Cha Con Giáo Hoàng

Chương 7

Vị thầy thuốc của Giáo hoàng hộc tốc chạy đến Vatican để thông báo khẩn về dịch hạch đang bùng phát ở thành Rome. Bấy giờ, ngồi trên ngai vàng, trong Đại Sảnh Đức Tin, nghe tin Cái Chết Đen sắp tràn qua, Alexander hốt hoảng. Ông nhanh chóng cho gọi con gái yêu đến phòng mình.

“Đã đến lúc con phải rời khỏi đây để đến Pesaro, tìm nơi lánh nạn chỗ chồng con,” ông nói vắn tắt.

“Nhưng Papa à,” cô khóc, quỳ dưới chân ông và ôm hai cẳng chân ông, “làm sao con có thể rời xa cha? Làm sao con có thể xa lìa anh em con, Adriana thân yêu, và cả Julia của chúng ta? Làm sao con có thể sống tại một nơi xa cách thành phố mà con yêu mến đến thế?”

Trong trường hợp bình thường, có lẽ Alexander đã thương lượng lâu hơn với con gái cưng, nhưng giờ đây, trong tình thế hiểm nghèo này, ông phải quyết liệt buộc con gái ra đi. “Papa sẽ cho Adriana và Julia cùng đi với con đến Pesaro,” ông bảo cô. “Và chúng ta sẽ gửi thư từ cho nhau hằng ngày, vậy là không ai trong chúng ta sẽ phải cô đơn, con yêu ạ.”

Nhưng Lucrezia không thể nào nguôi ngoai. Nàng đứng đó, đôi mắt của nàng bình thường dịu dàng, giờ đây như rực lửa.

“Con thà chết vì dịch hạch ở Rome còn hơn sống với Giovanni Storza ở Pesaro. Hắn ta khả ố không chịu nổi! Hắn không bao giờ ngó ngàng đến con, hiếm khi nói chuyện với con, và khi nào hắn mở miệng thì toàn nói về bản thân hắn, hay là ra lệnh cho con làm những chuyện mà con thấy ghét.”

Giáo hoàng Alexander trìu mến ôm con gái và cố gắng an ủi. “Trước đây chúng ta chẳng từng bàn về chuyện này rồi hay sao? Về những hi sinh mà mỗi người chúng ta đều phải gánh chịu để duy trì hạnh vận của gia tộc và quyền lực của Chúa trên thế gian này? Julia thân yêu từng nói với ta về lòng ngưỡng mộ của con đối với nữ thánh Catherine. Nữ thánh có phản đối lời kêu gọi của Cha Trên Trời như con không? Và Papa của con chẳng phải là tiếng nói dưới thế của Cha Trên Trời hay sao?”

Lucrezia lùi lại và nhìn cha mình. Môi dưới còn bĩu ra, nàng nói, “Nhưng Catherine xứ Sienna là một vị thánh; còn con chỉ là một đứa con gái bình thường. Các cô gái bình thường đâu cần phải hành động như các vị nữ thánh. Bởi làm con gái của một Giáo hoàng đâu nhất thiết đồng nghĩa với một thánh tử đạo?”

Đôi mắt Giáo hoàng Alexander sáng lên. Hiếm người nào có thể cãi lại lí lẽ đầy thuyết phục của con gái ông, song ông vẫn thích thú và vui lòng khi cô con gái dùng dằng không muốn rời xa ông.

Ông nắm lấy bàn tay xinh xắn của con gái. “À, Papa của con cũng phải hi sinh vì Cha Trên Trời, trên đời này, con là người ta thương yêu nhất, con gái cưng ạ.”

Lúc bấy giờ Lucrezia rụt rè nhìn cha. “Còn Julia thì sao ạ?”

Giáo hoàng làm dấu thánh giá ngang ngực. “Có Chúa làm chứng, ta nói lại, ta không yêu thương ai hơn con.”

“Ô, Papa,” Lucrezia nói, quàng đôi cánh tay quanh cổ ông và hít vào mùi hương trầm từ trang phục thêu kim tuyến của ông. “Cha hứa sẽ gửi thư cho con luôn nhé? Hứa là phải gửi cho con bất cứ khi nào con mong ngóng nhé? Vì nếu không, con sẽ tan biến đi vì tuyệt vọng, và cha sẽ chẳng bao giờ còn thấy con nữa đâu.”

“Cha hứa,” ông nói. “Còn bây giờ, hãy tập họp những người hầu gái của con, ta sẽ thông báo cho chồng con rằng con sắp lên đường đi khỏi đây và đến Pesaro.”

Lucrezia cúi xuống hôn nhẫn Giáo hoàng để cáo từ, khi ngước đầu lên, nàng hỏi, “Con sẽ thông báo cho Julia hay là cha?”

Giáo hoàng mỉm cười. “Con sẽ cho cô ấy biết,” ông bảo, giả bộ nghiêm chỉnh. “Nào, đi thôi…”

* * *

Vào ngày cuối cùng trong cuộc hành trình năm ngày từ Rome đến Pesaro, tấm màn mưa nặng trịch vẫn tuôn xối xả, làm Lucrezia, Julia và Adriana, cùng đoàn tùy tùng và toàn bộ hành lí mang theo ướt sũng.

Lucrezia cảm thấy thất vọng, vì nàng hi vọng mình sẽ xuất hiện với vẻ lộng lẫy nhất khi đến nơi, xét cho cùng, nàng vẫn là nữ công tước cơ mà. Với niềm tự hào và phấn khích của một đứa trẻ mang nhiều kì vọng, Lucrezia muốn được tận hưởng sự ngưỡng mộ và lòng cảm mến mà nàng hi vọng sẽ nhìn thấy trên khuôn mặt của những con người kể từ nay là thần dân của nàng.

Một đoàn ngựa kéo chở theo các kiện hàng quý giá băng qua những miền quê xinh tươi dọc con đường gập ghềnh bụi đá. Mặc dầu có Michelotto và nhiều thuộc hạ vũ trang hộ tống Lucrezia và đoàn của nàng để bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị bọn thổ phỉ tấn công hay nạn cướp bóc, nhưng họ vẫn buộc phải dừng lại mỗi đêm khi bóng tối buông xuống. Dọc đường từ Rome đến Pesaro rất hiếm chỗ nghỉ chân, nên họ thường phải dựng lều hạ trại để có chỗ tạm trú qua đêm.

Vài giờ trước khi đến nơi, Lucrezia yêu cầu người hầu dựng một chỗ trú kín đáo để nàng và Julia có thể chỉnh trang dung nhan. Họ đã đi đường nhiều ngày và giờ đây, khuôn mặt trẻ trung tươi tắn của nàng cùng mái tóc sạch sẽ cũng bị nắng mưa gió bụi làm cho rũ rượi cả - ấy là còn chưa nói đến bùn đất dính vào đôi hài và quần áo của nàng. Nàng bảo mấy cô hầu xõa tóc mình ra, lau khô bằng khăn bông mới rồi xức dầu bóng vào những bím tóc vàng của mình để cho chúng vẻ óng ánh đặc biệt. Nhưng khi trút bỏ xiêm y để thay đồ mới, nàng bỗng dưng thấy chóng mặt. “Ta cảm thấy ớn lạnh,” nàng bảo cô hầu, rồi vươn tay bấu vào vai cô gái mới đứng vững.

Adriana lộ vẻ lo âu, vì đôi gò má của Lucrezia ửng hồng lên vì sốt. “Con có ốm không đấy?” Bà ân cần hỏi.

