Giờ đây khi Rome tạm thời bình yên, Giáo hoàng đến vùng Ngân Hồ để nghỉ ngơi một thời gian. Và ông lập tức nhắn các con đến đó gặp ông để tổ chức lễ hội gia đình.
Lucrezia từ Pesaro đến; Juan đi từ Tây Ban Nha mà không có Maria theo cùng; còn Jofre và Sancia rời Naples để đi dự tiệc. Gia đình Borgia lại cùng quần tụ bên nhau. Julia Farnese và Adriana sẽ đến trong vòng một tuần, vì Alexander đã dự định mấy ngày đầu chỉ có ông và con cái, không muốn có sự xao lãng nào.
Ở Ngân Hồ, Rodrigo Borgia đã cho xây dựng một biệt thự bằng đá uy nghi, một chòi săn với nhiều chuồng ngựa cho những con ngựa đắt giá của ông và nhiều nhà nhỏ để làm chỗ ở cho phụ nữ và trẻ em vẫn thường đi theo ông khi ông chạy trốn cái nóng mùa hạ gay gắt ở thành phố. Giáo hoàng Alexander thích được những phụ nữ xinh đẹp ăn vận lượt là vây quanh và nghe tiếng cười đùa vui vẻ của những tạo vật thanh nhã kia. Và như thế, các phu nhân trẻ tuổi có chồng đi công cán xa, cùng đi với ông, có người mang theo cả con cái. Những khuôn mặt sáng láng của trẻ thơ, còn tinh khôi và không bị nhơ nhuốc, đong đầy hồn ông những hi vọng tương lai.
Đoàn tùy tùng của ông gồm những nhà quý tộc và phu nhân của họ, đám người hầu cận, cùng lũ đầy tớ và đầu bếp, tất cả hơn một trăm người. Ngoài ra còn có nhiều nhạc công và diễn viên, những nghệ sĩ tung hứng và các anh hề, họ đều góp sức tạo nên những vở hài kịch và các màn trình diễn để Giáo hoàng thưởng thức.
Giáo hoàng Alexander dành nhiều ngày ngồi bên bờ hồ với các con. Trong khoảng thời gian yên bình đó, ông thường kể cho chúng những câu chuyện đầy phép lạ xảy ra khi bao kẻ tội lỗi từ Rome đến đây để trầm mình vào làn nước hồ này nhằm tẩy sạch những dục vọng tội lỗi của họ.
Nhiều năm trước đây, khi lần đầu ông kể những câu chuyện này, Cesare hỏi, “Riêng cha có tắm trong nước hồ này không, hở cha?”
Hồng y cười. “Không bao giờ,” ông nói. “Vì ta có phạm tội lỗi nào đâu?”
Cesare phá ra cười. “Vậy thì, con cũng như cha, chẳng có dục vọng nào phải thanh tẩy.”
Lucrezia nhìn cả hai và nói một cách ma mãnh, “Chắc là cả cha và anh đều không cần đến phép lạ?”
Rodrigo ngả đầu ra sau và phá lên cười sảng khoái. “Hoàn toàn ngược lại, con gái cưng à,” ông nói. Và rồi với một bàn tay che miệng, ông thì thầm, “Nhưng vào lúc này ta có một nhu cầu lớn hơn đối với những dục vọng trần tục và sống trong sự kinh sợ chúng bị cuốn đi quá sớm. Rồi thời điểm đó cũng sẽ đến thôi. Nhưng không phải trong lúc này, khi cơn cồn cào mong mỏi cuộc sống viên mãn vẫn còn mạnh hơn nỗi khát khao được cứu rỗi tâm hồn…” Sau đó ông cầu xin ơn trên che chở, như thể sợ mình đã làm chuyện phạm thánh.
Mỗi ngày đều bắt đầu bằng cuộc đi săn vào sáng sớm. Mặc dầu theo giáo luật, Giáo hoàng bị cấm săn bắn, nhưng ông viện lí do các thầy thuốc đã bảo rằng ông phải vận động. Riêng ông, ông đã âm thầm tự biện minh rằng mình đã làm nhiều chuyện cấm khác, nhưng phần lớn trong những chuyện đó ông không thích cho bằng chuyện đi săn. Khi người hầu lưu ý rằng vì ông mang giày ống nên thần dân không thể tỏ bày lòng tôn kính bằng cách hôn chân ông, ông nói đùa rằng ít ra chuyện đó cũng ngăn mấy con chó săn đớp mất ngón chân ông.
Quanh căn biệt thự săn bắn, một trăm sào đất đã được đánh dấu bằng hàng rào làm bằng trụ gỗ và các mảnh vải buồm dày, tạo thành một vùng lãnh thổ nhỏ hấp dẫn các loài thú tụ tập lại. Trước mỗi cuộc săn, những miếng thịt sống được xếp thành đống gần cánh cổng lớn của bãi rào kín để dẫn dụ các con thú.
Trời vừa rạng đông, những người đi săn đã tụ tập đầy đủ. Họ uống một cốc rượu mạnh Fracasti để lên dây cót và lấy dũng khí, Alexander vẫy lệnh kì giáo triều. Với những tiếng kèn trumpet vang vang và nhịp trống rộn ràng, các cánh cổng của bãi rào thú săn được mở ra. Một tá tay săn thú vội chạy vào trong, rải một hàng thịt sống để các con thú chạy ùa qua cổng, đến nơi chúng nghĩ là vùng tự do. Nào là nai, chó sói, lợn lòi, thỏ, nhím - tất cả đều được các thợ săn chào đón. Vung gươm giáo trong tay, và cả những chiếc rìu trận khát máu, toán thợ săn đuổi bắt những con mồi.
