Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 169: 169: Hoắc Ma Trị Phong Thấp

Tam Bảo hừ một tiếng và không để ý tới Nhị Bảo.
Hắn giương nanh múa vuốt gầm rú thề không đuổi được đống chim chóc kia đi thì sẽ không bỏ qua.
Tứ Bảo và Ngũ Bảo cũng đi lên, theo tiếng nhìn về phía Tam Bảo.


Hai người chẳng hiểu gì nhưng cũng lười để ý, bọn họ xoa mắt mơ màng đi về sân sau lại gặp Đại Bảo thế là vội chào “Đại ca” sau đó nghiêng người đi qua tới sân sau.
Lý thị đưa nước ấm cho hai đứa, Tứ Bảo thì ồn ào nói phải dùng nước lạnh để rửa mặt như thế mới hết buồn ngủ.


Nhưng đương nhiên Lý thị sẽ không đồng ý mà trực tiếp ném khăn vào chậu nước nói: “Mau lau mặt đi còn ăn cơm, cả đám đều lười! Người trong thôn đều xuống ruộng làm xong một đống việc rồi mà đám lười nhà ta mới thèm dậy, nói ra người ta cười cho thối mũi!”


Tứ Bảo vừa rửa mặt vừa nói: “Bà nội, trong ruộng ngoài cây cao lương và cây bắp đã khô thì có cái gì nữa đâu, làm gì có việc gì!”
Ngoài các công việc quan trọng như gieo giống và thu hoạch thì những công việc nhà nông khác đều không gấp gáp.


Lý thị nghĩ nghĩ thấy cũng phải, trong nhà nhiều lao động nên chỉ một loáng đã bẻ xong ngô, khoai lang đỏ cũng thế.
Còn cây ngô và cao lương ngoài ruộng thì đợi phơi khô cắt về nhà cũng không muộn.


Tứ Bảo thấy bà nội không nói gì thì cười ha ha: “Bà nội, không phải ngài thường nói nông dân mà đã bận thì rất bận, còn đã rảnh thì sẽ chẳng có việc gì ư? Trước khi trồng lúa mạch bà cho cháu nhàn chết đi cũng được!”


Lý thị mắng: “Mới sáng sớm mà chết cái gì, xem bà có xé miệng bây ra không!”
Tứ Bảo phạm vào kiêng kị thì vội vàng vắt khăn trong tay nói: “Bà nội, cho cháu rửa mặt đã!”
Lý thị trừng mắt nhìn hắn thế là hắn vội ném khăn bỏ chạy để lại mình Ngũ Bảo vẫn ngoan ngoãn rửa mặt và tay.


Lý thị xoay người xem Lưu thị đang múc đồ ăn và lẩm bẩm: “Nhoáng một cái mấy thằng nhóc trong nhà đã có thể làm việc, thế mà ta vẫn cứ nghĩ mọi việc như trước kia, việc ruộng đồng trong nhà chỉ nhờ vào cha mấy đứa cùng Trường Phú và Trường Quý.


Nữ nhân chúng ta khi ấy cũng phải đi hỗ trợ, cả ngày bận rộn mãi mà việc cũng chưa xong, lại lo lắng mưa xuống hoa màu sẽ hỏng.
Vào ngày mùa suốt đêm không ngủ ngon được vì lo!”
Lưu thị cười nói: “Nương, hiện giờ trong nhà thêm Tam Bảo và Tứ Bảo, còn có lừa và ngựa.


Trong nhà nhiều lao động như thế thì ngài cũng mau thay đổi cách nghĩ đi!”
Lý thị giúp bưng đồ ăn, trong lúc ấy vẫn nói không ngừng.
Trương thị và ba đứa cháu dâu cũng tới hỗ trợ bưng cơm.
Hiện giờ người nhiều nên cơm sáng loáng cái đã hoàn thành.


