Cha Con Giáo Hoàng

Chương 29

Ngay trong đêm Giáo hoàng băng hà, những đám cướp giật có vũ trang tràn ra khắp các đường phố thành Rome, đánh đập và giết chóc bất kì người nào thuộc dòng dõi Tây Ban Nha - bọn Catalan như người Ý gọi họ - và cướp phá sạch sành sanh nhà cửa của họ.

Trong lâu đài của mình ở Rome, Cesare, còn trẻ và khỏe hơn Giáo hoàng nhiều, nên vẫn còn chống chọi được với bệnh tật, dù còn rất yếu. Chàng đã phải nằm liệt giường từ nhiều tuần nay, cố gắng hết sức để bình phục, chống lại tiếng gọi của Tử thần. Thế nhưng dường như chàng chẳng khỏe hơn tí nào. Và vì thế, bất chấp chàng từ chối, Duarte vẫn đề nghị thầy thuốc Maruzza áp dụng phương pháp dùng đỉa trích máu.

Trong những ngày tiếp theo Cesare quá yếu, không đứng dậy nổi, và vì thế chàng không thể thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản của mình. Trong khi đó, những gia tộc từng bị Cesare lấy mất đất liền họp mặt lại và thành lập liên minh mới, còn chàng chẳng còn khả năng nắm rõ tình hình. Trong khi kẻ thù tập hợp binh lực để lấy lại thành phố Ubino,

Camerino và Senigallia, còn các tiểu vương khác nhanh chóng trở về thành bang cố quốc, lấy lại lâu đài, Cesare cũng không làm gì được. Ngay cả khi gia đình Colonna và Orsini hội quân, gửi binh lực đến Rome, hi vọng gây ảnh hưởng lên cuộc bầu Giáo hoàng mới, Cesare vẫn nằm liệt giường.

Nhiều năm qua, Cesare và Giáo hoàng đã phát triển những chiến lược để sau khi Alexander chết đi vẫn bảo vệ được gia đình, tài sản, tước vị và những vùng lãnh thổ thuộc quyền. Nhưng giờ đây, người con cả của Giáo hoàng lại đang quá đau yếu, không còn sức thực hiện những phương án đó.

Nếu Cesare khỏe mạnh, chỉ cần ra thông báo, ngay lập tức chàng có thể tập trung lực lượng trung thành bên trong và gần thành Rome. Các pháo đài của chàng khi đó sẽ được phòng ngự và tiếp viện đầy đủ, củng cố liên minh. Nhưng giờ đây chàng chẳng có thể làm được gì. Chàng yêu cầu cậu em Jofre tạm thay mình cáng đáng công việc nhưng Jofre từ chối, bởi cậu ta còn chìm trong tang tóc - không phải để tang cha cậu, mà cho vợ yêu của cậu. Sancia đã chết trong ngục tối trước khi được phóng thích.

Giờ đây Cesare gọi Duarte đến và định tập hợp một đạo quân gần đó nhưng Hồng y đoàn, lâu nay đã không còn thuộc quyền của chàng, lên tiếng yêu cầu mọi đạo quân phải rút ra khỏi Rome ngay lập tức.

Việc bầu cử Giáo hoàng mới là ưu tiên cao nhất; bất kì đạo quân ngoại quốc nào cũng sẽ làm xáo trộn và có thể gây ảnh hưởng không mong muốn lên những người bỏ phiếu. Phán quyết này nghiêm khắc đến nỗi ngay cả các gia đình Colonna và Orsini cũng phải vâng lời. Chẳng mấy chốc mà mọi toán quân đều phải rời khỏi thành Rome.

Hồng y đoàn là một thế lực mạnh. Và thế là Cesare gửi các sứ giả đi tìm chi viện từ Pháp và Tây Ban Nha. Nhưng tình thế đã thay đổi đột ngột, các cường quốc đó không còn muốn nhân danh chàng can thiệp vào những chuyện thế này. Thay vì thế họ sẽ chờ phán quyết của Hồng y đoàn.

Duarte Brandao thường xuyên đến thăm Cesare, chuyển các đề nghị mới của kẻ thù. “Họ không quá gay gắt như ta tưởng,” Duarte giải thích. “Anh có thể giữ lại tài sản nhưng thành phố và các vùng lãnh thổ mà anh đã chiếm phải trả lại cho chủ cũ.”

Những nhà cai trị của các thành bang bị chinh phục không rộng lượng nhưng thận trọng. Cesare vẫn còn sống và các giám mục đại diện giáo triều từng bị tước lãnh địa vẫn còn sợ chàng. Thậm chí, họ lo rằng có thể chàng chỉ giả vờ ốm nhằm đưa họ vào bẫy - như chàng đã làm tại Senigallia.

Hơn thế nữa, đa số dân chúng vùng Romagna tỏ ra hài lòng với cách cai trị của Cesare. Chàng công chính hơn và độ lượng hơn những ông chủ cũ của họ, cải thiện đáng kể cuộc sống của họ. Nếu Cesare chấp thuận lời đề nghị của những nhà cai trị này, dân chúng có thể sẽ không nổi dậy.

Cesare trì hoãn trả lời, nhưng chàng biết rằng ngoại trừ một phép lạ bất ngờ giúp chàng xoay chuyển tình thế, còn không thì chàng sẽ phải chấp nhận thôi. Trước mắt, chàng không thấy lối thoát khả thi nào.

Đêm hôm đó, chàng gượng dậy, ngồi vào bàn viết. Việc đầu tiên chàng làm là thảo một bức thư cho Caterina Sforza ở Florence. Nếu phải trả lại các lâu đài đã chinh phục, ít nhất lâu đài của Caterina phải được trả đầu tiên. Chàng thảo ra một lệnh hoàn trả Imola và Forli cho Caterina và con bà, Otto Riario.

Nhưng sáng hôm sau, cảm thấy khỏe hơn một chút, chàng lại quyết định cất cả bức thư lẫn sắc lệnh kia vào ngăn kéo. Chàng cũng muốn chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

* * *

Giáo hoàng đã băng hà! Giáo hoàng đã băng hà! Đó là lời rao vang lên từ các anh mõ khi họ cưỡi ngựa chạy qua các đường phố ở Ferrara.