Lucrezia mỉm cười, đôi mắt nàng sáng hơn thường lệ. “Con thấy khỏe,” nàng nói dối, nhưng Adriana để ý thấy hai cánh tay nàng nổi da gà. “Ngay khi đến nơi và được uống vài ngụm trà nóng, con chắc là mình sẽ khỏe hơn thôi. Nhưng chúng ta hãy khởi hành đi nào, vì con chắc là nhiều lễ lạt hội hè còn đang đợi chúng ta và chúng ta không muốn làm cho thần dân mòn mỏi trông mong.”

Họ tiếp tục hành trình đến Pesaro, khi còn cách cổng thành vài dặm, họ thấy đông đảo đàn ông, đàn bà và trẻ con tụ tập, nhiều người đầu đội tay nâng những tấm ván hay vải để che cơn mùa nặng hạt. Thế mà họ vẫn hát hò vui vẻ và vỗ tay rộn ràng, miệng hô vang những lời chào đón hân hoan. Họ tung hoa và nâng cao những em bé cho nàng chạm tay vào.

Nhưng trước khi đến được cổng thành, đầu của Lucrezia bỗng quay cuồng. Lúc Giovanni tươi cười chào đón nàng, và nói, “Chào mừng nàng đến, công nương của ta,” nàng chỉ nghe loáng thoáng trước khi ngất đi vì đuối sức và rơi khỏi ngựa.

Một người hầu bế nàng bằng hai tay, đưa vào trong dinh. Ngạc nhiên vì nàng nhẹ bẫng và ấn tượng với vẻ đẹp rực rỡ của nàng, anh ta đặt nàng nhẹ nhàng lên chiếc giường trải nệm lông vũ trong phòng ngủ lớn và quay lại kể với những người khác mọi chuyện về cô dâu mới của công tước. Adriana và Julia rối rít nhặng xị quanh nàng, yêu cầu cho trà và xúp nóng để giúp làm ấm người nàng, trong lúc đó, Giovanni trở lại với đám đông, bảo họ rằng nữ công tước sẽ chính thức chào dân chúng vào ngày hôm sau khi đã nghỉ ngơi đủ và hồi phục sức khỏe.

* * *

Đêm đó, trong căn phòng tối nơi một thành phố lạ, Lucrezia nằm trên giường, đọc kinh cầu nguyện và cố dỗ giấc ngủ. Nàng nhớ cha kinh khủng, nhưng nỗi nhớ anh Cesare còn da diết hơn nữa. Ngày nàng rời thành Rome, Cesare đã hứa đến thăm nàng ở Pesaro, nhưng nếu vì lí do nào đó không đi được, chàng hứa sẽ gửi Don Michelotto đến hộ tống nàng và đưa nàng về gặp chàng ở Ngân Hồ, nằm giữa Rome và Pesaro. Ở đó họ có thể trải qua quãng thời gian riêng tư bên nhau. Họ có thể nói chuyện mà không sợ ai nghe lén; họ có thể rong chơi trên các cánh đồng như thuở ấu thơ, cách xa đôi mắt soi mói tọc mạch của Giáo hoàng và những người khác được giao trách nhiệm bảo vệ họ.

Ý nghĩ về Cesare an ủi nàng, và cuối cùng, khi nhắm mắt lại và tưởng tượng đôi môi anh trên đôi môi mình, nàng chìm dần vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau, khi thức giấc, nàng vẫn cảm thấy người nóng sốt, nhưng nàng không chịu nằm yên trên giường vì không muốn bỏ phí thêm một ngày được nhìn ngắm quang cảnh Pesaro và chào đón những thần dân mà nàng biết đang mong được diện kiến nữ chủ nhân của họ. Mưa đã tạnh hẳn và giờ đây mặt trời đang chiếu vào tận phòng nàng, làm cho không gian trông thân thiện và ấm cúng hẳn lên. Một vài người dân còn ở lại suốt đêm và vẫn đứng nơi quảng trường bên ngoài lâu đài; qua cánh cửa sổ mở toang, nàng nghe thấy tiếng họ ca hát.

Giovanni đã hứa với Lucrezia rằng sẽ có tiệc tùng, vũ hội linh đình chờ nàng tham dự. Nàng phải chuẩn bị. Với sự giúp sức của Julia, Adriana và mấy cô người hầu, nàng cũng chọn được chiếc áo vừa giản dị lại vừa thanh nhã, bằng xa-tanh hồng với vạt áo trên bằng vải mịn có đăng ten kiểu Venice. Nàng mang một khăn buộc tóc có những hạt cườm bằng vàng và ngọc trai, tóc buộc hai bên nhưng để dài và xõa xuống phía sau. Nàng xoay tròn với vẻ vui thích, khoe với Julia. “Trông em có giống một nữ công tước không?”

Julia, đôi mắt xanh ngời sáng, nói, “Giống một công chúa ấy chứ!”

Adriana đồng tình, “Một thiên thần hoàn hảo!”

Lucrezia đi ra ngoài ban-công và vẫy tay chào đám đông nơi quảng trường. Họ vỗ tay, reo hò tán dương nàng và tung lên những vương miện kết bằng hoa. Nàng cúi xuống, lượm một chiếc từ sàn ban-công và đội lên đầu. Đám đông càng hò reo lớn tiếng hơn.

Sau đó, cả thành phố trỗi nhạc tưng bừng, rồi nào là diễn trò tung hứng, kị sĩ đấu thương cùng những anh hề diễu hành qua đường phố, giống như cảnh tượng từng diễn ra ở Rome và nàng lại tràn ngập hạnh phúc vì mọi ánh mắt đều đổ dồn vào nàng. Nàng vẫn thường tự hỏi tại sao cha và các anh nàng lại thích thú những cuộc diễu hành qua thành phố đến vậy, cả uy thế khi nắm quyền nữa, nhưng giờ đây nàng nghĩ mình đã hiểu. Nhìn vào những khuôn mặt của đàn ông, phụ nữ và trẻ con đang ngưỡng vọng mình, Lucrezia cảm thấy bớt cô đơn hơn nhiều. Có lẽ nàng cũng được sinh ra để cảm nhận điều này.

Pesaro là một miền đất tươi đẹp; còn vùng quê thật phồn màu xanh tươi được điểm xuyết với những vườn cây ô-liu trĩu quả lúc vào mùa. Bao quanh và bảo vệ lãnh địa này là rặng núi Apennine khổng lồ và đẹp đẽ, nâng niu gìn giữ thành phố. Lucrezia biết rằng nàng có thể thật sự hạnh phúc ở nơi này - càng hạnh phúc hơn nếu phải chi nàng tìm được cách nào đấy để chịu đựng Giovanni.

* * *

Khắp cả nước Pháp, hầu như bàn dân thiên hạ đều biết rằng vua Charles không chỉ đặt trọn niềm tin vào Giáo hội Công giáo La Mã mà còn vào vị trí của những vì sao trên trời. Và do đó, vị quân sư được tin cậy nhất của ông chính là vị thầy thuốc kiêm chiêm tinh gia Simon xứ Pavia. Simon đã đọc thiên văn đồ vào ngày Charles ra đời và chính ông ta đã tuyên bố nhà vua trẻ có số mệnh trở thành người lãnh đạo cuộc Thập tự chinh mới chống lại bọn tà đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ thời niên thiếu, Charles chưa bao giờ bắt tay thực hiện việc quan trọng nào mà lại không nghe lời tư vấn của vị chiêm tinh gia này.

Không chỉ nhờ vào tài trí nhạy bén mà còn vì may mắn cực kì, Duarte Brandao nắm bắt được mẩu thông tin quan trọng này và nghĩ ra một chiến lược xuất sắc. Hào hứng quá, ông ta liền chạy ùa vào phòng riêng của Giáo hoàng để trình bày với ngài.

