Mặt trời chen lặn, ếch uệt oạc, kêu vang giữa mé hào, trâu na nần đi lần về xóm. Lúa cấy đã giáp đồng hết rồi, đám nào chưa bén thì coi vàng khè, đám nào đã nở thì coi xanh mướt.
Hương thị Tào với thằng Tý xuống dưới nhà bà Hương quản Tồn từ hồi trưa, thấy trời gần tối bèn từ giã bà mà về, đặng có đem trâu vô chuồng và đốt đèn gài cửa. Ông đi trước cháu đi sau, vừa bước ra cửa ngõ, thì gặp một người, mặc quần đen áo đen ở phía dưới Càng Long, do theo bờ lộ đá mà đi lên. Ông cháu ngó thoáng qua, thì thấy người ấy da mặt sần sượng nám đen, đầu tóc cụt cụt xấp xải, áo đơm nút khít đeo, quần vắn nửa ống cẳng, tay mang một cái nón lá, cổ vấn một cái khăn rằn. Người ấy thấy ông cháu Hương thị Tào thì lật đật đội cái nón lên đầu, rồi đi theo sau lưng, đi mà gục mặt xuống đất, dường như sợ người ta thấy mình. Ông cháu Hương thị Tào tưởng là một người Thổ đi đường nên không thèm để ý đến, cứ lầm lũi đi về Giồng Ké.
Qua khỏi vuông nhà của bà Hương quản rồi, Hương thị Tào kêu thằng Tý mà biểu đi ngang lên, rồi nói rằng:
- Bây giờ tao mới biết bà Hương quản thiệt là thương anh em bây. Hồi xế bà nói bà tính gả con Quyên cho cậu ba Giai, bà hỏi tao bằng lòng hay không, thiệt tao chưng hửng, không biết nói sao được.
- Tôi cũng vậy, tôi không dè chút nào hết.
- Từ thuở tới giờ, tao thấy bà yêu nó, tao tưởng bà nuôi nó rồi kiếm chỗ tử tế mà gả nó lấy chồng, hoặc là sắm vòng vàng cho nó, hoặc là cho nó năm ba trăm đồng bạc, đặng vợ chồng nó làm vốn vậy thôi, chớ ai dè bà cưới nó cho con bà. Bà nầy thiệt là kỳ. Không biết tại sao bà thương con Quyên quá như vậy.
- Ờ, bà tính nghe hay lắm chớ. Bà giàu có lớn, bà cần kiếm con gái nhà giàu mà làm gì? Bà lựa đứa có nết na đức hạnh mà cưới nó đặng giúp trong nhà bà, và cầm chưn con bà. Bà nuôi con Quyên thuở nay, bà tập tánh ý nó được rồi, bây giờ bà cưới nó cho cậu ba Giai thì bà chắc ý, khỏi sợ lầm lạc chi hết.
- Con Quyên thiệt là có phước. Chừng bà Hương quản trăm tuổi già rồi, vợ chồng nó hưởng gia tài, thôi sung sướng biết chừng nào.
- Bà tính phận nó đã xong, còn phận mầy bà tính như vậy cũng là hay lắm. Hương giáo Cân có mười mấy mẫu đất, mà có một đứa con gái mà thôi. Bà muốn đứng làm mai cưới nó cho mầy, tao không hiểu tại sao mầy dục dặc không chịu phứt đi cho rồi. Mầy cưới con Hương giáo, ngày sau mầy nhờ lắm chớ. Sao mầy chê?
Thằng Tý nín khe, không trả lời. Hương thị Tào nhả trầu quăng bên lộ rồi hỏi nữa rằng:
- Hay là mầy chê con đó xấu?
- Không phải đâu, ông ngoại à.
- Vậy chớ tại sao mầy không chịu?
- Tôi ghét đàn bà con gái lắm, nên tôi nhứt định không thèm cưới vợ.
- Sao mà ghét?
- Cưới vợ về rồi sau nó lấy trai càng khổ cho mình chớ ích gì.
Hương thị Tào nghe cháu nói câu đó, thì ông nhớ tới chuyện con gái ông hồi trước, ông đã hổ, mà lại buồn, nên ông lặng thinh không nói nữa. Thằng Tý cũng nín khe mà đi. Người hình dạng như Thổ cũng còn đi đàng sau, tuy đi xa xa, song có lẽ cũng nghe chút đỉnh những lời hai ông cháu Hương thị Tào mới nói với nhau đó.
