Chiết Tẫn Xuân Phong

Chương 3: Cá nằm trên thớt

Trận mưa xuân này dầm dề cả một đêm, đến sáng sớm hôm sau mới chịu tạnh.

Vân Phỉ đẩy cửa sổ ra, một luồng gió

trong lành man mát chợt ùa vào mặt. Ngọn núi phía xa xa được nước mưa

giội rửa, trở nên xanh biêng biếc, trông giống như một viên ngọc bích

khổng lồ. Nàng nhìn những vũng nước nho nhỏ

trên mặt đất ngoài cửa sổ, thầm nghĩ: trời mưa thì đường núi sẽ rất khó

đi, xem ra hôm nay cha sẽ không đến đón mẹ con nàng.

Rửa mặt xong, Phục Linh và Bạch Thược vừa bưng cơm chay đến.

Đêm qua Vân Tông hất chăn khỏi người nên bị cảm nhẹ, vốn đã không muốn ăn gì, giờ thấy lại chỉ có cháo trắng dưa muối thì mặt nhăn nhó như nuốt phải hoàng liên[1], cố ăn mấy miếng cháo trắng xong thì uể oải bò vào trong chăn, cắn góc

chăn, nhay nhay nó một cách chán chường, tưởng tượng mình đang gặm xương heo.

Vân Phỉ thấy Vân Tông có vẻ ỉu xìu như

vậy, liền ngồi xuống cạnh giường, sờ lên trán nó rồi lo lắng hỏi: “A

Tông, đệ bị sao vậy?”

Vân Tông giống hệt một con chuột bị bỏ

đói cả năm trời, mở to đôi mắt tròn xoe, đen láy, nuốt nước miếng nói:

“Tỷ tỷ, đệ rất muốn ăn thịt.”

Vân Phỉ ngắt nhẹ vào mũi nó: “A Tông

ngoan, đợi vài ngày nữa cha đến đón chúng ta về nhà, đệ muốn ăn gì cũng

được, chứ trong chùa thì làm gì có thịt.”

Vân Tộng lập tức cực kỳ kích động mà nắm chặt tay nàng: “Tỷ tỷ, trong ao phóng sinh có rất nhiều, rất nhiều cá đó.”

Nó lại nuốt nước miếng, hai mắt sáng rực lên. Vân Phỉ vừa tức giận vừa tức cười, vỗ vào đầu nó một cái: “Con mèo tham ăn này, cá trong ao phóng sinh mà đệ cũng dám mơ tưởng tới.”

A Tông nói rất tội nghiệp: “Tỷ tỷ, mũi

của đệ không thở được, miệng thì vừa khô vừa đắng, đệ rất muốn được ăn

một chén canh cá nóng hổi.”

Vân Phỉ nhìn dáng vẻ tham ăn của nó, vừa đau lòng vừa bất lực. Nàng bỗng nhớ tới trong rừng trúc bên đường có

một con suối nhỏ, chắc ở đó sẽ có cá. Nghĩ thế, nàng mỉm cười: “Đệ đợi ở đây nha.”

Ở trong chùa mà tìm đồ ăn mặn thì đúng

là rất bất kính nên Vân Phỉ cũng không dám nhờ người khác. Nàng tìm được một cái mẹt cũ ngoài vườn của chùa, một mình lặng lẽ đi vào rừng trúc.

Nếu có thể bắt được cá, nàng sẽ bảo Phục Linh ở ngoài chùa nhóm lửa nấu

chút canh để A Tông đỡ nhạt miệng, còn nếu không bắt được thì thôi vậy.

Trên những cành lá xanh tươi mơn mởn hai bên đường, thỉnh thoảng lại rơi xuống những giọt nước mưa trong veo,

lấp lánh như những giọt sương, rơi tí tách trên những đám rêu xanh trên

tảng đá. Khe suối chảy róc rách qua những hòn đá bên đường, thỉnh thoảng chim chóc lại hót líu lo, tăng thêm vẻ tĩnh mịch của rừng núi.

Khắp núi rừng là một màu xanh bạt ngàn.

Đưa mắt trông về phía trước, những ngọn núi xa xa cứ trập trùng, một màu xanh biếc. Liên Hoa Sơn tuy không phải là ngọn núi nổi tiếng hùng vĩ

hiểm trở gì, nhưng lại có một nét lung linh thanh thoát riêng.

Nàng đi vào rừng trúc. Dần dần, mặt trời cũng nhô lên cao, những tia nắng lấp lánh như những sợi vàng chiếu khắp núi non. Những vũng nước đọng, sau mưa cũng trở nên tràn đầy, thỉnh

thoảng trên mặt nước lại có những cánh hoa rơi trôi bềnh bồng.