Lucrezia và Sancia cùng những người hầu gái của họ, ngồi an toàn trên một bục cao để theo dõi cuộc chém giết mà không gặp nguy hiểm nào. Phụ nữ có mặt trong cuộc săn với mục đích tạo cảm hứng và khích lệ những người đi săn thêm hăng máu, nhưng Lucrezia thấy ghê sợ, che mắt lại và quay mặt qua chỗ khác. Phần nào đó trong nàng đau đớn trước số phận của những con vật tội nghiệp kia vì nó tương tự như chính số phận nàng. Ngược lại, Sancia không cảm thấy gì ngoài một cuộc phô diễn; nàng ta tỏ ra thích thú với cảnh tượng này, không ngoài dự đoán nàng ta còn đưa chiếc khăn tay bằng lụa cho ông anh chồng Juan để nhúng vào máu của con heo rừng bị phanh thây. Dẫu không sử dụng vũ khí thiện nghệ như Cesare nhưng Juan lại hứng thú với những trò tàn ác và nhu cầu gây ấn tượng mạnh lên kẻ khác, nên chàng ta trở thành kẻ đi săn hăng tiết nhất trong gia đình. Chàng ta phô diễn lòng gan dạ bằng cách hiên ngang đứng chờ con heo rừng đực to tướng lao tới và đâm vào nó bằng giáo, sau đó đập nó bằng rìu. Chàng ta có vẻ hả hê.
Cesare cưỡi ngựa băng qua trường săn cùng hai con chó săn yêu thích của chàng, Heather và Hemp. Dẫu đang làm bộ đi săn nhưng thực ra, điều làm Cesare thực sự hứng thú là quất ngựa phóng theo các con chó săn và ngày hôm nay chàng rối bời với bao ý nghĩ. Chàng ganh tị với Juan. Em chàng có thể sống một cuộc đời viên mãn, một cuộc sống bình thường và chờ đợi một binh nghiệp hiển hách, trong khi bản thân Cesare phải gắn liền đời mình với nhà thờ, một sự nghiệp mà chàng không chọn và cũng chẳng muốn. Mật đắng trào lên cổ họng, chàng cảm thấy lòng căm ghét đứa em trai càng dâng cao. Nhưng lửa giận nhanh chóng nguội lạnh, chàng tự trách mình về những gì vừa nghĩ. Một người tốt, đặc biệt là một người đang mặc áo thầy tu, càng không bao giờ có thể ghét em ruột của mình. Không chỉ vì điều đó là phản tự nhiên, không chỉ vì chuyện đó làm cha chàng khổ tâm, mà còn nguy hiểm nữa. Juan, với tư cách thống soái quân đội giáo triều, nắm quyền lực mạnh hơn bất kì vị hồng y nào của Giáo hội Công giáo. Và còn một sự thật khác nữa: ngay cả sau bao nhiêu năm tháng chứng tỏ tài năng vượt trội trong nhiều lãnh vực và cống hiến lòng tận tụy với cha và cho sự nghiệp chung, thế mà, vẫn là Juan, chứ không phải chàng, là đứa con được cha ưu ái.
Cesare, đang chìm sâu trong trầm tư, bỗng nhanh chóng được kéo về thực tại vì tiếng gào rú thảm thiết của con chó săn của chàng. Phi ngựa tiến về phía âm thanh thê thảm kia, chàng bỗng thấy con vật yêu quý của mình bị một ngọn giáo ghim vào đất. Nhảy xuống ngựa để giúp cho con vật bị thương, chàng thấy khuôn mặt điển trai của chú em Juan méo xệch vì giận dữ. Chàng liền hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Juan đã phóng hụt mũi giáo, thay vì vào con nai đang chạy cuống cuồng loạn xạ,
lại ghim ngay vào con chó săn của chàng. Trong một thoáng, Cesare nghĩ có thể cú phóng là cố ý, nhưng lúc đó chú em cưỡi ngựa đến bên chàng và nói lời xin lỗi, “Thưa anh, em sẽ mua một cặp khác để đền cho anh.”
Trong tay hãy còn cầm mũi giáo vừa được rút ra khỏi mình con vật, Cesare nhìn vào con chó bị tử thương và trong một thoáng, cảm thấy trào dâng cơn giận chết người. Sau đó chàng thấy cha mình phi ngựa đến nơi một con lợn lòi bị mắc vào lưới bằng dây thừng đang chờ cú đâm kết liễu từ ngọn giáo của ông. Nhưng Giáo hoàng cho ngựa chạy ngang qua và la lên, “Con này mắc bẫy rồi, ta phải tìm con mồi khác thôi…” Ông thúc mạnh chân vào hông ngựa rồi vọt đi để đuổi theo một con lợn lòi lớn khác. Những người đi săn khác, lo lắng khi thấy Giáo hoàng phóng ngựa quá nhanh, bất chấp hiểm nguy, vội vàng vọt lên theo để bảo vệ ông; nhưng ngay lúc đó Giáo hoàng, vẫn còn rất cường tráng và sung sức, đã đâm xuyên mũi giáo lút sâu vào bên hông con lợn lòi, ban cho nó một vết thương trí mạng. Giáo hoàng bồi tiếp hai nhát nữa, xuyên qua trái tim con vật đang hấp hối. Con lợn thôi giãy giụa và đám thợ săn tùy tùng lao vào xác con vật để xẻ thịt nó.
Cesare theo dõi màn trình diễn dũng cảm của cha và ngạc nhiên trước sức khỏe hiếm thấy của ông, chàng cảm thấy tự hào về cha mình. Nếu như bản thân Cesare đang không làm được những gì chàng muốn với cuộc đời mình, ít ra chàng cũng đang làm những gì cha chàng muốn và chàng biết đó là nguồn vui cho Alexander. Và khi nhìn vào con vật vừa bị hạ gục, chàng nghĩ quả là may mắn khi chàng trở thành người theo ý cha mình.
* * *
Vào lúc hoàng hôn, Cesare và Lucrezia tay trong tay dạo bước bên làn nước lấp lánh của bờ hồ. Cặp anh em này quả là rất đẹp đôi, dáng vẻ cao ráo, cường tráng của chàng tương phản với mái tóc vàng và đôi mắt màu hạt phỉ vốn thường ánh lên vẻ thông minh và tinh nghịch của nàng. Tuy nhiên, đêm nay nàng lộ vẻ ưu phiền.
Lucrezia nói, “Quả là một sai lầm, Cesare à, khi Papa buộc em phải lấy Giovanni. Hắn ta không phải là người tốt. Hắn ít khi nói chuyện với em, và khi mở miệng, hắn toàn nói ra những lời thô lỗ, cộc cằn. Em không biết mình còn có thể hi vọng được gì. Em biết rằng hôn nhân giữa em và hắn là vì lợi ích chính trị, nhưng em không nghĩ mình sẽ
bất hạnh đến thế.”
