Cha Con Giáo Hoàng

Chương 27

Jofre và Sancia đang ngủ yên tại phòng riêng ở điện Vatican. Không một lời cảnh báo hay giải thích nào, vệ binh giáo triều xộc thẳng vào phòng ngủ của hai vợ chồng, lôi cổ cô vợ ra khỏi giường. Sancia đạp, đá và hét toáng cả lên, Jofre cũng gầm lên phản đối.

“Đây là sự xúc phạm không thể tha thứ!” Jofre hét vào mặt một trong những tên sĩ quan trẻ. “Mấy người đã thưa trình với cha ta về chuyện này chưa?”

“Đích thân Đức Thánh Cha đã ra lệnh mà!” Một anh lính thật thà đáp.

Jofre chạy ùa đến dãy phòng Giáo hoàng, chàng thấy Alexander đang ngồi cạnh bàn làm việc trong thư phòng. “Chuyện này là ý gì đây, thưa cha?” Chàng gay gắt hỏi.

Giáo hoàng ngước nhìn lên và cáu kỉnh trả lời. “Ta có thể nói là do sự phóng túng trong thói ăn nết ở của vợ con - vì con bé ấy đúng là một nhánh đinh hương nhỏ nhưng cay xè - và cũng vì con bất lực không dạy nổi vợ vào nền nếp gia phong,”

Alexander nói. “Nhưng lần này thì không chỉ là chuyện riêng tư của vợ chồng con. Dường như ta không còn đủ sức gây ảnh hưởng lên vị vua xứ Naples, vốn dĩ đang liên kết với vua Tây Ban Nha Ferdinand, vua Louis đã yêu cầu ta phải làm gì đó và về quyền lợi của Pháp ở Naples để chứng tỏ ta ủng hộ ông ấy nên ta đã làm việc phải làm.”

“Nhưng chuyện này thì có liên quan gì tới Sancia?” Jofre vặn lại. “Cô ấy chỉ là một cô gái yếu đuối, có làm gì được để hại tới nước Pháp đâu?”

“Jofre. Thôi nào! Đừng làm như thể mình là một anh hoạn quan không râu!” Alexander nói gắt gỏng. “Cuộc chiến của anh con đang bước vào giai đoạn hiểm nghèo; còn giáo triều phải dựa vào chính sức mình để hỗ trợ các đồng minh. Và trong lúc này đây, liên minh hùng mạnh nhất của chúng ta là với nước Pháp.”

“Thưa cha,” Jofre nói, đôi mắt rực lửa. “Con không thể để cơ sự lại xảy ra như thế, vì Sancia không thể yêu một gã không bảo vệ nổi cô ấy khỏi ngục tối.”

“Con bé có thể gửi thư cho chú nó, vua Naples, thông báo cần giúp đỡ,” Giáo hoàng nói.

Vào thời khắc đó, Jofre tránh nhìn vào Giáo hoàng vì sợ rằng ông sẽ thấy vẻ căm ghét hiện rõ trên mặt chàng. “Thưa cha,” Jofre nói, “với tư cách là con cha, một lần nữa con yêu cầu cha phải trả tự do cho vợ con, vì nếu không, cha chính là nguyên nhân gây tan vỡ gia đình con. Và con không cho phép chuyện đó xảy ra.”

Trong một thoáng, Alexander tỏ ra bối rối. Thằng oắt đang nói gì thế này? Con bé Sancia vợ nó là nỗi phiền toái kể từ ngày đầu đến đây, và thằng oắt này chẳng làm gì để kìm cương con ngựa chứng ấy cả. Thế mà giờ đây nó còn hỗn láo dám bảo với cha - cũng là Đức Thánh Cha - phải quản lí Hội Thánh như thế nào ư?

Nhưng giọng nói của Giáo hoàng vẫn bình tĩnh, tránh mọi cảm xúc nhất thời, khi ông trả lời cậu con. “Vì con là con của ta, ta sẽ tha thứ cho con sự xúc phạm nặng nề này,” ông nói. “Nhưng nếu con còn nói chuyện với ta theo cái kiểu này, cho dầu vì bất kì lí do gì đi nữa, ta sẽ cho xiên cái thủ cấp của con lên mũi giáo đấy, và chính ta sẽ lên án con theo tà giáo. Con có hiểu không nào?”

Jofre hít vào một hơi thật sâu. “Vợ con sẽ bị giam giữ bao lâu?’

“Đi mà hỏi lão vua xứ Naples kìa!” Alexander gằn giọng. “Vì mọi chuyện là tùy lão ấy thôi. Khi lão đồng ý trao vương miện cho Louis thì đó là lúc vợ con được tự do.” Jofre quay lưng, dợm bước đi, Giáo hoàng nói thêm, “Kể từ hôm nay trở đi, con sẽ được canh giữ ngày đêm để đề phòng con có mưu đồ dại dột.”

Jofre chỉ còn hỏi, “Con có được phép gặp cô ấy?”

Alexander có vẻ ngạc nhiên. “Cha là loại người gì mà lại ngăn cản cả con đi gặp vợ?” Ông hỏi. “Con nghĩ ta là quái vật à?”

Jofre không thể ngăn những dòng lệ chảy tràn xuống mặt, vì vào đêm hôm ấy chàng đã mất không chỉ vợ yêu, mà cả cha đẻ của mình.

* * *

Sancia bị đưa đến hầm tối của pháo đài ở Sant’ Angelo, và bị biệt giam trong ngục tối. Từ những buồng giam chung quanh, nàng có thể nghe tiếng la khóc, than van của những tù nhân khác, họ lầm bầm hay hét lên những lời tục tĩu vào đám vệ binh giáo triều.

