hi tuần nối tuần trôi qua, Bruno bắt đầu hiểu rõ rằng cậu sẽ không thể về nhà ở Berlin trong thời gian trước mắt và rằng cậu có thể quên chuyện trượt xuống trên tay vịn cầu thang ở ngôi nhà cũ thoải mái hay chuyện sớm gặp Karl, Daniel hay Maurin đi được rồi.
Tuy nhiên, với mỗi ngày trôi qua ấy, cậu bắt đầu dần quen với việc sống ở Ao Tuýt và không còn cảm thấy quá sức buồn chán về cuộc sống mới. Xét cho cùng cũng đâu có vẻ gì là không có ai để nói chuyện. mỗi chiều khi giờ học kết thúc Bruno lại đi bộ một đoạn thật dài dọc theo hàng rào tới ngồi nói chuyện với cậu bạn mới Shmuel cho tới tận khi phải về nhà, và điều này đã bắt đầu bù đắp được cho mọi lúc cậu thấy nhớ Berlin.
Một buổi chiều, khi cậu đang nhét vào túi quần đầy bánh mỳ và pho mát lấy từ tủ lạnh trong bếp định mang theo thì Maria bước vào và dừng lại khi cô trông thấy chuyện Bruno đang làm.
“Chào chị,” Bruno nói, cố hết sức làm ra vẻ bình thường. “Chị làm tôi hết hồn. tôi không nghe thấy chị vào.”
“Chắc không phải cậu lại ăn nữa đấy chứ?” Maria mỉm cười hỏi. “Cậu ăn trưa rồi mà, không phải sao, thế mà cậu vẫn còn đói hả?”
“Hơi hơi,” Bruno nói. “Tôi định dạo bộ và nghĩ có thể trong lúc đi tôi sẽ thấy đói bụng.”
Maria nhún vai rồi đi vượt qua cậu về phía bếp đặt nồi nước lên đun. Nằm ở ngoài trên mặt quầy bên cạnh bếp là một đống khoai tây và cà rốt, sẵn sàng cho Pavel đến gọt vỏ chiều nay. Bruno dợm người đi thì ánh mắt cậu chạm chỗ củ quả đó và một câu hỏi xuất hiện trong đầu cậu, câu hỏi này đã mấy lần khiến cậu băn khoăn. Trước đây cậu không nghĩ ra được ai để hỏi, nhưng đây dường như là một thời khắc hoàn hảo và một người hoàn hảo.
“Chị Maria,” cậu nói, “tôi có thể hỏi chị một câu không?”
Cô hầu gái quay lại ngạc nhiên nhìn cậu.”Tất nhiên rồi, cậu Bruno,” cô nói.
“Và nếu tôi hỏi chị câu này, chị hứa sẽ không nói với bất kỳ ai là tôi đã hỏi nhé?”
Maria nheo mắt vẻ nghi hoặc nhưng vẫn gật đầu. “Được rồi,” cô nói. “Điều cậu muốn biết là gì vậy?”
“Về ông Pavel,” Bruno nói. “Chị biết ông ấy phải không? Ông già tới đây gọt rau củ rồi phục vụ bàn ăn cho chúng tôi ấy?”
“Ồ có,” Maria mỉm cười nói. cô có vẻ như nhẹ cả người vì câu hỏi của cậu không phải là về điều gì đó nghiêm trọng hơn. “Tôi biết Pavel chứ. Chúng tôi nói chuyện suốt. sao cậu hỏi về ông ấy vậy?”
“À,” Bruno lên tiếng, lựa chọn từ ngữ thật kỹ càng kẻo lại nói ra điều gì không nên nói, “Chị có nhớ mấy hôm sau khi chúng ta chuyển tới đây, tôi đã làm chiếc đu trên cây sồi rồi bị ngã rách đầu gối không?”
“Có chứ,” Maria nói. “Không phải nó lại đang làm cậu đau đấy chứ?”
“Không, vết thương không đau nữa,” Bruno nói. “Nhưng khi tôi bị đau lần ấy, ông Pavel là người lớn duy nhất ở gần và ông ấy đã đưa tôi vào trong này, lau rửa và bôi lên vết thương một lớp thuốc nước màu xanh, thứ thuốc ấy hơi xót nhưng tôi nghĩ thuốc làm tôi đỡ đau, rồi ông dán một miếng băng lên.”
