Cô đơn vào đời

Chương 60: Sự thực về sống thử

Từ khi Tếu Ảnh dọn ra ngoài ở, có rất nhiều việc tôi phải thông báo cho Tếu Ảnh. Ví dụ như tiết nào bắt buộc phải lên lớp, buổi kiểm tra nào có điểm danh, buổi nào điểm danh sẽ được tính vào kết quả học tập hằng ngày. Hay như tiết nào thầy cô giao bài tập gì. Thường thì các bài tập thầy cô giao, có rất nhiều học sinh chỉ ấn CTRL + C và CTRL + V rồi là PRINT là được. Nhưng có lần chúng tôi học một ông thầy rất ghét nhận bài in, nên dặn chúng tôi rằng: “Các anh chị copy bài xong, ít nhất cũng phải chép tay một lần cho tôi.” Thế là mỗi lần làm bài tập của thầy ấy là như đang luyện thư pháp vậy.

Hôm đó, tôi đến tổ uyên ương của Tếu Ảnh để thông báo về việc nộp bài tập. Tếu Ảnh rủ tôi ở lại ăn cơm, và thế là chúng tôi đi chợ mua thức ăn. Chúng tôi đi xuống nhà, rẽ phải khoảng 200m là có một cái chợ.

Lúc tôi và Tếu Ảnh đi đến cửa chợ, Tếu Ảnh bỗng bảo tôi: “Cậu đứng ở ngoài này đợi mình, đừng vào trong. Bên trong bẩn lắm, mùi nữa, tớ biết cậu thích ăn món khoai tây và đậu phụ, còn muốn ăn gì nữa không?”

Bỗng nhiên, tôi cảm thấy lòng mình như mềm ra. Mỗi lần tôi cảm động vì một điều gì đó tôi đều cảm thấy tim mình đang băng cứng bỗng tan thành một dòng nước ấm, chạy dọc theo các mạch máu, làm ấm áp mọi sự lạnh lẽo vốn có trong tâm hồn.

Tôi đứng ngôài cổng chờ Tếu Ảnh và diễm phúc được chứng kiến cảnh hai người phụ nữ trung niên dứng trước một quầy bán rau cãi nhau. Họ mang hết họ hàng tổ tông mười tám đời ra để chửi mắng nhau. Điều này với một đứa con gái vốn sống ở các con ngõ nhỏ, các khu chung cư như tôi thì chẳng có gì là lạ lẫm cả. Thậm chí,nghe họ chửi nhau tôi còn chẳng thấy bất cứ cảm giác gì, cứ như thể là họ đang nói chuyện hỏi thăm nhau vậy: Chị ăn cơm chưa? Chị ăn gì vậy? Ăn mì hay ăn cơm? Thế nhưng hôm đó, lúc nhìn thấy họ đang khoa môi múa mép với nhau, tôi tự nhiên nghĩ không biết lúc trẻ họ như thế nào nhỉ, họ có dịu dàng và nhẹ nhàng như Tếu Ảnh không, hay nội tâm giống tôi, luôn cô độc và ích kỷ, họ có giống chúng tôi say đắm yêu một chàng trai nào đó không? Nếu như có, thì tại sao, cái gì đã biến họ trở thành con người của ngày hôm nay>

Mọi vẻ đẹp và sự dịu dàng của người phụ nữ đều bị con dao năm tháng từ từ gọt bớt, bị vứt vào môi trường giữa gia đình và công việc, bao nhiêu lửa to, lửa nhỏ đều dần dần được tích tụ lại và rồi đến lúc nổ lò, biến họ trở thành những con người như hôm nay.

Nhìn thấy họ cãi nhau, vô tình tôi cảm thấy rất bi thương. Tôi đứng ngẩn người ra ở đó cho đến khi Tếu Ảnh mua đồ ăn quay lại.

Tếu Ảnh mua hẳn một cái chân giò thật to! Tôi thấy ngạc nhiên vì trước đây Tếu Ảnh cứ nhìn thấy những động vật hoặc các bộ phận đặc biệt của con vật là sẽ bị buồn nôn như các loại rùa, cua v.v… thế mà hôm nay lại dũng cảm xách hẳn cái chân giò về nhà.