Những kẻ nhận ra nàng thì chế nhạo, còn những kẻ không biết nàng là ai thì thắc mắc tự hỏi làm thế nào một cô gái ăn vận sang trọng đến thế lại có thể rơi vào tình cảnh thảm thương như thế này. Bản thân Sancia thì giận tái người và đang nổi điên lên. Lần này thì lão ấy làm thật rồi. Lão đã từng một lần tống khứ nàng đi, giờ lại tống nàng vào tù. Quả là lão tới số thật rồi, dù ở trong tù ngục, nàng cũng quyết lật đổ lão. Lão ta sẽ không còn được ngồi trên cái ngai Giáo hoàng bao lâu nữa đâu, nàng hứa với lòng như thế; cho dầu phải hi sinh cả mạng sống cho sứ mệnh này thì việc đó cũng đáng giá hơn tất cả mọi đồng ducat trên thế gian này.

Khi Jofre đến, Sancia đã lật giường và ném tung mớ rơm rạ trên đó xuống sàn nhà. Nàng đã cầm nguyên cả phần đồ ăn thức uống, kể cả rượu vang mà cai tù mang đến và dùng hết sức bình sinh ném vào cánh cửa gỗ nhỏ, phần ăn tối của nàng vương vãi dính trên đó.

Jofre chào nàng, ngạc nhiên thấy nàng chạy đến ôm mình và bảo. “Mình ơi, mình phải giúp em, nếu mình yêu em, mình phải gửi thư cho gia đình em. Mình phải cho chú em biết chuyện gì đã xảy ra với em.”

“Anh sẽ làm như em nói,” Jofre trả lời, ôm lấy Sancia và vuốt tóc nàng. “Anh sẽ còn làm hơn thế nữa. Còn lúc này, em muốn anh ở lại với em bao lâu, anh cũng ở.” Sau đó Jofre dựng lại cái giường và cả hai ngồi trên đó, chàng vòng tay quanh vai nàng, an ủi nàng.

“Anh có thể mang ngay giấy bút đến cho em, và bảo đảm rằng bức thư sẽ nhanh chóng được gửi đến nơi hay không?”

“Anh sẽ làm ngay,” Jofre nói, “vì anh không thể chịu nổi nếu thiếu em.”

Lúc đó Sancia mỉm cười, và Jofre thấy đầy hi vọng. “Chúng ta tuy hai mà một,” chàng nói. “Và vì vậy những gì chúng đối xử với em cũng chính là đang động chạm đến anh.”

“Em biết rằng ghét người khác là có tội,” Sancia nói. “Nhưng với nỗi căm ghét của em dành cho ông ta, em sẵn sàng để tội lỗi hoen ố linh hồn mình. Dẫu ông ta có là Đức Thánh Cha đi nữa, thì trong con mắt em ông ấy vẫn xấu xa như những thiên thần sa đọa ghê tởm nhất.”

Jofre không muốn biện hộ cho cha mình. “Anh sẽ viết cho anh Cesare,” chàng nói. “Vì anh chắc chắn anh ấy sẽ giúp chúng ta ngay khi trở về.”

“Tại sao? Em thấy anh ta chẳng phải là người biết cảm thông.” Sancia nói.

“Anh có lí do của mình,” Jofre nói. “Anh Cesare sẽ hiểu, và anh tin rằng anh ấy sẽ cứu em thoát khỏi cái địa ngục này.”

Jofre hôn từ biệt và ôm vợ lâu hơn thường lệ. Nàng cho phép điều ấy.

Nhưng trong đêm ấy, đợi đến khi chàng rời khỏi, lần lượt từng tên cai ngục đi vào phòng giam hãm hiếp nàng. Chúng lột hết quần áo nàng ra, chúng hôn lấy hôn để vào môi nàng, phà hơi thở hôi hám vào mặt nàng. Chúng cuồng bạo thúc vào người nàng, dù nàng ra sức chống cự. Vì một khi bị ném vào giữa lũ gái điếm và quân trộm cắp thì nàng đâu còn nằm dưới sự chở che của nhà Borgia nữa, thế nên chúng đâu phải sợ sự trừng phạt nào.

Buổi sáng, Jofre vào thăm, Sancia đã được tắm rửa và ăn vận lại, nhưng nàng chẳng còn nói lời nào! Và cho dầu Jofre có nói gì với nàng, nàng cũng chẳng màng để ý, vì ánh sáng từng chiếu trong đôi mắt màu xanh lấp lánh đã tắt đi, chỉ lờ đờ một màu xám mờ ảm đạm.

* * *

Cesare Borgia cuối cùng cũng kiểm soát toàn vùng Romagna. Nhưng vẫn còn nhiều thành bang khác cần được chinh phục để chàng có thể hoàn thành ước vọng thống nhất đất Ý, chẳng hạn như Camerino, do nhà Varano cai quản, và Senigallia, nơi della Rovere ngự trị. Lại còn Urbino dưới quyền cai trị của công tước Feltra. Urbino dường như quá kiên cố, quân của Cesare không thể tấn công. Nhưng nếu không làm gì để xoay chuyển tình thế, Urbino có thể là trở ngại rất lớn cho nhà Borgia. Nơi đây chắn ngang con đường tiến quân ra biển Adriatic, và có thể cắt đứt mọi giao thông liên lạc với Pesaro và Rimini, và thế là chiến dịch của Cesare tiếp tục…

Mục tiêu đầu tiên của chàng là thành bang nhỏ Camerino. Cesare tập hợp quân đội từ Rome thẳng đường bắc tiến. Tại đó họ sẽ liên quân với một trong những tùy tướng Tây Ban Nha của Cesare và những đạo quân của chàng vẫn còn trú đóng tại Romagna.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục đích của mình, chàng bắt buộc phải yêu cầu Guido Feltra cho phép phó tướng Vito Vitelli, cùng đoàn pháo binh của anh ta đi qua công quốc Urbino của Feltra. Nhưng hiện nay cả đất Ý đều biết rằng Feltra chẳng còn mấy cảm tình với nhà Borgia. Danh tiếng dòng dõi tướng lĩnh của Peltra lớn hơn thực tài của hắn, thế nên hắn chẳng hề mong một cuộc chạm trán với Cesare, liền cho phép quân của Cesare đi qua. Mục đích là để che giấu ý đồ thật sự của hắn, nhằm hỗ trợ Alessino phòng thủ Camerino. Bất hạnh thay cho công tước, gián điệp của Cesare khám phá ra kế hoạch này và pháo binh hùng hậu của Vitelli di chuyển đến Urbino. Không một lời cảnh báo, cả lực lượng của Cesare từ Rome và đạo quân phía bắc của chàng đồng loạt tiến đến cổng thành Urbino.

