Cha Con Giáo Hoàng

Chương 5

Vào ngày mà vị hôn phu của Lucrezia, chàng Giovanni Sforza, công tước xứ Pesaro đến thành Rome, Giáo hoàng Alexander cho tổ chức một đám rước linh đình để đón chào. Bởi ông biết rằng Il Moro, chú của Giovanni, sẽ xem hành động này là một dấu hiệu trọng thị, là bằng chứng cho tấm lòng thành của Alexander trong việc liên minh với Milan.

Nhưng Alexander cũng có những suy tính khác trong đầu. Là Đức Thánh Cha ông hiểu trái tim và linh hồn của con dân và ông biết họ thích được mục kích cảnh tượng ngoạn mục, vì điều đó khẳng định với họ lòng độ lượng của ông cũng như lòng độ lượng của Đấng Cha Trên Trời và giúp giảm bớt cái uể oải trong cuộc sống buồn tẻ, vô vị của họ. Dù lễ hội được tổ chức với lí do gì cũng đem lại niềm hi vọng mới cho thành đô và thường giúp ngăn chặn những kẻ tuyệt vọng trong đám thần dân không giết chóc lẫn nhau chỉ vì những tranh cãi lặt vặt.

Cuộc sống của những thần dân kém may mắn hơn thiếu thốn niềm vui đến độ ông cảm thấy có trách nhiệm phải đem lại cho họ vài hạnh phúc nho nhỏ để nuôi dưỡng linh hồn. Vì còn cách gì khác có thể bảo đảm sự hậu thuẫn của họ với giáo triều? Nếu những hạt giống ganh tị cứ mãi được gieo vào trái tim của những con người bị buộc phải chứng kiến bao trò hoan lạc của những kẻ kém xứng đáng nhưng lại nhiều may mắn hơn mình thì làm sao người cai trị đòi hỏi lòng trung thành của họ? Lạc thú phải được chia sẻ, vì chỉ có cách đó mới giữ cho tầng lớp bần cùng khỏi cơn tuyệt vọng.

Vào cái ngày ấm áp, thơm tho đó, một ngày tràn ngập mùi hương hoa hồng, Cesare, Juan và Jofre Borgia cưỡi ngựa đến các cổng đá cao của thành Rome để chào đón công tước Pesaro. Tháp tùng họ là toàn bộ thượng viện và những vị sứ thần Florence, Naples, Venice và Milan trong trang phục vương giả cùng đại diện của Pháp và Tây Ban Nha.

Đám rước sẽ đi theo phái đoàn này khi quay về, ngang qua cung điện của chú chàng, Ascanio Sforza, phó chưởng ấn, ở đó vị công tước trẻ sẽ lưu trú cho đến đêm tân hôn. Sau đó đám rước sẽ tiếp tục qua các đường phố để đến Vatican. Alexander đã dặn dò các cậu con trai cưỡi ngựa ngang qua dinh thự của Lucrezia để nàng có thể nhìn mặt chồng tương lai. Mặc dầu ông bố đã cố gắng trấn an nàng bằng cách hứa rằng nàng có thể ở lại dinh thự riêng ở Santa Maria in Portico với Julia và Adriana trong một năm sau ngày thành hôn chứ không bắt buộc phải đến Pesaro nhưng Lucrezia dường như vẫn bất an. Và Alexander không bao giờ thấy an tâm khi con gái không vui.

Việc chuẩn bị cho đám rước đã được tiến hành từ nhiều tuần trước, còn bây giờ mọi chuyện đã đâu vào đấy cả rồi. Đám hề mặc đồ nhung xanh, vàng chóe, còn đám người làm xiếc tung hứng những cây gậy rực rỡ và tung những quả bóng lòe loẹt bàng giấy bồi lên trên không trong khi các đội nhạc với tiêu, sáo và kèn trumpet tấu vang vang những khúc nhạc rộn ràng để tạo không khí nô nức và làm phấn chấn tinh thần cho đám đông quần chúng thành Rome đang tụ tập dọc bên đường để xem mặt công tước thành Pesaro, người sẽ kết hôn cùng ái nữ của Giáo hoàng.

Nhưng ngay đầu buổi sáng hôm ấy Cesare thức dậy với tâm trạng không vui, lại còn bị cơn nhức đầu dữ dội hành hạ. Chàng thử tìm cớ để được miễn việc phải đi chào đón thằng em rể tương lai, bởi chàng nghĩ đó là một nghĩa vụ chẳng vui thú gì, nhưng ông bố nhất quyết không chấp thuận. “Là người đại diện cho Đức Thánh Cha, con sẽ không được giải trừ khỏi bổn phận, trừ phi con nằm liệt giường chờ chết vì bệnh dịch hay bệnh sốt rét,” Giáo hoàng nói giọng khô khốc, khắc nghiệt. Rồi ông đùng đùng bỏ đi.