Trời chạng vạng tối, Hương thị Tào với thằng Tý mới về tới Giồng Ké. Khi quẹo vô sân, Hương thị Tào ngó ngoái ra lộ, thì thấy người Thổ đương đi ngang, mà con mắt liếc ngó vô nhà. Ông lấy làm kỳ, nên đứng lại mà ngó, thì người ấy bươn bả đi tuốt.
Thằng Tý mở dây đôi trâu buộc giữa sân mà dắt vô chuồng. Hương thị Tào vô nhà đốt đèn lên, rồi leo lên võng nằm đưa trèo trẹo. Thằng Tý nhốt trâu xong rồi nó mới vô nhà. Hai ông cháu nói chuyện với nhau, mà chẳng nói chuyện chi khác hơn là chuyện cậu ba Giai sửa soạn cưới con Quyên.
Gần hết canh một, mặt trăng mọc lên, chói bầu trời sáng quắc, bầy chó trong xóm đua nhau sủa tiếng vang đầy. Thằng Tý nằm trên ván mà nói chuyện một hồi rồi nó ngủ khò. Hương thị Tào mừng về sự may mắn mới xảy ra cho hai cháu, ngủ không được, nên nằm trên võng mà đưa cọt kẹt hoài.
Cách một hồi Hương thị Tào nghe bầy vịt ngủ trước sân nó rộ lên, ông nghi có người vô sân, nên ông mở cửa bước ra mà coi. Trăng tỏ rạng như ban ngày, ông thấy người Thổ hồi chiều đó đương xâm xâm đi vô cửa. Ông liền hỏi: “Ai đó?”. Người ấy đáp rằng: “Tôi” mà cũng cứ đi tới, song lột nón xuống mà cầm tay. Ông đứng chờ người ấy lại gần, ông dòm tạt trong mặt, rồi ông thối lui một bước và nói lớn rằng: “Ủa! Sửu!”.
Người ấy đáp nhỏ rằng:
- Thưa tía, phải. Con là Sửu đây.
- Mầy chưa chết hay sao?
- Thưa, chưa. Con muốn chết lắm, mà vì con thương sắp nhỏ quá, nên con chết không được.
- Mầy sống mà báo hại con mầy, chớ sống mà làm gì.
Người hình dạng như Thổ đây, thiệt quả là Trần Văn Sửu, chớ không ai đâu lạ. Anh ta nghe cha vợ nói như vậy, thì cúi mặt ngó xuống đất, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Anh ta thở dài mà hỏi rằng:
- Phải thằng Tý đi với tía hồi chiều đó hôn?
- Phải.
- Còn con Quyên với thằng Sung còn ở đây hôn? Hồi chiều con nghe tía nói chuyện con Quyên sao đó?
- Thôi, đừng có hỏi nhiều chuyện. Mấy năm nay tao tưởng mầy đã chết rồi. Sống làm chi rồi quan làng họ bắt đây sanh chuyện ra nữa. Mầy thiệt là khốn nạn lắm. Đi liền bây giờ đi. Vô Rạch Giá, Cà Mau mà trốn cho biệt tích, đừng có về đây nữa.
- Thưa tía, đi thì con đi, chớ con đâu dám cãi. Song tía làm phước cho con thăm sắp nhỏ một chút rồi con sẽ đi. Mười mấy năm, con thương nhớ chúng nó quá, tía ôi!
Trần Văn Sửu nói tới đó rồi khóc rấm rứt. Hương thị Tào thấy cũng động lòng nên ông đứng ngơ ngẩn một hồi, rồi ông nắm cánh tay Trần Văn Sửu mà kéo đi ra cho xa cửa. Ra gần mút cái sân, ông mới biểu ngồi xuống, rồi ông cũng ngồi chồm hổm một bên mà nói rằng: “Con Lựu nó hư, nên mầy giết nó, bởi vậy tao không phiền mầy. Chớ chi tao phiền, thì nãy giờ tao la làng cho họ bắt họ còng mầy rồi”.
Trần Văn Sửu nói bệu bạo rằng:
- Con thương vợ con lắm. Tại nó làm quá, con giận xô nó té nó chết, chớ không phải con cố ý giết nó. Xin tía thương thân con.
- Thôi, chuyện cũ bỏ đi. Trong xứ nầy ai cũng tưởng mầy chết trôi rồi. Họ tưởng như vậy thì may cho mầy lắm. Mầy đi xứ khác làm ăn êm quá, khỏi ai tìm kiếm nữa, về đây làm gì?
