ã gần một năm trôi qua kể từ ngày Bruno về nhà và thấy Maria đang gói ghém đồ đạc của cậu, và mọi ký ức của cậu về Berlin hầu như đã phai nhạt hết cả. Khi nghĩ lại cậu chỉ nhớ được rằng Karl và Marin là hai trong số ba người bạn thân nhất trần đời của cậu, nhưng cố hết sức cậu cũng không nhớ nỗi đứa thứ ba tên gì. Và rồi có một chuyện xảy ra có thể khiến cậu rời khỏi Ao Tuýt trong hai ngày và trở về ngôi nhà cũ: bà đã mất và cả nhà phải về chịu tang.
Khi về đó, Bruno nhận ra mình không còn nhỏ như dạo cậu chuyển đi bởi vì cậu có thể nhìn thấy ngang tầm mắt nhiều thứ mà trước đây cậu không thể thấy và khi họ lưu lại trong nhà cũ cậu có thể nhìn qua cửa sổ tầng thượng thấy khắp Berlin mà không cần kiễng chân.
Bruno đã không gặp bà nội kể từ khi rời khỏi Berlin nhưng ngày nào cậu cũng nghĩ về bà. Những điều cậu nhớ nhất về bà là các tác phẩm mà bà cùng cậu và Gretel biểu diễn trong các dịp Giáng sinh, sinh nhật và chuyện bà luôn có trang phục hoàn hảo phù hợp cho cậu bất kể cậu diễn vai gì. Ý nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ còn làm được điều đo nữa khiến cậu thực sự vô cùng buồn.
Hai ngày trải qua ở Berlin cũng là những ngày vô cùng buồn. Đám tang diễn ra, Bruno cùng Gretel, cha mẹ và ông nội ngôi ở hàng ghế đầu, cha cậu mặc bộ đồng phục ấn tượng nhất của ông, bộ đồ còn nguyên lần hồ được là ủi phẳng phiu và có rất nhiều đồ trang trí. Mẹ Bruno bảo cha buồn lắm vì bởi vì cha đã tranh cãi với bà và hai người chưa kịp giảng hòa trước khi bà mất.
Có rất nhiều vòng hoa được gửi tới nhà thờ và cha cậu rất tự hào vì một trong số đó là do Quốc trưởng gửi, nhưng khi nghe vậy mẹ cậu lại bảo rằng nếu biết có vòng hoa ấy ở đó thì bà nội ở dưới mồ sẽ không yên.
Bruno cảm thấy gần như phấn khởi khi họ quay trở lại Ao Tuýt. Ngôi nhà ở đó giờ đây đã trở thành nhà cậu và cậu đã thôi không còn băn khoăn chuyện nó chỉ có ba tầng chứ không phải là năm và cũng chẳng bận lòng đến những tên lính hết vào lại ra như thể bọn họ sở hữu nơi ấy nữa. Cậu dần dần hiểu ra rằng xét cho cùng mọi thứ ở đó không đến nỗi quá tệ, đặc biệt là từ khi cậu gặp Shmuel. Cậu biết rằng có rất nhiều điều cậu nên cảm thấy hạnh phúc, ví như sự thật dạo này cha mẹ cậu dường như lúc nào cũng vui vẻ và mẹ cậu không còn phải ngủ giữa chiều hay uống rượu sherry thuốc nhiều như trước nữa. Còn Gretel thì đang trải qua một giai đoạn – nguyên văn lời của mẹ - và có xu hướng tránh xa cậu.
Cả một chuyện này nữa, đó là trung úy Kotler đã chuyển đi khỏi Ao Tuýt và không còn suốt ngày loanh quanh khiến Bruno tức giận hay buồn rầu nữa. (Sự ra đi của anh ta hết sức đột ngột, đêm đó còn có rất nhiều tiếng quát to giữa cha mẹ cậu về chuyện ấy, nhưng anh ta đã đi, chắc chắn như vậy, và sẽ không trở lại; Gretel tới giờ vẫn chưa nguôi ngoai). Cậu còn hạnh phúc vì một điều khác: không ai gọi cậu là “bé con” nữa.