Cesare sẽ cãi lệnh nếu như cô em không đến phòng chàng để năn nỉ. Ngay khi nghe tin chàng bị ốm, nàng đã chạy qua đường hầm từ dinh thự riêng. Ngồi trên giường, nàng dịu dàng xoa bóp đầu chàng và hỏi, “Chez, ngoài anh ra, còn ai sẽ cho em biết sự thật về người đàn ông mà mình sắp lấy làm chồng? Em còn có thể tin một ai khác?”

“Crezia, còn thay đổi gì được nữa?” Chàng hỏi. “Em đã được hứa hôn rồi và về chuyện đó anh chẳng có thể làm được gì.”

Lucrezia mỉm cười với anh và lùa các ngón tay qua tóc anh. Nàng nghiêng người, dịu dàng đặt vào môi chàng một nụ hôn và mỉm cười. “Chuyện này đối với anh cũng khó khăn như đối với em đúng không?” Nàng hỏi. “Bởi em ghét ý nghĩ về một người đàn ông khác chung giường với em. Em sẽ khóc và nhắm măt và mặc dầu em không thể ngăn hắn đụng vào người em nhưng em sẽ không thèm hôn hắn đâu. Em hứa đấy, anh à.”

Cesare thở một hơi sâu và quyết định làm như ý cô em muốn. “Anh hi vọng - vì cả hai ta - rằng hắn không phải thứ thú vật,” chàng nói. “Nếu không anh sẽ phải giết hắn trước khi hắn có thể chạm đến em.”

Lucrezia cười khúc khích. “Anh và em, chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc chiến thần thánh,” nàng nói, hài lòng về phản ứng của Cesare. “Papa sẽ còn có nhiều chuyện hơn để làm so với hiện nay. Cha sẽ phải bình định Milan một khi anh đã giết Giovanni; sau đó Naples sẽ đến để xin được liên minh với chúng ta. Il Moro có thể bắt anh và đưa anh xuống ngục tối ở Milan để tra tấn. Trong khi Papa đang điều đạo quân của giáo triều đi cứu anh, Venice chắc chắn sẽ mưu toan chinh phục những lãnh thổ của chúng ta. Còn Florence sẽ bảo các nghệ sĩ tài ba nhất vẽ biếm họa bôi nhọ gia đình chúng ta và sai đám tiên tri nguyền rủa chúng ta sa địa ngục đời đời!” Nàng phá ra cười, cười ngặt nghẽo đến nỗi ngã ra giường.

Cesare thích nghe em gái cười. Điều đó khiến chàng quên tất cả những chuyện khác, và còn làm dịu đi nỗi tức giận của chàng đối với cha. Giờ đây cơn nhức đầu của chàng dường như dịu xuống rất nhiều. Và thế là chàng đồng ý đi đón tiếp.

* * *

Nghe âm nhạc của đám rước đang tiến lại gần, Lucrezia chạy lên cầu thang đến tầng hai, đến phòng chính của lâu đài nơi có ban-công trổ ra như bàn tay nắm lại của người khổng lồ. Julia Farnese, cho đến nay đã là nhân tình của Giáo hoàng hơn hai năm rồi, đang giúp Lucrezia chọn một chiếc áo dài bằng xa-tanh màu xanh đậm, tay áo màu kem và vạt áo trên đính châu ngọc. Sau đó, Julia chải tóc cho Lucrezia và kéo các lọn tóc vàng của nàng lên đỉnh đầu, để một ít rơi xõa xuống trán và xuống gáy làm cho nàng thêm thanh nhã.

Mấy tháng nay, Julia cố gắng chỉ dẫn cho Lucrezia về những gì sẽ chờ đợi nàng trong đêm tân hôn, nhưng Lucrezia không quan tâm mấy. Khi Julia giải thích tỉ mỉ nghệ thuật chiều đàn ông thì trái tim và tâm trí Lucrezia đều hướng về Cesare. Mặc dù nàng chưa tiết lộ với bất kì ai nhưng tình yêu nàng dành cho anh mình vẫn chiếm lấy tâm trí nàng mỗi ngày.

Bấy giờ, Lucrezia Borgia bước ra ban-công, nàng ngạc nhiên thấy đám đông đang chờ nàng. Giáo hoàng đã phái nhiều vệ sĩ bảo vệ nàng nhưng họ cũng không thể ngăn những cánh hoa phủ lên người nàng và rải thảm trên ban-công rộng lớn. Nàng tươi cười vẫy tay chào đám thần dân.

Khi Lucrezia nhìn thấy đám rước tiến lại gần, nàng cười lớn với anh hề đang đi qua trước mặt, và vỗ tay vui vẻ khi các nhạc công kèn sáo chơi những khúc nhạc vui tươi rộn rã nhất. Thế rồi, từ phía sau, nàng trông thấy họ.

Trước tiên là anh cả Cesare yêu dấu của nàng, đẹp trai và quý phái, uy nghi trên lưng con bạch mã, lưng thẳng tắp, vẻ nghiêm nghị. Chàng ngẩng đầu lên nhìn em gái và mỉm cười. Juan theo sau, trái lại, không hề để ý đến cô em mà chỉ lo nghiêng người để vơ lấy những cành hoa từ các bà các cô đang réo gọi tên chàng bên đường. Còn cậu em Jofre vẫy tay chào chị với một nụ cười ngây ngô nhưng rạng rỡ niềm vui.

