Chuông ngân cửa phủ

Chuông ngân cửa phủ

Bây giờ thì mép quả chuông tám tấn đã cày vỡ nền xi măng, ngập xuống dưới mặt đất vài phân. Quả chuông rơi xuống đúng lúc bé Bảo Anh đang thơ thẩn chơi dưới vòm chuông nên cháu đã bị chuông... “nuốt chửng”.

Đó là một ngôi phủ thiêng.

Phủ được xây dựng cách nay năm trăm năm, thờ mẫu Liễu Hạnh, nằm ngay ngã ba sông, không khí linh thiêng bao trùm cả một vùng rộng lớn. Khách thập phương hễ nhìn thấy làn khói nhang tỏa ra từ nóc phủ là lập tức vọng tâm thành kính…

Hôm ấy là ngày mồng một.

Đường vào phủ nhỏ hẹp, độc đạo, quanh co. Bám theo trục đường là mấy bãi gửi xe, một loạt hàng ăn, các quầy vàng mã, oản hoa, tràng hạt, dây đeo trang sức. Rồi xúc xích nướng, cân sức khỏe, ép dẻo, đĩa hát, viết sớ… bày ra miên man tới tận cổng phủ. Và người. Người nêm thành dòng. Lúc dồn ứ lại, lúc từ từ chảy; lúc thảnh thơi, lúc chen lấn; lúc phăm phăm bước, lúc từ tốn đi...

Trong dòng người đông đúc tiến vào phủ có một đôi vợ chồng chưa già nhưng cũng không còn trẻ. Cả hai đều đậm người. Họ làm việc cho một tổ chức của Liên hiệp quốc, anh chồng là giám đốc chương trình, chị vợ là kế toán trưởng của một dự án thuộc chương trình ấy. Chương trình có tên gọi bằng tiếng nước ngoài, nhưng xin hiểu nôm na là chuyên thực hiện các dự án đảm bảo an ninh lương thực cho các tỉnh miền núi phía bắc. Họ mang theo một cô con gái ba tuổi rưỡi, tên là Bảo Anh.

Đi cùng hai vợ chồng này là một đôi trai gái còn khá trẻ. Chàng trai tên Tuấn, cô gái tên Vân. Họ gọi đôi vợ chồng nhà kia là “Anh Châu, chị Châu”. Tuấn làm cán bộ văn phòng chỗ anh Châu, còn Vân là vợ chưa cưới của Tuấn, vừa học Tài chính ra, đang muốn nhờ người yêu nói với anh Châu xin cho một chân vào chỗ dự án của chị Châu.

- Chị Châu ơi, em mua cho cháu Bảo Anh cái xúc xích nướng nhé?

Vân đang bế cháu Bảo Anh trên tay. Con bé đòi ăn ngay từ khi nhìn thấy hàng xúc xích nướng đầu tiên. Vân không dám mua vì sợ chị Châu chê quà rong bẩn. Nhưng nếu không mua thì lại không tỏ được cái sự quý mến cháu. Thế là Vân phải cất tiếng hỏi cho trọn cả đôi đường.

Chị Châu gật đầu đồng ý ngay. Họ liền tạt vào hàng xúc xích nướng của một người phụ nữ. Tại đây có một người đàn ông ăn mày đang đứng nép mình bên cột quán. Khuôn mặt của ông ta thật quái dị: Một bên mắt bị hỏng, một bên cằm bị sứt, một bên má bị bỏng. Trông ông ta thật khó đoán tuổi. Thoạt nhìn thì trên năm mươi. Nhìn kỹ lại thấy có thể tới sáu mươi. Nhưng khi ông ta cười thì lại chỉ như mới ngoài bốn mươi. Ông ta vận một bộ veston màu đen nhàu nát, cũ kỹ, tay cầm một chiếc cặp da vàng sờn rách. Nếu ông ta đứng yên thì tứ chi có vẻ bình thường. Nhưng khi ông ta bước đi thì hai chân tập tễnh. Một bên chân của ông ta bị cụt đến gần đầu gối. Ông ta đang tồn tại trên mặt đất này bằng một chiếc chân giả.

Thấy chị Châu và Vân bước vào hàng mua xúc xích, người đàn ông mặc veston đen nhìn họ nhoẻn cười cầu thân rồi chìa tay ra định cất lời xin ăn. Nhưng cái lời xin đã thuộc nằm lòng một cách rất bài bản ấy vừa cất lên được một từ đầu tiên: “Con…” thì bỗng im bặt. Cái bàn tay chìa ra kia cũng bỗng dưng lật úp xuống rồi lướt lên đầu cháu Bảo Anh.

- Ôi, cháu bé xinh quá, phải mua hai cái, nhỉ?

Chị Châu nhăn mặt không muốn người đàn ông nghèo nàn, rách rưới sờ vào con gái mình. Vân cũng phản ứng gay gắt. Cô gạt phắt tay của người đàn ông kia ra, ôm chặt cháu Bảo Anh vào lòng, không quên lườm ông ta một cái.

