CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP

NGƯỜI ÁM SÁT

Docsach24.com

rong quá trình thu thập dữ liệu cho cuốn CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP, đôi khi tôi bất ngờ bắt gặp một câu chuyện đăc biệt. Trong bốn câu chuyện sau đây, Người Ám Sát thu hút tôi nhất khi một mảng riêng tư được phơi bày.

NGƯỜI ÁM SÁT

Đôi khi số phận đẩy chúng ta vào một con đường không hề định trước – tương tự như chuyến trở lại Việt Nam đã làm thay đổi thái độ của tôi trước kẻ thù cũ. Sự kỳ lạ của số phận cũng đã dẫn tôi tới cuộc gặp gỡ với Thiếu tướng Trần Hải Phụng. Trong cuộc phỏng vấn với ba người này, tôi rất kinh ngạc khi biết được rằng một phần tư thế kỷ về trước, ông suýt chút nữa đã giáng thảm họa lên gia đình chúng tôi.

Vì muốn tìm hiểu về địa đạo Củ Chi – hệ thống hầm ngầm ở mạn Tây Bắc Sài Gòn được người Việt Nam sử dụng suốt chiến tranh – tôi lên kế hoạch phỏng vấn người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động  của địa đạo ấy. Ông lag vị tư lệnh quân địa đạo Củ Chi, Tướng Phụng.

Từng chiến đấu dưới địa đạo thời chống Pháp từ thập niên 1940 nên ông Phụng biết rất rõ hệ thống này. Ông đã kể tỉ mỉ về lịch sử địa đạo, cách thức thiết kế, xây dựng, việc chuyển đổi tính năng từ một căn cứ phòng thủ sang bàn đạp tấn công, v.v. – Tất cả đều được đề cập trong cuốn sách này.

Ông Phụng giải thích cho tôi biết rằng nhiệm vụ của ông trong chiến tranh bao gồm tổ chức và chỉ huy các cuộc đột kích vào nhiều loại mục tiêu tạo Sài Gòn và vùng kế cận – những cuộc tấn công chỉ được tiến hành theo sau một kế hoạch cặn kẽ và có sự phối hợp nhịp nhàng. Tôi chăm chú nghe ông liệt kê ra một loạt mục tiêu mà ông từng tấn công: “… Dinh Tổng thống, đài phát thành, Đại sứ quán Mỹ, tổng hành dinh hải quân…”. Khi ông Phụng nói đến mục tiêu cuối cùng ở trên, tôi đã cắt ngang với một loạt câu hỏi:

“Ý ông là Tổng hành dinh của Hải quân Mỹ?”, tôi chất vấn.

“Đúng vậy”, ông đáp. Khi ông đáp lại bằng một nụ cười, tôi thấy con người này dường như biết rõ những câu hỏi mà tôi sắp đưa ra.

“Đó là Tổng hành dinh Hải quân Mỹ ở Sài Gòn?”, tôi hỏi tiếp.

“Đúng thế”, ông lại đáp.

“Đó là năm 1969?”, tôi lại hỏi.

“Đúng rồi”, ông lại cười. (Tôi thấy mình giống như một chuyên gia chất vấn trong chương trình truyền hình “Nghề của tôi là gì?” nổi tiếng thời thập niên 1950/1960, trong đó người hỏi sẽ tiếp tục đặt câu hỏi chừng nào người trả lời còn đưa ra những câu khẳng định).

“Mục đích của cuộc tấn công đó là gì?”, tôi chất vấn và nín thở chờ câu trả lời.

“Để giết vị đô đốc chỉ huy Hải quân Mỹ ở Việt Nam”, ông đáp.

Tôi cần một câu trả lời cuối cùng để xua đi cái hoàn cảnh trớ trêu này. Tôi không chắc lúc đó mình thực sự muốn biết câu trả lời ấy.

“Ông có biết người đó là ai không?”, tôi hỏi.

“Có chứ, ông ấy là cha của ông”.

Không thể tin được. Tôi nhớ lại lần đầu tiên nhận được tin về vụ tấn công hồi mùa xuân năm 1969. Vụ việc diễn ra vào ngày 11 tháng 5 năm 1969. Khi đó tôi đang nghe đài phát thanh, đến phần điểm tin chiến sự. Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ rõ lời phát thanh viên hôm ấy: “Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự cho Việt Nam vừa cho biết có một nỗ lực ám sát nhằm vào tư lệnh Hải quân Mỹ ngay tại tổng hành dinh ở Sài Gòn. Không có báo cáo về thương vong”.

