Thật ra mà nói thì đó chỉ là một thứ dầu cá mà thôi- mỗi chai giá một Frăng 39 xăng tim (tiền Pháp), được mọi người thừa nhận là thứ thuốc rất thần hiệu, nhất là đối với dân chúng Na Uy, hằng năm đem lại số tiền lời lên đến hàng chục triệu Curon (tiền Na-uy).
Từ thời xa xưa, dân chài Nauy đã làm nghề sản xuất dầu cá. Ngày nay, nhờ ứng dụng các phương pháp khoa học, nghề sản xuất này đã trở nên tinh vi hơn rất nhiều. Vua dầu cá chính cống thời nay là bác sĩ Svariênkrôna nổi tiếng. Ai nấy đều quen thuộc chòm râu cằm nhọn, cặp mục kính, cái mũi khoằm và chiếc mũ lông của ông. Mặt dù chân dung bác sĩ in trên nhãn hiệu không có gì đặc sắc về mặt nghệ thuật, nhưng nom giống hệt như người thật. Bằng chứng về việc này là chuyện xảy ra một lần nọ ở trường tiểu học làng chài Nôrôê thuộc vùng duyên hải Na Uy, cách thành phố Berghen vài liô (Lieue - dặm Pháp, mỗi lieue bằng 4,5km). Lúc ấy là 2 giờ chiều. Học sinh đang ngồi trong lớp - một căn phòng lớn, nền đất rắc cát, nữ ngồi bên trái, nam ngồi bên phải. Các em đang chăm chú nghe thầy giáo Maljarius giảng bài trên bảng, bỗng cánh cửa mở toang và trên ngưỡng cửa xuất hiện một người mặc áo khoác lông, đội mũ lông, đi ủng lông và găng tay lông.
Các em học sinh kính cẩn đứng dậy chào theo đúng qui định khi có người vào thăm lớp - không một em nào biết người này, nhưng khi ông ta xuất hiện, các em đều xì xào bảo nhau:
- Bác sĩ Svariênkrôna!
Đúng là nom ông ta giống hệt hình in trên các nhãn chai!
Cần ghi nhận rằng những chai dầu cá luôn luôn đập vào mắt các em học sinh của Maljarius: ở Nôrôê đây cũng có một trong số các nhà máy dầu cá của bác sĩ. Tuy nhiên đã nhiều năm nay bác sĩ không về Nôrôê và đến bây giờ chưa có em học sinh nào tự khoe rằng đã được tận mắt nhìn thấy ông cả.
Vậy nhưng các em được nghe nói về ông không phải ít. Tối tối, ở làng chài người ta thường nhắc tới bác sĩ Svariênkrôna. Người ta nhắc tới ông thường xuyên đến nỗi chắc ông cũng phải nóng tai liên tục. nếu như những điều mê tín trong dân gian thực sự có cơ sở nào đó.
Dẫu sao thì sự “tương đồng” lạ lùng được mọi người nhất trí thừa nhận cũng chứng tỏ tài năng kiệt xuất của nhà họa sĩ vẽ chân dung vô danh. Người hoạ sĩ khiêm tốn ấy hoàn toàn có quyền tự hào về tài năng của mình, khiến cho bất kỳ một nhà nhiếp ảnh tân thời nào cũng phải ganh tị.
Đúng, đấy đích thị là ông ta - bộ râu cằm nhọn của ông, cặp mục kỉnh, cái mũi khoằm và cái mũ lông không thay đổi của ông. Không thể lẫn đi đâu được! Tất cả đám học trò của Maljarius đều dám đưa đầu ra để cam đoan rằng đó chính là ông. Thật vậy, tuy có điều làm chúng hơi ngạc nhiên, thậm chí băn khoăn là: bác sĩ Svariênkrôna hóa ra là một người tầm thước bình thường nhất, chứ không phải là một người khổng lồ như chúng vẫn tưởng tượng. Và, thực ra, làm sao mà một học giả nổi tiếng như vậy lại có thể tự hài lòng với tầm vóc cao chưa quá l.6m của mình được?