Đằng sau họ nàng thấy người ấy: Giovanni Sforza. Chàng có những lọn tóc đen dài và một hàng ria được tỉa tót khéo, một chiếc mũi thanh tú, dáng người thấp và bè hơn các anh em nàng. Nàng cảm thấy bồn chồn, bối rối khi lần đầu nhìn thấy chàng, nhưng khi chàng nhìn lên ban-công, ghì cương ngựa và chào nàng, nàng nhún gối cúi người đáp lễ theo đúng nghi thức đã được chỉ bảo.

Trong vòng ba ngày nàng sẽ thành hôn, và khi đám rước vừa qua khỏi và tiến đến cung điện của cha nàng, nàng nóng lòng muốn nghe những gì mà Adriana và Julia cần nói về vị hôn phu của nàng. Vì bà Adriana sẽ an ủi và bảo với nàng rằng mọi chuyện sẽ ổn, nên nàng biết chỉ có Julia mới nói cho nàng sự thật.

Khi trở lại dinh thự, Lucrezia hỏi họ, “Cô và chị thấy sao? Có nghĩ rằng hắn ta là một kẻ dữ tợn không?”

Julia cười lớn. “Chị nghĩ rằng hắn ta coi cũng được mắt đấy chứ, mặc dầu đúng là khá to con, có lẽ hơi quá khổ so với em,” cô nói giễu, Lucrezia hiểu ngay cô ta có ý gì. Rồi Julia ôm nàng. “Anh ta sẽ tử tế với em. Chỉ vì Đức Thánh Cha và Cha Trên Trời mà em phải kết hôn. Chuyện này không ảnh hưởng đến cuộc đời em sau này đâu.”

* * *

Khi chọn chỗ ở chính thức trong cung điện Giáo hoàng, Alexander lấy một dãy phòng trống bị bỏ không từ lâu và ra lệnh sửa sang thành những căn hộ tuyệt vời của nhà Borgia. Những bức tường của sảnh tiếp tân riêng của ông, gọi là Sala dei Misteri (Sảnh Huyền Bí) được bao phủ bởi những bức bích họa lớn do họa sĩ yêu thích của ông là Pinturicchio vẽ.

Một trong ba bức tranh này vẽ cảnh Alexander cùng một số người được chọn đang chứng kiến Đức Jesus Thăng Thiên. Mặc chiếc áo choàng đính đầy châu ngọc lấp lánh, ông đặt chiếc mũ miện bằng vàng xuống đất, kế bên mình. Ông đứng ngước nhìn lên như thể đang được ban phước khi Đấng Cứu Thế về trời.

Những bức tranh tường khác vẽ gương mặt của các thành viên nhà Borgia giống như các vị thánh xa xưa, những vị tuẫn đạo và các nhân vật tôn giáo khác: vẻ đẹp rạng rỡ của Lucrezia được ví với nữ thánh Catherine tóc vàng, mảnh mai, thanh thoát, Cesare là hoàng đế ngồi trên ngai vàng, Juan là vị quân vương Đông phương còn Jofre là bé thiên thần ngây thơ. Trên mỗi bức đều sừng sững một con bò rừng lông đỏ xông về phía trước, biểu tượng của gia tộc Borgia.

Trên cánh cửa chính của phòng thứ hai, Pinturicchio vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh với tất cả vẻ đẹp thánh thiện. Đức Mẹ là hình ảnh Alexander thích nhất trong các vị thánh thần, vì thế họa sĩ đã dùng Julia Farnese làm người mẫu, thỏa mãn cả hai đam mê của Alexander bằng một bức tranh.

Còn có Sảnh Đức Tin rộng một ngàn mét vuông. Phòng này có mái vòm, với những bức bích họa phủ đầy các cửa nhỏ hình bán nguyệt ở mái nhà và những vòng tròn trang trí đắp nổi trên trần. Mỗi thánh tông đồ đều có một bức bích họa, mỗi vị đều đang đọc một cuốn sách cho các ngôn sứ nhiệt thành rao giảng lời thiêng của Đấng Jesus. Khuôn mặt của các ngôn sứ chính là Alexander, Cesare, Juan và Jofre.

Tất cả những phòng này đều được trang hoàng phong phú với những tấm thảm tinh xảo và đồ trang trí bằng vàng. Ngai của Giáo hoàng được đặt trong Đại Sảnh Đức Tin, trên đó Alexander ngồi tiếp những nhân vật quan trọng. Dọc theo ngai là những ghế đẩu trên đó các nhà quý tộc quỳ để hôn nhẫn và hôn chân Giáo hoàng, và những chiếc đi-văng trên đó các nhân vật quyền thế có thể ngồi trong những cuộc tiếp kiến lâu hơn, vạch ra kế hoạch cho những cuộc Thập tự chinh tương lai hay bàn về chuyện ai sẽ cai trị các thành phố của Ý và trị vì như thế nào.

