Chiến Lược IELTS 7.0

Chương 2. Luyện Writing Như Thế Nào Là Ổn?

Một bạn có hỏi: “Chào anh Kiên! Em muốn hỏi anh phần Writing mình học bằng cách nhìn vào bài mẫu rồi ghi lại để thuộc cấu trúc cũng như từ vựng có phải là một cách tốt không ạ?”

Trả lời:

Theo tôi thì bản chất của học viết (và nói) là học cách diễn đạt ý, sau đó mới tới việc học các cấu trúc hoa mỹ/văn phong/cách hành văn của tiếng Anh. Vậy nên bất cứ hoạt động nào mà giúp bạn phát triển khả năng diễn đạt đều tốt cả. Vấn đề ở đây là bạn có thực hiện việc đó được lâu dài và đều đặn không.

Tôi cũng đã nhiều lần lên kế hoạch, “quyết tâm” học tập, nào là mỗi ngày xem 5 bài tin tức trên BBC, hay đọc 1 chương tiểu thuyết tiếng Anh và cũng không ít lần bỏ cuộc nhanh chóng. Bởi vì khi bạn cố ép mình làm một hoạt động mình không thoải mái, bạn sẽ rất dễ chán, mà khi chán thì sẽ khó mà ngồi học được lâu và được nhiều. Ngoài ra, việc ép mình rất dễ sinh “tác dụng phụ” như chán ngán, ức chế, nặng nề, khi đã vậy thì đầu óc bạn coi như không tiếp thu được gì nữa. Vậy nên việc tìm ra hoạt động mà mình cảm thấy thoải mái là rất quan trọng.

Thường thì tôi học cách diễn đạt bằng hai hoạt động. Hoạt động thứ nhất là trong khi đọc (truyện, sách chuyên ngành) và nghe (phim, youtube, bài hát) mình sẽ bắt gặp một số cách diễn đạt hay và để ý ghi nhớ nó. Khi đó, ngoài từ vựng, mình có thể học thêm các cấu trúc, ví dụ như:

  • elect somebody as something

(People elected Obama as the President of USA) hoặc học các từ nối như:

  • Addtionally - khi muốn nói thêm ý
  • For instance - khi cho ví dụ

hoặc học cả cụm từ như:

  • As fast as an eagle (thay vì “nhanh như sóc”)
  • As hungry as a bear (tương tự như câu “đói như con sói”)
  • a mediocre movie (thay vì “a normal/average movie” - phim tàm tạm, trung bình)

Học cả cụm như vậy sẽ giúp bạn diễn đạt được đúng với văn phong tiếng Anh và tránh được rất nhiều lỗi do thói quen dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh của chúng ta.

Trong khi đọc hay nghe như vậy, tôi chỉ để ý và ghi nhớ như vậy thôi, chứ không có cuốn sổ tay ghi chú để tiện khi ôn lại. Trước đây, tôi cũng thử học “nghiêm túc”, vừa đọc vừa có sổ tay liền bên cạnh để ghi lại cho việc ôn tập nhưng rồi chẳng có cuốn sổ nào mà tôi ghi được quá 1 trang. Không hiểu vì lý do gì nhưng vừa đọc vừa để ý ghi note được một lúc tôi đã chán ngấy, chẳng muốn tiếp tục nữa. Vậy nên sau đó tôi đã dẹp luôn nhiệm vụ note đó, làm việc gì ra việc nấy, đọc sách ra đọc sách, xem phim ra xem phim, chứ không kết hợp note lại nữa. Ngày nào cũng liên tục được như vậy, nhờ đó mà tôi học được nhiều hơn hẳn.

Hoạt động thứ hai là đọc... từ điển. Điều nay có vẻ không được hấp dẫn cho lắm. Vì thế nên hằng ngày, tôi chỉ có làm được việc này trong khoảng 5-10 phút. Theo tôi, đây là khoảng thời gian hợp lý vì khi đã đặt ra chỉ tiêu trước là chỉ xem 1-2 từ trong 5-10 phút, tôi thấy rất thoải mái chứ không bị ức chế hay sinh ra “tác dụng phụ” nào cả.

Từ điển tôi thường khuyên dùng là từ điển Anh-Anh. Từ điển tôi đang dùng để đọc là phần mềm Longman Dictionnary of Contemporary English 5th Edition. Bạn cũng có thể dùng từ điển Anh-Anh khác của Oxford hay Cambridge đều tốt cả. Đọc từ điển Việt-Anh cũng sẽ giúp bạn tiến bộ nhưng sẽ không tốt bằng từ điển Anh-Anh.

Đọc từ điển chủ yếu là để bạn tiếp nhận những cách diễn đạt hay, mới. Trong khi xem, tôi thường lẩm nhẩm một vài lần để ghi nhớ hơn và cũng không cần ghi chú gì cả. Thêm nữa, khi đọc từ điển, tôi ít tra các từ lạ, mới mà thường là ôn cho kỹ các từ cũ. Ví dụ như từ “doctor” (bác sĩ) mình học từ hồi còn bé, nhưng khi tra và đọc trong từ điển thì sẽ có thêm các cách diễn đạt rất hay mà mình nên biết, ví dụ như:

  • go to the doctor = see a doctor = visit a doctor
  • a doctor examines somebody = khám
  • a doctor prescribes something = kê toa thuốc
  • a physician (formal, academic English) = a doctor
  • qualified/experienced doctor = bác sĩ giỏi/kinh nghiệm/có bằng cấp

Tuy nhiên, hai hoạt động trên đây của tôi viết ra chỉ để các bạn tham khảo thêm. Tôi không khẳng định rằng đây là hai cách tốt nhất, những cách học khác không hay bằng. Tôi cũng không khuyên các bạn là không nên ghi chú, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn thấy mình thoải mái khi viết ghi chú để sau này dễ ôn tập thì quá tốt, nhưng nếu cảm thấy không thoải mái thì bạn cũng đừng gượng ép mình.

Tóm lại, như tôi đã nói ở đầu bài viết, bản chất của việc học viết là học cách diễn đạt ý. Hôm qua, bạn không biết biểu lộ là mình đang buồn, hôm nay bạn biết nói “I'm sad”. Hôm qua bạn chưa biết nói lý do bị “bồ” đá, hôm nay bạn biết nói “because my girlfriend left me” or “because she dumped me”. Cứ như vậy, mỗi ngày bạn sẽ tích lũy được nhiều cách diễn đạt bằng tiếng Anh hơn. Vì thế, bất cứ hoạt động nào giúp bạn học trau dồi khả năng diễn đạt thì đều tốt cả, quan trọng là bạn có thực hiện hoạt động đó hằng ngày được đều đặn hay không.

Rất nhiều người dành nhiều thời gian để tìm ra “cách tốt nhất” mà không để ý rằng nếu khoảng thời gian đó làm một việc “tốt vừa vừa” thôi cũng đủ giúp mình tiến bộ rất nhiều rồi. Ngoài ra, trong khi bạn làm một việc gì đó “tốt vừa vừa”, chắc chắn là bạn sẽ tìm ra được việc “tốt hơn” để tiếp tục. Từng bước, từng bước, bạn sẽ tìm ra được những hoạt động phù hợp với mình nhất thôi.

Mong bạn mau chóng tìm ra các hoạt động luyện tập cho mình.