Mái đầu bạc của ông chỉ đến ngang vai thầy giáo Maljarius, mà đấy là Maljarius đã bị gù xuống ‘dưới gánh nặng của tuổi tác’! Nhờ vẻ gầy gò mà nom ông cao hơn bác sĩ nhiều. Chiếc áo màu nâu rộng thùng thình của ông giáo, do dùng lâu đã ngả màu xanh nhạt, bay lất phất trên người ông, nom như lá cờ bay trên cán vậy. Ông mặc chiếc quần soọc tới đầu gối và đi giày có khóa, đầu đội mũ bằng lụa đen, để lộ những mớ tóc bạc. Gương mặt hồng hào của ông luôn tươi cười, biểu thị một tấm lòng nhân hậu vô hạn.
Khác với bác sĩ có cái nhìn qua cặp kính sắc như dao, đôi mắt xanh của Maljarius cũng mang kính, nhưng nhìn thiên hạ với lòng thiện cảm trước sau như một. Đám học trò chưa em nào bị Maljarius trừng phạt bao giờ cả. Vậy nhưng không phải vì thế mà các em chẳng những yêu mến, mà còn kính nể thầy nữa.
Mọi người đều biết ông la người tận tụy như thế nào. Dân cư ở Nôrôê còn nhớ hồi trẻ Maljarius đã thi đỗ rất xuất sắc. Và cũng như bác sĩ, ông có thể nhận được một học vị, trở thành “Ngài giáo sư” ở môi trường Đại học tổng hợp lớn nào đó, trở nên nổi tiếng và giàu sang. Nhưng ông có người chị Gristina là một bần nông ốm yếu, bệnh tật. Bà cứ khăng khăng không chịu rời quê hương xứ sở. Bà cảm thấy sợ thành phố và tưởng rằng bà sẽ phải bỏ mạng ở nơi ấy. Maljarius nhẫn nhục và tận tâm đảm nhận phận sự khó khăn và bình dị của người thầy giáo trường làng… Hai mươi năm sau, khi Gristina tạ ơn người em trai và lặng lẽ qua đời thì Maljarius đã quen với cuộc sống quạnh hiu, bình dị của mình, thậm chí không nghĩ đến việc bắt đầu xây dựng lại nó nữa.
Mải mê với những tìm tòi khoa học mà vì khiêm tốn ông không nói tới. Maljarius thấy rất toại nguyện với những trách nhiệm hàng ngày của người thầy giáo ở trường. Trường của ông là trường khá nhất huyện, và trong các bài giảng của mình, ông không chỉ hạn chế ở những kiến thức giản yếu được thừa nhận là đầy đủ đối với một trường làng. Ông đã mở rộng kiến thức cho học sinh của mình, gây cho các em lòng yêu khoa học, yêu văn học cổ và văn học hiện đại, yêu tất cả những gì thường là tài sản của các tầng lớp khá giả và quá tầm tay đối với con em của những người dân chài và nông dân.
- Tại sao những lợi ích thuộc về một số người này lại là cái mà người khác không thể với tới? - Ông nói - Nếu những người nghèo đã bị cướp mất hết bao niềm vui trong cuộc sống, thì tại sao lại tước đoạt thêm của họ những khả năng thưởng thức Hômê (nhà thơ cổ Hy Lạp kiệt xuất) và Sêkxpia (nhà soạn kịch thiên tài người Anh), khả năng nhìn sao trên trời mà định hướng đi biển, hoặc nhận biết thế giới thực vật chung quanh? Thật ra, chỉ vì họ sớm bị cái thiếu thốn siết lấy cổ họng và buộc phải suốt đời lao động quần quật. Hãy để cho họ ngay từ lúc tuổi thơ cũng đã được tiếp cận với nguồn tri thức trong sáng thuộc về toàn thể loài người!
Những quan điểm tương tự như thế đối với nền giáo dục nhân dân ở nhiều nước đã bị coi ít ra là xốc nổi, bởi vì chúng có thể gợi cho những người nghèo sự bất mãn đối với số phận tầm thường của mình và thúc đẩy họ đi đến bất kỳ hành động khả nghi nào.