Nhà bếp ở chỗ Tếu Ảnh cực bé, tôi định giúp Tếu Ảnh một tay nhưng hai người đứng thì quá chật chội thế nên đành phải ra ngoài. Tôi nhìn Tếu Ảnh và chợt nghĩ cái giấc mơ khi đứng trong bếp nấu cơm, người con trai mình yêu đứng đằng sau nhẹ nhàng ôm lấy mình mà Tếu Ảnh đã từng mơ chẳng thể nào trở thành sự thực. Cái bếp bé tí thế này thì lấy chỗ đâu cho sự lãng mạn cơ chứ.

Lúc sắp ăn cơm, Trịnh Thường ôm quả bóng về nhà. Vừa mới vứt quả bóng xuống dưới sàn, Tếu Ảnh đã đưa chiếc khăn cho Trịnh Thường, sau đó nói: “Anh tắm đi rồi còn vào ăn cơm.” Trịnh Thường lấy khăn từ tay Tếu Ảnh lau khô mồ hôi rồi thuận tay vứt luôn lên bàn, nói: “Không tắm đâu, ăn cơm cái đã.” Chiếc áo tập bóng của Trịnh Thường lúc này ướt đầm mồ hôi, nhất là đằng sau lưng, ướt đến nỗi chiếc áo dính chặt vào người. Trịnh Thường chẳng ngại ngần gì sự có mặt của tôi, tự nhiên cởi chiếc áo tập bóng ra, lấy một chiếc áo phông từ trong tủ quần áo mặc vào người.

Tếu Ảnh chắc đã quá quen với việc này nên chẳng hề có phản ứng gì. Chỉ có mình tôi trợn tròn mắt nhìn Trịnh Thường mặc vào người đang bốc mùi mồ hôi một chiếc áo mới mà lấy làm kinh ngạc

Người mẹ hiền vợ thảo Tếu Ảnh đã làm xong một bữa cơm thịnh soạn, trong đó có món khoai tây chua cay, đậu phụ sốt cà chua, món chân giò và món cá xào thịt nạc.

Trịnh Thường nếm món chân giò rồi nói: “Sao mà nhat thế này, anh đã nói với em bao nhiêu lần rồi, em tự nấu ăn vừa phiền phức vừa không ngon, sao không mua thức ăn sẵn cho rồi?” Tếu Ảnh nhìn Trịnh Thường, tay cầm đũa đang giơ lên chợt buông thõng xuống.

Trịnh Thường nếm thêm miếng cá xào thịt, rồi lại chê bai: “Món này cũng nhạt. Thôi anh phục em rồi. Đưa ví đây cho anh, anh tự xuống nhà mua bát mỳ bò ăn cho xong bữa.”

Tếu Ảnh do dự một lát rồi lục tìm chiếc ví KITTY hồng đưa cho Trịnh Thường. Trịnh Thường cầm lấy ví, ngoảnh đầu lại nói với tôi: “Xin lỗi tí nhé, em cứ ăn tự nhiên.”

Trịnh Thường ra khỏi nhà không đóng cửa. Một cơn gió lùa vào làm cánh cửa sập đến “rầm” một tiếng, cả căn phòng rung lên.

Đó là lần đầu tiên tôi ăn cơm ở nhà Tếu Ảnh sau sáu tháng Tếu Ảnh ra ở riêng. Bữa cơm hôm đó, tôi và Tếu Ảnh đều cắm mặt vào an, ai cũng có những suy tư riêng, muốn nuốt hết vào trong những điều không vui.

Con gái mà được chiều chuộng thì sẽ trở nên nhõng nhẽo, còn con trai mà được chiều chuộng quá sẽ dần trở nên vô trách nhiệm. Tếu Ảnh là điển hình về việc quá chiều chuộng Trịnh Thường.

Từ lúc ở nhà Tếu Ảnh về, tôi không trở lại căn phòng của hai người đó lần nào nữa. Tôi không thể chịu đựng được khi chứng kiến những cảnh đó. Còng Tếu Ảnh thì từ hôm đó như đứa trẻ bị thương. Vì thế hai chúng tôi cũng ít liên lạc với nhau hơn, cho đến một hôm tôi đọc được một tin rao bán đồ ở trên diễn đàn trường.