“Đó là điều ai cũng sẽ làm khi thấy người khác bị đau,” Maria nói.
“Tôi biết,” cậu nói tiếp. “chỉ có điều sau đó ông Pavel bảo tôi rằng thực ra trước đây ông ấy không không hề là người phục vụ.”
Mặt Maria đờ ra một chút và trong chốc lát cô không nói gì. Thay vào đó cô nhìn đi chỗ khác, khẽ liếm môi một chút rồi gật đầu. “Tôi hiểu,” cô nói. “Thế ông ấy bảo thực ra trước đây ông ấy làm gì?”
“Ông ấy bảo ông ấy từng là bác sĩ,” Bruno nói. “Có vẻ không đúng cho lắm. ông ấy không phải là bác sĩ, phải không?”
“Không,” Maria nói, lắc đầu. “Không, ông ấy không phải là bác sĩ. Ông ấy là người phục vụ.”
“Tôi biết ngay mà,” Bruno nói, cảm thấy rất hài lòng với chính mình. “Nhưng sao ông ấy lại nói dối tôi. Như thế thật vô lý.”
“Pavel không còn là bác sĩ nữa, Bruno ạ,” Maria khe khẽ nói. “Nhưng ông ấy đã từng, trong một cuộc đời khác. Trước khi ông ấy đến đây.”
Bruno chau mày và suy nghĩ về điều đó. “Tôi không hiểu,” cậu nói.
“Chẳng mấy người trong chúng ta hiểu đâu,” Maria nói.
“Nhưng nếu ông ấy từng là bác sĩ, sao giờ ông ấy lại không còn là bác sĩ nữa?”
Maria thở dài, nhìn ra ngoài cửa sổ để chắc chắn rằng không có ai đang đi vào, rồi gật đầu ra hiệu về phía mấy chiếc ghế rồi cả cô cùng Bruno ngồi xuống.
“Nếu tôi nói với cậu điều Pavel đã nói với tôi về cuộc đời của ông ấy,” cô nói, “Cậu không được nói với ai – cậu hiểu chứ? Cả ba chúng ta sẽ gặp rắc rối khủng khiếp đấy.”
“Tôi sẽ không nói với bất kỳ ai,” Bruno nói, cậu thích được nghe bí mật và hầu như chưa bao giờ phát tán ra ngoài, dĩ nhiên trừ khi cần thiết phải làm vậy, cậu không thể làm gì khác.
“Được rồi,” Maria nói. “Đây là tất cả những gì tôi biết.”
Bruno đến điểm hẹn chỗ hàng rào nơi cậu vẫn gặp Shmuel hằng ngày muộn giờ, nhưng như thường lệ, người bạn mới của cậu vẫn đang ngồi bệt, khoanh chân đợi cậu.
“Xin lỗi tớ đến muộn,” cậu nói, đưa số bánh mì và pho mát qua hàng rào – những mẩu cậu chưa ăn mất trên đường tới đây khi mà cuối cùng cậu cũng cảm thấy hơi đói. “Tớ vừa nói chuyện với chị Maria.”
“Maria là ai?” Shmuel hỏi, không nhìn lên vì còn đang mải vội vã ngấu nghiến chỗ thức ăn.
“Chị hầu gái nhà tớ ấy mà,” Bruno giải thích. “Chị ấy rất tốt mặc dù cha tớ cứ bảo chị ấy được trả công quá hậu hĩnh. Chuyện chị ấy vừa kể cho tớ nghe về ông Pavel chuyên gọt rau củ và phục vụ bàn ăn cho nhà tớ. tớ nghĩ ông ấy sống ở bên kia hàng rào của cậu.”
Shmuel ngừng ăn và nhìn lên thoáng chốc. “Bên phía tớ?” nó hỏi.
“Đúng thế. Cậu biết ông ấy không? Ông ấy già lắm rồi, có chiếc áo khoác trắng vẫn mặc mỗi khi phục vụ bàn ăn ấy. Chắc là cậu đã từng nhìn thấy ông ấy rồi.”
“Không,” Shmuel lắc đầu. “Tớ không biết ông ấy.”