Cesare cố gắng giữ vẻ từ tốn. “Này Crezia, em biết rằng Ludovico Sforza vẫn còn là nhân vật quyền lực nhất Milan. Giovanni giúp gắn kết mối quan hệ của chúng ta với gia tộc đó tại một thời điểm quyết định.”
Lucrezia gật đầu. “Em hiểu mà. Tuy nhiên, hồi đó em cứ tưởng rồi mình sẽ thay đổi suy nghĩ. Nhưng ngay cả khi em và hắn quỳ trên những chiếc ghế bằng vàng kia, trong cái đám cưới xa xỉ nọ, và nhìn qua con người sẽ là chồng em, em biết việc đó là sai lầm kinh khủng. Em không biết nên cười hay nên khóc khi nhìn vào các vị hồng y khoác chiếc áo choàng đỏ thẫm và đám phù rể trong trang phục Thổ Nhĩ Kỳ thêu chỉ bạc. Tất cả nhằm tạo nên một lễ hội linh đình, ấy thế mà không hiểu sao em lại thấy tủi thân quá chừng.”
“Thế chẳng có cái gì làm em hài lòng sao?” Chàng mỉm cười hỏi.
“Có chứ,” nàng đáp. “Chính là anh trong trang phục màu đen. Và những chiếc thuyền gondola của Venice tạo ra từ hai mươi ngàn đóa hồng.”
Cesare dừng lại và đối mặt em gái. “Anh không thể chịu nổi, Crezia à,” chàng nói. “Anh không thể chịu nổi ý nghĩ em trong tay người khác, cho dầu vì lí do gì. Giá như anh có thể đi xa và không phải dự phần vào vở kịch thảm hại đó. Nhưng Papa đã quyết liệt nhấn mạnh là anh phải có mặt ở đó. Ngày hôm đó trái tim anh nặng trĩu tối tăm như trang phục của anh vậy…”
Lucrezia dịu dàng hôn vào môi anh mình. “Giovanni là một kẻ huênh hoang ngạo mạn,” nàng nói. “Và hắn là một người tình khủng khiếp. Em khó thoát khỏi những vồ vập của hắn ngoại trừ những lúc khóc suốt như một cành liễu rũ. Ngay cả cái mùi toát ra từ thân thể hắn em cũng không chịu nổi.”
Cesare cố gắng giấu một nụ cười tủm tỉm. “Ngủ với hắn chắc là không thích bằng với anh?”
Lucrezia vọt miệng cười khúc khích. “Người yêu dấu ơi, đó là sự khác biệt giữa thiên đàng và địa ngục đối với em.”
Lúc họ bắt đầu dạo bước trở lại, họ đi qua một chiếc cầu nhỏ và bước vào khu rừng. “Chồng em làm anh nhớ đến chú Juan nhà ta.” Cesare nói.
Lucrezia lắc đầu. “Juan còn trẻ. Rồi anh ấy sẽ trưởng thành. Thật phúc cho em khi có anh làm anh trai, nhưng Juan thì không.”
Cesare yên lặng một lúc, nhưng khi cất lời, chàng nói bằng một giọng rất nghiêm túc. “Nói thật, anh tin rằng em Jofre còn gây tai ương cho gia đình hơn cả Juan. Anh chấp nhận sự đần độn của nó nhưng cái gia đình mà nó và Sancia tạo dựng là cả một nỗi ô nhục. Hơn một trăm người hầu cho chỉ hai đứa chúng nó! Đĩa ăn bằng vàng và cốc rượu bằng châu ngọc cho hai trăm người khách bất cứ khi nào chúng muốn! Quả là điên rồ và chuyện đó gây ảnh hưởng xấu đến gia đình chúng ta. Quan trọng hơn nữa, con của một Giáo hoàng mà lại sống phóng túng, quái dị như vậy thì đúng là nguy to.”
Lucrezia nhất trí. “Em biết, Chez. Cha cũng rối trí vì chuyện đó, mặc dầu ít khi cha công khai nói ra. Nhưng cha không yêu Jofre bằng yêu chúng ta, và vì biết điểm yếu, tính thiếu hiểu biết của nó nên ông càng dễ tha thứ cho nó.”
Cesare lại thêm một lần dừng bước để nhìn Lucrezia dưới bầu trời sáng trăng. Làn da trơn mịn như gốm sứ của nàng dường như lung linh hơn thường lệ. Cesare nhẹ nhàng nâng khuôn mặt nàng lên để chàng có thể nhìn vào đôi mắt nàng. Nhưng dường như chàng thấy nỗi sầu muộn trong đáy mắt em gái khiến chàng phải nhìn lảng ra xa. “Crezia,” chàng kêu lên, em có muốn anh nói chuyện với Papa về chuyện li dị với Giovanni? Papa cưng em nhất nhà. Có thể Papa chấp nhận giải pháp ấy. Em nghĩ Giovanni có ưng thuận không?”
Lucrezia cười với anh mình. “Em tin chắc chồng em có thể dễ dàng sống mà không cần có em; hắn chỉ tiếc nhớ món hồi môn thôi. Vàng trên tay mới là thứ quyến rũ hắn, chứ không phải vàng nơi mái tóc em.”
Cesare cười vì tính thẳng thắn của nàng. “Anh sẽ chờ đúng thời điểm, và lúc ấy anh sẽ trình bày vấn đề với Papa.”
* * *
Bóng tối chầm chậm buông xuống Ngân Hồ, Juan bắt đầu chỉ cho Sancia, vợ của Jofre, căn nhà săn trước đây của cha mình. Giờ đây ít khi nó được dùng đến vì căn nhà săn mới - đẹp hơn, thanh lịch hơn - đã được xây xong.
Sancia cùng tuổi với Juan nhưng có vẻ kém chín chắn hơn nhiều. Cô nàng có một vẻ đẹp cổ điển của hoàng gia Aragon với đôi mắt xanh đậm, hai hàng lông mi đen dài, tóc đen óng mượt. Phong thái nhẹ nhàng, hơi tinh quái, gây cho người khác ấn tượng về một cô gái thích bông đùa. Thật ra, đó chỉ là tính tự phụ nông cạn, một kế sách cũ rích dùng để mồi chài những kẻ ngây thơ…
Juan nắm tay Sancia đi xuống con đường cây cỏ mọc um tùm dẫn đến khoảng rừng thưa. Ở đó nàng thấy căn chòi bằng gỗ thông đẽo gọt qua loa với một ống khói bằng đá.
