Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 188: 188: Nạn Hạn Hán – Phần 1

Năm nay mùa xuân tới sớm, đào trong thôn nở từng nụ hoa hồng phấn.
Cây mận càng gấp gáp hơn, chỉ trong một đêm toàn bộ hoa đã nở rộ, mùi thơm nồng hấp dẫn đám ong, bướm bay tới.
Nhưng chỉ qua một cơn mưa xuân đám hoa mận đã bị gió táp mưa sa thổi bay, chỉ còn vài đóa èo uột đậu trên cành.


Qua một cơn mưa xuân ấy cả ngọn núi lập tức tỉnh lại, dương liễu, cây sồi đều nảy lộc, hoa đào, hoa lê cạnh tranh nhau mà nở, cây mận đã qua mùa hoa nên lúc này mọc đầy lá xanh, xen kẽ đâu đó là từng quả mận nho nhỏ cũng màu xanh.
Người của Đào gia thôn sôi nổi vác cuốc bận rộn trên đồng.


Nam nhân thì xới đất, nữ nhân thì gieo giống, nơi nào cũng là cảnh tượng ngày xuân đi cày bừa cực kỳ náo nhiệt.
Ân Tu Trúc cũng làm anh nông dân nhưng rất nhàn nhã.
Hắn chẳng cần nhọc lòng đống ruộng cho thuê ở trấn trên mà mỗi ngày chăm chú hầu hạ hai mẫu đất ở Đào gia thôn.


Những anh nông dân khác trong thôn mặt trời mọc là đi làm, còn hắn lại mang theo con trai luyện hai bộ quyền sau đó đốc thúc tụi nhỏ đọc mấy trang sách rồi để lại ít bài tập cho tụi hắn làm mới chậm rãi khiêng cuốc đi xới đất.


Chưa tới buổi trưa hắn lại khiêng cuốc về, ăn cơm trưa xong hắn ngủ một lát rồi lại khiêng cuốc đi ra ruộng xới đất.
Nhà người khác có mấy chục mẫu đất, còn nhà hắn chỉ có hai mẫu nên nhàn nhã là đương nhiên rồi.


Ruộng ở trấn trên tuy nhiều nhưng xa, vì thế hắn đều thuê người trồng hộ, sau khi giao xong thuế má và trả công người làm thuê thì hắn chỉ giữ lại đủ lương thực tồn còn lại bán đi đổi thành bạc trắng.


Anh nông dân nửa mùa này hiện tại đang trải qua ngày tháng thích ý, trong rương lại hẳn sẽ có thêm không ít tranh mô tả cuộc sống điền viên.
Lúc không có việc gì hắn sẽ lấy ra xem một lượt, đây cũng là thú vui đó!


Nông dân dựa vào ông trời mà ăn cơm, lúc gieo giống mong trời mưa, khi thu hoạch mong trời nắng.
Mấy năm nay tuy không ngừng có hạn hán và ngập úng nhỏ nhưng ông trời cũng coi như nể mặt, mỗi năm đều có lương thực thu vào.
Nông dân chỉ cần tiết kiệm chi tiêu thì ngày tháng trôi qua cũng không tệ.


Năm nay vào lúc cày bừa vụ xuân có một cơn mưa xuân rơi xuống, người già có kinh nghiệm nhất trong thôn cũng phải vuốt râu khen: “Một năm lo liệu từ xuân, mưa xuân tới kịp thời như thế hẳn năm nay sẽ mưa thuận gió hòa, được mùa đầy bồ!”


Nông dân thích nhất bốn chữ mưa thuận gió hoà, tương đương với thu hoạch và được mùa.
Vì bốn chữ này mà nông dân cực kỳ vui mừng, trong tiết cày bừa nơi nơi đều là tiếng cười hòa thuận vui vẻ.
Năm vừa rồi mùa xuân khô hạn nên người của Đào gia thôn phải tích nước từ sớm.


Năm nay mưa xuân đầy đủ nên chẳng ai nói tới chuyện tích nước.
Nhưng chờ mọi người phát hiện ra mãi vẫn không có mưa và vội vàng tích nước thì đã chậm.


Các thôn xóm cạnh con sông đều dùng xe đạp nước để tích nước vì thế nước sông cạn theo tốc độ mắt thường có thể nhìn ra được.
Đến lúc sau mọi người đành phải gánh nước tưới cho hoa màu.


Mỗi ngày các thôn dân mệt đổ mồ hôi như mưa nhưng khổ nỗi một gáo nước tưới xuống chỉ trong chớp mắt đã biến mất trong một mảnh đất đai khô nứt.
Hoa màu từ từ héo úa.
Yển Đường trong thôn chẳng có bao nhiêu nước, chẳng đủ để ươm mạ.


