Khi hồng y Rodrigo Borgia trở thành Giáo hoàng Alexander VI, ông biết rằng điều đầu tiên mình phải làm là mang lại trật tự cho những đường phố Rome. Từ khi Giáo hoàng Innocent qua đời đến trước lúc ông đăng quang, đã xảy ra hơn hai trăm vụ giết người trong thành phố. Với tư cách là Đức Thánh Cha của họ, ông biết rằng mình có bổn phận phải ngăn chặn ngay tình trạng hỗn loạn vô pháp vô thiên đó; ông phải xử ngay một tên thủ ác để làm gương cho bao đứa khác, bởi còn cách nào để giúp cho những linh hồn lương thiện lại có thể an tâm cầu nguyện đây? Tên sát nhân đầu tiên đã bị bắt và treo cổ ngay. Không chỉ thế, người em của hắn cũng bị treo cổ. Và - như là sự sỉ nhục lớn nhất cho bất kì công dân thành Rome nào - nhà của hắn bị san bằng, bị thiêu rụi và giật sập hoàn toàn để cho gia đình hắn không còn chỗ nương thân.
Trong vòng vài tuần lễ trật tự được tái lập trên các đường phố Rome và người dân hài lòng thấy một cái đầu mạnh mẽ và khôn ngoan như thế bên dưới chiếc mũ miện thiêng liêng. Sự lựa chọn của các hồng y giờ đây cũng là sự lựa chọn của dân chúng.
Nhưng Alexander còn phải đưa ra nhiều quyết định khác nữa. Và hai vấn đề quan trọng nhất phải giải quyết, cả hai đều không phải chuyện tâm linh. Trước tiên, ông phải tạo dựng một đội quân để thiết định Giáo hội Công giáo trở thành quyền lực thế tục và lấy lại quyền kiểm soát trên các lãnh thổ thuộc giáo triều ở Ý. Thứ nhì, ông phải xây dựng và vun vén tài sản cho các con ông.
Tuy nhiên, vì ông ngồi trên ngai giáo chủ nơi Sảnh Đức Tin trong cung điện của Tòa Thánh Vatican, ông còn phải thận trọng cân nhắc những đường lối của Chúa, của thế gian, của các quốc gia và của các thế gia vọng tộc. Bởi chẳng phải ông là người đại diện bất khả ngộ của Chúa dưới trần gian này hay sao? Và do đó, vấn đề đối với ông chẳng phải là đối đãi với toàn bộ thế giới, các quốc gia và các ông hoàng bà chúa, tất cả các thành bang độc lập trên bán đảo Ý, kể cả những nước cộng hòa và những thành bang theo chế độ tập quyền hay sao? Và cả những vùng đất mới khám phá nữa? Và nghĩa vụ của ông chẳng phải là ban cho họ lời khuyên minh trí nhất hay sao? Chúng có gây nguy hại cho luật lệ của Chúa hay không?
Và dòng họ của ông, Borgia, với vô số người thân cần được chăm sóc, và những đứa con trai, con gái của ông, tuy gắn bó máu thịt với ông nhưng không thể kiểm soát vì mỗi đứa có đam mê riêng - phải làm gì đây? Nhiệm vụ trước tiên của ông nên đặt ở đâu? Và hai mục tiêu chính của ông có thể được hoàn thành mà không phải hi sinh cái này vì cái kia hay không?
Bổn phận của ông đối với Chúa đã rõ ràng. Ông phải làm cho Giáo hội hùng mạnh. Kí ức về cuộc Đại Ly Giáo bảy mươi lăm năm trước, khi ấy có hai Giáo hoàng và hai Giáo hội - cả hai đều yếu ớt - càng khiến cho ông quyết định mạnh mẽ hơn.
Những thành bang của Ý vốn thuộc về Giáo hội thì giờ đây do các bạo chúa cai trị, chúng chỉ nghĩ đến việc vơ vét cho đầy những két sắt của gia đình chúng hơn là nộp tô tức cho Giáo hội Thần thánh đã có công thánh hóa sự cai trị của bọn chúng. Các ông hoàng bà chúa chỉ lợi dụng nhà thờ như một công cụ tìm kiếm quyền lực cho bản thân chúng. Việc cứu rỗi những linh hồn bất tử của nhân loại bị bỏ quên. Ngay cả các ông vua giàu có của Tây Ban Nha và Pháp cũng giữ lại phần tô tức lẽ ra phải cống nạp cho Giáo hội khi nào họ cơm không lành canh không ngọt với Giáo hoàng. Chúng cả gan như thế à! Nếu như Giáo hội Thần thánh rút lại lời ban phúc cho ngôi báu của chúng thì sao? Bởi dân chúng vâng lời vua chúa chỉ vì họ tin rằng chúng được Chúa phong vương, và chỉ có Giáo hoàng là Người Đại diện của Giáo hội và của Chúa Jesus, mới có thể thay mặt Chúa xức dầu thánh mà ban phúc đó. Alexander biết rằng mình phải tiếp tục cân bằng quyền lực giữa các vua Pháp và các vua Tây Ban Nha. Không bao giờ để cái Đại Hội Đồng kinh khủng mấy ông vua lập ra nảy nòi thêm lần nào nữa. Giáo hội và Giáo hoàng phải có đủ quyền lực thế tục để củng cố ý Chúa. Nói vắn tắt là, phải có một đạo quân hùng hậu, tinh nhuệ. Từ đó, Alexander thận trọng xem xét quyền lực của mình trên cương vị Giáo hoàng. Và ông vạch ra một kế hoạch.