Chị Châu và Vân mua xúc xích nướng xong liền bế bé Bảo Anh rảo bước theo cho kịp anh Châu và Tuấn. Ngay sau họ lúc này xuất hiện một người đàn ông tay đeo băng đỏ. Ông ta tên là Khẩn, đội trưởng đội trật tự của phủ, một “hung thần” của đám trộm cắp, móc túi, ăn xin, ăn mày. Đám ấy sợ Khẩn như sợ cọp. Đứa nào không may rơi vào tay Khẩn thì coi như hôm ấy bị Mẫu từ!

Chính sự xuất hiện của đội trưởng Khẩn khiến người đàn ông mặc veston đen không dám để lộ thân phận ăn mày của mình. Nội quy phủ đã quy định rõ ràng. Cấm ăn xin, ăn mày! Đấy là lý do vì sao người đàn ông kia phải khoác lên người bộ veston nhàu và cầm theo bên mình chiếc cặp da sờn. Cải trang như thế ông ta mới lọt qua được hai chốt gác dân phòng mà không bị người ta nhận ra cái mặt ăn xin. Bây giờ lại qua mắt được đội trưởng Khẩn nữa, coi như ông ta đã vào được cửa phủ, coi như Mẫu đã thương tình cho ông ta được nhặt nhạnh chút lộc rơi lộc vãi vào cái ngày mồng một đầu tháng này.

Còn hai nhân vật nữa mà người kể chuyện muốn nhắc tới, đó là một chàng trai và một cô gái. Họ còn rất trẻ. Khi nhóm chị Châu ghé vào một hàng hoa quả để chọn đồ lễ thì cũng là lúc chàng trai và cô gái này từ bên trong bước ra. Chàng trai tên là Tùng, gầy gò, lêu đêu nhưng được cái mặt mũi sáng sủa, hiện là sinh viên năm cuối, khoa văn hóa dân gian, có tài làm thơ. Cô gái tên là Thúy, sinh viên năm thứ nhất, khoa văn, vừa là người yêu vừa là người hâm mộ thơ Tùng. Đây là lần đầu tiên Thúy theo người yêu đi đến ngôi phủ này. Lễ của họ chỉ có khoảng mươi quả mận, một gói hoa và một thẻ hương. Tùng dâng cao cái đĩa đặt đồ lễ lên ngang đầu, thành kính tiến vào cửa phủ, Thúy đi bên cạnh háo hức nghe dở câu chuyện của Tùng. Câu chuyện ấy như thế này:

Quỳnh Hoa là con gái Ngọc Hoàng thượng đế ở Đệ nhị Thiên Cung, do đánh rơi chén ngọc dâng rượu chúc thọ đã phải xuống trần gian đầu thai vào nhà Lê Thái Công ở làng Vân Cát, được đặt tên là Giáng Tiên. Lớn lên, nàng có nhan sắc tuyệt trần, lại giỏi thi ca, lấy chồng nhà họ Trần Thái Công, sinh hạ đủ trai, gái rồi trở về trời được đổi tên là Liễu Hạnh công chúa. Nàng giáng trần lần thứ nhất rồi lần thứ hai, đến lần thứ ba thì xuống ở hẳn hạ giới. Lần thì gặp lại người thân, lần thì dưới lốt một cô gái phóng túng giễu cợt những kẻ hiếu sắc, lần thì hóa thành vị thánh tài ba trừ bạo ngược cứu dân lành, lần lại biến thành bà già chữa bệnh cho kẻ nghèo khó…

- Lạy cô! lạy cậu! Cô cậu vào phủ vái Mẫu xin may xin mắn, xin học xin hành, xin thi xin cử. Con vái cô cậu cho con xin đồng. Con nghèo hèn, mạt vận mới ra nông nỗi này, xin cô xin cậu hãy đoái thương đến thân phận một kẻ tật nguyền như con mà bố thí vài đồng bạc lẻ. Con cầu Mẫu phù hộ độ trì cho cô cậu thi đâu trúng đấy, học hành đỗ đạt, tình duyên như ý, tránh mọi tai ương… - Người đàn ông mặc bộ veston đột ngột xuất hiện trước mặt Tùng và Thúy, cất lời xin với một thứ giọng thảm thiết.

Thúy co dúm người lại trước bộ mặt dị dạng của người đàn ông. Tùng hơi sững sờ. Nhưng rồi Tùng bình tĩnh lại và bảo: “Cháu trông bác có đến nỗi nào đâu mà phải đi ăn xin?”. Người đàn ông mặc veston vội phân trần: “Cô cậu ơi, con khổ lắm. Ở đây bảo vệ họ không cho ăn xin vào nên con mới phải mặc cái áo này, cầm cái cặp này để che mắt họ. Con đói lắm. Cả ngày nay con chưa có gì vào bụng. Đứa con gái hơn một tuổi của con đang vứt ngoài bờ sông kia. Nó chờ con đi xin về mới có cái mà ăn. Cô cậu thương tình cho con xin đồng, không bảo vệ nó nhìn thấy nó lại tống cổ con xuống sông bây giờ…”

Thúy đã hiểu ra người đàn ông trước mặt cần gì. Cô móc ở túi quần bò phía sau ra một đồng tiền lẻ đưa cho người ăn mày. Ông ta nhận tiền, cúi gập người xuống cảm ơn rồi bỏ đi. Khi Tùng và Thúy lẫn vào với dòng người nhích dần về phía cửa phủ thì người ăn mày lại tiến đến trước mặt anh Châu và Tuấn lúc này đang đứng chờ ở phía ngoài cửa hàng hoa quả.