“Không phải là nơi thích hợp cho một nàng công chúa,” Juan nói, mỉm cười với nàng. Bởi xét cho cùng nàng vẫn là con gái vua Masino xứ Naples và như vậy đích thực là công chúa.
“Em nghĩ là nơi đáng yêu đấy chứ,” Sancia đáp lời, vẫn còn níu tay Juan.
Khi đã vào nhà, Juan nhóm lò lửa lên trong lúc Sancia đi quanh phòng nhìn ngắm những chiếc đầu thú treo trên tường làm chiến lợi phẩm. Nàng dừng lại và gõ vào chiếc tủ gương trang điểm làm bằng gỗ cây ăn quả, cái hộp đầu giường trên chiếc giường phủ nệm lông vũ và những đồ trang trí nội thất đẹp kiểu thôn dã, với nước bóng màu vàng chứng tỏ đã qua nhiều năm sử dụng và lau chùi cẩn thận.
“Tại sao cha vẫn để nơi đây đủ đồ trang trí nội thất, nếu nó không còn được sử dụng nữa?” Nàng thắc mắc.
Juan đang quỳ lom khom trước lò lửa, nhìn lên và mỉm cười. “Thi thoảng cha vẫn còn sử dụng căn chòi này đấy chứ, mỗi khi cha có người khách nào mà cha muốn được riêng tư với người ấy… như anh hiện giờ đây này.” Juan đứng lên, bước qua căn phòng, đến bên nàng. Chàng nhanh chóng kéo nàng sát vào người, vòng tay ôm trọn quanh nàng. Rồi chàng hôn nàng. Trong một lúc nàng lặng yên, nhưng sau đó nàng nghiêng người ra xa và thì thầm, “Không, không, em không thể. Jofre sẽ…”
Nỗi khao khát của Juan thúc giục chàng ta lôi kéo Sancia càng sát vào hơn trong lúc chàng ta vội vã thì thầm bằng một giọng khàn khàn, “Jofre sẽ chẳng làm gì cả! Nó chẳng làm được cái quái gì đâu!”
Juan có thể không thích anh cả Cesare, nhưng vẫn coi trọng trí thông minh và kiêng dè dũng lực của ông anh. Chứ còn đối với chú nhóc Jofre thì chàng chẳng coi ra cái thá gì.
Giờ đây, Juan lại kéo cô vợ của chú em mình vào sát hơn nữa. Đưa bàn tay táy máy bên dưới chiếc váy trắng khá ngắn của nàng, chàng vuốt ve sờ soạng cái đùi nõn nường rồi đưa các ngón tay mình ngược dần lên, chà xát nhẹ nhàng cho đến khi chàng cảm nhận phản ứng hứng tình của nàng. Thế là chàng kéo nàng đến chiếc giường kế bên.
Chỉ vài giây sau là họ đã nằm xuống bên nhau. Được chiếu sáng bởi ngọn lửa chập chờn từ trong lò hắt ra, mái tóc đen dài của Sancia xõa ra trên gối trông nàng thật đẹp và chiếc váy nàng bật tung lên cao càng thiêu đốt lửa dục vọng của Juan thêm phừng phừng. Chàng nhanh chóng leo lên người nàng. Khi chàng thọc vào nàng, rồi từ từ rút ra, chàng nghe nàng rên rỉ. Nhưng nàng không kháng cự; thay vì thế nàng hôn chàng đắm say hết lần này đến lần khác, uống từ miệng chàng như trong cơn khát khao không thỏa. Juan bắt đầu đẩy vào sâu hơn, đâm thọc mạnh và dài hơn, nhấn càng lúc càng sâu lút cán vào người cô em dâu, xua đi khỏi đầu óc Sancia mọi ý nghĩ từ chối và về Jofre - đưa nàng vào cơn mê ái tình, say sưa, mụ mẫm.
* * *
Chiều tối hôm đó, Giáo hoàng và gia đình dùng bữa tối muộn ngoài trời bên bờ Ngân Hồ. Những ngọn đèn lồng nhiều màu sắc được treo trên cây, và trên các trụ gỗ cao dọc bờ hồ, bập bùng ánh đuốc. Số thú săn mà họ xẻ thịt làm nên một bữa đại tiệc vô cùng thịnh soạn chẳng những đủ để thết đãi cả một trăm thành viên thuộc đoàn tùy tùng của Giáo hoàng mà vẫn còn lại khá nhiều để chia cho người nghèo ở chung quanh. Sau tiết mục giúp vui của những nghệ nhân tung hứng và các nhạc công trong bữa tiệc, Juan và Sancia cùng đứng lên hát một bản song ca.
Cesare, ngồi kế bên Lucrezia, ngạc nhiên tự hỏi không biết hai cô cậu này tìm được thời gian khi nào để tập luyện với nhau, bởi họ hát với nhau rất ăn ý và cũng khá hay. Thế nhưng cậu em, chồng của Sancia, lại tỏ ra vui vẻ vỗ tay rối rít. Cesare cứ ngạc nhiên tự hỏi không biết chú em Jofre này ngốc thật hay giả vờ nữa xét theo những gì mà chú ta tỏ ra. Giáo hoàng Alexander hứng thú việc đàm đạo cũng chẳng kém gì việc đi săn, chuyện ăn uống hay thưởng ngoạn mĩ nhân. Sau bữa tiệc tối, khi màn hài kịch của các diễn viên và màn ca múa bắt đầu, Alexander thuyết giảng cho các con. Một diễn viên trong vai nhà quý tộc nghèo hèn, trong lúc bạo gan ngẫu hứng, tính khí thường thấy ở những con người lập dị này, đã ứng khẩu đặt vấn đề rằng, tại sao một Đức Chúa Lòng Lành lại nỡ nhẫn tâm giáng những điều bất hạnh cho những kẻ đầy đức tin? Tại sao Người lại cho xảy ra lụt lội, hỏa hoạn, dịch bệnh? Làm thế nào mà Người có thể để mặc cho những trẻ thơ vô tội phải chịu những trò tàn ác ghê rợn? Tại sao Người có thể cho phép con người, vốn được tạo ra theo hình ảnh của Chúa, lại đi gieo rắc thảm họa lên đồng loại của mình?
