Chiến Lược IELTS 7.0

Chương 5. IELTS Reading

Luôn luôn đọc câu hỏi trước khi bắt đầu đọc bài

Nếu bạn không đọc câu hỏi trước mà đi thẳng vào bài đọc luôn thì chẳng khác nào mò đường trong rừng khi không có bản đồ cả. Bạn sẽ không biết mình đang đọc gì và cũng không rõ mình cần phải đọc gì. Với tâm trạng không rõ ràng như vậy thì bạn sẽ đọc rất chậm, giống như lần mò tìm đường khi đi lạc vậy.

Khi đã đọc câu hỏi và biết mình cần gì, đọc gì, để ý đến thông tin gì thì việc đọc một bài dài và phức tạp như IELTS sẽ trở nên rõ ràng hơn, sự tập trung và tốc độ làm bài của bạn cũng sẽ được cải thiện.

Ví dụ như khi bạn đọc trang wiki của Super Junior: http://en.wikipedia.org/wiki/Super_Junior, không phải vì bạn thích tìm hiểu mà vì ai đó bắt bạn đọc (cũng như IELTS bắt bạn đọc về chủ đề bất kì nào đó), chắc chắn bạn sẽ đọc qua quýt, đọc mà đầu óc không tập trung vào điều mình đang đọc.

Còn trong trường hợp bạn đọc để trả lời một số câu hỏi hoặc làm rõ một số vấn đề nhất định thì khác. Ví dụ như khi tôi đọc về Super Junior:

  • Success of “Sorry Sorry” Album. (Answer: Section 2008–2009: Sorry, Sorry and career breakthrough, paragraph 3)
  • Legal problem regarding departing members. (Section 2010–2011: Bonamana, lineup changes, and international recognition, paragraph 1)

Để trả lời những câu kiểu như trên, bạn chỉ cần lướt thật nhanh qua xem đoạn nào “có vẻ” chứa những nội dung trên, rồi mới bắt đầu đọc kỹ hơn. Bài viết này đặt tên cho các tiêu đề khá hẹp nên việc tìm nội dung không quá khó. Nếu bỏ những tiêu đề đó đi sẽ giống như bài IELTS. Cách xem lướt và tìm thông tin như trên (Scan & Skim) bạn cũng sẽ áp dụng giống vậy vào bài IELTS.

Scan & Skim – Cách tiếp cận bài IELTS Reading hiệu quả

Đây là hai “kỹ năng” thường được nhắc tới và khuyên dùng trong các kỳ thi tiếng Anh, trong đó có IELTS.

Tôi không muốn gọi đây là hai kỹ năng vì nó quá đời thường, quá dễ, hầu như ai cũng đã biết cách làm. Dùng từ “kỹ năng” khiến bạn sẽ có cảm giác phức tạp lên, hiểu về nó không rõ ràng vì có vẻ cao siêu và lạ lẫm, phải luyện tập nghiêm túc mới có.

Thực sự, Scan & Skim rất đời thường và dễ thực hiện. Sau đây là hai ví dụ về việc bạn đã sử dụng thuần thục kỹ năng Scan & Skim (mà không biết đó là Scan & Skim).

1. Đọc báo: Mỗi khi vào vnexpress hay kenh14, bạn sẽ đảo mắt đọc lướt qua rất nhanh trang chủ, tìm thấy tin gì hấp dẫn mới đọc tiếp. Hoặc khi cần cụ thể thông tin nào đó như tỷ giá ngoại tệ, bạn cũng sẽ vào vnexpress, liếc nhanh đến bảng tỷ giá và chỉ đọc bảng đó (chứ dĩ nhiên không ai đi đọc từng hàng từng dòng hết nửa trang mới đến bảng tỷ giá). Đó là Scan & Skim.

Hoặc như bạn vừa thi đại học xong, đọc báo xem kết quả thì gặp một bài viết kiểu như:

“Đại học AAA điểm chuẩn… chỉ tiêu là bla bla, thủ khoa năm nay…

Hiệu trưởng nói…

Trường XYZ năm nay… 123 bla bla… thiếu chỉ tiêu… nguyện vọng 2…

Đại học Bách Khoa…”

Khi đọc các đoạn viết về trường AAA và XYZ, những trường bạn không thi và không quan tâm, bạn sẽ lướt qua rất nhanh, chắc chỉ trong 0,1 giây. Thế nhưng khi gặp chữ “Bách Khoa”, trường bạn thi, bạn sẽ dừng lại ngay và bắt đầu đọc tiếp những thông tin liên quan về trường mình.

