Chương 2 -
Mới sinh, tôi được gọi là thằng Cu, - cái tên chung thông thường của những đứa trẻ con trai trong vùng. Đến khi tôi biết bập bẹ đòi ăn quà, cả nhà đặt cho tôi cái biệt hiệu là thằng Bòi Cẩu. Hai chữ này cũng chẳng lạ. Nó, tên một thằng ăn mày. Bòi Cẩu là một người ăn mày ở vùng tôi từ thuở thiếu niên cho tới khi già lão. Ngày còn trẻ, Bòi Cẩu làm khuân vác lặt vặt. Về già, Bòi Cẩu đứng lêu bêu ngoài đường vào xin cơm từng cửa. Tôi chỉ nhớ mang máng. Lão thường đi vẩn vơ trên đầu chợ. Quần áo rách lướp tướp. Cái bụng phềnh như cái chum, hũm rốn sâu hoắm. Mặt lão chảy dài, lúc nào cũng nhăn nhó. Đầu lão to như một cái chõ đồ xôi.
Tôi được cả nhà gán cho cái hình dong hao hao giống Bòi Cẩu. Bởi đầu tôi to quá. Cái đầu tôi đã to lại méo mó gồ ghề như quả mít. Bà tôi nói rằng trước đầu tôi cũng tròn trịa dễ coi. Năm lên ba tôi đã thôi bú, lên ngủ một giường với bà tôi. Tôi hiền như một cục đất, xa u mà không khóc. Lúc nào tôi có ư ư giục dịch hờn, bà tôi liền doạ: "Kia kìa, con kèng kẹc... Con kèng kẹc cắn chân... Nín đi, cháu?”. Tôi im ngay. Bà tôi cất tiếng ru ạ ời... Thế là tôi ngủ yên, đầu gối trên cánh tay bà. Gối cánh tay bà mãi, đầu thành méo và lồi dài về phía sau.
Người tôi gầy, chân tay quắt như ống nứa. Cái cổ ngẳng dài nghêu. Ấy vậy mà đầu lại to. Cái đầu to choán tất cả. Ở mỏm đầu sau gáy đã mưng một cái nhọt liền mấy năm trời. Nó bướu gồ như một nắm tay chắp thêm vào đầu. Mỗi năm đến mùa hè cái nhọt lại tấy lên rồi vỡ mủ. Chữa bao nhiêu thuốc cũng không dứt. Ông tôi nói:
- Nó là cái thiên thạch mạch lươn. Đầu đanh có ngòi ăn vào tận óc. Không chữa cẩn thận, có khi khốn. Cái này phải vào Sống lấy thuốc thì mới may ra. Thuốc cao ông lang Sống chuyên trị giống mạch lươn.
Tờ mờ sáng hôm sau, ông tôi vào Sống. Từ nhà tôi vào đến miền Sống, qua cánh đồng đất ngót hai mươi cây số. Ông tôi mang đi năm hào bạc. Xế trưa, đã về. Mua hết ba hào thuốc cao. Còn lại đủ hai hào, không tiêu hụt một đồng chinh.
Nhưng cái thuốc cao Sống danh tiếng ấy cũng chẳng chữa khỏi được. Cái đầu đanh nổi thành gờ gờ, tun hút lỗ ở giữa. Có năm, ông lang Sống ra tận nhà, cầm dao khoét cái nhọt của tôi. Cái lỗ chảy nước vàng thối rử cho ruồi bu lại.
Đến năm tôi đã biết lững thững ra đứng chơi đầu ngõ, cái nhọt dần dần tẹt đi. Chẳng hiểu khỏi vì thuốc cao, thuốc đồ hay vì lưỡi dao khoét.
Từ khi tôi bé, mới biết nhìn và trong ký ức lẫn lộn mang máng qua bao nhiêu năm này tháng khác, tôi đã thấy ông tôi già rồi. Lúc nào cũng thấy ông tôi như thế, đều đặn từ cái lặt vặt hàng ngày đến những nét nhăn nheo trên mặt. Đầu ông tôi trọc nhẵn, lơ thơ tóc bạc, ngó được cả lần da bóng đỏ. Độ hơn một tháng, ông tôi lại ra vại nước mài một con dao bổ cau thật sắc, đưa lên đầu cạo lấy. Nhiều lần mấp xuống da, máu chảy dòng dòng. Phía má bên trái ông tôi có một cái nốt ruồi. Ở vết nốt ruồi mọc ra mấy sợi râu dài bạc mờ như cước, quyện lẫn cả vào chòm râu thưa bên mép. Đôi mắt lờ đờ. Tuy mắt không kém mấy nhưng có màng gợn trăng trắng và ướt xung quanh mí. Phía dưới mí gồ lên hai cái bọng. Những nếp răn chảy trên má rạt quanh xuống hai bên cằm. Rồi bắp tay bắp chân nhẽo thịt, da teo lại, tưởng có thể kéo chun ra được như cái yếm cổ bò. Hẳn ngày trước ông tôi lực lưỡng lắm.