Alexander nhận lời thách thức. Vì đang ngồi cùng với người thân, bạn bè, ông chọn cách không dựa vào kinh Thánh để chứng minh luận điểm của mình. Mà ông thuyết minh, diễn giải như một triết gia Hy Lạp, La Mã hay như một thương gia xứ Florence.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu như Chúa hứa hẹn một Thiên đàng đạt được dễ dàng, không phải qua đau khổ, ngay trên mặt đất này?” Ông nói. “Nếu như thế, Thiên đàng sẽ chẳng có giá trị gì nhiều. Chứng lí nào sẽ kiểm nghiệm lòng thành và niềm tin của con người? Không có Luyện ngục thì cũng không có Thiên đàng. Vậy con người sẽ gây ra tội ác kinh thiên động địa đến mức nào? Con người sẽ nghĩ ra biết bao phương cách để hủy diệt nhau, có lẽ ngay cả trái đất này cũng không còn. Những thành tựu không phải qua đau khổ thì chẳng có giá trị gì. Những thành tựu đạt được quá dễ thì không đáng kể. Lúc đó con người sẽ là một tay cờ bạc bịp, chơi ván bài cuộc đời với con xúc xắc mài lệch mặt và những lá bài được đánh dấu. Hắn chẳng khá gì hơn đám thú dữ mà chúng ta huấn luyện. Nếu không có tất cả những chướng ngại mà chúng ta gọi là bất hạnh, thì Thiên đàng còn có hứng thú gì? Những bất hạnh đó lại chính là bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, của tình yêu mà Người dành cho nhân loại. Còn đối với những chuyện con người gây ra cho nhau, chúng ta không thể đổ lỗi cho Chúa. Mà chúng ta phải tự trách bản thân mình và phải trả giá nơi Luyện ngục.”
“Thưa cha,” Lucrezia hỏi ông, bởi trong số các con ông, nàng là đứa quan tâm nhất đến những vấn đề về đức tin và điều thiện, “nhưng như vậy thì sự dữ là gì?”
“Quyền lực là sự dữ, con ạ,” ông nói. “Và nhiệm vụ của chúng ta là xóa sổ dục vọng đó khỏi con tim và trí tuệ của con người. Điều đó, Giáo hội Thần thánh có thể làm được. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể xóa bỏ quyền lực của xã hội, trong xã hội. Vì vậy chúng ta không bao giờ có thể xóa bỏ sự dữ khỏi xã hội văn minh. Bất công sẽ mãi tồn tại, người thường sẽ mãi chịu khổ đau. Có thể là trong năm trăm năm sau con người sẽ không còn lừa lọc và giết hại lẫn nhau, ôi, ngày hạnh phúc đó bao giờ sẽ đến?”
Sau đó ông nhìn thẳng vào hai đứa con Juan và Cesare và tiếp tục. “Nhưng trong chính bản chất của xã hội, để giữ cho một dân tộc đoàn kết vì Chúa và vì Tổ quốc của họ, một ông vua có lúc cần treo cổ hay thiêu sống những thần dân phản nghịch để uốn nắn chúng. Bởi con người cũng ương ngạnh khó bảo như thiên nhiên, và có những con quỷ không sợ nước thánh.”
Alexander nâng li mời, “Kính mừng Giáo hội Đức Mẹ Thần thánh và chúc mừng gia đình chúng ta. Cầu mong chúng ta thịnh vượng khi chúng ta rao truyền lời Chúa khắp thế gian.”
Mọi người nâng li và hô lớn, “Chúc mừng Giáo hoàng Alexander! Xin Thượng Đế ban phước lành cho ngài, ban cho ngài sức khỏe, hạnh phúc và trí tuệ sáng láng của vua Solomon và của các đại triết gia.”
Sau đó phần lớn đoàn tùy tùng rút lui về các khu của họ, vào trú trong những căn lều bên bờ hồ; trên mỗi căn lều hiệu kì của nhà Borgia tung bay với hình ảnh con bò rừng đỏ đang lao tới. Lửa được nhóm lên để thắp sáng và hai bên bờ Ngân Hồ, các cổng vòm gỗ rực sáng ánh đuốc rừng rực cháy.
* * *
Trong khu của mình, Jofre đi tới đi lui, mặt mày sưng sỉa, làm thinh vì bực tức. Cô vợ Sancia cả đêm đó không về nhà. Trong bữa tiệc, lúc cậu lại gần vợ bảo cô ta về nhà cùng thì cô vợ từ chối với một nụ cười khẩy ra ý nhạo báng, và xua tay ra hiệu đuổi đi. Khi nhìn vào khuôn mặt mọi người chung quanh, Jofre ngượng chín mặt, mắt cay xè.
Ngày hôm đó ở Ngân Hồ quả là một trận sỉ nhục cho chàng ta, mặc dầu dường như mọi người đang ăn uống cười đùa thỏa thích, vui vẻ với nhau nên có thể chẳng ai để ý đến cậu. Cậu đã vỗ tay, tất nhiên rồi, và mỉm cười - như nghi thức cung đình buộc phải thế - nhưng hình ảnh vợ cậu cùng với ông anh Juan ngạo mạn song ca tình tứ làm cậu nghiến răng kèn kẹt và chẳng còn thấy vui thú gì với âm điệu ngọt ngào của bài hát.
Jofre thui thủi một mình quay về căn lều dành cho hai vợ chồng. Sau khi cố dỗ giấc ngủ và rồi thấy không thể nào ngủ được, cậu ra ngoải tản bộ hầu dẹp yên cơn bồn chồn. Tiếng côn trùng rên rỉ trong đêm trường tịch mịch nơi lùm cây bụi cỏ giúp cậu cảm thấy đỡ cô đơn. Cậu ngồi bệt lên mặt đất, cảm nhận hơi mát lạnh của đất, và cậu thấy lòng mình nguôi ngoai. Và cậu nghĩ về cha mình, Đức Giáo hoàng, và các anh chị mình…
Cậu vẫn luôn biết rằng mình chẳng thông minh tài giỏi được như anh cả Cesare, còn sức lực thì không bằng Juan. Nhưng tận sâu trong thâm tâm, cậu hiểu điều mà hai anh mình không hiểu được. Rằng những tội lỗi mà cậu phạm phải - thói phàm ăn tục uống và hoang phí quá độ - những thói xấu đó chưa phải là tội trọng so với thói độc ác của Juan hay tham vọng của Cesare.
