Tàu đậu tại cửa Rạch Giá mấy ngày, bữa nào chiều mát Chúa tàu cũng dắt Trần Mừng lên đi dạo phường phố chơi; mà đi thì đi chớ không nghe Chúa tàu tính mua bán chi hết. Trong lúc ban đêm vắng vẻ, Chúa tàu thường hay nhắc ghế dài ra để dựa cột buồm mà nằm, có bữa nằm đến hết canh ba mới chịu vô phòng mà nghỉ. Trần Mừng dòm coi ý tứ như vậy thì trong bụng nghi Chúa tàu có việc ưu sầu chi đây, thường khi muốn hỏi cho biết đặng lập thế mà khuyên giải, song vì Chúa tàu chẳng khi nào mở hơi, nên Trần Mừng không dám hỏi đến.
Bữa nọ ở dưới tàu nóng nực, Chúa tàu mới biểu Trần Mừng đi với mình lên chợ mà hóng mát. Hai người vừa đi tới một tiệm cháo thì có một người đàn bà đứng trước cửa tiệm thấy liền mời hai người vào mà dùng cháo trưa. Chúa tàu nghe mời day lại ngó Trần Mừng rồi bước vào tiệm. Trần Mừng thấy vậy cũng nối gót bước vào. Tiệm thì chật mà lại đồ đạc để nghinh ngang bởi vậy cho nên hai người vào không biết chỗ đâu mà ngồi. Người chủ tiệm trạc chừng ba mươi lăm tuổi, mặc một cái quần xà lỏn chớ không có áo đương lum khum thổi lửa, ngó thấy hai người khách lật đật chạy lại dọn quét một cái bàn cho khách ngồi. Chúa tàu dòm tứ phía thì thấy phía trong có hai người ước chừng ba mươi lăm tới bốn mươi tuổi, một người nước da đen, không có râu, chưn mày rậm, còn một người nước da trắng, môi dày, râu lún phún, đương ngồi ăn cháo uống rượu. Chúa tàu ngó hai người ấy hoài, đến chừng bàn đã dọn xong, ngồi lại mà cũng còn ngó nữa. Trần Mừng từ khi mới bước vô liếc thấy hai người đó thì cũng chăm chỉ ngó hoài, đến chừng chủ tiệm lại hỏi muốn ăn vật chi, anh ta biểu lấy rượu ngon, nấu vài tô cháo, rồi mới nói tiếng Quảng Đông với Chúa tàu rằng hai người uống rượu đó tên là Cam với tên Quít, cách mấy năm trước ở Tân Châu lén bơi xuồng mà đưa mình xuống Rạch Giá đặng thoát thân. Chúa tàu nghe nói thì ngó ngay Trần Mừng, rồi cũng nói tiếng Quảng Đông biểu Trần Mừng lại làm quen và mời ngồi chung một bàn mà ăn uống, song dặn đừng thổ lộ việc chi hết, để anh ta liệu mà hỏi thăm cho. Trần Mừng nghe lời đi lại vừa tới thì hai người ấy đã biết rồi nên đứng dậy mà hỏi: “Chú là có phải là chú Mừng hay không?”. Trần Mừng cười và đáp rằng: “Làm sao mà không phải. Hai anh em xuống đây làm cái gì?”. Người có râu liền nói: “Thằng Trần Tấn Thân nó xấu quá, cũng vì nó mà hai anh em tôi trôi nổi xuống đây đa”.
Trần Mừng nghe nói trái tai, ý muốn hỏi coi vì cớ nào mà nói Trần Tấn Thân bụng xấu, song nhớ sực lời Chúa tàu dặn nên không hỏi lại mời hết hai người lại ngồi chung một bàn uống rượu nói chuyện chơi cho vui. Vả hai người này thiệt là người ở Tân Châu người trắng có râu đó là Hai Cam, còn người đen mà không râu đó là Sáu Quít vốn là tôi tớ ở với Trần Tấn Thân từ nhỏ tới lớn, bởi vậy cho nên khi mới bước vô Chúa tàu ngó thấy thì biết không phải lạ, song vì bởi lâu quá nên không nhớ tên họ được, mà cũng thiệt hai người đó là người cách mấy năm trước Trần Tấn Thân sai bơi xuồng đưa Trần Mừng xuống Rạch Giá bởi vậy cho nên Trần Mừng mới quen. Hai người ăn cháo chưa hết một phần tô mà uống rượu đã xoàng xoàng rồi, nghe Trần Mừng mời thì bưng đồ đương ăn uống đó đem hết lại để chung một bàn mà ngồi với Trần Mừng và Chúa tàu.