Giáo hoàng Alexander đang ngồi ở bàn kí một chồng những sắc chỉ giáo triều. Khi nhìn lên và thấy Duarte, ông cười thân ái và cho mọi người khác ra khỏi phòng.

Alexander đứng lên và tiến đến chiếc ghế ông thường thích ngồi. Nhưng khi Duarte cúi xuống để hôn nhẫn, Giáo hoàng sốt ruột rụt tay lại. “Này anh bạn, hãy để tất cả mọi nghi thức đó cho những dịp nơi công cộng hoặc khi có mặt những người khác, bởi trong chỗ riêng tư ta biết rằng chính anh là người ta tin cậy hơn cả - kể cả các con ta. Và trách nhiệm đó đòi hỏi một sự bình đẳng nào đấy, ngay cả đối với Người Đại diện của Chúa Jesus. Vì ta, trong tư cách con người, quý chuộng lòng trung thành và coi trọng tình bạn của anh.”

Ông vẫy tay chỉ vào một chiếc ghế đối diện, nhưng Duarte chưa thể yên vị khi chưa trình bày những điều mình biết.

Giáo hoàng Alexander chăm chú lắng nghe. Sau đó ông hỏi, “Bản thân anh có tin rằng những vì sao quyết định vận mệnh?”

Duarte lắc đầu. “Thưa Đức Thánh Cha, chuyện tôi tin hay không tin chẳng quan trọng mấy.”

“Và tuy thế, nó lại có trọng lượng đấy,” Giáo hoàng nói.

“Tôi tin rằng những vì sao có tác động lên cuộc đời con người, thế nhưng chính con người và Cha Trên Trời mới quyết định vận mệnh cuộc đời.”

Giáo hoàng đưa tay chạm vào cái bùa bằng hổ phách mà ông vẫn luôn luôn đeo quanh cổ, trìu mến xoa nó. “Mỗi người trong chúng ta đều tin có một thứ bùa cho cuộc đời mình và anh chàng Charles này cũng không ngoại lệ.” Ông mỉm cười với Duarte. “Nhưng chắc là anh đã có một kế hoạch mang đến cho ta rồi, vì ta có thể nhận ra điều ấy trên khuôn mặt anh, vậy thì nói đi.”

Giọng của Duarte gần như thì thầm. “Để tôi đến gặp anh chàng Simon xứ Pavia này, trước khi cuộc xâm lăng bắt đầu, với một khoản phí chuyên môn. Hành động thật kín đáo.”

“Bao nhiêu?” Alexander hỏi.

Duarte do dự một lát, vì ông biết bản chất tằn tiện của Giáo hoàng khi đụng tới bất kì chuyện gì, ngoại trừ chuyện quốc gia đại sự và lo cho gia đình. “Tôi xin đề nghị hai mươi ngàn ducat…”

Mắt Alexander mở lớn, và ông cố tiết chế sự ngạc nhiên trong giọng nói. “Này Duarte. Chúng ta có thể trang bị ngựa chiến cho cả một đội quân với số tiền đó. Hai mươi ngàn ducat không phải là một khoản phí chuyên môn, đó là một món hối lộ khổng lồ…”

Brandao mỉm cười. “Thưa Đức Thánh Cha, chúng ta không nên tranh cãi về mấy đồng tiền vàng làm gì. Phải làm sao cho tay chiêm tinh này đưa ra lời bàn thuận lợi cho chúng ta bởi hắn chiếm được lòng tin của vua Pháp.”

Giáo hoàng ngồi lặng thinh cân đo đong đếm hồi lâu và cuối cùng ngài mới lên tiếng đồng tình. “Này Duarte, như thường lệ, anh nói đúng. Hãy trả cho nhà thông thái nọ khoản phí như anh gợi ý. Chính chiêm tinh học phủ nhận món quà tự do ý chí mà Chúa ban cho. Giáo luật cấm chuyện đó. Như vậy chúng ta đang chống lại một hành động phản Thiên Chúa. Việc chúng ta can thiệp vào đó không làm hoen ố linh hồn bất tử của chúng ta đâu.”

Ngay trong đêm đó, Duarte cải trang, rong ruổi trên mình ngựa băng qua biên giới Pháp, suốt mấy ngày trời mới đến một túp lều nhỏ giữa rừng Vincennes gần Paris. Ông đến vừa đúng lúc để thấy Simon xứ Pavia đang táy máy nghịch ngợm trong vòng tay của một cô điếm thân hình đẫy đà. Brandao, lúc nào cũng là một quý ông phong nhã, bèn lịch sự thuyết phục Simon hãy cáo lỗi với cô nàng kia để cùng ông bàn chuyện tại phòng khách vì ông có một thông điệp tối quan trọng cần chuyển lời.

Chỉ sau một chốc, Duarte đã đưa ra lời thương lượng và trả khoản phí cho vị thầy thuốc nọ.

Vẫn cải trang như cũ và yên trí về thành công của sứ mệnh, Brandao lại một mình một ngựa trở về thành Rome.

* * *

Phải chi Giáo hoàng có trái tim và linh hồn của một vị thánh thay vì những dục vọng trần tục của một người thường. Nhưng cho dầu nhúng tay vào rất nhiều mưu đồ chính trị, Alexander hiện nay vẫn thường xuyên bị rối trí vì những chuyện riêng tư. Cô nhân tình trẻ của ông, Julia Farnese, đã tháp tùng Lucrezia đến Pesaro, và buộc phải ở lại lâu hơn dự kiến để chăm sóc cho Lucrezia đang đau ốm. Khi Lucrezia khỏe hẳn, Julia mới yên tâm rời đi, rồi nàng quyết định đến thăm chồng, Orso, ở lâu đài Bassanello, vì một lí do nào đó mà Alexander không thể hiểu. Nhưng trước tiên, nàng lấy cớ ghé thăm mẹ và em trai bị bệnh ở Capodimonte để khẩn cầu Giáo hoàng.

Khi Alexander đọc thư của Julia, ông bác bỏ ngay; chồng nàng, Orso, là một người lính, ông nhấn mạnh, và được phái đi xa vì chuyện của giáo triều. Thế nhưng nàng Julia trẻ người non dạ, nổi loạn chống lại chỉ dụ của Giáo hoàng bắt nàng quay lại Rome tức thì. Nàng viết một bức thư thứ nhì cầu xin sự tha thứ của Alexander với hành động bất tuân lần này, nhưng nàng cũng khăng khăng là mình chưa thể quay về ngay. Để tội phản bội càng thêm nặng, nàng kéo theo cả mẹ chồng, Adriana, cùng đi với nàng đến Capodimonte.

Khi nhận được bức thư tiếp theo của nàng, Giáo hoàng càng điên tiết! Nếu ta không chịu nổi tình cảnh không có Julia bên cạnh, vậy thì làm thế nào nàng lại chịu được tình cảnh không có ta bên cạnh nàng? Lòng dạ đàn bà đúng là không thể tin được! Giáo hoàng trút cơn giận dữ vào đám gia nhân. Hằng đêm ông không ngủ, hai mắt mở thao láo, không phải vì đe dọa chính trị nào, mà vì nỗi khát khao được chạm vào bàn tay Julia, hít ngửi mùi hương từ tóc nàng, cảm giác tiếp xúc êm ái từ cơ thể nồng ấm của nàng. Cuối cùng, không chịu nổi nữa, ông bèn quỳ xuống trước trang thờ và cầu xin rằng con quỷ của những thèm khát không bao giờ thỏa kia hãy bị trục xuất ra khỏi trái tim ông. Khi hồng y Farnese, anh của Julia, thử tìm cách khuyên giải ông - giải thích rằng em gái mình không có chọn lựa nào khác, bởi Orso đã yêu cầu nàng đến, và xét cho cùng thì trên danh nghĩa anh ta cũng là chồng nàng mà. Nghe đến đó, Đức Thánh Cha càng sốt tiết, liền tống cổ ông hồng y núp váy đàn bà này đi chỗ khác chơi, và hét lên Ingrazia! (Đồ nịnh bợ!)