- Con lạy hai ông. Hai ông vào phủ vái Mẫu xin may xin mắn, xin ăn nên làm ra, xin nhiều tài nhiều lộc, xin thăng quan tiến chức. Con vái hai ông cho con xin đồng. Con nghèo hèn, mạt vận mới ra nông nỗi này, xin hai ông hãy đoái thương đến thân phận một kẻ tật nguyền như con mà bố thí vài đồng bạc lẻ. Con cầu Mẫu phù hộ độ trì cho hai ông buôn đâu trúng đấy, mơ chức gì được chức đó, gặp cầu gặp vận, hóa hung thành cát, tránh mọi tai ương…

Anh Châu vẫn đứng bế cháu Bảo Anh trước bụng, hơi xoay lưng lại, vờ như không nghe thấy gì. Tuấn đang trình bày một cách rất hào hứng điều gì đó với anh Châu, bị mất hứng, quay ra gạt tay:

- Thôi, thôi. Không có gì đâu. Trông thế kia mà cũng đi ăn xin à? Bọn tôi cũng đang đói đây.

- Con lạy hai ông! Con gái con mới hơn một tuổi. Nó đang đói lắm. Cả ngày nay nó chưa có gì cho vào bụng. Con đang vứt nó nằm ngoài bờ sông kia. Hai ông thương tình cho con xin đồng không bảo vệ nó nhìn thấy nó lại nện cho con một trận… - Người đàn ông vẫn cố nài nỉ.

Đúng lúc ấy chị Châu và Vân đã sắm xong lễ. Ngoài một mâm lễ đầy do Vân đội, chị Châu còn đỡ trên tay hai đĩa lễ nhỏ nữa. Chị Châu gọi: “Anh Châu ơi, đỡ lễ hộ em với!”. Anh Châu vội đặt bé Bảo Anh xuống đất. Tuấn nhanh chân hơn, chạy tới đỡ lễ cho Vân. Trước đó Tuấn còn kịp quay sang người ăn mày, hất hàm: “Biến đi, loại mày phải để bảo vệ nó hót đi mới được”. Anh Châu cũng tiến lại đỡ lễ hộ cho vợ. Vân chuyển mâm lễ sang cho Tuấn xong thì nhìn thấy người đàn ông ăn mày. Cô hét lên:

- Ối giời ơi, lại cái lão này. Khiếp quá!

Tiếng hét của Vân làm mọi người đổ dồn ánh nhìn về phía cô. Người đàn ông ăn mày sợ lộ thân phận, vội lủi đi. Được vài bước thì ông ta thấy cháu Bảo Anh đứng chắn trước mặt. Bé giơ cái xúc xích nướng lên, bảo: “Cháu cho ông này”. Người đàn ông hơi ngỡ ngàng trước cử chỉ của cháu bé. Ông ta lắc đầu. Bé Bảo Anh lại bảo: “Cho ông mang về cho em bé”. Người đàn ông hỏi lại: “Em bé nào?” “Em bé hơn một tuổi nằm bên bờ sông ấy”, Bảo Anh nói. Người đàn ông chợt hiểu ra. Đúng lúc ấy chị Châu nhìn quanh không thấy con gái đâu, vội hỏi chồng:

- Con đâu anh?

Tuấn và Vân đã bê lễ đi trước. Anh Châu giật mình nhìn quanh. Hoá ra con gái đang đứng với người đàn ông ăn mày. Chị Châu hốt hoảng chạy lại kéo tay con bé: “Đi, đi ngay với mẹ!”

Bỗng chị Châu phát hiện ra chiếc xúc xích nướng của cô con gái lại đang ở trên tay người ăn mày. Chị nghiêm mặt lại: “Sao ông lại lấy miếng xúc xích của trẻ con?”

- Con cho bác ấy đấy. Cho bác ấy mang về cho em bé… - Bảo Anh nói với mẹ.

Chị Châu không nói gì nữa, bế Bảo Anh lên tay quay lại chỗ chồng. Anh Châu lắc đầu, chép miệng “Man rợ. Cứ để cái bọn rác rưởi ấy nó vào chỉ làm bẩn chốn linh thiêng. Không ở đâu ngược đời như cái nước mình…”

- Người ta cũng cấm đấy chứ. Nhưng nó cứ tìm mọi cách chui vào thì biết làm sao được? Mà thôi, kệ nó, chú Tuấn với cô Vân đâu rồi? - Chị Châu hỏi chồng.

