằng thực ra vũ nữ cũng kiếm chẳng hơn gì, song mỗi lần lên sân khấu thì sẽ có cơ hội làm quen với một vị có máu mặt, còn "rồi sau đâu sẽ vào đấy" như mẹ vẫn thường bảo.

Một hôm, mẹ tôi tuyên bố là đã thỏa thuận được với ông chủ gánh hát và ông ta bảo đưa tôi đến. Sáng ra, mẹ con tôi đã đến chỗ ông ta và đoàn hát đang trọ. Khách sạn ấy, bây giờ tôi vẫn còn nhớ, là một tòa nhà lớn cũ kỹ nằm cạnh ga. Trời đã gần trưa mà các hành lang vẫn còn nhập nhoạng tối. Không khí ngột ngạt - do sự ứ đọng qua đêm trong các phòng trọ - ùa ra lan khắp những hành lang, chẳng biết còn lấy gì mà thở. Qua mấy hành lang, cuối cùng chúng tôi bước vào một phòng ngoài nhỏ, khi tôi tới nơi có ba vũ nữ và một người đệm đàn dương cầm đang diễn tập trong làn ánh sáng lờ mờ như thường thấy trên sân khấu. Chiếc đàn dương cầm kê ở một góc cạnh phòng vệ sinh có lắp lớp kính mờ, còn phía kia của căn phòng thấy lù lù một đống khăn trải giường bẩn. Người đệm đàn - một ông già gầy đét - đệm theo trí nhớ. Tôi có cảm giác ông đang mải suy nghĩ chuyện gì đấy và thậm chí hình như ngủ gà ngủ gật. Bỏ áo ra, ba cô vũ nữ trần đến ngang lưng, mình vận độc chiếc váy ngắn cũn cỡn. họ ôm ngang lưng nhau và khi tiếng dương cầm vừa vang lên cả ba cùng lao về phía đống khăn trải giường, nhất loạt giơ chân và hất lúc sang phải, lúc sang trái, sau đó quay người lại, đánh mông khêu gợi tới mức xem ra không phù hợp với chốn tối tăm và âm u như thế này. Khi họ giậm chân đều đều xuống sàn đánh nhịp, rõ ràng tim tôi cứ thắt lại. Tôi nhận ra rằng, chân tay tôi dài và chắc khỏe, song bản thân không hề có chút khả năng nào đối với việc nhảy múa. Tôi đã cùng với hai cô bạn học nhảy ở trường phổ thông của phường. Ngay sau vài buổi đầu tiên, những cô bạn tôi đã nhẹ nhàng di chuyển chân và mông hệt như diễn viên múa thực thụ, còn tôi thì cứ lê lết, tựa hồ từ thắt lưng tôi đổ xuống, người tôi như đúc bằng chì. Tôi có cảm giác mình sinh ra không giống như mọi cô gái, tôi kềnh càng và nặng nề thế nào ấy, ngay cả đến âm nhạc cũng không lay nổi tôi. Sau này, khi tôi thử khiêu vũ - được vài bận chứ có nhiều nhặn gì cho cam - Tôi thấy bàn tay một ai đó siết chặt ngang lưng mình, nên mệt mỏi đến mức không di chuyển được theo ý muốn mà chỉ khẽ lê đôi chân. Một bận, ông họa sĩ bảo tôi:

- Adriana ạ, giá cô ra đời cách đây bốn trăm năm…hồi ấy người ta quý trọng phụ nữ như cô, còn hiện nay, dáng người mảnh dẻ mới hợp thời trang. Trông cô cứ lạc long thế nào ấy. Bốn hoặc năm năm nữa, cô sẽ hoàn toàn giống nữ thần Junon(2).

Về điểm này, cứ cho là ông ta nhận định sai đi, vì đã năm năm trôi qua mà tôi vẫn chưa béo mập và không giống nữ thần Junon, song ông ta nói đúng khi bảo tôi không thích hợp với thời đại phụ nữ mảnh dẻ hiện nay. Tôi đau khổ về sự vụng về của mình, tôi rất muốn làm cho gầy bớt đi và học khiêu vũ như mọi cô gái. Mặc dù tôi rút bớt khẩu phần ăn uống, những người vẫn cứ ngồn ngộn như một pho tượng khi khiêu vũ, ta không tài nào bắt kịp được nhịp nhảy cóc và nhanh của âm nhạc hiện đại.

Tôi giải thích cho mẹ rõ tường tận chuyện này, vì biết là có đến chỗ ông chủ gánh hát cũng bằng thừa và nghe ông ta từ chối, lòng tự ái của tôi sẽ bị tổn thương. Những mẹ tôi liền la lên rằng tôi xinh đẹp gấp trăm lần so với các cô gái bất hạnh nhảy múa trên sân khấu kia và ông chủ gánh hát phải cảm ơn trời đất rằng tôi ưng thuận tham gia gánh hát của ông… Mẹ không biết gì về vẻ đẹp hiện nay, mẹ thực bụng cho rằng ngực căng mẩy, mông nở thì càng đẹp.

