Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn

Chương 9: Giáo Dục Và Tôn Giáo

H: CHUYỆN NÀY CŨNG TƯƠNG ĐỐI SÂU SẮC ĐẤY, tâu Bệ hạ. Chúng ta hãy cùng quay lại thảo luận rõ ràng và cụ thể hơn về những chủ đề có thể khiến phần lớn mọi người hứng thú đi. Ta rất quan tâm đến việc thảo luận về những thứ khiến con người hạnh phúc và đau khổ, giàu có và nghèo đói, ốm đau và khỏe mạnh. Nói ngắn gọn, ta quan tâm đến mọi thứ được con người sử dụng để khiến cuộc đời trả cho họ những phần thưởng xứng đáng để đền đáp cho nỗ lực mà một người đặt vào cuộc sống của mình.


Đ: Tốt thôi, chúng ta hãy cùng làm rõ mọi thứ.


H: Ngươi đã hiểu ý ta rồi đấy. Bệ hạ thường hay sa đà vào những chi tiết trừu tượng mà phần lớn mọi người vừa không hiểu vừa không sử dụng được trong giải pháp cho vấn đề của họ. Liệu điều đó có ngẫu nhiên là một kế hoạch rõ ràng của ngươi để trả lời các câu hỏi của ta với những câu trả lời mập mờ hay không? Nếu đó là kế hoạch của ngươi thì đây đúng là một mưu mẹo tài tình đấy, chỉ có điều là nó sẽ không có hiệu quả đâu. Giờ thì hãy tiếp tục và nói cho ta biết nhiều hơn về những nỗi đau khổ và thất bại của con người xuất phát trực tiếp từ sự thiếu quyết đoán đi.


Đ: Tại sao ngươi không để ta nói với ngươi nhiều hơn về những niềm vui và thành công của những người hiểu và áp dụng nguyên tắc xác định?


H: Ta đã quan sát được rằng đôi khi những người có kế hoạch và mục tiêu xác định có được những gì họ đòi hỏi từ cuộc sống để rồi nhận thấy mình không còn muốn nó sau khi đã có nó trong tay nữa. Sau đó thì sao?


Đ: Thông thường thì một người có thể rũ sạch bất cứ thứ gì mình không mong muốn bằng cách áp dụng chính nguyên tắc xác định đã giúp họ có được những thứ đó. Một cuộc sống tràn ngập bình yên, mãn nguyện và hạnh phúc tự nó luôn gạt bỏ mọi thứ mà nó không mong muốn. Bất cứ người nào chấp nhận sự khó chịu do những thứ anh ta không muốn gây ra là những người không quyết đoán. Anh ta chính là người buông thả.


“Một cuộc sống tràn ngập bình yên, mãn nguyện và hạnh phúc tự nó luôn gạt bỏ mọi thứ mà nó không mong muốn.”


***


Có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự mãn nguyện với cuộc sống của mình? Trong một thế giới mà có rất nhiều người đang cố để “đuổi kịp những người hàng xóm của mình”, tất cả chúng ta có rút ra được điều gì ở đây không? Bạn có cần gạt bỏ bớt điều gì trong cuộc sống của mình không? Hãy cam kết sẽ kìm nén bản thân khi bạn cảm thấy tức giận... và hãy nhớ đến những lời Con Quỷ nói: “Bất cứ người nào chấp nhận sự khó chịu do những thứ anh ta không muốn gây ra là những người không quyết đoán. Anh ta chính là người buông thả.”


H: Thế còn những người đã kết hôn nhưng lại không muốn ở bên nhau nữa thì sao? Họ nên chia tay hay đúng là các cuộc hôn nhân là do trời định và do đó, các bên trong hợp đồng phải tuân thủ các thỏa thuận của mình, mặc dù thỏa thuận đó có thể khiến cả hai bên cảm thấy thật tồi tệ.


Đ: Trước tiên hãy để ta sửa lại câu nói cổ xưa rằng mọi cuộc hôn nhân là do trời định. Ta biết có một số cuộc hôn nhân là do ta định đoạt. Đừng bao giờ bắt ép những tâm trí không hòa hợp phải ở cùng nhau, dù là trong hôn nhân hay bất cứ mối quan hệ nào khác. Sự bất đồng quan điểm và tất cả các dạng bất hòa giữa các tâm trí tất yếu sẽ dẫn đến thói quen buông thả và tất nhiên là cả sự thiếu quyết đoán nữa.


H: Có phải đôi khi con người bị trói buộc với những người khác bởi mối quan hệ mang tính trách nhiệm và khiến họ không thể lấy được từ cuộc sống những gì mình muốn nhất, có đúng hay không?


Đ: “Trách nhiệm” là một trong những từ bị hiểu lầm và lạm dụng nhiều nhất. Trước hết, con người phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Mỗi người đều nợ bản thân mình trách nhiệm về việc tìm ra phương thức để sống một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Ngoài điều đó ra, nếu một người có thời gian và năng lượng dư thừa khi thực hiện những ước muốn của chính mình, người đó có thể nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ những người khác nữa.


“Trước hết, con người phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Mỗi người đều nợ bản thân mình trách nhiệm về việc tìm ra phương thức để sống một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc.”


***


Tất nhiên, dù bị bắt phải trả lời chính xác, Con Quỷ vẫn trả lời từ quan điểm của nó. Liệu Mẹ Teresa[34] hay Gandhi[35] có quan điểm khác về vấn đề này không? Họ dành cả đời mình để phục vụ cho những người khác. Bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có đặt việc tìm thấy một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc là mục tiêu hàng đầu trong cuộc sống của mình không? Bạn có đồng ý với những người sẽ tranh cãi rằng để thực sự phục vụ được người khác thì trước tiên bạn phải chăm lo cho bản thân mình trước đã? Và liệu Mẹ Teresa và Gandhi có cảm thấy cuộc đời họ thật mãn nguyện và hạnh phúc thông qua việc phục vụ người khác hay không?


H: Thái độ sống đó có ích kỷ hay không và liệu có phải ích kỷ chính là một trong những nguyên nhân khiến con người thất bại trong việc đi tìm hạnh phúc?


Đ: Ta vẫn giữ nguyên tuyên bố rằng chẳng có trách nhiệm nào cao hơn trách nhiệm với chính bản thân mình cả.


H: Liệu một đứa trẻ có mang nợ thứ trách nhiệm nào đó với cha mẹ - những người đã sinh ra và nuôi dưỡng nó trong những giai đoạn nó chưa tự lo liệu cho bản thân mình hay không?