“Nhưng cậu phải thấy rồi chứ,” Bruno cáu kỉnh, như thể Shmuel đang cố tình chơi khó vậy. “Ông ấy không cao bằng một số người lớn khác, tóc muối tiêu, lưng hơi còn một chút.”
“Tớ nghĩ cậu không thể hiểu nổi thật sự có bao nhiêu người sống ở bên này hàng rào đâu,” Shmuel nói. “Bọn tớ có đến hàng nghìn đấy.”
“Nhưng người này tên là Pavel,” Bruno khăng khăng. “Khi tớ bị ngã từ chiếc đu, ông ấy đã lau vết thương rách để không bị nhiễm trùng rồi dán băng lên chân tớ. Dù sao thì, lý do tớ muốn kể với cậu về ông ấy là vì ông ấy cũng đến từ Ba Lan. Giống cậu.”
“Hầu hết bọn tớ đều từ Ba Lan đến,” Shmuel nói. “Tuy nhiên cũng có một số người từ nơi khác đến, Tiệp Khắc và...”
“Ừ, nhưng vì vậy nên tớ nghĩ có thể cậu biết ông ấy. Mà thôi, chuyện là trước khi tới đây ông ấy từng là bác sĩ ở quê nhà, nhưng giờ ông ấy không được phép làm bác sĩ nữa và nếu cha tớ mà biết ông ấy lau đầu gối cho tớ khi tớ bị trầy thì sẽ có rắc rối to.”
“Tại bọn lính thường không thích ai khỏi đau,” Shmuel nói, nuốt nốt mẩu bánh mỳ cuối cùng. “Thường là ngược lại mới đúng.”
Bruno gật đầu – dù cậu không thật sự hiểu ý của Shmuel là gì – và ngước lên nhìn trời. Sau mấy giây cậu nhìn qua hàng rào rồi hỏi một câu hỏi khác cũng đang bức rức trong tâm trí cậu.
“Cậu có biết lớn lên cậu muốn làm gì không?” Bruno hỏi.
“Có,” Shmuel nói. “Tớ muốn làm việc trong sở thú.”
“Sở thú à?” Bruno hỏi.
“Tớ yêu loài vật,” Shmuel nói khe khẽ.
“Tớ sẽ trở thành một người lính,” Bruno nói với giọng cả quyết. “Giống như cha tớ.”
“Tớ không thích trở thành lính,” Shmuel nói.
“Ý tớ không phải là một người lính như trung úy Kotler,” Bruno nhanh nhẩu nói. “Không phải một người cứ sải bước quanh đây như thể anh ta là chủ cái nơi này rồi cười với chị gái ta và thì thà thì thầm với mẹ ta. Tớ không hề nghĩ anh ta là một người lính tốt. ý tớ là một người lính như cha tớ cơ. Một người lính tốt.”
“Chẳng có tên lính nào tốt hết,” Shmuel nói.
“Tất nhiên là có chứ,” Bruno nói.
“Ai nào?”
“À, cha tớ, ví dụ thế,” Bruno nói. “Đó là lý do vì sao ông có bộ đồng phục ấn tượng đến thế và tại sao mọi người gọi ông là Ngài Chỉ huy và làm theo bất cứ điều gì ông bảo. Quốc trưởng hết sức coi trọng ông bởi vì ông là một người lính tốt tuyệt vời.”
“Chẳng có tên lính nào tốt hết,” Shmuel nói.
“Trừ cha tớ,” Bruno nhắc lại, cậu đang hy vọng rằng Shmuel sẽ không nhắc lại câu đó nữa bởi vì cậu không muốn phải tranh cãi với nó. Xét đến cùng thì nó là người bạn duy nhất của cậu tại Ao Tuýt này. Nhưng cha cậu vẫn là cha cậu, và Bruno không nghĩ có ai đó được quyền nói gì không hay về ông.
Cả hai cậu cùng ngồi tĩnh lặng một hồi lâu, chẳng ai muốn nói bất cứ điều gì có thể khiến mình hối hận.
“Cậu không biết ở đây thế nào đâu,” cuối cùng Shmuel lên tiếng trước với giọng thật thấp, những lời nó nói hầu như không đủ sức bay sang chỗ Bruno.
