Chỉ Là Anh Giấu Đi

Chương 25

Hết Tết, không có nghĩa là ăn chơi sẽ hết. Năm nào cũng vậy, khối mười hai sẽ được nhà trường cho cắm trại “hai ngày, một đêm” để chào mừng ngày thành lập đoàn, mặt khác đây cũng là cơ hội cuối cùng để mọi người có những kỷ niệm bên nhau trước khi ra trường.

Trước khi tổ chức cắm trại thì nhà trường sẽ tổ chức “hội khỏe Phù Đổng”. Cũng như mọi năm, thường thì khối mười hai sẽ ít tham gia vào hoạt động này và nhường lại cho các em khối dưới. Có người mặc dù năm trước vấp té, bị thương đầy mình nhưng năm nay vẫn hí hố định đi thi.

Duy Thanh biết được nên liền nói. “Không có thi cử gì hết. Cấm Sún tuyệt đối.”

Cô khẽ cười. “Sún không có thi chạy, Sún thi cầu lông.” Cô thấy môn này đâu có nguy hiểm.

Anh trợn mắt lên. “Không.”

“Thế Sún thi cờ vua nha. Cờ vua đâu có vận động gì đâu.” Cô thấy chỉ còn có mỗi môn này.

Văn Vũ nghe vậy liền chem vào. “Không biết đánh thì đừng có ham hố.”

Lại bị chọc điên nên cô liền liếc mắt sang. “Liên quan gì đến ai kia?”

“Ai kia cảm thấy chướng tai nên nói thôi.” Văn Vũ nhếch môi.

Cô đứng dậy định áp tới. “Sao?”

Văn Vũ cũng đứng dậy. “Sao?” Anh giơ nắm đấm lên và bặm môi lại hù dọa.

Cô theo phản xạ tự nhiên nên nhắm mắt lui lại ra sau. Mở hé mắt ra, thấy Văn Vũ giả vờ hù mình, nên cô liền quay qua “méc” Duy Thanh. “Vũ đánh Sún, Lu kìa.”

Anh khẽ cười. “Thôi ngồi xuống đi.” Anh nắm tay Mỹ Hạnh kéo xuống.

Văn Vũ nhếch môi. “Tưởng làm gì, ai dè đi mách lẻo người khác.”

“Lu thấy chưa?” Cô chỉ tay qua Văn Vũ.

“Thầy vào kìa.” Anh lại cười.

Thế là rốt cuộc Mỹ Hạnh bị ai đó cấm đi thi dưới mọi hình thức, ngay cả ngày đi lên cổ vũ cho mấy bạn, ai đó cũng kèm sát bên như hậu vệ kèm tiền đạo, như vệ sĩ đi cạnh chủ nhân, hay mật vụ bảo vệ tổng thống.

Ngay sau khi hội thao kết thúc, ba lớp mười hai chính thức bắt tay vào việc tổ chức cắm trại. Do sợ các học sinh gặp nguy hiểm nên năm nào nhà trường cũng cho tổ chức ngay tại sân đá bóng. Duy Thanh cảm thấy mình thật sung sướng, khi anh chưa được vào đoàn. Trong khi đó, Văn Vũ phải cặm cụi lo từng ly, từng tý. Từ việc thiết kế cổng trại đến trang trí lều trại, từ việc to, cho đến việc nhỏ, việc nào anh chàng cũng bị kêu tên.

Tất nhiên là ban cán sự lớp cũng sẽ phụ tay vào, nhưng ai đó vì những hiềm khích cũ nên chỉ đứng chống nạnh chỉ trỏ này nọ. Lâu lắm mới được cơ hội trả thù nên Mỹ Hạnh thỏa chí cười đắc ý. Cứ thấy cái gì sai, hoặc cho dù là nó chưa sai đi nữa, nhưng cô vẫn cứ “bắt lẽ” và không ngừng xỉa xói. Văn Vũ thừa biết nhưng chả thể làm gì được, ngoài việc giả vờ trợn mắt và hù đánh cho có lệ.

Rồi ngày cắm trại cũng tới, lần này thì Mỹ Hạnh không cần phải nhờ sự trợ giúp của chú Tân nữa. Nghiễm nhiên, vì nhà trường tổ chức nên mẹ cô không thể nào cấm cản được. Cô đường đường chính chính, ngẩng cao đầu, xách ba lô ra khỏi nhà đi theo trai. À quên, là bạn trai mới đúng.

