Hồng y della Rovere và hồng y Ascanio Sforza bí mật gặp nhau trong một bữa ăn trưa, với món prosciutto, ớt ngọt đỏ xào dầu ô-liu xanh điểm thêm mấy nhánh tỏi lóng lánh và những ổ bánh mì semollna giòn rụm mới ra lò. Các loại rượu ngon đầy ắp, lênh láng, đủ cho hai vị thoải mái tâm sự. Ascanio mở lời trước. “Tôi đã lầm khi đặt lá phiếu của mình cho Alexander trong cuộc mật nghị hồng y vừa rồi. Làm phó chưởng lí cho lão ta quả là một nhiệm vụ khó như lên trời, bởi mặc dù tài cai trị của lão không chê vào đâu được, nhưng lão lại quá cưng chiều con, đến độ nếu mai kia một Giáo hoàng mới lên ngôi, Giáo hội lúc đó đã phá sản mất rồi. Khát vọng chinh phục và thống nhất Romagna đã làm cho ngân khố giáo triều gần như trống rỗng vì cứ đổ tiền như nước vào các đạo quân của hắn. Và không có một bà hoàng hay nữ công tước nào có những tủ quần áo lộng lẫy, xa hoa, như cậu cả của Giáo hoàng.”
Hồng y della Rovere mỉm cười vẻ hiểu biết. “Nhưng Ascanio thân mến, chắc là anh không bỏ công đi cả đoạn đường dài thế này để chỉ bàn luận suông về những tội lỗi của Đức Thánh Cha hiện nay, bởi chẳng có gì mới ở đây. Chắc còn điều gì đó tôi chưa biết rồi.”
Ascanio nhún vai. “Nói gì đây nhỉ? Cháu của tôi Giovanni đã bị nhà Borgia làm nhục, vùng Pesaro bây giờ bị Cesare tước đoạt. Cháu gái tôi Caterina, một anh thư nữ kiệt thật sự, hiện đang bị giam giữ trong lâu đài của nhà Borgia, đất cũng bị lấy mất. Anh trai tôi Ludovico bị quân Pháp bắt và giam vào ngục tối, vì chúng đã chiếm Milan. Nay tôi nghe Alexander đã kí mật ước với Pháp và Tây Ban Nha để xâu xé chia phần Naples, nhằm giúp cho Cesare có thể mang vương miện. Quả là đáng tởm!”
“Anh có giải pháp gì chưa?” Della Rovere hỏi. Ông đã đợi Ascanio đến gặp mình sớm hơn nhưng giờ đây ông cảm thấy cần thêm thận trọng, bởi trong thời buổi phản trắc lọc lừa như thế này cẩn thận không bao giờ thừa. Mặc dầu đám quân hầu đầy tớ đã thề không nghe, không biết, không nói, song cả della Rovere lẫn Ascanio đều thừa biết rằng dăm ba đồng ducat là quá đủ để khiến cho đứa điếc lại thính tai như ma xó, còn thằng mù thì lại thấy rõ để xỏ lỗ kim. Bởi đối với những kẻ cùng khổ thì vàng có khả năng tạo ra nhiều phép lạ hơn cả lời nguyện cầu.
Vậy là Ascanio chỉ nói thì thầm. “Khi Alexander không còn ngự trên ngai Giáo hoàng nữa, hi vọng những vấn đề của chúng ta có thể được giải quyết. Và chắc chắn trong cuộc mật nghị hồng y tiếp theo, chính ông sẽ là người được bầu chọn.”
Đôi mắt sẫm màu của della Rovere trông giống như những kẽ hở màu đen trên khuôn mặt nhợt nhạt, phì phị của ông. “Tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Alexander muốn thoái vị. Tôi nghe rằng sức khỏe của lão còn tốt lắm, chỉ còn một khả năng là nhắm vào Cesare vì ai cũng biết là hắn là một thằng điên. Nhưng đố ai dám động đến hắn?”