Nhưng điều tuyệt vời nhất vẫn là cậu đã có một người bạn tên là Shmuel.
Chiều chiều cậu khoan khoái bước dọc theo hàng rào rồi mừng rỡ khi thấy dạo này bạn mình vui lên nhiều và mắt nó có vẻ không còn quá trũng sâu, mặc dù cơ thể nó vẫn gầy gò đến kỳ lạ và gương mặt nó vẫn xám ngoét một cách đáng buồn.
Một hôm, trong khi ngồi đối diện với nó ở nơi thường lệ, Bruno nhận xét,”Đây là tình bạn lạ lùng nhất tớ từng có đấy.”
“Tại sao?” Shmuel hỏi.
“Bởi vì tất cả các cậu bạn khác tớ từng kết thân đều là người mà tớ có thể chơi cùng,” cậu trả lời. “Trong khi chúng ta chưa bao giờ chơi gì cùng nhau. Tất cả những gì chúng ta làm là ngồi đây nói chuyện.”
“tớ thích ngồi đây nói chuyện,” Shmuel nói.
“À, tất nhiên tớ cũng rất thích,” Bruno nói. “Nhưng thật tiếc vì thỉnh thoảng ta không thể làm gì đó hào hứng hơn. Khám phá một chút chẳng hạn. Hay đá bóng. Thậm chí chưa khi nào bọn mình có thể nhìn nhau mà không có cả cái hàng rào thép gai này chặn lối.”
Bruno thường bình luận những câu kiểu này bởi vì cậu muốn vờ như cậu phủ nhận tình bạn với Shmuel hồi vài tháng trước là chưa bao giờ xảy ra. Chuyện ấy vẫn còn giày vò tâm trí cậu và khiến cậu cảm thấy mình thật tồi tệ, mặc dù Shmuel, theo như cậu tin, đã quên mọi điều về nó.
“Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ được chơi cùng nhau, Shmuel nói. “Nếu có bao giờ họ thả bọn tớ ra.”
Bruno bắt đầu nghĩ nhiều hơn nữa về hai phía của hàng rào và về lý do ban đầu đã khiến nó xuất hiện ở đó. Cậu tính nói chuyện với cha mẹ để hỏi nhưng lại ngờ rằng họ sẽ nổi giận với cậu vì đề cập tới điều ấy hoặc nói với cậu những lời không hay về Shmuel và gia đình nó, thế nên thay vì thế cậu làm một việc bất thường hơn. Cậu quyết định nói chuyện với “trường hợp vô vọng”.
Phòng Gretel đã thay đổi khá đáng kể tính từ lần cuối cùng cậu ở đó. Trước hết là không còn nhìn thấy con búp bê nào nữa. một buổi chiều cách đây chừng một tháng, đâu đó quanh quanh thời điểm trung úy Kotler rời khỏi Ao Tuýt, Gretel đã quyết định rằng cô không còn thích búp bê nữa rồi và tống tất cả chúng và bốn chiếc túi lớn rồi quẳng đi. Thế vào chỗ chúng, cô treo tấm bản đồ châu Âu mà cha đã tặng cô, và hằng ngày cô đính những chiếc ghim lên đó và liên tục di chuyển chúng sau mỗi lần đọc báo ngày. Bruno nghĩ có thể cô đang bị điên. Tuy nhiên, cô không còn trêu chọc và bắt nạt cậu nhiều như trước đây, nên cậu nghĩ nói chuyện với cô có lẽ cũng không hại gì.
“Xin chào,” cậu nói, lịch sự gõ cửa phòng cô bởi vì cậu biết nêu cậu cứ thế mà vào thì thể nào cô cũng nổi cáu.
“Em muốn gì?” Gretel hỏi, cô đang ngồi bên bàn trang điểm, thử nghiệm các kiểu tóc.
“Không có gì,” Bruno nói.
“Thế thì đi đi.”
Bruno gật đầu nhưng vẫn đi vào và ngồi xuống mép giường. Gretel liếc mắt quan sát cậu nhưng không nói gì.
“Gretel,” cuối cùng cậu lên tiếng, “em hỏi chị một điều được không?”
“Miễn là em hỏi nhanh nhanh vào,” cô nói.
