Chinh Phục Mục Tiêu - Goals!

Chương 15. Rà Soát Mục Tiêu Hàng Ngày

Quy luật tâm lý là bất cứ điều gì chúng ta khao khát hoàn thành cũng được ghi khắc vào tâm trí vô thức hoặc tâm trí chủ quan.

- Orison Swett Marden

Đôi khi, tôi hỏi những thính giả trong quá trình nói chuyện: “Ở đây những ai muốn tăng thu nhập gấp đôi?”. Chẳng có gì ngạc nhiên khi tất cả mọi người đều giơ tay. Sau đó, tôi nói tiếp: “Vậy thì tôi có một tin tốt cho các bạn đây. Tất cả những người ở đây đều sẽ có thu nhập gấp đôi – bảo đảm 100% – nếu các bạn có thể sống thật lâu”.

Nếu thu nhập của bạn gia tăng khoảng 3 - 4% một năm, chi phí sinh hoạt trung bình hàng năm cũng tăng lên, thì bạn sẽ tăng gấp đôi thu nhập của mình trong 20 năm. Nhưng đó là một khoảng thời gian quá lâu.

Vậy vấn đề thực sự ở đây là gì? Đó chính là câu hỏi: “Bạn có thể làm điều đó nhanh đến mức nào?”.

NHÂN ĐÔI TỐC ĐỘ HOÀN THÀNH MỤC TIÊU

Có nhiều kỹ thuật có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu cá nhân và cả vấn đề tài chính nhanh chóng hơn. Trong chương này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn một phương pháp đặc biệt đã giúp rất nhiều người đi từ nghèo khó trở nên giàu có, hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ phương pháp nào đã được biết đến. Kỹ thuật này đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả và bảo đảm sẽ có tác dụng – nếu bạn thực hiện nó.

Trước đây, tôi đã nói rằng: “Bạn sẽ trở thành điều mà bạn luôn nghĩ đến nhất”. Đây là một sự thật bất biến. Thầy John Boyle - một trong những thầy dạy tôi, đã nói rằng: “Bất cứ điều gì bạn có thể giữ trong tâm trí một cách thường xuyên liên tục, bạn đều có thể có nó”. Đây chính là chìa khóa.

TƯ DUY TÍCH CỰC

Ngày nay, mọi người thường nói về tầm quan trọng của khái niệm “tư duy tích cực”. Tư duy tích cực quả thực là quan trọng, nhưng chưa đủ. Nếu để mặc không định hướng và không kiểm soát, tư duy

tích cực có thể nhanh chóng biến thành mơ ước tích cực và hy vọng tích cực. Thay vì có tác dụng như một nguồn sinh lực tạo ra cảm hứng và thúc đẩy bạn đạt thành tích cao, tư duy tích cực có thể chỉ trở thành một yếu tố có ý nghĩa cao hơn thái độ vui vẻ nói chung đối với cuộc sống và bất cứ điều gì xảy ra với bạn, dù tốt hay xấu.

XÁC LẬP MỤC TIÊU CÓ HỆ THỐNG

Trong nhiều năm liền, tôi cố gắng hoàn thành những mục tiêu của mình, viết chúng ra giấy một hay hai lần trong năm, và sau đó xem xét đánh giá chúng bất kể khi nào có cơ hội. Chỉ cần việc này thôi cũng đủ để tạo ra sự khác biệt khó tin trong cuộc sống của tôi. Thường thì tôi viết ra một danh sách các mục tiêu của mình cho năm sắp tới vào tháng Giêng. Đến tháng 12 trong năm, tôi sẽ xem xét lại danh sách của mình để đánh giá những điều mình đã hoàn thành, bao gồm cả một số mục tiêu lớn lao nhất và khó khăn nhất trong danh sách này.