Ascanio Sforza đặt một bàn tay lên ngực, nói thành thực, “Thưa hồng y, ông đừng ngộ nhận. Lão Giáo hoàng này có nhiều kẻ thù lắm, những kẻ sẽ rất biết ơn vì sự giúp đỡ của chúng ta. Còn đứa con trai út của lão nữa, hắn thật sự rất muốn chiếc mũ hồng y. Tôi không đề xuất việc nhúng tay vào bất kì hành vi nào làm hoen ố linh hồn chúng ta. Tôi không đề xuất việc có thể gây nguy hiểm cho chúng ta,” ông ta nói. “Tôi chỉ yêu cầu chúng ta cân nhắc một sự thay đổi cho giáo triều này - không hơn, không kém.”
“Ý ông là lão Giáo hoàng này có thể bất thình lình ngã bệnh? Một ngụm rượu? Hay có thể là một con sò độc?” Ascanio nói lớn đủ cho bọn đầy tớ nghe, “Không ai có thể xác chứng lúc nào thì Cha Trên Trời sẽ gọi con cái Người về trời”.
Della Rovere ngẫm nghĩ những điều Ascanio nói, lập ra trong đầu danh sách những kẻ thù của nhà Borgia. “Có đúng là Alexander đang lên kế hoạch gặp mặt công tước xứ Ferrara nhằm đề xuất một liên minh hôn nhân mới cho con gái lão với con trai của công tước, Alfonso d’Este?”
“Tôi chỉ nghe loáng thoáng vụ ấy,” Ascanio nói. “Nhưng nếu đúng, thằng cháu Giovanni của tôi đã nghe ngóng ra ngay, vì vừa rồi đích thân nó có đến Ferrara. Nó mà biết, bịt mồm nó vẫn nói ra. Tôi tin chắc Ferrara sẽ từ chối bất kì liên minh nào dính líu đến cô nàng Lucrezia ô danh kia. Vì cô ta là món hàng qua tay quá nhiều người rồi.”
Della Rovere đứng lên. “Cesare Borgia sẽ chiếm lấy những vùng lãnh thổ của Romagna, và đặt dưới quyền kiểm soát của Giáo hoàng. Ferrara là vùng lãnh thổ cuối cùng còn lại và một khi liên minh kia thành hình, nhà Borgia sẽ nắm trong tay tất cả chúng ta. Rồi chắc là Alexander sẽ muốn thắng bằng tình yêu hơn là bằng chiến tranh. Vì vậy lão sẽ thúc đẩy liên minh này, còn chúng ta cũng phải ra sức chống lại. Vì cần phải chặn đứng bàn tay nham nhúa của lão ấy lại.”
* * *
Khi cả gia tộc đã họp mặt tại Rome, Alexander đẩy nhanh tiến độ những cuộc thương lượng quan trọng cho cuộc phối ngẫu giữa con gái ông, Lucrezia, với chàng trai hai mươi bốn tuổi Alfonso d’Este, công tước tương lai xứ Ferrara.
Gia đình d’Este thuộc hàng danh gia vọng tộc nhất của giới quý tộc Ý. Và mọi người nghĩ rằng toan tính gần đây nhất của Alexander chắc chắn sẽ thất bại. Thế nhưng riêng ông biết rằng nó không được phép thất bại.
Công quốc Ferrara tọa lạc tại một vị trí có tầm quan trọng chiến lược lớn. Nó làm thành vùng đệm giữa Romagna và Venice, mà người Venice lại thường có thái độ thù địch và không đáng tin. Hơn thế nữa, Ferrara được vũ trang tốt, được phòng ngự vững chắc và sẽ là một đồng minh đáng mơ ước.