Đó chính là Scan & Skim.

2. Quay bài: Có thể bạn chưa biết, quay bài giỏi cần kỹ năng Scan & Skim ở mức siêu hạng, thậm chí, quay bài thi trắc nghiệm cần kỹ năng Scan & Skim cao hơn cả quay bài tự luận.

Thử tưởng tượng cảnh quay bài như thế nào nhé. Đọc câu hỏi trắc nghiệm hỏi về một chi tiết rất nhỏ, bạn mở tài liệu ra, tập trung hết mức có thể trong hàng chục trang giấy để tìm ra một câu chứa thông tin bạn cần. Đọc kỹ câu chứa đáp án và một số câu gần đó cho chắc chắn. Cuối cùng là chọn đáp án.

Đó chính là Scan & Skim, là cách đọc bạn cần dùng cho IELTS, không khác một ly nào.

Tóm lại, Scan & Skim là đọc nhanh, đọc lướt để tìm thông tin cần thiết.

Để Scan & Skim hiệu quả, bạn cần gì?

Bạn cần một mục tiêu. Khi tra kết quả thi đại học, mục tiêu của bạn là tìm tên trường mình. Khi quay bài là tìm một số thông tin, chi tiết để trả lời câu hỏi.

Đó cũng là lý do tại sao khi làm bài IELTS Reading bạn phải đọc câu hỏi trước. Đọc câu hỏi rồi bạn mới biết thông tin mục tiêu mình cần là gì, chi tiết nào, rồi mới bắt đầu đọc được.

Từng bước cụ thể để làm bài Reading

Trong các bước được liệt kê dưới đây, từ “Xem” được hiểu là đọc sơ, đọc lướt qua rất nhanh, không cần nắm thật chắc, 100% nội dung, nếu dùng từ “Đọc” dễ khiến bạn hiểu lầm thành đọc chậm, đọc kỹ từng từ cho thật hiểu.

1. Xem tiêu đề bài đọc

2. Xem câu đầu tiên ở mỗi đoạn

3. Xem hết câu hỏi về bài đọc đó (khoảng 13 câu/1 bài đọc). (Xong bước này, bạn đã có thể nắm sơ sơ về nội dung bài đọc.)

4. Đọc các câu hỏi cùng một dạng. Thường 13 câu có thể chia thành một số dạng như Điền từ, Trắc nghiệm, T/F/NG,… Bạn hãy đọc 1 phần, ví dụ như phần T/F/NG, xong rồi chuyển sang bước 5.

5. Scan & Skim. Tìm câu trả lời. Có thể bạn sẽ phải lật qua lật lại bài đọc và câu hỏi liên tục, cứ đọc 3-4 câu lại quay lại câu hỏi để xác định thông tin mình cần tìm là gì. Xong 1 phần/1 dạng câu hỏi thì lại quay lại bước 4.

Lưu ý khi Scan & Skim – Những sai lầm cần tránh

Nhiều người lầm tưởng khi sử dụng Scan & Skim thì không cần đọc hết toàn bài, chỉ cần tìm và đọc những câu có chứa ý trả lời câu hỏi là đủ. Hoàn toàn không phải như vậy. Để đạt 7.0 hoặc hơn, chắc chắn bạn sẽ phải đọc ít nhất 90% bài đọc.

Tại sao lại như vậy, chẳng phải Scan & Skim là tìm và đọc những thông tin cần thiết thôi sao? Vấn đề là, sau khi đọc lướt và tìm được thông tin liên quan trong một câu nào đó, chẳng ai dám tự tin chọn ngay đáp án mà chỉ dựa vào một câu đó. Để chắc chắn, bạn sẽ phải đọc thêm vài câu gần đó để khẳng định đó là thông tin mình cần. Hoặc như dạng bài Match Heading, chọn tiêu đề cho đoạn. Hầu như chẳng có ai chỉ đọc câu đầu topic sentence và câu cuối rồi tự tin chọn Heading luôn. Để chắc chắn, bạn sẽ phải đọc hết nội dung của cả đoạn, sau đó mới tự tin quyết định. Cứ như vậy, cuối cùng, bạn cũng sẽ phải đọc ít nhất 90% bài đọc.