* * *
Ngay sau khi đăng quang, ông bổ nhiệm cậu con cả Cesare làm hồng y. Khi hãy còn là một đứa bé, Cesare đã được Giáo hội ban bổng lộc, cho tước giám mục với thu nhập hàng ngàn ducat. Giờ đây mặc dầu chỉ mới mười bảy tuổi, với tất cả những đam mê nhục dục và những thói tật hư đốn của tuổi trẻ, nhưng trong thể xác và trong tâm hồn chàng ta đã là một người hoàn toàn trưởng thành. Chàng đã có bằng cấp về giáo luật và thần học từ hai đại học Perugia, Pisa, và luận văn tốt nghiệp được đánh giá là một trong những công trình xuất sắc nhất của sinh viên từ trước đến nay. Thế nhưng đam mê lớn của chàng là nghiên cứu lịch sử và chiến lược quân sự. Thực tế, chàng cũng từng tham gia vài trận đánh nhỏ, và đã tỏ ra vượt trội trong một cuộc chiến. Chàng đã được rèn luyện binh pháp khá tốt.
Alexander quả thật là may mắn. Chúa đã ban cho cậu con này của ông một trí óc nhạy bén, một mục tiêu kiên định, và cái tính tàn bạo bẩm sinh, thiếu nó thì khó mà sống còn trong cái thế giới đảo điên thiện ác này.
Cesare Borgia nhận tin mình được phong làm hồng y của Giáo hội Công giáo La Mã khi chàng hãy còn là một sinh viên khoa giáo luật ở Đại học Pisa. Việc phong chức này chẳng có chi bất ngờ bởi vì chàng là con của Đức Giáo hoàng mới. Có điều Cesar Borgia lại không hề vui sướng với chức vụ cao trọng đó. Đúng là tước vị đó sẽ giúp chàng giàu hơn rất nhiều, nhưng từ sâu trong tim, chàng là một chiến binh, chàng muốn dẫn đầu những đoàn binh xông pha trận mạc, ào ạt tấn công các thành trì, đạp đổ các pháo đài. Vả chăng chàng cũng muốn lấy vợ, có con đường đường chính chính chứ không phải con ngoài giá thú như bản thân chàng.
Hai người bạn đồng môn thân thiết nhất của chàng, Gio Medici và Tila Baglioni chúc mừng chàng và bắt đầu sửa soạn một buổi dạ hội vì tuần sau Cesare sẽ phải chia tay họ để về Rome thụ chức.
Gio Medici cũng đã được phong hồng y vào tuổi mười ba, nhờ quyền lực của cha cậu, người cầm quyền ở Florence, được tôn xưng là Lorenzo Vĩ Đại. Còn Tila Baglioni là người duy nhất trong ba người không có nhiệm chức tôn giáo, nhưng chàng ta là một trong những người thừa kế của công quốc Perugia. Ở đây, tại Đại học Pisa này ba cậu chỉ là những sinh viên vui vẻ hồn nhiên; mặc dầu họ đều có người hầu và vệ sĩ, nhưng cả ba đều được trang bị tốt để tự phòng thân. Cesare là một đấu sĩ thiện nghệ, sử dụng thành thục kiếm, rìu và giáo săn nhưng vẫn chưa được mang đầy đủ giáp bào. Chàng có sức mạnh ghê gớm và cao lớn hơn người. Chàng học hành xuất sắc và là niềm tự hào của các thầy mình. Nhưng tất cả những điều này đều được xem là bình thường đối với con của Giáo hoàng.
Gio là một học sinh giỏi nhưng ngoại hình không được uy nghi đường bệ. Chàng ta cũng thông minh nhưng dè chừng, không đua trí với hai người bạn. Ở tuổi mười bảy, tính quả quyết của Cesare thường khiến cho bạn bè kính sợ. Mặt khác, Tila Baglioni thì lại quá ưa bắt nạt, dễ nổi giận hung bạo khi bị xúc phạm.