Đ: Cũng không hẳn. Ngược lại thì đúng hơn. Cha mẹ nợ đứa trẻ mọi thứ họ có thể mang đến cho nó bằng con đường tri thức. Hơn nữa, thay vì giúp con mình thì cha mẹ lại thường hay làm hư đứa trẻ bởi cảm giác sai lầm về trách nhiệm thúc đẩy họ nuông chiều con mình thay vì bắt chúng phải tìm kiếm và tự tay gặt hái được những tri thức đầu tiên.


H: Ta hiểu ý của ngươi rồi. Lý thuyết của ngươi bao gồm quá nhiều thứ thúc đẩy giới trẻ khuyến khích bản thân mình trở nên buông thả và thiếu quyết đoán trong mọi việc. Ngươi tin rằng quy luật tất yếu là một người thầy vô cùng khôn ngoan sắc sảo, rằng thất bại luôn mang trong nó một lợi ích tương đương và các món quà bất ngờ của tự nhiên có thể là một lời nguyền thay vì là một điều may mắn. Điều đó có đúng không?


Napoleon Hill lưu ý rằng: “Các món quà bất ngờ của tự nhiên có thể trở thành một lời nguyền thay vì là một điều may mắn.” Trong những nỗ lực bỏ ra cho bọn trẻ, liệu thật ra chúng ta có đang nguyền rủa chúng hay không? Đây vừa là một suy nghĩ nghiêm túc vừa là một lời khuyên thực sự dành cho các bậc cha mẹ.


Đ: Ngươi đã tuyên bố về triết lý của ta một cách hoàn hảo rồi đấy. Niềm tin của ta không chỉ là lý thuyết. Nó là sự thật.


H: Ngươi không ủng hộ việc sử dụng cầu nguyện như một phương tiện để đạt được những mục đích mình mong muốn hay sao?


Đ: Trái lại, ta ủng hộ việc cầu nguyện, nhưng không phải kiểu cầu nguyện bao gồm những thứ trống rỗng, cầu xin, những từ vô nghĩa. Kiểu cầu nguyện khiến ta trở nên vô dụng là lời cầu nguyện về mục tiêu xác định.


H: Ta chưa bao giờ nghĩ về mục tiêu xác định là một lời cầu nguyện cả. Sao lại như thế được?


Đ: Trên thực tế thì mục tiêu xác định là dạng cầu nguyện duy nhất mà một người có thể tin cậy được. Nó khiến con người sử dụng nhịp điệu thôi miên để đạt được những mục tiêu xác định... chỉ bằng cách chiếm đoạt nó từ nhà kho vĩ đại của Trí tuệ Vô hạn. Nếu ngươi quan tâm thì sự chiếm đoạt ấy diễn ra thông qua mục tiêu xác định và không ngừng theo đuổi.


H: Tại sao phần lớn những lời cầu nguyện lại không có hiệu quả?


Đ: Đâu phải vậy. Mọi lời cầu nguyện đều mang lại điều gì đó cho những người cầu nguyện.


H: Nhưng ngươi vừa nói rằng mục tiêu xác định là dạng cầu nguyện duy nhất mà một người có thể tin cậy vào. Giờ ngươi lại nói rằng mọi lời cầu nguyện đều mang lại kết quả. Rốt cuộc thì ngươi có ý gì đây?


Đ: Chẳng có gì mâu thuẫn ở đây cả. Phần lớn mọi người chỉ cầu nguyện sau khi mọi chuyện đã an bài. Theo lẽ tự nhiên, khi họ cầu nguyện thì tâm trí họ đã bị lấp đầy bởi nỗi sợ hãi rồi, do vậy mà những lời cầu nguyện đó không được đáp trả. Chà, họ đã để lộ ra những nỗi sợ hãi của mình rồi.


Người cầu nguyện với mục tiêu xác định và niềm tin rằng họ sẽ đạt được mục tiêu đó sẽ khiến các quy luật tự nhiên vận hành nhằm biến những khao khát vượt trội của một người thành những thực thể tương đương. Tất cả là kết quả của việc cầu nguyện.


Lời cầu nguyện tiêu cực sẽ chỉ mang lại những kết quả tiêu cực và lời cầu nguyện tích cực sẽ mang lại những kết quả tích cực và xác định. Có điều gì đơn giản hơn thế nữa không?


Những người chỉ biết than phiền và xin Chúa chịu trách nhiệm về tất cả những khó khăn của họ, đáp ứng mọi nhu cầu và sự xa hoa của cuộc sống quá lười biếng của họ để tạo ra những thứ họ muốn và biến chúng thành hiện thực thông qua sức mạnh tâm trí của chính họ.


Khi bạn nghe thấy một người cầu xin điều gì đó mà lẽ ra anh ta nên tự giành lấy nó bằng nỗ lực của chính bản thân mình, chắc chắn là bạn đang nghe một người buông thả cầu nguyện rồi. Trí tuệ Vô hạn chỉ ưu ái cho những người hiểu và thích ứng với các quy luật của Người. Người không phân biệt nếu ai đó có tính cách tốt hay nhân cách dễ chịu. Những thứ đó giúp con người hòa hợp với những người khác hơn trên con đường mình phải đi qua trong hành trình cuộc sống nhưng sức mạnh đáp trả những lời cầu nguyện lại không bị những đức tính tốt đẹp gây ấn tượng. Quy luật của tự nhiên là: “Biết những gì các ngươi muốn, thích nghi với các quy luật của ta và rồi các ngươi sẽ có được nó.”


Câu hỏi và câu trả lời trên đẩy ranh giới của những lời phê bình của Napoleon Hill về các tôn giáo có tổ chức đối đầu với tinh thần và trách nhiệm cá nhân của con người.


H: Điều đó có hòa hợp với những lời răn của Chúa Giê-su không?


Đ: Vô cùng hòa hợp. Nó còn hòa hợp với lời răn dạy của tất cả các nhà triết học vĩ đại thực sự nữa kìa.


H: Liệu lý thuyết về sự xác định của ngươi có hòa hợp với triết lý của các nhà khoa học hay không?


Đ: Sự xác định chính là khác biệt cơ bản giữa một nhà khoa học và một người buông thả. Thông qua nguyên tắc về mục tiêu và kế hoạch xác định, nhà khoa học bắt tự nhiên phải trao cho mình những bí mật sâu kín nhất của nó. Chính nhờ nguyên tắc này mà Edison đã hé mở được bí mật về máy hát, bóng điện và giúp loài người có được rất nhiều những lợi ích khác.