Nhưng ở Na Uy điều ấy chẳng làm ai bận tâm cả. Sự đơn giản trong lối sống lỗi thời, sự cách biệt giữa thành thị với thôn quê, sự cần mẫn của một ít người dân đều không gây nên nỗi e ngại nào đối với những thực nghiệm kiểu tương tự như thế. Bán đảo Scandinav có thể tự hào là nơi có mật độ dân số tương đối thấp, nhưng lại có số nhà bác học nhiều hơn và số người có trình độ học thức toàn diện nhiều hơn ở bất cứ một nước châu Âu nào khác. Các du khách luôn luôn kinh ngạc trước sự tương phản giữa thiên nhiên bán hoang dã của vùng Scanđinav và nền sản xuất phát triển trong các nhà máy và công xưởng, chứng tỏ một trình độ văn hóa khá cao.
Nhưng, chẳng phải sao, đã đến lúc quay trở lại với bác sĩ Svariênkrôna mà chúng ta đã để ông đứng trước thềm cửa Nôrôê?
Nếu ông được các em học sinh chưa từng gặp ông trước đây nhận ra ngay, thì không thể nói điều đó với thầy giáo các em, người đã biết bác sĩ từ lâu lắm rồi.
- Chào Maljarius thân mến của tôi! - Bác sĩ tiến lại gần người thầy giáo, chìa tay ra bắt và sung sướng reo lên.
- Kính chào ngài! - Ông giáo đáp lại, hơi có vẻ bối rối và lúng túng, như ta thường thấy ở tất cả những người đã từng quen với nếp sống cô đơn. Bác sĩ đã ngắt lời Maljarius vào đúng lúc ông đang giảng điều gì đó cho học trò. - Xin lỗi, tôi có hân hạnh được tiếp chuyện vớí ai đây ạ?
- Ồ, có nhẽ não tôi đã thay đổi đến thế ư, kể từ cái thời chúng ta thi nhau chạy trên tuyết và hút những tẩu thuốc dài Khrischiania (tên gọi của thành phố Ôxtô, thủ đô Na Uy) ấy. Mà lẽ nào anh đã quên cái nhà trọ ở Kraut và để tôi phải nhắc anh nhớ lại cái tên của người bạn mình?
- Svariênkrôna! - Maljarius reo lên. - Có thể như thế này sao? Đây là anh đấy ư?
- Xin anh miễn cho mọi nghi thức xã giao! Lẽ nào tôi không phải là người bạn cũ Rốtf của anh, mà anh lại không phải Ôláp đáng yêu của tôi, người bạn gần gũi nhất, quý mến nhất thời thơ ấu của tôi? Ồ, tôi hiểu. Năm tháng trôi qua, và sau ba mươi năm chúng ta phần nào đã thay đổi. Nhưng có trái tim là không già đi - có phải thế không nào? Và nơi trái tim ấy bao giờ cũng còn lại một góc nhỏ cho tất cả những ai mà tình yêu mến và những ai mà anh đã từng chia ngọt sẽ bùi suốt hai chục năm.
Khi nói điều ấy, ngài bác sĩ cười khà khà và nắm chặt hai tay Maljarius đang xúc động ứa nước mắt.
- Người bạn thân mến của tôi, người bác sĩ yêu quý, yêu quý của tôi! - Ông nhắc lại - Chúng ta không nán lại ở đây làm gì nữa. Bây giờ tôi sẽ cho bọn trẻ về. Dĩ nhiên các em chẳng buồn phiền về chuyện ấy, và chúng ta sẽ về chỗ tôi.
- Nhưng quả thật không đáng phải như thế - bác sĩ nói, quay về phía các học trò đang hứng thú theo dõi mọi chi tiết của cuộc hội ngộ này. Tôi tuyệt nhiên không muốn gây phiền phức cho công việc của anh, càng không muốn làm dở dang buổi học của những đứa trẻ đáng yêu này! Nếu anh muốn đem đến cho tôi niềm vui thì anh hãy cho tôi được ngồi cạnh anh trong lúc anh tiếp tục giảng bài.
- Xin vui lòng - Maljarius đồng ý. - Nhưng xin nói thật là giờ đây tôi chẳng còn lòng dạ nào mà giảng bài hình học nữa, và một khi đã hứa cho các em ra về thì bây giờ không nên nuốt lời! Tuy vậy tôi cũng đã có cách. Nếu ngài Svariênkrona muốn cho các trò của tôi niềm vinh dự được ngài kiểm tra kiến thức thì tôi sẽ cho các em nghỉ sau cũng được.
