Chị Đào, Chị Lý

Chương 14: NỖI LÒNG BÀ MẸ

Đựơc nghe bà Ngọc tỏ hết tâm sự, bà Hòa khoan khoái nửa mừng nửa tiếc, mừng được biết gốc tích của cô Lý, được biết bà Ngọc là mẹ ruột của Lý, mà cũng là người ơn của vợ chồng bà, nhưng cũng tiếc là vì thuở nay vợ chồng làm ăn phát đạt thường bàn tính với nhau hễ người nào giàu có tử tế trưng đủ bằng cớ xác thật mà nhìn Lý là con, thì sẽ giao Lý lại. Bây giờ Lý đã nên vai nên vóc học thức sắp đầy đủ tánh nết chẳng thua ai, mình biết chắc chắn bà Ngọc là mẹ của Lý rồi, vậy nên làm lơ để mình dành luôn hay không. Con như vậy, mà trả cho người khác làm sao lại không tiếc.

Trong lòng lộn xộn, bà Hòa muốn gặp chồng cho mau đặng dọ ý chồng. Ăn cơm tối rồi bà hỏi bữa nay tới phiên ai qua ngủ chơi với bà Ngọc. Đào chỉ Lý. Bà cười và biểu Lý qua cho sớm kẻo má Hai trông rồi bà ra xe mà đi Bà Chiểu. Tòng nói bữa nay không có bài làm hay bài học nên đòi đi theo. Bà không cho. Bà biểu ở nhà chơi với Đào bà vô một chút rồi bà về liền.

Ông Thái nhắc ghế để trước cửa tiệm ngồi hứng gió mát hút thuốc phì phà ngó xa qua lại mà chơi. Bà Hòa vô tới, xe vừa ngưng thì bà mở cửa bước ra, thấy chồng bà liền nói:

- Buổi chiều nay tôi nói cho cô hay rồi. Cô cảm tình tôi với hai đứa nhỏ rồi cô nói hết tâm sự của cô cho tôi nghe. Chuyện kỳ cục lắm nên tôi lật đật vô cho cha nó hay đây. Ông Giáo có ở nhà hay không?

- Ổng đi thăm cháu, mới ra đi chưa được 15 phút.

- Tiện lắm, vậy để tôi thuật chuyện cho cha nó nghe.

Bà bước vô tiệm xách một cái ghế để khít một bên ông mà ngồi nói:

- Cô Ngọc đó là mẹ của con Lý. Bữa nay nói rõ cho tôi nghe rồi. Chắc chắn như vậy, không còn điểm gì mà nghi ngờ nữa.

- Ủa! Sao năm trước cô nói với má nó rằng cô có một đứa con gái đầu lòng, một tuổi với hai đứa nhỏ của mình mà rũi nó chết hồi trong tháng, nên thấy hai đứa nhỏ của mình cô thương nhớ con của cô.

- Cô nói cô “mất”. Tôi hiểu lầm, tôi tưởng ”chết mất”. Bây giờ cô nói rõ lại, té ra cô “bỏ mất” chớ không phải chết.

- A! Cô nói làm sao mà má nó dám chắc cô là mẹ của con Lý?

Bà Hòa mới thuật chuyện bà Ngọc nói hồi chiều cho chồng nghe, nhứt là thuật rõ cái đoạn sau, từ lúc cậu Chánh là tình nhơn xin cưới cô Ngọc. Ông già cô không gả, cậu bỏ đi Tây học thêm. Cô Ngọc biết có nghén đi tìm Chánh, bị cha mẹ và em Chánh giận ghét. Cô Ngọc kiếm chước lên Đà Lạt ẩn núp, sanh một con gái đặt tên Lý, rồi cha cho xe lên rước về, ép buộc phải giấu biệt đứa con nhỏ, đặng cha gả lấy chồng. Vì phải trọn đạo với cha và phải cứu danh giá, thừa lúc đêm tối đem bỏ bên lề đường tại khúc quanh Thị Nghè ra Bà Chiểu với một bức thơ và 5 ngàn đồng cậy ai được con nhỏ thì làm phước dấu mà nuôi dùm.

Ông Thái nghe mới bao nhiêu đó thì ông nói:

- Cô Ngọc nói như vậy thì quả cô là mẹ con Lý rồi, còn nghi ngờ giờ nữa, mẹ nó có nói thiệt cho cô biết hay chưa?

- Chưa. Cô nói, tôi cứ ngồi nghe, tôi không dám nói gì hết. Tôi muốn hỏi coi cha nó liệu lẽ nào, chịu cho cô nhìn con hay không rồi tôi sẽ nói, có gấp gì đâu.

- Bộ cô có hối hận mà tiếc đứa con hồi trước hay không?

- Cô thường nói vì đứa con mất đó mà mấy chục năm nay cô buồn rầu đến sanh bịnh, sao lại nói không thương tiếc.

- Có thương tiếc sao từ hồi đó đến giờ cô không đi tìm kiếm nó?