H: Tức là ta nên hiểu rằng sự xác định chính là điều kiện tất yếu đầu tiên để thành công trong mọi công việc bình thường. Điều đó có đúng hay không?


Đ: Chính xác là như thế! Bất cứ điều gì dạy con người phân tích các sự kiện và kết hợp chúng lại thành những kế hoạch xác định đều gây khó dễ cho công việc của ta. Nếu giờ đây mọi người trên khắp thế giới giữ vững được khao khát về kiến thức xác định này thì công việc của ta sẽ bị vỡ nát thành hàng trăm mảnh trong vài thế kỷ nữa. Ta phát triển được là nhờ sự ngu dốt, mê tín, thiếu khoan dung và nỗi sợ hãi nhưng ta không thể duy trì được sức mạnh của mình khi những kiến thức xác định được sắp xếp đúng đắn để tạo thành những kế hoạch xác định trong tâm trí của những người biết suy nghĩ cho chính bản thân mình.


H: Tại sao ngươi không tiếp quản luôn công việc của Chúa và điều hành tất cả mọi việc theo cách của ngươi?


Đ: Ngươi cũng có thể hỏi ta luôn là tại sao cực âm trong điện tử không tiếp quản luôn cả cực dương và điều hành tất cả mọi việc. Câu trả lời là cả năng lượng điện tích của cực âm lẫn cực dương đều cần thiết cho sự tồn tại của điện tử. Cái này cân xứng với cái kia và dồn đối phương vào thế bí.


Giữa ta và thứ mà các ngươi gọi là Chúa cũng tồn tại mối quan hệ kiểu như vậy. Chúng ta tượng trưng cho ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của toàn bộ hệ thống của vũ trụ này và chúng ta cân xứng với nhau.


Nếu sức mạnh của sự cân bằng này bị thay đổi dù là ở mức độ nhẹ nhất, toàn bộ vũ trụ sẽ nhanh chóng trở thành một khối vật chất trì trệ. Giờ thì ngươi đã biết tại sao ta lại không thể tiếp quản mọi thứ và điều hành nó theo cách của ta rồi chứ.


H: Nếu những gì ngươi nói là đúng thì ngươi có sức mạnh y hệt như Chúa vậy. Có đúng như thế không?


Đ: Đúng thế. Kẻ thù của ta - người mà các ngươi vẫn gọi là Chúa đó - thể hiện bản thân mình qua những sức mạnh mà các ngươi gọi là những thứ tốt đẹp hay ảnh hưởng tích cực của tự nhiên. Còn ta thể hiện bản thân mình qua những sức mạnh các ngươi gọi là những thứ xấu xa, những ảnh hưởng tiêu cực. Cả cái tốt lẫn cái xấu cùng tồn tại với nhau. Cái này cũng quan trọng như cái kia.


H: Tức là học thuyết về định mệnh là đúng. Con người khi sinh ra đã được định sẵn là sẽ thành công hay thất bại, đau khổ hay hạnh phúc, tốt đẹp hay xấu xa và họ chẳng biết phải làm gì hay không thể thay đổi bản chất của mình được. Đó có phải là điều ngươi muốn nói hay không?


Đ: Hoàn toàn không! Mọi con người đều có vô số quyền lựa chọn suy nghĩ và hành động của mình. Mọi con người đều có thể sử dụng não bộ của mình để tiếp nhận và thể hiện các suy nghĩ tích cực hoặc sử dụng nó để tiếp nhận và thể hiện các suy nghĩ tiêu cực. Lựa chọn của mỗi người chính là yếu tố quan trọng bậc nhất để định hình toàn bộ cuộc đời của con người đó.


H: Từ những gì ngươi nói, ta rút ra được một điều rằng con người được tự do thể hiện nhiều hơn cả ngươi lẫn kẻ thù của ngươi. Có đúng như vậy không?


Đ: Đúng vậy. Ta và kẻ thù của ta bị giới hạn bởi những quy luật bất biến của tự nhiên. Chúng ta không thể thể hiện bản thân mình theo bất cứ cách nào không phù hợp với những quy luật đó.


H: Tức là con người có những quyền lợi và đặc quyền mà cả Chúa trời lẫn Quỷ dữ đều không có. Đúng không?


Đ: Đúng vậy, điều đó hoàn toàn đúng, nhưng ngươi có thể bổ sung thêm vào rằng con người vẫn chưa hoàn toàn đánh thức được sức mạnh tiềm năng này. Con người vẫn chỉ tự coi mình là những sinh vật bé nhỏ, yếu ớt trong khi trên thực tế, con người lại có nhiều quyền năng hơn tất cả các sinh vật sống khác cộng lại.


H: Dường như mục tiêu xác định chính là thứ thần dược chữa được mọi thói xấu của con người?


Đ: Không phải là dường như, mà ngươi có thể chắc chắn rằng không ai có thể có quyền tự quyết mà không có mục tiêu xác định.


H: Tại sao người ta không dạy bọn trẻ về mục tiêu xác định ở các trường công?


Đ: Bởi vì các chương trình giảng dạy trong nhà trường không có bất cứ một kế hoạch hay mục tiêu xác định nào hết. Bọn trẻ đến trường để lấy bằng cấp và học cách ghi nhớ chứ không được học những thứ chúng muốn có trong cuộc sống này.


Con Quỷ nói rằng: “Bọn trẻ đến trường để lấy bằng cấp và học cách ghi nhớ chứ không được học những thứ chúng muốn có trong cuộc sống này.”


***


Tôi lại có cảm giác thật kinh khủng. Napoleon Hill đã cảnh báo điều này từ năm 1938, bản thảo này vẫn chưa được xuất bản và tới giờ, tại các trường học, chúng ta vẫn còn tình trạng “dạy học để làm bài kiểm tra”. Tôi đang thực hiện nhiệm vụ quảng bá cho một chương trình đào tạo về tài chính để dạy những người trẻ tuổi về tiền bạc - một kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và rất nhiều trường học vẫn từ chối nó bởi nó không đáp ứng được “các thủ tục kiểm tra” mà dựa vào đó có thể cho điểm và nhận tài trợ. Liệu đây có phải lại là lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo hay không?


H: Vậy thì bằng cấp của trường học có ích lợi gì nếu một người không thể biến nó thành những nhu cầu thiết yếu về cả vật chất lẫn tinh thần của cuộc sống?


Đ: Ta chỉ là Quỷ dữ chứ không phải là người tháo gỡ mọi điều bí ẩn của cuộc sống này!