Duy Thanh lại đạp xe qua cùng với Quốc Hùng, cô và anh chàng đều mang trên mình chiếc áo “Đoàn”, còn Duy Thanh thì vẫn mang quần xanh, áo trắng như hôm nào. Đến giờ cô vẫn không tin được là Lu của cô vẫn chưa được vào Đoàn.

Về phần của Quốc Hùng, nhìn hai người họ vừa đạp đôi, vừa trò chuyện, anh lại thấy mình thừa thãi. Trước giờ đều vậy, anh vẫn mãi chỉ là kẻ đơn phương. “Để ta chống mắt lên xem, mày hạnh phúc được bao lâu”, lại là một câu nói cửa miệng khác, mà anh hay nghe các bạn mình giễu cợt nhau. Mặc dù anh yêu Mỹ Hạnh thật, nhưng không phải vì thế mà anh phải trở thành người thứ ba, phải nguyền rủa và “trù ẻo” người ta chia tay để đến lượt mình.

Anh thừa biết rằng, tình cảm của Mỹ Hạnh nó dành cho Duy Thanh lớn đến chừng nào. Nên việc anh mong mỏi họ chia tay sẽ là một điều vô cùng chết tiệt, khốn nạn và vô ích. Vì Mỹ Hạnh có chia tay đi chăng nữa, thì cũng không thể nào tới bên anh được. Trước giờ giữa anh và cô nàng, mọi thứ chỉ dừng lại ở một mức quan hệ xã giao của bạn bè, không hơn và không kém.

Biết rõ như vậy nhưng điều bây giờ tốt nhất Quốc Hùng có thể làm, đó là cứ tiếp tục đơn phương Mỹ Hạnh cho đến khi nào dừng lại được thì thôi. Lúc đó, có thể Mỹ Hạnh và Duy Thanh sẽ kết hôn, có thể hai người họ chia tay, hoặc cũng có thể anh tìm được ai đó khiến anh yêu hơn Mỹ Hạnh. Và biết đâu, sự chờ đợi của anh sẽ được đáp trả bằng việc trở thành “người đến sau”.

Có rất nhiều sự khác và giống nhau giữa người thứ ba với người đến sau, nhưng chắc chắn một điều rằng, người đến sau, bao giờ cũng được người ta nhìn nhận một cách ưu ái hơn.

Có thể là anh đến trước nhưng sau cùng, tôi mới là người đem lại hạnh phúc cho cô ấy. Có thể tôi là người đến sau, nhưng tôi mới là người khiến cho cô ấy thấy hạnh phúc, điều mà trước giờ anh không làm được.

Trở lại với Duy Thanh, sau khi đưa nàng tới trường, anh cùng nàng bước tới lều trại của mình ở chỗ sân bóng. Rất, rất nhiều hình thức, trò chơi và hoạt động diễn ra trong suốt thời gian cắm trại này, nhưng anh và Quốc Hùng không muốn tham gia nên cứ ở mãi trong trại tán dốc với nhau. Rồi Văn Vũ, Khánh Long và Anh Đức cũng tới góp vui. Văn Hàn và Hoàng Sơn thì lo “đú đỡn” bên ngoài với các bạn nữ nên không thể tám chuyện.

Buổi chiều, đói bụng quá, Khánh Long và mọi người bàn với nhau lén ra ngoài “ăn hàng”. Chè thì hơi xa, bánh kẹp cũng xa, bánh canh và bánh nậm thì càng xa hơn nữa. Chẳng lẽ giờ vào căn tin mua mỳ tôm gói nhỏ để ăn. Mọi người đang phân vân thì Mỹ Hạnh đi vào cùng với Bích Trâm.

“Mọi người ăn bánh đập không?” Mỹ Hạnh hỏi.

“Đâu?” Khánh Long đang nằm, vừa nghe đến gã đã ngồi thẳng dậy.

Bích Trâm nói. “Phải đi mua, chứ ở đâu mà có.”

Anh Đức tò mò. “Mua ở đâu, gần không?”

Mỹ Hạnh chỉ tay ra sau. “Gần đây nè.”

“Vậy thì đi.” Anh Đức đứng dậy phủi đít quần.

