Chuyện Thời Bao Cấp

Xuất Dương Giúp Nước, Cứu Nhà

Trong suốt 30 năm hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946-1975), nước ta đã được bầu bạn năm châu viện trợ không hoàn lại rất lớn, nhưng vay nợ cũng không ít. Bởi vậy từ đầu những năm 1980 phải bắt đầu xuất khẩu lao động để có thêm nguồn tài chính trả nợ. Trong lúc nước ta dư thừa nhân công, không đủ việc làm, có những nước sẵn sàng tiếp nhận và bố trí việc làm cho lao động Việt Nam. Đó là điều rất quý, đáng trân trọng, bởi như vậy Nhà nước ta có thêm những khoản tiền trả nợ và từng cá nhân “đi xuất khẩu lao động” có của ăn của để về giúp gia đình. Qua mấy năm làm việc ở nước ngoài, mỗi người cũng có cơ hội nâng cao tay nghề và thu nhận được những điều bổ ích khác. Xuất khẩu lao động có nhiều dạng, song trong những năm mới bắt đầu “khai phá” lĩnh vực này, chủ yếu chúng ta mới chỉ thực hiện hai hình thức: Đưa những toán đông thanh niên (mỗi đoàn vài trăm người) đi làm các nghề không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao tại nhà máy của các nước xã hội chủ nghĩa anh em (thời đó) và cử đại biểu trí thức thành thạo ngoại ngữ Anh, Pháp đến các nước châu Phi giảng dạy cao đẳng và đại học, làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế và nông nghiệp.

Ngày ấy tôi có may mắn làm phóng viên thường trú TTXVN tại Liên Xô, có nhiều dịp tới tham quan các nhà máy của bạn, tiếp xúc với lãnh đạo nhà máy và với anh chị em công nhân Việt Nam. Bởi vậy, tôi rất hiểu tâm tư tình cảm của người xa xứ, nỗi nhọc nhằn, sự vất vả của người lao động và cả tâm trạng bức xúc của những người đồng hương. Theo các hiệp định về hợp tác lao động giữa nước ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, hàng năm chúng ta cử hàng chục nghìn lao động trẻ khỏe tới các nước đó làm việc. Ngày ấy những anh chị em này được gắn một cái mác chung là “lao động hợp tác”. Đương nhiên không phải mọi thanh niên có sức khỏe, có một chút hiểu biết về một nghề nào đó và có nguyện vọng “lao động hợp tác” là đã đủ điều kiện để được xem xét “xuất dương”. Hơn nữa, nếu muốn lựa chọn đất nước mà mình yêu thích, thì còn phải tuyển lựa qua rất nhiều tiêu chí và thủ tục khác.

Cũng không rõ nguồn cơn từ đâu, căn cứ vào những tiêu chí nào mà rất nhiều thanh niên thích đi lao động ở CHDC Đức (nay đã thống nhất vào CHLB Đức), tiếp đến là Tiệp Khắc (nay đã phân chia thành hai nước CH Szech và CH Slovakia), rồi mới đến Liên Xô và Bungari… Tôi đồ rằng nguyên nhân chủ yếu là vì lợi ích kinh tế. Đã đi lao động kiếm tiền, thì mấy ai không nghĩ tới đồng lương, thu nhập thực tế cao để có thể gửi về giúp gia đình được nhiều nhất. Thời ấy chỉ những nhà nào thật giàu có mới có thể tậu được chiếc xe đạp Mifa, hay chiếc xe máy Mukich (sản phẩm của CHDC Đức). Những ngày gió mùa Đông Bắc rét thấu xương, chàng thanh niên nào khoác chiếc áo lông Đông Đức, thì cứ gọi là khối cô gái phải xuýt xoa nhìn theo. Những chiếc xe máy Babeta và xe đạp Favorit hay Eska (sản phẩm của Tiệp Khắc) một thời cũng là niềm mơ ước của dân mình. Người đi lao động hợp tác ở Liên Xô thì chỉ có thể đem về giỏi lắm là chiếc tủ lạnh Saratov, vài chiếc nồi hầm, bàn là, máy bơm nước Kama và một đống lỉnh kỉnh xoong, chậu nhôm… Các nước xã hội chủ nghĩa thuở ấy theo đuổi chế độ quan liêu bao cấp, xây dựng một nền kinh tế không cạnh tranh, không theo quy luật cung - cầu… nghĩa là cũng chỉ sản xuất cho dân họ đủ tiêu dùng “theo kế hoạch”, chứ không phải là nền sản xuất hàng hóa. Bởi vậy họ chẳng ưa gì những người mua nhiều, bất kể thứ hàng nào.

