Sau khi tôi bắt đầu đọc những tác phẩm của Meister Eckhart, một luồng suy nghĩ mới xuất hiện trong đầu tôi. Nó không quá mạnh mẽ nhưng cũng đủ gây ảnh hưởng đến tôi, và cuối cùng tôi cũng bắt đầu hiểu được một số điều mà mẹ Christina đã nói về việc xóa bỏ sự phàm tục trong tâm hồn để có thể đến gần hơn với Chúa Thánh Thần. Nhưng tôi luôn bí mật giữ cuốn sách, vì những xơ như Gertrud sẽ không bao giờ chấp nhận nổi những ý tưởng còn cấp tiến hơn những gì bà đã từng biết. Và dù Eckhart là chất xúc tác, người làm dấy lên những băn khoăn trong tôi lại là một người khác. Khi một trong những bà xơ có tuổi ở tu viện chúng tôi qua đời, Gertrud đã bổ nhiệm tôi vào vị trí của bà ấy, bao gồm cả việc giao thiệp với thương gia cung cấp giấy da cho chúng tôi nữa.
Người buôn giấy da này thô lậu hơn hết thảy những người đàn ông tôi từng biết, vì thế việc chúng tôi trở nên thân thiết với nhau thật đáng ngạc nhiên. Điều đầu tiên ông ta muốn tôi làm là cầu nguyện cho ông. Ông giải thích rằng bà xơ tiền nhiệm thường làm như thế, và đó là bài học đầu tiên của tôi về việc có qua có lại. Nếu tôi làm thế, ông sẽ giảm giá cho tu viện. Ông thú nhận là ông đã phạm tội, nhưng kèm thêm một nụ cười giả lả rằng ông "chưa phạm tội đến mức phải cầu xin được ân xá."
Ông thích nói mọi chuyện trên trời dưới bể và tôi rất ấn tượng với những hiểu biết của ông về chính trị, nhưng có lẽ chỉ vì tôi không biết rằng những điều ông phàn nàn đều là chuyện tầm phào trong bất cứ quán rượu cuối ngày nào. Trong hàng tháng trời làm việc cùng nhau, tôi biết thêm nhiều điều về một nước Đức tồn tại bên ngoài những bức tường tu viện. Đức Giáo hoàng John ôm mối thâm thù với Louis vùng Bavaria. Chiến tranh nổ ra, và những lãnh chúa địa phương đã phải viện đến sự trợ giúp của đám lính đánh thuê gọi là condotta; nhà ngôn ngữ học trong tôi nhận ra ngay đó là một từ vay mượn tiếng Ý. Cái chết được đem ra bán lấy lãi, hoàn toàn không có chút lý tưởng hay lòng tin nào tồn tại, và điều này làm tôi buồn nôn. Tôi không hiểu nổi vì sao con người có thể làm những chuyện như thế, và người buôn giấy da chỉ nhún vai nói với tôi rằng những chuyện như thế xảy ra ở khắp mọi nơi.
Ở trong phòng viết, Gertrud bắt chúng tôi làm việc thâu đêm với cuốn Die Gertrud Bibel, và những nỗ lực đang được đền đáp xứng đáng. Dù bà để tâm đến từng chi tiết, dù chúng tôi vẫn phải làm biết bao công việc khác nữa, tôi vẫn có thể thấy rằng tác phẩm chỉ mất vài năm nữa là hoàn thành. Bà đã lớn tuổi, nhưng tôi biết bà sẽ ép bản thân tiếp tục. Dù ngoan đạo như vẫn luôn tuyên bố, bà hẳn đã phải tranh luận với chính Chúa Jesus xem liệu Người có dám cả gan mang bà đi trước khi mọi sự xong xuôi hay không.
Đó là vào lúc nửa đêm, như bất cứ nửa đêm nào khác, khi một trong những bà xơ đi đến phòng viết và thì thầm về sự xuất hiện của hai người đàn ông, một người đầy vết bỏng nặng đến nỗi trông anh ấy như thể "vừa có một trận chiến với Kẻ thù!" Nghe có vẻ khá thú vị, nhưng tôi vẫn còn việc phải làm.