Văn Vũ thấy vậy liền nói. “Ê, đi lén lén thôi nha. Mấy thầy cô biết được thì bị chửi đó.”

“Biết rồi.” Mỹ Hạnh liếc mắt. “Vũ nhiều chuyện.”

Văn Vũ lại giơ tay lên. “Tán cho một phát bây giờ.”

“Lu kìa.” Mỹ Hạnh lại đi mách Duy Thanh.

Quốc Hùng khẽ cười đứng dậy. “Thôi đi nào. Để ba thằng đó nằm đây đi.” Ý anh ám chỉ Duy Thanh, Khánh Long và Văn Vũ sẽ ở lại trại.

Khoảng vài chục phút sau thì mọi người xách bánh về. Khánh Long nãy giờ nằm vật vã, vừa nghe thấy tiếng thì liền bật dậy và sẵn sàng tư thế để chiến. Vì ăn lén, nên mọi người phải ra phía sau trại, sát với bờ tường để ngồi ăn. Và để mưu chuộc mọi người, Quốc Hùng còn phải mua thêm một bịch bánh cho lớp mới của mình. Như vậy thì anh và mọi người mới có thể xách bánh đi về trại của lớp 12/2 được.

Không có dĩa, nên mọi người để bánh lên một lớp giấy báo, sau đó đổ nước mắm nêm ra cái tô nhựa. Trước khi ăn, Mỹ Hạnh lấy tay đè chống bánh dập xuống, theo phong cách trước giờ của nó. Bánh đập dập, đây là một loại bánh với lớp bánh ướt nằm ở giữa, hai lớp bánh tráng nướng kẹp hai bên.

Người bán sẽ lấy một cái bánh ướt đặt lên một cái bánh tráng, thoa dầu lên lớp bánh ướt, rồi lấy cái bánh tráng thứ hai úp lên. Sau đó lấy tay đè nhẹ nó xuống cho gãy thành làm đôi. Người ăn sẽ chấm với nước mắm nêm, loại mắm được chế biến thêm với thơm (dứa) bằm nhỏ, ít gia vị, hành phi và đậu phộng. Nếu thích cay thì có thể cho thêm một chút ớt.

Vừa mới đụng tay được hai lượt thì Văn Vũ thấy hai bịch bánh to đã không còn cái nào. Anh nhớ đây phải là cuộc thi ăn đâu, mà ai nấy cũng đều tốc độ, nhanh tay, nhanh miệng và không thèm nhường đối phương vậy.

Buổi tối, trong lúc người ta đang quây quần nhảy múa bên lửa trại, đang hò hét chơi đùa với nhau, thì mọi người bên này lại im lặng và nằm dài trên bãi cỏ ngắm sao trên trời. So với không khí náo nhiệt bên kia, thì không khí bên này yên ắng và nhìn ai cũng tư lự hơn.

Anh Đức nằm một lúc thì tò mò. “Chuẩn bị hết học rồi, mọi người định làm gì chưa?”

Khánh Long nằm bên cạnh đáp. “Thế mày định làm gì?

“Tao thì định đi học nấu ăn rồi về mở quán.” Anh Đức cảm thấy phấn khích khi nói về ước mơ của mình.

“Thế còn mày thì sao Long?” Quốc Hùng ngồi bên cạnh Duy Thanh quay sang hỏi.

Khánh Long bật cười. “Nhà tao thì bắt tao thi đại học công an, nhưng tao thì chỉ có sức tạ, chứ không có sức học. Nên chắc là tao thi trung cấp công an hoặc đi nghĩa vụ.”

Duy Thanh đang nằm nhìn sao, nghe thấy vậy thì liền ngồi dậy. “Tao cũng đi nghĩa vụ nè.”

Mỹ Hạnh lần đầu tiên mới nghe Duy Thanh nói về việc này. “Ủa, Lu định đi nghĩa vụ sao?” Cô hơi bất ngờ xen lẫn một chút bàng hoàng.

Duy Thanh gật đầu. “Lu với má tâm sự với nhau lâu rồi. Má cũng bảo Lu nên đi nghĩa vụ cho trưởng thành lên.”

“Sao trước giờ tao không nghe mày nói?” Quốc Hùng cũng ngạc nhiên như Mỹ Hạnh.