Lucrezia ngồi dậy bước ra khỏi giường trong trạng thái còn ngái ngủ và nhìn ra bên ngoài các cửa sổ. Nhưng nàng còn chưa kịp tỉnh ngủ - bỗng như trong mơ - Michelotto đứng trước mặt nàng, lạnh run rẩy. Anh ta đã phóng ngựa không ngừng nghỉ từ Rome, và đến nơi ngay sau khi tin tức được loan đi.

“Anh Miguel?” Lucrezia hỏi. “Có đúng như vậy không? Có đúng là Papa đã mất?”

Michelotto không nói được nên lời, đầu cúi xuống, người rũ rượi vì đau khổ.

Lucrezia cảm thấy muốn hét lên cho khắp Ferrara nghe thấy, nhưng cổ họng cứ nghẹn ứ lại.

“Ai đã làm chuyện này?” Nàng hỏi, giọng điềm tĩnh lạ.

“Do sốt rét, hình như là thế!” Michelotto trả lời.

“Anh tin chuyện này là thật?” Nàng hỏi. “Chez có tin như thế không?”

“Anh tiểu thư cũng ngã bệnh rồi,” anh nói. “Anh ấy chỉ vừa thoát chết đấy.”

Lucrezia thở dốc. “Ta phải đến với anh ấy,” Lucrezia nói, rồi gọi người hầu gái. Cha nàng đã chết; anh nàng cần nàng. “Ta cần quần áo và giày dép màu đen,” nàng bảo cô người hầu.

Nhưng Michelotto phản đối, rắn như đá tảng. “Cesare yêu cầu tôi ngăn tiểu thư không được đến Rome - tránh xa khỏi nguy hiểm. Dân chúng trên đường đang nổi loạn, cướp bóc, hôi của. Tiểu thư đến đó thật không an toàn chút nào.”

“Miguel, đừng ngăn em đến với anh ấy, đến với các con em, cũng đừng ngăn em nhìn mặt cha thêm một lần trước khi cha nằm sâu vĩnh viễn dưới lòng đất lạnh…” Đôi mắt nàng ngập lệ cùng nỗi tuyệt vọng.

“Con của tiểu thư đã được đưa đến Nepi an toàn,” anh nói. “Adriana vẫn chăm sóc cho chúng, còn Vanozza sẽ đến ngay thôi. Khi Cesare bình phục, anh ấy sẽ gặp em tại đó.”

“Nhưng còn Papa?” Nàng nói. “Không nhìn mặt Papa lần cuối, em sao tròn đạo hiếu?”

Michelotto không thể tưởng tượng khi trông thấy tử thi sạm đen của Giáo hoàng, nàng sẽ thế nào. Hình ảnh đó đã khắc sâu nỗi buồn và sự ghê rợn vào tim anh, anh nghĩ, “Cô gái dịu hiền này làm sao chịu nổi?”

“Em có thể cầu nguyện cho Papa từ Ferrara,” Michelotto nói với nàng. “Vì Chúa biết em đang ở đâu, và Người đang lắng nghe.”

Ercole lẫn Alfonso d’Este đều đi vào phòng, đến bên Lucrezia, cố gắng an ủi nàng. Nhưng không gì có thể an ủi được Lucrezia lúc này. Nàng nói với Michelotto, mời anh ta nghỉ ngơi để hôm sau trở về Rome. Nàng bảo đảm với anh ta rằng nàng sẽ luôn ở Nepi, chỉ rời đi khi Cesare gọi.

Ercole và Michelotto rời phòng, nhưng Lucrezia ngạc nhiên thấy chồng cô vẫn ở lại. Vì trong suốt thời gian họ lấy nhau, Alfonso chẳng dành thời gian cho hạnh phúc lứa đôi hay gần gũi, sẻ chia, mà anh ta chỉ thích đùa nghịch, mân mê bộ sưu tập súng ống của mình và dành thời gian cho gái giang hồ hạng sang. Còn nàng dành những buổi chiều tối mở cửa lâu đài đón những nghệ sĩ, nhà thơ và các nhạc công, ban ngày nàng lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của người dân thường. Nhưng giờ đây Alfonso đứng trước mặt nàng với một khuôn mặt đầy thương cảm. “Này công nương, tôi có thể đem lại chút an ủi nào cho nàng không? Hay tôi chỉ làm cho nàng thêm phiền đau?”

Lucrezia không thể nào suy nghĩ, cũng không thể quyết định được chuyện gì. Ngay cả ngồi yên hay đi lại loanh quanh nàng cũng không thể. Cuối cùng nàng đổ gục, và bóng tối che mờ mọi suy tư.

Alfonso vội vòng tay đỡ lấy nàng, ngồi trên giường và ôm vợ trong vòng tay, nhẹ nhàng vỗ về.

“Hãy nói với em đi, Sonny,” nàng bảo chàng khi tỉnh lại. “Hãy giúp em nghĩ sang chuyện khác, gì cũng được, miễn không phải là chuyện hiện tại.” Nhưng nàng không thể khóc vì nước mắt đã cạn rồi.

Alfonso ở lại với nàng suốt đêm ấy, và trọn những đêm sau, khi nàng đau thấu tâm can.

* * *

Việc chọn một Giáo hoàng mới không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Trong khi đó Cesare quyết định phải đánh bại Giuliano della Rovere, kẻ thù truyền kiếp của nhà Borgia.

Lựa chọn của Cesare là hồng y Georges d’Amboise, một người đương nhiên được sự hậu thuẫn của các hồng y Pháp khác. Còn đa số các hồng y người Ý chắc là sẽ không thèm nghe những gì Cesare nói mà họ dứt khoát sẽ chống lưng cho della Rovere. Cesare cố gắng thuyết phục các hồng y Tây Ban Nha ủng hộ d’Amboise, nhưng họ cũng đã nhắm sẵn ứng viên cho mình. Những ai còn trung thành với Cesare ít ra cũng chống lại kẻ thù của chàng.

Dân Florence thích bài bạc, cá cược và trò họ thích nhất là đánh cá chuyện bầu cử Giáo hoàng. Ngoài những vụ cá cược giữa các cá nhân với nhau, phần lớn người dân cá cược qua các ngân hàng Florence. Tổng số tiền cược cao ngất ngưởng.