Công tước xứ Pesaro, Giovanni Sforza được dẫn vào phòng Giáo hoàng. Chàng cúi xuống hôn chân và chiếc nhẫn thiêng liêng của Giáo hoàng. Chàng rất ấn tượng trước vẻ đẹp lộng lẫy của Tòa Thánh Vatican và khối tài sản kếch sù mà chàng sẽ sớm được sở hữu. Bởi đi theo cô dâu trẻ là khoản hồi môn ba mươi ngàn ducat, đủ cho chàng làm đẹp dinh thự của mình ở Pesaro và những hưởng thụ xa hoa khác.

Trong khi Giáo hoàng Alexander ân cần tiếp đón, Giovanni nghĩ về mấy người anh em vợ mới. Đối với hai người anh lớn, chàng thấy gần gũi với Juan hơn là Cesare; Jofre thì còn quá bé nên chưa đáng kể. Cesare dường như chẳng niềm nở với chàng chút nào, nhưng Juan đã hứa đãi công tước một chầu bù khú ra trò trong thành phố trước ngày cưới, thế nên chàng nghĩ chuyện này cũng không quá tệ như mình tưởng. Dĩ nhiên, dù trong tình huống nào, chàng cũng không bao giờ dám cự cãi với chú mình, Il Moro, nếu không muốn Milan thu hồi Pesaro và chàng sẽ mất công quốc của mình cũng nhanh như khi được.

Chiều hôm đó, ngay khi mọi người đến Vatican để dự lễ, Cesare nhanh chóng biến đi. Chàng rời cung điện trên lưng ngựa và phi nước đại ra khỏi thành Rome, hướng về miền quê. Hầu như chàng chưa ở gần Sforza, ấy thế mà chàng đã ghét cay ghét đắng cái thằng con hoang ấy rồi. Hắn ta là đứa lỗ mãng, khoác lác, một tên khốn. Ngây ngô hơn cả Jofre - đến nỗi thế sao? Và còn ngạo mạn bố láo hơn cả Juan. Em gái yêu quý của ta sẽ làm gì với một thằng chồng như thế chứ? Và ta có thể nói gì khi gặp lại Lucrezia chứ?

* * *

Trong khi Cesare kịch liệt bài bác kẻ chẳng mấy chốc nữa sẽ thành em rể của mình, Juan lại bị lôi cuốn về phía hắn ta. Juan ít có bạn bè trong giáo triều. Bạn của chàng chỉ có Djem, ông hoàng Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang làm con tin bên cạnh Giáo hoàng theo yêu cầu của chính hoàng đệ mình, vị Sultan đang trị vì.

Sultan Bayezid đã dàn xếp với Giáo hoàng Innocent khi ông ta sợ những cuộc Thập tự chinh Ki-tô giáo được tổ chức để lật đổ ông ta dưới chiêu bài giành lại ngôi báu cho người kế thừa chính đáng là Djem, anh của ông ta. Đổi lấy việc giữ Djem làm con tin ở Vatican, Giáo hoàng được Sultan trả công bốn mươi ngàn ducat mỗi năm. Khi Giáo hoàng Innocent băng hà, Alexander tiếp tục giữ lời hứa, đối xử với vị hoàng tử như khách danh dự của giáo triều. Bởi còn cách nào để làm đầy các két sắt của Giáo hội Công giáo La Mã hay hơn là lấy tiền của bọn Thổ Nhĩ Kỳ ngoại đạo?

Ông hoàng ba mươi tuổi Djem, da ngăm ngăm và có vẻ không thân thiện với người dân La Mã, luôn mang khăn quàng đầu, với bộ râu đen cong vểnh lên, nhất quyết mặc trang phục phương Đông của mình khi ở Vatican, và chẳng bao lâu Juan, khi không phải là những dịp chính thức, cũng bắt đầu ăn mặc theo kiểu ông ta. Mặc dầu Djem gần như gấp đôi tuổi Juan nhưng họ bắt đầu đi đâu cũng có nhau và gã hoàng tử này gây ảnh hưởng lớn lên cậu con được chiều quá hóa hư của Giáo hoàng. Alexander chấp nhận tình bạn của họ không chỉ vì nguồn lợi tức mà Djem mang đến cho Vatican mà còn vì sự bầu bạn với ông hoàng dường như mang lại nụ cười trên khuôn mặt Juan, vốn thường sưng sỉa. Nhưng Cesare thì thấy bực không chịu được khi phải ở gần cặp bài trùng này.

Đêm trước ngày hôn lễ, Juan mời Giovanni Sforza cùng đi với mình và Djem vào Rome viếng các hàng quán và ngủ với gái làng chơi. Giovanni đồng ý ngay tắp lự. Ông hoàng Djem và công tước xứ Pesaro xem ra ăn ý với nhau lắm lắm, ăn uống, chuyện trò với nhau thân mật. Nhưng người dân thành Rome cố tránh xa đám con cái đại gia hống hách này.