Buổi sáng, khi tôi bừng mắt, nhìn sang cái ghế dài gian bên đã trông thấy đốm thuốc lá sáng phập phèo. Ông tôi ngồi bó gối, bao giờ cũng một kiểu ấy, hút thuốc lá, nhìn ra sân.
Suốt ngày, ông tôi ngồi ở đấy. Ngoài việc quét lá rụng trước sân, ông tôi không cất nhắc một việc gì khác nữa.
Những điếu thuốc lá quấn lấy, ngắn và bẹt đuôi như những cái tổ sâu. Hết mỗi điếu, ông tôi lại dán cái đuôi lên hóc cột. Những chiếc đuôi thuốc lá dán nối nhau dài liên tiếp đến hơn một sải tay, mấy hàng song song. Có tới mấy chục hàng đuôi thuốc lá trên cột. Sau này, gia đình tôi kém phong lưu và nghèo dần mãi đj. Vào những ngày mưa sập sùi, ông tôi thường sai tôi giải một tờ giấy phèn xuống phản. Ông tôi bóc những đuôi thuốc lá trên cột để tụ thành một đống rồi xé bụng những mẩu giấy đuôi thừa ấy. Mỗi mẩu, rơi ra một rúm thuốc. Những rúm thuốc nhỏ ám khói đen trộn lại thành đống thuốc khá to. Ông tôi lại đem hút dần như hút thuốc mới. Giấy thuốc lá không phải mua. đã có những quyển sách chữ nho dọc gọn ghẽ thành những tờ nhỏ. Thỉnh thoảng bà tôi đi chợ lại mua thêm một bánh thuốc. Bánh thuốc ấy, ông tôi lại đem trộn với cái thứ thuốc luân hồi kia mà hút, hút đi hút lại. Mùi thuốc khét đắng cả mũi. Mỗi buổi sớm, những đốm thuốc lập loè. Ông tôi ngồi, hai tay xếp vòng, khoanh trên đầu gối, ngước ra sân. Thường cả ngày, không nói.
Buổi chiều, ông tôi uống rượu. Ông tôi uống ngữ, hết áng chừng một cút nhỡ bốn xu. Thức nhắm chỉ là bánh đậu phụ chấm mắm tôm. Ông tôi ưa thích thức nhắm lặt vặt, linh tinh, ếch, lươn, tép cá. Thịt chó, húng quế thì thú lắm. Tôi được ngồi ăn cơm cùng mâm rượu của ông tôi. Cả nhà mâm khác. Khi cả nhà ăn xong các dì tôi mới dọn rượu. Mâm đặt trên một cánh phản đầu nhà ngang, bên cạnh gốc cây ổi. Ông uống rượu nhấm nháp, cháu ăn cơm. Hai ông cháu ngồi gật gù. Chẳng may, dạo ấy tôi lại chưa biết ăn thịt chó.