Tỉ lệ đánh cá vào d’Amboise là năm ăn một; della Rovere được xem là có cơ may nhiều hơn với tỉ lệ ba ăn một. Dường như đây chỉ là cuộc đua song mã, vì tỉ lệ đánh cá vào các ứng viên khác đều lớn hơn hai mươi ăn một. Nhưng chuyện bầu cử thật khó nói trước. Nhiều khi ứng viên sáng giá vẫn chỉ là một hồng y khi mật nghị kết thúc.

Mật nghị lần này cũng không là ngoại lệ. Sau ít lần xem xét tỉ mỉ, kĩ lưỡng - khi những lá phiếu được xướng lên - rõ là cả d’Amboise lẫn della Rovere đều không hội đủ phiếu bầu. Sau thêm hai lần kiểm phiếu kĩ lưỡng, cuối cùng khói trắng cũng hiện ra trên ống khói của điện Vatican. Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, Hồng y đoàn lại chọn một hồng y cao tuổi và ốm yếu, Francesco Piccolomini. Cesare thở phào nhẹ nhõm, nếu không nói là hoàn toàn mãn nguyện.

Piccolomini đăng quang lấy hiệu là Giáo hoàng Pius III. Ông không phải lúc nào cũng đồng ý với Alexander, nhưng ông là một người công chính và nhã nhặn. Cesare biết rằng ông sẽ đối xử với nhà Borgia một cách trung thực và bảo vệ họ tốt nhất trong khả năng của ông miễn là không đi ngược lại quyền lợi của Hội Thánh. Nhờ phép lạ, nhà Borgia đã tránh được mối nguy hiểm từ một Giáo hoàng thù địch.

Suốt nhiều tuần lễ sau khi Giáo hoàng Pius được bầu, Cesare dần hồi phục sức lực, đi lòng vòng trong nhà, sau đó đủ sức đi dạo trong vườn, phóng lên con bạch mã, dạo khắp vùng quê. Giờ đây chàng bắt đầu chuẩn bị một chiến lược để giữ vững thành quả chinh phục ở Romagna và đánh bại các kẻ thù.

Thế rồi một ngày, khi Cesare quay về nhà sau một cuộc phi ngựa dài hơi và mệt nhọc, chàng xuống ngựa và thấy Duarte Brandao đang đợi mình.

Vẻ mặt của Duarte rầu rĩ. “Tin chẳng lành, Cesare à. Pius III vừa băng hà.”

Ông ta ở ngôi Giáo hoàng chưa tròn một tháng - chỉ vỏn vẹn có hai mươi bảy ngày.

* * *

Tiền đồ của Cesare thật ảm đạm. Pius chết nghĩa là sự bảo hộ của Giáo hoàng, hay một chút đối xử công bằng, giờ không còn nữa. Những kẻ thù của Cesare cũng nhận ra điều này, bèn nhanh tay hành động. Nhà Orsini thuyết phục nhà Colonna liên kết để cùng chống lại Cesare.

Với một ít toán quân trung thành trong thành phố, Cesare lui quân về lâu đài Sant’ Angelo, một pháo đài vẫn còn được cho là vô cùng kiên cố. Chàng đưa thân mẫu Vanozza về ở Nepi cho an toàn vì nghĩ rằng mạng sống của bà quan trọng hơn các hàng quán và vườn nho của bà.

* * *

Không gì ngăn nổi hồng y Giuliano della Rovere. Sau cuộc mật nghị vừa rồi, ông ta đã trở thành ứng viên được kì vọng nhất, gần như với đa số áp đảo. Chẳng ai thèm bàn đến một đối thủ nào nữa. Ngày bầu cử càng đến gần, ngân hàng ngay lập tức

đặt tỉ lệ cược 50-50 cho hồng y della Rovere. Chẳng mấy chốc tỉ lệ cá cược thay đổi đột ngột, khiến hồng y ngày càng có giá, tỉ lệ cược là một ăn hai. Cesare biết rằng phải chấp nhận thất bại này và tập họp lực lượng nhằm chống trả.

Thế là Cesare Borgia chủ động đi gặp Giuliano della Rovere và đề xuất một cuộc mặc cả, mang sức ảnh hưởng của mình đối với các hồng y Tây Ban Nha, Pháp và sự kiên cố của pháo đài Sant’ Angelo để đe dọa, hòng đạt được thỏa hiệp mà chàng mong muốn.

Cesare đề nghị sẽ hậu thuẫn della Rovere trong các cuộc bỏ phiếu, với điều kiện chàng được phép giữ lại các lâu đài và các thành phố trong vùng Romagna. Chàng đòi được bổ nhiệm làm gonfaloniere của Giáo hội và thống soái quân đội giáo triều.

Để đảm bảo hồng y della Rovere sẽ tôn trọng và thực hiện những lời hứa của mình, Cesare yêu cầu phải thông báo cho công chúng. Della Rovere nhất trí, vì ông ta không muốn bất kì chuyện gì cản trở cuộc bầu cử này.

Giờ đây, với hậu thuẫn của Cesare, della Rovere được chọn trong cuộc bầu cử nhanh nhất từ trước đến nay - ngay trong lần kiểm phiếu đầu tiên, vào lúc những cánh cửa của mật nghị mới khép lại.

* * *

Hồng y della Rovere, giống như Cesare, thần tượng Julius Caesar. Bởi vậy ông lấy hiệu là Giáo hoàng Julius II. Tạ ơn Chúa Lòng Lành! Đã bao lâu rồi ông chờ đợi phép lạ này xảy ra; biết bao nhiêu lần ông đã mơ về việc đổi mới Hội Thánh.

Mặc dầu khi đăng quang Giáo hoàng Julius chẳng còn trẻ nữa nhưng ông vẫn còn khá khỏe mạnh. Giờ đây, khi đã ngồi vào vị trí mà lẽ ra phải của mình, dường như ông bớt sưng sỉa và cáu giận. Trớ trêu thay, kế hoạch của ông đối với các lãnh thổ thuộc giáo triều lại rất giống kế hoạch của Alexander và Cesare - đó là thống nhất các vùng lãnh thổ và khép chúng vào một nhà nước trung ương tập quyền. Điểm khác biệt duy nhất, tất nhiên, đó là kế hoạch của ông không có chỗ cho nhà Borgia.

