Chú bé mang pijama sọc

Chương 19

Docsach24.com

gày hôm sau – thứ Sáu – lại là một ngày ẩm ướt nữa. Buổi sáng khi tỉnh giấc, Bruno nhìn qua của sổ phòng mình và thất vọng thấy trời đang mưa như trút. Nếu chẳng phải vì đây có thể là cơ hội cuối cùng để cậu và Shmuel được chơi cùng nhau – chưa kể cuộc thám hiểm sẽ rất kỳ thú, đặc biệt là khi nó lại liên quan đến việc cải trang – cậu hẳn đã hủy cuộc gặp hôm nay và đợi đến một buổi chiều nào đó tuần sau, khi cậu chẳng có kế hoạch nào đặc biệt.

Tuy nhiên, đồng hồ vẫn tích tắc mà cậu chẳng thể làm gì ngăn lại. Nhưng xét cho cùng, giờ chỉ mới là buổi sáng và từ giờ tới chiều muộn lúc hai cậu bé gặp nhau vẫn còn nhiều điều có thể xảy ra. Chắc hẳn là khi ấy thì mưa đã tạnh.

Cậu nhìn ra ngoài trời suốt giờ học buổi sáng với ông Liszt, nhưng dường như mưa vẫn chẳng có dấu hiệu nào rơi chậm lại mà còn đập ầm ĩ vào cửa sổ. Cậu nhìn suốt bữa trưa trong bếp, khi mưa rõ ràng bắt đầu ngớt và trời thậm chí đã có dấu hiệu của ánh nắng lóe lên từ sau một áng mây đen. Cậu nhìn suốt giờ sử và giờ địa buổi chiều, khi mưa rơi dữ dội nhất và đe dọa sẽ đập tung cả cánh cửa sổ đóng mà ập hết vào nhà.

May thay đến khi thầy Liszt rời lớp thì mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn, thế là Bruno xỏ một đôi ủng và khoác chiếc áo mưa nặng trịch vào, chờ cho đến khi không còn nguy hiểm nào trước mắt nữa rồi lao ra khỏi nhà.

Ủng của cậu ì ọp lọi trong bùn và cậu bắt đầu cảm thấy thích chuyến đi này hơn bao giờ hết. Mỗi bước đi cậu dường như đều phải đối mặt với khả năng bị trượt chân ngã nhưng cậu chẳng hề bị ngã và xoay xở giữ được thăng bằng, ngay cả ở một chỗ đặc biệt tệ hại nơi, khi cậu nhấc chân trai lên, chiếc ủng vẫn dính chặt trong bùn còn chân cậu thì tuột hẳn ra khỏi ủng.

Cậu nhìn lên trời, và dù bầu trời vẫn còn đen kịt cậu vẫn nghĩ có lẽ hôm nay mưa thế đã là quá đủ và cậu chắc mình sẽ khá an toàn vào buổi chiều. Dĩ nhiên sau đó khi trở về nhà cậu sẽ khó mà giải thích được tại sao mình lại bẩn thỉu đến như vậy, nhưng cậu có thể đổ cho chuyện này là bởi cậu là một đứa trẻ điển hình, giống như mẹ cậu vẫn nói, và chắc là sẽ không gặp quá nhiều rắc rối. (Suốt mấy ngày qua mẹ vui vẻ hơn thường lệ, khi từng thùng đồ đạc của mẹ con cậu được đóng gói niêm phong rồi chất lên xe tải chuyển về Berlin).

Shmuel đã chờ sẵn khi Bruno tới, và lần đầu tiên từ trước tới nay nó không ngồi bệt khoanh chân, chằm chằm nhìn xuống đất bụi bên dưới, mà nó đang đứng, người tựa vào hàng rào.

“Chào cậu, Bruno,” nó nói khi nhìn thấy bạn mình đang đi tới.

“Chào cậu, Shmuel,” Bruno nói.

“Tớ đã không dám chắc là mình có thể gặp lại nhau – trời thì mưa, chưa kể còn bao nhiêu chuyện nữa, ý tớ là thế,” Shmuel nói. “Tớ cứ tưởng có khi cậu sẽ bị giữ ở nhà.”