Sau khi ăn xong Nhị Bảo nói tới chuyện mang tiểu Lý thị tới huyện thành thăm cha vợ.
Đào Tam gia đã đề cập tới việc này trước đó nên lập tức gật đầu đồng ý và để Lý thị chuẩn bị chút quà cho thông gia.
Bởi vì ngày Nhị Bảo đã chốt nên Lý thị cũng bận rộn đi chuẩn bị cho kịp.


Sau khi ăn xong bà vứt mọi việc cho Lưu thị và Trương thị còn mình thì gọi Tam Bảo với Tứ Bảo giúp đỡ giã gạo, nghiền bột.
Nhị Bảo nói với bà: “Bà nội, không cần chuẩn bị mấy thứ này đâu, cháu và Phục Linh đến huyện thành mua cũng được.


Dọc đường đi mang theo nhiều đồ quá cũng không tiện!”
Lý thị nói: “Thằng nhóc nhà con đúng là không biết tính toán.


Ở huyện thành đồ ăn giá cả cao như thế, lương thực trong tiệm cũng không biết đã để bao lâu, làm sao ngon bằng lương thực chúng ta tự trồng chứ? Hơn nữa trong nhà không phải còn có cái xe đẩy hai bánh sao? Con buộc ngựa vào đó rồi chất đồ lên là được rồi chứ gì!”


Lý thị nói xong lại mở cái lu đựng lúa mạch ra và dùng bát xúc lúa mạch đổ vào cái sọt Tam Bảo đang cõng.
Đợi múc được nửa sọt bà mới để hắn đi tới bên cái cối đá để ở nhà cũ.
Đào Tam gia đã dắt con lừa tới và thuần thục buộc lừa vào để mài tách vỏ lúa mạch.


Tứ Bảo cõng một ít hạt kê đến chỗ giã gạo trong thôn.
Nơi ấy gần xe chở nước, lợi dụng dòng nước để giã gạo.


Yển Đường và xe chở nước này đều là trí tuệ của người nông dân, mọi người lợi dụng sức mạnh thiên nhiên để cuộc sống bớt vất vả, lại có cái nâng cao năng suất hoa màu.
Có thể nói trí tuệ của nông dân đúng là vô cùng.


Hai mươi cân gạo trắng, hai mươi cân bột, 50 quả trứng gà là phải mang rồi.
Còn rượu, trà, vải và điểm tâm thì lên trấn trên Nhị Bảo sẽ mua.
Lý thị đưa cho Nhị Bảo đủ tiền bạc, nói là đi huyện thành một chuyến, lại tới nhà anh vợ thì không thể quá keo kiệt.


Nhị Bảo nghe thế thì cười cười: “Bà nội, anh vợ cháu khá tốt, việc nhỏ thế này huynh ấy sẽ không so đo đâu!”


Lý thị nói: “Người khác so đo hay không là việc của họ, chúng ta làm lễ nghĩa chu toàn là việc của chúng ta! Mấy người trẻ tuổi các con không hiểu đâu, tình người chính là không thể qua loa!”


Nhị Bảo mỉm cười nói với tiểu Lý thị: “Hầy, nam chủ ngoại nữ chủ nội, nàng chịu khó học bà nội nhé!”
Nhị Bảo lớn lên tuấn tú, lúc mỉm cười khóe miệng hơi nhếch lên, khóe mắt cũng thế, quả thực có vài phần giống Trương thị.


Tiểu Lý thị thành thân đã gần một năm nhưng mỗi khi thấy Nhị Bảo cười nàng đều không nhịn được đỏ mặt, tim cũng đập nhanh hơn.


Nàng đỏ mặt gật đầu thế là Lý thị cười nói: “Đứa nhỏ này, việc ấy không phải chỉ của nữ nhân đâu, con cũng nên học, không thể làm chưởng quầy phủi tay rồi cái gì cũng ném cho vợ!”


Nhị Bảo gật đầu nghe dạy bảo, bộ dạng cực kỳ khiếm tốn khiến tiểu Lý thị nhìn thấy lại mặt đỏ tai hồng.
Lý thị nói: “Thu dọn xong thì mau xuất phát đi, ăn cơm trưa xong hai đứa lên trấn trên, tranh thủ sớm tới huyện thành!”


