Buổi chiều ngày 1 tháng 6, một ngày đầy sương mù rất nguy hiểm để đi biển nhưng lại thuận tiện để lẩn tránh, ở Jersey, trong vịnh Bonnenuit nhỏ bé, vắng vẻ, độ một giờ trước lúc mặt trời lặn, có một chiến hạm nhẹ lên buồm ra khơi. Thủy thủ trên tàu là người Pháp, nhưng thuộc hạm đội Anh, đang cắm neo và như làm nhiệm vụ canh phòng ở mũi phía đông hòn đảo. Hoàng thân De La Tour-d’Auvergne thuộc dòng họ Bourbon [2] đang chỉ huy hạm đội Anh, và theo lệnh ông ta, chiến hạm được tách ra làm một nhiệm vụ khẩn cấp và đặc biệt.
Ngày đăng ký ở Trinity-House, con tàu mang tên The Claymore, bề ngoài là tàu vận tải, nhưng thực ra là một tàu chiến. Nó có dáng đi bể nặng nề và thái bình của chiếc tàu buôn; nhưng chẳng nên tin bề ngoài ấy. Tàu đóng nhằm hai mục đích, dùng mưu mẹo hoặc dùng vũ lực: đánh lừa, nếu có thể; chiến đấu, nếu cần. Để làm nhiệm vụ, đêm hôm đó, hàng hóa trong hầm tàu thay bằng ba chục khẩu pháo ngắn nòng cỡ lớn. Hoặc người ta vì dự phòng cơn bão sẽ đến, hoặc muốn cho con tàu có bộ mặt hiền lành, mà ba chục khẩu pháo đó đều được cột chặt trong tàu bằng ba vòng dây xích, và nòng súng thì dựa vào những cửa boong tàu, chèn chặt bên ngoài, chẳng nhìn thấy gì; cửa sổ thành tàu được che kín; cánh cửa đóng chặt; tất cả như khoác một chiếc màn che kín con tàu.
Những khẩu pháo này lắp bánh xe bằng đồng đen có đũa kiểu cổ như kiểu hoa thị. Những chiến hạm làm nhiệm vụ hộ tống thì chỉ đặt đại bác trên boong; chiếc tàu này, đóng ra để đột kích và phục kích, nên trên boong không có súng ống, còn trong khoang tàu thì - như ta đã thấy - có cả một khẩu đội pháo. Tàu Claymore hình thù to lớn nặng nề, tuy thế tàu vẫn đi nhanh; vỏ tàu vào loại chắc chắn nhất trong hạm đội Anh, khi xung trận thì hiệu lực của nó gần bằng một chiến hạm hạng lớn, tuy cột buồm sau bé nhỏ và cánh buồm sau cũng đơn sơ. Bánh lái tàu, hình thù có vẻ lạ và tinh xảo, có một bộ phận cong cong như độc nhất, phải đặt làm ở xưởng đóng tàu Southampton hết năm chục đồng bảng Anh.
Thủy thủ, toàn người Pháp, gồm những sĩ quan lưu vong và lính thủy đào ngũ. Bọn này đã được chọn lọc kỹ; mỗi tay là một thủy thủ giỏi, một tên lính cừ và một tên bảo hoàng trung kiên. Bọn chúng có ba điều cuồng tín: con tàu, thanh kiếm và đức vua.
Ghép với số thủy thủ ấy, có nửa tiểu đoàn thủy quân lục chiến để đổ bộ khi cần thiết.
Thuyền trưởng tàu Claymore từng được thưởng huân chương Thánh Louis, chính là bá tước Du Boisberthelot, một trong những sĩ quan xuất sắc của hải quân hoàng gia cũ, thuyền phó là kỵ sĩ La Vieuville, người đã từng chỉ huy đại đội quân cận vệ có tướng Hoche [3], khi ấy còn đóng chức đội, và hoa tiêu là Philip Gacquoil, người đảo Jersey, một chủ thuyền rất tinh khôn.