Duy Thanh chả biết trả lời như thế nào. “Ờ thì…”

“Ủa mày đi nghĩa vụ bộ đội hay công an?” Khánh Long thắc mắc.

Duy Thanh liền lợi dụng câu hỏi của Khánh Long để lái sang chuyện khác. “Bộ đội. Còn mày?”

“Nó thì đương nhiên là công an rồi.” Văn Vũ chem lời vào. Anh biết ba của Khánh Long là sếp lớn trong ngành công an nên ngầm đoán.

Anh Đức nhìn Văn Vũ. “Còn bạn Vũ định tính sao?”

“Mình sẽ thi vào trường kinh tế.” Văn Vũ muốn học ngành gì mà có thể kiếm được nhiều tiền nhất. Anh muốn mẹ mình có một cuộc sống sung sướng hơn.

“Tôi cũng thi vào trường kinh tế này ông.” Mỹ Hạnh nói.

Văn Vũ liếc mắt sang thở dài. “Cứ ám nhau mãi thế Hạnh.”

“Ám cái đầu ông á, Vũ điên.” Mỹ Hạnh bặm môi lại.

Quốc Hùng nghe Mỹ Hạnh nói như vậy thì anh biết mình nên điền gì vào hồ sơ rồi. “Hạnh định thi vào ngành gì?”

“Ngoại thương, hoặc tài chính ngân hàng.” Mỹ Hạnh khẽ cười.

Văn Vũ nghe nói vậy thì ngạc nhiên. “Tôi cũng định thi vào tài chính ngân hàng này.”

Duy Thanh nhìn Bích Trâm. “Thế còn bà Trâm thì sao?” Nãy giờ anh thấy cô nàng cứ im lặng.

Bích Trâm cười trong e ngại. “Tôi đâu có học giỏi như mấy người, nên chắc định thi trường sư phạm hoặc học trung cấp gì đó.”

Văn Vũ thấy vậy liền trêu chọc. “Bà khỏi cần học, tôi biết bà làm nghề gì là hợp nè.”

“Nghề gì?” Bích Trâm cũng muốn biết.

“Giữ trẻ mầm non.” Văn Vũ búng tay một cái.

Anh Đức thắc mắc. “Vì sao?”

Văn Vũ khẽ cười. “Vì bà ấy với bạn thân của mình, có thể vừa ăn, vừa mớm cho mấy đứa.” Ý anh ám chỉ độ ăn uống của Bích Trâm và Mỹ Hạnh.

“Cái ông này.” Bích Trâm đánh nhẹ lên lưng Văn Vũ.

Mỹ Hạnh biết mình bị chửi xéo nên liền nhích qua ăn hôi vài cái. “Nói ai tham ăn hả?”

Sau khi buổi cắm trại kết thúc, mọi người bắt đầu bước vào quãng thời gian kinh khủng cuối cùng của đời học sinh. Ôn tập, thi tốt nghiệp và đặc biệt là thi đại học. Vào cái thời này, học sinh phải thi tốt nghiệp riêng, nếu đậu thì mới tính đến việc thi đại học. Do vậy, người duy nhất trước giờ vẫn luôn thảnh thơi, mặc dù bạn mình thì cắm đầu miệt mài vào sách vở, không ai khác, đó chính là “cậu bé vàng” của làng thi lại, Duy Thanh.

Từ nhỏ đến lớn, Duy Thanh vốn dĩ đã chả mặn mà gì với việc học. Ngay từ cấp hai là anh đã muốn xin má Ba cho mình nghỉ học để đi làm, nhằm kiếm thêm chút tiền phụ giúp cho gia đình. Nhưng má không chịu và khuyên anh, nếu khó quá thì chuyển sang học bổ túc ban đêm cho tiện. Lúc đầu anh liền đồng ý nhưng vì mẹ của Quốc Hùng có đề nghị giúp đỡ, nên kết quả là anh vẫn theo học cho đến bây giờ.

Không như cậu bé vàng, “hoàng tử bạch mã” của trường là Quốc Hùng, bây giờ mới thật sự chú tâm vào việc học. Người cho anh chàng động lực, không ai khác chính là Mỹ Hạnh. Biết cô nàng định thi vào trường đại học kinh tế của thành phố, nên anh chàng cũng phải quyết tâm thi đậu cho bằng được. Vốn dĩ trước giờ học lực cũng thuộc loại giỏi, nên việc ôn lại kiến thức với anh chàng, đó không phải là việc gì khó.