Tôi không thể nghe phần tiếp theo của bản tin – sau khi bị sốc vì phần mở đầu này. Phải mất nhiều tiếng đồng hồ tôi mới gọi điện được đến trụ sở của cha tôi và biết ông vẫn bình an.

Nhiều năm sau, tôi đã có dịp nói chuyện trực tiếp với người chịu trách nhiệm mưu sát cha tôi và qua đó có thể sắp xếp lại những tình tiết của câu chuyện mà tôi chỉ biết rất mơ hồ vào thời đó.

Ông Phụng đã dành nhiều tuần để lên kế hoạch sau khi người của ông thoe dõi hoạt động tại trụ sở của cha tôi. Tổng hành dinh COMNAVFORV ở trung tâm Sài Gòn có tường bê tông rất dày, cao hơn hai mét bao quanh. Bốn mặt giáp với các con phố đông đúc. Tường che có tác dụng bảo vệ an ninh tương đối tốt, không những ngăn sự xâm nhập của Việt Cộng từ bên ngoài mà còn che đậy cho hoạt động bên trong. Nhưng điều mà người Mỹ không hề biết, đó là quân của ông Phụng đã theo dõi cơ sở này khá kỹ từ các vị trí thuận lợi cả từ bên trong và ngoài khu nhà – trinh sát bên ngoài được một điệp viên bên trong hỗ trợ. Sau nhiều lần quan sát kỹ, ông Phụng phát hiện ra một kiểu hoạt động đặc thù của những con người bên trong khu trụ sở.

Là Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam, cha tôi làm việc theo một lịch trình khá cố định. Ông thường bắt đầu một ngày bằng việc chạy bộ bên trong khuôn viên trụ sở vào lúc sáng sớm, tiếp đó là họp với nhân viên. Tùy vào nội dung bản báo cáo về chiến sự diễn ra vào đêm hôm trước mà ông có thể ở lại trụ sở hoặc bay trực thăng ra gặp những người đang chiến đấu ngoài mặt trận.

Như đã nói ở Phần mở đầu, ngay sau khi tới nhận nhiệm vụ, cha tôi đã triển khai một chiến lược chiến tranh mới trên hệ thống sông nước Việt Nam. Chiến lược này đã mang lại hiệu quả lớn cho Hải quân trong việc ngăn chặn sự tiếp vận của Việt Cộng vào miền Nam. Quân nhu bị cắt đứt, hoạt động của Việt Cộng ở vùng đồng bằng giảm xuống, thương vong của Lục quân Mỹ cũng giảm. Ông Phụng biết rõ thành công của cha tôi.

Cha tôi thường tới căn cứ ở trong rừng để thăm các thủy thủ vừa chiến đấu đêm hôn trước và các chuyến thăm kết thúc vào cuối buổi sáng. Sau đó, cha tôi trở về trụ sở, triệu tập thêm một cuộc họp nữa để rút kinh nghiệm. Buổi họp kết thúc vào giờ ăn trưa. Tuy nhiên, cha tôi cùng một vài nhân viên thường tập thể dục chứ không ăn trưa. Khuôn viên trụ sở có một sân bóng chuyền nằm sát vách tường ngăn cách với một đường phố tấp nập. Những pha bóng sôi nổi hằng ngày giúp các nhân viên tạm thời quên đi không khí chiến tranh xung quanh.

Điều đáng tiếc là bên trong khuôn viên, nhiều người tỏ ra chủ quan. Trong thời chiến, chủ quan sẽ dẫn đến thảm họa. Cha tôi luôn hối thúc hạ cấp không được chủ quan – ông lệnh cho họ phải thường xuyên thay đổi chiến thuật và lịch trình làm việc để khiến kẻ thù khó đoán định được để mà lợi dụng. Nhưng có vài lần hiếm hoi cha tôi không thực hiện được điều mà ông chủ trương.

Khi nhận được thông tin tình báo về hoạt động của cha tôi, Tướng Phụng liền lên kế hoạch hành động. Ông biết rằng để cho cú đấm thành công, cần phải hội đủ một số yếu tố quan trọng.

Trước hết là yếu tố bất ngờ. Cần phải tiếp cận mục tiêu ở cự ly rất gần trước khi tung ra cú đánh. Ông Phụng cho rằng phải sử dụng một lực lượng gọn nhẹ.

Tiếp theo, ông Phụng cũng hiểu rõ dùng một lực lượng nhỏ để đột kích khu trụ sở chẳng khác gì tự sát. Dù đoán vành đai an ninh khá lỏng lẻo, ông vẫn nghĩ rằng cần phải sử dụng một lực lượng lớn hơn để tấn công trực tiếp, nhưng phương cách này lại làm giảm yếu tố bất ngờ.