Tôi yêu ông tôi nhất, tôi ghét, tôi sợ ông tôi nhất và tôi cũng biết rõ ông tôi, dưới hai con mắt thơ dại của tôi, những khi tôi ngồi bên mâm rượu với ông. Chỉ đến lúc hai ba chén cay vào, ông tôi mới nói. Ông tôi chửi bà tôi. Lúc ấy, ông tôi ngồi rút cả hai chân lên phản. Hai bàn tay ông tôi nắm lại đặt đều xuống hai bàn chân, tựa lối ngồi của ông Ba Mươi trong những bức tranh thờ. Ông tôi đợi bà tôi nói thêm một câu. Chỉ một câu thôi. Câu gì cũng được, nghĩa là nói lên nghe ngứa hai lỗ tai. Không bao giờ bà tôi im được. Thế là ông tôi vừa hét, vừa đập tất cả những thứ gì vô phúc có xung quanh mình. Ông tôi cũng không phá được mấy. Bởi cứ khi ông tôi sắp nổi nóng, các dì tôi đã cất dọn sạch bốn bên. Ông tôi chỉ quăng ra sân được mấy đôi đũa, cái bát rếch. Ông tôi ra góc nhà, vớ cái rõi cửa, đuổi theo bà tôi. Bà tôi huỳnh huỵch trốn ra ngõ. Ông đứng trong đầu tường, quát thêm mấy câu, rồi lại cất gậy cẩn thận vào xó cửa chỗ lúc nãy. Một chốc, nghe tiếng ngáy rền rền bay qua khe giại. Mỗi lần xảy ra những lộn xộn kinh khiếp thế, tôi cứ thất đảm cả người. Tôi chạy đến bíu lấy váy bà tôi, van bà tôi đừng nói. Nhưng bà tôi cứ nói toang toang. Đến lúc ông tôi vác gậy, tôi hốt hoảng, chạy nép vào khe tường, hai tay bưng mặt. Nhiều khi, cơn hãi đến, tôi nhợt nhạt mặt mũi cứ đứng ngơ ngẩn trong góc nhà.
Nhưng cũng có những buổi chiều, ông tôi uống rượu hiền lành. Ông kể cho tôi nghe biết bao nhiêu chuyện ngày xưa.
Không phải là chuyện Tấm Cám, truyện Anh ngốc đi buôn vôi buôn bông, buôn quít. Đây là những chuyện ngày xưa của ông tôi. Tôi nhìn ông tôi, kính phục như là nhìn một ông thánh tưởng tượng.
Ngày trước, ông tôi đã từng đi ăn trộm, đi ăn cướp. Ông tôi đã chém đầu kẻ trộm. Ông tôi lại đâm cả kẻ cướp. Ông tôi có đủ các thứ võ. Đấu nhau với ai, ông tôi cũng được. Ông tôi chống một chiếc gậy, dậm chân, vỗ đít đánh đẹt, rún một cái nhảy vụt qua nóc nhà, dễ như chơi. Bạn ông tôi toàn các tay võ danh tiếng. Những quận Vang, quận Tiền mấy tay chặt đầu người ta như củ chuối. Có những ông cứ buổi chiều tối, tụ họp nhau ngoài cánh đồng, bắc loa gọi vào trong làng: "Bớ ba quân thượng hạ... Bớ ba quân thượng hạ...". Làng nào làng nấy sợ cúp hai tai. Rồi các ông chia nhau đi ăn cướp. Có những ông mang nhau lên rừng làm kẻ cướp. Có người kéo cờ làm giặc, chẳng thấy bao giờ trở về.
Ông tôi thường nhắc lại tên từng người. Cũng như ông tôi thích kể chuyện ông Đề Thám, ông đốc Tít. Và ông tôi hay kể chuyện ông đi lính ngày xưa, thời quan ta. Đầu ông tôi đội chiếc nón sơn. Ông tôi mặc cái áo nâu dài, hai vạt loè xoè thắt lưng bó que ngang bụng. Chân thì giẫm đất. Vai đeo khẩu súng hoả mai. Bộ quần áo lướt mướt ấy, mặc mãi cho đến lúc bạc phếch, rồi rách bươm, lại về nhà tảo bộ khác. Có anh quần rách, xé dần cho gọn cụt lên đến khỏi khoeo. Cứ đi đến đâu thì ăn, ở đấy. Nơi nào lắm lợn, ăn lợn. Nơi nào nhiều gà, bắt gà chén. Có những vùng kém đói, lính cứ phải vác liễn rều rễu đi xin tương. Rồi cơ binh đóng giữa một cánh đồng. Cánh đồng giêng hai ngày mùa, chỉ rặt một giống cà chua ta như hòn bi đỏ choẹt. Lính đành ăn cơm cà chua hàng tháng. Sau chuyến ăn cà chua mấy trăm bữa này, ông tôi sợ cà chua đến tận ngày về già. Hễ ăn cơm trong mâm có bát canh cà ông tôi không dám đụng đũa.
Còn bao nhiêu chuyện lính lặt vặt vừa buồn cười vừa thảm thương không nhớ hết. Trong những ngày xưa kỳ dị mênh mang của ông tôi còn những chuyện ghê gớm hơn chuyện võ và chuyện lính...