“Có lúc tớ cũng không chắc,” Bruno nói. “Tại thời tiết quá tệ mà.”

Shmuel gật đầu và chìa hai bàn tay ra cho Bruno, cậu há to miệng sung sướng. Nó mang theo một chiếc quần pyjama sọc, một chiếc áo pyjama sọc, và một chiếc mũ vải sọc giống hệt như bộ nó đang mặc trên người. Trông không được sạch sẽ cho lắm nhưng đó là bộ đồ cải trang, và Bruno biết rằng một nhà thám hiểm tài giỏi luôn phải mặc quần áo phù hợp.

“Cậu vẫn muốn giúp tớ tìm cha chứ?” Shmuel hỏi và Bruno lập tức gật đầu.

“Dĩ nhiên rồi,” cậu nói, dù trong tâm trí Bruno việc tìm kiếm cha Shmuel không quan trọng bằng viễn cảnh khám phá thế giới ở phía bên kia hàng rào. “Tớ sẽ không làm cậu thất vọng đâu.”

Shmuel nhấc chân hàng rào lên khỏi mặt đất và luồn bộ đồ qua phía dưới cho Bruno, hết sức cẩn thận để nó không chạm vào lớp bùn bên dưới.

“Cảm ơn,” Bruno nói, gãi gãi cái đầu lởm chởm và tự hỏi tại sao cậu lại không nhớ mang theo một chiếc túi để đựng quần áo của mình. Nền đất ở đây bẩn tới nỗi nếu cậu để quần áo lại trên đất thì chúng có thể bị hỏng mất. Cậu thực sự không có lựa chọn nào. Cậu có thể bỏ quần áo lại đây cho tới khi quay lại và chấp nhận sự thật là chúng sẽ bị bết bùn; hoặc có thể dẹp tất cả chuyện này lại và điều đó, như bất kỳ nhà khám phá danh tiếng nào cũng biết, hẳn sẽ là một điều không thể tưởng tượng nổi.

“Nào, quay mặt đi,” Bruno nói, chỉ vào bạn khi thấy nó đứng đó lúng túng. “Tớ không thích cậu nhìn tớ.”

Shmuel quay mặt đi và Bruno cởi áo khoác ra rồi đặt hết sức nhẹ nhàng xuống đất. Rồi cậu cởi áo sơ mi, run rẩy một lát vì khí lạnh trước khi mặc chiếc áo pyjama vào. Khi chiếc áo trượt qua đầu cậu, cậu đã mắc sai lầm là hít vào một hơi qua mũi; mùi của nó chẳng được dễ chịu cho lắm.

“Lần cuối cùng nó được giặt là từ lúc nào vậy?” cậu kêu lên, và Shmuel quay lại.

“Tớ không biết nó đã bao giờ được giặt chưa,” Shmuel nói.

“Quay đi!” Bruno hét lên, và Shmuel làm như cậu nói. Bruno nhìn sang trái rồi sang phải lần nữa, khi vẫn không thấy ai cậu mới bắt đầu nhiệm vụ khó khăn là vừa lò cò cởi quần vừa phải giữ nguyên một chân một ủng trên nền đất. Cảm giác thật là kỳ lạ khi cởi quần ngoài trời và cậu không thể tưởng tượng người ta sẽ nghĩ gì nếu thấy cậu đang làm như vậy, nhưng cuối cùng, với một sự nỗ lực ghê gớm, cậu đã cố gắng hoàn thành được nhiệm vụ.

“Xong,” cậu nói. “Cậu có thể quay lại được rồi.”

Shmuel quay lại ngay khi Bruno chỉnh lại trang phục và đội chiếc mũ sọc lên đầu. Shmuel chớp mắt lắc đầu không tin nổi. Thật là lạ thường. Nếu không phải là vì Bruno còn xa mới gầy gò như những đứa trẻ ở bên phía hàng rào nó, và cũng chẳng hề xanh xao như vậy, thì thật khó để phân biệt được hai đứa. Gần như thể (Shmuel nghĩ) chúng thực sự giống hệt nhau.