Khi Julius đăng quang, ông phân vân không biết nên đối xử với Cesare như thế nào đây. Ông không lo chuyện giữ lời hứa, bởi chuyện đó chẳng là gì đối với ông. Nhưng Julius hiểu rằng ông cần tập trung quyền lực, củng cố vị thế, và xua đi kẻ thù.

Vào thời điểm này, đối với ông, sự e dè với người Venice cũng ngang ngửa nỗi sợ thế lực nhà Borgia, ông biết rằng Cesare có thể là một đồng minh mạnh mẽ để chống lại sự bành trướng của Venice trong vùng Romagna. Vì biết rằng có thể cần đến Cesare, Julius cần phải nghĩ cách thay đổi mối quan hệ vốn thù địch trở nên hữu hảo, dù chỉ là vẻ bề ngoài.

Trong khi đó, Cesare đang tìm cách củng cố vị thế. Chàng kết thân với tất cả các chỉ huy trưởng của các pháo đài và các thành phố hãy còn thuộc quyền mình, thuyết phục họ rằng vị thế của chàng vẫn còn vững chắc, bất chấp ác tâm hiểm độc từ lâu nay của Giáo hoàng mới. Để củng cố vị thế của mình, Cesare liên hệ với anh bạn Machiavelli nhằm tìm kiếm hậu thuẫn từ Florence.

Hai người gặp nhau vào một ngày tháng mười hai trong lành tại vườn lâu đài Belvedere, nhìn ra những chóp tháp nhọn của thành Rome. Họ cùng tản bộ qua những hàng cây tuyết tùng cao và ngồi trên một chiếc ghế đá đã mòn nhẵn ngắm nhìn toàn cảnh thành phố trải rộng ra bên dưới. Gió đã thổi bay khói bụi khiến những tòa nhà bằng đá hoa cương hay các căn chòi đất trông như mới được cắt tỉa, nằm nổi bật giữa nền trời xanh thẳm.

Machiavelli để ý thấy giọng Cesare có vẻ kích động, má chàng đỏ ửng, môi mím chặt. Chàng huơ tay múa chân, vừa nói vừa cười lớn. Machiavelli tự hỏi phải chăng Cesare vẫn còn bị sốt.

“Anh có thấy ngoài kia không, Nicco?” Cesare vung tay nói. “Đấy từng một thời là thành đô của nhà Borgia, và sẽ lại thế, tôi thề đấy. Lần thứ hai chiếm lại những pháo đài từng bị thất thủ sẽ dễ hơn lần đầu. Những pháo đài còn trong tay sẽ được phòng thủ vững chắc, đó không thành vấn đề với tôi. Các tùy tướng của tôi giờ đây mạnh mẽ và trung thành. Dân chúng ủng hộ họ. Tôi đang dấy binh khởi nghĩa, bao gồm những đạo quân đánh thuê nước ngoài và bộ binh của Val di Lamone. Một khi vị thế của tôi ở Romagna được củng cố ở Rome, thì tất cả những gì anh thấy đằng kia sẽ lại nằm trong tay tôi. Đúng là Giáo hoàng Julius từng kình địch với nhà Borgia trong quá khứ, nhưng chuyện ấy giờ đã thành dĩ vãng. Ông ấy đã long trọng công khai những lời hứa của mình. Ông ấy đã hứa với dân chúng, với các chức sắc chính quyền và Giáo hội rằng ông ấy sẽ ủng hộ tôi. Tôi vẫn còn là gonfaloniere. Thậm chí, chúng tôi còn bàn đến một cuộc hôn nhân giữa hai nhà - có thể là giữa con gái tôi, Louise, với cháu trai ông ấy, Francesco. Đây là một ngày mới, Nicco à. Một ngày mới, bắt đầu cho những trang sử mới!”

Đâu rồi viên thống soái lừng lẫy uy danh với đầu óc thực tế mà ta từng thần tượng? Machiavelli tự hỏi. Đúng vậy, chàng ta phải công nhận, mình từng thần tượng con người này. Machiavelli tự coi mình là một người bạn của Cesare. Nhưng khi phải tường trình chính thức, chàng chỉ có một người bạn: Florence. Chiều hôm ấy chàng phi ngựa nhanh hết mức có thể, nhằm về được thành phố quê nhà trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Và lần này những quan điểm trình lên Hội đồng cai trị hoàn toàn khác với các quan điểm trước đó.

Michavelli đứng lên, y phục không được tinh tươm như thường lệ, giọng nói không kịch tính như trước; thực ra, chàng ta không giống như ngày thường. Trong căn phòng riêng nhỏ hơn của Hội đồng cai trị chủ chốt, vẻ mặt chàng buồn rầu. Dù không thích những gì mình phải nói, chàng vẫn phải trình bày.

“Thưa quý ngài, sẽ thật điên rồ nếu trong tình thế hiện nay mà lại đi hậu thuẫn cho Cesare Borgia. Đúng là Đức Thánh Cha, Giáo hoàng Julius Đệ Nhị, đã công khai hứa sẽ công nhận những chiến thắng của Cesare và phong anh ta làm gonfaloniere. Nhưng, thưa quý ngài, tôi tin rằng ông Giáo hoàng này rũ bỏ lời hứa còn dễ hơn tôi ra quyết định rời khỏi phòng bằng cửa nam hay bắc. Ông ta vẫn còn căm ghét nhà Borgia. Ông ta sẽ phản bội Cesare, ông ta đã thầm quyết định như thế rồi. Còn về Cesare, tôi nhận thấy anh ta đang thay đổi đáng sợ. Con người này trước đây chẳng bao giờ để lộ ra những gì mình định làm, ngay cả nói bóng gió cũng không. Thế mà giờ đây lại nói toạc cho thiên hạ nghe những kế hoạch mà mình không còn đủ khả năng thực hiện. Từng tấc từng tấc một, thưa quý ngài, Cesare Borgia đang trượt dần vào nấm mồ. Không thể để Florence trượt dài cùng Cesare.”