Buổi sáng hôm sau, xơ Mathildis, y tá của tu viện, đánh thức tôi dậy khi tôi còn đang ngủ trong phòng mình và nói tôi buộc phải có mặt ở bệnh xá, theo lệnh của mẹ Christina. Tôi khoác vội chiếc áo choàng rồi hai người chúng tôi cùng nhau băng qua khu vườn của tu viện trong khi bà thông báo cho tôi rằng bà và những xơ khác phụ trách bệnh xá - xơ Elisabeth và Constantia - đã thức suốt đêm để chăm sóc cho nạn nhân bỏng. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi thấy anh ta có thể chịu đựng được lâu đến như vậy.
Mẹ Christina đón chúng tôi ở cửa bệnh xá. Trong phòng, cha Sunder và các xơ y tá đang chăm sóc một người đàn ông nằm đắp một tấm chăn trắng. Một binh sĩ đã kiệt quệ, vẫn còn khoác trên người bộ quần áo lính tơi tả, đang ngồi ủ ê ở góc phòng. Khi nhìn thấy tôi, anh ta liền nhảy ngay tới và đề nghị, "Xin cô giúp anh ấy với."
"Xơ Marianne, đây là Brandeis, anh ấy đã mang người bị bỏng đến chỗ chúng ta. Chúng ta đã tham khảo tất cả sách y khoa hiện có" - mẹ Christina hất đầu về phía những cuốn sách đang lật mở nơi góc bàn - "nhưng không có đủ thông tin để áp dụng với những vết thương kiểu này."
Tôi không biết họ cần gì ở mình. "Thế bệnh viện Thánh thần ở Mainz thì sao ạ? Con nghe kể đó là một trong những nơi tốt nhất."
Cha Sunder liền tiến lên phía trước. "Chúng ta cũng đã xem xét khả năng đó, dĩ nhiên là thế, nhưng tình trạng sức khỏe của anh ấy quá nguy kịch nên không thể liều lĩnh đi một quãng đường xa như thế. Tất cả những gì có thể làm được đều phải được làm ở đây."
"Nếu có ai đó biết mọi thứ trong phòng viết, thì đó là con," mẹ Christina nói. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, bà thêm, "Và xơ Gertrud, dĩ nhiên. Nhưng bà ấy hiện có rất nhiều nhiệm vụ cần kíp khác, đúng với vị trí của mình, vì thế ta sẽ phải nhờ con tìm tòi trong thư viện bất cứ thông tin nào có thể hữu ích cho việc chữa trị."
Có hai điều trở nên rõ ràng ngay lập tức. Điều đầu tiên, biện pháp này được thực hiện chủ yếu để làm yên lòng Brandeis; hầu như chẳng có chút hy vọng rằng mấy cuốn sách của chúng tôi có thể chứa những thông tin thực sự hữu ích. Điều thứ hai, mẹ Christina không tin Gertrud có thể toàn tâm toàn ý nghiên cứu tìm tòi. Dù chỉ có chút hy vọng nhỏ nhoi là có thể tôi sẽ tìm thấy gì đó, méo mó có hơn không, rõ ràng mẹ Christina đã quyết định rằng mạng sống của một con người quan trọng hơn lòng kiêu hãnh của Gertrud. Điều này, tôi phải thú nhận, làm tôi cảm thấy rất thích thú. Nhưng để lộ ra thì thật thất lễ, vì thế tôi chỉ nhũn nhặn cúi đầu mà nói rằng tôi rất sẵn lòng phục vụ tu viện trưởng của tôi trước Chúa. Yêu cầu duy nhất của tôi là cho phép tôi được xem qua những vết thương của người lính, để tôi có thể biết được mình cần tìm những phương thuốc như thế nào.
Khi lại gần chiếc bàn, tôi đã nhìn thấy khuôn mặt anh lần đầu tiên. Khi đó mặt anh đã bị bỏng nặng, như bây giờ, dù đỡ khủng khiếp hơn, và có một ụ máu lớn trên ngực anh, thấm qua tấm chăn trắng. Tôi không thể không nghĩ nó trông như một bông hồng bật lên khỏi tuyết. Dù chỉ trong giây lát, tôi cũng biết đó là một suy nghĩ không đúng đắn chút nào. Cha Sunder nhìn mẹ Christina, bà gật đầu đồng ý, thế là ông nhẹ nhàng kéo tấm chăn lên. Tôi có thể nghe thấy một tiếng xoẹt nhẹ khi tấm vải đầy máu tách ra khỏi người anh.
