Chẳng mấy chốc hóa ra việc đỗ tàu đột xuất này lại là cái cớ thuận tiện cho việc chúc mừng các thủy thủ Thụy Điển. Sau vài giờ thôi, tin tàu “Aljaska" cặp bến đã lan truyền khắp thành phố! Vì qua báo chí mọi người đã biết chuyến đi của nó cho nên đoàn thủy thủ của Thụy Điển chẳng bao lâu đã trở thành đối tượng chú ý của dư luận.
Quận trưởng hàng hải và thị trưởng Brest, giám đốc cảng và thuyền trưởng các tàu đậu tại cảng đều đã đến thăm chính thức thuyền trưởng Marsilas. Một bữa tiệc và một đêm vũ hội đã được tổ chức để chào mừng các nhà nghiên cứu dũng cảm đi tìm Nordenshelđ. Dù cho bác sĩ và Marsilas không ưa thích những cuộc tiệc tùng cao sang, nhưng họ vẫn buộc phải hiện diện trong các cuộc chiêu đãi chào mừng ấy. Còn nói về Brêđêzhor thì ông ta cảm thấy mình đến đó y như cá sống trong nước vậy.
Trong số quan khách được quận trưởng hàng hải mời đến dự cuộc gặp gỡ sĩ quan của tàu "Aljaska” có một ông già người cao, nét mặt thanh cao và buồn. Êrik chợt nhận ra trong ánh mắt buồn rầu của ông chăm chú nhìn mình có một vẻ thiện cảm mà chàng không thể nhầm được. Đó là ngài Đuyren, tổng lãnh sự đã về hưu, một trong những hội viên tích cực của hội địa lý Pháp, nổi tiếng rộng rãi với những công trình nghiên cứu của mình về Trung Á và Xuđăng. Êrik bao giờ cũng đọc một cách rất hào hứng những bài viết về cuộc du hành của ông ta. Vì vậy khi được giới thiệu với ngài Đuyren, chàng đã có thể nói chuyện với nhà bác học Pháp với một cách rất am hiểu. Sự ham hiểu biết đáng quí của chàng trung úy trẻ đã làm cho ngài địa lý đáng kính xúc động một cách chân thành, và đôi môi nhợt nhạt của ông đã nở một nụ cười.
- Công lao to lớn trong khám phá ấy không phải thuộc về tôi - ông trả lời câu hỏi của Êrik về những cuộc khai quật thành công mới được ông tiến hành tại các vùng ngoại ô thành phố Axuan - Tôi đã làm một cách hú họa, như một người mong muốn dập tắt những ký ức nặng nề và cống hiến hết mình cho công việc yêu thích, mà ít quan tâm đến kết quả lao động của mình. Thế đó, tất cả những gì còn lại đều trở thành ngẫu nhiên mà thôi.
Ngài đô đốc thấy Êrik và ngài Đuyren có cảm tình với nhau đã cố gắng thu xếp cho họ ngồi cạnh nhau cùng một bàn, và hai người tiếp tục chuyện trò sôi nổi với nhau trong cả lúc ăn trưa.
Đến khi cà phê được bưng ra thì chàng trung úy trẻ đã bi "một cuộc tấn công bất ngờ" của một người nhỏ con, hói trán, đó chính là bác sĩ Kergariđêch, chưa biết đầu cua tai nheo thế nào đã hỏi chàng gốc người ở đâu. Lúc đầu, hơi bị ngạc nhiên trước câu hỏi ấy, Êrik đã trả lời rằng chàng là người Thụy Điển, hay nói đúng hơn, là người Na Uy, rằng gia đình chàng ở cách Berghen không xa lắm. Sau đó, Êrik hỏi lý do của sự tò mò ấy.
- Lý do rất đơn giản - người tiếp chuyện trả lời. Suốt một giờ qua tôi đã ngồi sau bàn quan sát chăm chú. Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy nét cổ điển của một mẫu người Kelt. Cần phải nói với chú rằng tôi rất hâm mộ nền văn hóa Kelt. Và thế là lần đầu trong đời, tôi đã có dịp tiếp xúc với tất cả những dấu hiệu của một người Kelt ở vùng Scanđinav. Có thể là nơi đây đang ẩn dấu một điều vô cùng quí báu đối với khoa học chăng? Có thể là cần phải liệt Na Uy vào số những vùng mà tổ tiên người Gôloa chúng tôi chưa khi nào đặt chân tới chăng?