“Cậu có biết chuyện này khiến tớ nghĩ tới điều gì không?” Bruno hỏi, và Shmuel lắc đầu.

“Điều gì cơ?” nó hỏi.

“Nó nhắc tớ nhớ tới bà nội,” cậu nói. “Cậu nhớ là tớ đã kể về bà cho cậu chứ? Bà đã mất rồi ấy?”

Shmuel gật đầu; nó vẫn nhớ vì Bruno đã kể về bà rất nhiều trong suốt quãng thời gian một năm qua, đã nói cho nó biết cậu yêu bà tới mức nào và ước gì đã dành thời gian để viết nhiều thư hơn cho bà trước khi bà mất ra sao.

“Chuyện này gợi tớ nhớ tới những vở kịch mà bà đã từng cho chị Gretel và tớ diễn,” Bruno nói, rời ánh mắt khỏi Shmuel để nhìn ra xa xăm khi cậu nhớ về những ngày tháng ở Berlin, một phần trong số hiếm hoi những ký ức giờ đây vẫn chưa chịu phai tàn. “Nó gợi tớ nhớ tới việc bà đã luôn luôn có những bộ trang phục phù hợp cho tớ mặc. Mặc những bộ quần áo phù hợp thì cháu sẽ cảm thấy mình giống như người mà cháu đang đóng vai vậy, bà luôn nói vậy với tớ. Tớ mà nghĩ đó chính là trò mà chúng ta đang làm, đúng không? Diễn vai một người ở phía bên kia hàng rào?”

“Một người Do Thái, ý cậu là vậy,” Shmuel nói.

“Đúng vậy,” Bruno nói, ngượng ngập đổi chân trụ. “Đúng là thế đấy.”

Shmuel chỉ vào chân Bruno và đôi ủng nặng trịch mà cậu đã đi từ nhà tới. “Cậu cũng sẽ phải để chúng lại đây,” nó nói.

Bruno trông hốt hoảng. “Nhưng còn bùn,” cậu nói. “Cậu không thể bắt tớ đi chân đất được.”

“Nếu không thì cậu sẽ bị phát hiện,” Shmuel nói. “Cậu không có sự lựa chọn nào hết.”

Bruno thở dài nhưng cậu biết bạn mình nói đúng, thế nên cậu cởi ủng và tất ra, để chúng bên cạnh đống quần áo trên mặt đất. Thoạt đầu cảm giác khi bỏ chân trần xuống lớp bùn dày tới vậy thật là kinh khủng; bùn ngập tới tận mắt cá chân cậu và mỗi lần cậu nhấc chân lên thì cảm giác còn tệ hơn nữa. Nhưng sau đó cậu bắt đầu khá thích.

Shmuel với tay xuống nhấc hàng rào lên nhưng nó chỉ lên được một khoảng nhất định nên Bruno chẳng còn cách nào khác ngoài lăn qua bên dưới, khiến cả bộ pyjama sọc bết bùn từ trên xuống dưới. Cậu bật cười khi nhìn xuống chính mình. Suốt cả cuộc đời mình chưa lúc nào cậu bẩn thỉu tới vậy và cậu cảm thấy thật tuyệt vời.

Shmuel cũng mỉm cười rồi hai cậu bé ngượng nghịu đứng bên nhau trong giây lát, lạ lùng trước việc được ở cùng một bên hàng rào.

Bruno cảm thấy tha thiết muốn ôm Shmuel một cái, chỉ để cho nó biết rằng Bruno thích nó và thích được nói chuyện với nó trong suốt một năm qua tới mức nào.

Shmuel cũng cảm thấy tha thiết muốn ôm Bruno một cái, chỉ để cảm ơn cậu vì lòng tốt của cậu, vì những món đồ ăn của cậu, và vì việc cậu sắp sửa giúp nó tìm cha.