- Cô mới nói chuyện đi bỏ con bên lề đường chỗ khúc quanh Thị Nghè, cô lái xe mà về có đứt ruột nát gan, như người sống mà không có hồn. Kế đến Đào với Lý đi học về chạy qua kiếm tôi nên phải ngưng câu chuyện. Tôi chưa kịp hỏi coi cô có đi kiếm hay không.

- Má nó có nói cho Đào với Lý biết hay không?

- Không, không. Chưa cho cô Ngọc nhìn con mà cho con Lý biết sao được. Cha nó chịu nói thiệt cho cô Ngọc biết, rồi như cô có xin lại, mình giao cho cô hay không?

Ông Thái lấy một điếu thuốc mà ngậm, chậm rãi quẹt hột quẹt đốt lửa mà hút đặng suy nghĩ rồi ông mới nói:

- Tôi gặp cái rương trong đó có con Lý với tã mền chăn gối đủ thứ. Tôi chở về nhà rồi vợ chồng mình soạn ra coi lại có năm ngàn đồng bạc với một bức thơ không ký tên, không biên địa chỉ, cậy bông lông ai gặp được cái rương đó thì dấu mà nuôi dùm con nhỏ, yêu cầu có hai điều là thương yêu và dạy dỗ nó vậy thôi. Lúc đó nhà mình nghèo chí để tôi làm công trong sở Ba Son mỗi ngày có 90 xu, trừ chúa nhựt nghỉ không có lương. Mẹ nó mắc sanh con Đào không đi mua bán được, lại có bịnh không có tiền uống thuốc và mua sữa cho con bú. Gia tài tôi có một cái xe máy cỡi đi bán lấy tiền nuôi vợ con thì không ai thèm mua. Đương lúc nguy nan đó nếu có một trăm đồng bạc cũng đủ cứu cả nhà mình huống hồ 5 ngàn đồng là một gia tài vĩ đại thuở nay không bao giờ mình dám mơ ước. Vợ chồng mình không phải thuộc bực thánh, tiên, hay bồ tát nên thà nằm co mà chết chớ không chịu nhận của hoạnh tài. Tự nhiên mình có số bạc đó là bạc của Trời Phật cho mà cứu vợ chồng mình. Vợ chồng bàn tính nhau rồi vâng theo ý người viết thơ mà dấu con Lý với tiền bạc mà nuôi nó và quyết thương yêu và dạy dỗ như lời người ta cậy. Mình không quên rằng nhờ có số bạc đó mình mới có vốn mà làm ăn sanh lợi mỗi năm thêm một mớ, bây giờ có nhà cửa xe hơi, có tiệm bán mỗi năm có lợi đến bạc muôn mà còn có thêm một đứa con trai nữa, cái đó mới thiệt quí. Cái ơn đó mình không thể nào quên được. Kiểm điểm lại ba điều người ta cậy trong thơ thì vợ chồng mình làm tròn hết. Tôi ra giữa Tòa nhận con Lý với con Đào là con của vợ chồng mình sanh đôi. Trót hai mươi mấy năm nay mình thương yêu nuôi dưỡng dạy dỗ hai đứa đồng nhứt thể, học thi đậu Tú Tài cả hai rồi Đào học Y Khoa, Lý học Bào Chế vợ chồng mình biết ơn nên lo làm theo ký thác như vậy, tôi tưởng cô Ngọc để con Lý mà nuôi cô cũng làm cỡ đó chớ khó mà làm cho hơn. Thiệt như vậy cô Ngọc có tài gì mà làm hơn mình được. Trong vài năm nữa con Lý thi lấy bằng Dược sư rồi mở tiệm bán thuốc Tây mà coi.

- Tôi nghĩ tới cái đó nên tôi không dám mói thiệt cho cô Ngọc biết, đợi nói cho cha nó liệu coi có nên nói thiệt cho cô biết mà giao lại cho cô hay là nên nín luôn.

- Nín luôn thì quấy lắm. Khi mình gặp cái rương với con Lý, mình thấy đồ đạc quí với số tiền to mình biết là con nhà giàu sang, vì gia đạo rối rắm sao đó nên người ta phải mướn nuôi, nhưng sợ bể chuyện xấu hổ, nên biểu phải dấu, lại không cho mình biết là ai. Tôi đã thệ tâm làm theo lời ký thác. Tôi lại khẩn nguyện Trời Phật cho tôi làm ăn khá, ngày sau ai đem con mà bỏ đó muốn tìm con lại, nếu tôi xét đủ bằng cớ và nếu tôi coi người tử tế thì tôi cho nhìn. Như chắc cô Ngọc là mẹ con Lý, hồi trước cô đem nó mà bỏ cho mình nuôi, bấy lâu nay cô thương nhớ nó mà rầu buồn, bây giờ cô muốn xin nó lại, thì mình phải cho chớ. Mặc dầu cô bỏ con mà ưng ông Phủ Cù, làm vợ con người ác nghiệt đó không vinh quang gì. Nhưng mình gần gũi cô mấy năm nay, mình dư biết tâm tánh cô hiền lành khiêm nhượng, không có thói xảo trá, không lên mặt giàu sang. Có một đứa con trai là con của Phủ Cù, mà cô khéo rèn tập nên nó không làm cho ai ghét được. Một bợm hung ác đáng khinh khi, đáng oán ghét, họ đã chết mất rồi thì thôi, mình không cần nhớ đến làm chi. Mình không nên oán ghét luôn tới vợ con của họ, nếu vợ con họ không có làm điều chi quấy. Mà dầu cô Ngọc có hư hèn chỗ nào, hay có tội lỗi với ai, mình cũng không được quên cô là vị cứu tinh của mình, nhờ cô mà năm đó má nó mới sống mà nuôi con Đào, sau lại sanh thêm thằng Tòng nữa, nhờ cô vợ chồng mình mới có vốn làm ăn khá như vầy. Vậy nếu mình biết chắc cô Ngọc là mẹ cũa con Lý mà cô đương kiếm con thì mình phải nói thiệt với cô, chớ dấu sao phải.