Thanh niên mình sang lao động hợp tác tại các nhà máy Liên Xô khá đông, lúc cao điểm lên tới hơn trăm nghìn người, tập trung phần lớn ở các thành phố Nga, nhất là quanh ngoại ô Matxcơva. Nếu như năm 1981, năm đầu tiên thực hiện Hiệp định hợp tác, có khoảng một hai nghìn lao động Việt Nam ở khu vực quanh thủ đô Matxcơva, thì chỉ sau đó hai ba năm, khu vực này đã có hàng chục nghìn lao động Việt Nam. Lúc chuẩn bị lên đường, ai cũng yên trí rằng lao động xuất dương trước hết sẽ được đào tạo một nghề tinh thông. Mấy năm sống ở nước bạn sẽ được ăn sung, mặc sướng, chỗ ở đàng hoàng. Ngoài giờ làm việc có thể đi chơi đây đó, được chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh, được hiểu biết bao điều mới lạ của những xứ sở mà ngày ấy được coi là “thiên đường nơi trần gian”… Và khi về nước ít nhất cũng có lưng vốn kha khá làm cơ sở ban đầu để xây dựng “tổ ấm” riêng cho mình. Thực tế đâu phải như vậy! Người đi “lao động hợp tác” về thực chất là đi làm thuê, làm mướn, đâu có được tự do đi lại trên nước bạn. Muốn đi chơi Matxcơva hay bất cứ một thành phố nào khác đều phải được chính quyền địa phương cấp visa (một thứ giấy thông hành đi từ địa phương này tới địa phương khác). Mỗi quý chỉ được cấp một lần. Lãnh đạo các nhà máy có sáng kiến động viên công nhân Việt Nam hăng hái thi đua làm việc bằng “phần thưởng visa”. Ai làm được nhiều sản phẩm và chất lượng bảo đảm thì không những được tiền thưởng, mà còn được cấp visa đến Mátxcơva nhiều hơn, kể cả số lần và thời hạn lưu lại.

Anh chị em lao động Việt Nam mong muốn, háo hức đến Mátxcơva không phải chỉ để tham quan Cung điện Kremli cổ kính, Quảng trường Đỏ lịch sử, vào Lăng viếng Lênin, thăm thú các bảo tàng văn hóa - nghệ thuật, lịch sử, hay những danh lam thắng cảnh khác, mà khi ở quê nhà chỉ được biết qua sách báo, phim ảnh. Họ tới thủ đô còn vì một nhu cầu tình cảm cũng rất đáng trân trọng là tìm đồng hương, giao lưu kết bạn. Và sau nữa, hầu như ai cũng có nhu cầu tìm mua các đồ dùng cần thiết, gửi về cho gia đình. Những năm mới ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài bị bom đạn cày xới, sản xuất đình đốn, lại bị Mỹ và các đồng minh của Mỹ bao vây cấm vận, dân ta thiếu đủ thứ. Chính vì vậy, mọi nhu yếu phẩm, các mặt hàng công nghiệp đều phải phân phối. Người thân đi lao động ở nước ngoài gửi về cái gì cũng quý, cả từ cái kim, sợi chỉ, bánh xà phòng, lưỡi dao cạo râu, đến xe đạp, xe máy, máy thu thanh, thu hình, tủ lạnh… Ở Liên Xô thời đó cũng chỉ Mátxcơva và một vài thành phố lớn khác mới phong phú các mặt hàng. Bởi thế có người “lao động hợp tác” nào ở Liên Xô mà lại không thích đến Mátxcơva cơ chứ!? Cứ đến hai ngày nghỉ cuối tuần, từng nhóm, từng nhóm dăm bẩy người, tổng cộng có đến hàng trăm người, từ khắp các nẻo đường ngoại ô Mátxcơva theo những đoàn tàu Electrichka (tàu đường sắt đầu kéo điện) vào thành phố. Họ đi tham quan danh lam thắng cảnh, lang thang tìm mua đồ dùng ở các cửa hàng bách hóa, đồ gia dụng, cửa hàng thuốc… tới các ký túc xá sinh viên thăm bè bạn đồng hương. Những năm còn tồn tại Nhà nước Liên Xô, cảnh sát không nhũng nhiễu quá như thời kỳ hậu Xô Viết. Cảnh sát thời Xô Viết không bao giờ vô cớ hạch sách giấy tờ tùy thân và khám xét giữa đường bất cứ người Việt Nam nào. Thậm chí trong nhiều trường hợp, họ còn giúp đỡ rất thân tình đồng bào chúng ta. Có thể nói trước năm 1990 cảnh sát Mátxcơva thực sự là “những người bạn dân”, luôn luôn sẵn sàng bảo vệ và giúp đỡ nhân dân, cả ban ngày lẫn ban đêm, cả với đồng bào của họ, cũng như khách nước ngoài. Bởi thế khi đã vào địa phận Mátxcơva, anh chị em lao động Việt Nam có thể tự do đi lại như trên quê hương mình.