Tuy nhiên chẳng đứa nào ôm lấy đứa nào mà thay vì thế hai đứa bắt đầu đi khỏi chỗ hàng rào tiến về phía khu trại, hành trình mà suốt một năm qua hầu như ngày nào Shmuel cũng đi, thoát khỏi ánh mắt đám lính và xoay xở đến được cái nơi thuộc về Ao Tuýt vốn dường như không phải lúc nào cũng bị canh gác ấy, nơi đó đã may mắn gặp được một người bạn như Bruno.

Không mất nhiều thời gian để đến được nơi hai đứa định đến. Bruno mở to mắt kinh ngạc trước tất cả những gì cậu thấy. Bruno mở to mắt kinh ngạc trước tất cả những gì cậu thấy. Trong trí tưởng tượng của mình cậu đã nghĩ tất cả các trại đều ngập tràn những gia đình hạnh phúc, tối tối vài người trong số đó ra ngồi ghế đu bên ngoài trại mà kể chuyện hồi họ còn nhỏ mọi thứ tuyệt vời ra sao, họ đã kính trọng những người lớn tuổi như thế nào, chẳng giống như lũ trẻ ngày nay. Cậu cứ nghĩ tất cả những cô bé cậu bé sống ở đây tụ tập thành từng nhóm, chơi tennis hay bóng đá, nhảy dây hay vạch ô chơi lò cò trên sân.

Cậu đã nghĩ có một cửa hiệu ở trung tâm khu trại, và có thể cả một quán café nhỏ giống những quán cậu từng ở Berlin; cậu băn khoăn tự hỏi liệu ở đây có tiệm rau quả nào không.

Vậy mà hóa ra, tất cả những gì cậu đã nghĩ có thể có ở nơi đây – đều không có.

Chẳng có người lớn nào ngồi trên những chiếc ghế đu ngoài hiên nhà họ.

Và lũ trẻ chẳng lập thành nhóm chơi trò chơi.

Và nơi đây chẳng những không có tiệm rau quả mà còn chẳng có cả quán café giống như ở Berlin hồi trước.

Thay vào đó là hàng đám người ngồi cùng nhau thành từng nhóm, chằm chằm nhìn xuống đất, trông buồn bã kinh khủng; tất thảy đều có một điểm chung; đều gầy guộc đến phát sợ, mắt trũng sâu và cạo trọc đầu, điều đó khiến Bruno nghĩ ở đây hẳn cũng vừa phát bùng dịch chấy rận.

Ở một góc, Bruno thấy ba người lính có vẻ như đang điều khiển một nhóm khoảng hai mươi người. Bọn lính quát tháo, vài người khuỵu xuống và cứ ở nguyên đó, hai tay ôm đầu.

Ở một góc khác, cậu thấy nhiều lính hơn đứng quanh, vừa cười lớn vừa nhìn xuống nòng súng, chĩa về hướng bất kỳ nhưng không siết cò.

Sự thực thì nhìn đâu cậu cũng chỉ thấy có hai loại người khác nhau: hoặc những người lính mặc đồng phục đang sung sướng, cười ha hả, la hét, hoặc những người đang mặc đồ pyjama sọc đang buồn bã, khóc lóc, hầu hết đều dường như nhìn chằm chằm vào khoảng không như thể kỳ thực họ đang ngủ.

“Tớ không nghĩ mình thích ở đây,” Bruno nói sau một lát.

“Tớ cũng không,” Shmuel nói.

“Tớ nghĩ tớ phải về nhà thôi,” Bruno nói.

Shmuel ngừng bước chằm chằm nhìn cậu. “Nhưng còn cha tớ,” nó nói. “Cậu bảo sẽ giúp tớ tìm cha mà.”

Bruno suy nghĩ một lát. Cậu đã hứa với bạn và cậu không phải kiểu người nuốt lời, đặc biệt khi đây là lần cuối hai đứa gặp nhau. “Phải rồi,” cậu nói, dù cho lúc này cậu đã thấy kém tự tin hơn trước rất nhiều. “Nhưng chúng ta nên tìm ở đâu?”

“Cậu nó chúng ta cần phải tìm dấu vết mà,” Shmuel nói, nó đang cảm thấy buồn bởi nếu Bruno mà không giúp thì còn ai sẽ giúp nó đây?