H: Từ tất cả những gì ngươi nói, ta có thể rút ra rằng cả trường học lẫn các nhà thờ đều chẳng thể giúp những người trẻ tuổi trang bị cho mình những hiểu biết thực tế về cách tâm trí của mình hoạt động như thế nào. Liệu với con người thì còn gì quan trọng hơn các thế lực và hoàn cảnh ảnh hưởng đến tâm trí của bản thân mình hay không?


Đ: Thứ duy nhất có giá trị lâu bền với bất cứ con người nào chính là hiểu biết về cách tâm trí mình hoạt động như thế nào. Nhà thờ không cho phép một người tìm hiểu về những khả năng của tâm trí của chính người đó và trường học cũng không nhận ra rằng có một thứ có tên là tâm trí tồn tại.


Tại sao Napoleon Hill lại thất vọng về các nhà thờ và các tôn giáo có tổ chức đang thịnh hành vào thời kỳ của ông đến vậy? Tôi tin rằng những phê bình của ông bắt nguồn từ một tình yêu bất diệt đối với tinh thần và ý nghĩa thật sự của niềm tin cũng như giá trị cơ bản của mọi truyền thống trong tôn giáo - dù con người có làm gì khiến nó suy yếu hay sai lệch đi chăng nữa. Sự cân bằng giữa việc chấp nhận thứ được mặc khải trong tâm trí và trái tim - tâm hồn bạn - và thực tế của cuộc sống trong một thế giới thường xuyên bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu - như cách sử dụng Con Quỷ được nhân cách hóa của Napoleon Hill là gì?


H: Ngươi có hơi khắt khe quá với các trường học và nhà thờ không?


Đ: Không, ta chỉ nói sự thật về chúng mà không hề có bất cứ thành kiến hay định kiến nào cả.


H: Các trường học và nhà thờ có phải là kẻ thù của ngươi không?


Đ: Có thể những người đứng đầu trường học và nhà thờ sẽ nghĩ vậy, nhưng ta chỉ quan tâm đến thực tế mà thôi. Nếu ngươi phải biết về nó, thì sự thật là thế này: Nhà thờ là những đồng minh hữu ích nhất của ta, còn trường học thì chỉ xếp thứ hai, ngay sau nhà thờ mà thôi.


H: Dựa vào những căn cứ cụ thể nào mà ngươi dám khẳng định như vậy?


Đ: Dựa trên căn cứ rằng cả nhà thờ và trường học đều giúp ta khiến con người rơi vào thói quen buông thả.


H: Ngươi có nhận ra rằng lời cáo buộc của mình chính là bản cáo trạng có ảnh hưởng vô cùng lớn tới hai lực lượng quan trọng hàng đầu chịu trách nhiệm về nền văn minh này, với hình hài hiện tại của nó hay không?


Đ: Ta có nhận ra điều đó hay không ư? Trời ạ, ta vô cùng hả hê về điều đó. Nếu trường học và nhà thờ dạy con người biết suy nghĩ cho bản thân mình thì giờ ta có ở đây không?


H: Lời thú tội này của ngươi sẽ khiến hàng triệu người đang ấp ủ hy vọng duy nhất là được nhà thờ cứu rỗi bị vỡ mộng đấy. Liệu như thế có quá độc ác với họ không? Không phải phần lớn mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn nếu sống trong niềm hạnh phúc của sự ngu dốt còn hơn là biết sự thật về ngươi sao?


Đ: Ngươi có ý gì khi nhắc đến “sự cứu rỗi”? Rồi con người được cứu rỗi ở đâu cơ? Sự cứu rỗi bền vững duy nhất của con người chỉ xuất phát từ việc nhận ra được sức mạnh tâm trí của chính mình. Sự ngu dốt và sợ hãi là những kẻ thù duy nhất khiến con người cần được cứu rỗi.


H: Dường như ngươi chẳng còn giữ được điều gì thiêng liêng nữa nhỉ?


Đ: Ngươi lầm rồi. Ta vẫn nắm giữ một thứ rất thiêng liêng, nó là ông chủ của ta - người làm ta khiếp sợ.


H: Đó là cái gì vậy?


Đ: Sức mạnh của suy nghĩ độc lập được hỗ trợ bởi mục tiêu xác định.


H: Và ngươi chẳng biết sợ hãi trước mấy người đâu nhỉ, đúng không?


Đ: Chính xác là chỉ có 2% trên tất cả thôi. Tất cả những người còn lại đều bị ta kiểm soát.


H: Hãy để nhà thờ nghỉ giải lao một chút và quay lại với chủ đề các trường công đi. Lời thú tội của ngươi đã cho thấy rõ ràng là ngươi phát triển và tồn tại được từ đời này sang đời khác là nhờ mưu kế xảo quyệt chiếm đoạt tâm trí của bọn trẻ trước khi chúng có cơ hội học được cách sử dụng tâm trí của chính mình.


Ta rất muốn biết hệ thống trường công có gì không ổn mà lại để ngươi kiểm soát quá nhiều người đến vậy. Ta cũng muốn biết phải làm gì để thiết lập nên hệ thống giảng dạy sẽ đảm bảo được cho mọi đứa trẻ đều có cơ hội biết được trước tiên là chúng có tâm trí của riêng mình và thứ hai là, sử dụng tâm trí làm sao để giúp chúng có được tự do về cả tinh thần lẫn kinh tế.


Ta đã đặt ra câu hỏi cho ngươi đủ rõ ràng rồi, và vì ngươi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mục tiêu xác định nên ta ở đây và giờ ta nhắc ngươi rằng ngươi phải trả lời câu hỏi của ta thật rõ ràng vào.


Đ: Đợi một chút để ta lấy lại hơi thở của mình đã. Cứ như là ngươi đã ra lệnh cho ta ấy! Nhưng cũng thật lạ là tại sao ngươi lại tìm đến ta để học cách phải sống như thế nào. Ta nghĩ là ngươi nên đến gặp kẻ thù của ta ấy. Tại sao ngươi lại không làm vậy?


H: Tâu Bệ hạ, ngươi mới là bị cáo, chứ không phải ta. Ta muốn biết sự thật và ta không quá quan tâm đến việc ta lấy nó từ đâu. Hệ thống giáo dục đang gặp những vấn đề sai lầm cơ bản khiến cuộc sống của chúng ta hoàn toàn rơi vào bế tắc và chúng ta phải mò mẫm như thể chúng ta là những con thú hoang bị lạc trong rừng sâu.