Tối hôm đó bộ ba mở cuộc liên hoan ở biệt thự nhà Medici, gần Đại học Pisa. Xét vì chức hồng y mới được thông báo của Cesare, nên chuyện liên hoan tiệc tùng cũng nên kín đáo một tí, một tiểu yến với chỉ sáu em kĩ nữ phục vụ thôi. Một bữa ăn tối chừng mực với mấy món thịt cừu, rượu vang, vài món ngọt, và chuyện trò thân mật, nhẹ nhàng.
Họ đi ngủ sớm vì đã quyết định rằng ngày hôm sau, trước khi quay về nhà - Gio Medici về Florence và Cesare Borgia về Rome - thì họ sẽ cùng đi Perugia với Tila Baglioni để dự một bữa tiệc trọng thể. Em họ của Tila sắp thành hôn và bà cô của chàng ta, nữ công tước Atalanta Baglioni đã có lời mời đặc biệt yêu cầu chàng đến dự. Cảm nhận có điều gì căng thẳng trong yêu cầu của cô mình, Tila đồng ý đi dự tiệc cưới đó.
Sáng hôm sau, cả ba lên đường đi Perugia. Cesare cưỡi con tuấn mã lộng lẫy nhất của chàng, một món quà của Công tước Alfonso xứ Ferrara. Gio cưỡi một con lừa trắng bởi chàng không phải là một kị sĩ giỏi. Tila, đúng theo phong cách hiếu chiến, cưỡi một chiến mã to khỏe mà đôi tai đã bị cắt bớt để cho nó có vẻ dữ tợn hơn. Đi cùng nhau cả người lẫn ngựa trông thật áp đảo. Không ai trong ba người mặc áo giáp, nhưng cả ba đều mang vừa kiếm vừa dao găm. Họ được hộ tống bởi một đoàn gồm ba mươi người có vũ trang và mặc giáp nhẹ của Cesare, mang hiệu kì màu vàng và đỏ thắm của chàng.
Thành phố Perugia nằm trên đường đi từ Pisa đến Rome, chỉ ngoặt vào nội địa một chút. Gia tộc Baglioni và cả Perugia vẫn luôn giữ thái độ độc lập một cách ngang ngạnh, bất chấp việc giáo triều vẫn coi nó như là một lãnh địa thuộc quyền. Cesare tuy tự tin vào võ nghệ tinh thông cùng sức khỏe thiên phú của mình, nhưng chàng cũng không dám mạo hiểm bén mảng đến chốn này trừ phi có sự bảo kê của Tila. Giờ đây chàng đang háo hức chờ thưởng thức một tiệc cưới tưng bừng trước khi lên đường trở về thành Rome nhận nhiệm vụ.
Perugia là một vùng đất xinh đẹp và tuyệt vời. Pháo đài của nó tọa lạc trên một ngọn đồi hùng vĩ và gần như không thể bị đánh chiếm.
Khi vào thành phố, ba chàng trai trẻ có thể thấy các giáo đường và cung điện, dinh thự đều được trang hoàng cho tiệc cưới, các bức tượng được choàng những trang phục bằng vàng.
Cesare trò chuyện vui vẻ, cười đùa bông lơn với bạn bè; tuy thế trong lòng chàng vẫn lưu tâm quan sát các công sự và ngầm thích thú với những kế hoạch tấn công đột chiếm thành trì này.
Người cầm quyền ở Perugia lúc bấy giờ là một góa phụ, nữ công tước Atalanta Baglioni. Nhan sắc hãy còn mặn mà, song bà ta rất đáng gờm với cách cai trị có phần khốc liệt, dùng con trai lớn Netto làm thống lĩnh quân đội. Bà thiết tha mong muốn đứa cháu mình là Torino kết hôn với Lavina, một trong những nữ quan được bà sủng ái. Torino, theo bà nhận định, có thể là lá chắn đáng tin cậy cho vương quyền của nhà Baglioni.
Mọi tông chi của thị tộc hùng mạnh Baglioni đều kéo về tụ tập chung quanh lâu đài chính. Các nhạc công tấu nhạc tưng bừng và các cặp đôi say sưa nhảy múa trong lễ hội rộn ràng. Có tổ chức cả đấu vật và cưỡi ngựa đấu thương. Cesare vốn tự hào về sức khỏe và võ nghệ của mình, sẵn sàng nhận lời mọi kẻ thách đấu và luôn thắng cuộc.
Khi đêm xuống người nhà Baglioni rút vào trong pháo đài, còn Gio, Cesare và Tila tụ tập nơi các căn hộ của Tila để tiếp tục cho chầu cuối. Đến gần nửa đêm, lúc cả bọn đều đã lờ đờ buồn ngủ vì ngấm men rượu, thì họ nghe những tiếng la hét hoảng loạn vang khắp lâu đài. Sửng sốt, Tila lập tức nhảy vọt ra khỏi căn hộ, gươm tuốt trần cầm tay, nhưng Cesare níu chàng ta lại. “Để mình xem chuyện gì đang xảy ra. Bạn có thể gặp nguy hiểm đấy. Mình sẽ quay lại ngay.”