Tuy nhiên phần lớn người dân thành Rome không tin thế gia quyền quý d’Este lại chịu hạ cố để cho người thừa kế rất được yêu quý của công quốc lừng lẫy uy danh kia kết hôn với nhà Borgia, một gia tộc Tây Ban Nha mới nổi, mặc dù có được thanh thế Giáo hoàng của Alexander hay một Cesare vũ dũng hơn người, giàu nứt đố đổ vách, nhưng cũng không thể làm mọi chuyện khác đi. Thế nhưng Ercole d’Este, cha của Alfonso, vị công tước đang tại vị của Ferrara, lại là một con người có đầu óc vô cùng thực tế. Ông ta hoàn toàn hiểu rõ tài năng quân sự và tính hiếu chiến của Cesare. Với tất cả những công sự phòng thủ của mình, Ferrara có lẽ phải oằn mình trải qua một thời gian khó khăn nếu bị đạo hùng binh của Cesare tấn công. Và không có gì bảo đảm rằng trong năm tới, Cesare sẽ không tấn công Ferrara. Ông biết rằng một liên minh hôn nhân với nhà Borgia có thể biến một kẻ thù nguy hiểm tiềm tàng thành một bạn đồng minh hùng mạnh để đối đầu với người Venice. Và ông lập luận, xét cho cùng thì một Giáo hoàng, dẫu sao cũng vẫn là Người Đại Diện của Chúa Jesus trên mặt đất và là người đứng đầu của Hội Thánh Thiêng Liêng. Nếu xem xét kĩ, tất cả những điều này cũng phần nào bù đắp cho khiếm khuyết về dòng dõi và văn hóa của nhà Borgia.
Nhà d’Este, vốn phụ thuộc vào người Pháp, luôn ngay ngáy lo làm hài lòng vua Louis. Ercole biết rằng nhà vua quyết duy trì mối giao hảo với Giáo hoàng, đồng tình cuộc phối ngẫu giữa Alfonso và Lucrezia, bằng chứng là mấy tuần lễ gần đây, nhà vua luôn mạnh mẽ tỏ ý với Ercole.
Và thế là những cuộc thương nghị khó khăn và rắc rối tiếp diễn trong nhiều ngày. Cuối cùng, cũng giống như những cuộc thương lượng khác, chuyện tiền bạc sẽ tính thế nào đây.
Vào ngày cuối cùng, Duarte Brandao gặp Alexander và Ercole d’Este trong một cuộc hội kiến mà mỗi người đều hi vọng rằng, cuối cùng sẽ đưa đến sự đồng thuận. Ba người ngồi trong thư phòng của Alexander.
“Thưa Đức Thánh Cha,” Ercole bắt đầu, “Tôi để ý rằng khắp các căn phòng lộng lẫy của ngài chỉ có tác phẩm của Pinturicchio. Không có Botticelli? Không Bellini hay Giotto? Và thật là xấu hổ khi chẳng có tác phẩm nào của những nghệ sĩ bậc thầy như Perugino hay Fra Lippo Lippi.”
Alexander không tỏ ra bối rối chút nào. Ông có những quan điểm không đổi về nghệ thuật. “Ta thích Pinturicchio. Một ngày nào đó rồi anh ta sẽ được nhìn nhận là họa sĩ vĩ đại nhất.”
Ercole mỉm cười kẻ cả. “Tôi lại không nghĩ thế, thưa Đức khánh Cha. Tôi e rằng ngài là người duy nhất ở Ý vẫn còn giữ quan điểm đó.”
Duarte nhận ra ý đồ chiến thuật của Ercole - làm nổi bật truyền thống lâu đời và bề dày văn hóa của nhà d’Este bằng cách so sánh với gu thẩm mĩ tẻ nhạt và thiếu hiểu biết về văn hóa của nhà Borgia. “Có lẽ ông đúng đấy, Don Ercole ạ,” Duarte tinh quái trả miếng, “những thành bang mà chúng tôi đã chinh phục trong năm nay chứa rất nhiều tác phẩm của những nghệ sĩ tài hoa mà ông vừa kể. Cesare đề xuất đưa các tác phẩm ấy về đây, nhưng Đức Thánh Cha từ chối. Tôi vẫn hi vọng thuyết phục ngài hiểu giá trị của những tác phẩm nghệ thuật cỡ đó và chúng sẽ làm tăng thêm danh giá cho Vatican như thế nào. Quả thực là vừa mới đây thôi chúng tôi đã bàn luận về thành phố của ông, Ferrara, có bộ sưu tập lớn nhất và giá trị nhất trong tất cả - thêm vào đó, còn đầy vàng bạc.”
