Chúa Ơi Chàng Muốn Lấy Con

Chương 16. Cưới hay không cưới, vấn đề là ở chỗ đó

Nếu bạn muốn thay thế sự ngưỡng mộ của nhiều người đàn ông lấy những lời chỉ trích của một người đàn ông duy nhất thì cứ việc kết hôn nhé.


Katharine HEPBURN.


Vài tuần trôi qua, Roxane đã gần gũi với chồng như trước đây chưa bao giờ từng được như vậy. Tôi nghĩ Roxane đã nhận ra rằng chồng cô nàng không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cảm giác thiếu thốn của cô nàng. Về phần mình, ông chồng đã ý thức được cảnh đơn chiếc cô quạnh của vợ. Họ đã cùng tiến những bước dài về phía nhau. Nhất là sau khi Nicolas trả thù Mathias một cách tàn bạo trong công việc với những phương cách tinh vi và trí tuệ, khiến gã phá sản và uy tín giảm sút trên toàn châu lục. (Rốt cuộc thì tay Nicolas này cũng không điềm tĩnh đến thế đâu...)


Có thể nói rằng chuyện đó khiến Roxane hài lòng. Thậm chí cô nàng còn thấy vui với vai trò người vợ được thèm muốn của một người đàn ông có phần nào đó nguy hiểm chẳng kém gì bố già Corleone...


Trong kỳ nghỉ của hai vợ chồng tại Las Vegas, giữa hai đêm cuồng nhiệt tại một phòng khách sạn hạng sang bài trí hết sức phá cách, họ đã nói chuyện với nhau rất nhiều, rất lâu. Rồi họ quay trở về Paris với một kế hoạch mới toanh.


Không đâu, không phải đứa con thứ sáu. Một việc đau đầu hơn, việc mà Nicolas chưa bao giờ đồng ý cho Roxane thực hiện, nhưng GIỜ thì anh đã chấp nhận: Roxane sẽ làm việc trở lại.


Vậy thì tốt thôi, dĩ nhiên, chính là Roxane. Có nghĩa đây không phải loại phụ nữ được voi rồi mà lại không đòi tiên: cô nàng còn đòi cả hai bà Trưng nữa ấy chứ. Từ giờ trở đi điều này đã trở thành hiện thực, bởi vì Roxane chuẩn bị mở công ty riêng!


Công ty này sẽ mang cái tên hết sức khiêm tốn: “Hãng người mẫu Roxane Leroy”.


Cô nàng sẽ điều hành một hãng người mẫu riêng. Nhưng lưu ý này, đây không phải những người mẫu bất kỳ đâu nhé. Một hãng chuyên tuyển những người mẫu “size bự”, với một phòng dành riêng cho những người mẫu “tuổi trên bốn mươi” mà cô nàng dự tính sẽ lũng đoạn thị trường.


Vốn hiểu rõ Roxane, tôi có cảm giác chuyện này sẽ thành công nhờ niềm đam mê tuyệt đối.


Chính vì vậy nên tôi không ngừng gửi tới Roxane những tín hiệu khích lệ kín đáo bằng cách công khai buông vung bỏ vãi trước mắt cô nàng một lượng không nhỏ ảnh chụp cá nhân.


V ì luôn cố tạo ra ánh mắt quyến rũ mỗi dịp chúng tôi gặp nhau mà tôi đã mắc chứng máy giật, và thêm chứng cổ dài vì không ngừng phô ra góc nhìn nghiêng khả ái nhất trên khuôn mặt mình.


Thấy mắc cười quá nên Roxane rốt cuộc cũng tiết lộ với tôi một bí mật khủng khiếp: mặc dù cực kỳ xinh đẹp (chuyện này tự hiểu với nhau thôi nhé), tôi vẫn không thể đứng vào hàng ngũ người mẫu trong hãng của cô nàng được.


“Déborah ơi, cậu phải nhớ đinh ninh điều này nhé: cỡ 42 thì không lấy gì làm to hết!!”


Vì đã quyết tâm cao độ, tôi thề với cô nàng sẽ làm mọi thứ để tăng bề ngang cơ thể.


Tôi cần phải tăng bao nhiêu cân nào? Mười? Hai mươi ki lô? OK, ba mươi và chúng ta sẽ không nói chuyện này nữa nhé. Chương trình ăn uống không thành vấn đề, tôi biết đích xác cần phải ăn gì để trở thành bé bự. Thôi nào, làm ơn tỏ ra dễ tính tí đi.


Tôi không biết tại sao, nhưng cô nàng hoàn toàn không xem những lời tôi nói là nghiêm túc.


Không hề gì. Tôi sẽ thử vận may ngay khi những nếp nhăn đầu tiên xuất hiện. (Chúng đã xuất hiện rồi đấy, nhưng chưa đủ rõ, có vẻ thế. Nào các chàng trai! Hằn sâu thêm đi! Vì Chúa, hằn sâu thêm nữa nào!)


Ngoại trừ chuyện đó, để nhại lại anh bạn Shakesp’ của tôi (như Margot hẳn sẽ nói): “Cưới hay không cưới, vấn đề là ở chỗ đó.”


Vài yếu tố khiến tôi nghi ngờ rằng một mánh khóe nào đó đang được ngấm ngầm chuẩn bị, ở mức độ chính thức tập hợp cơ thể chúng tôi lại. Có lẽ tôi nhầm, nhưng Henri, luôn có phần ì ạch ngay khi thoát khỏi bộ nhớ máy tính, dù sao cũng đã kín đáo thăm dò sở thích của tôi về vụ nhẫn đính hôn.


Đó là một dấu hiệu mà, phải không nhỉ?