Khánh Long thì đã xác định trước như Duy Thanh nên cũng chả phải bận rộn gì cho lắm, ngoài việc chuyên tâm vào việc tập tạ.

Anh Đức thì cuối cùng xác định đi học nấu ăn, nên cũng chả cần phải làm hồ sơ thi đại học hay ôn thi tốt nghiệp. Sau này ra trường, chắc gì tụi học đại học đã làm lương nhiều hơn anh.

Hoàng Sơn và Văn Hàn thì rủ nhau đi học trường nghề để lấy bằng 3/7, rồi xin vào xí nghiệp, nhà máy gì đó làm.

Chỉ có một người phút chốt bất ngờ xảy ra biển cố, để bây giờ bỏ dở tất cả lại sau lưng, người đó chính lại là Văn Vũ. Với sức học thuộc hàng top đầu của trường, người được cho là có tương lai sáng lạng nhất trong mọi người, thì giờ lại trở nên đen tối mờ mịt. Mẹ của Văn Vũ bệnh ngày càng nặng hơn, đến mức phải chuyển xuống bệnh viện thành phố để chữa trị, do vậy anh chàng cũng phải đi theo chăm sóc cho mẹ mình.

Lúc bạn bè đang suy nghĩ nên thi trường gì để điền vào hồ sơ, thì Văn Vũ cũng phải thẫn thờ điền vào tờ giấy cam kết phẫu thuật của mẹ mình. Tất nhiên đây chỉ thông lệ thường thấy ở bệnh viện, nhưng đối với Văn Vũ thì là một chuyện vô cùng to lớn. Lỡ như, lỡ như mẹ anh không qua khỏi, thì anh phải tiếp tục sống thế nào đây.

Duy Thanh ngồi trên lớp, nhìn các bạn bè vây quanh nhau hỏi nên thi trường gì, ngành gì hot nhất, nghề nào dễ kiếm tiền, ở đâu dễ có người yêu, rồi anh nghĩ tới Văn Vũ, người bạn của anh giờ đây đang u buồn một mình trong bệnh viện. Nghĩ mình nên làm gì đó giúp cho Văn Vũ, nên Duy Thanh bàn với Mỹ Hạnh và Quốc Hùng.

Thế là Mỹ Hạnh sẽ lo về phần hồ sơ thi đại học, Quốc Hùng nhận trách nhiệm về việc kiếm xe và Duy Thanh thì lo về bánh trái. Vốn chơi với Văn Vũ từ nhỏ nên Duy Thanh biết sở thích của anh chàng này như thế nào.

Như đã hẹn, vào một buổi chiều thứ bảy, tài xế của mẹ Quốc Hùng chở ba người đi xuống bệnh viện. Vì không biết thông tin nên Quốc Hùng phải hỏi các y tá trực, sau một hồi dò la, may là Duy Thanh biết được tên của mẹ Văn Vũ, nên chẳng mấy chốc mọi người đã tìm được.

“Ông Vũ.” Mỹ Hạnh xách bịch trái cây bước vào.

Văn Vũ đang xoa bóp chân cho mẹ mình thì ngạc nhiên quay sang. “Mấy người đi đâu đây?”

Quốc Hùng khẽ cười. “Chẳng lẽ tới đây đi chơi.”

Duy Thanh nhìn mẹ của Văn Vũ. “Cô sao rồi?” Anh thấy bác gái trông rất tiều tụy.

“Bác sĩ mới tiêm thuốc xong nên mẹ mình mới ngủ.” Văn Vũ đáp.

Mỹ Hạnh đặt bịch trái cây lên tủ bệnh nhân. “Tụi tôi mua cho ông ít trái cây và sữa cho cô này.”

“Tới thăm được rồi, quà cáp làm gì.” Văn Vũ cảm thấy không nên câu nệ hình thức như vậy.

“Nói nhiều quá Vũ.” Mỹ Hạnh móc trong túi xách ra một tập hồ sơ. “Này.” Cô khẽ cười. “Điền hồ sơ thi đại học đi, sắp hết hạn nộp rồi.”