Trong một thoáng Ercole tái người, hiểu ngay điều mà Duarte cố tình nói bóng gió. Ông ta bèn chuyển đề tài. “Chà, có lẽ chúng ta nên bàn về của hồi môn.”
“Ông mong nhận được bao nhiêu, Don Ercole?” Alexander hỏi với đôi chút lo lắng.
“Tôi đã nghĩ là ba trăm ngàn ducat, thưa Đức Thánh Cha,” Ercole d’Este nói với vẻ ung dung tự mãn.
Alexander sặc rượu, vì ông vốn trù tính bắt đầu chào giá ở mức ba mươi ngàn ducat. “Ba trăm ngàn ducat là quá nhiều đấy.”
“Tuy nhiên, đó là cái giá tối thiểu để chúng tôi có thể chấp nhận mà không cảm thấy bị sỉ nhục,” Ercole lễ phép thưa trình. Vì con trai chúng tôi, Alfonso là một chàng trai trẻ xuất sắc với tương lai vô cùng xán lạn, rất nhiều nơi muốn gả.”
Trong hơn một tiếng đồng hồ cò kè bớt một thêm hai, mỗi bèn đều đưa ra bằng chứng cho rằng mình đã rộng rãi lắm rồi. Khi Giáo hoàng nhất quyết giữ giá, Ercole dọa rời đi. Alexander bèn xét lại, và đề xuất một thỏa hiệp. Ercole từ chối, và Alexander dọa rời đi, nhưng khi nhìn thấy nét mặt ngạc nhiên của vị công tước nọ, ông chịu nán lại.
Cuối cùng Ercole chấp nhận hai trăm ngàn ducat, mà Alexander còn coi đó là một món hồi môn quá lớn, bởi Ercole còn khăng khăng đòi miễn trừ khoản thuế thường niên mà Ferrara phải nộp cho Hội Thánh. Và thế là vào ngày ấy cuộc hôn phối thập kỉ được thực hiện.
* * *
Trở về Rome, việc đầu tiên là Cesare gặp riêng cha để hỏi về nữ tù nhân của mình, Caterina Sforza. Chàng được báo là ả từng cố tìm cách tẩu thoát khỏi Belvedere và để trừng phạt, ả liền bị tống giam vào Castel Sant’ Angelo, một nơi dơ bẩn và tù túng hơn nhiều. Cesare lập tức đến thăm ả.
Lâu đài Sant’ Angelo là một pháo đài tròn khổng lồ với những căn phòng được trang trí lộng lẫy bên trên, nhưng tầng hầm rộng thênh thang bên dưới là những ngục tối lớn. Cesare ra lệnh cho đám lính gác mang Caterina lên tầng trên và dẫn vào một phòng tiếp tân lớn. Đã lâu rồi không thấy ánh mặt trời, nên mắt ả nheo lại nhìn. Có điều lạ là ả vẫn còn đẹp. Và hấp dẫn nữa chứ, dẫu có hơi xộc xệch. Cesare ân cần chào hỏi, cúi xuống hôn tay ả. “Nào, bạn thân mến,” chàng nói, tươi cười. “Chẳng lẽ bà lại ngốc hơn tôi tưởng? Tôi đưa bà vào nơi chốn tuyệt vời nhất để sống ở Rome và bà lại trả ơn lòng độ lượng của tôi bằng mưu đồ vượt ngục? Bà không khôn ngoan như tôi từng nghĩ.”
“Cậu phải biết chuyện ấy chứ,” ả nói, không lộ cảm xúc nào.