- Con nhớ sắp nhỏ quá. Để con thăm chúng nó một chút, con cắt nghĩa sự con làm hồi trước cho chúng nó hiểu rồi con đi liền. Thân con cực khổ lung lắm, không biết sống chết bữa nào. Con sợ con chết thình lình, sắp nhỏ không hiểu, nó tưởng con hung bạo, khi không mà giết mẹ nó, rồi nó oán con, thì lỗi niềm cha con lắm.
- Chúng nó biết hết. Thằng Tý nó có nói với tao.
- Thiệt như vậy hay sao?
- Ừ. Tuy hai đứa nó không nói ra, song tao biết chúng nó thương mầy lắm, mà chúng nó tưởng mầy chết rồi, nên mầy thăm mà không ở với chúng nó được, thì làm buồn cho chúng nó chớ không ích gì. Tao biểu mầy phải đi đi.
Trần Văn Sửu ngồi khóc và than rằng:
- Mười một năm nay cực khổ hết sức, song ráng mà sống, là vì trông mong có ngày thấy được mặt con. Nay về đến đây, chưa gặp được con mà phải đi, thì đi làm sao được, trời đất ơi!
Hương thị Tào nghe mấy lời thảm thiết ấy thì cảm động quá, chịu không nổi nên ông cũng khóc. Tuy ông khóc mà ông nói rằng:
- Tao cũng biết tao đuổi mầy đi thì tội nghiệp cho mầy lắm. Ngặt vì mầy gặp mặt con mầy thì lộn xộn, chắc là hư việc lớn, nên tao không muốn cho mầy thấy mặt thằng Tý với con Quyên.
- Con hứa với tía rằng hễ con thấy mặt chúng nó một chút rồi thì con đi liền. Con không nói con là ai cho chúng nó biết đâu mà tía sợ. Cách biệt nhau mười một năm rồi, đã vậy mà chúng nó lại tưởng con đã chết nữa, nên thấy mặt con chắc là chúng nó không nhìn được. Con giả làm ngưòi đi đường ghé nghỉ chưn thì chúng nó có biết đâu.
- Không có được. Để tao nói cho mầy nghe. Bà Hương quản Tồn tưởng mầy chết rồi, nên bà thương con Quyên với thằng Tý lắm. Mới hồi xế nầy bà cho kêu tao với thằng Tý xuống nhà, bà tính sửa soạn cưới con Quyên cho con bà. Còn phận thằng Tý, thì bà tính làm mai mà cưới con gái Hương giáo Cân cho nó.
Trần Văn Sửu vùng đứng dậy nói rằng: “Trời nhểu phước cho con tôi như vậy lận sao?”.
Hương thị Tào gặc đầu đáp rằng:
- Thiệt như vậy, bởi vậy mầy dần dà ở đây, rủi làng tổng họ bắt được, rồi tùm lum hư việc của con mầy hết.
- Nếu vậy thì tôi đi. Tía nói phải lắm. Tôi chẳng nên gặp mặt chúng nó. Tôi phải chịu đau đớn cực khổ buồn rầu, con tôi mới nên được. Tôi vui lòng mà lãnh các sự đau đớn buồn rầu đó, miễn là con tôi được giàu có sung sướng thì thôi. Thưa tía ở lại mạnh giỏi, con đi. Chuyến nầy con đi biệt không về nữa đâu.
Trần Văn Sửu chắp tay xá cha vợ rồi đội nón lên và bươn bả bước ra lộ. Hương thị Tào vừa xây lưng đặng trở vô nhà, thì thằng Tý ở trong dở cửa chun ra. Nó thấy có một mình ông ngoại nó đứng giữa sân thì nó hỏi rằng:
- Cha tôi đâu rồi ông ngoại?
- Cha nào ở đâu?
- Tôi nghe hết. Nãy giờ tôi đứng tôi rình trong cửa. Ông ngoại giấu tôi làm chi? Sao đuổi cha tôi đi?
Hương thị Tào đứng chưng hửng, thằng Tý bỏ chạy ra lộ, ông ngoại nó muốn níu lại mà không kịp. Nhờ trời sáng trăng nên thằng Tý dòm theo lộ xuống Phú Tiên, thì nó thấy có dạng một người đi. Nó đâm đầu chạy riết theo. Trần Văn Sửu ngó ngoái lại, thấy có người chạy theo mình, không biết có phải làng tổng rượt theo bắt hay không, nên anh ta sợ, anh ta cũng co giò mà chạy.