Trần Mừng nói tiếng Quảng Đông với Chúa tàu rằng hai người này thiệt quả là tên Cam, tên Quít, năm trước ở Tân Châu bơi xuồng đưa mình xuống đây. Chúa tàu bèn sửa giọng nói theo khách Quảng Đông nói tiếng An Nam mà chào hỏi, rồi quay lại biểu chủ tiệm lấy rượu thêm và chưng cá làm vịt mà dọn cho nhiều đặng ăn uống chơi một bữa.
Chúa tàu rót rượu mời Cam, Quít uống cầm chừng mà chờ đồ ăn. Uống rượu được vài hiệp, Trần Mừng mới giở ra hỏi coi vì cớ nào hồi nãy Hai Cam lại nói Trần Tấn Thân bụng xấu, Hai Cam có tánh hễ uống rượu thì hay nói lý quốc, bởi vậy cho nên nghe Trần Mừng hỏi liền đáp rằng: “Thằng Trần Tấn Thân xấu thiệt mà! Để tôi kể hết chuyện xấu của nó cho hai chú nghe, ông già tôi hồi trước mắc nợ ông già nó đâu chừng vài chục quan tiền, mà ông già tôi nghèo quá trả không nổi; khi ông già tôi chết, cha con nó buộc tôi phải ở cố công đặng nát lời. Tôi ở với nó gần hai mươi năm mà nợ cũng còn hoài; tôi có một mẹ già khi đau ốm không ai nuôi dưỡng, nhiều lúc tôi xin nó cho tôi về đặng hẩm hút với mẹ tôi, nó đã không cho mà còn rầy tôi nữa, biểu tôi như muốn về thì đem trả đủ tiền cho nó rồi mới được về. Tôi muốn đi thưa làng, mà thấy nó giàu có, quan làng ai cũng vị nó, nên tôi không dám thưa. Sáu Quít đây cũng vậy, mướn mấy công ruộng của nó, rủi thất mùa không có lúa mà đong, nó bắt ở đợ trừ, mà ở tới mười hai, mười ba năm trừ cũng chưa dứt. Hai chú nghĩ coi nó độc ác biết dường nào? Mà chuyện anh em tôi chẳng nói nhiều làm gì. Để tôi nói chuyện nó ở xấu với chú Mừng đây cho chú biết …”
Hai Cam vừa nói tới đó thì chủ tiệm bưng cháo và cá chưng đem lại. Chúa tàu với Trần Mừng mời ăn uống một hồi rồi Hai Cam mới hỏi rằng: “Chú Mừng, hồi chú ghé thăm Trần Tấn Thân rồi chú đi Biển Hồ đó, chú có gởi tiền bạc cho nó hay không?”
- Ờ, ngộ gởi một trăm bốn mươi nén bạc.
- Hèn chi!
Hai Cam day qua ngó Sáu Quít rồi tiếp rằng: “Tại chú gởi bạc đó nên hai anh em tôi mới bỏ xứ mà đi xuống đây đa. Để tôi nói chú nghe: Lúc chú ghé đó thì tôi mắc nấu nước nên tôi không biết nói chuyện gì với nhau. Tôi hỏi thăm người trong nhà thì họ nói chú là anh ruột Trần Như. Chừng chú ra đi thì tôi thấy chủ nhà tôi xách một gói bạc đem vô giở rương xe mà cất. Sáng bữa sau, cơm nước xong rồi chủ nhà tôi đi lên Huyện, không biết nói chuyện chi, mà chừng trở về kêu hết bạn bè tôi tớ trong nhà mà dặn nếu có chú trở về chú có hỏi vậy chớ quan làng có xét nhà lấy hết vàng bạc và bắt chủ nhà tôi giam năm sáu bữa hay không thì phải nói có, nếu đứa nào cãi lời thì sẽ bị đòn mà lại bị giải đến cho quan Huyện bỏ tù nữa. Lúc chú trở về thì nhằm ban đêm, hai anh em tôi mắc ngủ ở nhà sau không hay, chừng chủ nhà tôi kêu thức dậy rồi biểu lấy xuồng đưa chú xuống Rạch Giá thì anh em cứ việc làm theo chớ không biết chuyện chi hết”.