“Mọi thứ ở đây tại Ao Tuýt...” cậu bắt đầu, nhưng Gretel ngắt lời cậu ngay lập tức.
“Không phải gọi là Ao Tuýt đâu, Bruno,” cô tức giận nói, như thể đây là sai lầm tồi tệ nhất mà một người từng tạo ra trong lịch sử thế giới. “Sao em không thể phát âm cho đúng nhỉ?”
“Đúng là Ao Tuýt mà,” cậu cự nự.
“Không phải,” cô khăng khăng rồi phát âm lại chính xác tên khu trại cho cậu.
Bruno vừa chau mày vừa nhún vai. “Thì em cũng đọc như thế còn gì,” cậu nói.
“Không, không hề. tóm lại chị sẽ không tranh cãi với em nữa,” Gretel nói, giờ đã mất kiên nhẫn hoàn toàn, bởi vốn dĩ từ đầu cô đã có rất ít kiên nhẫn. “Tóm lại là gì nào? Em muốn biết gì?”
“Em muốn biết về dãy hàng rào,” cậu kiên quyết nói, cho rằng đây là điều quan trọng nhất trước hết. “Em muốn biết tại sao nó lại ở đó.”
Gretel xoay người trên ghế và nhìn cậu bằng ánh mắt dò hỏi. “Ý em là em không biết ấy hả?”
“Không,” Bruno nói. “Em không biết vì sao chúng ta không được phép sang bên hai hàng rào. Chúng ta có gì không ổn tới mức không được phép sang bên đó chơi?”
Gretel nhìn cậu chằm chằm rồi bỗng nhiên cười phá lên và chỉ dừng lại khi thấy rằng cậu đang hoàn toàn nghiêm túc.
“Bruno à,” cô nói bằng giọng nựng trẻ con, như thể cô đang nói một chuyện hiển nhiên nhất trên đời, “hàng rào không đứng đó để ngăn chúng ta sang bên kia. Nó là để ngăn bọn họ sang bên này.”
Bruno suy ngẫm nhưng lời giải thích ấy chẳng làm chuyện sáng tỏ thêm chút nào. “Nhưng tại sao chứ?” cậu hỏi.
“Bởi vì bọn họ phải được giam giữ cùng nhau,” Gretel giải thích.
“Với gia đình họ, ý chị là thế?”
“Ừ, phải, với gia đình họ. ngoài ra còn với cả dòng giống của họ.”
“Ý chị là gì? Dòng giống của họ?”
Gretel thở dài lắc đầu. “Với những người Do Thái khác, Bruno. Em không biết điều đó sao? Đó là lý do tại sao họ phải được giam giữ cùng nhau. Họ không thể hòa trộn vào chúng ta.”
“Người Do Thái,” Bruno nhắc lại, thử nói to từ đó. Cậu khá thích âm thanh của nó. “Người Do Thái,” cậu nhắc lại. “Tất cả mọi người phía bên kia hàng rào đều là người Do Thái.”
“Phải, đúng thế,” Gretel nói.
“Chúng ta có là người Do Thái không?”
Gretel há hốc miệng như thể cô vừa bị tát mạnh vào mặt. “Không, Bruno,” cô thốt lên. “Không, tuyệt đối đương nhiên chúng ta không phải là thế. Và thậm chí em còn không nên nói ra những điều như vậy.”
“Nhưng tại sao chứ? Thế chúng ta là gì?”
“Chúng ta là...” Gretel mở lời, nhưng rồi cô phải dừng lại để suy nghĩ về điều đó. “Chúng ta là...” cô nhắc lại, nhưng không chắc lắm đâu mới là lời giải đáp cho câu hỏi này. “Ừm, chúng ta không phải là người Do Thái,” cuối cùng cô nói.
“Em biết điều đó rồi,” Bruno nói với vẻ thất vọng. “Em đang hỏi chị, nếu chúng ta không phải là người Do Thái, vậy chúng ta là gì?”
“Chúng ta đối ngược với họ,” Gretel lập tức trả lời và có vẻ hài lòng với cậu trả lời này hơn rất nhiều. “Phải, đúng thế đấy. chúng ta đối ngược.”