Nhưng với các em gái làng chơi thì lại là chuyện khác. Juan là mối ruột, nhiều em còn cá độ với nhau xem em nào ngủ với chàng nhiều nhất. Có nhiều điều tiếng xầm xì rằng Juan cũng là người tình đồng tính của Djem, nhưng với các nàng kiều nữ giang hồ kiếm miếng ăn hằng ngày bằng việc ngủ với đám đại gia thì các em đâu cần để ý làm chi chuyện đa đoan của thiên hạ, vì mỗi khi đến mua vui, anh chàng đều chi rất sộp.

Một trong các cô em mà Juan thường gặp là một cô nàng mới non mười lăm tuổi với mái tóc dài đen tuyền và hai hàng lông nheo dày, cong vút. Nàng tên là Avalona, con gái của một trong những chủ quán đèn mờ. Nàng thực sự mất anh Juan. Nhưng trong cái đêm mà ba chàng trai từ Vatican đến thành phố, Juan trước tiên hiến tặng Avalona cho chú em rể, sau đó cho anh Djem. Hai người mang cô nàng lên trên gác để mây mưa, trong khi Juan ngước mắt nhìn nhưng vì quá say xỉn nên chàng ta không nhận ra được tâm tình của cô nàng. Thay vào đó, khi đến lượt chàng, Juan trông chờ nàng sẽ nhiệt tình và cưng chiều hết ý như mọi khi, nhưng nàng lại quay đi, từ chối hôn chàng, sẵn tính nhạy cảm quá mức, Juan nổi điên lên vì nghĩ nàng thích thằng em rể hơn mình. Chàng tát cô nàng vì hành động sỉ nhục này, cô nàng không thèm nói chuyện với chàng nữa. Thiếu gia ta mặt sưng mày sỉa trên suốt chặng đường quay về tư dinh của cha. Trong khi đó, cả hai chàng Giovanni Sforza lẫn hoàng tử Djem vẫn cảm thấy thỏa mãn với một buổi tối vui vẻ nên chẳng thèm để ý làm chi chuyện bực dọc của Juan.

* * *

Chớp mắt đã đến ngày cử hành hôn lễ. Lucrezia trông thật vương giả trong chiếc áo dài nhung đỏ viền lông thú, mái tóc vàng sáng được rắc vàng và được điểm hồng ngọc cùng kim cương. Julia Farnese mặc chiếc áo dài xa-tanh màu hồng giản dị, làm sáng lên nhan sắc thanh nhã của nàng. Còn Adriana chọn chiếc áo dài nhung trơn màu xanh đậm để tránh tranh sắc với vạt áo đính hồng ngọc trên chiếc áo dài của Lucrezia. Chỉ có chú rể Giovanni Sforza mặc chiếc áo với cổ dày bằng vàng đi mượn, anh trai Juan của nàng và anh bạn Djem của chàng ta là ăn mặc phô trương hơn. Cả ba mang khăn đội đầu bằng xa-tanh màu kem và những khăn choàng vai thêu chỉ vàng, lộng lẫy hơn cả trang phục của cô dâu và Giáo hoàng.

Alexander đã chọn Juan dìu cô dâu tiến vào lễ đường và nàng biết rằng Cesare hẳn rất tức giận. Lucrezia nghĩ thế này lại may, vì nàng biết chắc rằng Cesare sẽ không bao giờ dìu nàng đến lễ đường đàng hoàng thế này. Nàng tự hỏi Cesare có đến dự hay không, mặc dầu anh khó lòng lánh mặt khi đã có lệnh của cha. Nếu không đồng ý, nàng biết Cesare sẽ lại phi ngựa nước đại phóng về miền quê. Nhưng nàng cầu nguyện lần này chàng sẽ không làm thế, bởi Cesare chính là người nàng mong muốn có mặt ở đây nhất, chính chàng là người nàng yêu thương nhất.

Đám cưới diễn ra trong Đại Sảnh của Tòa Thánh Vatican bất chấp những lời phản đối của các vị lãnh đạo Giáo hội thủ cựu và những hồng y khác, họ tin rằng những sảnh đường thiêng liêng chỉ được dành cho những người liên quan tới giáo vụ của Giáo hội mà thôi. Nhưng Giáo hoàng Alexander đã muốn Lucrezia làm đám cưới ở Vatican nên đương nhiên phải là như thế. Nếu không thì cái uy và thể diện của Giáo hoàng để vào đâu đây?

Trên bục cao đặt ngay phía trước sảnh lớn là ngai của Giáo hoàng, sáu ghế ngồi bằng nhung đỏ màu rượu Burgundy mỗi bên dành cho mười hai vị hồng y tân cử của Giáo hoàng. Trong nhà nguyện riêng của Giáo hoàng, nhỏ hơn và thưa thớt hơn so với Nhà Nguyện Chính thuộc Giáo đường Thánh Peter, ông đã lệnh đặt những hàng đuốc cao bằng bạc và bằng vàng, thắp sáng lên trước các bức tượng thánh khổng lổ bằng cẩm thạch để tăng vẻ diễm lệ hai bên trang thờ.