Ông chủ gánh hát đợi chúng tôi ở phòng bên, chắc hẳn ông ở bên này theo dõi buổi diễn tập qua cánh cửa để mở. Ông ngồi trên một chiếc ghế bành bên cạnh chiếc giường đã được thu dọn. Khay bày cà phê để trên giường, ông chủ gánh hát vừa ăn điểm tâm xong. Đây là một ông lão béo tốt, chịu chăm chút vẻ bề ngoài, đầu chải sáp và ăn mặc hết sức lịch sự. Giữa đống khăn trải giường nhàu cũ nát này, dưới ánh đèn mờ và bầu không khí ngột ngạt này, ông để lại một ấn tượng đặc biệt lạ lẫm. Khuông mặt ông hồng hào, tôi thấy hình như ông đánh phấn. Ông đeo kính một mắt và mấp máy môi liên tục, thở hổn hển và phô ra những chiếc răng trắng bóng tới mức tôi bất giáo nghĩ ngay đến hàm răng giả. Như tôi đã nói, ông ăn mặc rất lịch sự, tôi đặc biệt nhớ tơi chiếc nơ cùng hình vẽ và màu sắc của chiếc khăn tay gài nơi miệng túi trên áo vét. Ông ngồi doãng chân, giữa hai đầu gối là cái bụng phệ to tướng. Ăn xong, ông lau mép nói, giọng buồn buồn, gần như rầu rĩ:

- Giơ chân xem nào!

- Con giơ chân để signor xem đi con xem đi con. - Mẹ tôi nhắc lại, giọng run lên vì xúc động.

Sau một thời gian làm mẫu cho các ông họa sĩ, lúc này tôi không còn thấy ngượng nữa. tôi kéo cao váy lên và giơ chân ra. Tôi cứ đứng túm gấu váy và để lộ trần chân như vậy. Chân tôi quả là đẹp: dài, thẳng, bằng bặn và chỉ từ đầu gối trở lên chúng mới phỉnh ra và dãn đều suốt dọc mông. Ông chủ gánh hát vừa nhìn ngắm tôi vừa lắc đầu và bảo:

- Cô bao nhiêu tuổi rồi?

- Mười tám tuổi từ hồi tháng tám ạ. - Mẹ tôi trả lời đâu vào đấy.

Ông chủ gánh hát không nói gì cả. Ông đứng dậy, thở hổn hển, tiến đến bên chiếc máy hát đặt giữa đống vải vụn và giấy tờ trên bàn. Ông quay máy hát, chọn một đĩa rồi đặt lên máy và sau đó bảo:

- Bây giờ cô thử nhảy múa theo âm nhạc xem sao nào…cứ giữ váy như vậy.

- Cháu nó mới võ vẽ qua vài buổi tập thôi mà - mẹ tôi rào trước.

Nhận thấy đây là một sự thử thách quyết định và biết rõ sự vụng về của tôi, mẹ tôi sợ tôi không vượt qua được cuộc khảo sát này. Song ông chủ gánh hát đã phẩy tay bảo mẹ tôi im. Ông mở nhạc và cũng với động tác như vậy đề nghị tôi nhảy. Tôi kéo váy lên và bắt đầu vận động như ông đã ra lệnh. Thực ra, tôi uể oải và di chuyển nặng nề từ bên này sang bên kia, luôn luôn cảm thấy mình sai nhịp. Ông chủ gánh hát đứng cạnh máy hát, cùi tay chống xuống bàn, mặt ngoảnh về phía tôi. Ông bỗng tắt máy và quay về chỗ ghế bành của mình sau khi đã chỉ ra phía cửa đầy vẻ ý nghĩa.

- Chẳng nhẽ lại không hợp à? - Mẹ tôi hỏi giọng lo lắng và có vẻ như muốn gây chuyện.

Ông ta không nhìn mẹ, đáp:

- Đúng, không hợp -rồi lục các túi tìm hộp đựng thuốc lá.

Tôi biết rằng khi nào mẹ giở cái giọng ấy ra thì thế nào cũng sẽ sinh chuyện, nên liền kéo áo mẹ. Những mẹ gạt tay tôi sang bên, trợn tròn mắt nhìn ông chủ gánh hát, cao giọng hỏi lại:

- Không hợp à? Thế ông có thể cho phép tại sao không?