Gian nan, vất vả nhất vẫn là chuyện tìm mua đồ dùng cần thiết và những mặt hàng đang được ưa chuộng, đang có giá ở quê hương. Cũng phải nói thêm rằng thời ấy không có chuyện gửi ngoại tệ về nước. Dành dụm được đồng nào phải biến thành quà cáp, hàng hóa chuyển về. Lương tháng của công nhân sau khi nhà máy đã trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền nhà ở và nhiều thứ tiền khác nữa, cũng như khấu trừ một phần đáng kể chuyển vào Quỹ để nước ta trả nợ nước bạn, còn lại được phát bằng tiền mặt trực tiếp cho từng người lao động. Mọi người tự lo việc ăn uống. Nam giới ngại vào bếp thì đi nhà ăn tập thể, đi cửa hàng ăn uống công cộng. Nữ giới chăm chỉ hơn và nhất là không hợp các món ăn Âu châu, thường tập hợp từng nhóm dăm ba người đồng khẩu vị tổ chức bếp ăn riêng. Cánh nữ chăm chỉ làm việc, lại tằn tiện hơn, không rượu chè, cà phê, thuốc lá, nên cũng thường tích lũy được nhiều hơn. Phần lớn công nhân mình được sắp xếp làm việc bên những cỗ máy, thiết bị đáng lẽ đã bị loại bỏ và thay thế hiện đại hóa từ lâu, song vẫn được tận dụng (thực ra, thời ấy nước bạn cũng chưa đủ điều kiện và tiềm lực để thường xuyên đổi mới thiết bị). Mặc dù vậy, với bản tính cần cù, miệt mài lao động suốt thời gian mỗi ca làm việc, nên số lượng sản phẩm của công nhân mình vẫn thuộc loại cao. Những năm 1980, tiền lương trung bình thực lĩnh của một công nhân dệt Việt Nam khoảng 180-250 rúp (tương đương 220-300 USD, theo tỷ giá hối đoái chính thức khi đó. Nhưng trên thị trường “chợ đen” thì phải 4-4,5 rúp mới mua được 1 USD). Với thu nhập như vậy, hàng tháng mỗi công nhân dệt có thể dành ra 120-180 rúp để mua các thứ gửi về giúp gia đình.