“Cậu không có chị em gái nào cả phải không?” Bruno hỏi nhanh, vờ như không nghe thấy câu đó bởi vì như thế cậu sẽ không phải trả lời.
“Ừ,” Shmuel nói, lắc đầu.
“Cậu may mắn đấy,” Bruno nói. “Chị Gretel mới 12 tuổi thế mà chị ấy cứ nghĩ mình biết hêt mọi thứ trên đời trong khi chị ấy thật ra chỉ là một “trường hợp vô vọng”. chị ấy ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài và vừa thấy trung úy Kotler là chị ấy liền chạy ào xuống tầng, vào sảnh và vờ như đã ở đó tự bao giờ. Hôm nọ tớ bắt quả tang chị ấy làm thế, khi anh ta đến chị ấy giả vờ giật mình và nói, Ôi, trung úy Kotler, tôi không biết là anh đang ở đây đấy, mà tớ biết chắc rằng chị ấy đang chờ anh ta.”
Bruno không nhìn Shmuel trong khi kể lể tất cả chuyện này, nhưng khi nhìn lại cậu lại để ý thấy bạn mình trở nên tái nhợt còn hơn cả bình thường.
“Sao thế?” cậu hỏi. “Cậu trông như sắp ốm ấy.”
“Tớ không muốn nói về anh ta,” Shmuel nói.
“Về ai cơ?” Bruno hỏi.
“Trung úy Kotler. Anh ta làm tớ sợ.”
“Anh ta cũng làm tớ sợ một tí,” Bruno thừa nhận. “Anh ta là một kẻ hách dịch. Và anh ta có mùi buồn cười cực. Mấy thứ nước hoa Cologne anh ta xịt ấy mà.” Thế rồi Shmuel bắt đầu run khẽ và Bruno trông ra xung quanh, như thể cậu có thể biết trời nóng hay lạnh bằng cách nhìn chứ không phải cảm nhận. “Có chuyện gì vậy?” cậu hỏi. “Trời có lạnh đến thế đâu nhỉ? Nhưng có lẽ cậu nên mang theo áo khoác. Dạo này về tối trời đang trở nên lạnh hơn.”
Chiều muộn hôm đó Bruno hết sức thất vọng khi biết rằng trung úy Kotler đến dự bữa tối cùng cậu, cha mẹ cậu và Gretel. Như thường lệ, ông Pavel mặc chiếc áo khoác trắng phục vụ bàn trong khi họ ăn.
Bruno quan sát Pavel trong lúc ông đi quanh bàn ăn và nhận ra rằng mỗi khi nhìn ông là cậu lại thấy buồn. cậu băn khoăn không biết chiếc áo khoác trắng ông mặc khi làm phục vụ bàn này có giống chiếc áo khoác trắng trước đây ông mặc khi làm bác sĩ không. Ông bưng đĩa ra đặt xuống trước mặt từng người, rồi trong lúc họ ăn uống và nói chuyện, ông lui về phía bức tường và giữ mình đứng yên không nhúc nhích, nhìn vào vô định. Cứ như thể cơ thể ông đã đi ngủ ở tư thế đứng với đôi mắt mở nguyên.
Bất cứ khi nào có ai cần gì, ông Pavel sẽ bưng tới ngay lập tức, ấy thế nhưng càng quan sát ông, Bruno càng chắc chắn rằng tai ương sắp ập đến. Dường như mỗi tuần ông lại nhỏ bé hơn, nếu một điều như thế có thể xảy ra thật, và màu thắm vốn nên ở trên đôi má ông giờ đã phai đi gần hết. Đôi mắt ông dường như nặng trĩu nước khiến Bruno nghĩ một cái chớp mắt mạnh cũng có thể mang tới cả một dòng suối lũ.
Khi Pavel bước vào với chồng đĩa trên tay, Bruno không thể không để ý thấy đôi tay ông khẽ run run dưới sức nặng của chúng. Và khi bước lui ra vị trí quen thuộc của mình, dường như chân ông cũng run rẩy và ông phải chống tay vào tường để đứng cho vững. Mẹ cậu phải yêu cầu ông mang thêm xúp đến hai lần ông mới nghe thấy, và ông để chai rượu hết nhẵn mà không mở chai khác để kịp rót đầy cốc cho cha cậu.
