Sau khi chuyển sang lớp ban Xã hội, cũng đúng là lúc bắt đầu kỳ thi đua ở trường tôi.
Cứ mỗi lần nghĩ đến câu nói của cô Lý Anh: “Sau này cô sẽ chẳng làm nên trò trống gì”, tôi lại cảm thấy mình như vừa ăn một đống rau chân vịt, lập tức trở nên khoẻ mạnh như thuỷ thủ Popeye.
Điểm kiểm tra các môn của tôi đều đứng đầu lớp. Thành tích học tập tốt làm cho tâm trạng của tôi cũng phấn chấn hẳn lên. Tình cảm với Hứa Lật Dương tiếp tục phát triển ổn định. Mối quan hệ với những người bạn mới cũng vô cùng êm đẹp. Mọi thứ của tôi thời gian này đều rất tốt.
Chỉ có điều, mỗi lần trông thấy cô Lý Anh ở dưới sân trường là tôi liền vòng sang đi đường khác. Mỗi lần gặp phải đứa con trai bị thiểu năng của cô ta ở trước cửa tiệm tạp hoá trong trường, tôi lập tức từ thiên thần biến thành quỷ dữ, rủa thầm trong bụng: “Đúng là quả báo mà, sinh ra đứa con như thế, đúng là đáng đời.”
Đứa trẻ thiểu năng đó, mới chỉ tám, chín tuổi, đi lại xiêu vẹo, nước miếng suốt ngày chảy ròng ròng, cổ buộc một chiếc khăn quàng, ngày ngày đứng bên cạnh sân bóng rổ, đờ đẫn. Nó thường xuyên bị những đứa trẻ bằng tuổi hoặc lớn hơn một chút, bóp má hoặc đẩy ngã chỏng gọng trên sân. Trông rất đáng thương.
Nhưng dù nó có đáng thương đến mấy thì cũng không làm cho tôi cảm thấy thương hại hoặc là có thể tha thứ được cho cô Lý Anh.
Một người đã hại tôi thì người đó sẽ không bao giờ được tha thứ. Cho dù là người đó có rất nhiều chuyện bất hạnh, rất nhiều chuyện cần sự đồng cảm của tôi thì tất cả đều là những hậu quả mà họ phải lãnh chịu, là họ tự tìm đến. Tất cả đều là quả báo, đều không thể làm tôi cảm thấy thương xót.
Sự lương thiện của tôi chỉ dành cho những người chưa bao giờ gây tội lỗi gì với tôi. Nhưng trừ mẹ tôi ra vì và là người thân duy nhất của tôi.
Trong từ điển của tôi không tồn tại hai chữ tha thứ, nếu như có thể quên đi được thì đó là sự tha thứ lớn nhất.
Có một lần vào giờ truy bài buổi sáng, tôi đến muộn. Từ cổng trường tôi phi thẳng lên lớp học, đi qua sân bóng rổ. Tôi nhìn thấy thằng con cô Lý Anh đang đứng đó. Thằng bé đang cầm một cái cốc bằng sứ, đứng dưới bảng rổ, đờ đẫn nhìn tôi.
Tôi nhìn xung quanh sân bóng, rồi nhìn lên dãy lớp học. Không có ai. Vì giờ truy bài của chúng tôi bắt đầu từ 6h30 nên tiệm tạp hoá vẫn còn chưa mở cửa.
Đúng ra tôi đã chạy qua chỗ thằng bé đang đứng nhưng lúc tôi phát hiện ra chẳng có ai ở xung quanh, tôi đã quay trở lại. Tôi nói với nó: “Lại đây!”
Nó vẫn đưa đôi mắt đờ dại lên nhìn tôi chằm chằm.
Tôi học theo cách cô Lý Anh lúc đầu đã quát tôi, ác độc nói: “Nhìn cái gì mà nhìn! Còn nhìn tao móc mắt mày ra cho chó nó ăn.”
Nhưng hình như thằng bé này không hiểu tôi đang nói gì, vẫn cứ đứng đờ ra đó nhìn tôi.
Tôi tiến lại gần, giật lấy chiếc cốc của nó, ở bên trong là một thứ nước màu trắng, hình như là sữa tươi, có điều sữa đã nguội mất rồi. Thắng bé thấy tôi giật chiếc cốc, không khóc cũng chẳng đòi, vẫn đứng đờ ra đó nhìn tôi.
Đáng nhẽ tôi chỉ định sau khi giật cốc của thằng bé sẽ đổ hết chỗ sữa đó để nó không có sữa uống mà thôi. Thế nhưng thằng bé này rất giống mẹ nó. Cho dù ánh mắt nó mới vô tội làm sao, trôngnó mới ngây ngô làm sao, cũng không bù đắp cho việc nó sinh ra quá giống mẹ nó, và cũng không bù đắp nổi việc mẹ nó đã huỷ diệt sự tôn trọng của một đứa con gái mười sáu tuổi như tôi đối với mẹ.
Tôi gần như không hề suy nghĩ gì, lấy tay banh chiếc khăn và cổ áo của thằng bé ra, sau đó đổ hết cả cốc sữa vào bên trong cái cổ áo đó.
Làm xong việc đó, tôi đặt chiếc cốc lại vào tay nó, co chân chạy. Lúc chạy lên tầng, ngoái đầu nhìn lại tôi thấy thằng bé vẫn đờ đẫn đứng đó, tay vẫn cầm chiếc cốc, không khóc lóc gì cả.
Tôi thầm nghĩ bụng: đúng là đồ thiểu năng. Một lúc nữa sữa nó lạnh ngắt, ngấm vào người, mày chắc chắn sẽ bị cảm lạnh. Lúc đó thì mày sẽ khóc cho mà xem.