- Một ý nghĩ hay tuyệt! - bác sĩ nói sau khi ngồi vào chỗ của thầy giáo. Thế là chúng ta đã quyết định xong! Tôi sẽ đóng vai người thanh tra! Các em hãy cho biết, em nào là trò giỏi nhất trong lớp?
- Êrik Hecsêbom ạ! - năm mươi cái giọng trong trẻo đồng thanh đáp.
- Êrik Hecsêbom à? Giỏi lắm. Nào, Êrik Hecsêbom, em hãy lên đây.
Một chú bé mười hai tuổi ngồi sau bàn học thứ nhất đứng dậy và đi lên bục giảng. Đó là một đứa bé nghiêm nghị và ý tứ với vẻ mặt đăm chiêu và cái nhìn chăm chú. Nước da bánh mật, mái tóc đen và cặp mắt nâu to của chú khác hẳn với những chú bé khác cùng lứa tuổi tóc vàng, mắt xanh và má hồng. Lưỡng quyền của chú không cao, mũi không hếch và không đi khệnh khạng như phần lớn trẻ em ở vùng Scanđinav độc đáo thường thể hiện rất rõ nét ở những người bạn của chú.
Cũng giống như mọi chú bé khác, Êrik Hecsêbom mặc bộ quần áo vải thô mà những người nông dân vùng ngoại ô thường mặc. Nhưng, nét mặt dịu dàng, cái đầu không to lắm, vẻ tao nhã, tự nhiên trong các cử chỉ và sự thoải mái trong phong cách - tất cả đều khẳng định chú là người gốc nước ngoài. Và có lẽ những đặc điểm ấy đã làm cho bất kỳ nhà tâm lý nào cũng phải ngạc nhiên không kém gì bác sĩ Svariênkrôna. Tuy nhiên, ông thấy không tiện quan sát lâu chú bé, nên đã chuyển sang hỏi chuyện chú.
- Chúng ta bắt đầu từ cái gì bây giờ? Có thể là từ môn ngữ pháp nhé? - Ông hỏi.
- Thưa, tùy ngài bác sĩ ạ.- Êrik khiêm tốn trả lời.
Bác sĩ hỏi hai câu không phức tạp lắm. Thật hết sức ngạc nhiên đối với ông là chú bé đã dẫn ra các thí dụ không những bằng tiếng Thụy Điển mà còn bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh nữa. Bởi vì, Maljarius đã dạy cho học trò của mình cả một số ngoại ngữ với ý định cho các em cùng lúc thông thạo cả ba thứ tiếng như nhau.
- Chẳng lẽ anh dạy các em cả tiếng Pháp và tiếng Anh? - Bác sĩ quay sang hỏi người bạn của mình.
- Thế tại sao lại không được nhỉ? Hơn thế nữa, tôi sẽ còn cho các em làm quen cả với những cơ sở của tiếng Hy Lạp và tiếng La tinh nữa. Tôi thấy chuyện ấy chẳng có hại gì.
- Tôi cũng vậy. - bác sĩ mỉm cười đáp.Và ông đã giở bất chợt một tập truyện của Xixêrôn (một nhà hùng biện, nhà văn và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng thời La Mã), đưa cho Êrik Hecsêbom và chú bé đã dịch trôi chảy vài câu trong cuốn đó.
Nội dung đoạn này nói về một loại thuốc độc Xicuta mà Xôcrat (triết gia cô Hi Lạp nổi tiếng. Ông bị truy tố về học thuyết của mình và đã buộc phải uống một ly thuốc độc Xicuta) đã uống. Maljarius gợi ý bác sĩ thử hỏi xem Xicuta thuộc loại thực vật nào… Êrik đã trả lời không cần nghĩ ngợi rằng nó thuộc họ Hoa tán và đã chỉ ra ngay tất cả những đặc điểm của loài thực vật này.
Từ môn thực vật, họ chuyển sang môn hình học, Êrik đã chứng minh một cách xuất sắc định lý về tổng các góc của một tam giác.
Bác sĩ lại càng ngạc nhiên hơn.