- Cái đó tự ý cha nó định. Nuôi con Lý đã lớn khôn rồi tôi yêu mến nó cũng như con tôi đẻ. Bây giờ trao trả nó cho người khác, thiệt tôi tiếc lắm.

- Có mất đâu mà tiếc. Mình nuôi nó từ khi nó còn đỏ tấm lót. Trót hơn hai mươi mấy năm nay nó chỉ biết mình là cha mẹ nó, chớ nó có biết ai đâu. Dầu mình giao nó lại cho mẹ nó, mình không mất phần thương yêu đâu mà sợ. Nếu mình dấu, rủi ngày sau lậu sự nó biết được thì nó phiền mình ích kỷ lấp nguồn dứt cội của nó, rồi nó hết ơn lại sanh oán, cái đó mới đáng tiếc.

- Cha nó nói phải. Vậy để sáng mai tôi sẽ nói thiệt với cô Ngọc. Tôi chắc cô mừng lắm.

- Khoan. Chẳng nên gắp lắm. Để tôi về tôi hỏi lại cho kỹ coi như thiệt trúng rồi sẽ nói. Cũng đừng cho sắp nhỏ biết gì hết nghe hôn. Sáng mai xe đưa sắp nhỏ đi học rồi mẹ nó biểu sốp phơ vô rước tôi.

Bà Hòa được nghe chồng phân phải quấy bà mới yên lòng mà về.

Sáng bữa sau sốp phơ đem xe ra đưa mấy cô cậu đi học. Bà kêu mà dặn đưa xong thì chạy luôn vô tiệm cho ông đi mua cây.

Xe đi rồi bà Hòa qua bà Ngọc mà nói hôm qua bà nghe bạn thuật tâm sự hồi trước, bà xúc động quá, nên hồi hôm bà vô thăm chồng bà có than không biết ai mà cậy đi hỏi dọ đặng tìm dùm đứa con gái lại cho bạn. Chồng bà hứa sáng nầy ông sẽ về hỏi lại cho rành, rồi ông sẽ cậy người đi tìm dùm cho. Vậy bà mời bạn qua chơi cho gặp chồng bà mà nói chuyện.

Bà Ngọc biết ông Thái là người chơn chánh đàng hoàng, dầu ông có hiểu tâm sự của bà không lẽ ông cười chê, vì hai nhà đã thân thiết cùng nhau như một. Bà liền đi theo qua nhà bà Hòa đặng gặp ông Thái mà cậy ông lập thế tìm con bà dùm cho bà.

Hai bà ngồi nói chuyện với nhau một lát thì xe rước ông Thái về tới. Ông bước vô chào bà Ngọc, tỏ lời mừng cậu Khánh đã được lành mạnh và được thăng thưởng, rồi ông mới nói: “Hồi hôm mẹ sắp nhỏ vô thăm tôi bả có than hồi trước cô rủi bỏ lạc mất một đứa con gái cỡ tuổi hai đứa nhỏ tôi, mất tại vùng Thị Nghè. Từ ấy đến nay cô buồn rầu nên sanh bịnh. Mẹ nó không biết ai mà cậy kiếm dùm đứa con nhỏ lại cho cô. Tôi nhớ mài mại, lâu lắm nên không chắc năm nào, tôi cũng nghe ở đó có người gặp một cái rương ban đêm bỏ nằm trên lề đường, trong rương có một đứa nhỏ còn sống họ mới đem về họ nuôi. Việc đó không có chi lạ, nên nghe rồi tôi bỏ qua, không lưu ý. Bây giờ tôi nghe mẹ sắp nhỏ nói như vậy, tôi nhơn dịp rảnh tôi chạy về hỏi cô lại cho biết vài chi tiết đặng tôi cậy người dọ dẫm mà tìm dùm con cho cô. Đời nầy thiên hạ yêu ma lắm họ nghe mình mất con mình tìm kiếm, mà nhà mình có cơm tiền, họ đem con họ đến mà nói bướng là đứa nhỏ họ xí được hồi trước cho mình nhìn đặng họ xin tiền mà ăn và con họ được sung sướng tấm thân. Mất con hồi nó còn nhỏ, bây giờ nó lớn rồi, mặt mày tướng mạo đều đổi khác hết, mình làm sao mà biết phải hay là không phải mà dám nhìn. Nhìn bướng thì sợ lầm mưu gian, mà không nhìn thì sợ mất cơ hội. Vậy cô cho tôi biết coi cô mất em nhỏ năm nào? Lúc ấy em được bao lớn? Lúc đó em mặc quần áo gì, có đeo nữ trang hay không? Mất em với cái rương mà trong rương có vật gì cô nhớ hay không? Tôi muốn biết ít điều đó đặng dễ tìm và khỏi sợ bị gạt gẫm“.