Tôi đã chứng kiến, đã biết hàng trăm trường hợp khổ sở, ê chề của đồng bào mình khi đi mua hàng. Thật ra phần lớn người Nga rất tốt, giàu lòng vị tha, rất thông cảm với nhân dân Việt Nam đã 30 năm phải chịu chiến tranh tàn phá, không có điều kiện phát triển sản xuất, nên thiếu thốn đủ thứ. Nhưng cũng không ít người Nga tỏ ra bực bội, khó có thể thông cảm với lối mua bán của một số anh chị em mình. Liên Xô sản xuất cái gì cũng theo kế hoạch, đâu có phải là một nền kinh tế hàng hóa, bán được càng nhiều càng quý như trong cơ chế thị trường. Với số dân 250 triệu người, họ tính toán một năm cần bao nhiêu nồi hầm, bao nhiêu bàn là, bao nhiêu tủ lạnh… Thế nhưng người mình thấy gì “ưng” là vét sạch. Bởi thế mới có chuyện “đánh sập cửa hàng!”, hoặc "mua diệt chủng!"… Những năm 1982-1986, nồi hầm, bàn là, phích kim loại lưỡng dụng (vừa có thể giữ nóng, vừa có thể giữ lạnh), máy bơm nước Kama, quạt máy Orbita, tủ lạnh Saratov… rất được giá ở trong nước. Thế là dân ta lùng sục, vắt sạch những thứ đó ở các cửa hàng Mátxcơva. Một lần, vừa thấy hai ô tô tải chở đầy nồi hầm tới cửa sau của cửa hàng “1000 Melochei” (Nghìn mặt hàng lặt vặt) trên đại lộ Lênin, chưa đầy một giờ sau toàn bộ số nồi hầm đó đã được chuyển ra xếp như mấy bức tường hoa trước cửa hàng. Người qua đường, nếu không biết, cứ nghĩ hôm đó cửa hàng vì lý do nào đấy mà phải nhập hàng từ phía cửa trước. Ai dè, đã có mấy người Việt Nam mua sạch, chuyển ra cửa, đang chờ xe chuyển đi! Có lẽ vì vậy, về sau các cửa hàng đã rút kinh nghiệm chỉ bán cho mỗi người mua một số lượng có hạn, tùy theo mặt hàng. Thế nhưng, từ đó lại nảy sinh hiện tượng móc ngoặc giữa nhân viên cung ứng của cửa hàng với người mua Việt Nam. Thậm chí, những người này còn cho nhau số telephone để tiện thông báo cho nhau khi nào có mặt hàng gì (mà người Việt Nam thích mua) và đưa về cửa hàng nào. Thường thì đây phải là những nghiên cứu sinh, sinh viên ở ngay trong thành phố kết hợp cùng với công nhân ở ngoại ô. Đương nhiên, khi móc ngoặc như vậy, thì nhân viên cửa hàng cũng được trả thêm (lãnh đạo cửa hàng không thể kiểm soát hết). Những người đã mua với số lượng lớn như thế không phải chỉ để gửi về nước, mà chủ yếu là để bán lại cho những người đồng hương nào có nhu cầu mà không mua được tại cửa hàng. Như vậy đã manh nha hình thành thị trường “chợ đen” ngay trong cộng đồng người Việt ở Liên Xô từ thời ấy. Nhiều người đi công tác ngắn hạn, hoặc chỉ dừng chân ít ngày ở Mátxcơva, mà muốn mua mấy thứ “của hiếm theo đơn đặt hàng của bà xã”, thì tốt nhất là nên đến “thị trường” này, chứ còn đi tìm ở cửa hàng nhiều khi chỉ mỏi chân, dạc cẳng! Giá mua lại so với giá chính thức chênh nhau không nhiều lắm, nên khi cần, mọi người đều có thể tìm đến. Giá của các mặt hàng sản xuất tại Liên Xô đều ghi rõ ngay trên sản phẩm hoặc bao bì. Ví dụ chiếc nồi hầm ghi giá 14 rúp, thì mua lại cũng chỉ 18-20 rúp, bàn là 7,5 rúp mua lại với giá 10-12 rúp, phích lưỡng dụng giá ghi 40 rúp mua lại 55-60 rúp, tủ lạnh Saratov 210 rúp phải mua lại với giá 280-300 rúp… Nói chung, giá mua lại ở thị trường “chợ đen” thường đắt hơn 30-40%. Một số nghiên cứu sinh hoặc đội trưởng, phiên dịch các đội “lao động hợp tác” đã nhờ mánh lới đầu cơ này mà “phất” lên nhanh chóng.