Cesare ngồi trên chiếc trường kỉ chạm khắc đẹp và mời Caterina ngồi nhưng ả từ chối. “Tôi từng nghĩ bà sẽ âm mưu đào thoát,” Cesare giải thích, “nhưng tôi tin là bà biết tự đánh giá tình hình, biết suy xét điều hơn lẽ thiệt và tin rằng bà sẽ thích bị giam giữ trong tiện nghi chứ không phải sống trong khốn khổ?”
“Bị giam tù trong nơi chốn tiện nghi nhất cũng vẫn là khốn khổ,” ả nói lạnh lùng.
Cesare thấy thú vị bởi vì mặc dầu giọng ả đầy căm hận, chàng vẫn thấy ả quyến rũ. “Nhưng hiện nay kế hoạch của bà là gì?” chàng hỏi. “Vì tôi chắc rằng bà không thể sống hết đời trong lâu đài Sant’ Angelo.”
“Thế cậu định cho tôi chọn lựa thế nào?” Ả hỏi kiểu thách thức.
“Kí các văn kiện chính thức giao vùng Imola và Forli,” Cesare nói. “Và chấp thuận không mưu tính tái chiếm lại chúng. Lúc đó tôi sẽ ra lệnh phóng thích bà, bà có thể tự do lui về bất kì nơi nào bà chọn.”
Caterina mỉm cười ranh mãnh với chàng. “Ta có thể kí bất kì văn kiện nào cậu đưa ra, nhưng chuyện ấy làm sao ngăn cản ta tìm cách tái chiếm lãnh thổ đã mất của mình?”
“Một nhà cai trị kém phẩm giá có thể làm điều đó,” chàng nói, “nhưng tôi thấy khó tin là bà lại phản bội lại những gì bà đã đồng ý kí kết. Dĩ nhiên luôn luôn có khả năng là bà nuốt lời, ngay cả sau khi đã thề hứa và kí kết, nhưng trong trường hợp đó chúng tôi sẽ chứng minh tại tòa án ở Rome rằng chúng tôi mới thực sự là những nhà cai trị hợp pháp. Và lí lẽ của chúng tôi càng được củng cố thêm do tính thất hứa của bà.”
“Cậu cậy vào điều này?” Ả hỏi, cười hào sảng. “Ta thấy chuyện đó khó tin quá. Có điều gì khác cậu đang giấu ta phải không?”
Cesare nở nụ cười quyến rũ với ả. “Đúng là khôn ngoan không có chỗ cho tính đa cảm. Nhưng nói thật lòng, tôi không thích một tạo vật mĩ miều như bà lại phải nằm trong ngục tối để chịu mục rữa suốt đời. Như thế thật phí.”
Caterina ngạc nhiên khi phát hiện ra là mình đang mất chàng ta, nhưng ả không để cho con tim thay đổi, thỏa hiệp với kẻ thù sớm như thế! Ả có một bí mật cần thổ lộ riêng với chàng, nhưng rồi ả nghĩ, nên chăng? Ả cần thời gian cho quyết định đó. “Ngày mai hãy trở lại, Cesare,” ả nói vui vẻ. “Cho ta cân nhắc đã.”
Ngày hôm sau khi Cesare đến, chàng lệnh cho quân lính đưa Caterina lên lại tầng trên. Ả sai đám người hầu mà Cesare gửi đến giúp mình tắm rửa và sửa soạn tóc tai. Giờ đây mặc dầu quần áo của ả đã bạc màu và có nhiều chỗ vá, song chàng có thể thấy là ả đã chủ tâm làm cho mình hấp dẫn hơn.
Chàng tiến bước về phía ả nhưng ả không lui bước, mà cũng tiến tới phía trước. Chàng chạm vào ả rồi kéo ả xuống chiếc trường kỉ cùng mình, hôn ả đắm đuối. Nhưng khi ả đẩy ra, chàng không cản.