Tộc trưởng Đào Trường Diệu và đương gia của các hộ trong thôn thương lượng một phen cuối cùng quyết định không ươm mạ nữa mà dùng số nước còn lại đảm bảo thu hoạch của đám tiểu mạch.
Tới tháng 5 tiểu mạch chín nhưng không có cảnh sóng lúa vàng tươi như năm rồi.


Hiện tại chỉ thấy bông lúa nhỏ một nửa, cây mạch thưa thớt, lúc thu về kho lúa sản lượng chỉ còn một phần ba năm vừa rồi.
Trời khô hạn lại gặp mùa hè nóng bức vì thế nước sông nhanh chóng bốc hơi hết, lòng sông lúc này như một cái mương nước nhỏ chừng ba thước.


Rất nhiều thôn dân mang theo con trẻ trong nhà đi dọc bờ sông nhặt cá mắc cạn về nhà phơi thành cá khô.
Năm nay lương thực thất thu, các thôn dân cũng muốn tiết kiệm tích trữ nhiều một chút, đống rau dại ở bờ ruộng cũng bị đào sạch, nấm và mộc nhĩ trên rừng cũng chẳng còn.


Cũng may trong Đào gia thôn nhà nào cũng có lương thực tồn nhưng dù không sợ đói chết bọn họ vẫn lo miệng ăn núi lở nếu tiếp tục không có thu hoạch vì thế ai cũng ủ dột!
Đào Tam gia sầu đến độ mỗi ngày ăn không ngon ngủ không yên.
Lý thị thu dọn đống lương thực tồn trong nhà một lần.


Lúc này nhà họ nhiều người, mỗi ngày ăn uống cũng là một vấn đề.


Ân Tu Trúc khiêng hai bao lương thực tới nói là nhà hắn thiếu người, lương thực tồn lại nhiều nên nếu bên này không đủ ăn thì hắn sẽ đưa thêm! Lý thị đương nhiên là vui mừng nói: “Cháu ngoan, nhà ta cũng tồn không ít lương thực, năm rồi chỉ có chút thiên tai nhỏ nên không ảnh hưởng thu hoạch.


Dù năm nay hạn lớn chúng ta vẫn có thể ứng phó, hơn nữa trong tộc còn có tộc lương nên cháu cứ mang cái này về đi! Mấy tên nhóc đang lúc cao lớn, không thể để tụi nó thiệt thòi được!”


Ân Tu Trúc kiên trì buông lương thực rồi cáo từ nhưng Lý thị lại sai Tam Bảo mang lương thực trả về khiến hắn cực kỳ bất đắc dĩ.


Tam Bảo cũng khuyên: “Đại ca, kho lương thực nhà ta cũng có không ít, ông bà nội từng trải qua nạn đói khi còn nhỏ nên cực kỳ quý trọng việc tồn lương, chỗ ấy đủ ăn ba năm chứ chẳng chơi đâu.”
Ân Tu Trúc cười cười sau đó đành cất hai túi lương thực vào kho lúa.


Hạn hán năm nay đúng là 50 năm mới gặp, lòng sông khô cạn nứt thành khe rãnh rộng tới nửa thước, nước cũng đã sớm bốc hơi hết.
Mọi nhà trong Đào gia thôn có lương thực tồn thì trong lòng còn tương đối an ổn, nhưng hai cái giếng ở thôn đông và thôn tây lại đã thấy đáy.


Tộc trưởng Đào Trường Diệu lại gọi mọi người tới họp sau đó mang theo trai tráng lần mò ở chân núi phía đông và phía tây tìm mạch nước ngầm.


Mọi người nỗ lực đào được hai cái giếng khác sau đó tuyên bố: Vì nước giếng có hạn nên phải quản lý, tính theo đầu người, mỗi người một ngày được một gáo nước.


Thôn dân nghe thế thì to nhỏ, có người hét lên: “Thế gia súc trong nhà phải làm sao? Một ngày heo phải uống cả xô nước ấy chứ.”
Đào Trường Diệu nói: “Có nhà ai không nuôi heo, ngươi cũng không nhìn xem tình huống năm nay thế nào.


Giếng này mỗi ngày chỉ có từng ấy nước, nếu nuôi cả heo nữa thì người cứ chờ mà chết khát đi!”
Thôn dân đều lập tức im lặng, đúng vậy, người đều không có nước mà uống thì còn hơi đâu quản gia súc nữa.


Đại đa số thôn dân đều mua heo con vào mùa xuân, hiện tại mới được vài tháng, làm thịt thì không bõ, bán lại không được bao nhiêu.
Năm nay nhà Đào Tam gia cũng nuôi bốn con heo, mất bảy lượng bạc.
Hiện tại bọn họ cắn răng mang bốn con heo choai choai cùng 30 con gà tới trấn trên bán.