“Được rồi, Bruno nói, hài lòng vì cuối cùng mọi điều đã được sắp xếp ổn thỏa trong đầu cậu. “Thế là người Đối Ngược sống ở bên này hàng rào còn người Do Thái sống ở bên kia.”
“Đúng thế, Bruno.”
“Thế người Do Thái không ưa người Đối Ngược à?”
“Không phải vậy, chúng ta mới là người không ưa bọn họ, đồ ngốc.”
Bruno chau mày, Gretel đã bị đe hết lần này đến lần khác rằng không được phép gọi cậu là đồ ngốc, thế mà cô vẫn tiếp tục gọi.
“Ừm, thế tại sao chúng ta không thích họ?” cậu hỏi.
“Bởi vì họ là người Do Thái,” Gretel trả lời.
“Em hiểu rồi. vậy là người Đối Ngược và người Do Thái không hòa thuận.”
“Không, Bruno,” Gretel đáp, nhưng cô nói điều này chậm chạp vì cô vừa phát hiện ra cái gì đó bất thường trên mái tóc và mải xem xét nó cẩn thận.
“Thế, chẳng lẽ không ai có thể đưa họ lại bên nhau và...”
Bruno bị cắt lời bởi một âm thanh khi Gretel đột ngột thét lên dữ dội, một tiếng thét đủ để đánh thức mẹ cậu khỏi giấc ngủ chiều và khiến bà chạy vào phòng Gretel để xem đứa con nào của bà đã sát hại đứa kia.
Trong khi thử nghiệm các kiểu tóc Gretel đã tìm thấy một cái trứng bé tí, không to hơn đầu đinh ghim. Cô cho mẹ xem, bà nhìn xuyên qua mái tóc cô, vội vã tách từng sợi ra, rồi đi về phía Bruno và làm tương tự với cậu.
“Ôi, mẹ không tin nổi,” mẹ cậu bực bội thốt lên. “Biết ngay là ở một nơi như thế này thì thể nào cũng có chuyện thế này xảy ra mà.”
Hóa ra cả Gretel và Bruno đều có chấy, thế là Gretel phải điều trị bằng thứ dầu gội đặc biệt có mùi rất kinh và sau đó cô ngồi lì trong phòng suốt nhiều giờ liền khóc hết nước mắt.
Bruno cũng phải dùng dầu gội đó, nhưng rồi cha cậu quyết định cách tốt nhất là bắt đầu lại từ đầu, thế nên ông lấy dao cạo cạo sạch tóc của bé, khiến cậu khóc òa lên. Vụ cạo đầu diễn ra chóng vánh, Bruno ghét phải nhìn tóc mình rơi hết xuống sàn nhà dưới chân cậu, nhưng cha cậu bảo phải làm thế thôi.
Sau đó Bruno soi gương ở phòng tắm và cậu thấy phát ốm. Giờ đây cả cái đầu cậu trông thật dị dạng khi mà cậu trọc lóc còn đôi mắt như thể quá to so với mặt. Cậu gần như thấy sợ hình ảnh của chính mình trong gương.
“Đừng lo,” cha cậu cam đoan. “Nó sẽ mọc lại mà. Chỉ mấy tuần thôi.”
“Chính rác rưởi quanh đây đã gây ra chuyện,” mẹ cậu nói. “Giá mà một số người có thể nhận thấy nơi này tác động tới tất cả chúng ta như thế nào.”
Khi nhìn chính mình trong gương Bruno không thể không nghĩ giờ đây cậu trông giống Shmuel biết bao, và cậu tự hỏi phải chăng vì mọi người ở phía bên kia hàng rào đều có chấy nên cũng phải cạo trọc đầu hết.
Khi cậu gặp bạn mình vào ngày hôm sau, Shmuel bật cười trước dáng vẻ của Bruno, điều này chẳng giúp cho lòng tự tin đang suy giảm của cậu chút nào.
“Giờ tớ trông giống y như cậu,” Bruno rầu rĩ nói như thể đó là một điều kinh khủng phải thừa nhận.
“Chỉ có điều mập hơn,” Shmuel cũng thừa nhận.