Còn trí tuệ sắc sảo thì sao? Nó có quyết định cuộc đời ta sẽ đi theo hướng nào không? Chị cậu, Lucrezia, hơn xa cậu xét về mặt trí tuệ, nhưng chị ấy đâu có quyền lựa chọn gì nhiều cho cuộc đời mình, có khác gì cậu đâu. Ngẫm về gia đình mình, Jofre đi đến kết luận là trí thông minh không thể sánh được với lời khuyên từ một trái tim thuần khiết và một tâm hồn thánh thiện.
Juan vẫn luôn luôn là kẻ xấu tính nhất trong mấy anh chị em, ngay từ thuở còn thơ ấu và chỉ chịu chơi những trò chơi nào mà chàng ta biết mình có thể thắng dễ dàng. Do mang trên mình nghĩa vụ của một hồng y, nên đôi khi Cesare phải la mắng Jofre về cái tội quá độ nhưng với thái độ tử tế, khác với thói độc ác và khao khát sỉ nhục như Juan. Còn chị Lucrezia là người Jofre yêu thương nhất vì chị luôn đối xử với cậu thân tình và dịu dàng, luôn làm cho cậu cảm thấy chị vui vẻ khi ở cạnh mình. Còn ông bố Giáo hoàng hiếm khi tỏ ra quan tâm tới cậu.
Giờ đây, lại cảm thấy bất an, Jofre quyết định đi tìm Sancia. Cậu sẽ thuyết phục nàng cùng quay về căn lều của họ. Cậu đứng dậy và bắt đầu đi vào lối đi hẹp giữa các hàng cây, khiến trong một thoáng, cậu bình tĩnh lại. Nhưng ở bên rìa khu cắm trại, dưới bầu trời đêm, cậu thấy hai cái bóng đen. Cậu định kêu lên để chào họ, nhưng rồi một cái gì đó khiến chàng ngưng lại.
Chàng nghe tiếng cười của dâm phụ trước khi thấy rõ nàng ta. Sau đó trăng đêm sáng vằng vặc soi rõ mặt ông anh đểu cáng Juan và cô vợ Sancia đang tay trong tay tản bộ ngắm trăng. Lẳng lặng quay gót, cậu đi theo họ trở về hướng căn lều. Ở đó cậu thấy cảnh tượng Juan và Sancia dừng lại ôm hôn nhau. Jofre bĩu môi khinh miệt. Cậu cố trấn tĩnh, lặng yên bất động trong lúc theo dõi anh mình cúi xuống hôn vợ mình say đắm khi từ biệt.
Vào lúc đó Jofre thấy Juan thật đáng khinh. Nhưng còn hơn thế, cậu thấy nơi Juan một điều gì đó thật xấu xa, tội lỗi. Và thế là, với quyết tâm dứt khoát, trong trái tim mình cậu lên án hắn và thề không còn coi hắn là anh của mình nữa. Bỗng nhiên cậu thấu suốt mọi chuyện, không còn chút nghi ngờ nào nữa. Hạt giống của Chúa Jesus được gieo vào trong tử cung của Đức Mẹ Đồng Trinh bởi Chúa Thánh Thần, và đã đặt luôn vào đó cả mầm tội lỗi mà không hay biết và chẳng nhận ra - cho đến lúc đơm hoa kết quả, mọi thứ mới được phơi bày.
Bấy giờ, ông anh Juan dợm bước rời đi, và trong cơn hứng chí hiếm hoi, chàng ta rút con dao găm ra khỏi vỏ, nhanh nhẹn xoay tròn. Rồi chàng ta cười khoái chí trong khi lớn tiếng huênh hoang với Sancia, “Không lâu nữa đâu ta sẽ là thống soái quân đội giáo triều và lúc đó em sẽ thấy ta tung hoành ra sao!”
Jofre lắc đầu và cố gắng kiềm chế cơn giận. Sau một lúc cậu cũng bình tâm lại. Lúc đó, với sự bình thản khác thường, cậu lí luận: những cuộc chiến vô nghĩa để tranh giành quyền lực chính trị có gì là thú vị, và thực tế chúng làm ta phát chán. Còn dùng vũ khí để lấy đi mạng sống của người khác, chấp nhận nguy cơ đày đọa đời đời vì một mục tiêu quân sự nào đấy cũng là chuyện vô nghĩa. Để đánh liều như vậy, cậu nghĩ cái giá phải quý hơn thế và có mục đích riêng.
* * *
Cesare cũng đang bồn chồn bất an. Cuộc nói chuyện với Lucrezia khiến lòng chàng nặng trĩu và không thể nào chợp mắt. Dò hỏi, chàng được biết Giáo hoàng đã lui về khu của ông. Tuy thế, chàng cảm thấy phải thưa chuyện với cha.
Trong dãy phòng riêng của mình, Giáo hoàng đang ngồi trước bàn làm việc, đọc và kí duyệt các văn thư chính thức được hai người thư kí trình lên. Ông cho họ ra ngoài khi Cesare bước vào phòng. Ngạc nhiên trước năng lượng dồi dào của cha, Cesare bước về phía ông để nhận một cái ôm. Một ngọn lửa lớn do năm súc gỗ cháy tạo nên, sáng rực trong lò sưởi khổng lồ.
Giáo hoàng đã mặc đồ ngủ: một áo ngủ dài bằng len, phủ bên ngoài là áo lụa thêu hoa văn phong phú, và được viền lông thú mà ông nghĩ sẽ giúp giữ thân nhiệt và bảo vệ ông chống lại những cơn gió độc gây sốt rét ở Rome. Trên đầu ông đội một mũ hình vuông nhỏ màu hồng ngọc, không trang sức. Alexander thường nói rằng mặc dầu một Giáo hoàng, vì lí do quốc thể, phải luôn luôn phô bày sự giàu sang của Giáo hội trước công chúng, nhưng ít nhất ông cũng có thể ngủ giản dị như một nông dân.