Ông tôi kể ngày xưa ông tôi đã đi phu mộ làm đường trong Phan Rang, Phan Thiết. Ngày xưa, cái ngày mà làng này nghèo xác xơ. Cỏ mọc đầy đường cái. Hai bên vệ bùm tum những bụi găng gai góc. Một năm, đói kém, Tây mộ phu vào miền nam Trung kỳ làm đường. Chẳng sao? Đến xuống Âm Ti cũng đi, miễn là có tiền. Và miễn là được ngay mấy đồng bạc tiền thưởng trước để đem về cho vợ con ăn ở nhà. Ông tôi cùng mấy người làng rủ nhau ra đi. Mấy trăm con người đáp tàu xuống Hải Phòng, rồi từ Hải Phòng đi tầu thuỷ vào miền trong. Đổ bộ lên quãng Phan Rang, Phan Rí gì đó. Con đường lớn xuyên Đông Dương mới phá đến quãng này. Rừng núi thăm thẳm, rùng rợn. Người ta lên những cơn bệnh rét cuống cuồng ôm lấy nhau, ôm lấy cây, ôm lấy mặt đất. Ban đêm, không dám ngủ, cứ ngồi rúm lại với nhau đợi chết.
Một đêm, ông tôi và hai người nữa băng rừng trốn. Sáng hôm sau, khi mặt trời lên trông ra chỉ còn mỗi mình ông tôi. Hai người kia lạc đâu không biết. Mấy hôm liền chạy trong rừng, không dám ra, sợ người ta tóm lại. Đến khi đoán chắc đã khỏi chỗ làm rồi mới dám mon men lần ra ngoài đường. Từ bấy, hướng về phía bắc, ông tôi cứ theo con đường ấy mà vượt đi thục mạng. Bắt đầu cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Chân bước trên đường, chẳng cần biết đâu ngày, đâu đêm. Khi ngủ cầu, ngủ điếm. Khi nằm trên cây giữa rừng. Có những ngày ông tôi lang thang ăn mày từ vùng này sang vùng kia. Ông tôi còn nhớ, kể những cửa Hải Vân, những đèo Cả, đèo Rù Rì... bao nhiêu danh từ kỳ dị gợi nên muôn hình ảnh núi sông lạ lùng trong đầu tôi.
Một buổi kia, tới một xóm chài ở bến đò thì mặt trời vừa xế bảng lảng bóng vàng. Đi cả ngày, đã mệt lắm, muốn nghỉ lại nhưng túi chẳng có lấy nửa đồng gãy. Ông tôi bước thất thểu, ngó vào từng cửa ngõ. Ông tôi thấy mọi người xúm quanh một người đàn ông, một người đàn bà và một đứa trẻ con. Thằng bé chừng bẩy tuổi, bị bỏng suốt từ bả vai xuống. Nó khóc ngằn ngặt. Ai mó vào nó, nó giẫy lên. Người mẹ sợ quá cứ gào to. Người cha cúi xuống cố ẵm con lên.
Ông tôi ló đầu vào đám đông. Chẳng hiểu sao, hoặc bởi bộ quần áo và chiếc khăn gói trên vai, người ta xì xào: "Ông lang đây rồi”. Ngỡ ông tôi là người bên đạo thường che ô, xách bọc đi bán thuốc rong vào những ngày mùa hè khắp các miền quê.
Người mẹ đương khóc cũng ngẩng đầu lên. Trông thấy ông tôi, chị xụp ngay xuống lạy, kêu: "Ới ông ơi, ới ông ơi, ông cứu con tôi, ông cứu con tôi...". Ông tôi chưa biết phân trần thế nào thì người chồng cũng quay lại: "Ông lang đấy ư? Lạy ông, lạy ông, ông cứu...”. Hai vợ chồng hì hụi lạy. Ông tôi càng quýnh quýnh. Nhưng ông tôi cũng chấn tĩnh ngay. Ông tôi nghĩ: "Cái này là cái chết đây. Lạy giả người ta mà bước ngay, hay cứ liều. Rồi liệu sau. Đến đâu hay đấy”. Ông tôi làm theo cái điều thứ hai, điềm nhiên nói: "Được, tôi chữa cho. Bây giờ các bác hãy ẵm cháu vào nhà cho khỏi gió". Cố nhiên, ông tôi cũng vác khăn gói lủng lẳng mà theo về nhà người ta. Ông tôi bảo cha thằng nhỏ rằng: "Bác tìm đâu vài chiếc trứng gà, đập ngay hai chiếc, cứ nguyên thế mà xoa lên khắp chỗ bỏng cho cháu. Xoa trước, rồi tôi sẽ tra thuốc sau". Tài tình quá, trứng gà phết vào cánh tay thằng bé được một lúc thì nó không kêu nữa. Cái trứng gà vốn mát, bôi dịu da. Hai vợ chồng nhà chài mừng quýnh. Thế là cơm rượu đâu vác ra đùng đùng. Nhà chài ven sông, chẳng lúc nào thiếu cá. Ông tôi đã chén một bữa no say nhất đời. Từ ngày bước chân ra đi, chưa được bữa nào thống khoái như vậy.