Ngay khi Cesare nghe những tiếng la hét, nhờ bản năng chàng biết rằng một mưu đồ phản nghịch lớn đã xảy ra. Lúc rời khỏi căn hộ của Tila, chàng cầm gươm chúc mũi xuống, cặp bên hông. Mặc dầu nhà Baglioni nổi tiếng về chuyện hành thích, chàng biết rằng họ không dám giết con trai của Giáo hoàng đâu. Cesare bình thản đi qua các hành lang của lâu đài hướng đến chỗ những tiếng la hét đang tiếp tục vang ra. Chàng chợt thấy mình đang đứng bên ngoài phòng cô dâu.
Máu vương vãi khắp nơi. Các bức tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, chân dung Chúa Hài Đồng Jesus, tấm trải giường trắng và những chiếc gối trên giường tân hôn, ngay cả cái màn treo cũng vấy máu. Và trên nền nhà là thi thể đôi tân hôn, Lavina và Torino, bộ đồ ngủ của họ đẫm máu, lưỡi gươm xé toạc vải và thịt, để lại những vết thương chí tử ở đầu và tim.
Xung quanh hai cái xác, Netto đứng cùng với bốn người, tất cả đều cầm những thanh gươm thắm màu máu. Bà mẹ của Netto, nữ công tước Atalanta, đang hét lớn nguyền rủa đứa con trai yêu dấu của mình. Trong lúc Netto cố trấn an bà, Cesare đứng nghe.
Cậu con đang giải thích với mẹ. “Xin mẹ hãy nghe con: Torino nắm binh lực quá mạnh và gia đình hắn đang âm mưu lật đổ mẹ. Con đã giết sạch nhà hắn không còn một mống.” Sau đó cậu ta cố trấn an bà mẹ rằng, mặc dầu bà phải thoái vị và cậu ta sẽ trở thành người cầm quyền, nhưng bà vẫn sẽ có một vị trí danh dự trong chính quyền của cậu ta.
Bà tát tai cậu con. “Đồ nghịch tử!” Bà gào lên.
“Xin mẹ mở mắt ra. Không chỉ Torino, mà còn cả Tila cũng âm mưu chống lại mẹ.” Netto nhấn mạnh.
Cesare nghe thế đã đủ. Chàng chuồn đi và nhanh chóng quay lại căn hộ của Tila.
Sau khi nghe thuật lại những gì xảy ra, Tila nổi điên lên. “Nhảm nhí, nhảm nhí, tất cả là nhảm nhí!” Chàng hét lên. “Cái thằng con hoang Netto đó đang muốn giật lấy chiếc vương miện từ chính mẹ đẻ của hắn. Hắn còn muốn giết cả ta nữa chứ!”
Cesare, Tila và Gio chặn cửa chính, sau đó vọt qua cửa sổ, trèo lên mái nhà, leo qua các bức tường đá thô ráp. Cesare và Tila nhảy xuống khoảng tối của sân sau rồi giúp Gio nhảy xuống sau vì anh chàng này hơi yếu ớt. Khi đã đứng trên mặt đất, Cesare phải cản Tila quay lại lâu đài để đánh nhau với Netto. Cuối cùng, chàng dẫn cả bọn đến cánh đồng nơi đoàn hộ tống của chàng hạ trại trước đó, nơi chàng yên trí là mình được an toàn vì có đến ba mươi thuộc hạ vũ trang quanh mình. Vấn đề còn lại với chàng là Tila. Chàng nên ở lại chiến đấu bảo vệ bạn hay nên mang bạn về Rome cho an toàn?
Cesare đề xuất với Tila hai giải pháp để chọn lựa nhưng Tila đều từ chối. Chàng ta chỉ yêu cầu Cesare bảo vệ mình đến Cung Cộng Đồng ở trung tâm Perugia, nơi chàng có thể tập hợp những người theo mình để bảo vệ danh dự của chàng và phục hồi quyền lực cho người cô.
Cesare đồng ý, nhưng trước tiên chàng bảo mười người trong số thuộc hạ của mình hộ tống Gio Medici trở về Florence an toàn. Sau đó, với những binh lính còn lại, chàng đưa Tila Baglioni đến Cung Cộng Đồng.
Tại đó họ gặp bốn người vũ trang, những người hậu thuẫn đáng tin cậy của Tila đang chờ. Tila lập tức gửi bốn người ấy đi làm sứ giả và vào lúc rạng đông đã có hơn một trăm lính dưới quyền chỉ huy của Tila.
Khi mặt trời lên, họ thấy một toán lính vũ trang cưỡi ngựa do Netto cầm đầu diễu qua quảng trường. Cesare cảnh báo người của mình không được tham gia vào cuộc ẩu đả. Thế rồi họ nhìn thấy Tila kéo người của chàng ta vây quanh quảng trường và đơn thương độc mã tiến lên đối mặt Netto.