Alexander nổi cơn tam bành nhiều ngày liền. Ông nện bước ngang dọc khắp phòng và nhai đi nhai lại hàng tràng dài những thói hư tật xấu của cô nhân tình trẻ, của chồng cô ta và của cô em họ được ông ưu ái. Ông sẽ rút phép thông công bọn chúng. Cả lũ chúng nó chắc chắn sẽ bị tống xuống địa ngục vì cái tội phản bội này!

Nhưng may mắn thay! Chàng trai trẻ Orso cuối cùng đã gỡ thế bí bằng cách giúp cất đi gánh nặng sầu đau canh cánh trong lòng Đức Thánh Cha. Nghe tin Giáo hoàng đang buồn khổ quay quắt, và e ngại cho địa vị của mình sẽ rung rinh chao đảo nếu để ngài nổi trận lôi đình, chàng ta bèn cấm vợ đến thăm mình ở Bassanello. Chàng ta lệnh cho nàng lập tức quay về Rome, với lí do quân Pháp xâm lăng nên các nẻo đường thành Rome sẽ luôn có nguy hiểm rình rập. Chàng ta là chồng nàng mà, nàng buộc phải vâng lời.

* * *

Lúc này, vua Charles điều đạo quân hùng mạnh của ông vượt qua núi Alps tiến vào đất Ý, sát bên ông là hồng y della Rovere, con người chua cay và đầy lòng căm hận, thúc giục nhà vua, nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công vào Giáo hoàng Borgia còn quan trọng hơn cả việc tấn công quân ngoại đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi quân Pháp nam tiến đến Naples, không một ai hành động để ngăn chặn họ - Milan không, Bologna không và Florence cũng không nốt.

Giáo hoàng Alexander, được tin quân Pháp tiến đến gần, chuẩn bị tiến hành phòng thủ Rome và Vatican. Ông đặt niềm tin vào tổng chỉ huy quân đội của vua Ferrante, ngài Virginio Orsini, tộc trưởng của họ Orsini. Virginio đã thuyết phục được Giáo hoàng về lòng trung tín của mình bằng cách nộp thuế sòng phẳng cho các lâu đài của ông ta. Alexander biết rằng Virginio có thể triệu tập hơn hai mươi ngàn thuộc hạ dưới trướng, và với pháo đài kiên cố Bracciano bất khả xâm phạm, họ hầu như bất khả chiến bại.

Nhưng những mầm mống phản trắc và toan tính ti tiện có thể ẩn sâu ngay cả trong trái tim của những con người dũng cảm nhất, và ngay cả Đức Thánh Cha cũng không thể biết trước.

Bấy giờ, Duarte Brandao chạy ùa vào phòng của Giáo hoàng Alexander. “Thưa ngài, tôi đã nhận được tin rằng người bạn cũ của chúng ta, Virginio Orsini, đã ngả về phía Pháp.”

Nghe tin, Giáo hoàng Alexander nói, “Hẳn là anh ta đã mất trí…”

Duarte, vốn bình tĩnh là thế, mà nay trông cũng bối rối.

“Cái gì thế, anh bạn?” Giáo hoàng hỏi. “Chỉ là thay đổi chiến lược thôi mà. Giờ đây thay vì nghĩ chuyện đánh nhau với vua Charles, chúng ta cần phải nhanh trí hơn hắn.”

Duarte cúi đầu và thấp giọng. “Còn một tin tức đáng ngại hơn nữa, thưa Đức Thánh Cha. Quân Pháp đã bắt được Julia Farnese và Adriana trên đường họ trở về từ Capodimonte. Hiện nay họ đang bị cầm giữ tại sở chỉ huy của kị binh Pháp.”

Giáo hoàng Alexander tái người vì giận. Trong một hồi lâu ông không nói được lời nào, đầu óc ông tối sầm lại vì lo lắng và sợ hãi. Cuối cùng ông nói, “Duarte, sự sụp đổ của thành Rome sẽ là một bi kịch, nhưng nếu Julia yêu quý của ta bị làm nhục, thì đó sẽ là cả một thảm họa kinh thiên động địa. Anh phải vì ta mà lo điều đình thương lượng thế nào để chúng thả nàng ra vì chắc chắn là chúng muốn chúng ta chuộc nàng.”

“Điều kiện của ngài là gì?” Duarte hỏi.

“Bất kì giá nào cũng phải chuộc nàng về cho ta.” Alexander nói. “Bởi giờ đây Charles đã nắm trong tay không chỉ trái tim ta mà cả đôi mắt ta nữa.”

* * *

Quân Pháp không chỉ là những người lính tinh nhuệ mà còn nổi tiếng vì phong cách hiệp sĩ. Khi bắt được Julia Farnese và Adriana Orsini, họ liền thả hết đám tùy tùng. Sau đó họ còn cố lấy lòng hai vị phu nhân xinh đẹp bằng đồ ăn thức uống ngon và những câu chuyện vui. Nhưng khi vua Charles phát hiện các quý bà bị bắt là ai, ông liền ra lệnh phải trả họ lại cho Giáo hoàng.

“Với số tiền chuộc bao nhiêu?” Chỉ huy trưởng kị binh hỏi.

Charles bỗng tỏ ra hào hiệp. “Ba ngàn ducat thôi,” nhà vua nói.

Viên tướng phản đối. “Giáo hoàng Alexander sẵn sàng trả gấp năm mươi lần số đó mà.”

“Nhưng chúng ta đến đây để đòi lại vương miện xứ Naples,” Charles nhắc nhở viên tướng, “vốn còn giá trị hơn rất nhiều mà.”

Trong vòng ba ngày, Julia Farnese và Adriana quay trở về Rome không hề hấn gì và được bốn trăm binh sĩ Pháp hộ tống. Alexander đứng đợi ở cổng thành, nhẹ nhõm và vui sướng.

Sau đó, trong phòng riêng, ăn mặc như một kị sĩ, trang bị đầy đủ cả trường kiếm lẫn đoản đao, mang đôi ủng màu đen bóng loáng sản xuất tại Valencia và một áo khoác đen thêu chỉ vàng, chàng hiệp sĩ già Rodrigo Borgia làm tình cuồng nhiệt, say đắm với Julia. Và lần đầu tiên kể từ lúc nàng đi xa, ông mới thấy lòng già bình yên.

* * *

Giáo hoàng Alexander, xét vì sự phản bội không ngờ tới của Virginio Orsini, nhận định rằng giờ đây mà tính chuyện kháng cự lại quân Pháp là vô vọng. Không có những pháo đài của Orsini bảo vệ cửa ngõ vào thành Rome, Charles sẽ băng băng tiến bước. Ông cần thời gian triển khai một chiến lược khôn ngoan hơn nhà vua trẻ, chứ không phải dồn sức đánh bại quân Pháp trên chiến trường.

Với tài nhìn xa trông rộng vốn có của mình, ngay khi lên ngôi Giáo hoàng, Alexander đã nghĩ đến khả năng bị ngoại bang xâm lăng. Ông đã cho xây dựng một hành lang an toàn giữa các phòng ở Vatican và lâu đài Sant Angelo để có thể bảo vệ bản thân ông. Ông cho dự trữ lương thực, nước uống và mọi thứ cần thiết để có thể cầm cự ít nhất là qua một mùa đông, và giờ đây ông quyết định sẽ cầm cự lâu đến như vậy, nếu cần.