Bà Ngọc thấy ông Thái thành thật muốn giúp bà thì bà mừng quá nên quên hết dè dặt bà không cần dấu diếm bà vội vã nói:

- Nếu anh sẵn lòng làm phước kiếm dùm con tôi thì tôi mang ơn lắm, không thể nào tôi dám quên.

- Từ đó đến giờ cô có đi kiếm hay là cậy ai kiếm dùm hay không?

- Tôi có quen biết với ai ở vùng Thị Nghè đâu mà cậy. Còn phận tôi thì khổ lắm, hôm qua tôi có tỏ thiệt với chị, mà vì tôi có dặn nên chắc chị không có nói lại với anh. Khi mới lớn tôi có giao tình với một anh học sinh nghèo mà học giỏi, hai đàng thề thốt cuộc trăm năm tơ tóc với nhau. Anh học sinh thi đậu rồi cậy mai nói mà xin cưới. Cha tôi nhứt định không chịu gả. Anh học sinh nghèo giận cha tôi nên xin học bổng đi qua tây mà học y khoa. Cả nhà ảnh đều oán ghét cha con tôi hết thảy. Tôi có thai nghén. Cha tôi lại có cuộc lôi thôi về việc làm ăn. Tôi giả chước đau nên xin lên Đà Lạt ở dưỡng sức. Tôi sanh con gái mới được 22 ngày thì cha tôi cho xe lên rước tôi về, biểu phải về gấp. Tôi bồng con nhỏ về. Cha tôi giận rồi bắt tội tôi làm nhơ nhuốc cả tông môn và ép buộc tôi phải bỏ biệt con tôi đặng cha tôi gả tôi cho ông Phủ Cù.

- Phải ông đó là nhơn viên tín nhiệm của Sở mật Thám Pháp hay không cô?

- Thưa phải. Ổng lớn tuổi bằng hai tuổi tôi mà ổng lại có danh không tốt lành gì. Ổng có quyền thế nên người ta sợ chớ không phải thương yêu. Thiệt lúc đó tôi khổ tâm hết sức. Chiều hôm qua tôi có thuật rõ cho chị nghe tại sao tôi phải vâng lời cha tôi, đem con đi bỏ đặng lấy chồng, tại sao tôi để theo trong rương với con tôi bức thơ và 5 ngàn đồng bạc.

- Bức thơ cô nói việc chi?

- Tôi yêu cầu ai được đứa con tôi thì làm phước dấu mà nuôi dùm nó. Tôi xin thương yêu nó, lúc nó thơ ngây thì săn sóc, chừng nó khôn lớn thì dạy dỗ dùm cho ngày sau nó khỏi vất vả hư thân. Tôi vái van Trời Phật độ mạng dùm con tôi, xui khiến cho người hiền lành gặp nó rồi đem về mà nuôi.

Bà Ngọc nói tới đó rồi bà khóc sướt mướt.

Ông Thái biết trúng rồi, nhưng ông còn hỏi thêm.

- Thơ cô có ký tên và biên chỗ ở hay không?

- Thưa không. Tôi dấu kín mà ký tên sao được. Nhưng trong thơ cô có nói tôi đặt cho nó tên Lý và nói nó sanh được 25 ngày.

- Chuyện đo hồi năm nào?

- Năm 1930, bởi vậy con tôi có một tuổi với hai cháu bên nầy.

- Vậy hả? Cô có cho nó đeo vật chi hay không?

- Có đeo một dây chuyền nhỏ có hình ông Phật mua trên Đà Lạt.

Ông Thái đứng dậy ngó vợ mà cười rồi biểu dạy người nhà bắc ghế bưng cái rương để trên đầu tủ đó mà đem ra coi. Bà hòa cũng cười mà nói hồi nãy bà có biểu đem xuống rồi. Bà vừa cười vừa đi vô buồng. Bà bưng một cái rương ra để trên ván, gần chỗ bà Ngọc ngồi mà nói: “Cô Hai coi hồi trước cô bỏ em nhỏ trong cái rương giống như cái rương nầy hay không?”.

Bà Ngọc ngó chăm chăm cái rương và nói: “Ừ. Rương tôi hồi trước giống như cái rương nầy, nhưng tôi nhớ không có đánh vec-ni“.

Bà Hòa nói: “Thứ nầy mối mọt hay ăn. Phải sơn vec-ni để dành lâu được“.

Ông Thái nói: “Cô hai dở nắp soạn đồ ra mà coi“.

Bà Ngọc lết lại gần, dở nắp rương ra thì thấy có ba bốn gói đồ, trên lại có một bao thơ. Bà lấy bao thơ cầm đọc hai hàng chữ đề ngoài: “Ai gặp cái rương nầy, xin xé bao thơ nầy ra mà đọc thì hiểu mọi việc”. Bà đọc rồi bà la lớn: “Ý! Chữ tôi viết hồi đó đây mà. Té ra rương của tôi! Sao lại lọt vào nhà anh chị?”.