Câu trả lời của tôi hoàn toàn bộc phát: “Nghe này, em thực sự chưa nghĩ đến chuyện đó, cứ cho là không phải một viên kim cương to đùng nhưng dẫu sao cũng phải có một viên kim cương tránh những loại đá khác nhất là ngọc lục bảo và ngọc lam là hai thứ cực kỳ xấu cùng lắm thì ru bi tại sao lại không nhỉ nhưng mặt khác như thế chẳng giống nhẫn đính hôn lắm không phải giữ nguyên phương án kim cương thôi nhưng lưu ý nhé em không muốn nhận chiếc nhẫn to đùng đâu vì cũng không cần làm điều dại dột nó chẳng giúp được gì cả mặc dù mặt khác thì một chiếc nhẫn bé có nguy cơ trông thật thảm thê khi so với nhẫn đính hôn của lũ bạn em anh không thấy sao anh yêu dĩ nhiên rồi anh quên khung vàng trắng đi hoặc là vàng vàng hoặc là không gì hết.”


Tôi thấy có vẻ như mình đã trình bày quá ư rõ ràng. Tuy nhiên, lạ thay, anh đã bắt đầu lướt mạng tìm những trang web bán trang sức trực tuyến để chỉ cho tôi thấy các mẫu nhẫn. Như thể tôi đòi hỏi cao lắm vậy, trong khi thực ra tôi lại mê mẩn những điều bất ngờ (nhất là khi những điều bất ngờ xảy ra đúng lúc đúng chỗ).


Ngay cả khi không chính thức biết gì hết và không cố gắng biết điều gì trước khi anh quỳ gối, nắm lấy tay tôi rồi van tôi hãy nhận lời làm vợ anh, bằng không anh sẽ tự vẫn, tôi vẫn chấp nhận liếc qua các mẫu nhẫn xuất hiện trên những trang mạng đó. Để bình luận, với thái độ ngây thơ không để đâu cho hết, những gì tôi nhìn thấy. Tôi hy vọng như thế là đủ và anh đã hiểu rõ tôi thích kiểu dáng nào.


Đúng lúc chi tiết nhỏ này được giải quyết êm thấm thì một câu hỏi quan trọng hơn lại khiến tôi đau đầu từ nhiều tuần nay.


Tôi có thực sự muốn kết hôn lần nữa?


Ý tôi là: đã ly dị, dẫu sao chuyện đó cũng không đến nỗi quá khủng khiếp phải không nào? Ta có lợi thế chứ không gặp bất lợi gì hết. Ta được hưởng niềm hạnh phúc ở bên các con mà không gặp phải phiền phức với việc cáng đáng nhà chồng mỗi dịp cuối tuần. Ta có sự độc lập và không phải báo cáo với ai về tình trạng tài chính cá nhân. Ta có đời sống tình ái, thậm chí ổn định, với một người đàn ông không coi sự hiện diện của ta là lẽ đương nhiên và luôn muốn tiếp tục chinh phục ta.


À mà, nhân tiện bàn về vấn đề này, nếu tôi chính thức thuộc quyền sở hữu của Henri, thì phải ngầm hiểu rằng tôi sẽ từ chối tất tật đàn ông còn lại trên đời. Liệu họ có thể nguôi quên nỗi đau đó không?


Ý tôi là sẽ chấm dứt những lời tán tỉnh ve vãn, chấm dứt việc hình dung khởi đầu của một câu chuyện tình ái đầy đam mê trong vòng tay Owen Wilson, chẳng còn chuyện hy vọng một ngày kia chàng sẽ để ý tới mình. Tôi chấp nhận từ bỏ vĩnh viễn những lọn tóc vàng mê đắm của chàng để trở thành một “phụ nữ đáng kính”, như dân miền Viễn Tây vẫn thường nói hồi thế kỷ XIX.


Dẫu sao cũng thật nghiệt ngã.


Phải, tôi biết rằng khởi đầu của một mối quan hệ, dù là bạn bè, cũng hệt như tủ kính bày hàng của cửa tiệm vậy: những phẩm chất tốt đẹp nhất của cá nhân được trưng ra đó. Chính vì thế mà nó gây ảo tưởng, ta muốn mua mọi thứ và khinh miệt nhìn chiếc quần bó thân yêu đã theo ta khắp nơi từ vài năm nay và bắt đầu khiến ta chán ngấy, thậm chí không còn hợp mốt nữa, trong một số trường hợp. Trên thực tế, những trang phục tuyệt vời khiến ta mơ tưởng kia không phải lúc nào cũng hợp với vóc dáng ta. Đôi khi quá chật, quá rộng, quá mỏng hoặc nói thẳng ra là quá rủ, nếu không chỉ đơn giản là màu sắc không hợp với bất cứ thứ gì sẵn có trong tủ đồ của ta. Bấy GIỜ ta mới tự nhủ rằng suy cho cùng, chiếc quần thân yêu đã theo ta lâu nay và làm nổi bật vòng ba oai vệ của ta cứ như không, đâu có tệ cho lắm.


Chứ không phải đúng ra là bởi tôi đã trở nên nhát như cáy kể từ khi ly hôn sao?


Tôi cần được yên lòng đến mức quên khuấy là Henri cũng cần chắc chắn trong suy nghĩ rằng tôi đúng là người phụ nữ của đời anh.


Nhưng tôi nào có thể làm gì hơn (ý tôi là ngoại trừ làm việc nhà thường xuyên hơn và bếp núc đúng kiểu hơn), nếu không phải là lo ngại phá vỡ sự cân bằng này để xây dựng một sự cân bằng kia... khác kiểu?


Như vậy thì ta sẽ không cảm thấy thoải mái ư? Vậy thì làm cuộc sống phức tạp thêm phỏng có ích gì?