Êrik vừa mới định giải thích cho nhà bác học ở Brest những căn do làm giảm giá trị giả thuyết của ông thì bác sĩ Kergariđêch đã quay lưng lại để chào một phụ nữ đúng lúc ấy bước vào phòng khách của quận trưởng hàng hải, và câu chuyện vừa mới bắt đầu bị đứt quãng. Chàng trung úy trẻ có nhẽ đã không nhớ câu chuyện này, nếu như hôm sau, khi đi qua một đường phố kế ngay chợ, bác sĩ Svariêkrôna không đột nhiên nói với chú lúc trông thấy một người chăn bò ở Morbian đến:
- Cháu bé thân mến của tôi, nếu còn chút nghi ngờ nào về nguồn gốc Kelt của cháu, thì đến đây nó đã tiêu tan sạch rồi! Cháu cứ nhìn mà xem, tất cả những người Brest đều giống cháu biết chừng nào! Vì ở họ màu da mặt không bóng, xương sọ cũng dài dài, mắt cũng nâu, tóc đen, thậm chí cả phong thái cũng giống hệt như cháu vậy!... Không, dù Brêđêzhor nói gì đi nữa thì cháu vẫn là người Brest chính thống. Cháu có thể vững tin ở điều đó.
Lúc ấy Êrik mới kể những gì mà hôm qua Kergariđêch đã nói, và, bác sĩ Svanêkrôna đã tỏ ra phản khởi không thể tả được, đến nỗi suốt ngày hôm ấy ông ta không nói thêm điều gì khác cả.
Tyuđor Braun, cũng như tất cả các hành khách "Aljaska" đã nhận lời của quận trưởng hàng hải. Thậm chí ta còn có thể dự đoán được rằng hắn đã định vận bộ quần áo hàng ngày của mình để dự tiệc, vì lúc ngồi xuống thuyền đi hắn còn mặc nguyên bộ đồ ấy kia mà. Nhưng, có lẽ cần phải bỏ lại chiếc mũ hình trụ bất ly thân làm cho Tuyđor Braun thấy khó khăn quá, nên đến phút chót, khi hắn định bước qua ngưỡng tòa quận trưởng thì hắn đã quay ngoắt trở lại. Tối hôm ấy không ai thấy hắn đâu nữa.
Êrik sau khi dự vũ hội về (tại đây chàng nhảy nhiều và rất vui vẻ) được Hecsêbom cho biết Tuyđor Braun đã trở về tàu lúc gần bảy giờ tối và đã ăn cơm một mình. Sau khi ăn hắn đã sang buồng của thuyền trưởng để xem bản đồ hàng hải, sau đó, khoảng gần tám giờ tối hắn rời tàu bằng canô đã chở hắn từ bờ ra. Đó là những tin cuối cùng nhận được về con người ấy.
Hôm sau, lúc năm giờ, Tyudor Braun không có mặt, mặc dù hắn biết máy bơm đã sửa chữa xong, lửa trong lò đã nhóm và "Aljaska” phải rời bến, không thể chậm trễ. Thuyền trưởng đã đích thân báo cho mọi người biết trước như vậy. Do đó, ông đã ra lệnh nhổ neo.
Trên tàu mọi người đã cuộn dây neo xong, lúc ấy một chiếc thuyền lao nhanh về phía "Aljaska”. Tất cả mọi người trên tàu đều nghĩ rằng trên thuyền có Tuyđor Braun, nhưng lát sau mới biết chắc chắn là thuyền chỉ mang đến một phong thư. Ai nấy đều ngạc nhiên: Thư ấy đề gửi cho Êrik.
Bóc phong bì ra, Êrik thấy trong đó có một danh thiếp của Đuyren, tổng lãnh sự đã về hưu, hội viên Hội địa lý Pháp. Danh thiếp được viết bằng bút chì:
"Chúc thượng lộ bình an! Mau chóng trở về!"