Sau đó, tôi nhận ra rằng kỹ thuật này đã thay đổi cuộc sống của tôi. Tôi khám phá ra rằng việc viết ra mục tiêu của mình ít nhất một lần trong năm rồi sau đó viết đi viết lại những mục tiêu này nhiều lần có sức mạnh đáng kinh ngạc.

Một số tác giả đề nghị rằng nên viết ra các mục tiêu và xem xét chúng mỗi tháng một lần, một số

khác còn đề nghị mỗi tuần một lần. Điều mà tôi học được chính là sức mạnh của việc viết đi viết lại những mục tiêu của mình hàng ngày.

VIẾT MỤC TIÊU HÀNG NGÀY

Sau đây là kỹ thuật thực hiện. Hãy lấy ra một quyển sổ gáy lò xo mà bạn có thể mang theo bên mình mọi lúc. Hàng ngày, mở sổ ra và viết ra một danh sách 10 – 15 mục tiêu quan trọng nhất của bạn, nhưng không được tham khảo lại danh sách đã viết trước đó. Hãy làm việc này hàng ngày, hết ngày này sang ngày khác. Khi bạn làm như vậy, nhiều vấn đề đặc biệt có thể xảy ra.

Ngày đầu tiên khi bạn viết ra danh sách mục tiêu của mình, bạn sẽ phải suy nghĩ và hồi tưởng mất khá nhiều thời gian. Hầu hết mọi người trải qua cả cuộc đời nhưng chưa từng lập ra một danh sách

10 mục tiêu hàng đầu của họ.

Ngày thứ hai, viết ra danh sách mục tiêu, nhưng không tham khảo danh sách hôm trước, công việc sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những mục tiêu này có thể sẽ khác đi, cả trong mô tả lẫn thứ tự ưu tiên. Đôi khi, một mục tiêu mà bạn viết trong ngày này sẽ không xuất hiện lại trong ngày tiếp theo. Nó có thể bị quên lãng và không bao giờ tái xuất hiện nữa. Hoặc cũng có thể nó sẽ xuất hiện trở lại vào một thời điểm thích hợp hơn.

Hàng ngày khi viết ra danh sách 10 – 15 mục tiêu, những định nghĩa của bạn về chúng sẽ trở nên rõ ràng và sắc bén hơn. Thứ tự ưu tiên của bạn sẽ thay đổi khi cuộc sống quanh bạn thay đổi. Sau khoảng 30 ngày, bạn sẽ thấy rằng hàng ngày mình viết đi viết lại những mục tiêu giống nhau.

THỰC HÀNH PHƯƠNG PHÁP NÀY

Trong bài tập mà chúng ta thảo luận ở chương này, bạn sẽ học cách đạt được những mục tiêu nhanh chóng hơn rất nhiều so với những kết quả mà những người chỉ viết mục tiêu 1 lần đạt được. Kết quả của bạn sẽ nhiều gấp đôi, gấp ba, và gia tăng 5 đến 10 lần khi bạn sử dụng đến tính hiệu quả của việc xác lập mục tiêu mà chúng ta đã nói ở những chương trước, nhưng bạn sẽ viết ra mục tiêu của mình hàng ngày.

Bạn phải áp dụng một số quy tắc đặc biệt để đạt được kết quả tốt nhất từ bài tập này. Trước hết, bạn phải áp dụng “Công thức 3P”. Mục tiêu của bạn phải được viết ra và mô tả một cách khẳng định (positive), ở thời gian hiện tại (present) và mang tính cá nhân (personal).

KÍCH HOẠT TIỀM THỨC CỦA BẠN

Tiềm thức của bạn chỉ có thể được kích hoạt bằng những câu khẳng định được diễn đạt ở thời gian

hiện tại. Do đó, bạn nên viết các mục tiêu của mình như thể bạn đã hoàn thành chúng. Thay vì viết: “Tôi sẽ có thu nhập 50.000 đô-la trong 12 năm tới” thì bạn nên viết là: “Tôi có thu nhập 50.000 đô-la một năm”.