Vị giám mục chủ tế, mặc lễ phục buông dài, chiếc mũ miện bằng bạc trên đầu, hát những bài kinh bằng tiếng La-tinh và ban lời chúc phúc thiêng liêng cho cô dâu và chú rể.

Hương trầm tỏa ra trong khi hai vợ chồng được ban phúc lành dường như đặc biệt hăng nồng, món quà tặng từ phương Đông của Sultan Bayezid II, em hoàng tử Djem, được mang đến cách đây vài ngày… Làn khói trắng dày làm gắt cổ họng Lucrezia, buộc nàng phải giấu một tiếng ho sau chiếc khăn tay. Đối với Lucrezia, hình tượng Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thánh giá khổng lồ bằng gỗ cùng thanh gươm lớn giữ lòng chung thủy mà vị giám mục đặt trên đầu nàng trong lúc cặp tân hôn trao nhau lời thề nguyền dường như là điềm gở.

Cuối cùng nàng cũng nhìn thấy anh Cesare nơi lối vào nhà nguyện. Nàng đã lo lắng khi thấy chỗ ngồi của chàng trước trang thờ cùng với các hồng y khác bị bỏ trống lộ liễu khiến không ít người thắc mắc.

Cả đêm hôm qua, Lucrezia quỳ gối cầu nguyện Đức Mẹ, xin người tha thứ, sau khi lẻn vào đường hầm, đến phòng của Cesare để chàng lại chiếm lấy nàng một lần nữa. Nàng thắc mắc tại sao mình lại cảm thấy vui sướng đến thế khi làm chuyện ấy với anh mình mà lại cảm thấy kinh sợ với ý tưởng làm tình cùng người khác. Nàng còn chưa biết gì về con người sắp là chồng nàng. Nàng chỉ mới thấy anh ta một lần, từ ban-công nhà nàng và khi hai người ở cùng nhau trong phòng ngày hôm trước đó, anh ta chẳng nói một lời nào với nàng hay nhận ra sự có mặt của nàng.

Giờ đây khi cùng quỳ gối trên những chiếc ghế đẩu nhỏ bằng vàng trước trang thờ và nghe những lời đầu tiên từ người phối ngẫu với mình: “Tôi sẽ lấy người phụ nữ này làm vợ”, nàng chợt nghĩ giọng nói chàng ta sao mà vô duyên tệ, không làm nàng hài lòng chút nào.

Như thể trong cơn mê, Lucrezia đồng ý nhận anh ta làm chồng. Nhưng ánh mắt và trái tim nàng cứ hướng về Cesare, trong trang phục giáo sĩ màu đen trang nghiêm, đang đứng bên cậu em Juan. Chàng chẳng hề nhìn nàng.

Sau đó, tại một đại sảnh của Vatican - Sala Reale (Sảnh Hoàng Gia) - Lucrezia Borgia lộng lẫy giữa chiếc bàn được đặc biệt kê cao. Kế bên nàng là chàng rể Giovanni, nữ giám hộ Adriana, và Julia Farnese mà nàng chọn làm phù dâu. Cháu gái của cố Giáo hoàng Innocent, Battestina cũng được ngồi cùng bàn với những cô phù dâu khác, nhưng ba anh em trai của nàng ngồi ở một chiếc bàn phía bên kia phòng. Nhiều người khách ngồi trên những chiếc gối để trên sàn nhà. Quây tròn quanh vành ngoài đại sảnh là một dãy các bàn ăn cỡ lớn chất đầy đồ ăn thức uống, bánh kẹo. Khi khách khứa ăn uống xong, trung tâm của sảnh được dọn sạch để các nghệ sĩ diễn kịch. Sau đó, các vũ công và các ca sĩ sẽ múa hát giúp vui.

Nhiều lần Lucrezia nhìn sang chú rể, nhưng anh ta vẫn lơ nàng, chỉ tranh thủ ngốn thức ăn và nốc rượu ào ào vào mồm. Trông mà lợm giọng, nàng quay nhìn chỗ khác.

Hiếm khi Lucrezia nhớ đến mẹ, nhưng hôm nay là một ngày vốn được coi là trọng đại trong đời người con gái. Giờ đây, khi Julia đã là tình nhân của Giáo hoàng thì đâu còn chỗ cho Vanozza, thân mẫu nàng, nơi cung điện này.

Khi liếc nhìn lại người chồng mới cưới, nàng tự hỏi sau này, mình có thể cam chịu cái bộ mặt khó ưa này hay không. Ý nghĩ rời xa gia đình ở Rome để đến sống với anh ta ở Pesaro khiến nàng chìm trong tuyệt vọng và thầm biết ơn lời hứa của cha khi cho phép nàng một năm sau mới phải rời nhà.