- Đi lên trước kia rồi. Đông quá, may có thằng Tuấn nó đội hộ cho mâm lễ…

- Anh thấy cái Vân thế nào? Liệu có cho nó về chỗ em được không? - Chị Châu đón ý hỏi chồng.

- Em cân nhắc xem. Nên nhận con dâu ông Bá trên văn phòng Bộ hay nhận con bé này?

- Nhận con ông Bá thì trả nợ được cho người ta. Nhưng cũng nể chú Tuấn. Chú ấy hầu hạ anh chu đáo gần chục năm nay rồi còn gì?

- Hầu hạ anh thì thằng nào chả muốn. Tính gì chuyện đó. Có chăng là chú ấy giúp mình nhiệt tình trong việc cầu được con Bảo Anh này. Mình ghi nhận điều ấy thôi.

- Cũng nhờ chú ấy mà nhà mình thành đệ tử của Mẫu. À, tuần tới Tính lại rủ đi đền Sòng đấy. Chú Tuấn đang hỏi anh có muốn đi không?

- Đi thì đi. Mà này, uống cái thuốc mới của thằng Tuấn chẳng thấy công hiệu gì cả. Có nên hỏi nó xem thế nào không nhỉ?

Chị Châu thoáng đỏ mặt. Chán cái anh chồng ục ịch này quá. Ai lại đi nói chuyện ấy trên đường vào phủ dâng lễ! Thuốc của chú Tuấn thực ra là thuốc của Tính. Mà Tính chả nói rồi đấy thôi. Thuốc Thánh không nên quá lạm dụng. Mà cái chuyện ấy thì yếu từ hồi thanh niên chứ có phải bây giờ mới yếu đâu? Gớm, thế hoá lại hay. Khoẻ cho lắm vào rồi lồng lên vợ lớn, vợ bé, con nọ, con kia chẳng tan cửa nát nhà như chơi?

Lúc này hai cô cậu sinh viên Tùng và Thúy đã vào bên trong phủ. Tùng chen lên sát điện thờ để đặt lễ rồi cả hai chấp tay khấn vái. Xong, Tùng kéo tay Thúy đi một vòng quanh các điện thờ, chỉ trỏ, giảng giải. Đây là thập nhị chầu bà gồm chầu đệ nhất thượng thiên, chầu đệ nhị thượng ngàn, chầu đệ tam thoải phủ, chầu đệ tứ khâm sai, chầu cửu thiên huyền nữ, chầu mười ở Mỏ Ba, chầu mười hai ở Bắc Lệ… Đây là thập vị tôn ông, ông Hoàng Đôi này có hai vị, ông Hoàng Tư ít được nhắc đến, ông Hoàng Bẩy ở Lào Cai, ông Hoàng Chín ở Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười, tức quan tuần tranh là tướng của Cao Lỗ thời An Dương Vương… Mẫu Thiên hành hỏa nên có mầu đỏ, Mẫu Địa hành thổ mầu vàng, Mẫu Thủy hành thủy màu đen hoặc tía, Mẫu Sơn Lâm hành kim và mộc nên váy áo có mầu trắng và xanh…

Thúy đi theo Tùng, đắm chìm trong mớ kiến thức rộng lớn của chàng. Ngược lại, nhìn vào đôi mắt mê mải của người yêu, Tùng càng nói càng say sưa. “Tâm linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu” chính là đề tài mà Tùng sẽ viết trong luận văn tốt nghiệp. Vì thế Tùng có sự hiểu biết khá phong phú về đạo Mẫu. Đi hết một vòng điện, Tùng kéo Thúy ra ngoài sân. Thúy chỉ vào hai câu đối trên điện thờ hỏi Tùng: “Anh đọc được hai câu đối kia không”. Tùng cố huy động vốn liếng Hán nôm học được ở trường, dò dẫm đọc từng chữ:

- Vô - danh - thiên - địa - chi - thủy, Hữu - danh - vạn - vật - chi - mẫu. À, cũng không khó lắm. Tạm hiểu thế này: Chưa hình thành trời đất là lúc khởi thủy, Hình thành muôn vật ấy là từ người mẹ.

Tùng tiếp tục dẫn Thúy ra gốc cây ngọc lan cổ thụ ngoài sân chờ hạ lễ. Cạnh gốc ngọc lan có treo một quả chuông đồng rất to. Người ta dựng hai cái cột bê tông lên, bên trên lại đổ ngang một thanh bê tông nữa. Quả chuông được treo dưới thanh bê tông ấy. Xuất xứ của quả chuông được ghi trên cột như sau: Đại hồng chung. Cao 3,2 mét, đường kính 1,2 mét, nặng 8 tấn, thành chuông dày 4 xăng ti mét. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ nôm. Quả chuông này chưa được đánh một lần nào nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên thì dân tình đi lại trên cả ba con sông đều nghe được tiếng ngân. Đây là quả chuông lớn nhất tỉnh. Nhân dân quanh vùng vì yêu mến ngôi phủ thiêng mà đúc tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng vàng hòa tan trong đó. Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống một khúc sông. Sau hòa bình lập lại chuông mới được trục vớt và được treo tại đây cho du khách tham quan chiêm ngưỡng.