Trận chiến nhanh chóng ngã ngũ. Tila cưỡi ngựa phóng thẳng vào Netto, chộp lấy tay cầm gươm của hắn, sau đó tay kia chàng dùng dao găm đâm vào đùi Netto. Netto chới với ngã ngựa. Tila nhảy xuống ngựa và trước khi Netto kịp đứng vững Tila đã xâu chàng ta vào mũi gươm nhọn của mình. Đám thuộc hạ của Netto vội vàng đánh bài chuồn, nhưng đều bị bắt giữ. Sau đó Tila lại nhảy lên con chiến mã bị cắt bớt tai của mình và ra lệnh mang đến trước mặt chàng đám quân địch bị bắt. Chỉ còn mười lăm tên sống sót nhưng phần lớn cũng đều bị thương nặng và đứng không vững nữa.
Cesare đứng chứng kiến cảnh Tila ra lệnh chém đầu đám thuộc hạ của Netto, xóc vào cọc nhọn rồi bêu trên tường thành của giáo đường. Chàng kinh ngạc anh chàng sinh viên thô kệch lỗ mãng Tila trong ngày đó đã biến thành một kẻ hành hình không chút từ tâm! Mới mười bảy tuổi Tila Baglioni đã trở thành Bạo chúa thành Perugia.
Khi Cesare về đến Rome và gặp cha mình, chàng kể lại câu chuyện và hỏi, “Nếu Đức Mẹ Đồng Trinh Maria là vị thánh được yêu kính nhất ở Perugia thì tại sao những con người ở đó lại nhẫn tâm đến thế?”
Giáo hoàng Alexander mỉm cười. Trông ông có vẻ thích thú với câu chuyện hơn là kinh sợ. “Những người trong dòng họ Baglioni là những tín đồ chân chính,” ông nói. “Họ tin vào Thiên đàng. Quả là một hồng ân. Nếu không có niềm tin đó làm thế nào con người chịu đựng nổi kiếp sống này? Bất hạnh thay, một niềm tin kiểu đó cũng đem lại cho kẻ xấu sự can đảm đủ để phạm những tội ác tày đình, nhân danh điều Thiện và nhân danh Chúa!”
* * *
Giáo hoàng Alexander không ưa thích sự lộng lẫy thuần túy. Cung điện của ông, Vatican, phải gợi ra mọi lạc thú nơi chính các tầng trời. Ông hiểu rằng ngay cả những con người với tâm hồn cao cả cũng lóa mắt bởi những biểu hiện vinh hoa trần thế của Chúa, như Giáo hội Công giáo La Mã phô bày. Quần chúng chấp nhận Giáo hoàng làm người đại diện của Chúa Jesus nơi trần gian, bất khả ngộ và tối khả kính, nhưng đám các ông hoàng bà chúa lại có đức tin kém hơn. Những kẻ dòng dõi quý tộc này cần phải được thuyết phục bằng vàng ngọc châu báu, bằng lụa là gấm vóc kiêu sa; bằng chiếc mũ miện cao sang quý giá trên đầu ông và những đường thêu bằng chỉ vàng chỉ bạc hoa mĩ, lộng lẫy trên triều phục Giáo hoàng của ông, những bảo vật đã được truyền thừa qua bao thế kỉ, được trân trọng gìn giữ và quý giá ngoài sức tưởng tượng.
Một trong những căn phòng nguy nga nhất trong Tòa thánh Vatican là Đại Sảnh - với hàng ngàn mét vuông tường được trang hoàng lộng lẫy và trần nhà được vẽ những bức tranh tuyệt mĩ, biểu thị lời hứa về một kiếp sau lạc phúc cho những con người đức hạnh. Chính nơi đó Giáo hoàng tiếp những người hành hương đến từ khắp châu Âu với hàng đống tiền vàng ducat trên tay để nài xin toàn xá. Nơi đây có những bức tranh vẽ các vị Giáo hoàng nổi tiếng đội vương miện cho các ông vua lừng lẫy như Đại đế Charlemagne, cùng cảnh tượng các Giáo hoàng dẫn đầu các cuộc Thập tự chinh và khẩn cầu Đức Mẹ ra tay cứu vớt nhân loại.
Tất cả những hình ảnh này rõ ràng thể hiện rằng những vị vua chúa đầy quyền uy kia có được quyền lực là nhờ vào Giáo hoàng đã xức dầu phong vương cho họ. Ông là đấng cứu thế ở cõi trần gian. Các vị vua, đầu cúi thấp, quỳ trước mặt Giáo hoàng trong khi Giáo hoàng ngước mắt nhìn lên các tầng trời.
Khi vào đến phòng riêng của mình tại khu tiền phòng, cách biệt Đại Sảnh của Vatican, Alexander cho gọi cậu con Juan đến. Giờ là lúc cho cậu biết rằng định mệnh trở thành quý tộc Tây Ban Nha của cậu sắp đến gần.