Ta muốn biết hai thứ về hệ thống này. Trước tiên, điểm yếu lớn nhất của hệ thống này là gì? Và thứ hai, làm thế nào để loại bỏ được nó? Ngươi lại được phát biểu ý kiến rồi đấy! Hãy bám vào câu hỏi và hãy thôi ngay việc gài bẫy ta thảo luận về những chủ đề sâu sắc và trừu tượng đi. Ngươi đã rõ hay chưa?


Đ: Ngươi đâu cho ta sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả lời thẳng vào vấn đề. Trước tiên, ta muốn nói là hệ thống trường công đã có cách tiếp cận giáo dục hoàn toàn sai lầm. Hệ thống trường học cố gắng dạy bọn trẻ ghi nhớ các sự kiện thay vì dạy chúng cách sử dụng tâm trí của chính mình.


H: Đó là tất cả những sai lầm của hệ thống này?


Đ: Không, đó mới chỉ là khởi đầu trong những sai lầm của nó thôi. Một nhược điểm lớn nữa của hệ thống trường học là nó không thiết lập được trong tâm trí của đứa trẻ tầm quan trọng của mục tiêu xác định hay bỏ ra chút nỗ lực nào để dạy bọn trẻ phải luôn xác định trong mọi việc chúng làm.


Mục tiêu chính của các trường học là bắt bọn trẻ nhồi nhét các sự kiện vào trí nhớ của chúng thay vì dạy chúng cách tổ chức và áp dụng những sự kiện đó vào thực tế như thế nào.


Hệ thống nhồi nhét này khiến học sinh tập trung chú ý vào việc có được các “bằng cấp” mà bỏ qua vấn đề vô cùng quan trọng rằng làm sao để áp dụng những kiến thức ấy vào thực tiễn cuộc sống. Hệ thống này sinh ra những người có bằng cấp, tên của họ được khắc trên những chứng chỉ bằng da thuộc nhưng tâm trí họ thì hoàn toàn không có khả năng tự quyết. Hệ thống trường học đã có một xuất phát điểm tồi tệ ngay từ ban đầu. Các trường học bắt đầu trở thành một tổ chức “học tập cao cấp” hoàn toàn được hoạt động cho một số ít những người được lựa chọn - những người giàu có và được gia đình cho đi học.


Do đó toàn bộ hệ thống trường học được tiến triển theo hướng bắt đầu ở trên đỉnh và sau đó tụt dần xuống dưới đáy. Tất nhiên là hệ thống đó sẽ không để ý đến việc dạy bọn trẻ về tầm quan trọng của mục tiêu xác định khi chính bản thân nó lại phát triển thông qua sự thiếu xác định.


H: Chúng ta có thể làm gì để khắc phục nhược điểm này của hệ thống trường công? Chúng ta sẽ không than phiền về điểm yếu của nó trừ phi chúng ta đã được trang bị để đưa ra một biện pháp thực tiễn để khắc phục yếu điểm đó. Nói cách khác, trong khi chúng ta đang thảo luận về tầm quan trọng của mục tiêu và kế hoạch xác định, cả hai chúng ta hãy ngậm đắng nuốt cay mà trở lại với vấn đề về sự xác định đi.


Đ: Tại sao ngươi không chấm dứt chủ đề về nhà thờ và trường học đi, tại sao ngươi cứ thích vơ vào mình nhiều rắc rối đến vậy? Ngươi không biết rằng mình đang nhúng mũi vào chuyện của hai thế lực đang kiểm soát cả thế giới này sao? Cứ cho rằng ngươi sẽ đưa ra được những bằng cớ chứng minh rằng trường học và nhà thờ không đáp ứng được cho những nhu cầu của con người đi. Rồi sao? Ngươi định dùng cái gì để thay thế hai thể chế này?


H: Ngươi hãy dừng ngay việc lảng tránh câu hỏi của ta bằng cái trò cũ rích là hỏi vặn lại đi. Ta không có ý định dùng cái gì khác để thay thế nhà thờ và trường học. Nhưng nếu có thể, ta dự định sẽ tìm ra cách thay đổi những thể chế đó để chúng phục vụ cho con người thay vì giam cầm họ trong sự ngu dốt. Giờ thì hãy tiếp tục và liệt kê chi tiết cho ta xem các trường công phải thay đổi những gì để cải thiện được tình trạng này.


Đ: Tức là ngươi muốn toàn bộ danh sách, đúng không? Ngươi có muốn ta liệt kê chúng theo thứ tự tầm quan trọng của từng thứ không?


Đây lại là thời điểm mà người chất vấn buộc Con Quỷ phải ra khỏi vùng thoải mái của nó. Việc chứng kiến sự thay đổi này rất thú vị và bổ ích, nó có thể cung cấp cho chúng ta tấm bản đồ chỉ dẫn nhằm cải thiện hệ thống trường công.


H: Hãy miêu tả những thay đổi cần thiết ngay khi chúng xuất hiện trong đầu ngươi.


Đ: Ngươi đang ép ta tự phản bội lại chính mình đấy, nhưng đây là thứ ngươi muốn có:


Đảo ngược hệ thống giáo dục hiện tại bằng cách trao quyền cho bọn trẻ tự định hướng công việc học tập tại trường của chúng thay vì phải tuân theo những quy định chính thống được lập ra chỉ để truyền đạt những kiến thức trừu tượng. Hãy để giáo viên trở thành học sinh và học sinh trở thành giáo viên.


Ngay khi có thể, hãy sắp xếp mọi công việc học tập tại trường thành những phương pháp rõ ràng mà qua đó, học sinh có thể học bằng việc thực hành và hướng dẫn các lớp học sao cho mọi học sinh đều tham gia vào một dạng công việc thực tế nào đó gắn liền với các vấn đề thường nhật của cuộc sống.


Ý tưởng là khởi điểm cho mọi thành công của con người. Hãy dạy mọi học sinh cách nhận biết các ý tưởng thực tế và có ích có thể giúp chúng đạt được bất cứ điều gì chúng muốn trong cuộc sống.


Hãy dạy học sinh cách sắp xếp và sử dụng thời gian thật hợp lý và trên tất cả, hãy dạy chúng về sự thật rằng thời gian là thứ tài sản lớn nhất và rẻ nhất của con người.


Hãy dạy học sinh các động cơ cơ bản có tác động đến tất cả mọi người và chỉ cho chúng thấy cách sử dụng những động cơ đó để có được những nhu cầu thiết yếu và cả những nhu cầu xa xỉ cho cuộc sống của mình.


Hãy dạy bọn trẻ phải ăn gì, ăn như thế nào là đủ và mối quan hệ giữa chế độ ăn uống hợp lý và một sức khỏe tốt.