Cách quả chuông vài mét là chiếc ghế của đội trưởng Khẩn. Mọi khi Khẩn vẫn đeo băng đỏ ngồi đấy quan sát mọi động tĩnh diễn ra ngoài cửa phủ, có việc gì xảy ra, Khẩn sẽ cùng anh em trong đội “tiến hành giải quyết”. Nhưng hôm nay không biết Khẩn đi đâu, chiếc ghế bỏ trống không ai ngồi. Nếu Khẩn vẫn ngồi đấy như mọi khi thì Tùng không dám trèo lên cây ngọc lan bẻ hoa tặng người yêu. Tùng mà không trèo lên cây ngọc lan thì mọi chuyện đã không xảy ra. Nhưng thôi, chuyện ấy sẽ kể sau, bây giờ là lúc Tùng đang chỉ cho Thúy nhìn thấy cảnh đẹp thơ mộng nơi ngã ba sông. Tùng đã từng nhiều lần đến ngôi phủ này. Cảnh ở đây đặc biệt đẹp vào lúc hoàng hôn. Tùng đã từng làm thơ vào khoảnh khắc ấy

Chiều như chậm rơi

Sóng bồng bềnh

Sương giăng đỉnh núi mờ xa

Phủ bâng khuâng huyền thoại

Xa xanh hạc trắng bay về

Chiều như cơn mơ vỗ về hồn ta

Chắp tay lạy thánh nhân

Nỗi buồn gieo neo

Chợt thanh thản chiều nay

Hồn ta tĩnh lặng

Gió trên sông thổi mãi mái rêu phong… [1]

Thúy mê những vần thơ này mà đến với Tùng. Hôm nay lại được trực tiếp đến nơi đã từng tạo nên thi tứ ấy, Thúy nhìn đâu cũng thấy đẹp, cũng thấy lòng mình lâng lâng, thổn thức. Bỗng nhiên Thúy gửi thấy mùi hoa ngọc lan phảng phất. Hương hoa quẩn với mùi khói hương tỏa lan dịu nhẹ, thanh khiết! Ước gì có bông ngọc lan cho vào khăn mùi xoa mà ngửi nhỉ! Thanh tao làm sao! Tùng đón được ý ấy của người yêu, bảo: “Em đứng đây chờ nhé”. Thúy mỉm cười sung sướng. Chàng từng đến đây nhiều lần. Chắc chàng biết cách hái thứ hoa tuyệt vời này. Thúy ngỡ là Tùng sẽ mượn của Ban quản lý phủ một cây sào để khều mấy bông hoa xuống cho mình. Ai ngờ Tùng đi thẳng ra phía gốc cây. Ở đó có một cái thang bằng sắt gắn vào thân cây. Những người trông coi phủ vẫn leo lên cây bằng lối này để hái những bông hoa đầu mùa dâng Mẫu. Lần này Tùng cũng làm theo họ. Tất nhiên Tùng đã nhìn thấy chiếc ghế bỏ không của người đội trưởng đội bảo vệ. Sẽ không có ai ngăn cản Tùng cả. Chỉ loáng một cái thôi. Khi có vài bông hoa cho người yêu rồi là Tùng sẽ nhảy xuống ngay. Tùng đã không leo lên hết các bậc thang dẫn tới chạc cây đầu tiên mà nhảy sang thanh bê tông đặt nằm ngang để treo quả chuông. Từ đây Tùng chỉ cần kiễng chân lên là có thể hái được những bông ngọc lan đang tỏa hương ngào ngạt…

Khi ấy Tuấn và Vân cũng đã đặt xong mâm lễ đầy tú hụ lên mặt điện chính. Cũng giống như mọi người, Tuấn và Vân ra ngoài chờ tàn hương thì vào hạ lễ. Tuấn lướt mắt nhìn thấy vợ chồng anh Châu đã khấn xong, bây giờ đi ra phía sau phủ để cúng tiến tiền công đức. Vân kéo tay Tuấn: “Mình theo chị Châu vào cúng tiền cho phủ đi?” Tuấn gạt đi: “Kệ, vợ chồng lão giầu cứ việc cúng tiến. Mình đặt vài đồng lên mâm gọi là lòng thành được rồi”. Vân lấy đà đưa chuyện:

- Nhà chị Châu giàu lắm hả anh?

Tuấn gật đầu:

- Giàu lắm. Phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần trước lão ấy được hơn tỷ đấy. Thèm đẻ đứa nữa lắm. Nhưng mà lão này cũng yếu…

- Cái Bảo Anh cũng là con cầu tự hả anh?

- Ừ, được con này cũng là nhờ anh dẫn đến điện Tính. Tính hầu mãi thánh mới thương tình cho chút lộc con ấy đấy. Sau này thằng nào mà vớ được con này coi như vớ được mỏ vàng. Gì chứ của hồi môn của nó cũng phải vài tỷ. Mà nay mai vợ chồng lão ấy chết cũng có mang của đi được đâu. Thế nên thèm thằng con giai nữa lắm.