Juan Borgia cao xấp xỉ Cesare, nhưng mảnh mai hơn. Giống như cha và anh, cậu ta cũng là một người đàn ông hấp dẫn nhưng vẫn có sự khác biệt. Cậu có đôi mắt hơi hiếng và hai gò má cao từ tổ tiên Tây Ban Nha. Da cậu màu đồng nâu do những giờ cưỡi ngựa, săn bắn, nhưng thường có một nét nghi ngờ trong đôi mắt to, đen của cậu. Điểm bất lợi lớn nhất là cậu chẳng có được tí quyến rũ nào của anh hay của cha mình. Đôi môi thâm đen thường bĩu lên thành một nụ cười khinh bạc, xấc xược - nhưng hiện giờ thì không như thế vì cậu đang quỳ trước mặt cha mình.
“Con có thể làm gì cho người đẹp lòng, Papa?”
Alexander mỉm cười âu yếm với đứa con này của ông. Bởi vì chính chàng trai trẻ này - giống như những linh hồn nơi lâm-bô, lạc lõng và bối rối - nên rất cần sự hướng dẫn của ông để được cứu rỗi. Ông dịu dàng bảo Juan, “Giờ đây đã đến lúc con nhận lãnh trách nhiệm để lại cho con khi người anh cùng cha khác mẹ của con, Pedro Luis, mất đi. Như con đã biết, anh con để lại cho con công quốc và tước vị quận công xứ Gandia. Trước khi mất, anh con đã đính hôn với Maria Enriquez, em họ vua Ferdinand xứ Tây Ban Nha, và ta, với tư cách cha của con - và với tư cách Đức Thánh Cha - đã quyết định tuân theo cam kết này, nhằm củng cố liên minh của chúng ta với quốc gia Tây Ban Nha vừa mới thống nhất và trấn an nhà Aragon về tình hữu nghị của chúng ta. Bởi vậy, với thời gian ngắn nữa thôi con sẽ lên đường sang Tây Ban Nha để rước cô dâu hoàng gia của con về. Con hiểu chứ?”
“Vâng, thưa Papa,” chàng đáp với giọng hơi cau có.
“Con không hài lòng về quyết định của cha sao?” Giáo hoàng hỏi. “Đó là một lợi thế cho chúng ta và cho chính con. Gia tộc này vừa giàu mạnh vừa có vị thế đáng nể và chúng ta sẽ được lợi rất nhiều về mặt chính trị từ liên minh này. Thêm nữa, ở Gandia còn có một lâu đài Tây Ban Nha nguy nga và nhiều lãnh thổ trù phú mà từ nay sẽ thuộc về con.”
“Con có phải mang theo nhiều của cải để cho họ thấy rằng con cũng phải được trọng vọng hay không?” Juan hỏi.
Alexander nhíu mày. “Nếu con muốn được kính trọng, con phải tỏ lòng tín mộ và kính sợ Chúa. Con phải trung thành với nhà vua, phải tôn trọng vợ con và tránh sa đà vào chuyện cờ bạc và những trò chơi may rủi khác.”
“Tất cả chỉ có thế, hả cha?” Juan hỏi với vẻ mỉa mai.
“Khi nào có gì thêm, ta sẽ lại gọi cho con,” Giáo hoàng Alexander nói cộc lốc. Ông ít khi bực bội với đứa con này, nhưng lúc này ông cảm thấy cực kì tức tối. Ông cố dặn lòng là Juan hãy còn trẻ người non dạ và không có được sự nhạy bén về ngoại giao. Ông lại nói, giọng cố tỏ ra ấm áp. “Trong lúc này, con hãy hưởng thụ cuộc sống, con trai ạ. Cuộc sống sẽ là một cuộc phiêu lưu kì thú nếu con biết tiếp cận nó đúng cách.”
* * *
Vào ngày Cesare Borgia thụ phong hồng y của Giáo hội Công giáo La Mã, ngôi nhà nguyện bề thế trong Vương cung Giáo đường Thánh Peter đầy những người quyền quý ăn mặc sang trọng. Mọi gia đình quý tộc danh giá trên đất Ý đều tham dự.
Từ Milan có Ludovico Sforza, biệt danh Il Moro, và người em Ascanio. Ascanio Sforza giờ đây là phó chưởng ấn của Alexander, mặc áo thầy tu bằng gấm thêu màu ngà, đầu đội chiếc mũ đỏ của hồng y. Mọi người trong giáo đường đông đúc đều thì thầm khi thấy họ.
Từ Ferrara là nhà d’Este, một trong những cựu tộc vương giả và bảo thủ nhất trên đất Ý. Trang phục của họ chỉ đơn thuần màu đen và màu xám, song lại làm nổi bật châu báu lấp lánh đeo nơi cổ. Họ vất vả đến đây không chỉ để tỏ lòng tôn kính mà còn có ý gây ấn tượng với Giáo hoàng và vị tân hồng y - bởi vì họ sẽ cần đến những ân huệ của các vị.