Đến đây có thể bạn sẽ thắc mắc: “Đằng nào cũng phải đọc hết bài đọc, sao không cứ đọc lần lượt từ đầu đến cuối mà phải Scan & Skim?” Việc này cũng giống như bạn ăn cơm vậy. Thắc mắc của bạn cũng tương tự như: “Đằng nào cũng vô bụng cả, sao không trộn cả 4 món canh, kho, xào, chiên vào 1 tô ăn luôn mà phải chia ra từng món ăn riêng lẻ?” Câu trả lời dĩ nhiên là chia riêng ra thì dễ nuốt hơn. Scan & Skim cũng vậy, đó là một cách đọc, cách tiếp cận làm cho bài đọc dễ nuốt hơn, giúp bạn tập trung hơn và làm bài nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Còn nếu làm bài “làm biếng” kiểu như chọn câu Heading chỉ cần đọc câu đầu và câu cuối của đoạn, hẳn bạn phải vô cùng may mắn mới có thể đạt được mốc 7.0.

Các dạng câu hỏi và các loại bẫy

True/False/Not Given – Yes/No/Not Given

Đây là dạng bài khó nhằn và có bẫy khó nhất. Thường giữa câu hỏi và bài đọc sẽ có sự khác biệt rất nhỏ, rất tinh vi. Trình độ tiếng Anh của bạn phải tốt mới có thể nhận ra được. Ngoài khả năng tiếng Anh, nó còn đòi hỏi ở bạn một khả năng suy luận logic mới có thể làm tốt được.

Những bạn đạt điểm IELTS 8.5 trở lên – nghĩa là chỉ sai khoảng 0-3 câu – thường sai phần T/F/NG nhất, sau đó mới đến phần chọn Heading. Điều đó cho thấy đối với mức điểm 8.5, T/F/NG vẫn là một phần rất khó, rất dễ mắc sai sót.

Vậy nên nếu bạn đang lo là “Toán mình kém, suy luận logic mình dở lắm, làm sao làm được phần này?” thì lời khuyên cho bạn là hãy bớt lo nghĩ về phần T/F/NG này đi. Vì T/F/NG là dạng khó nhất, bỏ nhiều thời gian ra mày mò làm thật kỹ phần này là phung phí và không có nhiều hiệu quả.

Giống như đi thi Toán Đại học, 9 điểm dành cho phần chuẩn, 1 điểm còn lại sẽ là phần rất khó (thường sẽ là 1 câu bất đẳng thức). Để giải được câu bất đẳng thức 1 điểm, bạn cần ôn luyện thêm rất nhiều. Giả sử để có được 8-9 điểm Toán đại học bạn cần ôn luyện 200 giờ. Để lấy được điểm 10, thời gian ôn luyện của bạn sẽ phải là 400 giờ.

Đầu tư thời gian cho dạng T/F/NG cũng kém hiệu quả chẳng khác gì đầu tư thời gian cho câu bất đẳng thức trong bài thi Toán Đại học. Nếu bạn đã quá chắc kiến thức trong phần 9 điểm, không còn gì phải ôn thì hãy bắt đầu dành thời gian cho T/F/NG. Nếu trình độ bạn còn kém và muốn làm dạng T/F/NG thì chẳng khác nào thi Toán mới đạt 5-6 điểm mà muốn bỏ thời gian luyện bất đẳng thức.

Hãy dành thời gian nâng cao khả năng tiếng Anh của bạn, chỉ cần giải quyết tốt những loại câu hỏi khác thì bạn vẫn dư sức đạt 7.0 mà không cần phải luyện đến T/F/NG.

Bẫy của loại câu hỏi này là nhiều lúc người ra đề đưa ra một câu nghe rất có lý (hoặc rất vô lý), vừa đọc qua bạn đã muốn ghi True hay False ngay. Ví dụ như:

  • “Hard-working students usually have higher grades than those who are not.”
  • “Eating fat is the main cause of obesity.”