- Thế bây giờ chúng ta chuyển sang môn địa lý nhé - ông nói - Em hãy cho thầy biết biển nào ở phía Bắc giáp với Scanđinav, nước Nga và vùng Xibir?
- Đó là Bắc Băng Dương - Êrik đáp.
- Thế nó thông với những biển nào?
- Với Đại Tây Dương ở phía Tây và với Thái Bình Dương ở phía đông.
- Em có thể kể cho thầy biết hai hoặc ba cảng lớn nhất trên Thái Bình Dương được không?
- Con kể được ạ: Iôkôhama ở Nhật bản. Menburg ở Úc. San-Franxixcô ở bang California.
- Vậy là, nếu Bắc Băng Dương một đằng nối liền với Đại Tây Dương bao quanh bờ biển của chúng ta, còn đằng kia thông với Thái Bình Dương, thì em có thấy rằng con đường ngắn nhất để đi đến Iôkôhama hoặc San-Franxixcô chính là con đường đi qua Bắc Băng Dương không?
- Tất nhiên ạ, thưa ngài bác sĩ. - Êrik đáp, - nếu như đúng là con đường ngắn nhất ấy có thể đi qua được. Nhưng mà từ trước đến nay tất cả các nhà hàng hải có ý định đi theo con đường ấy đều đã đụng phải băng giá và nếu như họ may mắn sống sót thì họ cũng đã buộc phải từ bỏ ý định cua mình.
- Em nói rằng người ta đã từng có nhiều lần định khai phá con đường lên miền Đông Bắc qua Bắc Băng Dương?
- Không dưới 50 lần trong vòng ba thế kỷ nay, và tất cả đều không thành công.
- Em có thể kể ra một vài cuộc thám hiểm ấy được chứ?
- Cuộc thứ nhất được thực hiện năm 1523 theo sáng kiến của Sêbaschian-Kabôt (Lịch sử các cuộc thám hiểm Bắc cực của các nhà hàng hải nói ở đây được trình bày đầy đủ trong cuốn “Khám phá trái đất” của J. Verne). Cuộc thám hiểm này gồm có ba con tàu dưới sự chỉ huy của Huy Uilôubi đã không may bị hy sinh ở Láplanđia cùng với cả đoàn thủy thủ của mình. Chensler, một trong những phó thuyền trưởng của ông, thoạt đầu tỏ ra may mắn hơn những người khác - ông đã mở được con đường thẳng đi qua Bắc Băng Dương ở giữa biển Măng và nước Nga. Nhưng trong chuyến thứ hai ông đã bị nạn đắm tàu và hy sinh. Thuyền trưởng Stêphan Bôrôi được phái đi tìm đã vượt qua được eo biển ngăn cách Đất Mới với đảo Valgash, và đã đến được biển Đỏ. Nhưng băng giá và sương mù đã ngăn trở ông không thể tiến được nữa... Hai đoàn thám hiểm được tổ chức năm 1589 cũng đều không thành công như vậy. Mười lăm năm sau, những người Hà Lan đã thử giải quyết nhiệm vụ ấy. Để tìm con đường lên vùng Đông Bắc họ đã thành lập liền ba đoàn thám hiểm dưới sự chỉ huy của Barenx. Năm 1596, Barenx hy sinh trên vùng băng Đất Mới. Mười năm sau, Hanri Huđzôn được hãng Ost-Inđ của Hà Lan phái đi cũng đã gặp tai nạn y hệt như vậy cùng đoàn thám hiểm thứ ba trong số các đoàn thám hiểm được tổ chức liên tục hết đoàn này đến đoàn khác. Và những người Đan Mạch cũng đã không gặp may mắn trong năm 1653. Cả thuyền trưởng Zhôn Vut nữa, năm 1676 cũng chịu chung số phận như thế. Từ đó đến nay giải pháp ấy được công nhận là không thể thực hiện được và đã bị tất cả các cường quốc có biển bác bỏ.
- Vậy có nghĩa là từ đó đến nay đã không có thêm ý đồ nào khác nữa?