Giờ đây, dưới đôi mắt giám sát của Duarte Brandao và Don Michelotto, Alexander và Cesare chỉ thị cho các người hầu thu gom những bảo vật - những mũ triều thiên bằng vàng, ngọc ngà, châu báu, thánh tích, tràng hạt, thảm thêu… về nơi trú ẩn an toàn ở lâu đài Sant Angelo, một pháo đài bất khả xâm phạm. Cả gia đình, bà con quyến thuộc cùng đến đó với họ; ngay cả Vanozza cũng rời bỏ dinh thự riêng của mình đến trú ở Sant Angelo. Và với sự khôn ngoan nhạy bén, hồng y Farnese nhanh chóng mang em gái mình, Julia, ra khỏi Rome, nhằm tránh cho Giáo hoàng bất kì chuyện khó xử nào. Cuộc đối đầu giữa các nàng nhân tình xưa và nay có thể gây cho Alexander nhiều phiến toái hơn cả chuyện vua Charles đang kéo quân đến, bởi mặc dầu Vanozza chấp nhận Julia - nhưng không bao giờ có thể coi trọng nàng ta - trong khi Julia thì lại rất ghen tị với bà mẹ của những đứa con Giáo hoàng.

Vào ngày lễ Giáng sinh, Giáo hoàng ra lệnh mọi đoàn quân từ Naples phải lập tức rời khỏi thành Rome. Họ không đủ mạnh để giành ưu thế trước các đạo quân Pháp và Alexander e rằng sự hiện diện của họ trong thành phố có thể khiến cho Rome trông như một nơi không thân thiện. Và như thế Charles có cớ cướp phá thành phố, lấy đi mọi vật giá trị làm chiến lợi phẩm - hoặc là, ít nhất, cũng không ngăn cấm và nghiêm trị các toán quân của ông ta nếu họ làm chuyện đó. Ông bảo Duarte, “Hãy gửi thông điệp này đến cho Charles. Nói với ông ta rằng Đức Thánh Cha, Giáo hoàng Alexander muốn chào đón trọng thể khi ông ta đi qua thành phố này trên đường chinh phục Naples.”

Duarte nhíu mày, đôi mắt hẹp lại. “Đi qua?”

“Một cách nói thôi mà,” Alexander trả lời, nhưng trông ông đầy vẻ ưu tư khi nói tiếp, “mặc dầu ta cũng không chắc ông vua ấy đang nghĩ gì trong đầu.”

* * *

Tháng mười hai đến, trời đổ tuyết dày đặc, biến mọi thứ thành một màu xám, Giáo hoàng Alexander đầy phiền muộn và cậu con cả Cesare quan sát từ cửa sổ của pháo đài trong lúc quân Pháp, đội hình chỉnh tề, hàng hàng lớp lớp tiến qua các cánh cổng thành Rome.

Những toán quân Thụy Sĩ trang bị thương và giáo dài, quấn Gascon với cung nỏ và súng dài nòng nhỏ gọi là harquebuses, lính đánh thuê Đức với rìu và côn nhọn đầu và khinh kị binh với giáo dài sáng loáng, ào ạt tràn qua thành phố. Họ còn được tháp tùng bởi đạo quân mang giáp nặng, tay cầm trường kiếm hay thiết côn, còn phía sau là hàng hàng pháo thủ đi bên cạnh những khẩu đại bác khổng lồ bằng đồng.

Để chuẩn bị đón nhà vua, Alexander đã dành riêng cung điện Venezia rộng lớn và sang trọng cho vua Charles. Nhà vua sẽ được phục dịch bởi các đầu bếp tài ba nhất mà Giáo hoàng có thể triệu tập và hàng trăm người hầu đã được lên danh sách để cung tiến mọi tiện nghi xa hoa cho vị quân vương Pháp. Đáp lại lòng hiếu khách của Giáo hoàng, Charles ban lệnh cho binh sĩ của mình không được cướp phá hay có bất kì hành động bạo lực nào trong thành phố, nếu bất tuân sẽ bị hành hình ngay tại chỗ.

Nhưng trong khi Charles đang tận hưởng cuộc “tham quan” thành Rome, ấn tượng với cung cách trọng thị mà Giáo hoàng biểu lộ với ông, thì hồng y della Rovere và những hồng y bất mãn khác theo phe ông cứ thì thầm vào tai nhà vua, cảnh báo Charles hết lần này đến lần khác về tính xảo quyệt ma mãnh của Giáo hoàng và thúc giục ông triệu tập Đại Hội Đồng.

Alexander phái một trong những hồng y trung thành, một thuyết khách tài ba hàng đầu của mình, đến thương nghị với nhà vua để bào chữa cho ông trước lời kết tội buôn thần bán thánh của hồng y della Rovere. Và Charles hình như bị thuyết phục bởi những lập luận của vị sứ thần Giáo hoàng hơn là lời ong tiếng ve của della Rovere, người đang trong trạng thái khích động điên cuồng.

Không có Đại Hội Đồng nào được triệu tập.

Thay vì thế, mấy ngày sau vua Charles gửi một quốc thư được niêm phong cho Giáo hoàng. Khi mở thư, Alexander hít một hơi sâu. Rồi ông đọc kĩ văn kiện hoàng gia và thử giải mã tâm trạng người viết. Đó là một thỉnh nguyện. Vua Charles muốn hội kiến với ông.

Giáo hoàng thấy nhẹ người. Ông đã đạt được những gì ông hi vọng. Chiến lược của ông tỏ ra được việc; giờ đây tình huống tưởng chừng như nan giải này lại có thể được thương lượng với lợi thế nghiêng về phía ông. Mặc dầu đất Ý đã bị Charles và đoàn quân của ông ta làm cho rạn nứt, Giáo hoàng biết rằng mình phải giữ phong thái bề trên trước ông vua Pháp hống hách này. Alexander không muốn tỏ ra ngạo nghễ; tuy thế ông hiểu rằng mình phải tránh để lộ ra cái vẻ “nhẹ nhõm cả người”.

Giáo hoàng thu xếp cho cuộc gặp gỡ diễn ra nơi vườn hoa của Vatican. Nhưng việc tính toán thời gian là vô cùng quan trọng. Alexander biết rằng mình không thể đến trước nhà vua và tỏ vẻ như chờ đợi, và tuy thế, điều cũng quan trọng không kém, đó là nhà vua không đến trước và phải chờ đợi. Đây là điểm mà tài ngoại giao của Alexander tỏ ra điêu luyện nhất.

Ông được khiêng bằng kiệu từ lâu đài Sant Angelo đến điểm hẹn tại vườn hoa. Nhưng ông sai bọn lính khiêng kiệu để ông khuất tầm nhìn sau một bụi cây lớn dọc theo một trong những căn nhà bằng đá. Tại đó ông yên lặng chờ đợi khoảng hai mươi phút. Thế rồi ngay lúc thấy vua Charles đi vào vườn hoa và bắt đầu dạo bước trên con đường dài hai bên là hoa hồng đỏ thắm, những người khiêng kiệu của Alexander liền khiêng ông tới trước.

Giáo hoàng Alexander mặc bộ trang phục uy nghi nhất: vương miện ba tầng bằng vàng như cái đèn lấp lánh trên đầu, một thánh giá lớn bằng bảo ngọc đong đưa trên ngực ông.

Charles, ông vua đầy quyền lực của nước Pháp, quốc gia hùng cường nhất về quân sự trong tất cả các quốc gia Ki-tô giáo, lại là một người nhỏ bé, gần như người lùn, đi đôi giày ống đế cao và trông như lọt thỏm trong bộ trang phục quá khổ với đủ bảy sắc cầu vồng. Ông ta kính phục trước vóc dáng uy

nghi đường bệ của Đức Thánh Cha Alexander đến nỗi nước dãi rỉ qua khóe miệng.