Vợ chồng ông Thái ngó nhau mà cười, chớ không trả lời.

Bà Ngọc thấy bao thơ đã xé rồi, bà trút ra thì có một bức thơ với một sợi dây chuyền. Bà càng la lớn: “Thơ cũng của tôi viết đây nữa nè. Còn sợi dây chuyền của con nhỏ tôi rõ ràng. Tôi mua trên Đà lạt cho con tôi đeo. Đây có hình ông Phật dẹp nữa đây. Chắc chắn rồi! Còn nghi gì nữa. Anh chị được cái rương của tôi chớ gì. Phải hôn? Xin nói cho tôi biết. Tội nghiệp tôi lắm mà. Dấu tôi làm chi“.

Ông Thái chống nạnh đứng ngó bà Ngọc mà đáp “Chánh tôi được. Tôi đem về nhà rồi vợ chồng tôi nuôi từ đó đến giờ“.

Bà Ngọc sững sờ hỏi: “Nếu vậy con Lý đó là con của tôi phải hôn?“.

Bà Hòa dành mà đáp: ”Phải. Con Lý của tôi đó là đứa nhỏ nằm trong rương, cha nó gặp nên đem về nuôi từ hồi đó tới giờ“.

Bà Ngọc lật đật bước xuống gạch, không kịp mang giày, chắp tay xá vợ chồng ông Thái, bà vừa khóc vừa nói: “Vậy thì trời phật linh thiêng quá, thấy tôi đau khổ nghe tôi van vái; động lòng thương, nên khiến anh gặp mà đem về rồi hai ông bà nuôi dùm cho tôi. Tôi đội ơn hai ông bà nặng lắm đến chết tôi cũng không quên. Té ra con tôi ở một bên đã mấy năm rồi, lúc sau nầy nó lại qua nhà tôi mà ngủ nữa. Vậy mà tôi có dè đâu! Tôi cứ thương nhớ buồn rầu hoài. Hồi nó mới qua thăm tôi lần đầu, trời khiến trong lòng tôi phát nghi. Tại chị nói hai đứa nó sanh đôi nên tôi không dám hỏi kỹ“.

Ông Thái nói: “Thôi, cô ngồi lại, ngồi rồi sẽ nói chuyện“.

Hai bà ngồi bên ván. Ông Thái ngồi cái ghế gần một bên đó.

Bà Hòa sắp mấy gói trong rương ra và mở cho bà Ngọc coi. Một cái mền vuông nhỏ, một gói tã, một gói áo và một gói vớ, khăn thì bà cho nó dùng luôn nên tiêu hết rồi. Còn đồ nầy nó lớn hết dùng được thì bà giặt ủi làm kỷ niệm đặng sau cha hay mẹ nó có tìm thì biết mà nhìn. Bà Ngọc nhìn nhận đồ nầy là đồ bà sắm cho con hồi mới sanh trên Đà Lạt.

Để cho bà Ngọc vui mừng đã thèm rồi ông Thái mới kể đầu đuôi chuyện ông gặp cái rương với con Lý. Đem về nhà thấy thơ với tiền bạc vợ chồng ông bàn tính rồi dấu mà nuôi theo ba điều ký thác trong thơ. Lúc đó con Đào sanh được 28 ngày, sanh trước Lý 3 bữa. Thương yêu thì vợ chồng ông ra giữa Tòa lập khai sanh nhìn nhận hai đứa là con song thai cũng để tên Lý đã đặt cho con nhỏ trong thơ. Đã nhìn nhận là con thì tự nhiên thương hai đứa đồng nhau, cho ăn cho mặc cũng như nhau, rồi cũng cho chị em đi học với nhau, không phân biệt con ruột con nuôi gì hết. Ông nói vợ chồng ông chú trọng làm y theo lời phú thác không dám sai một mảy.

Bà Ngọc nói gần nhau mấy năm nay bà thấy rõ hai vợ chồng đối với ba con thì thương yêu đồng nhứt thể, mà ba đứa nó cũng thương nhau như ruột thịt. Tại vậy nên bà không dám gạn hỏi. Bà cứ nói ơn của vợ chồng ông Thái lớn quá, bà không biết làm sao mà đền đáp cho vừa.

Ông Thái cười mà nói bà Ngọc mang ơn vợ chồng ông mà vợ chồng ông cũng mang ơn bà nặng lắm. Ông mới thuật lúc ấy vợ chồng ông nguy nan đáo để, nhờ có 5 ngàn đồng bạc của bà, vợ ông mới uống thuốc hết bịnh, con ông mới có sữa bú và ông mới có vốn làm ăn sanh lợi mà cho con ăn học và mua nhà cửa mà ở cho êm ấm đây. Ơn ấy vợ chồng ông cũng không quên, bởi vậy thuở nay thường mong gặp người mẹ của con Lý coi như thiệt biết thương con và muốn nhìn con thì ông sẽ giao lại; nếu người ta làm lơ thì vợ chồng ông không cần cho nhìn làm chi.