Thay vì viết rằng: “Tôi sẽ ngưng hút thuốc” hay “Tôi sẽ giảm… kg” bạn nên viết rằng: “Tôi không hút thuốc” hoặc “Tôi cân nặng… kg”.

Mệnh lệnh của bạn phải mang tính khẳng định vì tiềm thức của bạn không thể xử lý mệnh lệnh phủ định. Nó chỉ đáp ứng những mệnh lệnh mang tính khẳng định ở thời gian hiện tại.

Chữ P thứ ba đại diện cho từ “Personal” (cá nhân). Kể từ nay trở đi, bạn hãy viết mọi mục tiêu bắt đầu bằng đại từ “Tôi” theo sau là hành động hay trạng thái mục tiêu. Bạn là người duy nhất trong vũ trụ có thể sử dụng đại từ “Tôi” cho bản thân mình. Khi tiềm thức của bạn nhận lệnh bắt đầu bằng đại từ “Tôi”, thì việc này có thể ví như một nhà máy nhận được lệnh sản xuất từ văn phòng trung tâm. Nó sẽ khởi động tiến hành ngay công việc để biến mục tiêu thành hiện thực.

Ví dụ, hãy bắt đầu viết mục tiêu của bạn bằng các cụm từ mang ý khẳng định như: “Tôi có thu nhập…”, “Tôi cân nặng…”, “Tôi đạt được…”, “Tôi giành được…”, “Tôi lái một chiếc xe…”, “Tôi sống trong một ngôi nhà…”, “Tôi leo núi…”, …

XÁC LẬP KỲ HẠN HOÀN THÀNH CÁC MỤC TIÊU

Để tăng sức mạnh cho những mục tiêu được viết ra hàng ngày, hãy thêm kỳ hạn hoàn thành vào cuối mỗi mục tiêu.

Ví dụ, bạn có thể viết rằng “Tôi có thu nhập trung bình 5.000 đô-la một tháng trước ngày 31/12 năm…”.

Như đã thảo luận ở đầu chương, tâm trí của bạn thường hướng đến giới hạn cuối cùng và nỗ lực thực hiện qua “hệ thống cưỡng bức”. Ngay cả khi bạn chưa có giải pháp để đạt được mục tiêu, vẫn cứ đưa ra một kỳ hạn hoàn thành xác định cho nó. Nên nhớ rằng bạn luôn có thể thay đổi kỳ hạn hoàn thành với những thông tin mới cập nhật. Nhưng cần đảm bảo rằng bạn phải có kỳ hạn hoàn thành sau mỗi mục tiêu.

HOẠT ĐỘNG CỦA CHIẾC MÁY TÍNH TRÍ TUỆ

Tâm trí vô thức của bạn làm việc như một chiếc máy tính khổng lồ, không bao giờ tắt, sẽ giúp biến các mục tiêu thành hiện thực. Gần như bạn không phải làm gì, các mục tiêu của bạn sẽ dần trở thành hiện thực trong cuộc sống, đôi khi thông qua những cách đáng kinh ngạc và khó tin nhất.

Nhiều năm trước, tôi đã gặp một doanh nhân ở

Los Angeles với một ý tưởng hết sức quái gở. Ông

ấy muốn huy động một khoản tiền hàng triệu đô-la để làm vốn đầu tư vào một công viên giải trí ở Hawaii, bao gồm những nhà hàng, khu trưng bày và triển lãm từ nhiều nước khác nhau trên toàn thế giới. Ông ấy tin tưởng tuyệt đối rằng nó sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn và ông sẽ nhận được sự ủng hộ và khuyến khích của tất cả những nước tham gia miễn là ông huy động được khoản tiền “khởi đầu” để triển khai dự án. Với tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của mình, tôi nhẹ nhàng bảo với ông ấy rằng ý tưởng đó là một ý tưởng kỳ quặc. Sự phức tạp và chi phí của dự án quá cao trong khi nguồn lực của ông lại quá yếu kém, nếu tiếp tục chạy theo ý tưởng này sẽ chỉ là một sự lãng phí thời gian. Tôi đã cảm ơn và lịch sự từ chối lời mời tham gia cùng triển khai kế hoạch này của ông. Đó là chuyện của những năm 1960.