Văn Vũ cầm lấy rồi nhíu mày. “Thôi Vũ không thi đâu.” Giờ việc thi cử đối với anh đâu còn nghĩa lý gì nữa.

Quốc Hùng chậc lưỡi. “Mày cứ điền đi.”

“Thôi.” Văn Vũ đưa hồ sơ lại cho Mỹ Hạnh.

Duy Thanh thấy vậy nên liền giật lấy. “Mày thi tài chính ngân hàng đúng không?” Anh nhìn Mỹ Hạnh. “Sún điền giúp Lu đi.”

Mỹ Hạnh liền đồng ý và hoàn tất những gì còn thiếu. Cái gì không biết thì cô quay sang Văn Vũ để hỏi thông tin. Anh chàng không chịu nói thì liền bị Duy Thanh bắt ép nên cũng đành phải mở miệng. Ghi xong, Mỹ Hạnh đưa cho Văn Vũ ký tên vào rồi cất vào trong túi xách để đem về nộp.

“Ít bữa tao với thằng Hùng xuống đây lại.” Duy Thanh nghiêm nghị nói. “Đưa cho mày giấy báo thi, với nói lại những điều quan trọng. Mày phải đi thi, dù muốn hay là không. Nếu mày mà còn cãi cãi, tao nói với mẹ mày đó.”

Văn Vũ gượng cười. “Thôi được rồi, về đi. Ồn ào dễ sợ.”

Mỹ Hạnh mỉm cười. “Về nha Vũ điên.”

“Về đi ú.” Văn Vũ trêu chọc cô nàng.

Sau khi đi học lại, Mỹ Hạnh liền đem hồ sơ đi nộp giúp cho Văn Vũ. Sau đó cô cũng như bao bạn khác, phải cắm đầu vào việc ôn thi. Cũng chính vì việc học nên cô ít được gặp Duy Thanh hơn. Hình như anh chàng cũng sợ làm phiền cô ôn tập, nên lâu lâu mới đạp xe qua chở cô đi chơi.

Cô thích nhất là việc ngồi trên xe đạp ngang và được Duy Thanh chở đi dạo. Lúc đó cô với anh giống như hòa chung một nhịp đập vậy á. Cô cũng thích đứng sau xe và ôm quàng lấy cổ của anh chàng. Thích, thích, cô thích nhiều thứ khi ở bên Duy Thanh lắm. Mà nghĩ đến đây thì cô lại thấy não lòng đến tuyệt vọng. Cô sắp bước vào giảng đường đại học, còn anh thì lại chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Hai người, hai nơi, chắc cô chết vì nhớ quá.

Về phần Duy Thanh, quãng thời gian này anh rãnh rỗi chả khác gì như đang nghỉ hè. Ngoài việc lên trường ôn tập cho có, thì hầu như thời gian còn lại trong ngày, anh chỉ tập trung vào việc phụ giúp gia đình. Biết Mỹ Hạnh bận phải ôn thi nên anh cũng chả dám làm phiền nhiều. Thỉnh thoảng anh mới lại đạp xe sang chở cô nàng đi chơi. Hôm nay cũng vậy, có điều ngoài việc chở cô đi dạo, thì anh còn mang qua tặng cô một chú chó nhỏ. Lúc nãy, anh phải xin má dữ lắm, thì má mới cho.

“Má ơi.” Duy Thanh khẽ cười.

“Lại định nịnh nọt xin xỏ gì đó?” Má Ba ngầm đoán. Cái bộ dạng này từ nhỏ đến giờ bà đã quá quen rồi.

Anh xòa người tới ôm má mình. “Má có thể cho Sún một con chó không?”

Bà giả vờ nói. “Không. Mắc gì tôi phải đem chó cho bạn gái anh.”

“Đi mà má. Chó nhà mình đẻ nhiều mà.” Anh tiếp tục năn nỉ.

“Đẻ nhiều hay ít thì cũng vậy. Tôi không cho đó.” Bà quay sang làm bộ mặt hung dữ với cu cậu. “Làm gì được tôi.”

Anh mếu máo. “Đi má, cho Sún một con thôi.”

Bà bật cười. “Cái gì cũng đem cho gái.” Bà nói lớn. “Anh xem thử nhà này còn gì thì đem cho hết luôn đi.”