Vây quanh là không khí vui vẻ và những tiếng cười rộn rã của khách khứa, Lucrezia vẫn cảm thấy cô đơn tột độ. Nàng không thấy đói, dẫu vậy, nàng vẫn nhấp vài ngụm vang đỏ rót trong chiếc cốc bằng bạc, rồi chẳng mấy chốc, nàng thấy váng vất. Nàng bắt đầu tán gẫu với các cô phù dâu và cuối cùng cũng hòa mình vào bầu không khí vui vẻ. Bởi xét cho cùng thì đây cũng là một buổi yến tiệc và nàng chỉ mới mười ba.

Sau đó, Giáo hoàng Alexander thông báo rằng sẽ có một buổi dạ tiệc tại các căn hộ riêng của ông, ở đó các món quà cho cô dâu và chú rể sẽ được trình ra. Trước khi rời Đại Sảnh ở Vatican để về những phòng riêng của mình, ông dặn đám gia nhân ném số kẹo còn lại từ ban-công xuống cho đám đông dân chúng đứng ở quảng trường bên dưới để họ được hưởng tí hương hoa lễ lạt.

* * *

Đã quá nửa đêm, Lucrezia mới có cơ hội thưa chuyện với cha. Ông đang ngồi một mình tại bàn làm việc, bởi hầu hết khách khứa đã ra về, chỉ còn mấy anh em của nàng và vài vị hồng y ngồi đợi nơi tiền sảnh.

Hơi ngập ngừng, Lucrezia tiến lại gần Giáo hoàng, bởi nàng không muốn mạo phạm ông, nhưng chuyện này rất quan trọng, không thể đợi được. Nàng quỳ trước mặt ông và cúi đầu chờ cha cho phép mới dám thưa trình.

Giáo hoàng Alexander mỉm cười để khích lệ nàng. “Nào, con ngoan của cha. Nói với Papa con có gì bận lòng.”

Lucrezia nhìn lên, đôi mắt nàng long lanh nhưng khuôn mặt lại nhợt nhạt vì những sự kiện trong ngày. “Papa,” nàng nói rất nhỏ, gần như không nghe được. “Papa, con có phải vào phòng tân hôn với Giovanni ngay đêm nay không? Cha có buộc phải chứng kiến việc thành thân sớm đến thế không?”

Giáo hoàng ngước mắt lên trời cao. Ông cũng từng bỏ ra nhiều giờ để suy ngẫm về chuyện này. “Nếu không phải bây giờ, thì khi nào?” Ông hỏi con.

“Hoãn lại một chút ạ,” nàng nói.

“Hãy vượt qua những điều không như ý càng sớm càng tốt,” ông nói, mỉm cười dịu dàng với con gái. “Sau đó con có thể tiếp tục sống cuộc đời mình mà không còn thanh gươm nào treo lơ lửng trên đầu con nữa.”

Lucrezia hít vào một hơi sâu rồi thở dài. “Anh Cesare có phải hiện diện không?” Nàng hỏi.

Giáo hoàng Alexander nhíu mày. “Chuyện đó có thành vấn đề không?” Ông hỏi. “Miễn là có cha ở đó. Để hôn ước trở thành hiệu lực, phải có ba người làm chứng.”

Thế là Lucrezia gật đầu và nói quả quyết, “Con thích anh ấy không có ở đó hơn.”

“Nếu đó là ý muốn của con,” Giáo hoàng nói, “thì ta cứ làm theo như thế.”

Cả hai người, Giovanni và Lucrezia đều có phần miễn cưỡng khi bước vào phòng tân hôn: phần chàng vì còn tưởng nhớ đến người vợ đầu mới mất, phần nàng vì cảm thấy ngại ngùng bối rối khi bị săm soi nhìn ngắm và không muốn cho phép bất kì ai, ngoài Cesare, chạm vào người nàng. Giờ đây, nàng cảm thấy choáng váng đến độ chẳng quan tâm đến cái gì nữa. Nàng dõi mắt tìm kiếm anh mình nhưng chàng đã lỉnh đi xa, và thế là nàng nốc vội thêm ba cốc rượu vang trước khi gom đủ can đảm để làm điều nàng biết mình phải làm.

Trong phòng, đám gia nhân giúp nàng và Giovanni trút bỏ xiêm y và cả hai nhanh chóng chuồn vào dưới tấm chăn bằng xa-tanh trắng, cẩn thận không để cho da thịt họ chạm vào nhau trước khi những người làm chứng đến.

Khi bước vào phòng, Giáo hoàng ngồi vào chiếc ghế bọc nhung, đối diện một bức thảm thêu thật lớn tái hiện các cuộc Thập tự chinh, ông tập trung tâm trí nhìn vào đó và cầu nguyện.

Hai tay ông cầm chuỗi tràng hạt bằng châu ngọc. Chỗ ngồi thứ nhì dành cho hồng y Ascanio Sforza và chỗ thứ ba dành cho người anh của nàng Julia, hồng y Farnese, người phải bị sỉ nhục gọi là “hồng y núp váy đàn bà” sau khi Giáo hoàng Alexander làm lễ thụ phong cho anh ta.