Hai Cam nói tới đó, Chúa tàu liền chận mà hỏi: “Mà trong lúc chú Mừng gởi bạc rồi đi Biển Hồ đó, vậy chớ có quan hay là làng tới xét nhà rồi bắt Trần Tấn Thân hay không?”
Sáu Quít nãy giờ ngồi nghe chớ không nói vô, chừng nghe hỏi mới nói: “Đâu có, nó đặt chuyện đặng giựt tiền người ta chớ”. Hai Cam liền hớt mà nói tiếp rằng: “Để tôi nói đủ đầu đuôi cho mà nghe. Hai anh em tôi đưa chú Mừng xuống Rạch Giá, chú cho mấy quan tiền, hai anh em tôi mua gạo mắm bỏ xuống xuồng mà bơi về. Về ngang đồn Cái Vừng lối nửa chiều, lính đồn kêu hỏi vậy chớ hai đứa tôi phải là tên Cam với Quít ở đợ với Trần Tấn Thân trên Tân Châu hay không? Hai anh em tôi tình thiệt nên nói thiệt, lính bèn dạy hai anh em tôi ghé lại lên đồn có chuyện. Hai đứa tôi bước lên thì ông đội dạy lính đem đóng trăng chớ không nói một lời chi hết. Hai đứa tôi tưởng quan bắt là vì đưa chú Mừng nên kêu oan nói rằng chúng tôi là tớ có chủ, hễ chủ biểu làm việc chi thì làm việc nấy, chớ chúng tôi không dám cãi, ông đội nghe nói như vậy nhảy lại đạp đá hai đứa tôi rồi nói rằng: “Bây nói chủ bây biểu đâu làm đó, vậy chớ chủ bây có biểu cạy rương xe lấy bạc của chủ bây hay không?”. Hai đứa tôi nghe nói chưng hửng, không hiểu có việc gì, cứ khóc mà than với ông đội rằng chủ chúng tôi sai bơi xuồng mà đưa chú Mừng xuống Rạch Giá, chúng tôi đưa tới nơi tới chốn bây giờ trở về, chớ không cạy rương của ai hết. Có lẽ ông đội nghe hai đứa tôi nói, biết hai đứa tôi không có lòng gian, bởi vậy cho nên ông mới hết giận rồi nói với hai anh em tôi rằng: “Bây nói chủ bây sai bây đi Rạch Giá, mà sao hôm qua lại qui đơn trên Huyện thưa nói bây cạy rương xe lấy hết mấy chục nén bạc với mấy cặp áo mà trốn. Đây nè có trát quan Huyện chạy xuống đồn hồi sớm mơi đây, dạy tao phải tuần dưới sông đặng đón hai đứa bây mà bắt!”.
Khi mới bị bắt, chúng tôi tưởng là về tội đưa chú Mừng chừng nghe nói Trần Tấn Thân cáo chúng tôi về tội ăn trộm thì chúng tôi không hiểu chi hết. Sáu Quít khóc ròng và muốn kể hết đầu đuôi cho ông đội nghe, song ông đội không chịu nghe, dạy chúng tôi phải nằm yên, rồi đợi sáng ông sẽ giải lên Huyện. Đến tối lính trong đồn ngủ hết rồi ông đội mới thức dậy hỏi chúng tôi coi vì cớ nào vô tội mà chủ lại đi cáo như vậy. Tôi kể hết đầu đuôi cho ông đội rõ, tôi lại nói chủ tôi sai đi đã năm bữa rày sao đến hôm qua mới đi thưa, nếu thiệt chúng tôi có ăn trộm đồ mà trốn, sao lại biết chúng tôi đi ngang qua đây mà đón. Tôi lại tỏ việc chú Mừng gởi bạc cho ông đội nghe, rồi tôi nói rằng chắc chủ tôi giựt số bạc ấy, song sợ chúng tôi đi dưới xuồng nói bậy ra cho chú Mừng hay nên lập thế cáo gian làm cho quan bắt mà bỏ tù chúng tôi đặng ăn bạc ấy một mình cho nhẹm. Ông đội nghe hết đầu đuôi, ngồi suy nghĩ hồi lâu rồi mới nói nhỏ với hai đứa tôi rằng: “Tao thấy bây thiệt thà tao thương, mà tao cũng có nghe thằng Trần Tấn Thân nó ỷ thân ỷ thế, hay bày mưu hại người ta thì tao ghét lắm. Chuyện nầy tao chắc nó sang đoạt của người ta mà nó sợ có bây ăn không êm, nên nó lập thế hại bây. Mà nếu tao giải bây lên Huyện thì chắc bây không khỏi, bởi vì nó thân với quan Huyện lắm, tao thấy lá trát của quan Huyện thì tao hiểu rồi. Tao cũng muốn mở trăng cho hai đứa bây đi, song nếu tao làm như vậy thì tao có tội. Thôi, để tao cắt dây cho bây rồi tao đi ngủ, chừng canh tư bây lén trốn mà đi”. Ông đội nói dứt lời liền đi lấy dao cắt dây sẵn cho hai đứa tôi rồi mới đi ngủ.”