Tìm được thuốc lá, ông chủ gánh hát bắt đầu kiếm diêm. Ông quá béo, nên chật vật mỗi khi nhắc chân động tay. Ông bình tĩnh đáp, tuy thở hổn hển:

- Hai năm nữa, cô con gái bà sẽ trở thành một nhũ mẫu tuyệt đẹp…những vũ nữ thì chẳng bao giờ cả đâu.

Ông vẫn chưa biết cái sức mãnh liệt tiềm tang trong mẹ tôi nên sững người trước sự việc xảy ra, thậm chí ngừng hút thuốc và đứng há hốc miệng. Ông định lên tiếng chống chế, những mẹ tôi không để yên cho ông xen vào một lời nào. Mẹ tôi gầy gò, yếu ớt, những chẳng hiểu sao lại có cái giọng như vậy và hăng máu đến thế. Mẹ xơi xơi xỉ vả ông chủ gánh hát già, cùng đám vũ nữ của ông ta mà chúng tôi gặp ngoài hành lang. Cuối cùng, mẹ tôi lôi những miếng lụa, chắc để may áo cho ông ta, ném ngay vào mặt ông ta và hét toáng lên:

- Đi mà nhờ người khác may cho…có lẽ đám vũ nữ nhà ông làm được việc này đấy…còn tôi, cứ rắc vàng đầy người, tôi cũng chẳng may cho ông đâu, có vậy thôi!

Ông chủ gánh hát chẳng ngờ sự việc lại xoay chuyển đến vậy, vải phủ kín từ chân lên đến đầu, ông sửng sốt và đỏ mặt. Tôi kéo tay áo mẹ vì suýt phát khóc vì ngượng và nhục. Mãi sau mẹ tôi mới chịu nghe tôi và bỏ mặc ông già đang tự giải thoát với những mảnh vải lụa, hai mẹ con tôi bước ra ngoài phòng.

Hôm sau, tôi kể lại cảnh ấy cho ông họa sĩ mà tôi thường tâm sự mọi điều thầm kín của bản thân mình. Ông rất không bằng lòng lời tiên đoán của ông chủ gánh hát rằng tôi sẽ là một nhũ mẫu tốt, sau đó ông nhận xét:

- Adriana tội nghiệp của tôi, tôi đã rất nhiều lần bảo…cô sinh sau đẻ muộn…lẽ ra phải ra đời cách đây bốn trăm năm, vì điểm mà hiện nay bị coi là nhược điểm, thì thời ấy rất được coi trọng, và ngược lại…ông chủ gánh hát phần nào có lý đấy…ông ta biết khán giả thích các cô gái tóc vàng gầy gầy có bộ ngực nho nhỏ và mông hẹp, mặt mày ranh mãnh và thô tục…còn cô, tuy không mập những không thanh, hơn nữa tóc lại đen, ngực nở nang và mông cũng vậy, còn mặt thì dịu dàng và thanh thản…biết làm sao được? Cô thích hợp với công việc của tôi…thôi, cô cứ tiếp tục làm người mẫu đi…rồi một ngày nào đó sẽ đi lấy chồng, sinh ra được những cháu bé giống cô, mặt mày cũng bầu bĩnh, dịu dàng và thanh thản.

Tôi đáp, giọng như đinh đóng cột:

- Tôi cũng chỉ mong có vậy thôi!

- Khá lắm - ông họa sĩ động viên - Còn bây giờ cô hãy xoay nghiêng một chút…thế.

Tôi cho rằng ông họa sĩ này gắn bó với tôi và nếu ông còn ở lại Rome thì tôi vẫn tâm sự với ông như trước đây, ông sẽ khuyên bảo tôi, như thế cuộc đời tôi chắc chắn sẽ đổi khác. Những ông phàn nàn là tranh của ông bán không chạy, cuối cùng, ông gặp dịp tổ chức một cuộc triển lãm ở Milan và đến ngụ hẳn tại đấy. Tôi vẫn nghe theo lời khuyên của ông làm người mẫu. Song, những ông họa sĩ khác không nhã nhặn và đáng mến như ông, do đó, tôi không muốn họ nghe về cuộc đời tôi. Thật ra, cuộc đời tôi gồm toàn những mơ ước và hi vọng, chẳng có gì đặc biệt cả.

Hết chương một.

Chú thích:

(1). Theo thần thoại Hy Lạp, Danae là con vua Acrisius, luôn tự cầm mình trong một tháp đồng. Thần Zeus đã đột nhập vào được nhờ hóa thành 1 trận mưa vàng. Danae thường được các họa sĩ lấy làm đề tài cho tranh, dưới dạng một cô gái cấm cung tuyệt đẹp.

(2). Người Hy Lạp gọi là thần Hera, còn người La Mã gọi là thần Junon. Theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần Hera phù hộ cho các bà mẹ sinh nhiều con, giúp đỡ họ khi sinh đẻ.