Chuyện Thời Bao Cấp

Nỗi Ám Ảnh

Những người Hà Nội từng trải qua thời kỳ bao cấp đều trả lời không bao giờ muốn quay trở lại những ngày tháng ấy. Đó là nỗi ám ảnh của hàng triệu gia đình, nhưng cũng không ít người muốn cảm ơn thời ấy.

Những hiện vật bằng giấy như tem phiếu, sổ mua lương thực bên cạnh những đồ dùng, vật dụng trong gia đình như xe đạp, đài, tivi đều hiện diện ở một góc bảo tàng, tái hiện cuộc sống Hà Nội một thời đã qua. Có khi chỉ là một quả trứng được trưng bày trong lồng kính hay lọ thuốc penixilin đựng đầy mỳ chính cũng đủ khiến người xem gợi nhớ nhiều điều.

TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, là người từng trải qua cuộc sống của thời gian khó ấy nên thấm thía nỗi khổ bao cấp: “Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc phản ánh những hình ảnh tĩnh mà còn ghi lại những câu chuyện, những ký ức được gửi gắm thông qua cuộc phỏng vấn trò chuyện với các nhân chứng lịch sử”.

Chính tay ông nhận từ các cán bộ hưu trí, các cụ ông, cụ bà những hiện vật tưởng như chỉ còn lại trong quá khứ. Hai bộ phim video về Hà Nội: Một thời gian khó và Một thời để nhớ ghi lại chân thực những hình ảnh của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau thời bao cấp. Chính nhân dân là nhân vật trong phim và các ký ức do họ tái hiện lại chuyển tải được nhiều cách nhìn về thời đã qua. Bà Lê Thị Hiền, 69 tuổi, nguyên Quầy trưởng Quầy rau quả Đồng Xuân, số 85 Hàng Buồm hồi nhớ: “Thực phẩm mua bằng tem phiếu, trong đó có nhiều ô. Nhiều lúc, rau xanh cũng cắt ô, mùa hè có quả cam, quả quýt cũng cắt ô, không ô chính thì ô phụ. Hầu hết mọi nhu yếu phẩm đều được phân phối qua hệ thống mậu dịch”. Còn ông Lê Gia Thụy (65 tuổi, Trung tá công an đã nghỉ hưu, ngõ 12, phố Lương Khánh Thiện) thì bị ám ảnh bởi những công nghệ phe tem phiếu: “Phe tem phiếu là chuyện bình thường, thậm chí phe cả vé tàu xe, vé xem phim. Anh xếp hàng không mua được hay không muốn xếp hàng thì mua vé chợ đen, vé đáng 5 hào, trả 7 hào chẳng hạn. Những người phe đã móc ngoặc với bọn bán vé ở bên trong”.

Với người Hà Nội, mua gạo là nỗi nhọc nhằn; vì vậy, những cửa hàng gạo là hình ảnh rõ rệt nhất của Hà Nội thời bao cấp. “Nhiều khi người ta phải dậy từ nửa đêm để xếp hàng. Khi bận rộn, có thể xếp gạch đá, mũ nón hay rổ rá để giữ chỗ. Mua được gạo, về nhà vội mở ra xem, thấy gạo không có mùi mốc là tôi lâng lâng sung sướng suốt cả ngày”, ông Ngô Đức Thịnh tâm sự.

Một phần quan trọng trong cuộc trưng bày là tái hiện không gian của một gia đình thời bao cấp. Các cán bộ bảo tàng ghi lại hình ảnh chân thực của một căn hộ tập thể Trung Tự, chỉ với diện tích 28 m2. Đó là nơi chung sống của 8 thành viên trong gia đình. Những ngày tháng ấy, họ phải nuôi lợn, nuôi chim cút, nuôi gà và chia sẻ không gian sống của mình.

“Người ở chung với súc vật, phân gà phân lợn, hôi thối kinh khủng. Mình là bác sỹ biết điều đó rất mất vệ sinh nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận,” đó là những ám ảnh của bác Trạng, bác sỹ nghỉ hưu tại khu tập thể Trung Tự.

Tác giả bài thơ Mùa xuân nhớ Bác, Phạm Thị Xuân Khải cũng chia sẻ suy nghĩ: “Tuy sinh ra ở miền Nam nhưng những ngày tháng bao cấp tôi cũng có điều kiện sống tại Hà Nội. Cuộc sống khổ cực ấy là giai đoạn mà chúng ta phải chấp nhận. Khi đổi mới dần đến, ai cũng nhận ra rằng tuy đó là sự dại dột nhưng nó cũng giúp ta có những bài học sâu sắc, giúp con người có nghị lực và ý chí vươn lên.”

Và rất nhiều nhân chứng của cả thời kỳ dài bao cấp ấy cũng hiện diện trong ngày hôm nay. Họ chỉ cười khi nghe lại những câu thơ:

Một yêu anh có may ô

Hai yêu anh có cá khô ăn dần

Ba yêu rửa mặt bằng khăn

Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa…

Những điều kiện đơn giản thế, ở vào thời ấy tưởng như là điều không tưởng.

Thu Hà