Phản ứng của tôi lúc đó đã làm chính bản thân tôi bất ngờ. Tôi đã bị anh cuốn hút hơn bất cứ thứ gì khác, và chắc chắn tôi sẽ không thoái lui. Trong khi tất cả mọi người trong phòng, thậm chí cả người lính tên Brandeis, đều lùi lại một bước, tôi lại tiến lên một bước.
Có những vùng da bị cháy, dĩ nhiên, và cơ thể anh chảy nhiều máu hơn khả năng thấm hút của những dải băng. Tôi xin một mảnh vải để lau chỗ máu rỉ ra. Máu đen, đỏ lẫn xám chảy lẫn vào nhau, nhưng khi lau những vết máu đọng, tôi đã có một phát hiện bất ngờ. Có một vùng hình chữ nhật trên ngực anh không hề bị bỏng. Nó ở bên trái, ngay phía trên trái tim anh, và nổi bật lên giữa những vùng da thịt bị hủy hoại xung quanh. Ngay giữa tâm của nó là một vết thương độc nhất, một vết rạch nơi vật nhọn nào đó đã cắt vào thịt anh. Tôi hỏi Brandeis về chuyện này, và anh ta trả lời rằng đó là điểm đầu mút của mũi tên đã đâm vào anh. Anh ta nói rằng mũi tên không đâm sâu lắm nhưng chính ngọn lửa đã gây nên những thương tổn nặng nề nhất.
Tôi hỏi xem thực sự chuyện gì đã xảy ra. Khuôn mặt của Brandeis chùng xuống, vì anh ta đã kể câu chuyện này cho những xơ y tá rồi và không muốn kể lại nữa. Nhưng anh ta tự trấn an bản thân và bắt đầu nói.
Anh và Brandeis thuộc về một nhóm lính condotta, đội cung thủ đánh thuê. Và anh ta nhìn xuống sàn nhà với vẻ xấu hổ khi thừa nhận công việc mình làm trong ngôi nhà của Chúa. Hôm trước đó đã có một trận đánh. Vừa mới đây hai người các anh còn cầm cung tên bên cạnh nhau, giây tiếp theo anh đã bị trúng một mũi tên lửa. Brandeis phản ứng hết sức nhanh nhạy, nhưng ngọn lửa đã kịp lan ra. Vì mũi tên cắm thẳng vào ngực anh, anh không thể lăn lộn trên đất để dập lửa được, nên Brandeis đã bẻ đoạn gần đầu mũi tên đi. Nói đến đoạn này, anh ta giơ lòng bàn tay cho chúng tôi xem vết bỏng khá nặng của mình. Anh ta cố xé bộ quần áo bén lửa của anh ra nhưng đã quá muộn. Anh đã phải chịu những thương tổn quá nặng nề rồi.
Anh ta ở bên cạnh anh trong suốt trận chiến, dùng cây cung của mình hạ gục tất cả những những kẻ dám mon men đến gần. Khi đối phương đã rút lui, các đồng đội của anh bắt đầu rà soát chiến trường để tìm người sống sót.
Có một luật lệ mà tất cả mọi người đều hiểu rõ. Nếu quân địch bị thương bị tìm thấy, anh ta sẽ bị xử tử. Nếu quân ta bị thương nhưng vẫn có thể chữa lành, anh ta sẽ được chữa trị. Nhưng nếu quân ta vẫn còn sống nhưng vết thương không thể cứu chữa được, anh ta cũng sẽ bị giết. Đây được coi là một hành động vì mục đích nhân đạo cũng như lợi ích kinh tế. Để một người tốt phải chịu cái chết từ từ thì thật không hay chút nào, và cũng rất phi thực tế nếu cứ lãng phí nhân lực và lương thực để giữ lại mạng của một người lính vô dụng.
Khi anh và Brandeis được đám lính đánh thuê tìm thấy, tất cả những người còn lại nhanh chóng đi đến quyết định. Anh đã bị thương quá nặng và anh sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ sở. Họ cũng vậy.