Cả hai nội dung đều có vẻ hiển nhiên đúng, tuy nhiên, dù nghe có lý đến mấy đi nữa thì câu trả lời của bạn vẫn phải dựa trên bài đọc.

Như trong câu đầu, nếu bài đọc chỉ nói “Hard-working students usually perform well on job interviews and seem more favorable to employers.” thì câu trên là Not Given. Đây vẫn là dạng Not Given dễ, câu hỏi và bài đọc có thông tin liên quan, chỉ cần so ý nghĩa 2 câu với nhau là trả lời được. Dạng Not Given khó là dạng nội dung câu hỏi không được đề cập đến, khiến bạn phải đọc, dò lên dò xuống vài lần để chắc chắn đoạn văn không nhắc đến thật.

Còn câu thứ 2, nghe cũng rất đúng. Thế nhưng trong bài đọc có câu: “There is little evidence showing that eating fat is the cause of obesity.” thì câu trả lời đúng phải là False.

Choose the correct heading for paragraphs

Chọn tiêu đề cho một đoạn văn. Với dạng câu hỏi này, bạn sẽ phải đọc hết cả một đoạn mới có thể chọn đúng tiêu đề cho đoạn đó. Có vẻ mệt và lâu la nhưng đó là giải pháp duy nhất.

Có chiến thuật nói rằng chỉ cần đọc câu đầu và câu cuối là đủ nhưng có lẽ đó chỉ là chiến thuật 6.0. Nếu làm bài chọn tiêu đề mà chỉ đọc câu đầu, câu cuối của một đoạn rồi bắt trả lời thì chắc chắn tôi phải đầu hàng. Những bạn đạt mức trên 7.0 đều không làm bài theo cách này.

Thật may là dạng câu hỏi này chỉ có một bẫy. Trong các tiêu đề được đưa ra ở đáp án, sẽ có tiêu đề nói đến một chi tiết, hay một ý nhỏ của một đoạn văn chứ không phải ý của toàn đoạn. Nếu không để ý, bạn sẽ rất dễ chọn nhầm đáp án.

Ví dụ:

Paragraph:

Computers are convenient… Computers help do things fasters. It only takes seconds to contact another person… Computers are reliable…

Headings:

A. Human life…

B. Usefulness of computers

C. Technology …

D. Computers make contacting other people faster.

E…

Trên đây chỉ là ví dụ đơn giản. Đáp án đúng là B. Tuy nhiên cũng sẽ có không ít bạn nhìn qua trong đoạn văn thấy có nhắc tới ý giống câu D và chọn D. Nhưng câu D chỉ diễn tả một ý nhỏ của đoạn văn mà thôi. Nhất là khi đọc bài IELTS vừa phức tạp vừa khó hiểu, bạn càng dễ dính bẫy hơn.

Các dạng câu hỏi khác

Các dạng bài còn lại như điền từ, trắc nghiệm,… thường sẽ dễ hơn 2 dạng trên. Để trả lời cho 4-5 câu hỏi có dạng này, thường bạn chỉ cần đọc 1 đoạn trong 5-6 đoạn của bài đọc, có khi chỉ cần đọc 2-3 dòng là đã đủ.

Còn câu hỏi phần T/F/NG thường sẽ rải rác khắp bài đọc. 1 câu thì nằm ở đoạn B, 1 câu lại nằm ở đoạn E… rất khó chịu. Còn phần heading thì bạn sẽ phải đọc cả đoạn mới trả lời được mỗi 1 câu. Đó là lý do tại sao 2 dạng này thường khó hơn các dạng điền từ, trắc nghiệm,…

Thi thoảng cũng có những câu điền từ, trắc nghiệm khó, khi câu trả lời nằm rải rác chứ không tập trung vào 2-3 câu hay 1 đoạn. Thường thì những dạng khó người ra đề sẽ để ở cuối. Ví dụ như một bài đọc có 3 dạng câu hỏi theo thứ tự như: Trắc nghiệm, Điền từ, Trắc nghiệm, thì nhiều khả năng dạng trắc nghiệm cuối sẽ là dạng khó hơn.