“Dấu vết, phải rồi,” Bruno nói, gật gật đầu. “Cậu nói đúng. Mình bắt đầu tìm kiếm thôi.”

Vậy là Bruno giữ lời và hai cậu bé mất một tiếng rưỡi đồng hồ lục tung khu trại để tìm dấu vết. Hai đứa không biết chắc chính xác mình đang tìm gì nhưng Bruno vẫn giữ tuyên bố rằng một nhà thám hiểm giỏi sẽ biết đâu là dấu vết khi tìm thấy nó.

Nhưng chúng chẳng tìm thấy gì có thể mang lại chút manh mối cho sự mất tích của cha Shmuel, mà trời thì mỗi lúc một tối.

Bruno nhìn lên trời thì thấy có vẻ như trời lại sắp mưa. “Tớ xin lỗi, Shmuel,” cuối cùng cậu nói. “Tớ rất tiếc chúng ta đã không tìm thấy một dấu vết nào cả.”

Shmuel gật đầu buồn bã. Nó không quá ngạc nhiên. Nó vốn đã không thật sự hy vọng sẽ thấy. Nhưng vẫn thật tuyệt khi có bạn sang tận bên này thăm nơi nó sống.

“Chắc tớ phải về nhà bây giờ thôi,” Bruno nói. “Cậu đi cùng tớ trở lại chỗ hàng rào không?”

Shmuel mở to miệng định trả lời, nhưng đúng lúc đó có một tiếng còi lớn và mười người lính – đông hơn bất kỳ nhóm lính nào Bruno từng thấy tụ tập ở một chỗ từ trước tới nay – vây quanh một khoảng khu trại, đúng chỗ Bruno và Shmuel đang đứng.

“Chuyện gì xảy ra vậy hả cậu?” Bruno thì thầm. “Có chuyện gì thế?”

“Việc này thi thoảng vẫn xảy ra,” Shmuel nói. “Chúng bắt mọi người phải đi diễu hành.”

“Diễu hành!” Bruno kêu lên kinh hoàng. “Tớ không đi diễu hành được đâu. Tớ phải về nhà đúng giờ ăn tối. Tối nay có món thịt bò nướng mà.”

“Suỵt,” Shmuel nói, đặt một ngón tay lên môi. “Đừng nói gì cả không chúng sẽ nổi giận đấy.”

Bruno chau mày lại nhưng rồi nhẹ cả người nhưng vì giờ tất cả những người mặc pyjama sọc trong khu vực trại này đã tập hợp, hầu hết đang bị đám lính dồn sát vào nhau, vì thế cậu và Shmuel đã lọt thỏm giữa đám đông và không bị nhìn thấy. Cậu không hiểu mọi người trông hoảng sợ như vậy vì điều gì – xét cho cùng, diễu hành cũng đâu có gì kinh khủng lắm – và cậu muốn thì thầm với họ rằng mọi việc đều tốt cả, rằng cha cậu là Ngài chỉ huy và nếu đây là việc mà ông muốn mọi người làm thì nó hẳn là việc tốt.

Tiếng còi lại vang lên, và lần này cả nhóm người, số lượng chắc phải tới một trăm, bắt đầu diễu hành chầm chậm cùng nhau, Bruno và Shmuel vẫn đang nắm tay nhau đi ở giữa. Có một vài lộn xộn ở phía đằng sau, nơi một số người có vẻ không sẵn lòng diễu hành lắm, nhưng Bruno quá bé nên chẳng thể nhìn thấy chuyện gì đang xảy ra, tất cả những gì cậu nghe được chỉ là những tiếng động lớn nghe như súng bắn, nhưng cậu không biết chắc đó là tiếng gì.

“Việc diễu hành này có lâu không cậu?” Bruno thì thầm bởi lúc này cậu đã bắt đầu thấy khá đói.

“Chắc là không,” Shmuel nói. “Tớ chưa bao giờ gặp lại ai sau khi họ đi diễu hành. Nhưng tớ không thể tưởng tượng là nó sẽ nhanh.”