“Và con gái ta tâm sự chuyện gì với người anh thân yêu nhất của nó?” Giáo hoàng hỏi. “Có phải nó than phiền về chồng nó?”
Cesare hiểu ngay cái giọng bóng gió trêu chọc của cha; tuy thế chàng vẫn ngạc nhiên sao cha lại biết được nỗi lòng của Lucrezia. Cesare trả lời, “Em nó than sống không hạnh phúc với chồng.”
Trong một thoáng, Alexander có vẻ trầm tư. “Cha cũng phải công nhận chính bản thân cha cũng không còn được vui với cuộc hôn nhân của con gái. Nó không phục vụ được mục đích chính trị như ta từng hi vọng.” Ông có vẻ vui khi có cơ hội nói về chuyện này. “Xét kĩ ra thì cái tên Sforza đó đem lại lợi ích gì cho chúng ta? Ta chưa bao giờ thực sự thích hắn, hắn chẳng đáng giá gì trong tư cách một người lính. Và giờ đây Il Moro cũng chẳng mang lại giá trị gì cho chúng ta, lòng trung thành của hắn dễ lung lay và không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Hẳn nhiên là hắn cũng là một nhân vật ta phải tính đến, bởi chúng ta cần có hắn trong Liên minh thần thánh. Nhưng hắn quả là không thể nói trước. Tuy thế, chúng ta cũng còn phải xem xét cảm nhận của em con nữa. Con nhất trí chứ?”
Cesare nghĩ là Lucrezia sẽ mừng biết mấy khi biết cha nghĩ thế và điều đó khiến chàng rất vui. Nàng sẽ nghĩ chàng là người hùng giải vây cho nàng khỏi hoàn cảnh bất như ý. “Chúng ta sẽ tiến hành như thế nào đây?”
Alexander tiếp tục. “Vua Ferdinand đã yêu cầu ta làm sao cho hoàng gia Naples thành bạn của mình. Chắc chắn là, mặc dầu cuộc hôn nhân của Jofre với Sancia đã đưa nó vào chung trận tuyến với Naples, điều đó chưa hẳn đã phục vụ chúng ta. Mà trên thực tế, có thể gây hại cho chúng ta nữa. Trừ phi…” Giáo hoàng mỉm cười trước khi tiếp tục. “Chúng ta có thể sửa chữa vết nứt đó với vài liên minh mới.”
Cesare nhíu mày. “Cha bảo sao? Con chưa hiểu rõ lắm.”
Đôi mắt Alexander ngời lên, và trông ông có vẻ thích thú với cảm hứng vừa chợt đến. “Anh của Sancia. Alfonso. Giờ đây, đấy có thể là một đám đáng giá hơn rất nhiều cho Lucrezia. Xúc phạm đến nhà Sforza luôn luôn là chuyện không hay nhưng trong tình thế này cũng đáng để cân nhắc. Bảo với em gái con là ta sẽ xem xét việc thay đổi này.”
Alexander đẩy chiếc ghế của ông ra xa khỏi bàn giấy và đứng dậy đi ngang qua phòng để cời lửa lên bằng chiếc que móc bằng gang nằm trên nền đá phía trước ông. Khi quay lại phía con trai, ông nói, “Cesare này, con hiểu rằng chúng ta phải kiểm soát những lãnh thổ thuộc giáo triều. Nhiều đại diện tòa thánh lại giống như những lãnh chúa tham tàn, ưa đánh nhau để tranh giành lãnh địa, chống lại tính bất khả ngộ của Giáo hoàng, áp bức và vắt kiệt sức dân. Chúng ta phải làm sao khép chúng vào kỉ cương nền nếp, chứ không thể chấp nhận tình trạng hỗn loạn tôn ti thượng hạ như thế.”
Cesare thăm dò, “Và cha đã có kế hoạch?”
“Các vua Pháp và Tây Ban Nha đều đã thống nhất những vùng lãnh thổ của họ theo mô hình trung ương tập quyền. Chúng ta cũng phải làm thế. Đó là chuyện bắt buộc phải làm vì dân chúng và vì giáo triều. Nhưng chúng ta cũng phải làm điều đó vì gia đình mình. Bởi nếu chúng ta không tạo ra được một chính quyền thống nhất, do nhà Borgia kiểm soát nhằm cưỡng chế các chính quyền địa phương công nhận uy quyền của Rome và của Giáo hoàng, thì con và mọi thành viên khác trong gia đình chúng ta đều sẽ lâm nguy.” Ông dừng lời, trầm ngâm.
“Chúng ta cần có những pháo đài với quân tướng tinh nhuệ,” Cesare quả quyết. “Để trấn áp những cuộc nổi loạn ở các địa phương cũng như để ngăn chặn bọn xâm lăng ngoại bang muốn biến những miền đất trung tâm của chúng ta thành của chúng.”
Alexander không nói gì, dường như chìm sâu vào suy tư.
Cesare cúi đầu. “Con luôn sẵn sàng phục vụ cha. Con là một hồng y của Giáo hội mà.”
Ngồi vào chiếc ghế da yêu thích, Giáo hoàng Alexander nghiêm nghị nói, “Ta không cần nói chắc con cũng dư hiểu nếu như ta mất và một Giáo hoàng thù địch như della Rovere được bầu lên thì sẽ nguy hiểm cho tất cả các con và mọi thành viên khác trong gia đình ta như thế nào. Ta không dám nghĩ đến những gì sẽ xảy ra cho em gái con. Địa ngục của Dante cũng chưa sánh nổi với địa ngục mà nó sẽ phải đối mặt…”
Cesare nói, “Thưa cha, sao cha lại kể con nghe chuyện này? Chúng ta chưa cần phải run sợ mà, bởi cha hãy còn chưa bắt đầu thực hiện những thiện nghiệp mà cha phải làm cho Giáo hội Thần thánh, và do vậy con tin chắc là cha sẽ còn sống thêm nhiều năm nữa.”
Alexander hạ thấp giọng. “Cho dầu gặp cảnh ngộ nguy biến gì, cũng chỉ có hai người trong triều đình này mà con có thể tin cậy hoàn toàn. Một là Don Michelotto…”
“Điều đó không làm con ngạc nhiên, thưa cha, bởi ai cũng thấy cha ưu ái anh ấy thế nào. Con cũng dễ dàng tin tưởng anh ấy kể từ thuở bé.” Rồi chàng tạm dừng. “Tuy nhiên cuộc đời anh ấy vẫn còn là điều bí ẩn với con. Con chưa bao giờ hỏi cha chuyện này: Làm thế nào mà một người gốc Valencia lại một lòng cống hiến vì Rome?”