Anh lại xòa tới ôm má mình. “Thôi mà má.”

“Buông ra.” Bà nói. “Anh thì thương gái, chứ thương gì tôi mà ôm.”

“Con thương má nhất mà.” Anh như muốn òa lên.

Bà muốn hất cu cậu ra nhưng không được, cu cậu ôm bà chặt quá. “Lúc nhỏ thì một má, hai má. Lớn lên thì có bu đít vợ, chứ nhớ gì đến tôi.”

Anh nói lớn. “Không có.”

“Thôi đem chó đi cho người ta đi. Để tôi còn đi chợ nữa.” Bà bật cười.

Anh mừng rỡ. “Dạ.”

Trở lại với thực tại, lúc này Mỹ Hạnh đang lẩm nhẩm trong đầu học bài thì nghe Mỹ Dung bảo “anh Thanh tới”. Vừa nghe có vậy là cô đã tuôn ra khỏi phòng và mặc kệ sách vở.

“Nghe bạn trai tới, cái là…” Mỹ Dung nhìn chị mình chậc lưỡi chê bai.

Duy Thanh giơ chú chó con lên. “Má Lu cho Sún con chó nè.” Bữa trước cô qua nhà anh chơi, thấy đám chó con thì cứ cười toe toét và ngỏ ý muốn xin một con về nuôi.

Cô xỏ đại đôi dép rồi chạy ra. “Thật hả?”

“Á, chị khoan bồng vào.” Mỹ Dung đi tới. “Để em đo đuôi đã.”

Mỹ Hạnh nghe vậy nên vẫn ẵm chú chó nhỏ trong lòng. “Ủa ai bày em vậy?”

“Anh Thanh chứ ai.” Mỹ Dung khẽ cười.

Cô nàng lấy cây tăm hương làm dấu, bẻ khúc dư đi rồi đem cây tăm vứt ra bụi cây ở ngoài đường. Đây là cái “mẹo” được các người già trong làng bày khi đem chó về nuôi. Làm như vậy thì chú chó sẽ ra đúng cái chỗ nào vứt cây tăm hương để đi “vệ sinh”. Tất nhiên “linh” hay không thì cũng không có cái gì chắc chắn cả. Chỉ có điều Duy Thanh biết chó nhà anh làm y chang như vậy.

Mỹ Hạnh mỉm cười bồng chú chó vào nhà. Cô ngồi xuống hiên và đặt nó xuống vút ve. “Cục cưng của chị.”

“Giờ mình đặt tên nó là gì đây chị?” Mỹ Dung ngồi bên cạnh chị mình hỏi.

“Lu đi.” Mỹ Hạnh thấy cái tên này là hợp nhất. Vừa dễ thương, vừa là cái tên của con chó ngày xưa bị mất.

“Hả?” Duy Thanh tưởng kêu tên mình.

“Hả? Lu nói gì?” Mỹ Hạnh nghe không rõ nên quay sang nhìn Duy Thanh.

Mỹ Dung ở giữa nên hiểu hết, cô nàng bật cười. “Chị em đặt tên con chó là Lu.”

Duy Thanh nghe xong, mặt tối xầm như đau bụng chửa.

Mỹ Hạnh thì bặm môi cười như vô tội. Lúc sau đi dạo với Duy Thanh, cô liền ầm ờ hỏi. “Lu giận Sún à?”

“Quen rồi.” Duy Thanh ám chỉ việc ngày xưa cô nàng đem tên con chó đặt cho mình.

“Tên Lu dễ thương mà.” Cô khẽ cười.

“Có mình Sún thấy dễ thương á.” Anh nhếch môi.

Thật ra thì thiếu gì tên để Mỹ Hạnh đặt cho chú cún của mình, nhưng cô lại muốn đặt tên Lu là bởi vì, chó là một loài vật trung thành, dù bạn có đối xử với nó như thế nào, thì khi gặp bạn, nó vẫn luôn vui mừng và vẫy đuôi. Chưa kể là, mỗi lần bạn chỉ cần kêu tên, thì nó sẽ chạy tới bên cạnh.

Mỹ Hạnh đặt tên cho Duy Thanh là cũng bởi vì như vậy. Cô hy vọng anh sẽ mãi luôn ở bên cạnh, luôn chung tình và một mực yêu thương cô, dù cho có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Và mỗi khi cô cần, cô chỉ cần gọi tên là anh sẽ có mặt bên cạnh.