Nhìn thấy toàn bộ quân lực đông đảo và thiện chiến của giáo triều, với danh tướng Cesare cho đến nay vẫn đánh đâu thắng đó, trong bộ giáp trụ màu đen, trên lưng con chiến mã màu đen đầy ngạo nghễ đang đi tới đi lui diễu võ giương oai, đủ khiến cho Guido Feltra phát rét và chỉ còn cách tìm đường trốn chạy.

Thành bang nhanh chóng đầu hàng Cesare, không chỉ Ý mà còn cả châu Âu phải sửng sốt, vì công tước xứ Urbino, từ trước đến nay vẫn được xem là bất khả chiến bại.

Và thế là, đúng như kế hoạch, Cesare tiến quân về Camerino. Không còn sự trợ lực từ Guido Feltra, thành bang kia cũng nhanh chóng đầu hàng sau khi chỉ kháng cự chiếu lệ.

Một khi Urbino và Camerino đã bị chinh phục, rõ ràng là không còn gì có thể cản bước Cesare thực hiện ý định của mình và áp đặt sự cai trị của giáo triều lên tất cả các thành phố hay vùng lãnh thổ trên đất Ý.

* * *

Tại Florence mùa hè năm đó mặt trời buổi xế treo cao trên bầu trời, một cái đĩa đỏ thiêu đốt thành phố. Cửa sổ lâu đài Palazzo della Signoria rộng mở hướng về quảng trường bên ngoài, đồng thời mời mọc lũ ruồi nhặng ùa vào song lại chẳng có ngọn gió nào chịu tạt qua để làm dịu bớt căn phòng ngột ngạt. Ba nhân vật thuộc Hội đồng cai trị đang đổ mồ hôi như tắm, sốt ruột mong sao cuộc họp gay go sớm hoàn tất để họ có thể chạy bay về nhà tắm nước mát rồi chiêu một li vang ướp lạnh cho tỉnh người. Vấn đề quan trọng nhất cần phải xem xét, thảo luận kĩ đó là báo cáo của đặc phái viên Niccolo Machiavelli về Vatican. Vì bản tường trình kia có thể nói trước tương lai của Florence.

Tình trạng các lãnh thổ thuộc giáo triều là một vấn đề chiếm sự quan tâm ngày càng lớn. Cesare Borgia đã đe dọa chính Florence trong chiến dịch vừa rồi, và họ e rằng lần tới không dễ gì mua chuộc được chàng ta. Machiavelli đứng lên trao lời với Hội đồng cai trị. Mặc cho cái nóng nung người chàng vẫn mặc một áo chẽn kép bằng xa-tanh màu xám ngọc trai và chiếc áo khoác trắng lấp lánh của chàng vẫn khô ráo và bảnh bao.

“Thưa quý ngài,” chàng nói, giọng hùng hồn, không thiếu kịch tính, “quý ngài đều biết rằng Urbino đã thất thủ, rằng công tước trị vì ở đó bị giáng một cú. Có người cho rằng ông ta bị phản bội, nhưng nếu đúng là thế, chuyện đó cũng đáng thôi. Vì Guido Feltra rõ ràng là đã âm mưu chống lại nhà Borgia, và đổi lại họ lừa bịp ông ta. Đó được xem là ăn miếng trả miếng, không có gì đáng chê trách cả. Cesare Borgia đang đứng ở vị thế nào? Vâng, thế này: Quân của anh ta đông và được tổ chức tốt, binh sĩ trung thành với chủ tướng. Khắp các thành bang mà anh ta đã chinh phục thiên hạ đều thấy rằng quân lính của Cesare ngưỡng mộ chủ tướng họ. Anh ta đã khuất phục toàn vùng Romagna và bây giờ là Urbino. Anh ta làm Bologna kinh hoàng, cho phép tôi nói thật, anh ta cũng làm chúng ta phải kinh sợ đấy.” Chàng ta đặt một bàn tay lên che đôi mắt, điệu bộ rất kịch, nhằm gây ấn tượng lên các thành viên về tính nghiêm trọng của những gì mình sắp nói. “Chúng ta không thể trông cậy người Pháp can thiệp vào những kế hoạch của Cesare. Đúng là người Pháp nghi ngờ nhà Borgia trong vụ nổi dậy ở Arezzo, và họ rất bất bình chuyện Cesare đe dọa Bologna và chính thành bang chúng ta. Nhưng xin nhớ rằng vua Louis vẫn còn cần đến hậu thuẫn của Giáo hoàng trong chuyện đối trị Tây Ban Nha và Naples - và xét về sức mạnh và độ thiện chiến của quân đội Cesare, họ có được vị thế như hôm nay cũng là điều dễ hiểu!”

Machiavelli hạ thấp giọng. “Giờ đây, tôi sẽ chia sẻ với quý vị một chuyện tối mật. Cesare đã bí mật đến hội kiến vua Pháp, hóa trang giả dạng thường dân, không có cận vệ đi theo. Bằng cách tự đặt mình hoàn toàn dưới uy quyền của vua Pháp, xin ông tha thứ vì sai lầm của Vitelli ở Arezzo, Cesare đã hằn gắn mọi rạn nứt từng tồn tại giữa nước Pháp và giáo triều. Vì vậy, lần này, nếu Cesare tấn công Bologna, tôi tiên đoán rằng vua Pháp sẽ hậu thuẫn anh ta. Còn nếu anh ta tấn công Florence, người Pháp có thể can thiệp mà cũng có thể không.”