Làm sao có thể diễn đạt được hết tâm trạng của Êrik bây giờ? Sự quan tâm và thiện cảm của nhà bác học trứ danh đã làm cho chàng xúc động sâu sắc. Khi chàng thanh niên rời mảnh đất mến khách, mà chàng đã sống không quá ba ngày này, chàng cảm thấy như từ giã quê hương. Êrik cẩn thận cất tấm danh thiếp của ngài Đuyren vào ví, nghĩ rằng lời chào tiễn biệt của bề trên thanh cao sẽ đem lại cho chàng hạnh phúc.
Hai phút trôi qua "Aljaska" rời bến, hướng ra cửa biển. Lúc sáu giờ chia tay với viên hoa tiêu. Anh ta đã cầu chúc cho tàu một chuyến đi may mắn.
Đã sang ngày 20 tháng Hai. Trời quang đãng. Mặt trời khuất sau đường chân trời cũng đột ngột như trong những ngày mùa hạ. Đêm đến dần dần, và chẳng bao lâu trời đã tối sập vì mười giờ trăng đã lên rồi. Êrik gác phiên đầu tiên, bước đi nhẹ nhàng trên boong từ cột buồm giữa đến cột buồm sau. Chàng cảm thấy như mọi thế lực tàn ác đe dọa đoàn thám hiểm đều đã biến đi hết cùng với Tuyđor Braun.
“Chỉ mong sao cho hắn đừng có ý định chờ ta ở Malta hay Xuyê”, Êrik nghĩ.
Bởi vì điều đó không những có thể, mà còn hoàn toàn có lý, một khi Tuyđor muốn tránh đoạn đường vòng mất nhiều ngày mà "Aljaska" phải qua để đến Ai Cập. Trong khi tàu còn vòng qua Pháp và Tây Ban Nha thì, nếu hắn thấy cần hắn có thể dừng lại một tuần ở Paris hay một thành phố nào khác nằm trên đường đi, để sau đó gặp "Aljaska" ở một trong ba cảng, nơi tàu phải đến nhận bưu vụ. Ở Alêchxanđe hoặc Xuyê, Ađen hoặc Kôlômbô, ở Xâylan, Xingapo hoặc thậm chí Iôkôhama.
Nhưng, tạm thời tất cả những điều ấy chỉ mới là dự đoán. Hiện Tuydor Braun không có đây, và điều đó hoàn toàn đủ làm cho tất cả mọi người thấy nhẹ hẳn đi.
Bởi vậy, bữa ăn thường lệ lúc sáu giờ rưỡi tối đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và thoải mái nhất. Sau món tráng miệng, mọi người đã nâng cốc chúc mừng đoàn thám hiểm thành công, ai nấy đều mừng thầm trước việc Tuyđor Braun biến mất. Sau đó mọi người đã trèo lên boong để hút xì gà.
Trời tối như bưng. Đằng xa về phía bắc, sáng rõ ánh đèn hải đăng trên các mũi Xanh - Machiơ, Pier - Nuar và Uêsan. Nơi phía nam, ngọn đèn pha rực sáng Bek-đuy-ra và dãy đèn nhấp nháy Têvênêk đã lui lại đằng sau. Ánh đèn bất động trên vách núi Bek-đuy-ra chỉ dẫn cho biết tàu đang đi đúng đường. Ở phía mạn trái tàu, ánh đèn trên đảo Sen cứ bốn giây bùng lên rồi tắt ngay. Gió đông bắc trong lành, làm cho tàu tăng thêm lốc độ và hơi ngã về bên trái. Nói chung, tàu lắc lư không đáng kể, mặc dù biển không êm.
Đúng lúc hành khách bước lên boong, thủy thủ phía mạn trái càng treo xong chiếc "lag" (dụng cụ đo tốc độ tàu thủy và quãng đường tàu đã đi).
- Mười phẩy hai mươi lăm hải lý - anh ta trả lời thuyền trưởng đến hỏi đo tốc độ tàu.
- Tốc độ tuyệt vời! Nếu cứ giữ tốc độ này suốt năm mươi - sáu mươi ngày thì tốt lắm! - bác sĩ mỉm cười nói.
- Ngài nói đúng - thuyền trưởng tán thành. Như vậy, để đến eo biển Bêrinh, ta không phải tốn mất nhiều than.