“Lu có muốn làm chó của Sún không?” Cô đứng sau xe ôm chặt anh.

“Sún có muốn bị Lu đánh đòn không?” Anh nghĩ cô chán sống rồi sao, mà lại đi hỏi anh câu như vậy.

Thời gian như vậy cứ trôi và kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng cũng tới. Mỹ Hạnh, Quốc Hùng, Khánh Long đều vượt qua một cách dễ dàng. Văn Vũ bị mẹ hù dọa không nhìn mặt, nên anh chàng cũng phải miễn cưỡng bỏ bà ở lại bệnh viện một mình và vác xác đi thi. Tuy không ôn tập nhiều nhưng anh chàng cũng “dư sức qua cầu”. Hoàng Sơn thì vượt qua một cách nhọc nhằn, còn Anh Đức và Văn Hàn phải nhờ đến việc cộng điểm ưu tiên thì mới đủ điểm đậu. Duy Thanh thì hiển nhiên là rớt tốt nghiệp, kỳ thi này vượt qua sự kiểm soát của nhà trường và làng xã, nên mẹ của Quốc Hùng không thể giúp đỡ gì được.

Sau khi nghỉ xả hơi vài ngày thì mọi người phải tiếp tục cật lực chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Vào ngày thi, Mỹ Hạnh được Quốc Hùng đề nghị chở giúp xuống hội đồng thi của cô nàng. Vì đoạn đường cũng không gần, mà mẹ và chú Tân đều bận đi làm nên Mỹ Hạnh mừng rỡ và không ngừng cảm ơn rối rít.

Năm mười tám tuổi, một năm có nhiều thay đổi và biến động đối với nhiều người. Kẻ thì bước vào giảng đường đại học, người đi nghĩa vụ và kẻ chập chững lăn lội vào đời. Dù muốn hay không thì mọi người cũng phải chấp nhận đối diện với thực tế hoàn cảnh của chính mình.

Rẽ hướng nào không quan trọng, quan trọng là dù có rẽ hướng nào đi chăng nữa, bạn vẫn luôn giữ được sự nhiệt huyết, năng nổ, không bao giờ lùi bước và chịu thất bại trước số phận.

Yêu cũng vậy, yêu ai không quan trọng, quan trọng là dù có yêu ai đi chăng nữa, bạn vẫn luôn giữ được sự chân thành, tin tưởng và cùng nhau vượt qua gian khó.

Mỹ Hạnh rớt nguyện vọng một nhưng dư điểm đậu nguyện vọng hai và trở thành tân sinh viên của trường kinh tế. Quốc Hùng thì dư điểm đậu vào ngành tài chính ngân hàng, nhưng vì Mỹ Hạnh, anh chàng lại bỏ ngang và làm hồ sơ chuyển sang ngành quản trị kinh doanh để học cùng cô nàng.

Anh Đức thì vẫn như tư tưởng trước giờ, anh chàng xin tiền ba mẹ để xuống thành phố học làm bếp. Hoàng Sơn và Văn Hàn thì xin vào một trường trung cấp nghề. Khánh Long thì bước vào trường trung cấp công an và nối nghiệp ba mình.

Duy Thanh chính thức trúng tuyển nghĩa vụ và khăn gói lên đường nhập ngũ. Anh ra đi và bỏ lại tình yêu của mình đang học đại học ở dưới thành phố.

Văn Vũ là người đáng thương nhất, anh chàng cũng đi thi nhưng tâm trí đều đặt ở bệnh viện nên rớt nguyện vọng một. Điểm của anh chàng không cao nhưng vẫn hơn điểm chuẩn của trường kinh tế, do vậy anh chàng vẫn có thể làm hồ sơ chuyển sang nguyện vọng hai nhưng lại không muốn.

Bởi vì giai đoạn đó, mẹ của Văn Vũ bệnh nặng hơn và sau nhiều tháng nhập viện chữa trị, mẹ của anh qua đời. Trong một khoảnh khắc, Văn Vũ bỗng dưng mất hết tất cả. Mất từ niềm tin, mất luôn nghị lực, cho đến mất hết những khát vọng và không còn tha thiết muốn sống trên đời này nữa.