Một vị lãnh chúa người rịn mồ hôi đứng lên, lau trán bằng một khăn tay màu trắng, hàng lông mày nhăn lại vì lo âu. “Machiavelli này, dường như anh đang nói với chúng tôi rằng Cesare bất khả chiến bại và những ai may mắn có nhà trên núi thì nên lẩn trốn đi.”

“Tôi nghĩ cũng không đến nỗi tệ như thế, thưa ngài,” Machiavelli trấn an. “Trước nay quan hệ của chúng ta với Cesare vẫn là hữu hảo và anh ta thực sự say mê thành phố chúng ta.”

“Nhưng còn có vài điều khác cần xem xét, những điều có thể làm thay đổi cục diện. Cesare Borgia đã đánh bại và làm nhục một số nhân vật nguy hiểm bằng cách đuổi họ khỏi lãnh địa cát cứ xưa nay, và mặc dầu đúng là quân đội của anh ta trung thành và binh sĩ thuộc quyền ngưỡng mộ anh ta, song tôi lại không chắc như thế chút nào về những tay condottieri dưới trướng anh ta - vì đám này vốn là những tay hung bạo và lòng dạ bất trắc, hay ganh tị và còn tệ hơn thế. Tôi còn e rằng một ngày nào đấy họ sẽ trở ngọn giáo và tìm cách lật đổ anh ta. Quý ngài thấy đó, để trở thành con người quyền lực nhất đất Ý, Cesare Borgia cũng đã dựng lên cả một danh sách dài những kẻ thù đáng gờm… một danh sách mà tôi tin rằng không một ai trong chúng ta muốn có cả!”

* * *

Ở Magioni, trong một lâu đài thuộc lãnh địa Orsini, âm mưu bắt đầu thành hình. Giovanni Bentivoglio xứ Bologna được chỉ định dẫn dắt kế hoạch này. Là một người to con, lực điền, với mái tóc muối tiêu loăn xoăn, đường nét thô ráp, người này ưa tươi cười và giọng nói hùng hồn, rất có sức thuyết phục. Nhưng chàng ta cũng có mặt đen tối. Chưa đủ tuổi thành niên, chàng ta đã giết một trăm nhân mạng khi tham gia vào một băng đảng cướp đường. Nhưng sau đó chàng đã tự tu thân và trở thành một nhà cai trị tốt của xứ Bologna, tính hung dữ và khát máu dường như đã bị gạt qua một bên, cho đến khi chàng ta bị Cesare đe dọa và làm nhục.

Bentivoglio chủ trì cuộc họp tại lâu đài của mình ở Bologna và mời anh chàng thấp người nhưng chắc nịch Guido Feltra, vị công tước xứ Ubino đang căm giận vì bị cướp mất đất. Feltra nói khẽ khàng đến nỗi người ta phải hết sức lắng nghe từng lời của anh ta tất nhiên trừ phi người ta biết rằng với Guido Feltra mỗi câu nói ra là một lời đe dọa.

Cùng tham gia âm mưu này là những condottieri chủ chốt trong quân đội Cesare: Paolo và Franco Orsini, một người là tên điên còn người kia là tay thị trưởng già nua của Rome và là công tước xứ Gravina, kẻ khét tiếng tàn nhẫn vì đã bêu đầu của kẻ thù trên ngọn giáo trong nhiều ngày sau một cuộc chinh phạt. Anh em nhà này luôn sốt sắng với mọi âm mưu chống lại nhà Borgia.

Không có gì ngạc nhiên khi những người này là kẻ thù của Cesare; nhưng bất ngờ hơn, đáng sửng sốt hơn nữa, chính là sự tham gia của những tay chỉ huy đã từng phục vụ đắc lực cho Cesare: Oliver da Fermo, và càng kinh ngạc hơn, chính là Vito Vitelli; hai nhân vật sừng sỏ này đều đang phi ngựa đến lâu đài nhà Orsini. Vitelli thì nổi điên vì bị Cesare buộc phải lui binh từ Arezzo mà theo chàng ta là chiến thắng đã thấy trước mắt, thế mà Cesare đã tước đi của anh ta một cơ hội quý giá để trở thành người hùng khải hoàn. Những nhân vật “cộm cán” vẫn đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong quân đội giáo triều, lại còn khá gần gũi với Cesare, nên biết rằng những chiến lược quân sự đã đưa chàng lâm vào nguy hiểm.

Giờ đây cả bọn cùng lập một kế hoạch. Trước tiên, tất cả đều nhất trí rằng cần có thêm nhiều đồng minh khác nữa. Khi đã có thêm đồng minh, họ sẽ gặp lại nhau để tổ chức quân đội và điều quan trọng hơn nữa, đó là quyết định xem ở đâu và khi nào, họ sẽ hiệp đồng tấn công Cesare. Có vẻ như mạng sống của Cesare đang được tính từng ngày.

* * *

Không hề biết về những hiểm nguy trước mắt, Cesare ngồi bên ánh lửa trong tổng hành dinh mới của chàng ở Ubino, thưởng thức một li vang Porto tuyệt hảo từ hầm rượu của Guido Peltra, khi sĩ quan tùy viên thông báo một quý ông từ Florence đến đây để gặp chàng: ngài Niccolo Machiavelli.

Machiavelli được dẫn vào phòng. Trong khi chàng ta cởi ra chiếc áo khoác dài màu xám, Cesare nhận thấy sắc mặt Machiavelli hơi nhợt nhạt và mệt mỏi, nên bèn mời khách ngồi vào một chiếc ghế thoải mái, rót cho chàng ta một li Porto. “Này, ngọn gió nào mang ngôi sao sáng của nền ngoại giao Florence đến Ubino tối nay vậy?” Chủ nhà hỏi khách với nụ cười thân mật.