Cuối cùng, cần có kế hoạch rút lui cho nhóm hoạt động. Phương tiện hỗ trợ rút lui cần phải gọn nhẹ để các tay súng có thể tiếp cận dễ dàng và rút đi trong chớp mắt.

Kế hoạch cuối cùng của ông Phụng có cả ba yếu tố trên. Ông lập một nhóm tấn công gồm hai người, yêu cầu phải thực hiện tất cả những công đoạn đã được vạch ra.

Hóa trang cẩn thận, hai sát thủ đi trên một chiếc xe gắn máy. Một người cầm lái, người kia ngồi phía sau ôm theo một bọc trước bụng. Xế trưa một ngày rất nóng vào tháng 5, chiếc xe gắn máy hòa vào dòng người tấp nập trên đường phố áp với trụ sở COMNAVFORV, phía bức tường che chắn sân bóng chuyền.

Hai người biết rõ cần đi bao xa dọc con phố này sẽ đến được vị trí tương ứng với sân bóng chuyền phía bên trong bức tường. Nội gián bên trong khu trụ sở là một đầu bếp, người này đã lén đánh dấu trên bức tường bên ngoài chỗ sân bóng chuyền. Tới được nơi này, những kẻ tấn công chỉ còn cách mục tiêu một bức tường bê tông cao hơn hai mét.

Người ngồi phía sau xe liếc nhanh qua đám lính gác. Một người lính đứng ở góc đường tỏ ra mất tập trung. Khi lái xe giảm tốc độ, ngay lập tức, người ngồi sau quẳng cái bọc ôm trước bụng – là một bọc thuốc nổ - qua bức tường, nhằm vào sân bóng chuyền bên trong khuôn viên.

Người này định vị và ném rất chính xác, khối thuốc nổ rơi ngay giữa sân. Chiếc xe máy lập tức rồ ga, lách qua dòng người đang chạy chầm chậm trên đường để thoát khỏi sự truy đuổi.

Vài giây sau, một tiếng nổ chấn động khu dinh thự. Đất và mảnh vỡ bay tứ tung ra cả con phố bên cạnh khiến mọi người nháo nhào tìm nơi ẩn nấp.

Cuộc tấn công mà ông Phụng chỉ đạo là kết quả của hàng tháng trời thu nhập tin tức và lên kế hoạch cẩn thận. Vụ tấn công đã diễn ra trót lọt – nhưng thất bại. Cha tôi vẫn tuân theo các hoạt động thường nhật nhưng ông Phụng lại mắc sai sót. Vị tướng này chỉ phạm một sai lầm đơn giản nhưng rất hệ trọng – ông đã không thể xác định được vị trí của mục tiêu trước khi phát động tấn công.

Ngay trước khi các nhân viên chuẩn bị chơi bóng chuyền, cha tôi được triệu tập tham dự cuộc họp tại trụ sở Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam. Vì thế, trận bóng thường lệ bị hủy vào phút chót. May mắn cho cha tôi nhưng không may cho ông Phụng là khối thuốc đã nổ trên mặt sàn trống trơn.

Lúc tôi phỏng vấn xong, Tướng Phụng đứng dậy bắt tay: “Khi nào gặp lại cha anh, cho tôi gửi lời xin lỗi”, vị tướng nói. “Nhưng cũng hãy nói cho ông ấy rằng tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ của một người lính”. Là một quân nhân, tôi hiểu rõ điều ông Phụng nói. Tôi cảm ơn về lời xin lỗi và nói thêm: “Thật may là ông đã đánh hụt mục tiêu!”.

Tôi muốn nói về sự trớ trêu và những cảm xúc trong thời khắc ấy. Tôi đang đứng đối diện với người từng tìm cách giết cha tôi hai mươi bảy năm về trước. Nhưng, tôi đang bắt tay ông trong tình ái hữu. Khi Tướng Phụng đã đi, tôi trải qua một cảm xúc nữa. Trong tôi trỗi dậy lòng trắc ẩn và sự tha thứ cho kẻ thù cũ bởi tôi biết rõ rằng ông ấy chỉ làm nhiệm vụ của một người lính.

Cuộc phỏng vấn Tướng Phụng diễn ra trước khi cha tôi qua đời; đêm hôm đó, tôi đã gọi điện từ Sài Gòn để thuật lại câu chuyện cho ông. Sau cùng, tôi nói: “Nhưng mà cha ơi, con đã cho ông ấy địa chỉ mới của cha rồi!”. Tôi nghe vọng lại từ đầu dây bên kia giọng cười nồng ấm.