- Có. Đó là những ý đồ của nước Nga. Cũng như các nước khác ở phương Bắc, nước Nga đặc biệt quan tâm đến việc mở con đường biển ngắn nhất giữa phần châu Âu của nước Nga và vùng Xibir. Trong suốt một thế kỷ, nước Nga đã phái ít nhất mười tám đoàn thám hiểm đi thăm dò Đất Mới, Biển Đỏ, các con đường tiếp cận với Xibir ở phía Đông và phía Tây. Mặc dù các đoàn thám hiểm này cũng đã giúp cho việc nghiên cứu đầy đủ hơn những vùng ấy, nhưng họ cũng lại đã khẳng định rằng không thể có lối đi qua Bắc Băng Dương được. Viện sĩ Ber (nhà tự nhiên học vĩ đại người Nga), người đã thực hiện lại lần cuối cùng ý đồ này năm 1837, sau thủy sư đô đốc Litke (nhà hàng hải và địa lý Nga nổi tiếng, ông đã nghiên cứu các bờ biển vùng Đất Mới, hoàn thành hai chuyến đi vòng quanh thế giới) và Pakhtuxov (Nhà địa lý Nga, nhà nghiên cứu vùng Đất Mới), đã kiên quyết tuyên bố công khai rằng "đại dương" này là một khối băng liền y như vùng đất cứng vậy, không thể cho tàu bè qua lại được.
- Vậy có nghĩa là phải dứt khoát từ bỏ con đường Đông Bắc?
- Ít ra đó cũng là kết luận được nêu lên sau tất cả những cuộc thám hiểm nhiều lần và không đạt kết quả. Nhưng, con nghe rằng nhà du hành vĩ đại của ta, Norđenshelđ (Học giả Thụy Điển xuất sắc, nhà du hành và nhà địa lý) có ý định nối lại những cuộc tìm kiếm này. Đầu tiên, ông muốn nghiên cứu Bắc Băng Dương theo từng phần và nếu như điều đó quả đúng như vậy thì có nghĩa là ông tin rằng sự nghiệp của mình sẽ thành công. Ông đủ hiểu biết sâu rộng để thuyết phục được mọi người nghe theo ý kiến của ông.
Bác sĩ Svariênkrôna là một trong những người sùng bái nồng nhiệt đối với Norđenshelđ. Bởi vậy, ông mới gợi chuyện về con đường Đông Bắc. Những câu trả lời đầy đủ và chính xác của chú bé làm ông khâm phục.
Ông nhìn Êrik Hecsebom với vẻ đầy hứng thú.
- Em đã thu thập được tất cả những hiểu biết ấy ở đâu thế, hả chú bạn của tôi? Ông hỏi sau một hồi im lặng kéo dài.
- Ở đây ạ, thưa ngài bác sĩ - Êrik đáp, ngạc nhiên trước một câu hỏi như thế.
- Em chưa khi nào học ở một trường khác đấy chứ?
- Tất nhiên là chưa ạ.
- Ngài Maljarius có quyền hãnh diện về em - Bác sĩ quay về phía ông giáo nói.
- Tôi rất hài lòng về Êrik - Thầy giáo đáp - Thế là đã sắp tròn 7 năm em là học trò của tôi. Em đến đây học từ lúc còn nhỏ xíu, nhưng luôn luôn đứng đầu lớp.
Bác sĩ đắm mình trong im lặng. Đôi mắt sắc sảo của ông không rời Êrik. Dường như ông đang bận giải quyết một vấn đề mà ông thấy không cần phải nói to lên.
- Không thể trả lời xuất sắc hơn thế được nữa và cũng không cần phải sát hạch thêm làm gì nữa - Cuối cùng ông nói - Thầy sẽ không giữ các em thêm nữa đâu: các em ạ. Nếu thầy Maljarius không phản đối thì chúng ta kết thúc ở đây.
Maljarius vỗ tay một cái, cả đám học trò nhất loạt đứng dậy, xếp hàng 4 trước các dãy bàn. Maljarius vỗ tay lần nữa, thế là hàng người dấn bước chuyển động y như một hàng quân vậy.
Sau tín hiệu thứ ba các em hòa lẫn đội hình và chạy tỏa đi với những tiếng reo vui vẻ. Vài giây sau, các em đã tản ra trên bờ biển chênh vênh, dưới đó làn nước xanh soi bóng những mái nhà phủ cỏ của làng chài Nôrôê.