Và thế đấy, nơi vườn hoa này với hàng vạn đóa hồng rực rỡ khoe sắc, Giáo hoàng Alexander đã thương thuyết thành công để cứu được thành Rome.

* * *

Ngày tiếp theo, Giáo hoàng và đức vua tái ngộ để bàn dứt điểm hiệp định, lần này là ở Đại Sảnh Các Giáo Hoàng. Alexander biết rằng địa điểm này sẽ đem lại lợi thế cho ông. Charles sẽ coi đó là một nơi chốn thiêng liêng, một điểm hẹn thần thánh nhất trên mặt đất này.

Alexander soạn khai từ cực kì khôn khéo khiến Charles không bao giờ có thể viện lí do gì để hạ bệ ông được. Ông viết: “Đức Thánh Cha của chúng ta sẽ mãi mãi là vị cha hiền của vua nước Pháp, và vua nước Pháp sẽ mãi mãi là hiếu tử tận tụy với Đức Thánh Cha.” Sau đó là lúc đi vào những điều khoản cụ thể.

Alexander sẽ cho phép quân Pháp được tiến quân xuyên qua mọi lãnh thổ thuộc giáo triều thêm vào đó là tiếp tế quân lương. Nói vắn tắt là, nếu Charles có thể đánh thắng được Naples, Alexander sẽ ban cho ông ta sự chấp thuận của Giáo hội. Để bảo đảm điều này, Giáo hoàng sẽ giao người con yêu quý nhất của ông, cậu cả Cesare cho vua Charles làm con tin. Cesare Borgia cũng sẽ được ủy quyền để trao vương miện cho Charles lên ngôi vua xứ Naples một khi thành bang này bị chinh phục.

Ông hoàng Djem, vẫn còn bị Giáo hoàng cầm giữ, cũng sẽ được trao cho Charles, nhưng Giáo hoàng vẫn được phép lấy bốn mươi ngàn ducat mà vị vua Thổ Nhĩ Kỳ chi trả hằng năm để cầm giữ anh ông ta. Charles sẽ đưa Djem vào nhóm lãnh đạo Thập tự chinh để làm nhụt nhuệ khí bọn ngoại giáo đang phòng thủ thánh địa Jerusalem.

Khát vọng tha thiết nhất của vua Charles là được Giáo hoàng phong làm Tổng tư lệnh chính thức của cuộc Thập tự chinh. Alexander đồng ý, nhưng nhấn mạnh rằng trước tiên Charles phải tuyên thệ phục tùng ông và công nhận ông là Người Đại diện đích thực của Chúa Jesus.

Điều này được hai bên nhất trí, nhưng với điều kiện là Charles chỉ được phong Tổng tư lệnh Thập tự chinh sau khi chinh phục được Naples.

Charles cúi người nhiều lần, như nghi thức cần phải thế, và hôn nhẫn Giáo hoàng. Sau đó nhà vua nói, “Con xin thề phục tùng và tôn kính Đức Giáo hoàng, như tất cả các vị vua Pháp từ trước đến nay. Con công nhận Đức Thánh Cha là Giáo Tông của mọi tín đồ Ki-tô giáo, và là người kế thừa của các thánh tông đồ Peter và Paul. Giờ đây con cung tiến tất cả những gì con sở hữu cho Tòa Thánh.”

Alexander đứng lên, vòng tay ôm chặt Charles và nói, “Ta sẽ ban cho con ba ân huệ,” như thông lệ quy định. Trước khi một chư hầu tuyên thệ phục tùng và tôn kính đối với một lãnh chúa mới, ông ta được quyền yêu cầu ân huệ. Để tránh làm xấu mặt Tòa Thánh, người ta hiểu ngầm với nhau là những ân huệ phải được thương lượng trước đó, và như vậy sẽ không có vẻ là chuyện cò kè mặc cả.

Charles tiếp tục, “Con xin Đức Thánh Cha khẳng định rằng gia đình con được hưởng mọi đặc ân hoàng gia, xin ngài tuyên chỉ rằng chúng con trị vì do ý Chúa. Thứ nhì, xin ngài ban phước lành cho cuộc viễn chinh của con đến Naples. Và thứ ba, xin ngài phong cho ba nhân vật do con tiến cử làm hồng y, cho phép hồng y della Rovere được thường trú ở Pháp.”

Giáo hoàng Alexander chấp thuận mọi yêu cầu trên, và thế là, tràn ngập vui sướng, vua Charles gọi từ đám cận thần tùy tùng một nhân vật cao lêu khêu, mảnh mai như cây sậy, với bộ mặt dài ngoằng và đôi mắt buồn như đưa đám. “Thưa Đức Thánh Cha, con muốn giới thiệu vị thầy thuốc riêng và chiêm tinh gia của con, Simon xứ Pavia. Việc ông ấy giải đoán các vì sao ảnh hưởng đến quyết định của con hơn bất kì yếu tố nào khác, khiến con bác bỏ những lời thúc giục của hồng y della Rovere và đặt trọn niềm tin vào Đức Thánh Cha.”

Như vậy, từ một vị thế chông chênh ngàn cân treo sợi tóc, Alexander đã thương nghị thành công một nền hòa bình với giá rất phải chăng.

Chiều tối hôm ấy, Alexander gọi Cesare vào phòng riêng để giảng giải về hiệp ước vừa rồi với vua Charles.

Trong lúc nghe cha nói, Cesare cảm thấy một cơn giận nhanh chóng ùa đến, nhưng chàng vẫn cúi đầu. Chàng biết rằng, với tư cách là hồng y và là con trai của Giáo hoàng thì chuyện chàng làm con tin là hợp tình hợp lí thôi. Còn Juan, em chàng, vốn không bao lâu nữa sẽ là thống soái quân đội giáo triều, không thể đưa đi làm con tin được. Cơn giận của Cesare ít liên quan đến tính nguy hiểm của nhiệm vụ mà chủ yếu vì cuộc giao dịch đổi chác kia nhắc nhở rằng chàng cũng chỉ là quân tốt đen trong ván cờ quyền lực, tùy thuộc vào toan tính, nước đi của kẻ khác mà thôi.

Alexander ngồi xuống trên cái hòm được chạm khắc thật đẹp đặt ở chân giường ngủ của ông, nắp được khắc chạm hoa mĩ bởi bàn tay điệu nghệ của Pinturicchio. Bên trong hòm là những cốc uống rượu, nhiều quần áo ngủ, nước hoa và tinh dầu thượng hạng - mọi thứ cần thiết khi Giáo hoàng Alexander mang các nàng nhân tình vào phòng ngủ tại căn hộ nhà Borgia. Ông thích ngồi trên cái hòm này hơn các chiếc ghế khác trong phòng mình.

“Con trai ạ, con biết rằng ta không thể gửi Juan, em con làm con tin vì nó sắp phải đảm đương chức thống soái quân đội giáo triều. Vậy nên phải là con thôi.” Giáo hoàng nói với con cả và nhận ra cơn tức giận của Cesare. “Charles cũng đòi hỏi Djem làm con tin, vậy nên con sẽ có bạn đồng hành. Hãy vui lên nào! Naples là một thành phố có nhiều thú vui cho một chàng trai trẻ như con.” Alexander ngưng một lát, đôi mắt đen ánh lên vẻ tươi vui. Rồi ông nói với Cesare, “Con đâu có thích em Juan lắm.”