Nét mặt Machiavelli biểu lộ mối ưu tư. “Việc nguy cấp, tướng quân Cesare à. Tôi sẽ nói thẳng vào trọng tâm. Chuyện là thế này: Florence được mời tham gia một âm mưu lớn chống lại anh. Một số tùy tướng tài ba của anh cũng dính líu vào. Nhiều người trong số ấy chắc là anh cũng đã nghi ngờ, nhưng có một người mà tướng quân không ngờ đâu: phó tướng thân cận của ngài, tướng pháo binh Vito Vitelli.” Machiavelli cũng nêu tên những người khác mà chàng ta đã gặp ở Magioni.

Cesare sửng sốt nhưng không tỏ ra ngoài mặt.

“Tại sao anh lại cho tôi biết mọi chuyện này, Niccolo?” Cesare hỏi. “Chẳng phải chiến dịch của tôi bị ngăn chặn thì Florence được lợi nhất sao?”

“Cesare,” Machiavelli tiếp lời, “chúng tôi đã bàn luận chính vấn đề này nhiều rồi. Những kẻ phản bội kia có ít nguy hiểm hơn nhà Borgia không? Đó không phải là một quyết định dễ dàng, và quyết định đó không phải do Hội đồng cai trị đưa ra, mà là trong một phiên họp khẩn của Hội đồng mười người.

“Tôi đã giải trình với họ rằng tướng quân là người rất biết điều, và ít nhất những mục tiêu anh từng công khai tuyên bố nghe đều rất có lí có tình. Và tôi tin đến khi nào anh còn tồn tại, với lòng ưu ái của nước Pháp, Florence sẽ không bị tấn công.

“Đàng khác, những kẻ mưu phản kia, nhìn chung không phải là những người biết điều. Paolo Orsini thì dở điên, dở dại. Toàn thể gia đình Orsini đều khinh miệt chính quyền Florence, còn Vito Vitelli coi thường thành phố chúng tôi. Ai biết được tại sao? Chúng tôi chỉ biết, chẳng hạn là, Orsini và Vitelli là những người từng thúc giục anh tấn công Florence trong chiến dịch vừa qua, và anh đã từ chối. Quyết định quan trọng của chúng tôi dựa trên chữ tín của anh.

“Nếu những người này tiêu diệt được anh, họ sẽ truất phế cha anh, và chúng ta sẽ có một Giáo hoàng chiến binh do chính bọn họ chọn. Trong trường hợp đó, quyền lực của họ sẽ gây ra thảm họa. Họ không giống anh, sẽ không ngần ngại tấn công và thậm chí cướp bóc Florence.

“Ngoài ra, tôi đã nói với Hội đồng rằng không sớm thì muộn anh cũng biết được âm mưu này vì những kẻ kia không biết giữ bí mật. Khi biết bọn họ phản bội, với tài năng chiến thuật thượng đẳng, anh sẽ đánh bại những kẻ mưu phản kia.” Vẻ láu lỉnh thoáng hiện trên khuôn mặt Machiavelli. “Thế nên tôi đề nghị đích thân thông báo cho anh. Như thế may ra chúng tôi có thể giành được đôi chút thiện chí từ anh.”

Cesare cười xòa, vỗ lưng anh chàng Florence. “Ôi Trời! Machiavelli à! Anh đúng là tài giỏi, không ai sánh được, thể hiện tính bộc trực tuyệt vời, lập luận thật sắc sảo!”

* * *

Mặc dầu ở vào một tình thế gần như vô vọng, Cesare vẫn đi các nước cờ thần tốc. Chàng rút các lực lượng trung thành của mình ra khỏi Ubino và Camerino, tập trung quân xa hơn về phía bắc, trong những pháo đài kiên cố, có vị thế và phương tiện phòng thủ rất tốt của vùng Romagna.

Hơn thế nữa, chàng còn cử các phái viên tỏa đi khắp ngả, bất kể ngày đêm tìm kiếm nhân tài thay thế cho những tay condottieri đã phản bội chàng. Chàng muốn có những tay chỉ huy mới tài năng và những toán quân đánh thuê dạn dày trận mạc, hi vọng là có được những dàn đại pháo, và chàng cũng muốn huy động cả bộ binh của Val di Lamone vốn được xưng tụng là bộ binh thiện chiến nhất đất Ý - tại một vùng gần Faenza, miền đất vốn được đối xử và cai trị tốt kể từ khi thuộc quyền chàng. Chàng còn liên lạc với cả vua Louis để cầu chi viện.

Trong vòng một tuần, Machiavelli gửi một báo cáo cho Hội đồng mười người. “Có thể khẳng định một điều chắc chắn, đó là vua Pháp sẽ chi viện binh sĩ, còn Giáo hoàng sẽ cung cấp tiền bạc dồi dào cho Cesare. Bọn mưu phản trì hoãn hành động quá lâu nên đã tạo cho Cesare một lợi thế quý giá. Giờ đây tôi nhận định rằng đã quá muộn để gây tổn hại đáng kể cho Cesare Borgia bởi khắp các thành phố đều đã được bố trí quân lính và đầy đủ quân trù bị.”

Đám mưu phản nhanh chóng nhận những điều mà Machiavelli cũng thấy. Và thế là âm mưu dần tan tành.

Bentivoglio là người đầu tiên tiếp cận Cesare, xin tha thứ và hứa kết lại liên minh. Sau đó anh em nhà Orsini biểu lộ ước muốn thiết lập hòa bình, còn giả như đám mưu phản còn lại không muốn làm hòa, nhà Orsini sẽ phản lại chúng. Chỉ còn có Guido Feltra là lặn mất tăm. Cuối cùng, Cesare gặp gỡ và đề xuất với mọi kẻ thù của chàng những điều khoản rộng lượng: Trước tiên chàng bảo đảm với họ rằng sẽ không có sự trừng phạt nào. Còn chuyện đám mưu phản chiếm giữ Camerino và Urbino, rất tiếc, chàng không thể thay đổi ý kiến. Hai vùng đó phải được hoàn lại cho chàng. Tuy nhiên chàng trấn an Bentivoglio rằng anh ta có thể giữ Bologna, vì Giáo hoàng đã kí một thỏa ước với Bentivoglio theo lời thúc giục của vua Pháp. Đổi lại, Bentivoglio đồng ý cung cấp thương giáo và ngựa chiến cùng quân sĩ cho chiến dịch sắp tới.