Ả nói với Cesare, trong lúc lùa các ngón tay qua những lọn tóc hung đỏ của chàng. “Ta sẽ làm như chàng gợi ý. Nhưng những người khác sẽ nói chàng điên khi tin ta.”
Cesare nhìn ả say đắm. “Họ đã nói thế rồi. Nếu mấy tay tùy tướng của tôi mà được quyền quyết định, thì giờ này chắc là bà đang trôi trên sông Tiber rồi,” chàng nói. “Bà đã quyết định đi về đâu chưa?”
Họ cùng ngồi lên trên chiếc trường kỉ, và chàng nắm tay Caterina. “Đến Florence. Imola và Forli dĩ nhiên là không thể, còn những thân nhân của ta ở Milan thật chán chết. Florence, ít ra cũng là nơi thú vị. Không chừng ta còn tìm được một ông chồng ở đấy cũng nên - mong Chúa phù hộ cho anh ta!”
“Anh ta sẽ là chàng tốt số đấy,” Cesare nói với một nụ cười. “Mọi văn kiện giấy tờ sẽ đến đây tối nay, và ngày mai bà có thể lên đường cùng một toán quân hộ tống đáng tin cậy, dĩ nhiên rồi.”
Chàng dợm bước đi, nhưng dừng lại ở cửa và quay về phía ả. “Bảo trọng nhé, Caterina.”
“Bảo trọng,” ả đáp lại.
Khi Cesare ra đi, ả bỗng thấy buồn chi lạ. Vì trong thời khắc ấy ả chắc rằng họ sẽ chẳng tao phùng được nữa, và như thế có lẽ chàng sẽ chẳng bao giờ biết rằng ba cái mảnh giấy lộn kia chẳng thể thay đổi được gì. Bởi ả đã mang trong mình cốt nhục của Cesare. Là mẹ của đứa con thừa kế, những vùng lãnh thổ kia cuối cùng rồi ra cũng lại thuộc về ả.
* * *
Filofila là nhà thơ châm biếm cay độc nhất thành Rome. Được nhà Orsini bí mật thuê, Filofila còn nằm dưới sự bảo hộ của hồng y Antonio Orsini. Filofila đã bịa ra những tội ác đê tiện nhất cho những con người thánh thiện nhất. Thậm chí hắn còn giao du với đám người xấu xa, miễn là bọn họ có địa vị cao trong xã hội. Hắn có thể bôi nhọ dân chúng cả thành phố như: Florence là ả điếm vú to mông bự, một thành phố đầy những kho tàng và những nghệ sĩ lớn nhưng thiếu những chiến binh dũng cảm. Dân chúng thành Florence là những kẻ cho vay nặng lãi, làm đầy tớ cho bọn Thổ Nhĩ Kỳ ngoại đạo, sành sỏi thói kê gian. Và giống như một ả giang hồ, thành phố này ve vãn mọi thế lực ngoại bang để tìm kiếm sự bảo hộ, thay vì liên kết với các thành bang Ý ruột thịt của mình.
Venice, tất nhiên là thành phố dối trá không thể tha thứ nổi vì đám quan thống lãnh, những kẻ bán cả máu dân, hành hình những công dân của mình nếu họ dám nói cho người ngoài việc mua tơ lụa ở Viễn Đông tốn bao nhiêu ducat. Venice là một con rắn khổng lồ, nằm phục nơi một con kênh để chờ đớp bất kì miếng nào của thế giới văn minh có thể đem lại lợi tức cho nó. Một thành phố không có nghệ thuật hay tiểu thủ công, không có những quyển sách giá trị hay những thư viện lớn, một thành phố mãi mãi đóng cửa đối với văn học cổ điển. Nhưng đó là một thành phố xảo trá lão luyện, với đủ trò mưu ma chước quỷ hòng thực hiện tội ác.
Naples là thành phố của bệnh giang mai, tai họa do quân viễn chinh Pháp, và cũng giống như Milan, là kẻ nịnh hót bợ đỡ quân Pháp, kết giao với bọn Florence mê thói kê gian.