* * *

Machiavelli quả đã đoán đúng. Giáo hoàng Julius cuối cùng nhận ra rằng cả sự đe dọa từ phía Venice lẫn binh lực của Cesare đều được thổi phồng, nên vội vàng sửa sai bằng cách hủy bỏ thỏa thuận của ông với Cesare. Ông ta đòi Cesare phải giao nộp tất cả các lâu đài chàng đang giữ ngay tức khắc. Xong việc đó, Giáo hoàng Julius II đặt Cesare Borgia vào vòng quản thúc, đưa chàng đến Ostia, một hồng y lớn tuổi cùng đám lính vũ trang đi theo giám sát, đảm bảo thực hiện đúng lệnh của Giáo hoàng. Cesare Borgia giao nộp hai pháo đài đầu tiên, viết thư cho mấy viên chỉ huy các pháo đài khác bảo họ là chàng đã được lệnh hoàn trả chúng cho những người chủ cũ. Chàng hi vọng các viên chỉ huy sẽ không thi hành mệnh lệnh này, ít ra là trong lúc này.

Cesare yêu cầu vị hồng y cao tuổi cho phép chàng đến Naples, hiện đang dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha. Tin rằng Cesare đã đã chịu tuân lệnh Giáo hoàng và chẳng thể gây ra rắc rối gì miễn là không đến gần Romagna, hồng y đi theo Cesare đến cảng Ostia, đưa chàng lên một chiếc thuyền buồm hướng về Naples.

Ở Naples, Cesare còn có một con bài khác: Gonsalvo de Cordoba.

Bấy giờ người Tây Ban Nha đang là những ông chủ duy nhất của Naples, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng chưa từng có trên khắp đất Ý. Cesare lập tức tìm kiếm sự trợ giúp từ Ferdinand và Isabella, vì chàng tin rằng họ là đồng minh của nhà Borgia. Với sự hậu thuẫn của họ - chàng bảo Cordoba - thì chàng và những thuộc hạ trung thành đủ khả năng bám trụ trong những pháo đài bao lâu cũng được; chàng sẽ huy động thêm những toán quân phụ trợ và buộc Julius phải thương lượng và phải giữ những điều khoản có lợi cho chàng.

De Cordoba đồng ý tâu chuyện của Cesare lên vua và hoàng hậu Tây Ban Nha. Ở nơi giờ đây là lãnh thổ của Tây Ban Nha, Cesare cảm thấy an toàn, không phải e sợ Giáo hoàng Julius. Trong lúc chờ hồi âm từ Ferdinand và Isabella, Cesare gửi thư cho các tùy tướng còn lại thuyết phục họ đừng giao nộp các pháo đài. Chàng cũng bắt đầu tập hợp các toán quân đánh thuê để tác chiến cùng quân Tây Ban Nha dưới quyền Cordoba.

Cesare chờ đợi và hi vọng suốt ba tuần lễ, nhưng vẫn chẳng có hồi âm từ vị vua và hoàng hậu mộ đạo của Tây Ban Nha. Cesare càng cảm thấy bồn chồn bất an, lòng đầy hoang mang lo sợ. Chàng không thể ngồi yên được nữa, phải hành động thôi! Cesare phóng ngựa băng qua các ngọn đồi dọc duyên hải để đến nơi đóng quân của Tây Ban Nha. Ở đó chàng được hộ tống đến sở chỉ huy và đưa vào trong.

Gonsalvo de Cordoba đứng dậy khỏi chiếc bàn phủ đầy bản đồ, ôm chàng với một nụ cười. “Sao có vẻ lo lắng thế, amigo.”

Si, Gonsalvo, claro,” (Vâng, đúng thế, Gonsalvo à) Cesare đáp. “Tôi đang dốc sức giữ lại các pháo đài và huy động thêm binh lính. Nhưng tôi cần hậu thuẫn của anh, của vua Tây Ban Nha và người của anh nữa.”

“Chưa nhận được hồi âm, Cesare à,” de Cordoba nói. “Nhưng có một chiếc thuyền buồm đến từ Valencia vào trưa ngày mai. Nếu may mắn, thư hồi âm chắc là ở trên đó.”

“Anh nói ‘chưa có hồi âm’. Anh có nghi ngờ chuyện họ sẽ giúp tôi không?” Cesare hỏi, có vẻ bối rối.

“Không phải chuyện đơn giản, Cesare à. Anh hẳn biết rõ điều đó mà,” de Cordoba bảo chàng. “Vua và hoàng hậu của tôi có nhiều điều phải xem xét và cân nhắc chứ. Giáo hoàng hiện nay là kẻ thù thề không đội trời chung với anh, và ông ta là một con người sắt đá và ưa trả thù.”

“Về chuyện đó thì khỏi phải nói nữa,” Cesare cắt ngang. “Nhưng Gonsalvo này, Ferdinand và Isabella là bạn thâm giao của gia đình tôi. Chính cha tôi đã can thiệp, tác thành hôn sự của họ. Ông là cha đỡ đầu cho đứa con đầu lòng của họ. Và anh biết tôi vẫn luôn ủng hộ họ mà…”

De Cordoba đặt một bàn tay lên cánh tay Cesare. “Bình tĩnh, Cesare, bình tĩnh nào,” anh ta nói. “Tôi biết hết chứ. Vua và hoàng hậu Tây Ban Nha - vốn là những tín đồ Công giáo ngoan đạo - cũng biết rõ điều đó. Và họ thực lòng coi anh là bạn, một người bạn trung thành. Trong chiều mai chúng ta sẽ nhận được phản hồi từ họ, và ơn trời, mong rằng đó sẽ là lệnh cho phép tôi dùng tất cả binh lực của mình để hỗ trợ anh.”

Cesare có vẻ nguôi ngoai phần nào bởi những lời trấn an của de Cordoba. “Chắc chắn là như thế rồi, Gonsalvo; và sau đó chúng ta phải nhanh chóng bắt tay vào hành động.”

“Dĩ nhiên rồi,” de Cordoba nhiệt thành hưởng ứng. “Đừng gây chú ý trước khi chúng ta sẵn sàng. Đâu đâu cũng có tai mắt bọn gián điệp - ngay cả trong doanh trại của chúng tôi. Chúng ta cần tìm một chỗ gặp mặt bí mật hơn. Anh có biết ngọn hải đăng cũ trên bãi biển phía bắc không?”

“Không,” Cesare nói, “nhưng tôi sẽ tìm được thôi.”

“Tốt,” viên tướng nói. “Tôi sẽ gặp anh tại đó vào hoàng hôn ngày mai. Lúc đó chúng ta sẽ lên phương án chiến lược chung.”