Mấy tay condottieri - Orsini, Vitelli, Gravina và da Fermo - sẽ lại đảm nhận vị trí tùy tướng trong quân lực của Cesare.

Trong vòng sáu tuần, mọi chuyện lại yên lành. Khi quân Pháp đến, Cesare gửi họ trở về với Louis cùng lời cảm ơn.

Âm mưu tạo phản đã chấm dứt.

* * *

Tuy nhiên ở Rome, dẫu Cesare không biết, Alexander vẫn lo gánh vác để đỡ đần cho con trai mình. Ông biết rằng không thể trừng phạt Franco và Paolo Orsini chừng nào hồng y Antonio còn sống - vì với tư cách tộc trưởng, hồng y sẽ xem đó là việc cần giáng đòn thù đích đáng, và Giáo hoàng không muốn mạo hiểm đánh mất đứa con trai cột trụ của gia tộc mình. Và thế là, Alexander mời hồng y đến điện Vatican bảo với Antonio rằng ông đang xem xét cất nhắc đứa cháu của hồng y vào một vị trí trong Giáo hội. Antonio Orsini chấp nhận lời mời đến Vatican không phải là không có chút kiêng dè nghi ngại, dẫu bề ngoài vẫn ra vẻ khiêm hạ và biết ơn.

Vừa ngồi vào phòng riêng của Giáo hoàng, hồng y được phục vụ một dạ yến thịnh soạn với vô số món trân kì và nhiều loại rượu ngon hảo hạng. Họ bàn luận thoải mái về các vấn đề chính trị và đùa nhau về các ả giang hồ hạng sang mà cả hai từng cùng chấm mút. Nhìn bề ngoài, có vẻ cả hai đều vui vẻ thân thiện, nhưng người ngoài khó ai đoán được điều gì ẩn giấu trong trái tim của hai con người thần thánh này. Nhưng hồng y lúc nào cũng nhạy bén và cảnh giác với nhà Borgia, từ chối uống rượu vì sợ đánh thuốc độc. Tuy nhiên khi thấy Giáo hoàng ăn rất ngon miệng thì hồng y cũng khoái mồm nhai nuốt thỏa thuê, chỉ yêu cầu uống nước lọc thay vì rượu, vì nước uống trong suốt nên có gì lạ là ông phát hiện ra ngay. Sau khi bữa ăn kết thúc, ngay lúc Giáo hoàng mời hồng y theo mình về thư phòng, hồng y Antonio Orsini ôm bụng quằn quại, đổ nhào từ trên ghế xuống sàn nhà, mắt trợn ngược giống như các vị thánh tử đạo trong bích họa trên tường tại dãy phòng riêng của Giáo hoàng.

“Lạ nhỉ, ta có uống chút rượu nào đâu,” hồng y thì thầm giọng khàn khàn.

“Thế nhưng ngươi đã ăn con mực đen ngòm rồi.”

Ngay đêm hôm đó hồng y Orsini được các vệ binh giáo triều mang ra khỏi Vatican để chôn. Tại buổi lễ mi-xa ở nhà nguyện ngày hôm sau, đích thân Giáo hoàng dâng lời nguyện cầu cho linh hồn hồng y, tiễn ngài về nước Thiên đàng cùng với bao lời chúc phúc ân cần của Giáo hoàng.

Sau đó Alexander sai vệ binh giáo triều đến tịch biên tài sản của hồng y Orsini - kể cả dinh thự của ông ta, vì chiến dịch bành trướng của Cesare cần nhiều vốn tăng cường. Nhưng khi các vệ binh đi đến, họ thấy một bà già tóc xám tàn tạ xấu xí, mẹ của hồng y Orsini, họ bèn tống cổ bà ra đường. “Ta phải có người hầu chứ,” bà run rẩy hét lên, loạng choạng, cố cầm gậy đứng vững. Và thế là họ cho mấy người đầy tớ đi theo bà.

Đêm ấy tuyết rơi đầy trời thành Rome, gió rét cắt da và lạnh kinh người. Nhưng chẳng ai dám cho bà già tội nghiệp kia vào trú ẩn, vì sợ Giáo hoàng nổi giận thì có mà khốn. Hai ngày sau, trong nhà nguyện ở điện Vatican, Giáo hoàng dâng một lễ mi-xa khác - lần này cho mẹ hồng y Orsini, con người xấu số phải chịu bất hạnh nằm chết co ro ngoài bục cửa nhà người ta, bàn tay nhăn nheo còn giữ chặt cây gậy đã đóng băng.

* * *

Vào tháng mười hai, trên đường đi đến Senigallia, Cesare dừng chân ở Cesena để điều tra về ngài thống đốc ở nơi này, Ramiro da Lorca. Ông ta đã được giao trọng trách này, nhưng giờ đây nhiều điều tiếng về sự bất bình của dân chúng nơi đây đã lọt đến tai Cesare.

Những lời đồn gần đây về sự tàn bạo của da Lorca buộc Cesare triệu tập cuộc họp ở ngay quảng trường, trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng sở tại, để da Lorca có thể tự biện hộ. “Ta nghe ông đã dùng cực hình tàn khốc để trừng phạt dân chúng. Đúng thế không?” Cesare chất vấn.

Mái tóc đỏ bù xù như lông thú phủ quanh đầu, đôi môi dày cui mím chặt, da Lorca nói bằng giọng cao đến chói tai. “Thưa đức ông, không phải vô cớ mà tôi cư xử tàn bạo như thế,” hắn ta nói. “Bởi chẳng ai chịu nghe và rất ít người chịu thi hành lệnh của tôi.”

Cesare hỏi, “Ta được báo rằng một người hầu trẻ đã bị ném vào ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt nơi quảng trường, theo lệnh của ngươi, và ngươi còn giẫm chân lên thi thể bị thiêu sống đó?”