Ông tôi uống một ngụm rượu, nhắm một miếng đậu phụ rồi ngồi yên. Tôi ngồi chầu hẫu, hóng lên miệng ông. Ông tôi mủm mỉm nói:
- Nhưng còn thuốc, ông lang thì phải có thuốc, thuốc ở đâu mà tra cho thằng bé? Tao lo quá. Phúc làm sao, tao nghĩ ra một mẹo. Tao nằm áp vào vách, lấy móng tay cạo một vốc mùn đất vách. Trên giường thờ có hai quả trứng trong bát nước cúng. Tao nhót một quả, đập vào lòng bàn tay, luyện với đất vách, thành một hòn thuốc viên thâm thâm. Gà gáy, tao dựng vợ chồng nhà chủ dậy. Tao bảo thuốc này phải bôi cho trẻ lúc mặt trời chưa mọc thì mới nghiệm. Tao đem “cục đất thuốc” hoà với một ít nước cho nó lỏng sền sệt, bôi lên khắp cánh tay thằng bé. Thằng bé đau đớn cựa quậy suốt đêm, bấy giờ nó ngủ li bì. "Thuốc" chát đen xỉn một cánh tay. Nhà chủ có vẻ tin lắm. Rồi tao từ tạ nhà chủ, xin đi ngay, nói là có việc cần. Vợ chồng chèo kéo mãi, cố nèo nhà thầy ở lại xơi cơm sáng. Tao nằng nặc quyết đi. Con vợ nó còn chạy theo ra tận đầu xóm nằn nì. Tao phải giằng tay mà đi. Đi khuất đầu xóm tao cắm cổ chạy một mạch. Được đến mấy cây lô mét, giời mới hưng hửng sáng. Bấy giờ mới hơi hoàn hồn, yên chí không thể ai đuổi kịp được nữa.
Rồi một đêm kia, về được tới cây đa cổng đình. Chính ra ông tôi đã về từ trưa, nhưng quần áo rách quá, cứ nằm ngoài đồng.
Ông tôi gọi cửa. Bà tôi ra mở, trông thấy, sợ quá, rú lên tưởng hồn ma hiện về.
Thì ra, khi ông tôi đi độ vài tháng có tin về làng rằng các tầu "đi Tân Thế giới” ra đến giữa bể thì bị cá ông voi ăn thịt cả mấy trăm con người. Đó là một tin đồn hão. Không có tàu đắm, cá voi ăn thịt người, nhưng mấy làng ra đi, chỉ có một mình ông tôi phải mấy tháng trời mới mò về được.
Tôi băn khoăn, hỏi ông:
- Rồi thằng bé phải bỏng nó có chết không, hả ông?
- Tao biết đâu! Thằng này chỉ hỏi lẩn thẩn!
Tôi nín thít.
Ông tôi uống rượu xong, chệnh choạng lên nhà. Ông tôi nằm gối đầu trên một mẩu gối gỗ mít thực cao như cái bao diêm khổng lồ. Đầu giường dựng một cái gậy tre đực. Cuối giường có cái gậy sắt. Trước giại, nằm gác ngang một chiếc thùng lùng, cán tre hun khoanh đốt, mũi sắt nhọn. Như là phòng đêm có cướp.
Đôi khi, tò mò, tôi nhòm vào, hai tay ôm cột, lé một mắt xem ông tôi ngủ.
Sớm hôm sau, khi tôi bừng mắt trông cạnh ghế dài gian bên đã thấy đốm thuốc lá lập loè. Ông tôi ngồi quặp hai chân tay khoanh trên đầu gối. Ký ức tôi, lúc nào cũng in cái dáng ông tôi như con hổ ấy.