Vân Phỉ đứng bên bờ suối, cúi người

xuống xem thử, quản nhiên thấy có bóng những con cá nhỏ bơi vụt qua.

Nàng mừng rỡ cởi giày ra, xắn váy lên rồi bước xuống nước.

Nước suối lành lạnh thấm vào da tạo cảm

giác khoan khoái. Núi xanh nước biếc làm nàng tìm lại được cảm giác vui

sướng đã lâu không có. Kể từ bảy năm trước, từ Tương Huyện chuyển đến

Kinh Châu, nàng không được tự do tiếp xúc với thiên nhiên như thế này

nữa.

Quyền thế của Vân Định Quyền ngày càng

cao thì tự do của nàng cũng ngày càng ít, không giống như lúc nhỏ còn ở

trong huyện, nàng thường cùng ông ngoại về chốn thôn quê chơi đùa. Khi

ấy nàng còn thấy người ta bắt cá rất nhiều lần. Theo như tưởng tượng,

nàng cảm thấy dùng cái mẹt vớt qua một cái là có thể bắt được, không còn gì đơn giản hơn.

Ai ngờ nàng cầm cái mẹt, đứng dưới suối, khom người mò mẫm cả buổi trời mà vẫn không bắt được con nào. Mấy con

cá ở rừng núi này vừa nhỏ vừa nhanh nhẹn, rất là tinh, cứ bơi tới bơi

lui như đang trêu chọc nàng, rồi lại không chịu chui vào trong mẹt, hiến thân cho Vân Tông được no một bữa.

Đúng là có cảm giác như cưỡi ngựa chạy

khắp núi, Vân Phỉ mệt đến nỗi chân mỏi nhừ, mắt choáng váng. Nàng chống

eo, định đứng lên nghỉ một lát. Vừa ngẩng đầu lên thì nhìn thấy có mấy

người đang từ rừng trúc đối diện đi ra.

Vì cúi người quá lâu nên khi thẳng người lên, trước mắt như có hàng ngàn ngôi sao bay lượn. Cho nên sau này, mỗi khi nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy Úy Đông Đình, nàng luôn cảm thấy

trên người y tỏa ra một vầng sáng màu vàng.

Lần đầu tiên nhìn thấy y, nói thật, đúng là sững sờ cả người.

Gió thổi phần phật làm tung áo bào của

y, rừng trúc xanh biếc, tĩnh lặng giống như một bức nền thiên nhiên

thanh nhã, còn y thì giống như bước ra từ trong bức tranh bạt ngàn màu

xanh, thanh tao, phóng khoáng không sao tả xiết.

Lúc bấy giờ, nàng chỉ nhớ đến mấy chữ:

đường đường chính chính, thanh tao nho nhã. Lúc trước, khi đọc được mấy

chữ này trong sách, nàng chỉ thấy rất mơ hồ, không cụ thể. Bây giờ gặp

được y, mới biết thì ra chính là như thế.

Cách một con suối, y nhìn nàng một cái rồi dẫn bốn người phía sau đi lên núi.

Ánh mắt của Vân Phỉ bất giác bị y thu

hút. Bước chân của y mạnh mẽ, vững chãi, nhịp nhàng. Thậm chí còn có thể cảm giác được một năng lượng dồi dào ẩn chứa dưới lớp áo của y. Cho dù

đường núi lầy lội, y vẫn đi một cách ung dung như dạo chơi trong sân

vườn.

Bên cạnh Vân Định Quyền đều là những người tập võ nên Vân Phỉ có cảm giác chắc chắn y cũng có võ công.

Úy Đông Đình loáng thoáng phát hiện sau

lưng mình có một ánh mắt dõi theo rất lâu nên bất chợt quay đầu lại, vừa vặn bắt gặp ánh mắt nhìn lén của nàng.

Vân Phỉ đỏ mặt, vội vã đưa mắt nhìn sang chỗ khác rồi cúi đầu tiếp tục bắt cá. Đáng tiếc lại không bắt được con

nào, làm nàng rất nản lòng.

Lúc ấy, lời của Vân Tông lại vang lên bên tai nàng.

Tỷ tỷ, trong ao phóng sinh có rất nhiều, rất nhiều cá.

Ở đó cá nhiều, lại là một cái ao nho

nhỏ, so với những con cá ranh mãnh này thì dễ bắt hơn nhiều. Nàng đứng

giữa dòng suối, đấu tranh tư tưởng một lúc, cuối cùng không chống nổi

ánh mắt van nài tội nghiệp của A Tông nên cầm cái mẹt về lại Tịnh Thổ

Tự.