Ai biết hiện tại cũng có bao nhiêu người tới trấn trên bán heo bán gà.
Bọn họ đều bị nạn hạn hán ảnh hưởng, muốn bán đi kiếm chút tiền vốn.
Có lái buôn nhân cơ hội này ép giá, mua đủ một xe heo và gà đi tới huyện thành hoặc Thục Châu bán.


Đào Tam gia tức quá, một hai bắt Trường Phú và Trường Quý kéo heo và gà về.
Trường Phú nói: “Cha, ngài đừng giận nữa, con không bán là được.
Người ở đây nhiều, lái buôn lại ép giá, chúng ta tới chỗ Đại Bảo nghỉ chân đã!”


Đào Tam gia cưỡi trên lưng lừa rồi tức giận cùng Trường Phú và Trường Quý tới Duyệt Lai Phạn Quán.
Nơi này ngày xưa người tới người đi nhưng hiện tại vắng tanh vắng ngắt.
Mấy người làm trong tiệm đều ngồi không cầm quạt phe phẩy đỡ nóng.


Thấy người nhà hắn tới Đại Bảo vội dẫn họ vào viện nghỉ tạm.
Đào Tam gia vẫn còn nổi nóng, oán giận mãi: “Đám lái buôn bố láo, con heo choai choai mà chỉ trả có 1 lượng bạc, đến tiền vốn cũng không đủ.
Giá lương thực như trên trời, giá gà lại siêu thấp, chẳng bằng cho không!”


Đại Bảo nói: “Ông nội để heo với gà ở đây đi, trong tiệm cũng phải dùng.”
Đào Tam gia không cho là đúng: “Trong tiệm có khách nào đâu, con cầm rồi bán cho ai? Con đừng có gạt ông nội, nạn hạn hán nghiêm trọng như thế con còn không mau đóng cửa hàng chạy về Đào gia thôn đi!”


Đại Bảo gật đầu nói: “Cháu cũng đang có ý này, để cháu bàn với cha vợ cháu rồi tạm thời đóng cửa tiệm ăn!”
Đào Tam gia uống mấy ngụm trà lạnh thì tức giận trong lòng cũng tiêu tan gần hết.


Ông nói với Trường Phú: “Trường Phú, con bán heo cho đám lái buôn kia đi thôi! Heo choai choai có làm thịt cũng chẳng được bao nhiêu, bán được bao nhiêu thì bán! Gà thì ta không bán, mua chút muối về làm gà muối, để lại chúng ta ăn!”
Trường Phú gật đầu bán bốn con heo cho lái buôn rồi mua chút muối về.


Ba cha con Đào Tam gia nghỉ một lát rồi ra khỏi tiệm đi về nhà.
Dọc theo đường đi bọn họ gặp vài thôn dân đều tới trấn trên bán heo và gà, nhưng chẳng đủ thu tiền vốn, ai cũng đều tức giận hùng hổ.


Đào Tam gia thấy thế lại tức giận mắng cái đám lái buôn khốn nạn, nhân năm mất mùa mà ăn chặn của người ta, lũ lang tâm cẩu phế ắt có ngày bị báo ứng, vân vân!


Về đến nhà Đào Tam gia vẫn tức giận mắng mỏ lũ thương nhân lòng dạ hiểm độc kia, Lý thị thấy thế thì nói: “Có thể bán được ít nào hay ít đó, năm mất mùa chúng ta cũng làm được gì đâu.
Chẳng qua ông mua nhiều muối thế làm gì vậy?”


Đào tam gia nói: “Giá gà thấp quá ta không bán nên định mua muối về làm gà muối!”
Lý thị nhíu mày: “Trời nóng như thế làm sao mà muối gà được? Có phải ngày đông tháng chạp đâu!”


Đào Tam gia trợn mắt, cả giận: “Mùa đông muối thế nào thì mùa hè cũng làm thế, cùng lắm thì cho nhiều muối hơn!”
Lý thị cũng trợn trắng mắt, cao giọng hét: “Ta không làm được, ông thích thì đi mà làm!”


Hai ông bà già cãi nhau còn Tam Bảo thì cười hì hì: “Ấy, hai ông bà lão tóc đã bạc trắng còn học trẻ con cãi nhau! Này mấy đứa mau tới xem hai cụ cãi nhau này!”
Vì thế mấy con khỉ con đều thò qua, nhanh chóng chọc cho Đào Tam gia và Lý thị cười vui.


Hai người ôm tụi nhỏ vào lòng gọi bảo bối không ngừng.
30 con gà kia Trường Phú làm chủ thả trong rừng trúc phía sau nhà, may mà tụi nó cũng không có nhu cầu về nước nhiều.
Nhưng rất nhanh vấn đề khác đã tới, bọn họ không có đồ ăn cho chúng, cỏ dại và rau dại cũng chẳng có.


Cũng vì thế mà đàn gà dần gầy ốm, đói tới độ hận không thể đào cả rễ trúc lên ăn..