Và thế là Alexander kể lại cho con nghe câu chuyện về Miguel Corello, giờ đây được biết đến dưới tên gọi Don Michelotto.
“Nhưng anh ấy còn có ngoại hiệu là người thắt cổ,” Cesare nói.
“Đúng, con trai ạ, hắn được gọi là người thắt cổ, nhưng hắn còn hơn thế nhiều. Hắn là một tay cầm quân thiện nghệ, một chiến binh uy mãnh - và, điều quan trọng nhất, hắn sẵn sàng chết để bảo vệ gia đình chúng ta. Lòng trung thành nơi hắn cũng mãnh liệt như cơn cuồng nộ. Vậy nên đừng nhầm lẫn, hắn không chỉ là một sát thủ. Hắn đáng được tin cậy hoàn toàn.”
“Còn người kia?” Cesare hỏi.
“Người thứ nhì là Duarte Brandao. Về quá khứ của ông ấy, cha cũng chỉ có thể kể cho con nghe chút ít thôi, ông ấy bị bắt làm tù binh và được mang đến cho ta nhiều năm trước đây, khi ta cần một tay thông dịch tiếng Anh vì người thông dịch lâu nay của ta lại không có mặt. Nhưng ông ấy đã bị đám lính của ta đánh đập te tua và thề không còn nhớ gì về quá khứ của mình nữa.”
“Và tuy thế cha vẫn giữ ông ấy?” Cesare hỏi.
Alexander ngồi, hồi tưởng lại. “Lần đầu gặp mặt, ông ấy trông bẩn thỉu hôi hám và xộc xệch rối bù, bị giam lâu ngày trong ngục tối mà, nhưng một khi được tắm rửa và cho thay quần áo sạch sẽ, ông ta đến trình diện ta. Vào ngày đó, phong thái của ông ấy làm ta liên tưởng đến một nhân vật tên Edward Brampton, một người Do Thái cải đạo, từng phụng sự rất đắc lực cho vua Edward IV của Anh quốc. Ta từng thấy mặt ông ta chỉ một lần thôi, đã lâu lắm rồi, nhưng ta đặc biệt lưu ý bởi đó là người Do Thái đầu tiên được phong hiệp sĩ. Người ta nói rằng ông ấy từng phụng sự cho Richard III, hoàng huynh của Edward IV. Richard III, như con cũng biết, đã bị quân của Henry Tudor phục kích giết chết. Brampton đã đánh trăm trận trên đất liền và trên biển cả, vì Edward IV và thực sự đã cứu được toàn bộ hạm đội Anh quốc cho Richard III. Thế rồi Brampton biệt tích khỏi nước Anh và cùng khoảng thời gian đó, Duarte Brandao bị bắt ở Rome. Quân của Tudor sẽ phanh thây Brampton nếu chúng bắt được ông ta, và ngay cả hiện nay ông ấy vẫn luôn đối mặt với nguy cơ từ những mật vụ của hoàng gia Tudor.”
“Và đấy là lí do khiến ông ta phải thay tên đổi họ, phải không cha?” Cesare hỏi. “Nhưng Brandao có đúng là người Do Thái?”
Alexander nói, “Nếu thế, ông ta là một người cải đạo sang Công giáo, vì ta từng thấy ông ấy lãnh nhận Thánh Thể. Và vì bảy năm qua ông ấy đã phụng sự ta và Giáo hội Đức Mẹ Thần thánh một cách tín mộ hơn bất kì người nào khác mà ta biết. Ông ấy là người dũng cảm nhất và thông minh nhất mà ta từng gặp, vừa là một chiến binh tinh nhuệ trên đất liền và vừa là một thủy thủ lão luyện trên biển cả, một điều khá hiếm.”
“Con không phản đối chuyện ông ấy là người Do Thái, thưa cha,” Cesare nói, vẻ thích thú. “Con chỉ thắc mắc không biết người khác sẽ nghĩ sao khi họ thấy cha, vị nguyên thủ của Giáo hội Công giáo La Mã lại đang được tư vấn bởi một người không phải là Cơ-đốc.”
Alexander mỉm cười. “Ta vui vì con không phản đối, con trai ạ,” ông nói hơi có chút châm biếm. Sau đó giọng ông chuyển sang nghiêm túc. “Con biết quan điểm của ta về tình cảnh dân Do Thái, Cesare à. Khi Ferdinand và Isabella của Tây Ban Nha yêu cầu ta bỏ tù, tra tấn và giết hại những người Do Thái nào dám hành đạo của họ, ta đã từ chối. Ta bảo với họ ta cho rằng Tòa án Dị giáo của Tây Ban Nha là một chuyện ghê tởm cũng như chuyện đối xử với người Do Thái nơi xứ sở của họ. Xét cho cùng chính những con người này đã đem lại cho chúng ta giáo luật; họ đã cho chúng ta Đấng Jesus Christ. Ta có nên tàn sát họ bởi vì họ không tin Người là con của Chúa Trời? Không, ta sẽ không làm điều đó. Ta không thể luôn luôn ngăn ngừa thần dân của ta hay ngay cả những viên chức của ta tấn công hay lợi dụng người Do Thái, nhưng chắc chắn đó không phải là chính sách của ta.”
Cesare biết rằng khi các Giáo hoàng được bầu, một phần trong nghi lễ đăng quang là Giáo hoàng mới được người đứng đầu cộng đồng Do Thái ở Rome dâng một quyển sách giáo luật Hebrew. Mọi Giáo hoàng khác đều cầm lấy quyển sách và ném xuống đất tỏ ý ghê tởm. Chỉ cha chàng là không. Alexander VI cũng từ chối nó - nhưng ông trả nó lại với vẻ tôn trọng.
Giờ đây Cesare hỏi, “Thưa cha, vậy đối sách của cha là gì?”
“Ta không làm hại họ,” Giáo hoàng nói. “Tuy nhiên, ta sẽ đánh thuế họ thật nặng.”