* * *

Chiều hôm sau, đúng lúc mặt trời vàng tươi đang dần lặn xuống dưới chân trời, Cesare đi dọc theo bờ biển bắc của thành phố cảng, theo rìa mép nước trắng xóa cho đến khi chàng nhìn thấy ngọn hải đăng cũ kĩ bằng đá.

Lúc tiến lại gần hơn, chàng thấy de Cordoba bước ra khỏi cửa ngọn hải đăng.

Cesare mừng rỡ la lên, “Gonsalvo, tin tức ra sao?”

Viên tướng Tây Ban Nha đặt tay lên môi, nói thật khẽ. “Xuỵt, Cesare. Vào trong này đã. Thận trọng bao nhiêu cũng không bao giờ thừa đâu.”

Anh ta đi phía sau, cùng Cesare bước qua cánh cửa tháp hải đăng. Khi Cesare vừa bước vào trong, chàng liền bị bốn tên tóm lấy. Chúng nhanh chóng tước vũ khí của chàng, tay chân chàng liền bị trói chặt bằng những sợi dây thừng nặng nề. Sau đó chúng xé rách mặt nạ chàng ra.

“Trò phản bội gì thế này, Gonsalvo?” Cesare uất ức hỏi.

De Cordoba thắp lên một ngọn nến, Cesare có thể thấy chàng bị bao vây bởi khoảng một tá binh lính Tây Ban Nha vũ trang đến tận răng.

“Không có chuyện phản bội ở đây, Cesare à,” anh ta nói. “Tôi chỉ thừa hành lệnh của vua và hoàng hậu tôi thôi. Họ thực sự xem anh là một người bạn cũ, nhưng họ cũng biết anh liên minh với Pháp, cũng như nhận ra rằng quyền lực nhà Borgia đã lụi tàn. Quyền lực bây giờ nằm trong tay Giáo hoàng Julius. Mà tiếc thay, Đức Thánh Cha đương quyền lại không coi anh là bạn.”

Dios mío!” (Ôi, lạy Chúa tôi!) Cesare nói. “Họ đã quên rằng dòng máu Tây Ban Nha chảy trong người tôi!”

“Trái lại, Cesare à,” de Cordoba nói. “Họ vẫn còn xem anh là thần dân của họ. Và vì lí do đó mà tôi được lệnh trao trả anh về Tây Ban Nha. Họ sẽ cho anh nơi ẩn náu - trong một nhà tù ở Valencia. Tôi rất tiếc, nhưng anh cũng biết rằng nhị vị quốc chủ của chúng ta là những con người cực kì ngoan đạo. Họ tin rằng cả Chúa lẫn Đức Thánh Cha đều sẽ hài lòng với quyết định của họ.”

De Cordoba đi ra, nhưng sau đó anh ta quay lại chỗ Cesare. “Anh cũng phải biết rằng bà quả phụ Maria Enriquez, vợ của Juan, em trai anh, đã chính thức buộc tội anh ám sát chồng bà ta. Và bà lại là một người em họ của nhà vua.”

Còn nói gì được nữa đây khi tất cả đều đã phản lại ta? Cesare không còn thốt lên được lời nào.

De Cordoba đanh gọn ra lệnh, không thèm đa lễ, Cesare được khiêng ra ngoài và ném lên lưng một con lừa mặc kệ chàng giãy giụa dữ dội. Sau đó, chàng được đưa qua bãi biển tối om, ngược lên chân đồi đến doanh trại lính Tây Ban Nha, de Cordoba và quân lính đi theo.

* * *

Vào lúc rạng đông sáng hôm sau, tay chân vẫn còn bị trói, Cesare bị bịt mồm, cuốn trong một tấm vải liệm và nhét vào một quan tài bằng gỗ. Quan tài được đóng nắp, một xe ngựa chở ra bến cảng rồi được đưa lên một thuyền buồm Tây Ban Nha hướng về Valencia.

Cesare không thở nổi; cỗ quan tài quá nhỏ, không thể nhúc nhích gì được cả. Đành nằm im chịu phép thôi. Chàng cố gắng hết sức để khống chế cơn hoảng loạn, vì nếu đầu hàng, chàng sẽ phát điên lên mất. De Cordoba đã chọn phương pháp vận chuyển này, bởi anh ta không hề muốn bất kì người Naples nào còn trung thành với Cesare biết được rằng chàng ta đã bị bắt. Anh ta có thừa người để chống lại bất kì mưu toan giải cứu nào. Nhưng, như anh ta nói với sĩ quan thuộc quyền, “Tội gì mà chơi trò may rủi? Bằng cách này, bất kì tên gián điệp nào lảng vảng ở khu bến cảng này sẽ chỉ thấy quan tài của một người Tây Ban Nha nghèo khó nào đó được đưa về cố hương mai táng.”

Sau một giờ lênh đênh trên biển, thuyền trưởng bèn ra lệnh đưa Cesare ra khỏi quan tài và mở tấm vải liệm, rút giẻ bịt mồm ra khỏi miệng chàng.

Run rẩy, vẫn còn bị trói, chàng bị ném vào khoang hàng gần phía đuôi tàu. Khoang này, dẫu gò bó và nhếch nhác song ít ra cũng còn có chút gió nơi cánh cửa, dễ chịu hơn nhiều so với khi nằm trong cái quan tài ngột ngạt mà Cesare phải gồng mình cắn răng chịu đựng trong suốt mấy giờ qua.

* * *

Mỗi ngày một lần - và chỉ một lần thôi - trong suốt cuộc hải hành, một thủy thủ mang cho Cesare những chiếc bánh bích quy đầy mọt và nước lã. Tử tế và tỏ ra đầy kinh nghiệm đi biển, chàng ta cẩn thận đập từng mẩu bánh lên cạnh tàu cho sâu mọt rớt ra rồi mới bẻ ra từng miếng đút cho Cesare.

“Xin lỗi phải trói anh lại,” chàng ta nói với Cesare. “Nhưng thuyền trưởng ra lệnh như thế. Anh còn phải bị trói cho đến khi đến Valencia.”