Đi mua với số lượng lớn ở cửa hàng nhiều lúc cũng khốn khổ, nhất là anh chị em công nhân vốn liếng tiếng Nga còn “quá ngắn”. Một lần tôi đã chứng kiến câu chuyện vừa giận, lại vừa thương của đồng bào mình khi đi mua hàng. Chuyện là thế này, mấy chị em ở thành phố Orekhovo-Zuevo lên Mátxcơva chơi, thấy ở một cửa hàng đồ điện có bán nhiều dây may-so, liền tới quầy trả tiền, xếp hàng để nhận hàng. Đương nhiên, lần thứ nhất không có vấn đề gì: séc ghi 5 rúp thì nhân viên cửa hàng trao 20 sợi dây may-so (giá ghi 25 côpếch/sợi, cứ việc nhân nhẩm mà trả tiền). Ngay sau đó hai cô quay lại mua lần thứ hai. Cô thứ nhất đưa séc 5 rúp, nhân viên bán hàng có vẻ bực bội cau có, nhưng vẫn trao đủ 20 sợi dây. Khi cô thứ hai chìa séc và bảo: “Tôi cũng mua may-so”, thì nhân viên bán hàng ném ra luôn một lời phỉ báng: “Các cô mua để ăn hay sao mà mua nhiều thế!”, rồi đặt chiếc séc 5 rúp đó trên mặt quầy, chưa chịu trao hàng ngay, mà lại nhận séc và trao hàng cho người đứng sau. Tình cờ lúc đó tôi cũng đang xếp hàng mua vài thứ đồ điện. Mắt thấy tai nghe đầy đủ sự việc, lòng tự trọng dân tộc trỗi dậy, không thể kìm chế, tôi giằng nắm dây may-so mà một cô vừa mua, đặt lên mặt quầy: Chị xem đây là cái gì? Kim loại phải không? Chị có thể ăn được kim loại không? Thế thì tại sao chị lại nói như vậy!? Mấy người Nga đang xếp hàng cũng đồng tình: Anh ấy nói đúng đấy, nếu không thể bán nhiều thì giải thích cho khách hàng biết, chứ không được xử sự như vậy. Lại nói tại sao người mình mua nhiều dây may-so. Vì ngày đó tuy nước ta rất thiếu điện, nhưng do chế độ quản lý quá sơ hở, nên nhiều người ở các khu tập thể tha hồ xài điện, chỉ cần mua sợi dây may-so với khuôn đất chịu nhiệt là đã có bếp điện có thể dùng điện vô tội vạ: nấu ăn, đun nước tắm, thậm chí hầm cả cám lợn mà không phải trả tiền. Người đi nước ngoài về tặng bạn bè dây may-so thì quý hóa quá!

Có được đồ rồi, đến công đoạn gửi về nước, cũng đâu có dễ dàng. Mỗi cán bộ mãn hạn công tác về nước cũng thường phải “gánh vác” một số lượng không nhỏ các loại quà của anh chị em công nhân gửi về cho gia đình. Đương nhiên, đấy chỉ có thể là quà tình cảm, không mang tính chất kinh tế. Sau nhiều lần Cục hợp tác lao động (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) đàm phán với phía bạn và Đại sứ nước ta tại Liên Xô trực tiếp làm việc và yêu cầu, phía bạn mới đồng ý để “lao động hợp tác” nước ta mỗi năm được gửi một thùng hàng khoảng 1,2 m3 qua đường biển và mỗi tháng 10 kg qua đường bưu chính. Đương nhiên danh mục và số lượng đều phải qua kiểm tra gắt gao của Hải quan, cho phép gửi những gì và số lượng tối đa bao nhiêu. Rõ ràng không phải ai cũng dành dụm được nhiều tiền và càng không thể kiếm được những mặt hàng giá trị (theo nhu cầu trong nước) để gửi về. Vả lại, không phải mọi người đều có thể tới các bưu điện trung tâm (được chỉ định), hay ga đường sắt gửi hàng chậm đi Odessa, từ đó chở đến nước ta qua đường biển. Thế là lại nảy sinh “thị trường” mua bán tiêu chuẩn gửi hàng và “dịch vụ gửi hàng”. Thậm chí cả một số công nhân và nhân viên hải quan Nga cũng tham gia lĩnh vực dịch vụ này, nhất là việc gửi hàng thùng theo tiêu chuẩn hàng năm. Rất nhiều chị em đã nhờ tới các đồng nghiệp Nga, họ lấy phí dịch vụ vừa phải và rất thích được tặng thêm chai rượu Lúa Mới, hay rượu Nếp Mới. Người bản xứ có nhiều thuận lợi để làm việc đó và họ cũng cần có thêm thu nhập.