Một chiến binh trẻ tuổi tên là Kuonrat bước tới đề nghị được chém nhát chém cuối cùng, mà không hề nghĩ lấy một giây rằng đây là nhiệm vụ sau này sẽ làm hắn ta hối hận. Kuonrat là một gã háo danh và khát máu chẳng chút lương tri; hắn ta đã để mắt đến vị trí cao nhất, và cái chết của anh đơn giản là loại bỏ một kẻ kỳ cựu ngáng chân hắn trên con đường tới chức condottiere, đội trưởng đội lính mà thôi.
Nhưng ngày đó Herwald vẫn là chỉ huy, và mối quan hệ của anh với ông khá lâu dài và bền vững. Thực ra, ông chính là người đã đưa anh vào đội khi anh còn là một cậu thiếu niên. Anh là một trong những người lính thân cận với ông nhất, và qua năm tháng ông ngày càng trân trọng anh hơn. Ông không hề muốn ra lệnh xử tử anh, nhưng không có lựa chọn nào khác, anh cũng quyết không giao trách nhiệm cho một kẻ như Kuonrat. Vì thế Herwald đã đề nghị Brandeis, người bạn thân nhất của anh làm việc đó. Nếu Brandeis từ chối, Herwald sẽ phải đích thân ra tay.
Brandeis không muốn nghe bất cứ một câu nói nào về việc giết anh hết. Anh ta đứng thẳng người và rút thanh kiếm của mình ra. "Tôi sẽ chém tất cả những ai dám bước tới dù chỉ một bước. Tôi sẽ không để bạn mình bị giết như một con ngựa què đâu."
Tại sao Brandeis không thể đưa anh tới một nơi nào đó và tự tay chăm sóc anh? Lý do nằm ở phương châm của nhóm lính đánh thuê condotta. Một khi đã là lính, anh ta sẽ mãi mãi là một người lính. Đã như thế, vẫn như thế, và sẽ luôn luôn như thế. Một người lính cần phải biết rằng mình có thể trông cậy vào người bên cạnh mình, cũng như biết rằng mình sẽ không bị bỏ rơi trong lúc nguy nan. Để củng cố luật lệ này, tất cả những ai cố gắng bỏ trốn sẽ bị truy đuổi và bị giết hại dã man, không có ngoại lệ. Nếu Brandeis được phép rời vị trí để chăm sóc anh, ai biết được sau này sẽ có ai khác đòi quyền lợi như thế nữa?
Brandeis đứng nhìn xuống anh, thanh kiếm của anh ta giơ lên chống trả cả đội quân và chống lại cả một truyền thống không thể bị phá bỏ. Thật là một việc làm cực kỳ can đảm nhưng cũng không kém phần ngu ngốc. Nhưng, có lẽ, những người lính khác cũng cảm thấy trong lòng dấy lên cảm giác kính trọng khó tả trước một người dám liều cả mạng sống của mình để bảo vệ một người bạn. Tình thế tiến thoái lưỡng nan chỉ có thể được giải quyết nếu Brandeis đưa ra được một giải pháp khả dĩ, và thật ngạc nhiên, Brandeis đã làm được thế.
Brandeis biết được khoảng cách giữa Engelthal và nơi vừa diễn ra trận chiến, và anh ta cũng biết tu viện nổi tiếng là nơi thường xảy ra những điều kỳ diệu. Brandeis đã thề, trên danh dự của anh ta, rằng anh ta sẽ quay lại với đội quân trước trận chiến sắp tới nếu anh ta được phép đưa anh tới tu viện. Anh ta nhấn mạnh rằng - vì tất cả mọi người đều tin kiểu gì thì anh cũng chết - ít nhất anh cũng nên được chết dưới sự bảo vệ của Chúa.
Herwald chấp nhận lời đề nghị, một sự nhượng bộ hiếm có của ông. Về cả lý và tình, đây quả là một quyết định đúng đắn. Nó thể hiện rằng những người lính trung thành sẽ được trọng thưởng, đồng thời giúp ông khỏi phải ra lệnh xử tử một người bạn lâu năm. Và không ai có thể buộc tội ông cho phép một người lính còn khỏe mạnh rời bỏ vị trí, vì anh ta đã hứa sẽ quay lại.