Thuyền trưởng nói như vậy rồi rời chỗ bác sĩ, đi xuống buồng tàu của mình. Tại đây ông lấy trong ngăn kéo to ra một tấm bản đồ dán trên vải gai để bên dưới các phong vũ biểu và đồng hồ hàng hải, và trải trên chiếc bàn làm việc được rọi sáng bằng một chiếc đèn Karsel (Đèn Karsel - loại đèn thắp bằng dầu mỡ có bộ phận cơ khí để bơm mỡ vào miệng đèn. Loại đèn này rất sáng, ngọn lửa ổn định, nên rất thông dụng). Bản đồ này do bộ lư lệnh hải quân Anh vẽ, chỉ dẫn đặc điểm nhỏ nhất của vùng biển duyên hải giữa các vĩ độ bắc 47 và 49 và kinh độ tây 4 và 5 so với kinh tuyến gốc Grinuych, chính là những nơi mà hiện “Aljaska" đang ở đó. Bản đồ rộng chừng một mét vuông. Hình dạng vùng duyên hải, các đảo, các ngọn hải đăng cố định và quay, các bãi cát, các độ sâu, tất cả kể cả đường đi của tàu, đều được thể hiện đầy đủ nhất trên bản đồ này. Với một tấm bản đồ như thế và một cái địa bàn nữa thì tưởng như một đứa bé cũng có thể lái một con tàu lớn nhất vượt qua vùng tai ác mà mới đây thôi trung úy Mazh, một sĩ quan dày kinh nghiệm của hạm đội Pháp, một nghiên cứu vùng biển Nigiê, đã bị nạn cùng với người bạn đồng hành của mình trên chiếc tàu "Marisiêng” sau khi tàu "Sane" và nhiều tàu khác bị đắm tại đó.
Thuyền trưởng Marsilas chưa bao giờ có dịp đi qua vùng biển này. Đúng ra, chỉ cần ghé vào Brest nên ông mới tới đây, nếu không ông đã đi ngoài biển khơi. Bởi vậy, thuyền trưởng chỉ có việc trông vào việc nghiên cứu bản đồ và cố gắng không đi chệch đường qui định. Những tuyến đường rất đơn giản. Sau khi bỏ qua ở phía trên các đảo Pua-đuy-van, Bek-đuy-ra và đảo Sen, một hòn đảo hầu như lúc nào cũng mù mịt bụi nước do sóng ngầm gây nên, "Aljaska" phải đi về phía tây để sau đó quay về hướng nam, khi đó ra đến ngoài khơi. Ngọn lửa bất động trên đảo chỉ dẫn một cách chính xác vị trí của tàu, và căn cứ theo bản đồ, thì, cách ngọn hải đăng ấy ít nhất một phần tư hải lý về phía tây, đảo sẽ kết thúc bằng một dãy vách núi dựng đứng nhô ra biển khơi, độ sâu ở chỗ này tới một trăm mét. Bởi vì mốc định hướng đặc biệt quan trọng đối với lúc đêm tối như thế này, nên thuyền trưởng sau khi nghiên cứu bản đồ đã quyết định cho tàu đi gần vật chuẩn hơn so với lúc qua đây ban ngày. Ông trèo lên boong tàu, nhìn bao quát mặt biển và ra lệnh cho Êrik quay hai mươi nhăm độ về phía tây nam.
Lệnh ấy làm cho chàng trung úy hơi phân vân.
- Ngài nói về phía tây-nam? - chàng lịch sự hỏi lại, tưởng mình nghe nhầm.
- Phải, rẽ về phía tây-nam - thuyền trưởng nhắc lại mệnh lệnh của mình - Sao, con đường này anh không thuộc à?
- Thưa thuyền trưởng nếu ngài cho phép trả lời, thì tôi phải thừa nhận đúng như thế. Êrik thành tâm nói - Tôi vẫn muốn tiếp tục đi về hướng tây.
- Để làm gì? Để mất thêm một đêm nữa à?
Giọng thuyền trưởng không cho phép bàn luận gì thêm nữa. Êrik thi hành đúng mệnh lệnh đã ban. Vì chỉ huy của chàng là một thủy thủ từng trải có thể hoàn toàn tin cậy được.