Tôi cũng đã tới Trung tâm Bưu điện trên Đường Warshawa ở Quận Tây - Nam Matxcơva để quan sát, tìm hiểu về việc gửi suất quà hàng tháng của người lao động hợp tác. Theo quy định của Hải quan nước bạn, ngoài những mặt hàng cấm theo thông lệ quốc tế và quốc gia; không được gửi hàng thể lỏng, những đồ dễ vỡ, quần áo, giày dép và các mặt hàng mà nước sở tại đang khan hiếm… Chỉ được gửi những hàng gọn nhẹ, không cồng kềnh vì kích cỡ bao bì đã xác định. Và đương nhiên mọi thứ đều bị hạn chế số lượng. Thực ra anh chị em mình cũng chỉ tập trung gửi một số mặt hàng thiết thực, được trong nước ưa chuộng. Với thùng hàng 10 kg, giá trị bên trong chỉ được 9 kg: Chẳng hạn, một chiếc bàn là hoặc nồi hầm hay phích lưỡng dụng, 5 dây mai-so, 2 kg đường hoặc kẹo, 20 cuốn vở học sinh hoặc 5 thếp giấy, 10 bánh xà phòng thơm hoặc xà phòng giặt (loại 72%, thường đen gần như màu đất và khá hôi), tối đa 5 hộp lưỡi dao cạo râu (lezvie), 10 cuộn chỉ nhỏ, 5 bao kim khâu… và một vài đồ linh tinh khác. Nhân viên hải quan ngày nào cũng bắt gặp những thùng hàng na ná như vậy, có lẽ cũng ngao ngán lắm. Tôi đã từng nghe được những lời nhận xét của họ. Cô nhân viên hải quan trẻ: “Sao người nào cùng gửi mấy cái đồ lẩm cẩm này, thật kỳ cục!” Bà hải quan đứng tuổi, có lẽ là sếp, giải thích: “Em không hiểu đấy thôi, Việt Nam mới ra khỏi cuộc chiến tranh triền miên mấy chục năm liền, làm gì có điều kiện phát triển sản xuất, nên cái gì cũng thiếu. Liên Xô tiến hành cuộc Chiết tranh Vệ quốc chống phát xít Đức kéo dài chỉ 4 năm, mà cũng phải chịu đựng khó khăn trăm bề, thậm chí có cả chết đói, chết rét, hàng chục năm sau mới khôi phục được.” Quả là chỉ những người đứng tuổi, bản thân từng trải nghiệm nhiều gian khổ thời chiến, mới thấu hiểu và thông cảm được những khó khăn của nhân dân ta thời ấy.