“Ông Liszt không cho bọn con đọc thơ hay kịch gì cả,” Bruno phàn nàn trong lúc ăn món chính. Vì có khách tới dùng bữa tối, cả nhà đều mặc đồ trang trọng – cha cậu mặc đồng phục, mẹ cậu mặc chiếc váy xanh lục làm tôn màu mắt của bà, còn Gretel và Bruno vẫn mặc bộ quần áo hai chị em vẫn mặc mỗi lần tới nhà thờ hồi còn ở Berlin. “Con hỏi ông ấy liệu bọn con có thể đọc thơ hoặc kịch chỉ một ngày trong tuần được không mà ông ấy vẫn bảo không được, không có chuyện đó chừng nào ông ấy còn phụ trách việc dạy dỗ bọn con.”
“Cha tin rằng ông ấy có lý do,” cha cậu nói, xắn một miếng đùi cừu.
“Tất cả những gì ông ấy muốn bọn con làm chỉ là học môn lịch sử và môn địa lý,” Bruno nói. “Và con bắt đầu ghét cả lịch sử lẫn địa lý.”
“Tại sao con lại ghét môn lịch sử?” cha cậu hỏi, đặt nĩa xuống một lát và nhìn cậu con trai phía bên kia bàn ăn, cậu đang nhún vai – một thói quen xấu của cậu.
“Vì nó chán,” cậu nói.
“Chán?” cha cậu nói. “Con trai tôi bảo học lịch sử chán sao? Để cha nói cho con nghe điều này, Bruno,” ông nói tiếp, vươn người về phía trước để chĩa dao ăn về phía cậu con trai, “vì lịch sử mà chúng ta mới ở đây ngày hôm nay. Nếu không vì lịch sử, lúc này không ai trong chúng ta ngồi ăn quanh cái bàn này cả. Chúng ta sẽ yên ổn bên bàn trong nhà mình ở Berlin cơ. Ở đây chúng ta đang sửa sai cho lịch sử.”
“Nó vẫn chán,” Bruno nhắc lại, không thực sự chú tâm tới lời cha nói lắm.
“Anh sẽ phải thứ lỗi cho em trai tôi thôi, trung úy Kotler ạ,” Gretel nói, đặt bàn tay lên cánh tay anh ta một thoáng, hành động đó khiến bà mẹ nheo mắt lườm cô. “Nó chỉ là một thằng bé khờ khạo.”
“Em đâu có khờ khạo,” Bruno cáu kỉnh, chịu hết nổi mấy lời nói xóc của cô chị. “Anh sẽ phải tha lỗi cho chị gái tôi thôi, trung úy Kotler ạ,” cậu nói thêm bằng giọng lịch sự, “chị ấy là một “trường hợp vô vọng”. Chúng tôi chẳng làm được gì nhiều để giúp chị ấy. Các bác sĩ nói chị ấy đã qua cái ngưỡng mà người ta có thể giúp.”
“Im đi,” Gretel nói, mặt đỏ bừng.
“Chị im đi thì có,” Bruno đáp trả với nụ cười rộng ngoác.
“Các con, làm ơn nào,” mẹ cậu nói.
Cha cậu gõ dao xuống bàn, thế là mọi người đều im lặng. Bruno liếc sang phía ông. Ông trông không tức giận lắm, nhưng thực tình cũng không có vẻ gì là sẽ chịu đựng thêm trận cãi vã này.
“Hồi còn nhỏ tôi rất yêu thích lịch sử,” trung úy Kotler nói sau một hồi im lặng. “Và mặc dù cha tôi là giáo sư môn ngữ văn ở trường đại học, tôi thích khoa học xã hội hơn nghệ thuật.
“Tôi không biết điều đó đấy, Kurt,” mẹ Bruno nói, quay sang nhìn anh ta giây lát. “Thế ông ấy vẫn dạy chứ?”
“Tôi nghĩ thế,” trung úy Kotler trả lời. “Tôi không biết rõ lắm.”
“Ồ, tại sao cậu lại có thể không biết chứ?” bà hỏi, chau mày nhìn sang anh ta. “Cậu không còn liên lạc với ông ấy nữa sao?”