Lúc này Đào Tam gia đã lôi cái xe hai bánh ra để Tam Bảo và Tứ Bảo giúp đỡ tròng ngựa lên.
Lý thị chất gạo, bột và trứng thật tốt rồi lại để Nhị Bảo đánh xe quanh sân một vòng, xác định đồ không rơi xuống bà mới an tâm.


Tiểu Lý thị lấy bọc hành lý từ trong phòng ra rồi nương Nhị Bảo đỡ mà trèo lên xe.
Nhị Bảo ngồi phía trước kéo dây cương rồi cùng người nhà từ biệt sau đó lên trấn trên.


Lý thị bắt đầu lải nhải kỹ thuật đánh xe của Nhị Bảo lại bị Đào Tam gia nghe được thế là ông không kiên nhẫn nói: “Cả ngày bà chỉ lải nhải lẩm bẩm có phiền hay không.
Kỹ thuật đánh xe của Nhị Bảo rất tốt, nếu bà không yên tâm thì bà đi mà đánh xe cho nó!”


Lý thị làm gì biết đánh xe, cho bà ngồi trên xe thì cũng chỉ một lát bà đã thấy đầu váng mắt hoa muốn nôn rồi.
Nghe chồng răn dạy vài câu thế là bà lập tức im, nhưng trong lòng vẫn không phục.


Có điều bà nói không nên lời phản bác, vì thế bà chỉ đành lườm ông ấy sau đó đi xắp xếp việc phơi bắp.
Lưu thị nhỏ giọng nói với Trường Phú: “Cha và nương già rồi mà sao còn cứ thích cãi nhau thế?”


Trường Phú cười đáp: “Không sao, người ta càng có tuổi càng thích nhọc lòng, người già trong thôn ai chẳng như thế.”
Lưu thị cảnh cáo: “Sau này chàng đừng có mà như thế đó!”


Trường Phú gật đầu cười hê hê: “Ngày thường không phải đều là nàng thích lải nhải ư? Ta có nói nàng một câu nào đâu!”
Lưu thị nhìn bộ dàng hiền lành của chồng mình thì trong lòng thấy ngọt ngào nhưng vẫn dỗi nói: “Ai lải nhải với chàng? Ta mới không thích lải nhải đâu!”


Trường Phú vội vàng gật đầu tỏ vẻ đồng tình thế là Lưu thị cong môi cười nói: “Mau giúp ta cõng hạt bắp mang ra phơi đi, ta đi lấy cái cào trúc.”
Sau tết Trung Thu Đại Bảo vẫn luôn ở nhà với mọi người mãi tới khi vợ chồng Nhị Bảo trở về sau năm ngày.


Nhà tiểu Lý thị hiện tại do chị dâu nàng quản, quà đáp lễ cũng không ít, ngoài trà, rượu, vải và đường còn có một cây nhân sâm rừng tặng Đào Tam gia.
Tuy cây nhân sâm này nho nhỏ nhưng cũng giá trị kha khá.


Nhân sâm này là ý của Lý chưởng quầy, tới giờ ông ấy vẫn còn áy náy chuyện Tam Bảo rơi xuống vực.
Trong lòng ông ấy vừa cảm kích Tam Bảo đã cứu mạng mình vừa muốn báo đáp nhà họ một phen.


Lúc này thấy vợ chồng Nhị Bảo tới thăm nên ông ấy cũng muốn trả lại ân tình, như thế trong lòng mới dễ chịu hơn.
Đào Tam gia hỏi tình huống bệnh của Lý chưởng quầy thế là Nhị Bảo nói: “Hiện tại cha vợ cháu ở huyện thành có con cháu hiếu thuận nên thân thể khá hơn nhiều rồi.


Cháu tới cũng giúp châm cứu vài đợt, bệnh phong thấp đã đỡ không ít.
Nhưng phong thấp là bệnh kinh niên, chữa khỏi là rất khó.
Sau này chỉ có thể bớt đi lại khắp nơi và chậm rãi điều dưỡng mới tốt hơn!”