Hãy dạy bọn trẻ về bản chất đúng đắn và chức năng của cảm xúc về tình dục, và trên tất cả, hãy dạy chúng rằng cảm xúc ấy có thể được chuyển hóa thành một sức mạnh có khả năng giúp con người đạt được những thành công ở tầm vĩ đại.


Hãy dạy bọn trẻ phải luôn xác định trong tất cả mọi thứ, trước tiên là với lựa chọn về một mục tiêu xác định lớn trong đời!


Hãy dạy bọn trẻ về bản chất và những khả năng về những điều xấu và tốt trong nguyên tắc thói quen, sử dụng nó như những minh họa để “cải biên” đối tượng trong những trải nghiệm hàng ngày của cả người lớn và bọn trẻ.


Hãy dạy bọn trẻ về các thói quen trở nên cố định như thế nào thông qua quy luật về nhịp điệu thôi miên và hãy tác động để bọn trẻ sử dụng chúng; còn ở những lớp dưới thì hãy dạy chúng về các thói quen dẫn đến suy nghĩ độc lập!


Hãy dạy bọn trẻ về sự khác nhau giữa thất bại tạm thời và thất bại, đồng thời chỉ cho chúng cách tìm kiếm hạt mầm của một lợi ích tương đương đến cùng mọi thất bại.


Hãy dạy bọn trẻ cách thoải mái đưa ra những suy nghĩ của riêng mình, cách tùy ý chấp nhận hay từ chối mọi ý kiến của người khác và luôn cho mình quyền tin cậy vào sự đánh giá của chính mình.


Hãy dạy bọn trẻ cách nhanh chóng đưa ra quyết định và nếu có thay đổi thì phải thật chậm rãi, thật miễn cưỡng và đừng bao giờ thay đổi quyết định nếu không có một lý do rõ ràng nào.


Hãy dạy bọn trẻ rằng não bộ của con người là công cụ mà nhờ nó, con người có thể nhận được nguồn năng lượng từ nhà kho vĩ đại của tự nhiên, nó được thiết kế thành những suy nghĩ cố định; và rằng tự bản thân não bộ không tư duy mà nó giống như một công cụ để thể hiện những tác nhân kích thích tạo ra tư duy.


Hãy dạy bọn trẻ về giá trị của sự hài hòa trong tâm trí của chính mình và chúng chỉ có được điều đó nếu tự kiểm soát được bản thân mình.


Hãy dạy bọn trẻ về bản chất và giá trị của việc tự kiểm soát bản thân.


Hãy dạy bọn trẻ rằng có một quy luật về gia tăng đền đáp và nó có thể và nên được đưa vào vận hành như một thói quen bằng cách luôn làm nhiều việc tốt hơn thay vì mong chờ chúng sẽ xảy đến với mình.


Hãy dạy bọn trẻ về bản chất đúng đắn của Nguyên tắc Vàng và trên tất cả, hãy cho chúng thấy rằng thông qua sự vận hành của nguyên tắc này, mọi thứ chúng làm để và cho người khác cũng là để và cho chính bản thân mình.


Hãy dạy bọn trẻ đừng đưa ra bất cứ quan điểm nào nếu chúng không được dựa trên những sự kiện và niềm tin được chấp nhận như những sự kiện một cách hợp lý.


Hãy dạy bọn trẻ rằng thuốc lá, rượu, ma túy và ham muốn tình dục quá đà sẽ hủy hoại sức mạnh ý chí và dẫn chúng đến thói quen buông thả. Đừng cấm chúng làm những chuyện đó mà chỉ giải thích cho chúng hiểu thôi.


Hãy dạy bọn trẻ về mối nguy hiểm của việc tin vào bất cứ thứ gì chỉ vì cha mẹ, những người giảng dạy về tôn giáo hay bất kỳ ai khác nói với chúng như thế.


Hãy dạy bọn trẻ đối diện với sự thật, dù chúng có dễ chịu hay không mà không lảng tráng hay viện cớ.


Hãy dạy bọn trẻ khuyến khích việc sử dụng giác quan thứ sáu mà nhờ đó, các ý tưởng từ những nguồn không rõ xuất hiện trong tâm trí chúng và phải kiểm tra những ý tưởng đó thật cẩn thận.


Hãy dạy bọn trẻ về ý nghĩa đầy đủ của quy luật bù trừ mà Ralph Waldo Emerson đã giải thích và cho chúng thấy quy luật đó vận hành như thế nào trong các công việc nhỏ nhặt thường ngày của cuộc sống.


Hãy dạy bọn trẻ rằng mục tiêu xác định được hỗ trở bởi kế hoạch xác định và được áp dụng một cách kiên trì và liên tục chính là hình thức cầu nguyện hiệu quả nhất mà con người có thể có được.


Hãy dạy bọn trẻ rằng vị trí của chúng trong thế giới này được đo đếm chính xác bởi số lượng và chất lượng của những việc làm tốt mà chúng mang đến cho thế giới này.


Hãy dạy bọn trẻ rằng việc không có một giải pháp thích đáng chẳng phải vấn đề to tát gì và rằng giải pháp thường được tìm thấy trong chính hoàn cảnh tạo ra vấn đề.


Hãy dạy bọn trẻ rằng chẳng có giới hạn nào là có thật cả ngoại trừ những giới hạn do chúng tự tạo ra hoặc cho phép người khác thiết lập nên trong chính tâm trí của mình.


Hãy dạy chúng rằng con người có thể đạt được bất cứ thứ gì mà họ tưởng tượng ra và tin tưởng vào.


Hãy dạy bọn trẻ rằng nhà trường và tất cả mọi cuốn sách giáo khoa đều chỉ là những phương tiện sơ đẳng có thể giúp chúng trong quá trình phát triển trí tuệ, và chỉ có một trường học duy nhất thật sự có giá trị là Đại học vĩ đại mang tên Cuộc sống - nơi con người có quyền học hỏi từ chính những trải nghiệm của mình.


Hãy dạy bọn trẻ phải luôn thành thật với chính bản thân mình, vì chúng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người được, do đó, trước tiên hãy làm thật tốt việc khiến bản thân mình hài lòng.


H: Quả là một danh sách đầy ấn tượng đấy nhưng dường như có thể dễ nhận thấy một sự thật là nó gần như không hề để ý gì đến tất cả các vấn đề hiện đang được dạy tại các trường công. Có phải là ngươi cố ý như vậy không?