Dù tàu chỉ thay đổi hướng không đáng kể, nhưng tốc độ của tàu bị ảnh hưởng ngay lập tức. "Aljaska" bị tròng trành tợn, cứ mỗi lần "cua" gắt là mũi tàu ngập chìm trong sóng. Biển quanh tàu réo sôi sục. “Lag" chỉ mười bốn hải lý và do đó gió đã mạnh hơn, Êrik ra lệnh cuốn hai mép buồm.
Bác sĩ và Brêđezhor, bất chợt cảm thấy khó chịu trong người, trở xuống buồng của mình. Thuyền trưởng còn đứng lại hồi lâu trên boong, lát sau cũng đi theo họ. Nhưng ông ta vừa kịp đến buồng của mình thì Êrik đã đến gặp ông.
- Thưa thuyền trưởng - chàng nói - tôi vừa nghe phía mạn tàu trái có tiếng động khả nghi, không chừng như tiếng sóng đập vào trong vách núi. Tôi thấy phải có trách nhiệm nói với ngài rằng theo ý tôi thì chúng ta đang đi vào con đường nguy hiểm.
- Quả là, thưa ngài, sự lo lắng của ngài biến thành sự ngoan cố! - thuyền trưởng kêu lên - Sao lại nguy hiểm, một khi chúng ta còn cách hải đăng ít nhất ba bốn hải lý?
Và, với vẻ bực tức, ông ta chỉ vào tấm bản đồ vẫn trải sẵn trên bàn cho Êrik thấy đảo Sen sừng sững như một người đứng gác ở ngay cuối bãi bồi Brêtôn. Êrik dõi theo tay ông ta. Chàng đã nhìn thấy chẳng có thảm họa nào được ký hiệu trên đường đi tới hòn đảo này - một hòn đảo cheo leo giữa biển và chung quanh toàn vùng nước sâu. Chàng thủy thủ tận mắt nhìn thấy không còn gì có thể tin tưởng và an tâm hơn thế nữa. Nhưng, dù sao, đây cũng không phải là ảo giác: vì tiếng sóng đập vào vách đá dội lại lừ phía mạn tàu bên trái, tức là từ hướng khuất gió, và do đó, cách tàu không xa lắm kia mà!
Một cảm giác lạ lùng mà Êrik không đủ quyết tâm thừa nhận ngay cả với bản thân mình là chàng thấy hình như hình dạng bờ biển trên bản đồ chẳng giống chút nào với hình dạng của những vùng tai ác này, mà chàng đã được biết qua các nguồn địa lý khác nhau. Nhưng làm sao chàng có thể đối chiếu những ấn tượng ngắn ngủi và thoảng qua, những ký ức lờ mờ với sự thực rành rành và không có gì bác bỏ nổi như tấm bản đồ của tư lệnh hải quân Anh này? Êrik không dám làm như vậy, rõ ràng những tấm bản đồ được vẽ ra chính là để đề phòng cho các nhà hàng hải khỏi bị những thiếu sót và những lỗ hàng về trí nhớ có thể xẩy ra. Chàng cúi chào cấp trên của mình và đi lên boong.
Chàng chưa kịp bước lên cầu chỉ huy đã nghe thấy vang lên những tiếng kêu:
- Đá ngầm phía mạn tàu bên phải!
Và mấy giây sau lại có tiếng hô:
- Đá ngầm phía mạn tàu bên trái!
Ngay sau hồi còi lanh lảnh, mọi người rối rít chạy trên boong - “Aljaska" rùng mình, hãm bớt tốt độ chạy lùi. Thuyền trưởng Marsilas chạy bổ đến cầu thang đi trên boong. Đúng lúc ấy ông nghe một liếng ầm, giống như tiếng trượt ràn rạt trên cát. Bất thình lình thuyền trưởng bị xô ngã. Tàu bị rung từ sống tàu đến đỉnh cột buồm. Sau đó, ắng lặng đi, "Aljaska” nằm chết gí.
Nó kẹt giữa hai dải đá ngầm.