Chúa tàu nghe nói tới đó vùng cười lớn, còn Trần Mừng ngồi lặng thinh mà bộ giận lung lắm. Chúa tàu hỏi ông đội đó tên gì. Hai Cam nói không biết. Sáu Quít mới ứng tiếng mà nói ông đội Sum, người gốc ở dưới vàm ông Chưởng. Trần Mừng hỏi vậy chớ ông đội cắt dây cho hai người trốn khỏi hay không, thì Hai Cam nói: “Hai đứa tôi nghe lời ông đội nên qua canh tư dọ coi lính đồn ngủ hết mới lén đi xuống mé sông rồi bơi xuồng mà trở vô Rạch Giá. Mấy năm nay hai đứa tôi không dám ló mặt về xứ, cứ ở đây chài lưới mà kiếm ăn. Tôi có một mẹ già, không biết mấy năm nay ở nhà còn hay là mất”.
Chủ tiệm bưng lên một mâm thịt vịt nữa, Chúa tàu biểu lấy thêm rượu rồi bốn người ngồi ăn uống coi bộ thân thiết với nhau lắm, ăn một hồi Chúa tàu thấy Hai Cam lanh lợi muốn gây chuyện hỏi nữa nên ngó Trần Mừng nháy nháy con mắt rồi hỏi Hai Cam rằng: “Hai anh em tôi vẫn biết tên Thân là người độc ác. Chú Mừng chú cũng biết nó giựt bạc chú chớ chẳng không; song con người ở đời làm lành thì gặp lành, làm dữ thì gặp dữ, bởi vậy cho nên chú Mừng chú không thèm nói làm chi, mà chú mất có 140 nén bạc, bây giờ chú làm ăn có thêm còn nhiều hơn số đó nữa. Không hề gì mà, tên Thân nó ở xấu thế nào rồi sau ông trời cũng hại nó. Nầy, tôi có nghe hồi trước nó còn làm một điều ác lung nữa, nó bày mưu sao đó mà hại tên Thủ Nghĩa bị đày chung thân, hai anh ở với nó lâu năm, vậy chớ hai anh có biết chuyện đó hay không?”.
Sáu Quít vừa muốn nói thì Hai Cam hớt mà đáp rằng: “Không biết hồi đó có anh Quít ở hay chưa, chớ tôi ở đã lâu, chuyện đó tôi biết rõ lắm”.
Chúa tàu lật đật rót rượu mời uống thêm rồi biểu Cam nói rõ hết cho nghe chơi. Hai Cam xình xoàng nghe Chúa tàu hỏi phăng lần thì khoái chí nên uống cạn chung rượu rồi mới thuật rằng: “Chuyện hại Thủ Nghĩa tôi biết hết. Số là Thủ Nghĩa có một đứa em gái tên Thị Xuân, lịch sự lắm. Trần Tấn Thân ngó thấy nó muốn song muốn là muốn chơi cho qua buổi, chớ không phải muốn kết vợ chồng. Mà dầu nó muốn kết làm vợ chồng cũng không được, bởi vì cha mẹ nàng đã gả cho Kỉnh Chi ở dưới Cái Vừng rồi. Bữa nọ, nàng ấy đi đâu đó không biết, Trần Tấn Thân với Lý Thiên Hùng đi chơi gặp ngoài đồng, Trần Tấn Thân làm ngang, bắt ám sát. Thời may Thủ Nghĩa gặp đánh anh ta gần chết. Lý Thiên Hùng cõng về nói dối rằng leo cây bị té gãy tay. Đó, tại vậy nên mới sanh lòng oán hận Thủ Nghĩa. Chừng mạnh rồi, Thân với Hùng bày mưu đem năm chục quan tiền lên lo cho quan Huyện đặng hại Thủ Nghĩa. Hồi đó tôi vác tiền đem cho quan Huyện đa. Tôi không rõ mưu bày làm sao mà cách không đầy năm bữa quan Huyện cho lính bắt Thủ Nghĩa mà giam rồi làm tờ giải qua bên tỉnh, quan trên kêu án Thủ Nghĩa chung thân”.