Nhưng Cesare đã quen với mánh này của cha mình rồi - vẻ vui đùa ngụy trang cho một ý đồ nghiêm túc. “Nó là em con mà,” Cesare nói với vẻ cung kính. “Vậy nên con thương nó vì tình nghĩa anh em.” So với lòng căm ghét đứa em trai kế, Cesare còn giấu giếm những bí mật ghê gớm hơn nhiều - những bí mật có thể hủy hoại cuộc đời chàng, mối quan hệ của chàng với cha mình, với Giáo hội, và với bao người thân khác. Vậy nên chàng cũng chẳng buồn che giấu chuyện mình không thích Juan. Chàng phá ra cười. “Tất nhiên, nếu nó không phải là em con thì có thể nó sẽ là kẻ thù của con.”

Alexander nhíu mày tỏ ý phiền lòng. Ông biết rằng mình đang mất đi điều gì đó rất quan trọng. “Đừng bao giờ nói như thế, ngay cả khi nói đùa, con ạ. Gia tộc Borgia có quá nhiều kẻ thù và chúng ta chỉ có thể sống sót khi tin cậy nhau.” Ông đứng lên khỏi chiếc hòm, bước đến với Cesare và ôm chàng. “Ta biết con thích làm một chiến binh hơn làm một linh mục. Nhưng hãy tin ta, con có vai trò quan trọng hơn Juan trong kế hoạch của gia đình ta, và con biết ta yêu thương em con như thế nào. Nhưng khi ta mất đi, mọi sự sẽ sụp đổ trừ phi có con ở đó để kế tục ta. Con là đứa duy nhất trong những đứa con của ta có thể gánh vác trách nhiệm nặng nề này. Con có tài trí, có dũng khí, võ nghệ cao cường. Trước nay từng có nhiều Giáo hoàng kiêm tướng lĩnh và chắc chắn con có thể là một trong số họ.”

“Con còn quá trẻ,” Cesare sốt ruột nói. “Cha còn phải sống cỡ hai mươi năm nữa…”

Alexander đẩy con trai ra và nói. “Tại sao không?” Ông nở nụ cười gian ngoan với Cesare, nụ cười khiến cho con cái ông và các nàng nhân tình đều mê thích. Giọng nam trung trầm ấm của ông tràn ra dạt dào. “Ai thưởng thức tiệc tùng hơn ta? Ai có thể đi săn nhiều giờ liền trong ngày hơn ta? Ai yêu đàn bà sung mãn và cuồng nhiệt hơn ta? Nếu chuyện Giáo hoàng sinh con không bị coi là trái với giáo luật thì đến nay ta đã cho ra đời biết bao nhiêu đứa con nữa? Ta còn sống vui sống khỏe hai mươi năm nữa, và con sẽ là Giáo hoàng. Ta đã lên kế hoạch chu đáo cả rồi.”

“Nhưng con thích chiến đấu hơn là cầu nguyện,” Cesare nói. “Bản chất của con là vậy mà.”

“Như con đã chứng tỏ,” Alexander thở ra. “Nhưng ta kể với con tất cả chuyện này là để chứng tỏ lòng yêu thương của ta đối với con. Con là đứa con ta yêu quý và là niềm hi vọng lớn nhất của ta. Một ngày nào đó, chính con, chứ không phải Charles, sẽ lấy lại Jerusalem.” Ông ngưng một chốc vì xúc động dâng tràn.

Vũ khí tối thượng của Alexander là khả năng tạo cho người khác cảm tưởng an lạc khi ở bên cạnh ông, khả năng khiến cho ai cùng tin rằng ông đặt lợi ích của họ lên trên hết, và thế là chiếm được lòng tin cậy của họ, họ tin vào ông còn hơn tin vào chính mình. Đây mới chính là hành vi lừa lọc.

Cách hành xử của ông với vương quyền, con cái, và với đám thần dân của ông cũng y như thế: bởi chừng nào ông còn là Giáo hoàng thì cả thế giới này còn nằm dưới quyền chi phối của ông.

Trong một thoáng, Cesare bị cuốn theo lời nói mê hoặc của Alexander. Nhưng rồi việc nhắc đến một cuộc Thập tự chinh khác khiến chàng bừng tỉnh. Nhiều đời Giáo hoàng và vua chúa từng lợi dụng niềm hi vọng tiến hành một cuộc Thập tự chinh nữa để moi tiền của tín đồ; đó là một nguồn lợi khác. Nhưng thời Thập tự chinh đã qua rồi, bởi đạo Hồi bây giờ mạnh đến độ còn đe dọa cả châu Âu nữa. Thành bang Venice sống trong nỗi lo sợ rằng việc làm ăn buôn bán khắp thế giới của mình sẽ bị gián đoạn vì một cuộc chiến kiểu đó và bọn Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí có thể tấn công thành phố của họ. Pháp và Tây Ban Nha vẫn thường xuyên kề dao vào cổ nhau vì tranh giành vương miện xứ Naples, và chính bản thân Giáo hoàng đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình để duy trì quyền lực tại các lãnh thổ thuộc giáo triều. Và ông bố chàng quá tinh ranh, không thể nào không biết đến chuyện này. Nhưng Cesare cũng biết rằng Juan là số một trong trái tim của cha mình - và hợp lí thôi, chàng nghĩ. Juan có những thủ đoạn gian trá của một người đàn bà xảo quyệt và là tên nịnh thần gió chiều nào theo chiều đó. Đôi lúc chàng ta còn dụ dỗ được Cesare, mặc dầu Cesare vẫn khinh miệt cậu em vì chàng nghĩ hắn là đứa hèn nhát. Hắn mà làm thống soái quân đội giáo triều? Đúng là trò hề!

“Khi dẫn đầu Thập tự chinh, con sẽ cho cạo trọc đỉnh đầu đấy,” Cesare nói. Đó là một câu đùa giữa hai cha con. Cesare chưa bao giờ xuống tóc theo kiểu người đi tu cả.

Alexander cười xòa. “Sau khi lãnh đạo cuộc Thập tự chinh, có lẽ con có thể thuyết phục Giáo hội bãi bỏ chuyện buộc tu sĩ phải độc thân và xuống tóc. Có lẽ cả hai chuyện này là những cách hành đạo lành mạnh, nhưng dẫu sao cũng phản tự nhiên.” Alexander yên lặng một lát, chìm đắm trong trầm tư. Rồi ông nói, “Để ta nhắc nhở con một chuyện. Khi đi theo quân Pháp tới Naples, con phải trông chừng Djem, người cũng làm con tin như con. Hãy nhớ rằng vị quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ trả ta bốn mươi ngàn ducat mỗi năm để giữ anh chàng này. Nếu hắn chết, ta hết lấy tiền; nếu hắn trốn mất, ta cũng mất luôn tiền. Và nên nhớ: hắn đem lại nhiều tiền cho chúng ta hơn là một chiếc mũ hồng y đấy.”

“Con sẽ bảo trọng bản thân và trông nom cho cả hắn nữa,” Cesare nói. “Con tin rằng cha sẽ giữ em Juan ở Tây Ban Nha để nó không làm điều gì chọc giận vua Ferdinand và như vậy gây nguy hiểm cho sự an toàn của chúng ta với vua Pháp.”

“Em con sẽ chỉ hành động theo lệnh ta,” Alexander nói. “Và lệnh của ta luôn luôn là để bảo vệ con. Bởi xét cho cạn lẽ thì chính con mới là người nắm trong tay tương lai của nhà Borgia.”

“Con sẽ luôn luôn tận lực vì cha,” Cesare nói. “Và vì Giáo hội.”

* * *

Biết rằng sau trưa hôm đó mình sẽ bị bắt làm con tin và buộc phải rời Rome, Cesare rời Vatican từ sớm tinh mơ và lên ngựa phóng về miền quê. Chàng chỉ có một mục tiêu trong đầu.

