Điện ảnh từ “mặc kệ” chuyển qua “vì khán giả”, từ sự trễ nải lười biếng chuyển qua hăm hở tìm kiếm phim mới. Tôi tìm thấy điều ấy qua chuyện kể của người thợ chiếu phim lâu năm - anh Nguyễn Cao Sang.
…Nếu tính trong số những người thợ chiếu phim hiện nay vẫn còn đang làm việc, anh Nguyễn Cao Sang thuộc loại thâm niên nhất Sài Gòn!
Ngày ấy - năm 1975, có người anh làm thợ máy chiếu tại rạp Capitol (rạp Thăng Long hiện nay) kéo anh Sang về phòng máy phụ việc. Công việc lặng thầm, ngồi khuất trong phòng tối, chỉ âm thanh “sè sè” của máy chiếu làm bạn, chăm sóc kỹ thuật sao cho buổi thưởng thức phim của khán giả được suôn sẻ. Suốt 31 năm anh gắn bó với nghề, vô hình trung làm “nhân chứng” cho chuỗi dài điện ảnh thăng trầm, ngẫm ra có những điều không thể nào quên.
Thời bao cấp, trong ký ức anh Sang, là thời của phòng máy chiếu nóng hầm hập đổ mồ hôi như tắm, thời của chiếc máy cổ lỗ sĩ xài than (với tác dụng hệt như điện hồ quang, nếu đặt than ở hai cực xa quá thì… máy chiếu tắt cái phụt, nếu đặt than gần quá thì hình ảnh chiếu trên phim bị vàng khè, hệt như màu cháy khét) không chỉ khiến người thợ máy cứ như “lên cơn sốt”, mà còn bị độc hại bởi khói than.
Khoảng năm 1985 mới nhập máy chiếu xenon Liên Xô thay cho máy xài than, đỡ hơn nhưng cũng chưa khấm khá gì, cứ phải đặt hai máy chiếu để thay phim, lỡ tay là phim bị đứt đoạn, khán giả ngồi xem bỗng dưng chứng kiến những vết dài loằng ngoằng trên màn ảnh rồi đen ngòm, sau đó lại loằng ngoằng những vệt dài. Lý do là phần cuối của cuộn phim trước và phần đầu của cuộn phim sau chưa được lắp đồng bộ để chiếu “chồng lấn” xóa đi những đoạn thừa (không hình). Ngày ấy xem phim là vậy đấy, nhưng vẫn được gọi là “phục vụ” khán giả thành công.
Thời bao cấp, trong ký ức anh Sang, còn là “nỗi kinh hoàng” khi phải chiếu những bộ phim quá cũ, phim bị giòn, răng phim bị vỡ. Chỉ chiếu một cuộn (một bộ phim có xấp xỉ 9-10 cuộn) mà đứt đến 4-5 lần, phim cứ phải ngừng chiếu, gián đoạn liên tục. Phim Việt Nam thì hình ảnh nhòe nhoẹt, âm thanh rền rĩ khó nghe.
Phim Liên Xô, phim Đông Âu phần lớn cũng là phim cũ, sản xuất từ nhiều năm trước rồi mới đưa qua cho khán giả xứ ta xem. Khán giả làm gì có quyền được yêu cầu phim mới “nóng hổi”, có phim để xem tàm tạm là may lắm rồi.
“Hồi đó cực lắm anh ơi, nhiều người đã phải bỏ nghề.” Thời bao cấp - anh Sang cho biết, thợ máy chiếu hưởng đồng lương cố định, cũng như bao anh em nhân viên khác trong rạp, bất kể suất chiếu đông hay vắng người xem. Sao anh không bỏ nghề? “Tại tui có lòng ham phim mới theo nghề nổi. Đứng máy chiếu, qua ô nhỏ của phòng chiếu, xem phim hiện lên màn ảnh to đùng, tui… khoái!” - anh Sang giải thích.
Anh Sang luân chuyển qua nhiều rạp, đến tháng 3/2003 về đứng máy tại rạp Đống Đa cho đến nay. Nơi đây có máy chiếu Strong (Mỹ) hiện đại. Các cuộn phim (8-10 cuộn) được đổ vào trong một “bành” rất tiện dụng, do đó một bộ phim được chiếu một lèo cho đến hết, không bị đứt đoạn chờ nối phim như trước, không còn “sự cố” chiếu hết một cuộn thì cuộn kế tiếp… chưa kịp đưa từ rạp khác về (như lúc chiếu máy Xenon hoặc máy than).
“Phòng đặt máy chiếu rộng rãi, thoáng mát, lương bổng thay đổi theo tháng. Làm việc bây giờ thật sướng” - anh Sang cho biết. Tôi bật cười trước cái cách anh bộc lộ sự hào hứng, ở độ tuổi 51 mà vẫn có gì đó rất tươi trẻ. Lương khoảng 3 triệu, với anh Sang vậy đã là “thật sướng”, Tết vừa rồi lương còn cao hơn nữa vì tùy thuộc số lượng người xem.
Rạp Đống Đa ngoài hai khán phòng cố định, đã “nắm bắt thời cơ” tận dụng mặt bằng nhà hàng để biến thành khán phòng mới. Trong sự năng động chung đó, có phần đóng góp của người thợ máy chiếu Nguyễn Cao Sang. Anh lao vào cuộc, tăng năng suất đứng máy. Nói với tôi, anh Sang thổ lộ: “Tui coi rạp chiếu phim này như nhà của mình”.
Nguyễn Chương