Sau cuộc hải hành kinh khủng với những cơn biển động, đồ ăn thức uống gớm ghiếc và các căn phòng tù túng, bốc mùi tởm lợm, chiếc thuyền buồm cuối cùng cũng cập vào bến cảng Villanueva del Grao. Đúng là sự mỉa mai của số mệnh khi cũng chính từ cảng này trên đất Valencia mà ông chú của Cesare, Alfonso Borgia - tức cố Giáo hoàng Calixtus - đã rời Tây Ban Nha để đến Ý đảm đương trọng trách cách đây hơn sáu mươi năm.

Bến cảng nhộn nhịp, đầy rẫy quân lính của Ferdinand và Isabella nên không còn cần phải ngụy trang hay che giấu tù nhân.

Lại một lần nữa Cesare được ném lên lưng một chú lừa và được đưa xuống một con đường lát đá dọc theo bến cảng, đến một lâu đài cao bây giờ được dùng làm nhà tù. Lần này chàng không vùng vẫy kháng cự gì.

Cesare bị đẩy vào một buồng giam nhỏ xíu gần trên cùng của lâu đài và ở đó, với bốn lính canh vũ trang túc trực, dây trói cuối cùng được tháo bỏ.

Cesare đứng lên, xoa xoa các cổ tay đau nhức. Chàng nhìn quanh buồng giam, liếc mắt quan sát tấm nệm ố bẩn trên sàn, cái bát đựng thức ăn gỉ sét, và cái xô bốc mùi. Chẳng lẽ chàng phải ở đây suốt phần đời còn lại? Nếu là như thế thì chắc sẽ không lâu lắm đâu, vì những người bạn mộ đạo của chàng, Ferdinand và Isabella, đang rất muốn lấy lòng cả vị Giáo hoàng mới lẫn nàng góa phụ của Juan, hẳn sẽ quyết định cho tra tấn rồi giết chàng nhanh thôi.

* * *

Từng ngày, từng tuần trôi qua, Cesare ngồi trên sàn buồng giam, cố giữ cho đầu óc tỉnh táo bằng cách đếm những vật chung quanh - bất cứ thứ gì - những con gián trên tường, những con ruồi trên trần, số lần cái khe nhỏ xíu nơi cánh cửa mở ra mỗi ngày. Mỗi tuần một lần chàng được phép hưởng một giờ hít thở không khí trong lành trong khoảng sân nhỏ bé của nhà giam. Đến chủ nhật, một chậu nước bốc mùi được mang đến cho chàng vệ sinh cơ thể.

Sống thế này thì chết có sướng hơn không? Chàng tự hỏi. Chàng không thể chắc chắn nhưng chàng biết không bao lâu nữa, chàng sẽ tìm ra lời giải đáp.

Nhưng ngày tháng cứ thế trôi đi mà tình hình vẫn như cũ. Có khi chàng tưởng chừng mình đã hóa điên, quên mất mình đang ở đâu, tưởng tượng mình đang dạo bước trên những con đường nhỏ ven bờ Ngân Hồ, hoặc vui vẻ tranh luận với cha chàng. Cesare cố không nghĩ đến Lucrezia, ấy thế mà vẫn có nhiều lần, chàng vẫn tưởng nàng cùng đứng trong buồng giam, vuốt tóc chàng, hôn vào đôi môi chàng, nói với chàng những lời an ủi âu yếm, ngọt ngào.

Giờ đây chàng có thời gian để nghĩ về và hiểu cha chàng hơn, để xem xét những gì ông đã cố làm, chứ không phải để trách móc những sai lầm của ông. Cha có thực sự vĩ đại như Cesare đã nghĩ? Mặc dầu biết việc cha kết chặt sợi dây quan hệ giữa chàng và Lucrezia là một chiến lược xuất sắc nhưng đó cũng là điều không thể tha thứ vì chuyện đó đã khiến cả hai phải trả giá quá đắt. Nhưng làm sao chàng sống nổi nếu không yêu nàng theo cách đó? Chàng không thể tưởng tượng nổi, dù tình yêu đó khiến chàng không thể yêu ai thật lòng được nữa. Còn Alfonso tội nghiệp - có bao nhiêu phần trong cái chết của chàng ta là do chính lòng ghen tuông của chàng? Đêm đó chàng đã khóc, những giọt lệ trào ra cho thân mình cũng như cho người chồng của em gái chàng. Như lẽ tự nhiên, chàng bỗng nhớ về người vợ yêu dấu, Lottie. Nàng yêu chàng biết bao…

Đêm đó chàng quyết định tự giải thoát khỏi tình yêu với Lucrezia và sẽ sống chung thủy với Lottie và con gái yêu Louise của chàng. Giá như chàng thoát được số mệnh nghiệt ngã hiện nay - giá như chàng được Cha Trên Trời đoái thương.

Lúc đó Cesare nhớ lại những gì cha đã nói từ nhiều năm trước, khi Cesare bảo ông chàng không tin vào Chúa, vào thánh nữ Đồng Trinh Maria hay chư thánh. Chàng nghe giọng cha văng vẳng bên tai. “Nhiều kẻ tội lỗi nói rằng họ không tin vào Chúa, vì chúng sợ hình phạt sau khi chết. Thế nên, chúng cố gắng phủ nhận sự thật.” Giáo hoàng đã nắm lấy cả hai bàn tay của Cesare, hào hứng nói. “Nghe đây, con trai, con người đánh mất niềm tin. Những tàn khốc nghiệt ngã của thế gian là quá sức chịu đựng đối với họ, và vì thế họ nghi ngờ một Thượng Đế vĩnh hằng và yêu thương vô lượng; họ nghi ngờ lòng từ ái vô biên của Người. Họ đặt vấn đề về Hội Thánh. Nhưng con người phải dùng hành động để giữ vững niềm tin. Ngay cả các vị thánh cũng là những con người hành động. Cha chẳng thèm để tâm đến những kẻ tự hành xác, suốt đời lánh mình trong tu viện, suy ngẫm về nhân loại. Họ chẳng làm gì được cho Giáo hội, chẳng giúp Giáo hội tồn tại được trong cõi trần thế này. Chính những người như con và ta phải thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Cho dù là,” và đến đây Alexander đưa lên ngón tay hiệu lệnh của Giáo hoàng, “linh hồn chúng ta có thể phải ở trong Luyện ngục một thời gian. Khi ta nguyện cầu, khi ta xưng tội, đấy là niềm an ủi cho những điều khủng khiếp mà ta buộc phải làm. Các nhà nhân văn chủ nghĩa - những tín đồ của triết học Hy Lạp tin rằng chỉ có con người là hiện hữu - có nói gì thì cũng chẳng thành vấn đề. Có một Thượng Đế toàn năng và Người cũng kiêm ái và toàn tri. Đó là niềm tin của chúng ta. Và con phải tin. Cứ sống với những tội lỗi của con, thú tội hay không tùy con, nhưng đừng bao giờ đánh mất niềm tin.”