Nhưng chàng trai trẻ bước đi phía sau mới khiến đám đông quay ngoắt đầu nhìn theo. Từ thành bang Florence lừng lẫy, Piero Medici, trang nghiêm và đầy uy quyền, mặc áo chẽn xanh ngọc bích thêu những vòng nhỏ bằng vàng 22 carat làm khuôn mặt chàng lấp lánh ánh hào quang, trông chàng giống như một vị thánh. Chàng dẫn đầu bảy người bà con đầy kiêu hãnh, kể cả em mình, bạn tốt của Cesare, Gio Medici, đi dọc theo lối đi dài ở giữa. Hiện nay Piero là người nắm quyền ở Florence nhưng thiên hạ đồn rằng sự kiểm soát của nhà Medici đối với thành bang này đã yếu đi thật sự kể từ cái chết của người cha là Lorenzo Vĩ Đại. Thiên hạ xầm xì bàn tán rằng chẳng bao lâu nữa đâu ông hoàng trẻ này sẽ bị lật đổ và sự cai trị của nhà Medici sẽ kết thúc.
Từ thành Rome, cả hai gia đình Orsini và Colonna đều đến dự. Là những đối thủ không đội trời chung trong nhiều thập niên, hai gia đình này tạm thời hòa hoãn với nhau. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng ngồi vào hai phía đối diện của giáo đường. Và vì lí do chính đáng: một cuộc huyết chiến giữa hai gia đình từng làm gián đoạn lễ tấn phong một hồng y trước đây.
Trên hàng ghế đầu, Guido Feltra, vị công tước hùng mạnh của nhà Urbino, kín đáo nói chuyện riêng với địch thủ đáng gờm nhất của Giáo hoàng, hồng y Giuliano della Rovere, vốn là cháu của cố Giáo hoàng Sixtus IV, và hiện nay là Khâm mạng Tòa thánh ở nước Pháp.
Feltra nghiêng người sát vào hồng y. “Tôi ngờ rằng chàng Cesare của chúng ta có thiên hướng làm chiến binh hơn là thành một học giả,” ông thì thầm. “Nếu không được sắp xếp để thành Giáo hoàng, một ngày nào đó chàng ta sẽ trở thành danh tướng đấy.”
Della Rovere liền nổi cơn thịnh nộ. “Cha nào con nấy, hắn chẳng kiêng cữ chút gì trong chuyện xác thịt. Xét theo nhiều phương diện, lại còn có máu chơi bời phóng đãng. Chơi cả trò đấu bò, vật lộn với đám nông dân lực điền trong các phiên chợ địa phương. Không hề đủ tư cách…”
Feltra gật đầu. “Tôi còn nghe con ngựa của cậu ta vừa thắng cuộc đua Palio ở Siena.”
Hồng y della Rovere có vẻ bực mình. “Thắng nhờ trò ma giáo chứ chẳng phải vinh quang gì. Hắn cho nài ngựa nhảy khỏi ngựa khi gần đến đích, như thế ngựa được nhẹ hơn và bứt lên về đích nhanh hơn. Tất nhiên kết quả bị nhiều người phản đối nhưng rốt cuộc vẫn được công nhận.”
Feltra mỉm cười. “Hay đấy.”
Nhưng della Rovere chau mày và nói, “Hãy lưu ý lời cảnh báo của ta nhé, Guido Feltra. Cái kẻ đội lốt đứa con của Giáo hội đó lại là đứa đầy mưu ma chước quỷ đấy.”
Giờ đây Giuliano della Rovere đã trở thành kẻ thù không đội trời chung với nhà Borgia. Điều làm ông giận hơn cả chuyện thất cử là số lượng hồng y thân Borgia mà Giáo hoàng Alexander vừa mới tấn phong. Dẫu vậy, nếu không đi dự cuộc lễ này thì coi sao được, và đôi mắt của hồng y della Rovere kiên định hướng vào mục tiêu trong tương lai.
* * *
Giáo hoàng Alexander VI đứng trước trang thờ, như một khải tượng sừng sững, cao lớn, cường tráng và đầy sức hút. Chiếc áo chùng một màu trắng toát được sắc đỏ thẫm và vàng lóa của dải khăn choàng tôn lên, khiến ông thập phần uy nghi. Vào thời điểm đó đôi mắt ông rạng ngời tự hào và tự tin; nơi đây ông ngự trị, cô độc và bất khả ngộ, giữa căn nhà đồ sộ nguy nga này của Chúa được xây dựng từ hàng bao thế kỉ trước, bên trên ngôi mộ của Thánh Peter.