Đào Tam gia gật đầu: “Anh nông dân như chúng ta hàng năm phải xuống ruộng, gặp mưa, gặp nắng nên ai cũng có bệnh phong thấp, chẳng qua mức độ nặng nhẹ khác nhau thôi.
Ta còn đỡ, hơn 60 tuổi mà chân cẳng vẫn tốt, chỉ có lúc trời mưa mới bị đau.


Ta cũng coi như đã nắm được bí quyết, chỉ cần chân đau thì y như rằng mấy ngày nữa là mưa!” Nói xong ông bật cười, giống như không coi việc này quá quan trọng.
Nhị Bảo nói: “Ông nội cũng không được chủ quan.
Phong thấp này mà nặng lên thì sẽ dày vò lắm đó.


Để cháu kê mấy thang thuốc cho ông ngâm chân buổi tối, nhất định phải để chân lúc nào cũng ấm.”
“Chút đau đớn này thì tính là gì, hơn nữa cũng đâu phải đau thường xuyên, không cần kê đơn đâu.


Dưới chân núi phía sau nhà ta có một mảnh hoắc ma, hái chút về xoa bóp đầu gối là sẽ không đau nữa!” Đào Tam gia nói.
Nói đến hoắc ma thì người của Đào gia thôn không ai không biết, đặc biệt là trẻ con.


Lá cây ấy có gai, thoạt nhìn cũng không tới nỗi nào nhưng nếu hái xuống thì bất kỳ chỗ nào chạm vào sẽ sưng đỏ lên cực kỳ khó chịu.
Phàm là đứa nào nghịch hoắc ma rồi đều sẽ bị nó dọa sợ xanh mặt!
Tam Bảo vừa nghe đến hoắc ma đã nhớ tới vài đoạn ký ức kinh hoàng khi còn nhỏ.


Tay hắn không tự giác xoa xoa vào nhau, mắt trợn lên và vội vàng nói: “Ông nội, lá hoắc ma kia có thật nhiều gai, động vào đau muốn chết mà ông còn dám dùng nó xoa lên gối à?”
Đào Tam gia lại không cho là đúng: “Này là cái gì? Trong thôn có ai bị phong thấp thì đều thích dùng nó xoa cho bớt đau.


So với nỗi đau phong thấp thì chút đau ngứa của hoắc ma có là gì đâu? Hơn nữa phương pháp này đã được truyền nhiều đời, tới nay vẫn có tác dụng! Đám nhỏ các con mới đau một tí đã sợ, đúng là buồn cười!”
Tam Bảo méo miệng, trong lòng vẫn không thích nổi hoắc ma.


Nhị Bảo thì giải thích: “Hoắc ma chỉ là tên chúng ta gọi, còn trong sách y nó gọi là cây gai, có mang độc.
Sau khi tiếp xúc với nó da người sẽ có cảm giác ngứa bỏng, nếu nấu canh xoa lên thì quả thực có thể giảm đau đớn do phong thấp.”


Tam Bảo nghe Nhị Bảo nói đến ngứa và bỏng rát thì lại theo phản xạ cào mu bàn tay thành mấy vết đỏ mới ngừng lại nói với Đào Tam gia: “Ông nội nghe thấy chưa, nhị ca nói đun thành nước chứ không phải xoa trực tiếp đâu.


Cháu chỉ nghĩ tới cái cảnh kia là đã sợ mất cả mật, còn muốn gãi không ngừng.”
Đào Tam gia gật đầu thế là Nhị Bảo lại nói: “Ông nội cũng đừng đụng tới hoắc ma làm gì, chờ cháu kê cho ông mấy thang thuốc ngâm chân là được.


Ông bà, đại bá và đại bá mẫu cùng cha mẹ cháu đều nên ngâm, như thế có thể phòng ngừa trước, miễn cho có tuổi phải chịu tội!”
“Được, đều nghe cháu hết!” Đào Tam gia cười nói..