Sau này, tôi được biết tập đoàn Walt Disney đã tiếp nhận dự án này một cách toàn diện, gọi đây là trung tâm EPCOT (Cộng đồng Hình mẫu Thí nghiệm của Ngày mai), và đã bắt đầu tiến hành xây dựng dự án bên cạnh công viên Disney World ở Orlando, Florida. Công viên giải trí và dự án ấy đã tiếp tục được triển khai để mang lại hàng trăm triệu đô-la, và trở thành một trong những điểm thu hút du khách nổi tiếng nhất trên thế giới.

NHÂN RỘNG KẾT QUẢ

Bạn có thể gia tăng tính hiệu quả của phương pháp này với một vài kỹ thuật bổ sung. Trước hết, sau khi bạn đã viết ra mục tiêu của mình một cách khẳng định, ở thời gian hiện tại và mang tính cá nhân, hãy viết ra ít nhất 3 hành động mà bạn có thể thực hiện ngay lập tức để đạt được mục tiêu đó, cũng theo một cách khẳng định, ở thời gian hiện tại và mang tính cá nhân.

Ví dụ, mục tiêu của bạn là có thu nhập ở một mức độ nào đó. Bạn có thể viết rằng: “Tôi có thu nhập

5.000 đô-la/tháng trong 12 tháng tới”. Sau đó, bạn có thể viết ngay ở phía dưới: (1) Tôi lên kế hoạch trước hàng ngày, (2) Tôi bắt tay ngay lập tức vào những mục tiêu quan trọng nhất của mình, và (3) Tôi tập trung tất cả tâm trí vào nhiệm vụ quan trọng nhất của mình cho đến khi nó hoàn thành.

Dù mục tiêu của bạn là gì đi nữa, bạn cũng có thể dễ dàng nghĩ ra 3 bước hành động có thể thực hiện ngay lập tức để đạt được mục tiêu đó. Khi bạn viết ra những bước hành động, bạn lập trình chúng vào tâm trí vô thức của mình trên con đường tiến đến mục tiêu. Ở một điểm nào đó, bạn sẽ chợt nhận ra rằng mình đang thực sự tiến hành những bước mà mình đã viết ra, mặc dù không suy nghĩ đến nó. Mỗi bước hành động sẽ đưa bạn tiến nhanh hơn đến mục tiêu tối hậu.

SỬ DỤNG CÁC THẺ ĐỀ MỤC

Có một cách khác để bạn gia tăng hiệu năng của hoạt động thiết lập mục tiêu hàng ngày là ghi các mục tiêu của bạn vào những tấm thẻ đề mục (8x13cm). Hãy viết một mục tiêu vào một thẻ với chữ thật to. Và bạn hãy luôn mang bên mình những tấm thẻ này. Mỗi khi bạn có giây phút rảnh rỗi, hãy lấy những tấm thẻ ra và xem xét lại các mục tiêu của mình, từng mục tiêu một.

Mỗi mục tiêu này nên được viết theo nguyên tắc cá nhân, khẳng định, ở thời gian hiện tại như đã nói ở phần trước. Một ai đó đã từng nói rằng: “Tôi thà có một buổi sáng nhịn ăn còn hơn là không có những sự khẳng định”. Mỗi lần sử dụng những thẻ này, bạn hãy dành ra một chút thời gian, hít thở sâu và thư giãn, sau đó lần lượt xem xét lại từng mục tiêu của mình.