Bà Hòa tiếp nói năm mới quen nhau thì bà có ý nghi. Nhưng nghe nói con mất hồi còn trong tháng bà tưởng là chết mất, chớ không dè bỏ mất. Tại bà Ngọc cứ dấu tâm sự, đến bây giờ mới nói thiệt ra nên bà Hòa không dè bà là người chở con Lý đem bỏ mà nói.

Bà Ngọc nói tại tâm sự của bà không tốt lành gì, sợ nói ra chị em cười càng thêm xấu hổ, bởi vậy trót hai mươi năm nay bà buồn rầu thương nhớ phận con mà sanh bịnh. May bà có thêm Khánh nên bà phải gượng gạo làm lảng mà sống đặng nuôi dạy con, chớ nếu không có Khánh thì khi ông già chết rồi, bà đã tự vận mà theo mẹ cha, hoặc đã cạo đầu vô chùa mà tu, đặng chuộc tội lỗi vì muốn trọn thảo với cha mà phải cắt ruột đem con bỏ giữa đường, phải ly biệt đứa con mới sanh, nó còn mất không hay nó sướng cực không kể.

Bà nói mà bà khóc mướt, khóc rồi bà lại vui cười hớn hở mà nói: “Thôi, cái khổ của tôi nhờ ơn anh chị phá tan dùm cho tôi rồi. Tôi hết buồn rầu nữa, từ rày về sau chắc tôi mạnh. Tôi phải sống mà vui với hai đứa con tôi. Tìm được con Lý rồi, thì tôi không còn buồn gì nữa. Tôi có khẩn vái Trời Phật cho tôi tìm được con thì tôi cạo đầu và ăn chay trường mà tạ ơn Trời Phật. Tìm được con Lý rồi, tôi phải làm y theo lời nguyện cho khỏi tội lỗi với đấng thiêng liêng”.

Ông Thái liền can: “Khoan! Tôi xin phép mà khuyên cô Hai nên chầm chậm mà suy nghĩ, chẳng nên vội lắm. Vì muốn trọn thảo với cha già, cũng cần giữ danh giá, nên cô phải lìa con là máu thịt của cô. Bây giờ cô tìm lại được cô mừng, tự nhiên cô nhớ ơn Trời Phật. Tình mẹ thương con hơn hai mươi năm nay làm cho cô bứt rứt, bây giờ cô muốn bộc lộ vui mừng hoàn toàn để bù trừ nỗi niềm đau khổ hồi xưa. Mấy điều ấy là tâm tánh tự nhiên của con người tôi hiểu lắm nên tôi không dám cản. Nhưng tôi chắc thuở nay cô dấu với mọi người, cô không cho ai biết cô bỏ con Lý đặng lấy chồng. Có lẽ cậu Khánh cũng không dè cậu có một người chị khác cha. Còn con Lý thì chắc chắn nó không biết nó có bà mẹ nào khác hơn vợ tôi.

Bây giờ thình lình cô nói cho con Lý hay cô là mẹ đẻ nó, vì hồi nó mới sanh cô chở nó mà bỏ nó đặng lấy chồng nên hôm nay mới gặp nó lại được đây. Cô nói như vậy nó có vui mà nhìn cô là mẹ hay không? Còn nếu cậu Khánh không hiểu nỗi lòng đau khổ của cô ngày trước bây giờ thình lình cô viết thơ cho cậu hay, cô mới tìm được đứa con gái khác cha, cô chắc cậu sẽ vui mừng mà nhìn nhận người chị như vậy hay không? Nếu cậu hỏi cha của người chị ấy là ai? Thuở nay người chị ấy ở đâu mà bây giờ cô tìm lại được? Tôi thấy khó cho cô mà trả lời lắm. Vậy cô nên suy nghĩ cho kỹ. Mừng thì để bụng, chớ làm gấp quá thì tôi sợ e sự vui mừng đó nó làm rối trong gia đình cô mà nó còn làm giảm lòng kính yêu của con cô nữa“.

Bà Ngọc ngồi sửng sờ mà suy nghĩ rồi bà thở một hơi dài mà than: “Người ta nói thế gian là biển khổ; đường đời đầy chông gai. Thiệt trúng lắm. Hạnh phúc cũng khó tìm, mà tìm được rồi cũng không phải dễ mà hưởng liền được. Lời anh khuyên tôi đó đúng lắm, tôi cảm ơn anh vô cùng. Nếu tôi nhìn con Lý là con thì cũng như thằng Khánh đứa nào cũng hỏi duyên cớ. Chúng nó hỏi rồi tôi trả lời cách nào cho xuôi được. Nếu tôi nói thiệt hết, thì con Lý có lẽ oán ghét tôi chớ thương yêu gì. Còn thằng Khánh thuở nay nó có biết tâm sự của tôi đâu, tự nhiên nó hết thương yêu cung kỉnh tôi nữa. Vậy tôi xin anh chị giấu dùm sự nầy, đừng có cho con Lý biết gì hết. Để tôi suy nghĩ ít bữa rồi mấy bà con mình sẽ bàn với nhau. Rương đồ chị cũng cất lại bên nầy“.