Viên trung úy trẻ nhai một miệng đầy thịt cừu, việc này giúp anh ta có cơ hội suy ngẫm cau trả lời. Anh ta nhìn sang Bruno như thể rất lấy làm tiếc vì từ đầu đã khơi câu chuyện này ra.
“Kurt,” mẹ cậu nhắc lại, “cậu không còn liên lạc với cha cậu nữa sao?”
“Không,” anh ta đáp, nhún vai tỏ vẻ không quan tâm và không quay đầu sang nhìn bà. “Ông đã rời khỏi Đức mấy năm trước. 1938, hình như là năm đó. Tôi không gặp ông ấy từ đấy.”
Cha Bruno ngừng nhai một lúc mà nhìn chăm chăm về phía trung úy Kotler, khẽ chau mày. “Thế ông ta đã đi đâu?” ông hỏi.
“Xin ngài nhắc lại ạ, thưa ngài Chỉ huy?” trung úy Kotler hỏi, mặc dù cha Bruno đã nói với giọng hết sức rõ ràng.
“Tôi hỏi anh ông ta đi đâu?”ông nhắc lại, “Cha anh ấy, vị giáo sư ngành ngữ văn. Khi rời nước Đức ông ta đã đi đâu?”
Trung úy Kotler hơi đỏ lên và anh ta hơi lắp bắp. “Tôi tin... tôi tin là hiện giờ ông ấy đang ở Thụy Sĩ,” cuối cùng anh ta nói. “Tin gần đây nhất tôi nghe được là ông ta đang giảng dạy tại một trường đại học ở Berne.”
“Ồ, nhưng Thụy Sĩ là một đất nước tươi đẹp mà,” mẹ Bruno nói nhanh. “Tôi chưa từng tới đó, thật ra là thế, nhưng từ những gì tôi nghe được...”
“Ông ta không thể nào quá gài được, cha cậu ấy,” cha Bruno nói, giọng nói trầm vang của ông khiến tất cả mọi người im lặng. “Ý tôi là cậu mới có... bao nhiêu nhỉ? 17 tuổi phải không? Hay 18?”
“Tôi vừa bước sang tuổi 19, thưa Ngài Chỉ huy.”
“Vậy cha cậu sẽ là... khoảng ngoài 40, đúng chứ?”
Trung uy Kotler không nói gì mà tiếp tục nhai mặc dù anh ta không có vẻ gì là đang thưởng thức món ăn.
“Lạ lùng làm sao khi ông ta lựa chọn không sống trên Tổ quốc mình,” cha cậu nói.
“Chúng tối, cha tôi và tôi không thân thiết lắm,” trung úy Kotler nói nhanh, nhìn quanh bàn như thể anh ta nợ mọi người một lời giải thích. “Thật sự thì nhiều năm rồi chúng tôi không nói chuyện.”
“Tôi hỏi câu này được chứ, ông ta đưa ra lý do nào,” cha Bruno tiếp tục, “Cho việc rời bỏ Đức khi đất nước đang trong thời điểm huy hoàng vĩ đại nhất cũng như đang đòi hỏi khẩn thiết nhất, khi mà phận sự của tất cả chúng ta là đóng góp phần mình vào sự nghiệp phục hưng dân tộc? ông ta bị lao phổi chăng?”
Trung úy Kotler nhìn ông chằm chằm với vẻ bối rối. “Xin lỗi, gì cơ ạ?” anh ta hỏi.
“Có phải ông ta tới Thụy Sĩ để thay đổi không khí?” cha Bruno giải thích. “Hay là ông ta có một lý do đặc biệt nào đó khi rời nước Đức? Vào năm 1938,” ông nói thêm sau một thoáng.
“Tôi e là mình không biết, thưa Ngài Chỉ huy.” Trung úy Kotler nói. “có lẽ ngài phải hỏi ông ấy thôi.”
“À,như thế hẳn sẽ khó làm được lắm đấy, nhỉ? Khi mà ông ấy ở quá xa, ý tôi là vậy. nhưng có lẽ đúng là như thế rồi. có lẽ lúc ấy ông ta bị bệnh.” Cha Bruno ngần ngừ một lát trước khi cầm dao nĩa lên ăn tiếp. “Hoặc có lẽ ông ấy đã có những... bất đồng.”
“Bất đồng ư, thưa Ngài Chỉ huy?”