Cha chạy trước con chạy sau, nhưng vì cha sợ chúng bắt nên phải chạy đặng thoát thân, nên chạy mau quá con theo không kịp. Qua khỏi cánh đồng Phú Tiên rồi, Trần Văn Sửu ngó lại, thì không thấy dạng người ta rượt nữa. Anh ta mừng thầm, song cũng còn chạy chớ chưa dám đứng lại.
Xuống tới cầu Mê Tức, phần thì mệt, phần thì mỏi cẳng, nên Trần Văn Sửu ngồi dựa cầu mà nghỉ. Trên trời trăng sáng vặc vặc; dưới sông dòng bích nao nao. Cảnh im lìm mà lòng lại bồi hồi; con vui sướng, còn cha thì sầu não.
Trần Văn Sửu ngồi khoanh tay ngó dòng nước chảy một hồi rồi nói trong trí rằng: “Bây giờ mình còn sống làm gì. Bấy lâu nay mình lăn lóc chịu cực khổ mà sống ấy là vì mình thương con, mình sợ nó không hiểu việc xưa rồi nó trở lại oán mình, mình sợ nó bơ vơ đói rách, mà tội nghiệp thân nó. Bây giờ mình biết nó thương mình, nó còn kính trọng mình, mà nó lại gần được giàu có sung sướng hết thảy nữa, vậy thì mình nên chết cho rồi, chết mới quên hết các việc cũ được, chết đặng hết buồn rầu cực khổ nữa”.
Anh ta nghĩ như vậy rồi nhắm mắt lại. Anh ta thấy Thị Lựu nằm ngay đơ trên bộ ván, miệng nhểu mấy giọt máu đỏ lòm, mắt hết thần mà còn mở trao tráo. Anh ta lại thấy buổi chiều anh ta ở ngoài ruộng đi về, con Quyên thằng Tý chạy ra, đứa níu áo, đứa nắm tay mà nói đỏ đẻ. Anh ta thấy cái cảnh gia đình ngày trước rõ ràng trước mặt, thì anh ta đau đớn trong lòng quá, chịu không được, nên vùng đứng dậy và nói lớn rằng: “Mấy con ôi! Cha chết nghé. Mấy con ở lại mạnh giỏi, để cha theo mẹ con cho rồi”. Anh ta và nói và chun qua lan can cầu. Anh ta vừa mới đút đầu, bỗng có người chạy lên cầu và hỏi rằng: “Ai đó? Phải cha đó hay không, cha?”.
Trần Văn Sửu giựt mình, tháo đầu trở vô, rồi day lại mà ngó. Thằng Tý chạy riết lại nắm cánh tay cha nó, nó dòm sát trong mặt mà nhìn, rồi ôm cứng trong lòng và nói: “Cha ôi! Cha! Cha chạy đi đâu dữ vậy?”. Lúc ấy Trần Văn Sửu mất trí khôn, hết nghị lực, máu trong tim nhảy thịch thịch, nước trong mắt tuôn ròng ròng, đứng xui xị xụi lơ, không nói được một tiếng chi hết.
Cha con ôm nhau mà khóc một hồi rồi buông ra. Trần Văn Sửu ngồi trên cây đà dọc dựa lan can cầu, rồi nói rằng: “Thôi, con về đi”. Thằng Tý lắc đầu đáp rằng:
- Con về không được. Bấy lâu nay con tưởng cha đã chết rồi, té ra cha còn sống. Vậy thì bây giờ cha đi đâu con theo đó.
- Con đừng có cãi cha. Con phải về đặng lo cưới vợ.
- Cưới vợ làm gì? Cưói vợ đặng báo hại như má báo hại cha hồi trước đó sao?
- Con không nên phiền trách má con. Má con có quấy là quấy với cha, chớ không có quấy với con. Mà cha đã quên cái lỗi của má con rồi, sao con còn nhớ làm chi?
- Quên sao cho được!
- Phải quên đi, đừng có nhớ nữa. Tại mạng số của cha như vậy, chớ không phải tại má con đâu. Mà má con làm quấy, thì sự chết đó đã chuộc cái quấy hết rồi. Bây giờ quấy về phần cha, chớ má con hết quấy nữa.
- Cha nói vậy thì con nghe lời cha. Thôi, cha trở về nhà với con.
- Húy! Về sao được!
- Sao vậy?
- Về rồi làng tổng họ thấy họ bắt còn gì?
Thằng Tý nghe nói như vậy thì nó tỉnh ngộ, nên ngồi lặng thinh mà suy nghĩ. Cách một hồi nó mới nói rằng:
- Bây giờ làm sao?