Ông Thái tiếp dặn vợ kín miệng, đừng cho Lý hay Đào biết sự nầy. Ông biểu gói đồ bỏ vô rương bưng mà cất như cũ, để làm vật kỷ niệm chung của hai nhà, rồi ông từ giã lên xe trở vô Bà Chiểu.

Bà Ngọc ngồi soạn đồ của con hồi nhỏ mà coi lại, bà mừng rỡ nên nói cười rồi bà buồn tủi nên rơi lụy. Bà xin bà Hòa cho bà mượn bức thơ với sợi dây chuyền lại đặng bà cất trong tủ sắt, để nhớ công ơn của vợ chồng bà nọ cứu giúp bà quá ý bà muốn, nghĩ ví dầu bà để Lý mà nuôi, bà không chắc gì bà thương yêu dạy dỗ Lý cho bằng vợ chồng bà Hòa được.

Bà Hòa cũng thành thiệt tỏ lời cám ơn bà Ngọc, nói ngay rằng trong lúc nguy nan nhờ có số bạc 5 ngàn đó mới thoát khỏi cảnh nghèo khổ đau ốm rồi làm ăn phát đạt lần lần mới gây dựng sự nghiệp và nuôi con ăn học được như vầy.

Bà Hòa để bức thơ với sợi dây chuyền vô bao mà đưa cho bà Ngọc bỏ túi, rồi hai bà xếp gói đồ kia lại tử tế để vô rương cho bà Hòa bưng vô buồng mà cất. Hai bà nằm nói chuyện chơi, cả hai đều đồng ý cho việc nầy là việc của trời định. Trời muốn giúp cả hai nhà, nên mới khiến người nầy thiếu tiền thì được người kia giúp, người kia sanh con mà nuôi không được thì người nầy lãnh nuôi dạy dùm. Vậy hai nhà từ rày coi như một, chia buồn chung vui với nhau, khắng khít thương yêu nhau, đừng ái ngại chi hết.

Hai bà nói chuyện tới mấy cô cậu đi học về, Bà Ngọc nhìn Lý mặt mày bà hớn hở tươi sáng như trăng rằm. Bà nói với Lý ở nhà ăn cơm một mình buồn quá, bà ăn không ngon, bà qua chơi từ sớm mơi tới giờ, bà có ý chờ Lý về đặng bà rủ Lý hoặc Đào qua một người ăn với bà cho vui. Bà Hòa biểu Lý đi rồi bữa khác tới phiên Đào. Bà Ngọc với con song song đi ra sân mà về. Bà Hòa đứng ngó theo, bà chúm chím cười, trong lòng hân hoan vì đã làm được một việc ân nghĩa toàn vẹn.

Trong lúc mẹ con ngồi ăn cơm, bà Ngọc cứ ngó Lý mà cười hoài. Bây giờ bà mới nhận thấy Lý có nhiều điểm giống bà, tay cầm đũa giống, khi ngó lên cặp mắt giống, chừng nói chuyện khóe miệng giống, tướng đi yểu điệu giống mà tánh nết ôn hòa cũng giống. Bà lấy làm tiếc được gần một bên con mấy năm rồi mà bà không biết săn sóc con nhiều hơn cho thỏa tình mẹ con, để buồn rầu tưởng nhớ hoài làm mất hạnh phúc hết mấy năm thiệt là uổng. Bà muốn ướm thử lòng con nên bà nói: “Anh chị bên nhà có phước sanh được tới hai gái. Má Hai không có con gái đặng hủ hỉ cho vui. Má hai tính xin với anh chị chia bớt cho Má Hai một gái, chia đứt cho ở luôn bên nầy làm con của Má Hai. Làm như vậy mỗi nhà đều có gái có trai cho vui đồng hết. Con sẵn lòng chịu qua ở luôn với Má Hai hay không“.

Lý cười và đáp: “Hai nhà ở khít một bên nhau. Chị em con sanh đôi, thuở nay không rời nhau. Chia rẽ bên nầy bên kia sợ không nên. Chị em con phân phiên qua ngủ với Má Hai như xưa rày vậy cũng được rồi. Cần gì phải chia riêng một người ở luôn với Má Hai, làm cho cha mẹ con buồn, mà chị em con cũng bớt vui“.

Bà Ngọc hiểu ý con không đành bỏ vợ chồng ông Thái về ở với bà, bởi vậy bà bỏ qua mà nói chuyện khác, thầm tính để thủng thẳng tìm cách mà dụ, không nên vội mà sanh rắc rối, dầu không được công khai nhìn nhận con mà mình đã được gần gũi hàng ngày, Lý nói chuyện với mình Lý xưng con và gọi mình là má Hai thì cũng đủ an ủi cho mình hết buồn lo nữa.

Buổi chiều đó bà Ngọc qua bàn tính với bà Hòa nữa; một đàng thì sẵn lòng giao trả con lại đặng cho rõ ràng ý thành thiệt vừa làm nghĩa vừa đền ơn, tin chắc dầu có trả cũng không mất đâu mà sợ; còn một đàng thì cũng muốn được chánh thức nhìn con để gỡ cái tội đoạn tình mẹ con ngày trước, ngặt nhìn thì phải nói thiệt, mà nói thiệt thì sợ đụng chạm đầu nầy, xích mích đầu nọ, bởi vậy hai bà bàn tính trót mấy ngày mà tìm không ra được một chước nào hết.