- Liệu anh có giúp được cho anh chị ấy lần nữa không?

- Ngày xưa vợ chồng lão cũng ngu lắm. Nhờ anh giáo hóa, bây giờ mới biết đi chùa đi chiền, lễ đền lễ phủ đấy chứ. Thực ra muốn có con thì thiếu gì cách. Cái chính là mụ ấy có muốn không thôi…!

- Cách gì?

- Thì… thiếu gì thay đấy, yếu gì bổ sung ấy…

Vân nguýt dài Tuấn một cái rồi hỏi thẳng vào điều cần hỏi:

- Thế anh thấy anh Châu nói gì về việc của em chưa?

Tuấn lắc đầu:

- Lão này bí hiểm lắm. Anh đã đề cập mấy lần mà lão cứ lờ lớ lơ đi. Có lẽ phải đánh vào mụ ấy mới được. Em cũng nên gần gũi với mụ ấy một tí…

“R…ầ…m…”

“Bùng… Boong…”

Có một tiếng động lớn phát ra từ phía gốc cây ngọc lan. Tiếp ngay sau đó là những âm thanh đột khởi phát ra từ chiếc chuông đồng. Cả phủ lặng đi. Ai cũng ngơ ngác trước tiếng chuông vang lên, ngân rung trong trời chiều nhập nhoạng tối. Chưa ai nghe thấy tiếng chuông ở phủ này bao giờ. Tiếng chuông quả là vang xa và có sức lan tỏa lớn. Chuông đồng suốt bao nhiêu năm im lìm, bây giờ mới được cất lên thanh âm của riêng mình, khiến tất cả mọi người ngẩn ngơ. Có điều gì đó hệ trọng, đã đành, lại có cả điều gì đó thiêng liêng nữa từ khối thanh âm vang vọng, rung lượn, tản mát, bần thần, xao xuyến kia! Cả Tuấn và Vân đều giật mình quay lại nhìn. Ở nơi phát ra tiếng động nhiều người đang nháo nhào, hốt hoảng. Có hai người len lách, xềnh xệch vừa lôi vừa khênh một thanh niên từ trong đám hỗn loạn ấy đi ra. Thanh niên đó chính là Tùng. Mắt Tùng nhắm nghiền, trên mặt có đôi ba chỗ xây xước rỉ máu, tay chân buông thõng. Thúy sụt sùi chạy theo bên cạnh, luống cuống đỡ tay rồi lại đỡ chân người yêu. “Giữ lấy hai cánh tay nó, khả năng bị gẫy tay đấy”, người khiêng sau nhắc nhở Thúy. “Làm sao thế? Làm sao thế?”. Nhiều tiếng hỏi lao xao. “Chuông rơi… Chuông rơi…”, người khiêng đầu nói. Mọi người đổ xô về chỗ treo chiếc chuông đồng. Chiếc chuông lúc này đang nằm trên nền đất láng xi măng. Một đám đông chen chúc, xúm xít xung quanh. Tiếng còi của đội trưởng Khẩn ré lên. Vòng người dãn ra rồi lại khép lại. Nhiều người hiếu kỳ vẫn tiếp tục lao về phía gốc ngọc lan để tận mắt xem điều gì xảy ra. Tuấn và Vân cũng chạy tới chỗ đám đông. Bỗng Vân nhìn thấy chị Châu mặt tái mét chạy về phía mình. “Chị Châu, làm sao thế?”, Vân vội hỏi. “Em ơi, chết rồi, cái chuông đồng nó rơi, chụp trúng ngay con Bảo Anh. Bây giờ con bé đang bị nhốt trong đó. Tuấn, Tuấn đâu rồi, anh Châu bảo em đi thuê ngay cái máy cẩu”. Tuấn nghe chị Châu nói xong, tay chân bỗng bủn rủn:

- Con… con bé đang ở trong… cái chuông à?

Chị Châu gào lên:

- Ừ, phải làm gì cứu con ngay, giời ơi… sao giời lại hại tôi thế này?

 Tuấn run run rút máy di động ra:

- Chị cứ… cứ… yên tâm. Để em gọi cho thằng bạn đang thầu một công trình gần đây bảo nó điều đến một chiếc cẩu…

Trong lúc Tuấn gọi điện thoại, Vân ôm lấy chị Châu, lo lắng: “Trời ơi, sao chị không để cháu cho em trông. Em tưởng nó đi theo chị cơ mà? Khổ thân con bé. Anh Tuấn ơi, mau mau xem thế nào chứ không cháu nó chết mất”. “Chị vừa thả nó xuống đất, nhoáng một cái nó đã chạy ra chỗ quả chuông rồi. Chị vừa thấy nó chui vào lòng chuông, định chạy lại kéo nó ra thì ối giời ơi…”, chị Châu vừa kể vừa khóc hu hu. “Thế nào, thế nào rồi? Gọi cẩu chưa?”, anh Châu từ đâu xô ra, chạy lại hỏi. Tuấn hạ máy, chưa kịp trả lời thì anh Châu đã lại chạy đi. Tuấn chạy theo, nói với: “Em gọi rồi, nó sẽ điều đến ngay bây giờ”.