- Để cha đi, cha đi cho biệt tích, đặng con cưới vợ và con Quyên lấy chồng mới tử tế được.
- Cha đi đâu?
- Đi đâu cũng được.
- Hễ cha đi thì con đi theo.
- Đi theo làm gì?
- Đi theo đặng làm mà nuôi cha, chừng nào cha chết rồi con sẽ về.
- Con đừng có tính bậy. Con phải ở nhà mà nuôi ông ngoại.
- Có trâu có lúa sẵn, ông ngoại làm mà ăn cần gì con nuôi nữa. Lại có con Quyên ở nhà đó chi. Cậu ba Giai cưới nó đây, nó giàu có, thiếu chi tiền bạc, nó giúp đỡ ông ngoại được rồi. Bây giờ có một mình cha nghèo khổ, vậy con phải làm ma nuôi cha chớ.
Trần Văn Sửu nghe con nói mấy lời hiếu nghĩa ấy thì anh ta cảm xúc quá, nên ngồi khóc nữa. Lúc ấy anh ta lấy làm bối rối, không biết liệu lẽ nào cho xuôi. Thấy con bịn rịn, muốn ở lại đặng cha con sum hiệp, thì sợ làng tổng bắt; nghĩ đến con nên muốn ra đi đặng biệt tích cho rồi, thì đau đớn đi không đành. Hai cha con ngồi khích một bên nhau, cha thì lo, con thì tính, cả hai đều lặng thinh, song một lát thằng Tý đụng cánh tay nó vào cánh tay cha nó một cái, dường như nó thăm chừng coi cha nó có còn ngồi đó hay không.
Cha con dan díu bịn rịn cho đến sao mai mọc, Trần Văn Sửu mới nói rằng:
- Cha tính như vầy, để cha nói cho con nghe thử coi được hay không. Cha lấy giấy thuế thân theo dân Thổ, tên cha là Sơn Rùm, bây giờ cha nói tiếng Thổ giỏi lắm. Cha tính thôi để cha xuống Láng Thé hoặc Ba Si cha vô Sốc kiếm chỗ ở đậu mà làm mướn. Có làm như vậy thì mới khỏi lo ai bắt buộc, mà lâu lâu con lén đến thăm cha được.
- Theo lời cha tính đó thì cha còn sống mà cũng như cha chết. Phải giấu tên giấu họ hoài, con đến thăm cũng phải núp lén, không dám đến chán chường.
- Phải tính như vậy mới yên được.
- Tính sao cũng được miễn là con có thể gần cha thì thôi. Mà cha ở với Thổ, thì cực khổ tội nghiệp thân cha lắm.
- Có sao đâu mà tội nghiệp. Hơn mười năm nay cha đau lòng cực xác không biết chừng nào mà kể cho xiết. Bây giờ cha vui lòng rồi, dầu lao khổ tấm thân lại nệ gì. Cha tính phải làm như vậy mới xong, con phải nghe lời cha mà trở về đi.
Thằng Tý ngồi ngẫm nghĩ rồi nói rằng:
- Con không đành để cha đi một mình. Con muốn theo cha mà kiếm chỗ cho cha ăn ở yên nơi rồi con sẽ về.
- Con đi như vậy, ông ngoại không biết con đi đâu, ông ngoại lo sợ, thêm cực lòng cho ông ngoại nữa.
- Thôi, cha trở về nhà với con một chút đặng con thưa với ông ngoại hay rồi con đi với cha.
- Trở về con Quyên nó thấy càng khó lòng nữa.
- Nó ở dưới nhà bà Hương quản, chớ có ở nhà đâu mà thấy.
- Trời gần sáng rồi, trở về Giồng Ké họ gặp cha rồi làm sao. Không được đâu. Con trở về, để cha đi một mình, trong ít bữa cha kiếm chỗ ăn ở xong rồi, cha sẽ lén về mà cho con hay.
- Con không muốn để cha đi một mình. Như cha sợ họ gặp, thôi thì cha lên chòi ruộng của con ở trong đồng Phú Tiên, cha nằm đó chờ con. Con chạy về Giồng Ké thưa với ông ngoại hay một chút xíu rồi con trở lên liền.
Trần Văn Sửu ban đầu còn dục dặc, mà bị con thôi thúc quá, anh ta không thể không làm vừa lòng nó được, nên phải đứng dậy mà đi với nó trở lên Phú Tiên.