Bà Ngọc cùng thế rồi, bà nghĩ ông Thái là người xử sự khôn ngoan, sáng suốt, bà rủ bà Hòa đi vô tiệm mà hỏi ý kiến của ông. Một buổi chiều bà biểu sốp phơ đem xe của bà ra rồi bà Ngọc ra rước bà Hòa đi Bà Chiểu.

Buổi chiều tiệm bán bàn ghế ít khách. Ông Thái thong thả mà nói chuyện nhà. Ông nghe hai bà than không biết làm cách nào cho mẹ con Lý nhìn nhau được ấm êm xuôi thuận.

Ông Thái suy nghĩ một chút rồi ông nói: “Hổm nay hễ có rảnh thì tôi thường nghĩ đến việc đó. Thiệt tôi cũng bí lối, không thấy ngã nào ra cho được vui vẻ rõ ràng. Cô hai đã thấy lòng dạ vợ chồng tôi thành thiệt biết ơn cô nên muốn giao con Lý lại cho cô đặng mẹ con vui sum hiệp. Con Lý khôn lớn rồi, học đã gần thành tài, vợ chồng tôi sắp nhờ nó được. Nếu vợ chồng tôi có lòng ích kỷ dầu biết chắc cô Hai là mẹ ruột của Lý đi nữa, vợ chồng tôi lặng thinh không thuật chuyện tôi gặp nó cho cô nghe, không đem rương đồ ra cho cô nhìn, thì cô làm sao mà biết nó là con của cô. Mà dầu cô biết đi nữa, con Lý là con song thai của vợ chồng tôi, có Tòa chứng nhận khai sanh rành rẽ, lại từ khi nó biết nói biết đi thì nó chỉ biết vợ chồng tôi là cha mẹ nó, chớ nó có biết cô đâu, nên vợ chồng tôi đâu sợ cho nó nhìn cô rồi nó theo cô mà bỏ vợ chồng tôi. Tôi không sợ vợ chồng tôi mất phần kỉnh yêu của nó đâu. Tôi lo là lo cho phận cô Hai mà thôi, sợ cô nhìn con rồi gia đạo không được an vui mà lại gây cảnh lợt lạt và xào xáo. Theo ý tôi thì đống tro tàn đã nằm êm một chỗ rồi, nên để cho nó êm luôn không nên bươi xới cho nó bay bụi. Con Lý mấy năm nay đã quen kỉnh yêu cô Hai cũng như nó kỉnh yêu mẹ nó, nó đã gọi cô là má Hai cô muốn thấy mặt nó giờ nào cũng được hết. Tôi tưởng nên để nó làm đứa con chung của hai nhà, cô hiệp với vợ chồng tôi mà chăm nom lo lắng, vậy cũng được, chẳng cần cô phải kể chuyện cũ cho nó biết, cũng chẳng cần cho cậu Khánh hay rồi công khai nhìn nhận nó là con làm chi. Thuở nay cô Hai ăn năn về sự bỏ con, không biết nó còn hay mất hư hay nên cô buồn quá nên sanh bịnh. Bây giờ cô hai đã tìm được con rồi, nó ở một bên, nó lui tới hàng ngày, cô biết nó không hư hèn, không cực khổ, cô đã yên lòng rồi, cô vui đỡ như vậy cũng được. Tôi ví dụ cho cô hai nghe: nhà cô rủi phát hỏa, cô đương lo sợ cháy tiêu hết, may Trời xáng xuống một đám mưa lớn dụt tắt ngọn lửa mà cứu cô. Lửa cháy xém chút đỉnh, sửa lại được chớ không hư hại cho lắm. Trời cứu cô như vậy cũng nhiều lắm rồi. Cô tu bổ nhà lại mà ở, cô không nên kêu đòi thái quá, không nên trách trời tại sao không mưa sớm một chút cho nhà cô còn y nguyên, lửa phát cháy tại cô vô ý hơ hỏng gây họa, chớ phải tại Trời đốt hay sao mà trách Trời. Cô phải suy nghĩ lại“.

Bà Ngọc nghe ông Thái phân trần chí lý, ông chỉ lợi hại rõ ràng thì bà cảm phục quá. Bà nhứt định áp dụng ý kiến của ông, để yên Lý làm đứa con chung, không cần công khai nhìn mẹ con làm chi cho sanh chuyện rối rắm. Nhưng bà xin vợ chồng ông Thái từ rày mỗi ngày cho phép Lý với Đào một người ăn cơm chung với bà cho bà vui. Bà không dám xin miệt một mình Lý sợ hai trẻ phân bì sự sơ thân mà sanh xích mích.

Vợ chồng ông Thái thỏa thuận như vậy cho bà Ngọc vui lòng, chờ thời gian trải qua, cuộc đời hoặc may có biến đổi đạo nhà, nếu được xuôi thuận rồi sẽ bàn nhau lại.