Lúc đó, lời nói của Giáo hoàng chẳng có ý nghĩa gì với Cesare. Còn giờ đây, mặc dầu vẫn phải đấu tranh với niềm tin, chàng sẵn sàng xưng tội với bất kì thần linh nào có thể nghe. Nhưng sau đó, những lời duy nhất mà chàng nghe là: “Này con trai, hãy nhớ rằng con là hi vọng xán lạn nhất cho tương lai của nhà Borgia.”

* * *

Một đêm kia, sau nửa đêm, Cesare thấy cửa buồng giam bỗng lặng lẽ mở ra. Chàng tưởng lính canh làm nhiệm vụ lúc đêm khuya, nhưng người xuất hiện là Duarte Brandao, tay mang theo một cuộn dây thừng.

“Duarte, ông làm gì ở đây thế?” Cesare hỏi, tim chàng đập loạn.

“Giải cứu anh.” Duarte trả lời. “Nhưng phải nhanh lên. Chúng ta phải rời đây ngay lập tức.”

“Thế còn đám lính gác thì sao?” Cesare hỏi.

“Chúng đã được đút lót cẩn thận cả rồi - một ngón nghề tôi rất tinh thông,” Duarte vừa nói vừa tháo cuộn dây thừng.

“Chúng ta sẽ trèo xuống bằng sợi dây ấy?” Cesare hỏi, nhíu mày. “Quá ngắn đấy.”

“Đúng vậy,” Duarte nói, mỉm cười. “Tôi dùng sợi dây ấy chỉ để trình diễn thôi, để chạy tội cho đám lính canh ấy mà. Chỉ huy của bọn chúng sẽ tin rằng đấy là cách anh trốn thoát.” Duarte thắt sợi dây vào một móc sắt trên tường và ném nó ra ngoài cửa sổ, rồi quay sang Cesare. “Chúng ta sẽ đi một con đường dễ dàng hơn nhiều.”

Cesare bước theo Duarte xuống cầu thang xoắn của lâu đài và đi ra một cánh cửa nhỏ phía sau tòa nhà. Không thấy bóng dáng tên lính canh nào. Duarte chạy đến chỗ sợi dây đang đong đưa ngoài cửa sổ, cách mặt đất khá xa. Ông thọc tay vào túi áo choàng và rút ra một thứ gì đó trông giống một chiếc lọ bằng đất nung.

Duarte bảo, “Tiết gà. Tôi sẽ rải một ít trên mặt đất, bên dưới sợi dây, rồi rải một đường nhỏ dẫn về phía nam. Chúng sẽ nghĩ là anh bị thương khi nhảy từ sợi dây xuống đất và đi khập khiễng về hướng đó. Nhưng thật ra anh đi về hướng bắc.”

Cesare và Duarte băng qua một cánh đồng và trèo lên một ngọn đồi, ở đó một cậu bé đang giữ hai con ngựa chờ họ.

“Chúng ta đi đâu đây, Duarte?” Cesare hỏi. “Rất ít nơi an toàn cho cả hai ta.”

“Đúng thế, Cesare à - rất ít,” Duarte nói. “Nhưng vẫn còn vài nơi. Anh cứ phi ngựa đến lâu đài của anh vợ, vua xứ Navarre. Ông ấy đang chờ anh. Anh sẽ được đón tiếp ân cần ở đó và sẽ được an toàn.”

“Còn ông, Duarte?” Cesare hỏi. “Ông sẽ đi đâu? Đất Ý giờ đây là tử địa. Sau đêm nay, Tây Ban Nha cũng là chốn chết chóc. Còn người Pháp, ông chưa bao giờ tin tưởng họ. Mà họ cũng chẳng chịu tin ông. Ông sẽ đi đâu chứ?”

“Tôi có một chiếc thuyền đang chờ trên bãi biển không xa đây lắm,” Duarte nói. “Tôi sẽ dong buồm về nước Anh.”

“Về nước Anh sao, ngài Edward?” Cesare nói, hơi mỉm cười.

Duarte nhìn lên, ngạc nhiên. “Vậy lâu nay anh đã biết rồi?”

“Cha tôi đã ngờ như thế từ nhiều năm qua,” Cesare nói. “Nhưng ông không ngại chạm mặt vị vua đó, người có thể là tử thù của ông?”

“Có thể lắm. Nhưng Henry Tudor là một con người thực tế, khôn ngoan sắc sảo, ông ta muốn tập hợp nhân tài để phò tá mình. Thực ra tôi có nghe đồn rằng ông ta điều tra về những nơi tôi đã sống qua. Đức vua đã tỏ ý rằng nếu tôi quay về phục vụ ông ta, tôi sẽ được xá tội và thậm chí có thể được phục hồi chức vị. Phải công nhận là khá hấp dẫn. Tất nhiên, đây có thể là một cái bẫy. Nhưng, xét trên thực tế, tôi còn chọn lựa nào khác?”

“Đúng là không, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng, Duarte này, ông có thể một mình dong buồm xa đến thế hay sao?”

“Ồ, tôi từng trải qua nhiều cuộc hải hành còn xa hơn thế nữa, Cesare à. Và qua nhiều năm tôi rất vui với sự cô đơn.”

Duarte tạm dừng. “Này anh bạn, cũng đã muộn rồi,” ông ta nói. “Đã đến lúc chúng ta phải đường ai nấy đi thôi.”

Họ ôm nhau trên đỉnh đồi, dưới ánh trăng Tây Ban Nha vằng vặc. Thế rồi Cesare quay lưng. “Duarte, tôi sẽ không bao giờ quên ông đâu. Chúc may mắn và thuận buồm xuôi gió!”

Chàng quay người, phóng mình lên ngựa và phi về hướng vương quốc Navarre trước khi Duarte kịp thấy những dòng nước mắt lăn dài trên đôi má chàng.