Phía Tây Bắc của chùa là vườn rau do các tăng ni trồng trọt, sát bên tường là một cây bồ đề, dưới gốc cây là một cái ao phóng sinh không lớn lắm. Vì trời mưa nên trong chùa hầu như

không có khách dâng hương, vườn rau càng yên ắng, dường như cả gió cũng

ngừng thổi.

Nàng đi vào bằng cửa hông, lặng lẽ đến

bên ao phóng sinh, hai tay chắp lại, lòng thầm niệm: Xin Bồ Tát xá tội

cho con, con chỉ bắt một con cá nhỏ để nấu canh cho đệ đệ của con mà

thôi.

Nàng cầm cái mẹt, cẩn thận bước vào

trong ao, có chút chột dạ như đang ăn trộm, rất là căng thẳng. Đúng vào

lúc này, sau lưng bỗng có người lên tiếng: “Cô nương đang định bắt trộm

cá sao?”

Bốn phía vô cùng yên tĩnh, sau lưng tự

dưng có một người đột ngột xuất hiện, Vân Phỉ giật mình, sợ tới mức định hét toáng lên. Nàng quay đầu lại thì phát hiện đó chính là chàng trai

từ trong rừng trúc bước ra lúc nãy. Nàng vừa xấu hổ vừa lúng túng, có

cảm giác như đi ăn trộm bị người ta bắt tại trận nên vội vàng cầm cái

mẹt bước ra khỏi ao. Nước trong ao bám từng giọt vào chân nàng, nàng cúi đầu đứng trước mặt Úy Đông Đình cao lớn, ấp a ấp úng giải thích: “Đệ đệ của ta bị bệnh, muốn uống chút canh cá, lúc nãy ta ra suối nhưng không

bắt được, cho nên…”

Úy Đông Đình từ trên cao nhìn xuống nên

chỉ thấy được gương mặt nhỏ nhắn như lòng bàn tay và chóp mũi xinh xắn

của nàng. Hai gò má đang dần ửng hồng, xinh đẹp như được những áng mây

che phủ. Dáng vẻ thẹn thùng của nàng đúng là vừa thú vị vừa dễ thương.

Y cố ý trêu nàng: “Vậy cũng không được trộm cá trong ao phóng sinh chứ.”

Vân Phỉ vốn định giải thích một câu xong sẽ bỏ đi, nhưng từ ‘trộm’ kia giống như là một thanh kiếm sắc đâm vào,

khiến nàng không còn mặt mũi nào nữa. Nàng đỏ mặt nói: “Ta không có

trộm.”

Y nhướng mày nói: “Lẽ nào các sư phụ trong chùa đồng ý rồi sao?”

Vân Phỉ biện bạch: “Những con cá này là

do khách đến dâng hương thả vào, đối với các sư phụ trong chùa mà nói

thì mọi thứ đều là vật ngoài thân, cho nên những con cá này cũng không

phải là của họ, phải nói nó là vật vô chủ.”

Sự ứng đối nhanh nhạy của nàng làm Úy Đông Đình hơi bất ngờ, chỉ có thể nói: “Cá không chủ cũng không thể tùy tiện bắt được.”

Vân Phỉ không phục, nói: “Phật dạy chúng sinh đều bình đẳng. Cá ngoài sông suối và cá trong ao phóng sinh đều là cá, tại sao cá ngoài sông suối có thể bị người ta bắt để ăn mà cá trong ao phóng sinh thì không thể?”

“Lẽ nào cô nương không biết trong các

tội nghiệt, sát sinh là tội nặng nhất; trong các công đức, phóng sinh là là điều thiện nhất?”

Vân Phỉ nghênh mặt lên nói: “Ma Ha Tát Đỏa[2] có thể xả thân cho cọp ăn thì sao những con cá này không thể xả thân

cho người ăn? Nếu có thể vì vậy mà thoát khỏi kiếp thú vật, há chẳng

phải là một việc công đức sao? Trên đời này kẻ mạnh thì có quyền. Có

câu: cá nằm trên thớt; chứng tỏ cá là phải để cho người ăn.”

Úy Đông Đình không ngờ tiểu nha đầu này

lại nhanh mồm nhanh miệng, khéo ăn khéo nói như vậy. Dáng vẻ trợn to đôi mắt sáng long lanh, quật cường bướng bỉnh kia đúng là rất thú vị.