- Không kịp đâu, nếu có gọi được máy cẩu thì làm sao mà vào được đây. Đường thì chật mà người thì đông lắm. Phải nhờ Ban quản lý phủ xem có cách nào không? - Một giọng ai đó cất lên trong đám đông.

Chị Châu liền vùng ra khỏi vòng tay của Vân, bổ nhào về phía chiếc chuông đồng. Thật là oái oăm! Thanh bê tông treo quả chuông đã quá lâu ngày nên cốt thép bị ôxi hóa, mục nát từ bên trong. Hôm nay thanh bê tông ấy lại phải gánh thêm gần sáu mươi ki lô gam trọng lượng của anh chàng thi sĩ đa tình kia nữa, thành ra…

Bây giờ thì mép quả chuông tám tấn đã cày vỡ nền xi măng, ngập xuống dưới mặt đất vài phân. Quả chuông rơi xuống đúng lúc bé Bảo Anh đang thơ thẩn chơi dưới vòm chuông nên cháu đã bị chuông... “nuốt chửng”. Anh Châu lúc này chỉ còn cách cố lấy sức mà đẩy quả chuông nhưng sức anh làm sao xô nổi quả chuông nặng tám tấn? Chị Châu vừa gào khóc vừa cùng chồng cố sức đẩy quả chuông lệch sang một bên. Dăm bẩy người nữa cũng xúm vào giúp hai vợ chồng chị Châu nhưng quả chuông vẫn trơ ra, không nhúc nhích. Đội trưởng Khẩn kiếm được ở đâu cái xà beng, chạy đến gạt mọi người ra, nói giọng oang oang: “Để tôi đưa cái này vào rồi mọi người cùng bẩy với tôi”. Anh Châu như chết đuối vớ được cọc, vội chạy đến bên Khẩn đưa tay ra cầm một đầu xà beng. Vài người nữa cùng nắm tay vào thanh xà beng sẵn sàng giúp sức. “Kiếm đâu cái nữa chứ một cái không đủ” “Đây có cái đòn gánh, các anh bẩy lên đi rồi tôi đút vào”. “Ừ, được rồi, được rồi, tôi hai ba thì bẩy nhé!”. Đội trưởng Khẩn đang lựa thế cho cái xà beng thì bỗng có người hét lên: “Không làm thế được. Quả chuông nặng lắm. Cẩn thận không nó nghiến nát con bé đấy”. Thế là tất cả lại rụt tay lại, chỉ còn chị Châu chạy quanh quả chuông gào khóc nức nở. Tuấn cũng nằm trong số những người xúm vào đẩy quả chuông. Bỗng Tuấn chợt nảy ra một ý. Anh chạy vào hậu cung của phủ. Lát sau Tuấn chạy ra, trên tay có một cái búa và một cái dùi đục. “Đục một lỗ cho không khí vào rồi chờ xe cẩu tới”. Tuấn đặt mũi đục vào thành chuông, định nện búa thì có người giữ lại. “Đừng, quả chuông này dày lắm, tiếng chuông sẽ tạo ra sức ép làm con bé thủng màng nhĩ, phọt óc ra mà chết mất”. Tuấn chùng tay lại rồi vứt búa và đục xuống đất. “Dây thừng, dây thừng đâu, quấn quanh gốc ngọc lan mà kéo”, lại có sáng kiến khác. Đội trưởng Khẩn vội chạy ra sau phủ, lát sau quay lại mang theo một cuộn dây thừng. Khẩn đút dây thừng qua lỗ móc trên đầu quả chuông rồi vắt chéo hai đầu qua gốc cây ngọc lan. Mỗi đầu dây lập tức có vài ba người bám vào.

- Khi nào tôi hô thì kéo nhá - Khẩn nói - Nào, hai… ba!...

“B…ự…t”

Sợi dây thừng đứt tung mà quả chuông vẫn nằm yên, gắn chặt vào nền đất. Có mấy người bị sợi dây thừng văng vào mặt, hét toáng lên. Vòng tròn người dãn rộng ra được một chút. “Dây đểu. Tìm cuộn dây khác”, lại có người lên tiếng. “Ừ, dây này mủn quá, có dây ni lông không?”. Nhưng đội trưởng Khẩn không còn hào hứng nữa. Kiếm đâu ra dây ni lông bây giờ? Mọi cố gắng của người đội trưởng dường như đều vô vọng. Những ánh mắt trở nên chán nản. Khoảng sân trước phủ dày đặc những tiếng thở dài bất lực. Trong số những người xúm quanh quả chuông có cả người đàn ông mặc veston đen. Khi mọi người nháo nhác tìm cách xô đẩy quả chuông thì gã ăn mày này chỉ ngồi yên hì hụi bới đất dưới mép chuông bằng một vật sắc nhọn. Nhiều người không để ý đến ông ta. Tiếng khóc của chị Châu, của Vân, sự quay cuồng bất lực của anh Châu, của Tuấn, của đội trưởng Khẩn làm mọi sự trở nên hỗn loạn, không ai còn nghĩ ra được cách gì để cứu cháu bé đang nằm trong lòng quả chuông nữa.