Trong lúc đại phong cầm ngân vang khúc khải hoàn Te Deum ca ngợi Chúa Cha Trên Trời, Alexander tiến bước tới trước nâng chiếc mũ đỏ hồng y bằng cả hai tay, và với bài ca chúc phúc rền vang được hát lên bằng tiếng La-tinh, ông long trọng đặt chiếc mũ hồng y lên đầu con trai đang quỳ trước mặt mình.
Đôi mắt Cesare Borgia nhìn xuống trong lúc chàng nhận Thánh Ân. Sau đó chàng đứng lên, dáng kiêu hãnh và uy nghi, trong khi hai vị hồng y cao niên choàng nhiệm bào màu đỏ tía quanh bờ vai rộng của chàng. Khi họ xong phần việc, chàng tiến lên phía trước và đứng cùng Giáo hoàng. Hai con người thần thánh quay mặt đối diện với giáo đoàn.
Cesare mang nét đẹp ám muội và dáng vẻ uy nghi. Chàng ta còn cao hơn cả ông bố đồ sộ của mình, với khuôn mặt góc cạnh và hai gò má cao. Cái mũi dài khoằm, kiểu mũi diều hâu của chàng, cũng thanh tú như mũi của những tượng đá hoa cương và đôi mắt nâu sẫm của chàng rực sáng trí thông minh. Sự tĩnh lặng bao trùm cả đám đông.
Nhưng ở hàng ghế cuối khuất trong bóng tối của giáo đường, ngồi đơn độc trên ghế, là một gã đàn ông to béo mặc bộ đồ trắng thêu chỉ bạc: Gaspare Malatesta, con Sư tử xứ Rimini. Ông ta có mối bất hòa với vị Giáo hoàng Tây Ban Nha này - về chuyện một thiếu niên bị giết chết và trói vào con la đưa đến trước cổng thành của ông ta. Con Sư tử này đâu có ngán gì một Giáo hoàng hay những đe dọa của lão ấy? Chuyện vặt! Ngay cả Thượng Đế của bọn người ấy ta đây cũng có ngán đâu? Không hề nhé! Lão Sư tử này không hề tin! Tên Alexander đó cũng chỉ là người thôi! Và đã là người thì ai cũng có thể chết! Lão thả mình theo trí tưởng tượng, nhớ lại chuyện đổ mực vào nguồn nước thánh trong Mùa Chay năm nào để làm bẩn bộ trang phục đẹp đẽ của hồng y và những khách mời của ông ta, cho bọn chúng thấy mình chẳng phải thánh thần gì cho cam. Ý nghĩ đó làm cho lão khoái chí, nhưng giờ đây lão còn chuyện quan trọng hơn phải quan tâm. Lão ngả người ra sau, mỉm cười.
Đằng sau lão, ẩn mình trong bóng tối, Don Michelotto vẫn lặng yên canh chừng. Và khi những nốt nhạc cao trào cuối cùng của bài thánh ca Te Deum ngân lên thành một đoạn cao vút chói tai thì anh chàng lực lưỡng nhưng hơi thấp người, trong trang phục màu đen kín đáo lẻn vào khoảng không gian hẹp tối đen đằng sau Gaspare Malatesta. Không một tiếng động, gã vòng sợi thòng lọng qua đầu Gaspare và bằng một động tác cực nhanh gọn, siết chặt mối dây chết người quanh cổ lão béo.
Sư tử Rimini thở hổn hển, há hốc mồm, nhưng hơi thở bị chặn lại ngang cổ họng bởi sợi dây siết chặt. Lão cố vùng vẫy, nhưng cơ bắp thiếu máu và dưỡng khí, mềm nhũn ra. Khi bóng tối lan dần khắp trí óc, lão chỉ kịp nghe lời thì thầm cuối cùng vào tai mình: “Một thông điệp từ Đức Thánh Cha đấy!” Sau đó kẻ thắt cổ chuồn êm vào đám đông, cũng nhanh như khi hắn đến.
Cesare nối sát gót cha mình, ngài Giáo hoàng, tiến lên lối đi giữa hai hàng ghế; theo sau họ là Vanozza, mẹ Cesare và Lucrezia, em gái chàng, cùng hai em trai Juan và Jofre. Sau họ là những linh mục chủ tế của các gia đình khác. Tất cả đi ngang qua chiếc ghế dài trong hàng ghế cuối của giáo đường mà không lưu ý hay bình luận gì. Ở đó, Gaspare Malatesta gục cằm trên cái bụng to, tựa như đang say giấc.
Cuối cùng, vài phụ nữ dừng chân và chỉ vào cảnh tượng hài hước, bà em dâu của Gaspare phát ngượng vì bà nghĩ đây lại là một trò đùa khác của ông anh chồng, bèn nghiêng người lay ông ta dậy. Khi cái thân thể nặng nề của Gaspare đổ gục xuống lối đi, đôi mắt lồi ra nhìn trừng trừng vô hồn lên trần giáo đường lộng lẫy, bà kinh hoàng rú lên.