Y nhất thời nổi ý trêu đùa, bất thình

lình vươn tay ôm lấy eo nàng, như cười mà không cười, nói: “Kẻ mạnh thì

có quyền, lúc này ta là kẻ mạnh, phải chăng ta có thể làm bất cứ điều gì với cô?” Y nói không lại nàng, bất quá chiêu gậy ông đập lưng ông chính là sở trường lớn nhất của y.

Vân Phỉ bị bất ngờ, không kịp đề phòng

nên bị y ôm lấy. Nàng vừa xấu hổ vừa sợ hãi, lập tức giơ cái mẹt trên

tay lên, định đập vào đầu y không chút khách khí.

Úy Đông Đình vung tay lên, cái mẹt cũ nát ấy lăn lông lốc ra thật xa, rồi cứ nằm im ở đó, không có ý định cứu nàng.

Vân Phỉ đập một phát không trúng thì giơ tay lên định cào vào mặt y. Úy Đông Đình vươn tay ra ngắm lấy cổ tay

nàng, người thì cúi thấp xuống.

Thấy gương mặt anh tuấn kia đang cúi sát xuống, giống như là định hôn mình, Vân Phỉ sợ đến nỗi mặt biến sắc, tim như muốn ngừng đập.

Úy Đông Đình vốn chỉ định trêu ghẹo một chút để dọa nàng, nhưng khi bốn mắt chạm vào nhau thì không khỏi ngẩn ngơ.

Nàng ngửa mặt lên, dựa vào cánh tay y,

đôi mắt trong veo, sáng lấp lánh. Cành lá của cây bồ đề như cũng xanh

tươi hơn, màu xanh mướt ấy phản chiếu vào trong mắt nàng, khiến đôi mắt

ấy có vẻ đẹp trong xanh, rạng ngời. Y cảm thấy mình sắp bị hút vào trong cái đầm xanh biếc ấy.

Trên chân mày của y còn đọng lại một

giọt nước văng ra từ cái mẹt, lúc này lại rơi xuống đúng vào má nàng.

Bởi vì quá căng thẳng, nàng bị giọt nước này làm giật mình và chớp mắt

một cái. Khi ấy, y mới có thể thoát khỏi đôi mắt nàng, rồi vội vàng

buông nàng ra.

“Bây giờ cô đã biết cảm giác người làm

dao thớt, ta làm cá, kẻ mạnh mặc sức hiếp đáp kẻ yếu rồi chứ?” Môi y khẽ mỉm cười mà nhìn nàng, hai mắt sáng quắc và sắc sảo cực kỳ, giống như

có thể nhìn thấu tâm tư của người khác, mang theo vẻ ngang tàng, mê hồn

đoạt phách.

“Hừ, nói không lại ta thì động tay động

chân, đường đường là nam tử hán mà lại đi khi dễ một cô nương yếu đuối

thì có gì tài giỏi chứ?” Mặt Vân Phỉ đỏ như ráng chiều, nàng quẳng cho y câu này xong thì quay đầu bỏ chạy. Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, nàng sẽ không dại gì đi liều mạng với y.

Nàng xách váy chạy băng băng, rất sợ y

sẽ đuổi theo mình. Chiếc váy màu đỏ thắm bị gió thổi phất phới, giống

như là một đóa hoa lựu rực lửa. Màu xanh biêng biếc của núi rừng giống

như được sắc lửa đỏ này thắp sáng.

Úy Đông Đình nhìn theo bóng dáng của

nàng, khóe môi không nén được một nụ cười mỉm: Cô nương yếu ớt? Nha đầu

lỗ mãng thì đúng hơn!

Vân Phỉ chạy một mạch về tới phòng mình ở sân sau, tim không ngừng đâp loạn xạ, ấn tượng đầu tiên tốt đẹp về Úy

Đông Đình đã biến mất hoàn toàn.

Cái gì mà đường đường chính chính, thanh tao nho nhã chứ? Cái mã bên ngoài chỉ gạt người ta mà thôi.

Haiz, vẫn chỉ có ngân lượng là đáng yêu nhất. Ngân phiếu là ngân phiếu, nguyên bảo[3] là nguyên bảo, không gạt ai cả.

[1] Hoàng liên: tên một vị thuốc bắc, rất đắng.

[2] Ma Ha Tá Đỏa: vị bồ tát đã đem mình cho cọp mẹ ăn để cứu hai mẹ con con cọp đang kiệt sức, nhờ đó mà thành chánh quả. Nhắc đến vị bồ tát này là nhắc đến sự xả thân, hy sinh cho người khác.

[3] Nguyên bảo: Đĩnh vàng hoặc đĩnh bạc thời xưa, có giá trị lớn khoảng 50 lượng