Thuyền trưởng Marsilas đầu bị va tóe máu, khó khăn lắm mới đứng dậy được và lên đến boong tàu. Mọi người ở đây đang cuống quít cả lên. Các thủy thủ hốt hoảng nhào đến mấy chiếc xuồng. Sóng hung dữ chồm lên vật cản bất ngờ do con tàu nạn gây nên. Hai con mắt sáng loáng của hai ngọn hải đăng trên đảo Têvênek và đảo Sen nhìn “Aljaska” với vẻ lãnh đạm nhẫn tâm, dường như trách cứ nó đi vào chỗ chết mà chúng đã phòng ngừa trước cho rồi. Êrik đứng trên cầu tàu thuyền trưởng và cúi xuống mạn tàu bên phải, cố qua màn đêm dày đặc xác định phạm vi tai nạn.
- Chuyện gì xảy ra thế, trung úy? - Thuyền trưởng còn chưa hoàn hồn sau cái ngã, sốt ruột hỏi chàng.
- Thưa thuyền trưởng, theo mệnh lệnh của ngài, sau khi ngoặt về phía tây-nam, ta đã va phải đá ngầm. - Êrik đáp.
Thuyền trưởng Marsilas không nói một lời. Mà ông ta có thể chối được điều gì kia chứ? Ông ta đã quay phắt lại, rời boong đi xuống.
Cho dù điều ấy rất lạ lùng, nhưng với toàn bộ tình hình bi đát hiện thời. "Aljaska” chưa bị đe dọa chìm ngay. Tàu nằm bất động, có hai hải đăng, gần đất liền - điều này xác định bởi chính những dải đá ngầm mà "Aljaska" đang kẹt ở đó - tất cả những điều ấy làm cho tai nạn có vẻ đen tối hơn là nguy hại. Về phía mình, Êrik chỉ thấy một điều, cuộc thám hiểm bị gián đoạn, khả năng tìm được Patric Ô Đônôgan đã tiêu tan!
Tuy nhiên ngay lúc ấy chàng đã ân hận về những lời lẽ gay gắt mà chàng đã nói do ảnh hưởng của nỗi cay đắng xâm chiếm cõi lòng chàng. Bởi vậy, chàng đã rời cầu thuyền trưởng, đi hết chỗ nọ chỗ kia tìm người chỉ huy của mình với một ý đồ rất độ lượng là: nếu có thể được, thì động viên ông ta.
Nhưng thuyền trưởng đã biến mất, và chưa đầy ba phút sau, trong buồng ông vang lên một phát súng.
Êrik chạy đến đó, nhưng cửa đã bị khóa trái. Chàng co chân đạp tung cửa ra.
Thuyền trưởng nằm trên thảm, đầu bị bắn xuyên, tay phải nắm khẩu súng lục.
Khi thấy tàu bị nạn do lỗi của mình, ông đã rút súng tự bắn vào trán và chết ngay tức khắc. Bác sĩ và Brêđêzhor đã chạy vào ngay sau khi Êrik tới cũng chỉ có thể khẳng định được như vậy.
Nhưng chẳng còn thời gian đâu để mà đau buồn. Sau khi giao cho hai người bạn nâng thi thể thuyền trưởng đặt lên ghế đi văng, Êrik phải quay lên boong và nghĩ cách cứu cả đoàn.
Khi chàng đi ngang qua buồng Maljarius, con người hiền hậu vừa bị cảnh tàu mắc nạn và tiếng súng đánh thức ấy đã mở cửa và ló mái đầu bạc lúc nào cũng đội chiếc mũ lụa ra. Từ sau khi ở Brest đi đến giờ ông chưa thức giấc lần nào và không để ý gì hết.
- Cái gì thế? Chuyện gì xảy ra thế? - ông bình tỉnh hỏi.
- Chuyện gì xảy ra ấy ạ? - Êrik trả lời - Kính thưa thầy, đã xảy ra chuyện "Aljaska" bị mắc đá ngầm, còn thuyền trưởng Marsilas thì tự sát.
- Trời đất ơi! - Maljarius sửng sốt kêu lên - Nhưng trò thân mến của ta, vậy có nghĩa đoàn thám hiểm của chúng ta thất bại rồi sao?
- Không đâu, thưa thầy kính mến, đấy lại là chuyện hoàn toàn khác - Êrik phản đối - Con vẫn còn chưa chết kia mà! Chừng nào ngực con tim còn đập, chừng ấy con sẽ còn nói: Tiến lên!