Giovanni Sforza không nói lời nào với Lucrezia; chàng ta chỉ nghiêng người qua bên trên nàng, mặt áp sát vào mặt nàng, bàn tay thô bạo chộp lấy vai nàng để kéo nàng về phía mình. Chàng ta tìm cách hôn nàng, nhưng nàng quay mặt qua chỗ khác, nấp vào dưới cổ chàng ta. Chàng ta hôi như bò. Rồi khi chàng ta bắt đầu dùng tay vụng về dạo những cung đàn ngô nghê trên thân nàng thì nàng thấy rùng mình ghê tởm. Trong một thoáng, nàng sợ rằng bao tử mình sẽ nhộn nhạo cả lên và hi vọng có cái ống nhổ nơi chân giường. Bỗng dưng, nàng thấy lòng buồn vô tận, nàng nghĩ mình sẽ khóc mất. Nhưng vào thời điểm chàng ta cưỡi lên người nàng, nàng chẳng cảm thấy gì cả. Nàng nhắm mắt lại và đưa tâm tưởng mình đi xa, đến cõi trời riêng, nơi nàng chạy băng qua những hàng lau sậy cao thật cao, rồi lăn mình trên thảm cỏ xanh rờn mềm mại như nhung của vùng Ngân Hồ, nơi duy nhất nàng cảm thấy tự do.

* * *

Sáng hôm sau, khi Lucrezia chạy ùa đến để đón Cesare lúc chàng rảo bước từ Điện Vatican đến chuồng ngựa, nàng có thể thấy ngay là chàng đang phiền muộn. Nàng cố trấn an nhưng chàng không còn lòng dạ nào để nghe. Thế là nàng chỉ biết đứng lặng yên bất động nhìn chàng thắng yên ngựa ra đi.

Hai ngày sau Cesare mới quay về. Chàng bảo với em gái rằng quãng thời gian nơi miền quê giúp chàng suy nghĩ kĩ về tương lai của mình và về nàng. Chàng nói mình đã tha thứ cho nàng, nhưng nghe mấy lời đó khiến nàng nổi điên lên. “Tha thứ cái gì? Em phạm lỗi gì để cần anh tha thứ? Em đã làm điều em phải làm, cũng như anh vậy thôi. Anh vẫn luôn than vãn về chuyện phải khoác chiếc áo hồng y,” nàng nói. “Nhưng em thà làm hồng y còn hơn phải làm đàn bà!”

Cesare đốp chát lại, “Cả hai chúng ta đều phải làm những gì mà Đức Thánh Cha muốn chúng ta phải làm, bởi ta thà làm người lính hơn làm hồng y! Vậy nên không ai trong hai ta có được cái chúng ta muốn!”

Cesare hiểu rằng mặt trận quan trọng nhất mà chàng phải chiến đấu là thực hiện cái chí riêng mình hằng ấp ủ. Bởi tình yêu có thể lấy mất ý chí mà không cần đến vũ khí. Và Cesare thực sự yêu thương cha mình. Tuy vậy chàng đã nghiên cứu những chiến thuật của cha khá lâu đủ để biết ông có thể làm đến những chuyện gì và chàng biết rằng bản thân mình sẽ không bao giờ hạ mình làm những chuyện phản trắc. Trong suy nghĩ của Cesare, chuyện cướp đi của cải, tài sản, hay ngay cả mạng sống vẫn không thể kinh khủng bằng việc tước đoạt ý chí tự do của người khác. Bởi không có ý chí tự do, con người chỉ còn là một con rối của những nhu cầu bản năng, một con thú kéo đồ nặng tuân phục tiếng vút của ngọn roi trong tay người khác. Và chàng đã thề mình sẽ không bao giờ làm con thú đó.

Mặc dầu Cesare hiểu dụng ý của cha khi yêu cầu chàng ăn nằm với Lucrezia, chàng nghĩ mình cũng phải gánh luôn nhiệm vụ yêu nàng. Sau lần ái ân đầu tiên đó, chàng đánh lừa bản thân tin rằng đó là lựa chọn của chàng. Nhưng vẫn còn một con bài chưa lật. Lucrezia đã yêu với một trái tim trọn vẹn đủ để thuần hóa con thú hoang dã nhất, và như thế, dẫu không hay biết, nhưng nàng đã trở thành ngọn roi được ông bố sử dụng.

Lucrezia bắt đầu thổn thức, Cesare ôm lấy nàng và cố an ủi. “Rồi sẽ ổn thôi, Crezia,” chàng vỗ về. Chàng đứng lặng một lúc lâu, vuốt ve những lọn tóc vàng của nàng, ôm lấy nàng. Cuối cùng chàng lau nước mắt cho nàng và nói, “Em đừng bận tâm nhiều với con chim cút ba chân Sforza đó. Vì bất chấp tất cả, chúng ta vẫn sẽ mãi có nhau trong đời.”