Da Lorca ngập ngừng, “Nhưng tất nhiên là có lí do.”

Cesare đứng nghiêm, bàn tay đặt lên đốc kiếm. “Thế thì ta phải nghe cái lí do ấy đây!”

“Cái thằng oắt ấy nó bố láo… và hậu đậu nữa,” da Lorca đáp.

“Này thống đốc, ta thấy lời biện hộ của ông không thỏa đáng,” Cesare nghiêm khắc nhận xét.

Cesare cũng nghe là Ramiro đã thông đồng với những kẻ âm mưu nhằm bẫy chàng. Nhưng đối với chàng thiện chí của dân chúng ở Cesena còn quan trọng hơn. Bất kì hành động tàn bạo vô lí nào cũng sẽ phá hoại sự kiểm soát của nhà Borgia trong những vùng lãnh thổ của Romagna mà Cesare cai trị, và vì thế da Lorca phải bị trừng phạt.

Theo lệnh Cesare, da Lorca tức khắc bị ném vào ngục tối của pháo đài. Sau đó, Cesare cho người gọi anh bạn trung thành Zappito đến, phong anh ta làm thống đốc mới của Cesena và ban cho một túi lớn đựng đầy ducat, cùng với những hướng dẫn tỉ mỉ về việc an dân trị quốc.

Nhưng ngay khi Cesare rời khỏi thành phố, dân chúng vô cùng kinh ngạc khi thấy Zappito phóng thích tay Ramiro da Lorca nhẫn tâm và tàn bạo kia khỏi ngục tối. Và mặc dầu không hài lòng vì hắn ta được trả tự do, nhưng họ cũng cảm thấy may mắn - vì họ nhận ra Zappito là một vị thống đốc nhân từ.

Nhưng buổi sáng sau lễ Giáng sinh, người ta bỗng thấy Ramiro da Lorca bị chặt đầu, trói chặt vào lưng ngựa phóng qua khu chợ, trên người vẫn còn chiếc áo choàng Giáng sinh màu đỏ vàng, phục sức lộng lẫy. Lúc đó mọi người nhất trí rằng quả là đại bất hạnh cho da Lorca khi được thả ra khỏi ngục tối.

* * *

Cesare chuẩn bị tấn công Senigallia do nhà della Rovere thống trị. Chàng đã lên kế hoạch từ lâu nhằm chiếm thành phố cảng trên bờ biển Adriatic, thế là chàng ra lệnh điều quân về vùng duyên hải để hợp sức với lực lượng của đám mưu phản trước đây. Các condottieri trung thành và đám phản loạn thấy vui vì lại được cùng nhau tác chiến, theo lệnh của Cesare, cả hai đạo quân cùng thẳng tiến về miền duyên hải. Khi đoàn quân tiến đến Senigallia, thành phố nhanh chóng đầu hàng. Nhưng Andrea Doria, viên chỉ huy pháo đài, nhấn mạnh rằng chỉ đầu hàng Cesare mà thôi.

Trong lúc đợi cả hai bên gặp mặt, Cesare ra lệnh cho những đạo quân trung thành nhất của mình áp sát thành phố, còn quân lực của các tùy tướng khác đóng ở xa cổng thành.

Theo lệnh Cesare các tùy tướng trung thành của chàng đến gặp một toán bộ binh bên ngoài cổng thành của Senigallia nhằm chuẩn bị chấp nhận sự đầu hàng của thành phố. Nhóm này cũng có cả Paolo và Franco Orsini, Oliver da Fermo và Vito Vitelli.

Dưới sự điều hành của Cesare, cả đoàn tướng lãnh và các toán quân hộ vệ tiến vào cổng thành gặp tướng chỉ huy thành Andrea Doria trong một dinh thự để bàn thảo các điều kiện đầu hàng.

Khi đi vào thành và những cánh cổng thành khổng lồ khép lại phía sau, Cesare cười thoải mái khi nhận thấy rằng người đa nghi nhất cũng không thể nghi ngờ quân đội giáo triều sẽ đánh cướp thành phố khi cuộc thương nghị đang diễn ra.

Bước vào dinh thự nhỏ, Cesare dẫn đầu họ đến một phòng tiếp tân hình bát giác, sơn màu hồng đào với bốn cánh cửa phía trong, một bàn hội nghị lớn và những chiếc ghế màu hồng đào, bọc nhung.

Họ nói chuyện thoải mái, uống rượu vang người hầu đã rót. Ở đây sẽ không có chuyện đánh nhau, và Paolo cùng Franco Orsini, Oliver da Fermo, Vito Vitelli - đám mưu phản cũ, sung sướng được chấp nhận trở lại, đặc biệt là được tham gia vào một chiến dịch đã thấy trước thành công.

Cesare tiến bước đến trung tâm căn phòng. Gỡ bỏ thanh kiếm của mình. Cesare giải thích đây là một cuộc thương nghị hòa bình nên chàng đề nghị các tùy tướng cởi bỏ vũ khí trước khi tướng Doria đến. Họ sẵn sàng làm theo lệnh chàng, giao vũ khí của mình cho một trong những sĩ quan tùy viên của Cesare. Chỉ riêng Vito Vitelli là lo lắng cổng thành đã đóng, còn quân của họ lại cách cả hàng mấy trăm dặm, bên ngoài các tường thành.

“Mời quý vị an tọa,” Cesare ngắn gọn. “Senigallia vẫn luôn luôn là một thành phố cảng có ý nghĩa, nhưng tôi tin rằng nó sẽ càng có ý nghĩa hơn nhiều sau ngày hôm nay. Tất cả quý vị đều thật xứng đáng với những phần thưởng của mình và quý vị sẽ được lãnh thưởng ngay bây giờ thôi. Nào!”

Với tiếng “Nào,” hơn hai mươi người trang bị vũ khí đến tận răng đổ ngay vào phòng từ khắp các phía. Và không đầy một phút Paolo và Franco Orsini, Oliver da Fermo, và Vito Vitelli bị trói chặt vào ghế.