Đ: Đúng vậy. Ngươi đã hỏi ta về danh sách những thay đổi cần thiết trong các chương trình giảng dạy ở trường công có thể giúp ích cho bọn trẻ - chà, đó là những thứ ngươi muốn còn gì.


H: Một số những thay đổi mà ngươi gợi ý khác biệt đến nỗi chúng sẽ khiến phần lớn các nhà giáo dục hiện giờ bị sốc, có đúng không?


Đ: Phần lớn các nhà giáo dục nên bị sốc. Một cú sốc lành mạnh thường có ích cho những bộ não đã bị thói quen làm cho teo tóp đi.


H: Liệu những thay đổi mà ngươi gợi ý cho các trường công có giúp bọn trẻ miễn dịch được với thói quen buông thả hay không?


Đ: Đúng vậy, đó là một trong những kết quả khi thực hiện những thay đổi đó, nhưng nó còn mang đến nhiều kết quả khác nữa.


Tôi không thể nói rằng mình đồng ý với mọi gợi ý mà Con Quỷ đưa ra trong bản danh sách trên. Tuy nhiên, khi tôi ngừng phân tích bản danh sách đó, tôi chợt nảy ra câu hỏi này: Không phải đó là những thứ nhà trường nên dạy bọn trẻ hay sao? Vậy mà Con Quỷ lại biết về chúng còn chúng ta thì không ư?


Tôi ước Napoleon Hill sẽ nghĩ đến việc hỏi tại sao các trường học lại trở nên thế này hay tại sao lại không như thế khác. Các học giả vĩ đại - những người đã thiết lập nên hệ thống trường học của chúng ta - chắc hẳn phải nhận ra tầm quan trọng của ít nhất là một vài thứ trong những điều mà Con Quỷ tuyên bố là các trường học nên tập trung dạy bọn trẻ. Tại sao hệ thống giáo dục của chúng ta lại thiếu vắng những điều đó? Nếu so với hệ thống giáo dục phổ cập của chúng ta hiện nay thì các kiến trúc sư nguyên bản của hệ thống này đã đi xa khỏi mục tiêu của họ như thế nào rồi? Con Quỷ đã tuyên bố rằng hệ thống trường học là một trong những phương tiện chủ yếu của nó để tạo ra và duy trì một lực lượng lớn những kẻ buông thả. Chuyện đó có thể sao?


H: Vậy làm sao để thúc đẩy các trường công thực hiện những thay đổi mà ngươi gợi ý? Ngươi biết đấy, rõ ràng là việc nhồi nhét một ý tưởng mới vào não bộ của một nhà giáo dục cũng khó khăn hệt như khi muốn thu hút một thủ lĩnh tôn giáo thay đổi tôn giáo của họ để có thể giúp con người có được nhiều thứ trong cuộc sống của mình hơn.


Bất kỳ người nào từng nỗ lực để tạo ra những thay đổi trong hệ thống trường công có thể giờ cũng đang gật đầu đồng ý với những gì Napoleon Hill viết.


Đ: Cách nhanh nhất và chắc chắn nhất để đưa những ý tưởng thực tế này vào các trường công là trước hết hãy giới thiệu chúng thông qua các trường tư và khiến mọi người đều có nhu cầu sử dụng chúng đến mức các quan chức của các trường công sẽ bắt buộc phải áp dụng chúng mà thôi.


H: Hệ thống trường công có cần phải thay đổi điều gì nữa không?


Đ: Có chứ, rất nhiều là đằng khác. Một trong những thay đổi cần thiết về chương trình học ở mọi trường công là phải bổ sung thêm một khóa học hoàn chỉnh về tâm lý học để tập được cách dàn xếp hài hòa giữa con người với nhau. Mọi đứa trẻ cần học cách sống càng ít tạo ra xích mích nhất càng tốt.


Mọi trường công cũng nên dạy bọn trẻ về các nguyên tắc thành công cá nhân mà qua đó, một người có thể đạt được một vị trí độc lập về tài chính.


Các lớp học nên bị loại bỏ hoàn toàn. Chúng nên được thay thế bằng các bàn tròn hay hệ thống các cuộc họp như khi tuyển dụng nhân viên vậy. Tất cả mọi học sinh nên nhận được những hướng dẫn và chỉ thị riêng liên quan đến những chủ đề mà khi học theo nhóm thì không thể truyền tải một cách đúng đắn được.


Mọi trường học nên có một nhóm giáo viên hỗ trợ bao gồm các doanh nhân, các nhà khoa học, các nghệ sỹ, kỹ sư và nhà báo - mỗi người trong số đó đều sẽ truyền đạt cho mọi học sinh những hiểu biết cần thiết để làm việc trong nghề nghiệp hay công việc của chính bản thân mình. Những chỉ dẫn đó nên được truyền đạt thông qua hệ thống các cuộc họp nhằm tiết kiệm thời gian cho các giáo viên.


H: Thực tế thì điều ngươi gợi ý chính là nên có một hệ thống giảng dạy hỗ trợ giúp trang bị cho mọi học sinh kiến thức để làm việc trong những công việc thực tế của cuộc sống, từ chính nơi nó xuất phát. Đó chính là điều ngươi muốn nói, đúng không?


Đ: Ngươi nói hoàn toàn chính xác rồi đấy.


Đây lại là một chủ đề gần như mang tính công kích. Chồng tôi nhớ lại vào thời kỳ đầu những năm 1970 ở New Jersey, một trong những tổ chức mà anh có liên quan đến việc tập hợp một nhóm các nhà khoa học và doanh nhân để dạy các khóa học cơ bản - chẳng hạn như Toán học và Vật lý - trong lĩnh vực của họ hoạt động tình nguyện trong các trường công để rồi các trường học nói với họ rằng vì các nhà khoa học và các doanh nhân không phải là những giáo viên chuyên nghiệp nên họ không được chào đón. Gần đây hơn, nhiệm vụ mang giáo dục thực tiễn vào trường học được phổ biến hóa bởi vài nhóm (Dạy học cho nước Mỹ, Cứu nguy nước Mỹ, Thành công nhỏ) nhưng nó vẫn chỉ được coi là tài liệu nâng cao chứ không phải là phần cốt lõi của chương trình giảng dạy.