Mà như vậy đâu đã hết. Số phận mỗi thùng quà, kể cả suất hàng năm gửi chậm theo đường biển, hay suất hàng tháng theo đường bưu điện (đều rất nhỏ nhoi, theo giá trị hiện nay, nhưng lại vô cùng có ý nghĩa ngày ấy) đến tay người nhận cũng còn lắm gian truân, thậm chí còn bị “bốc hơi” hoặc “bị thất lạc” giữa đường, nhất là địa chỉ người nhận lại ở các vùng nông thôn xa trung tâm hành chính. Hơn thế nữa, không hiểu sao ngày ấy quy định của Hải quan nước mình rất kỳ cục, nhiêu khê. Người được gửi quà, ngoài Giấy chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, còn phải xin đủ các loại giấy chứng nhận của cơ quan, xã, phường… nghĩa là bị hành đủ điều. Trong nước nhiều mặt hàng chưa sản xuất được, hoặc nếu đã sản xuất thì số lượng cũng rất khiêm tốn, đáng lẽ cần khuyến khích gửi từ nước ngoài về để dân có cái dùng, thì lại chủ trương hạn chế. Thậm chí có thể gọi là ngăn chặn, mà những mặt hàng ấy có độc hại gì đâu! Trong khi nước bạn cho phép mỗi người đã làm việc dài hạn (một năm trở lên) được gửi, được mang về vài ba chiếc tủ lạnh, vài ba chiếc máy khâu, dăm chiếc máy bơm nước loại nhỏ (dùng cho nhu cầu gia đình), hàng chục bàn là, nồi hầm… nghĩa là số hàng tương xứng với số tiền họ thu nhập chính đáng, thì chúng ta lại hạn chế thứ này một chiếc, thứ kia hai chiếc, ba chiếc… Rõ ràng sự hạn chế đó là bất hợp lý, có lẽ xuất phát từ một quan điểm lo sợ dân mình trở thành những con buôn! Năm 1983, trong một lần về phép, tôi đã từng chứng kiến tại sân bay Nội Bài cảnh tịch thu, hoặc thu mua những “hàng quá tiêu chuẩn”. Mấy công nhân về phép mỗi người xách tay hai chiếc phích Trung Quốc, thế nhưng nhân viên hải quan giải thích rằng tiêu chuẩn mỗi người chỉ được đem về một chiếc, số vượt quy định phải được thu mua (với giá bèo bọt so với thị trường “chợ đen”). Một anh khẩn khoản xin mãi: “Em về phép, mua cho vợ con một chiếc phích, tặng nhạc gia một chiếc. Chẳng lẽ tặng mẹ vợ, con lại không có cái dùng. Mà để lại cho vợ con dùng, thì hóa ra thất hứa với bên ngoại”. Nhưng nói thế nào cũng vô ích thôi, vì đó đã là quy định! Thế rồi, chẳng hiểu cậu ta “vô tình” hay "hữu ý” đá vỡ chiếc phích “quá tiêu chuẩn”. Nhân viên hải quan quát tháo: “Cậu phá hoại à?” “Dạ không, em vội nên vấp phải thôi ạ” - cậu ta trả lời. Thôi thì, dù sao cũng đã qua lâu rồi cái thời còn nhiều ấu trĩ!

Hơn 10 năm sau tôi có dịp trở lại làm việc ở Nga, gặp lại một số khuôn mặt quen “lao động hợp tác”. Chả là, chính sách perestroika (cải tổ) của M. Gorbachev, được thực hiện từ năm 1986, có nhiều sai lầm, đã dẫn đến phá vỡ Liên bang Xô Viết. Nhiều nhà máy phải đóng cửa, không có điều kiện bồi thường và mua vé cho công nhân Việt Nam về nước. Một số người dành dụm được chút đỉnh, cố mua tấm vé “bỏ của chạy lấy người, hồi hương”. Số đông còn lại túm năm tụm ba, dựa vào nhau lần hồi kiếm sống. Những năm đầu của thời hậu Xô Viết, nền kinh tế nước Nga trở nên quá tiêu điều đến mức không thể hiểu nổi. Những cửa bách hóa, đồ gia dụng, cửa hàng thực phẩm… chỉ vài năm trước đó còn phong phú, hàng hóa đa dạng, người mua tấp nập như trẩy hội, thế mà vào đầu những năm 1990, các quầy hàng hầu như trống rỗng. Người mình chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm, mua chỗ này bán chỗ kia. Thậm chí sang cả Ba Lan, CH Czech, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đánh hàng bình dân phục vụ các tầng lớp dân nghèo nước Nga. Nhờ vậy, nhiều người cũng đã khấm khá lên, rồi họ đứng mũi chịu sào mở chợ, tổ chức cho bà con mình buôn bán tập trung. Gặp lại bà con quen biết cũ, ôn lại chuyện thời bao cấp (cả ở nước mình và nước Nga), ai cũng tâm đắc lời cha ông ta đã dạy: “Trong cái khó ló cái khôn”, cần cù, nhẫn nại đã đành. Phải đoàn kết và năng động, nắm chắc thực tế để tích cực hòa nhập, phát huy tối đa thế mạnh và kiềm chế tới mức tối thiểu các nhược điểm của cộng đồng. Ai đâu có ngờ được rằng hàng trăm “lao động xuất dương” sang Liên Xô ngày ấy, giờ đây đã trở thành những “đại gia” trong cộng đồng người Việt mình ở nước Nga!

Ngô Gia Sơn

Nguyên Trưởng Phân xã TTXVN tại LB Nga