Mắt Cesare tối sầm lại, “Thế này nhé, thưa các quý ông. Để thưởng công quý vị, cho phép tôi giới thiệu người bạn tốt của tôi, Don Michelotto.”

Michelotto mỉm cười, cúi người chào. Anh ta ghê tởm sự phản bội. Lấy sợi dây thắt cổ từ tay phụ tá, anh ta lần lượt siết cổ từng tên tướng bất trung trong lúc các tên kia khiếp đảm theo dõi.

* * *

Khi trở về Rome, Cesare được dân chúng và Giáo hoàng chào đón nồng nhiệt. Cha chàng cùng một đặc phái viên đứng tại cổng thành đợi chàng về. Kể từ lúc chinh phục Romagna thành công Cesare dễ mỉm cười hơn; dường như chàng hài lòng với bản thân cũng như Giáo hoàng hài lòng về cậu con cả và không còn nghi ngờ gì nữa, cả đất Ý sẽ chẳng mấy chốc mà nằm dưới sự thống trị của Cesare.

Thậm chí, Giáo hoàng và Cesare từng bí mật bàn về việc trao vương miện cho chàng, hoặc ít ra là phong chàng làm vua xứ Romagna. Nhưng trước tiên chàng phải thôn tính Tuscany, dù cho đến nay, Giáo hoàng vẫn chưa cho phép tấn công. Tối hôm đó tại phòng riêng, trong khi Cesare nghỉ ngơi thư giãn và vui sướng nhớ lại các chiến thắng vang dội, bỗng người hầu mang tới một cái hộp với bức thư từ Isabella d’Este, chị gái của công tước xứ Ubino, người mà chàng vừa truất phế.

Khi Cesare lưu lại nhà của anh trai nàng ở Urbino, chàng đã nhận được một bức thư từ nàng, xin chàng trả lại hai pho tượng quý mà chàng đã tịch biên ở lâu đài - một tượng thần Cupid, và một tượng thần Venus. Hai pho tượng này mang nặng những giá trị tình cảm không thể cân đong đo đếm đối với nàng, nàng giải thích và không nhắc gì đến sở thích sưu tập đồ cổ của mình.

Nhưng giờ đây vì nàng là chị chồng của Lucrezia, xúc động với lời van nài, chàng liền cho mấy tên thủ hạ mang các bức tượng trao trả cho nàng. Trong bức thư này nàng tạ ơn chàng về lòng tử tế, và gửi chút quà mọn đáp lễ.

Đó là một cái hộp lớn, được buộc bằng ruy-băng lụa và thắt nơ vàng. Chàng phấn khích mở chiếc hộp ra, giống như khi còn bé nhận được một món quà bất ngờ. Thận trọng mở nắp ra, chàng chầm chậm dỡ tấm giấy da dê bao bọc món quà, bên trong là một trăm chiếc mặt nạ đủ loại. Những chiếc mặt nạ bằng vàng nạm ngọc, mặt nạ xa-tanh màu đỏ và vàng, rồi những chiếc mặt nạ huyền bí màu đen và bạc, cùng những chiếc khác có hình như mặt rồng, quỷ và cả thánh. Cesare cười sảng khoái, xem xét từng chiếc một, rồi soi gương ướm thử chúng lên mặt mình, thích thú ngắm các khuôn mặt khác nhau xuất hiện trước mắt chàng.

* * *

Một tháng sau Cesare và Alexander gặp nhau tại dãy phòng riêng của nhà Borgia trong điện Vatican, chờ đợi Duarte vừa mới từ Florence và Venice trở về.

Alexander hào hứng nói với Cesare về những kế hoạch mới của ông để làm đẹp Tòa thánh Vatican. “Với nhiều thành ý và dụng công, ta đã thuyết phục được người nghệ sĩ tài hoa Michelangelo phác thảo bản vẽ cho một Đại Giáo đường Thánh Peter hoàn toàn mới. Ta muốn tạo ra một vật thể tráng lệ huy hoàng, biểu trưng cho vinh quang của thế giới Ki-tô giáo.”

“Con chưa biết tài nghệ kiến trúc của ông ta ra sao, nhưng bức tượng thần Cupid mà con đã mua chứng tỏ rằng Michelangelo đích thực là một nghệ sĩ vĩ đại.”

Ngay lúc đó, Duarte bước vào phòng và chào Alexander, hôn chiếc nhẫn Giáo hoàng.

Cesare hỏi, “Này Duarte, ông có tìm thấy những tên khốn ở Venice không? Và dân lành ở Florence có xem tôi là ông ngáo ộp, một kẻ thắt cổ mưu mô xảo quyệt đối với người vô tội, vì những chuyện xảy ra ở Senigallia?”

“Không đâu Cesare, họ tin rằng anh đã làm điều mình phải làm một cách khôn ngoan, tài trí. Chuyện đó, theo cách nói của họ là scelleratezzi glorioso, một cú lừa ngoạn mục. Dân chúng thích chuyện báo thù rửa hận - càng kịch tính, gay cấn, càng hấp dẫn.”

Nghiêm mặt lại, Duarte quay sang Alexander. “Thưa Đức Thánh Cha, trong tình cảnh hiện nay, tôi tin rằng nguy cơ thực sự hãy còn chực chờ.”

“Chuyện gì làm anh lo đến thế, Duarte? Anh đã khám phá ra chuyện gì nghiêm trọng sao?” Alexander hỏi.

Duarte nói, “Bọn mưu phản có thể đã chết - nhưng gia đình chúng vẫn còn đó. Bọn chúng ngày càng nung nấu hận thù và chắc chắn sẽ tìm cách báo thù.” Anh ta nhìn Cesare. “Họ không thể đương cự với anh bằng sức mạnh, Cesare, nhưng họ sẽ không bao giờ tha thứ cho anh. Và bởi vì giáo triều hậu thuẫn cho anh, nên đương nhiên Giáo hoàng cũng là đích nhắm của họ.”