Sau khi phi ngựa một quãng thời gian khá lâu, qua bao đồi núi, rừng rậm tràn nhựa sống với tiếng muông thú náo nhiệt và tiếng cú kêu, chàng đến rìa một ngôi làng nhỏ vừa lúc mặt trời mọc xua tan bóng đêm. Con ngựa của chàng ướt đẫm mồ hôi vì phải hối hả phi nước đại suốt cuộc hành trình.

Khi ngựa chạy đến một căn nhà nhỏ bằng đá chàng dừng lại và lên tiếng. “Noni, Noni,” chàng kêu lớn, nhưng chẳng có ai trả lời. Chàng phóng tầm mắt bao quát nhìn quanh, bốn bề đều là đồng không mông quạnh. Chàng cưỡi ngựa vòng ra phía sau nhà.

Ở đó một bà già, còng lưng đến gần như gập đôi người lại vì tuổi tác, chống người tựa vào một cây gậy táo gai. Bà lê bước chậm chạp qua khoảnh vườn, tay trái mang một giỏ mây đựng đầy thảo mộc và các loại hoa vừa mới hái. Chợt bà dừng lại, đầu cúi thấp đến độ hầu như người bà đổ xuống; sau đó bà kín đáo ngước đầu lên và nhìn quanh quất. Nhưng qua đôi mắt đã kéo mây mờ, bà không thấy chàng. Bà đặt giỏ mây xuống nền đất ướt, hái thêm một nắm nhỏ cây cỏ và cẩn thận đặt chúng lên trên các đóa hoa. Bà ngước nhìn trời cao và làm dấu thánh giá. Sau đó, dường như bối rối, bà đảo chân, kéo lê đôi dép trong bùn.

“Noni,” Cesare gọi bà lão lần nữa khi chàng tới gần bà hơn. “Noni!

Bà lão dừng lại khi bà lờ mờ thấy bóng người và nhanh chóng vung cây gậy táo gai vụt tới. Nhưng liền sau đó qua đôi mắt hiếng bà nhận ra chàng. Chỉ khi đó bà mới mỉm cười. “Xuống ngựa đi, con ta,” bà nói, giọng bà nghẹn lại vì tuổi tác và xúc động. “Lại đây và để ta sờ con nào.”

Cesare xuống ngựa và quàng hai cánh tay ôm bà lão, thật nhẹ nhàng vì e xương cốt mong manh của bà sẽ vỡ ra mất.

“Ta giúp gì được cho con hở con trai?” Bà hỏi.

“Con cần vú giúp,” chàng bảo bà ta. “Một loại thảo dược khiến cho một người to khỏe ngủ trong nhiều giờ, nhưng không gây tổn hại gì cho ông ta. Và phải không mùi, không vị.”

Bà lão cười sằng sặc và rướn người lên để âu yếm sờ vào má Cesare. “Người tốt. Con đúng là người tốt,” bà lặp lại. “Không phải thuốc độc? Không giống như cha con…” bà thì thầm. Rồi bà lại cười sằng sặc, mặt bà càng nhăn nheo giống một tờ giấy da mỏng màu nâu.

Cesare đã biết Noni từ khi chàng mới sinh ra đến giờ. Khắp thành Rome, người ta đồn rằng bà từng là vú nuôi của cha chàng từ hồi ở Tây Ban Nha, và Alexander quý mến bà đến độ ông mang bà theo về Rome và cấp cho bà căn nhà nhỏ này nơi miền quê với một mảnh vườn để bà trồng các loại dược thảo.

Không ai có thể nhớ bà đã sống một mình từ bao lâu rồi, thế nhưng chưa hề có kẻ nào dám làm phiền bà - ngay cả bọn trộm cướp ban đêm hay những băng nhóm quậy phá ở các thành phố thỉnh thoảng vẫn lang thang về miền quê để cướp bóc dân làng sức yếu thế cô. Quả là một phép lạ khi bà vẫn sống sót lâu đến thế. Nếu nhiều lời đồn đại khác là đáng tin, Noni được bảo vệ an toàn còn hơn cả Đức Thánh Cha nữa. Vì cũng có lời đồn rằng trong đêm tối, một tiếng hú kì dị thường vọng ra từ nhà bà, không chỉ vào lúc trăng tròn. Cesare chỉ biết rõ một điều: bà không bao giờ phải đi săn hay đi chợ để có thức ăn. Vì những con chim chết và những con thú nhỏ dường như tự mang xác đến đặt mình trước bục cửa hay trong vườn, vẫn còn tươi rói và sẵn sàng cho vào nồi!

Cesare hiếm khi được nghe cha nói về con người kì dị này, nhưng một khi đã nhắc đến, ông luôn dành lòng quý mến và yêu thương cho bà. Hằng năm, một cách trọng thể, Alexander đi về ngôi nhà nhỏ ở miền quê xa này để đầm mình vào cái ao nhỏ trong vắt sau nhà và được vú Noni tắm cho. Đoàn tùy tùng phải đứng ở xa xa, nhưng tất cả đều thề rằng họ nghe thấy tiếng những ngọn gió hoang vu gào rú, tiếng vỗ cánh và trông thấy các vì sao bay lên cuộn xoắn vào nhau.

Còn có nhiều chuyện lạ khác nữa như chuyện Alexander đeo trên cổ một cái bùa bằng hổ phách mà Noni đã tặng khi ông hãy còn là một hồng y trẻ, có lần cái bùa này bị mất và ông gần như phát cuồng. Ngay trong chiều hôm đó, giữa lúc đi săn, ông ngã ngựa, đập đầu xuống đất, nằm bất tỉnh suốt mấy giờ liền. Ai cũng tưởng ông sẽ toi mạng.

Ngày hôm đó, mọi người hầu trong lâu đài ông và nhiều vị hồng y khác sục sạo đi tìm cái bùa bị mất, và sau nhiều lời thề hứa và cầu nguyện nhiệt thành, cuối cùng cái bùa được tìm thấy. Alexander tỉnh lại, sức khỏe hồi phục và ngay sau đó, ông liền ra lệnh cho người thợ kim hoàn của Vatican làm một cái khóa thật chắc gắn vào sợi dây chuyền vàng dày, trên đó treo cái bùa hổ phách. Về sau, ông cho hàn dính cái khóa luôn để nó không rơi đi đâu được. Ông quả quyết rằng cái bùa đó bảo vệ ông khỏi mọi sự dữ và không ai thuyết phục được ông tin điều ngược lại.

Lúc bấy giờ, Noni đi chầm chậm trong nhà, còn Cesare bước theo sau bà. Trên các đinh nhỏ đóng dọc theo tường nhà tối tăm là những bó thảo dược đủ loại được buộc túm lại. Cẩn thận ngắt vài lá từ những bó thảo dược này và với những ngón tay xương xẩu cong queo bao quanh chiếc chày bằng đá, bà cho nhúm lá vào trong cối rồi giã nát, tán nhuyễn chúng thành bột mịn. Xong, bà đổ toàn bộ số bột đó vào một cái túi và trao cho Cesare, dặn dò. “Tác dụng kì diệu của cây horieteitel là nó có thể đem lại giấc ngủ sâu không mộng mị. Mỗi người chỉ cần một dúm nhỏ nhưng ở đây già cho con một lượng đủ để khiến một đạo quân ngủ li bì.”

Cesare tạ ơn bà lão và lại ôm bà. Nhưng khi chàng lên ngựa, bà nắm lấy cánh tay chàng và dặn dò, “Có mùi tử khí trong nhà con đấy. Một người còn trẻ. Con hãy bảo trọng vì con cũng có nguy cơ.”

Cesare gật đầu và cố trấn an bà. “Tử thần lúc nào cũng ở gần ta đấy thôi, bởi chúng ta đang sống trong thời đại đầy tai ương, vú à…”