Khi bạn đọc những mục tiêu này lên, hãy tưởng tượng chúng đã trở thành hiện thực. Hãy thực sự nhìn thấy bản thân mình ở vị trí hoàn thành mục tiêu, thưởng thức thành quả, cảm nhận sự thỏa mãn khi mục tiêu đã được hoàn tất.

Hoặc một cách khác là khi bạn đọc nội dung ghi trong thẻ, hãy tưởng tượng ra những bước đi cụ thể mà bạn có thể tiến hành ngay lập tức để đạt được mục tiêu đó. Sau đó, thư giãn và tiếp tục làm với mục tiêu kế tiếp.

Lý tưởng nhất là bạn nên xem xét lại những mục tiêu của mình trên các tấm thẻ này ít nhất 2 lần trong ngày. Hãy nhớ mang theo chúng bên người và xem xét lại vào những lúc rảnh rỗi.

THỜI ĐIỂM LẬP TRÌNH CHO BỘ NÃO

Có hai thời điểm lý tưởng nhất trong ngày để thiết lập và chỉnh sửa những mục tiêu của bạn, cũng như để đọc và rà soát lại những thẻ đề mục nêu trên. Đó là điều cuối cùng bạn làm trong buổi tối trước khi bạn đi ngủ, và là điều bạn làm đầu tiên vào buổi sáng hôm sau, trước khi đi làm.

Khi bạn viết lại và rà soát lại những mục tiêu của mình trong buổi tối, bạn đã đưa chúng vào tâm trí vô thức của mình. Tâm trí vô thức của bạn sau đó sẽ tự sắp xếp những mục tiêu của bạn lúc bạn chìm vào giấc ngủ. Thường thì bạn sẽ thức dậy với những ý tưởng tuyệt vời dành cho những việc cần làm hay những người cần liên lạc để giúp bạn đạt được những mục tiêu của mình.

Khi bạn viết lại và soát xét lại mục tiêu của mình vào buổi sáng trước khi đi làm, bạn đã tự tạo cho mình một tâm thế tích cực và sẵn sàng hoạt động hướng đến mục tiêu trong cả ngày làm việc. Cũng giống như một bài tập thể dục buổi sáng để khởi động, việc rà soát lại những mục tiêu của bạn trong buổi sáng cũng sẽ kích thích tâm trí bạn và

giúp bạn đạt đến năng lực cao nhất trong cả ngày làm việc.

Kết quả của việc viết lại và soát xét lại những mục tiêu của bạn vào buổi tối và buổi sáng là bạn ghi khắc chúng sâu hơn vào tâm trí vô thức của mình. Bạn sẽ dần chuyển từ tư duy tích cực sang học hỏi tích cực. Bạn sẽ phát triển một niềm tin vững chắc không thể lay chuyển rằng những mục tiêu của mình là có thể đạt được và mọi việc chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

RÀ SOÁT MỤC TIÊU HÀNG NGÀY

1. Chuẩn bị một quyển sổ gáy lò xo ngay hôm nay và viết ra 10 – 15 mục tiêu mà bạn muốn đạt được trong một khoảng thời gian định được.

2. Chuẩn bị một tập thẻ đề mục có kích thước

8x13cm, trên đó viết ra những mục tiêu của bạn ở thể khẳng định, mang tính cá nhân, ở thời gian hiện tại để bạn có thể mang theo bên mình.

3. Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy mường tượng về cuộc sống của bạn khi các mục tiêu được hoàn tất.

4. Nghĩ đến ba điều bạn có thể thực hiện ngay để hoàn thành từng mục tiêu một. Hãy luôn nghĩ đến những khía cạnh hành động mà bạn có thể tiến hành.

5. Hãy khép bản thân vào việc viết đi viết lại những mục tiêu của mình hàng ngày mà không xem lại danh sách trước đó cho đến khi bạn hoàn toàn tin chắc rằng việc hoàn thành các mục tiêu này là tất yếu.