Điều này và rất nhiều biến chuyển khác trong cách truyền đạt nội dung, tình huống, nguyên tắc và kỹ năng đến bọn trẻ trong hệ thống giáo dục phổ cập của chúng ta cần được nằm trong quá trình tương tác dựa trên trải nghiệm và nó sẽ quyết định xem bọn trẻ sẽ sống cuộc đời của chúng như thế nào và chúng sẽ có ảnh hưởng gì đến thế giới phức tạp mà chúng đang sống. Thử thách nằm ở chỗ: Làm sao chúng ta có thể gói gọn tất cả những thứ đó trong một chương trình có thể phân phối và có thể triển khai một cách hệ thống để tất cả những người tham gia - trẻ em cũng như người lớn - đều được định hướng, thực hiện và đền đáp một cách thành công? Tôi rất vui và tự hào khi nói rằng tôi đã làm việc với nhiều nhóm từng thực hiện những chương trình như thế này và họ luôn thực hiện chúng với một mục tiêu xác định.


Chúng ta luôn mường tượng ra rằng trong tương lai, chúng ta sẽ có một hệ thống giáo dục phát triển và trở thành một sức mạnh vô cùng quyền năng, nó có khả năng sản sinh ra những con người năng động, có tư duy độc lập, tự lực cánh sinh và đóng góp cho xã hội. Và có thể sản sinh ra một thứ quan trọng hơn - những thế hệ tương lai sẵn sàng và có khả năng làm việc trong một thế giới phức tạp, sống một cuộc sống thành công, vui lòng trao quyền cho bản thân mình và những người khác, tạo ra sự khác biệt thật sự và còn mãi với thế giới như những công dân hiểu biết, có trách nhiệm và quan tâm đến toàn cầu và đặc biệt là, mỗi người đều có mục tiêu xác định của mình!


H: Chúng ta hãy gạt chủ đề về hệ thống trường công sang một bên và quay lại với nhà thờ một lát. Cả đời ta đã nghe các tu sĩ thuyết giáo chống lại tội ác và cảnh báo bọn tội phạm nên hối cải, như thế chúng sẽ được cứu rỗi. Nhưng ta chưa từng nghe bất cứ người nào trong số họ nói với ta tội ác là gì. Ngươi có thể giải đáp cho ta về vấn đề này được không?


Đ: Tội ác là bất cứ điều gì mà khi một người làm hay suy nghĩ về nó, nó sẽ khiến người đó không vui! Những người có thể chất và tâm hồn lành mạnh luôn cảm thấy yên bình với chính họ và do đó, luôn cảm thấy hạnh phúc. Bất cứ dạng đau khổ về vật chất hay tinh thần nào đều là biểu hiện của tội ác.


H: Ngươi hãy kể tên một vài dạng tội ác phổ biến đi


Đ: Việc ăn uống quá độ cũng là tội ác vì nó dẫn đến bệnh tật và buồn phiền.


Quá ham muốn tình dục cũng là tội ác vì nó phá vỡ sức mạnh ý chí của con người và dẫn đến thói quen buông thả.


Cho phép tâm trí mình bị chế ngự bởi những suy nghĩ tiêu cực về lòng ghen tị, tham lam, sợ hãi, ghét bỏ, nóng nảy, tự phụ, tự thán hay nản lòng là tội ác vì nó dẫn con người đến thói quen buông thả.


Lừa đảo, nói dối và trộm cắp là tội ác vì những thói quen này hủy hoại lòng tự trọng, đánh bại lương tâm của con người và khiến con người trở nên đau khổ.


Để bản thân mình mãi ngu dốt là tội ác vì nó dẫn con người đến nghèo khổ và thiếu khả năng độc lập.


Chấp nhận bất cứ điều gì từ cuộc sống mà mình không muốn là tội ác vì nó là biểu hiện của sự bỏ mặc không sử dụng tâm trí của mình một cách không thể chấp nhận được.


H: Nếu một người cứ buông thả cuộc sống mà không có một mục đích, kế hoạch hay mục tiêu xác định nào thì đó có phải là tội ác hay không?


Đ: Đúng vậy, bởi thói quen này dẫn đến nghèo khổ và hủy hoại đặc quyền được tự quyết. Nó cũng lấy mất đặc quyền sử dụng tâm trí của một người như phương tiện trung gian để liên hệ với Trí tuệ Vô hạn.


H: Có phải chính ngươi là người truyền cảm hứng chính cho tội ác hay không?


Đ: Đúng vậy! Công việc của ta là giành quyền kiểm soát tâm trí của con người theo mọi cách có thể.


H: Ngươi có kiểm soát được tâm trí của một người không phạm bất kỳ tội ác nào không?


Đ: Ta không thể, vì người đó không bao giờ để tâm trí mình bị bất cứ dạng suy nghĩ tiêu cực nào chiếm ưu thế. Ta không thể thâm nhập vào tâm trí của một người không phạm tội ác nào, huống hồ là kiểm soát được nó.


H: Trong tất cả các tội ác thì tội ác nào là phổ biến và có sức mạnh hủy diệt nhất?


Đ: Sợ hãi và ngu dốt.


H: Ngươi không thêm cái gì nữa vào danh sách đó nữa sao?


Đ: Không cần bổ sung thêm cái gì nữa hết.


H: Thế niềm tin là gì?


Đ: Niềm tin là một trạng thái của tâm trí khi con người nhận ra và sử dụng sức mạnh của tư duy tích cực như một phương tiện trung gian mà qua đó, một người có thể tiếp xúc và ra vào nhà kho vĩ đại của Trí tuệ Vô hạn một cách tùy ý.


H: Nói cách khác, niềm tin là khi mọi tư duy tiêu cực không có mặt. Ý ngươi có phải vậy hay không?


Đ: Đúng vậy, đó là một cách khác để miêu tả về niềm tin.


H: Một người buông thả có khả năng sử dụng niềm tin hay không?


Đ: Có thể anh ta có khả năng đó nhưng anh ta không sử dụng nó. Tất cả mọi người đều có sức mạnh tiềm năng để rũ bỏ mọi tư duy tiêu cực trong tâm trí mình và bằng cách đó, anh ta sẽ có sức mạnh của niềm tin.


H: Diễn giải theo cách khác thì niềm tin chính là mục tiêu xác định được hỗ trợ bởi niềm tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đó. Có đúng không?


Đ: Chính xác là như thế!


Niềm tin là “một trạng thái của tâm trí khi con người nhận ra và sử dụng sức mạnh của tư duy tích cực như một phương tiện trung gian mà qua đó, một người có thể tiếp xúc và ra vào nhà kho vĩ đại của Trí tuệ Vô hạn một cách tùy ý.”


***


Napoleon Hill đã tổng kết định nghĩa về niềm tin một cách súc tích:


“Niềm tin chính là mục tiêu xác định được hỗ trợ bởi niềm tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đó.”