Người ta đoán rằng chiếc tàu đó chắc phải làm điều gì phi thường. Quả vậy, có một người vừa bước xuống tàu với phong thái như một kẻ bước vào một cuộc phiêu lưu. Đó là một lão già, tầm vóc cao, to béo, nét mặt nghiêm nghị, một con người rất khó đoán định được tuổi, vì hình như lão vừa có vẻ già lại vừa có vẻ trẻ; một hạng người càng cao tuổi càng dồi dào sức lực, tóc bạc, mắt sáng quắc. Một con người độ bốn chục tuổi kể về sinh lực, nhưng uy nghi như người tám mươi tuổi. Lúc lão bước lên tàu, chiếc áo choàng đi biển hé mở, người ta thấy lão mặc bên trong một chiếc quần chùng lối cổ gọi là bragou-bras, đi ủng cao tới đầu gối và mặc một chiếc áo da dê mặt ngoài thêu chỉ lụa, còn mặt trong thì lông lá bù xù như lông thú; toàn bộ trang phục thuộc kiểu nông dân vùng Bretagne. Loại áo cộc kiểu cổ vùng Bretagne ấy dùng được hai việc trong ngày hội cũng như ngày thường, lộn mặt trái là chiếc áo lông, lộn mặt phải là chiếc áo thêu. Cả tuần, nom như tấm da thú, ngày chủ nhật, là chiếc áo sang trọng. Muốn cho có vẻ thật, bộ quần áo nông dân lão đang mặc đã bị sờn ở đầu gối và khuỷu tay, như thể đã mặc lâu rồi, còn chiếc áo choàng đi biển bằng vải thô lại giống hệt chiếc áo rách mướp của dân chài. Lão đội một chiếc mũ tròn thời đó, vừa tròn, vừa cao, vành rộng; loại mũ này nếu kéo sụp xuống thì ra vẻ thôn quê và nếu giải mũ đính huy hiệu kéo lật một bên vành lên thì ra vẻ mũ nhà binh. Lúc ấy, lão đội chiếc mũ sụp xuống theo lối dân quê, không có giải, không có huy hiệu.
Lord [4] Balcarras, viên quan cai trị đảo cùng hoàng thân De La Tour-d’Auvergne đã thân hành tiễn lão xuống tàu. Gélambre, nhân viên mật vụ của các hoàng thân, cựu sĩ quan cận vệ của hầu tước D’Artois thân hành trông coi việc sửa soạn buồng riêng dưới tàu, và mặc dù là dòng dõi quý tộc, ông ta chu đáo và kính cẩn đến mức tự mình xách va-li theo sau lão kia. Lúc từ giã để trở lên bờ, ông De Gélambre đã cúi chào lão dân quê kia hết sức cung kính; Lord Balcarras thì nói với lão: chúc tướng công may mắn, còn hoàng thân De La Tour-d’Auvergne lại chào: tạm biệt ông anh.
Lão “dân quê”, đó là cái tên mà thủy thủ dùng ngay từ lúc ấy để chỉ người khách đi tàu kia trong những câu trao đổi cộc lốc giữa những người đi biển; nhưng họ chẳng biết gì hơn, chỉ biết là lão dân quê đó chẳng phải là dân quê, cũng như chiếc tàu chiến này chẳng phải là tàu vận tải.
Gió hiu hiu. Tàu Claymore rời vịnh Bonnenuit, đi ngang vịnh Bulay chạy vát, còn trông rõ được một lúc; rồi càng về khuya con tàu càng mờ dần và mất hút.
Một giờ sau, Gélambre trở về nhà ở Saint-Hélier [5] gửi ngay bằng tàu tốc hành chạy đường Southampton cho hầu tước D’Artois, ở hành dinh quận công York [6] bốn dòng chữ sau đây:
“Thưa đức ông, cuộc khởi hành vừa xong. Chắc chắn thắng lợi. Tám ngày nữa, cả vùng bờ biển từ Granville đến Saint- Malo sẽ rực lửa”.
Trước đó bốn hôm, qua đường liên lạc mật, Prieur De La Marne [7], đại biểu quốc hội đang công cán ở quân khu vùng bờ biển Cherbourg, và tạm trú lại Granville, cũng đã nhận được bức thư sau, nét chữ giống hệt như ở bức thư nói trên: “Công dân đại biểu, đến ngày 1 tháng 6, giờ nước lên, chiến hạm Claymore với khẩu đội pháo ngụy trang sẽ nhổ neo đưa một người đổ bộ lên bờ bể nước Pháp, với nhận đạng như sau: tầm vóc cao, già, tóc bạc, ăn mặc quần áo nông dân, bàn tay quý phái. Ngày mai, tôi sẽ báo thêm chi tiết. Người đó sẽ đổ bộ sáng ngày hai. Hãy báo cho hạm đội tuần tiễu chặn bắt chiếc chiến hạm, đưa tên ấy lên máy chém”.
Chú thích:
[1] Đại biểu của tư sản công thương nghiệp, nắm chính quyền sau cuộc khởi nghĩa 10-08-1792, khoảng giữa 1793, thiên hữu, bênh vực phe bảo hoàng và Louis XVI, nên bị lật đổ ngày 31-05-1793. Phái Jacobin lên thay.
[2] Dòng họ quý tộc Pháp.
[3] Hạ sĩ quan quân đội hoàng gia, về sau theo cách mạng lên đến cấp tướng, trẻ và có tài, đã dẹp loạn Vendée.
[4] Chỉ người quý tộc hoặc nguyên lão nghị viện.
[5] Thủ phủ đảo Jersey.
[6] Tổng chỉ huy quân đội Anh ở vùng Flandres.
[7] Prieur De La Marne (1756 - 1827): Đại biểu quốc hội của quận Marne, ủy viên Ủy ban cứu quốc, đặc phái viên của chính quyền cách mạng tới dẹp loạn ở Vendée.