Chúa tàu nghe nói tới đó thì đau lòng hết sức, song ráng gượng gạo mà hỏi rằng:
- Nếu vậy quan Huyện có ăn của nó năm chục quan tiền hay sao?
- Chớ sao!
- Không biết bây giờ Thủ Nghĩa đã về hay chưa?
- Cách mấy năm trước tôi nghe nói cháy khám tù chết nhiều lắm. Tôi chắc Thủ Nghĩa đã chết rồi, mà dầu chưa chết bị án chung thân thì về giống gì được.
- Cha chả! Nếu Thủ Nghĩa về không được chắc là cha mẹ ở nhà rầu lắm há?
- Còn đâu mà rầu. Thủ Nghĩa mới bị lao tù có mấy tháng, mẹ y rầu quá sanh bịnh ho thổ huyết mà chết. Cha y cũng vì rầu nên cách vài tháng rồi cũng chết theo nữa. Nghĩ thiệt tội nghiệp cho Kỉnh Chi, nói vợ thì chưa cưới, mà làm cũng như đã cưới rồi, lo chôn cất cha vợ, mẹ vợ tử tế quá. Cha mẹ chết rồi thì Thị Xuân bụng đã thè lè, xóm riềng ai cũng đều nói, mà Kỉnh Chi ở tử tế như vậy dầu mình làm đàn bà mình cũng khó gìn giữ được. Theo tôi thì tôi không cưới, bởi vì tuy tiền dâm hậu thú là sự xấu, song Kỉnh Chi dầu chưa có đủ tục lễ mà ở với cha mẹ vợ như vậy thì cũng như có đủ rồi.
- Té ra Thị Xuân với Kỉnh Chi ở với nhau luôn, chớ không làm lễ cưới hay sao?
- Cha mẹ chết hết rồi cách chẳng bao lâu kế Thị Xuân đẻ, Thị Xuân đẻ được một đứa con trai vừa được ba bốn tháng kế Thị Xuân đau chết nữa. Kỉnh Chi chôn cất vợ rồi lo nuôi con, có lẽ thằng nhỏ năm nay khi đã được 13, 14 tuổi rồi đa.
- Anh có biết bây giờ Kỉnh Chi ở đâu hay không?
- Tôi hay Kỉnh Chi bán nhà cửa mà đi, song tôi không hiểu đi đâu.
Sáu Quít liền tiếp mà nói rằng: “Cách mấy năm trước tôi đi An Giang, tôi có gặp Kỉnh Chi một lần, khi ấy anh ta chèo đò đưa ngang sông, ngay chợ An Giang đó, không biết năm nay còn ở đó hay không?”
Chúa tàu nghe nói rõ hết dầu đuôi chuyện của mình tuy lòng giận, hết giận rồi lại buồn, song ngoài mặt cũng làm vui như thường, bởi vậy cho nên Trần Mừng với Cam, Quít không thế nào rõ ý riêng được, mãn tiệc rồi thì trời đã nửa chiều, Chúa tàu đứng dậy trả tiền cho chủ tiệm rồi nói tiếng Quảng Đông biểu Trần Mừng cho Cam, Quít mỗi người một nén bạc. Cam, Quít thấy Chúa tàu cho ăn uống no say, mà chú Mừng còn cho bạc nữa, thì cảm tạ vô cùng. Khi từ biệt nhau mà về, Chúa tàu lại hỏi thăm hai người giờ ở đâu. Cam, Quít nói mình ở đậu nhà thợ U dưới xóm lò rèn. Chúa tàu chỉ chỗ tàu đậu rồi mời hai người khi nào rảnh thì xuống tàu uống rượu chơi.