Bruno chau mày. Cậu nhìn lên trời và khi đó lại có một tiếng động lớn nữa, lần này là tiếng sấm trên cao, và dường như ngay lập tức bầu trời trở nên còn tối hơn lúc nãy, gần như đen kịt, rồi mưa trút xuống còn dữ dội hơn ban sáng. Bruno khép mắt lại giây lát và cảm thấy mưa ướt đẫm người cậu. Khi Bruno lại mở mắt thì không phải cậu đang diễu hành nữa mà đang bị đám người cuốn đi, tất cả những gì cậu cảm nhận thấy là bùn đã bết khắp cả người và bộ pyjama đang dính chặt vào da vì bao nhiêu nước mưa, cậu mong sao có thể quay lại nhà, quan sát mọi chuyện này từ một khoảng xa chứ không phải bị bủa vây ở giữa.

“Thế đấy,” cậu nói với Shmuel. “Tớ sẽ bị cảm lạnh ở ngoài này cho coi. Tớ phải đi về nhà thôi.”

Nhưng ngay sau khi cậu nói vậy, đôi chân đã đưa cậu bước lên một bậc tam cấp và khi bước tiếp cậu nhận ra rằng không còn mưa rơi xuống nữa. Tất cả bọn họ đã bị nhét vào một căn phòng dài ấm áp đến kinh ngạc và hẳn được xây hết sức an toàn vì chẳng có giọt mưa nào lọt được vào bất cứ đâu. Đúng ra thì nó hoàn toàn kín mít.

“Ồ, phải thế chứ,” cậu nói, vui sướng được thoát khỏi cơn bão ít nhất là trong vài phút. “Tớ hy vọng chúng ta sẽ được chờ ở đây cho tới khi tạnh hẳn và rồi sau đó tớ sẽ về nhà.”

Shmuel nép thật sát vào người Bruno và ngước nhìn cậu đầy lo sợ.

“Tớ xin lỗi vì chúng ta đã không tìm thấy cha cậu,” Bruno nói.

“Không sao đâu,” Shmuel nói.

“Và tớ rất tiếc chúng ta đã không thật sự được chơi, nhưng khi cậu tới Berlin, chắc chắn chúng ta sẽ chơi. Rồi tớ sẽ giới thiệu cậu với… Ôi, tên mấy đứa đó là gì chứ nhỉ?” cậu tự hỏi mình, thấy thật chán vì giờ bọn chúng vẫn được xem là những người bạn thân nhất đời nhưng đã biến mất hoàn toàn khỏi trí nhớ cậu. Cậu không thể nhớ ra bất cứ cái tên nào của chúng, cũng không thể hình dung mặt mũi chúng ra sao.

“Thực sự thì,” cậu nói, nhìn xuống Shmuel, “tớ có nhớ hay không cũng chẳng sao. Dù sao thì giờ tụi nó cũng không còn là bạn thân nhất của tớ nữa.” Cậu nhìn xuống rồi làm một hành động khá khác với tính cách của cậu: cậu cầm lấy bàn tay bé nhỏ của Shmuel siết thật chặt.

“Cậu là bạn thân nhất của tớ, Shmuel ạ,” cậu nói. “Bạn thân nhất của đời tớ.”

Shmuel có thể đã mở miệng ra đáp lại điều gì đó, nhưng Bruno chẳng bao giờ nghe thấy nữa vì đúng giây phút đó có một tiếng rên lớn của những người diễu hành lúc này đã đứng chật cứng căn phòng, khi cửa đột nhiên đóng lại và một tiếng kim loại vang vọng vào từ phía bên ngoài.

Bruno nhướng mày, không hiểu được ý nghĩa của tất cả chuyện này, nhưng cậu đoán nó có liên quan gì đó tới việc chắn mưa lại và ngăn không để mọi người bị cảm lạnh.

Rồi sau đó căn phòng trở nên rất tối và không hiểu vì sao, bất chấp những lộn xộn đang diễn ra sau đó, Bruno nhận ra mình vẫn đang nắm tay Shmuel và không gì trên đời có thể thuyết phục cậu rời bàn tay đó ra.