“Với chính sách của chính phủ. Mọi người hẳn đã có lần nghe chuyện về những con người kiểu này. Những kẻ kỳ quặc, tôi hình dung ra bọn họ như vậy. hoang mang, một số người trong bọn họ. phản bội, những kẻ khác. Hèn nhát nữa. tất nhiên là anh đã thốn báo cho cấp trên về quan điểm của cha anh rồi, đúng không trung úy Kotler?”
Viên trung úy trẻ mở miệng và rồi nuốt vào, mặc dù thật ra nãy giờ anh ta chẳng ăn gì nữa.
“Thôi không sao,” cha Bruno vui vẻ nói. “Có lẽ đây không phải là chuyện thích hợp để nói bên bàn ăn tối. Chúng ta có thể bàn sâu hơn sau.”
“Ngài Chỉ huy,” trung úy Kotler nói, vươn người về phía trước đầy vẻ lo lắng, “tôi có thể đảm bảo với ngài tôi...”
“Đây không phải là chuyên thích hợp để nói bên bàn ăn tối,” cha Bruno đang thép nhắc lại khiến anh ta im bặt. Bruno nhìn từ người này sang người kia, cảm thấy vừa khoái chí vừa sợ hãi không khí đó.
“Con thích tới Thụy Sĩ lắm,” Gretel nói sau một khoảng im lặng kéo dài.
“Ăn đi, Gretel,” mẹ Bruno bảo.
“Nhưng con chỉ mới nói thôi mà!”
“Ăn đi,” mẹ cậu nhắc lại và còn toan nói gì nữa thì bị ngắt lời bởi cha cậu lại gọi Pavel.
“Tối nay ông làm sao vậy hả?” ông cất tiếng hỏi khi Pavel mở một chai rượu mới. “Đay là lần thứ tư tôi phải kêu thêm rượu rồi đấy.”
Bruno quan sát ông Pavel, hy vọng ông không sao, mặc dù ông đã xoay xở mở được nút chai rượu mà không xảy ra sự gì. Nhưng sau khi ông rót đầy cốc cho cha cậu và quay sang rót đầy lại cốc cho trung úy Kotler, chẳng hiểu sao ông bị tụt tay và chai rượu rơi xuống vỡ tan tành, rượu bên tron ồng ộc đỏ thẳng lên lòng cậu thanh niên.
Chuyện xảy ra sau đó vừa bất ngờ vừa hết sức đáng buồn. trung úy Kotler hết sức tức giận với Pavel và không một ai – không Bruno, không Gretel, không mẹ cậu và cả cha cậu cũng không – đứng ra can thiệp ngăn anh ta làm cái việc anh ta làm tiếp sau đó, mặc dù chẳng ai trong số họ nhìn mà đành lòng. Mặc dù chuyện đó làm Bruno khóc òa lên còn Gretel tái mét.
Đêm hôm đó, khi Bruno đi ngủ, cậu nghĩ lại toàn bộ chuyện xảy ra trong bữa tối. cậu nhớ lại ông Pavel đã tốt với cậu thế nào vào buổi chiều cậu làm chiếc đu, ông đã cầm máu cho đầu gối cậu ra sao, đã nhẹ nhàng thoa lên đó thứ thuốc mỡ màu xanh thế nào. Và cho dù nhận định rằng cha mình về căn bản là một người rất tốt bụng và sâu sắc, cậu vẫn thấy dường như thật không công bằng hay đúng đắn khi chẳng một ai ngăn trung úy Kotler giận dữ với ông Pavel tới mức đó, và nếu những việc kiểu như vậy vẫn thường diễn ra ở Ao Tuýt thì tốt nhất cậu không nên bất hòa với bất kỳ ai về bất cứ điều gì thêm bất kể lần nào nữa; nói đúng hơn thì tốt nhất cậu nên im miệng và đừng gây ra lộn xộn nào cả. một số người chắc hẳn không thích điều ấy.
Giờ đây cuộc đời cũ của cậu ở Berlin dường như giống với một kỷ niệm quá xa vời và thậm chí cậu khó có thể nhớ nổi Karl, Daniel hay Maurin trông như thế nào, ngoại trừ một trong ba đứa có mái tóc hoe hoe.