Cha Con Giáo Hoàng

Phần Kết

Cesare Borgia, người từng là một hồng y, một công tước, và một gonfaloniere được tôn vinh trong một nghi lễ long trọng ở Rome do em chàng, hồng y Jofre Borgia chủ lễ với sự chứng kiến trọng thể của đích thân Giáo hoàng Julius. Sau đó tro cốt của chàng được đặt dưới một tấm bia khổng lồ trong Đại Giáo đường Santa Maria. Người ta đồn rằng Giáo hoàng Julius muốn Cesare an vị tại nơi mà ông có thể để mắt theo dõi dù chàng đã chết.

Nhưng Lucrezia Borgia đã thu xếp để Michelotto đánh cắp tro của anh nàng và đặt vào trong một bình vàng. Michelotto, do một phép lạ nào đấy, vẫn còn sống, đã phi ngựa suốt đêm để mang tro của Cesare về cho nàng ở Ferrara.

Ngày hôm sau, Lucrezia cùng với đoàn tùy tùng gồm khoảng ba trăm nhà quý tộc và lính vũ trang, đưa Cesare về Ngân Hồ sau một hành trình dài.

Lều bạt được giăng lên dọc theo bờ hồ. Đó là những người sám hối đến từ mỏ Tolfa chỉ cách đó độ mười dặm và các cô nàng nhân tình của vài vị chức sắc cao cấp trong Giáo hội đến đây than khóc, ăn năn hối hận. Nhưng người của Lucrezia xua họ đi. Từ ngọn đồi cao, nàng có thể thấy những chóp tháp nhọn của thành Rome. Và điều đó mang lại những hoài niệm thuở nàng còn là một kẻ phạm tội lỗi xác thịt, khi nàng phải chịu những thống khổ vì sợ hãi cho anh và cha nàng bởi những gì nàng biết về họ. Giống như nhiều kẻ tội lỗi khác, nàng từng đến Ngân Hồ để được thanh tẩy dục vọng tội lỗi, thực lòng tin rằng dòng nước thiêng nơi đây sẽ tẩy đi mọi cám dỗ, vì hồ nước này nổi tiếng đem lại an ủi và cải tạo những kẻ phạm tội.

Nhưng cha nàng, Giáo hoàng, với nụ cười tinh quái nhưng hài hước, nhắc nhở rằng không gì giả dối cho bằng sự ăn năn của kẻ phạm tội. Xét cho cùng, một con người như thế là một thí dụ điển hình cho những kẻ yếu đuối, dễ bị thời cuộc đẩy đưa.

Giờ đây, Lucrezia ngồi bên bờ hồ trong căn lều vàng, trông ra mặt hồ lấp lánh ánh bạc, lòng nàng thật bình yên, sự bình yên mà nàng chưa từng có trong đời. Cả cha và anh đều đã mất. Và số mệnh của nàng đã được an bài. Nàng sẽ sinh thêm những đứa con; nàng sẽ trị vì Ferrara; nàng sẽ công chính, và trên tất cả sẽ sống thật nhân từ trong suốt phần đời còn lại của mình.

Nàng sẽ không bao giờ có thể so tài với cha và anh trong sự nghiệp thế gian, nhưng chuyện đó đâu quan trọng mấy, vì nàng sẽ không giống họ. Đáng buồn thay, nàng thừa nhận trong thâm tâm rằng họ chẳng bao giờ thực sự từ ái. Nàng nhớ lại chuyện Cesare đã trừng trị nhà thơ trào phúng La Mã Filofila - người đã viết ra những bài thơ thô tục về nhà Borgia. Tất cả những chuyện đó giờ đây có nghĩa gì đâu? Ngôn từ thì có làm trầy xước được ai tí nào đâu? Liệu có ai thực sự tin vào những bài thơ ấy? Và thế là nàng mang tro cốt của Cesare đến Ngân Hồ, như thể nắm tro tàn này vẫn có thể còn bị tội lỗi cám dỗ, hoặc như một cách hành hương để chuộc những tội lỗi xác thịt của nàng, những tội lỗi duy nhất mà nàng từng phạm phải và nàng sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Cuối cùng nàng sẽ được cứu chuộc.

Suy nghĩ đó làm Lucrezia âu yếm nhớ về cha. Là một hồng y của Hội Thánh khi nàng mới sinh ra, một người cha đầy yêu thương và trách nhiệm khi ông là Giáo hoàng và là Người Đại Diện Chúa Jesus. Liệu linh hồn ông có bị nung trong hỏa ngục mãi mãi vì tội lỗi? Nếu như nàng còn có thể động mối từ tâm thì làm thế nào mà một Thượng Đế toàn năng lại không có thể? Lúc đó nàng nhớ lại những lời cha đã nói khi nàng than khóc về chuyện Cesare đã giết hại chồng nàng.

“Chúa sẽ tha thứ cho cả hai,” ông đã bảo nàng. “Nếu không thế thì đâu còn lí do để Chúa tồn tại. Và rồi sẽ có một ngày khi tấn bi kịch thế gian này chấm dứt, chúng ta lại sẽ sum vầy bên nhau.”

* * *

Đêm dần buông, mặt hồ lấp lánh màu bạc. Lucrezia chậm rãi tản bộ đến cầu cảng nhỏ nơi anh em nàng từng bơi lặn nô đùa khi còn bé thơ. Và trong tâm tưởng nàng, nàng có thể nghe giọng nói của anh Cesare vang lên trong tuổi thơ hồn nhiên của mình. “Không, Crezia à, chỗ đó nước nông lắm.” Hay, “Đừng lo, Crezia, anh sẽ cứu em mà.” Và sau đó, khi đã lớn khôn, từng trải, cùng những mộng mơ tan vỡ, giọng chàng lại vang lên, hứa hẹn, “Nếu đó là điều em muốn, Crezia, anh sẽ gắng giúp.” Và vào lần cuối cùng gặp mặt, chàng khẩn cầu: “Nếu có khi nào anh bị giết hại, Crezia, em hãy sống vì anh.” Và nàng đã hứa sẽ tuân theo.

Khi đến cuối cầu tàu, màn đêm dày đặc đã bao phủ lấy nàng, vầng trăng nhợt nhạt vừa vươn lên khỏi các ngọn tuyết tùng.

Chính lúc đó Lucrezia mở nắp bình đựng tro cốt, và chầm chậm rải tro cốt của Cesare vào làn nước Ngân Hồ.

Sau đó, khi trở lại bờ hồ, nhiều người sám hối từ những ngọn đồi đi xuống, và nhận ra nàng.

Một cô gái trẻ đẹp quay sang chàng thanh niên đi cạnh và chỉ vào Lucrezia. “Người phụ nữ xinh đẹp kia là ai vậy?” Nàng hỏi chàng trai.

“Lucrezia d’Este, nữ công tước tốt bụng và đầy từ tâm của Ferrara,” chàng ta nói. “Em chưa từng nghe về công nương ấy sao?”

HẾT