Tất nhiên những phút lúng túng ấy rồi cũng trôi qua mặc dù khoảng thời gian đó đủ để làm chết ngạt một con người. Xung quanh phủ lúc này là một đám đông mất trật tự. Và người vãn hồi đám đông có chiều hướng hỗn loạn ấy cuối cùng cũng đã xuất hiện. Đó là trưởng Ban quản lý phủ. Ông ta yêu cầu đội trưởng Khẩn cho anh em bảo vệ thiết lập một vòng trống xung quanh chiếc chuông đồng. Khách đến phủ tạm thời bị đẩy ra ngoài. Mấy chốt dân phòng ngoài đường cũng đã nhận được điện thoại yêu cầu ngăn không cho người và xe vào phủ nữa. Chàng thi sĩ bị ngã từ độ cao hơn bốn mét được đưa vào trạm y tế gần đấy để sơ cứu. Anh ta đã tỉnh, chỉ còn chờ chuyển lên bệnh viện để bó bột cánh tay phải nữa là ổn. Người nhà của cháu bé nạn nhân cũng được mời vào phòng khách ở hậu phủ ngồi để khỏi làm rối sự việc. Trưởng Ban quản lý phủ là người trầm tĩnh nhưng cương quyết. “Muộn thì cũng muộn rồi, không kịp thì cũng không kịp rồi. Phải bình tĩnh để xử lý. Không may cháu bé có chết thì cũng phải chịu. Không thể để khách đến phủ hỗn loạn giẫm đạp lên nhau, sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều”. Trưởng Ban quản lý phủ nói vậy và trực tiếp cùng đội trưởng Khẩn đi một vòng quanh quả chuông xem xét, nghiên cứu cách giải quyết. Một bóng điện được kéo thêm ra gốc cây ngọc lan, soi sáng thêm khoảng sân trước phủ. Trưởng Ban bỗng nhìn thấy dưới mép chuông có một cái hốc như lỗ chuột đào. Ông vội quỳ xuống thò tay vào trong cái hốc đó. Lát sau ông ta đứng dậy, quay sang nói với đội trưởng Khẩn bằng một giọng hứng khởi: “Tốt rồi. Đứa bé sống rồi”. Đội trưởng Khẩn còn chưa hiểu ra làm sao thì trưởng Ban quản lý lại nói tiếp: “Giữ nguyên như thế này, bây giờ chỉ cần cho một người ra đây khoét thêm cái lỗ này ra và khẽ quạt lùa không khí vào là được. Sau khi giải phóng xong số người đang mắc kẹt trong phủ, sẽ cho xe cẩu vào”.

Dòng người thăm phủ lúc này bị đẩy ngược trở ra. Tiếng loa phóng thanh liên tục phát đi một nội dung, đại loại: Trong phủ xảy ra sự cố đề nghị bà con tạm rời đi chỗ khác, khi nào xử lý xong Ban quản lý kính mời bà con quay trở lại thăm phủ.

Trong lúc dòng người đang chảy ngược trở ra thì người đàn ông mặc veston đen lại quay về đứng bên chiếc cột quán bán xúc xích nướng. Người phụ nữ bán xúc xích vừa quạt bếp than vừa hỏi: “Sao ông biết chắc là đứa bé không chết?” Người đàn ông ăn mày trả lời bằng một giọng rất nhỏ, không sao nghe được. Người phụ nữ bán xúc xích nướng lại hỏi: “Ông lấy gì mà khoét được cái lỗ đó?”. Người đàn ông lại trả lời bằng một câu rất nhỏ, cũng không sao nghe được. Người bán xúc xích lại hỏi: “Con bé mọi khi vẫn đi với ông đâu?” Lần này thì nghe được câu trả lời của người đàn ông: “Nó ốm, nằm nhà”. Người phụ nữ lại hỏi: “Mẹ nó đâu?” Người đàn ông đáp: “Hồi đi xin ở chùa Phúc Tự, cũng có chuông rơi như thế này. Nhưng đó là một tháp chuông cũ, bỏ hoang. Tôi nhặt được nó ở trong quả chuông rơi ấy”.

- Thế à? - Giọng người phụ nữ bán xúc xích lại cất lên - Này, có cái xúc xích bị vỡ, mang về cho con bé!

Người đàn ông ăn mày cầm cái xúc xích vỡ cho vào trong chiếc cặp da. Ông ta nói một câu gì đó với người phụ nữ. Nhưng câu này cũng rất nhỏ, không sao nghe được.

 Nhà số 4, tháng 1/07

[1] Dựa theo ca từ của Phú Quang.,