Nhưng chính nhà Borgia mới là đích nhắm trong những vần thơ tục tĩu nhất của Filofila.
Hắn ngâm nga những bài vè về thói ăn chơi trác táng trong điện Vatican, những cuộc mưu sát ở Rome và trong tất cả các thành bang trên đất Ý. Văn khí của hắn hùng hồn, văn tài của hắn điêu luyện, hắn cầm bút lên để tuyên cáo rằng Giáo hoàng Alexander đã dùng việc buôn bán chức thánh để mua lấy địa vị Giáo hoàng, hay là chuyện ông ta có đến hai mươi đứa con hoang. Ông ta đã đặt điều lừa dối về chuyện mở các cuộc Thập tự chinh, lấy cắp tiên từ Ngân khố Thánh Peter để trả cho binh sĩ của Cesare Borgia, phong cho con cả làm lãnh chúa Romagna và chà đạp các lãnh thổ thuộc giáo triều. Tất cả vì cái gì? Để vun vén cho gia đình ông ta, chiều chuộng các con, thỏa mãn các nàng bồ nhí, và vung vãi cho các cuộc ăn chơi trác táng trụy lạc của cả nhà ông ta. Và còn đáng ghê tởm hơn nữa: làm như phạm tội loạn luân với con gái của chính mình còn chưa đủ, ông ta còn chỉ dẫn cho cô ả đánh thuốc độc những kẻ thù hùng mạnh của mình trong Hồng y đoàn và sau đó đem mua bán cô nàng trong hôn nhân, không chỉ một lần mà nhiều lần nhằm củng cố liên minh của ông ta với những gia đình hùng mạnh khác trên đất Ý. Một cuộc hôn nhân bị hủy bỏ; cuộc hôn nhân kia làm cô thành góa bụa - chuyện này gây ra bởi chính anh trai cô ta, Cesare Borgia.
Tuy nhiên, những bài thơ về Cesare mới là tuyệt đỉnh châm biếm. Với chi tiết tỉ mỉ, sinh động hắn mô tả lí do Cesare luôn luôn mang một cái mặt nạ để che giấu khuôn mặt bị biến dạng vì những vết đau mưng mủ của bệnh giang mai; bằng cách nào chàng ta đã đánh lừa cả vua Pháp lẫn vua Tây Ban Nha và phản bội Ý bằng cách cùng lúc bán đứng xứ này cho cả hai thế lực ngoại bang kình địch; Cesare cũng phạm tội loạn luân, vừa cả với em gái ruột lẫn em dâu ra sao. Chàng ta đã cho một thằng em mọc sừng và biến thằng em kia thành một xác chết. Hiếp dâm là thú vui đặc biệt của Cesare, còn mưu sát là chiến thuật ngoại giao tinh vi của chàng ta.
Nhưng giờ đây, với cuộc hôn nhân trong mơ cùng Alfonso d’Este sắp diễn ra, Filofila quay ngọn bút tẩm nọc rắn độc của mình vào Lucrezia. Filofila cho rằng cô ta từng ăn nằm với cha và anh mình - lúc đầu riêng biệt, và sau đó cả ba trên cùng một chiếc giường. Cô ta còn quan hệ với cả chó, lừa và la; và khi bị người hầu phát hiện ra đang làm những trò đồi bại gớm ghiếc này, cô ta đã đánh thuốc độc con người tội nghiệp ấy. Giờ đây không còn chịu nổi sự xấu hổ về những hành vi dâm đãng của cô ta, Giáo hoàng mới bán tống bán khứ cô ta đi cho nhà Ferrara nhằm củng cố liên minh với một gia đình Ý danh giá. Đúng thế, Filofila nghĩ, tài năng của hắn đã lên tột đỉnh với tác phẩm về Lucrezia!
Tất cả những bài thơ này giúp Filofila nổi tiếng. Những câu thơ bôi bác này được sao chép và dán trên khắp các bức tường thành Rome, truyền đi khắp xứ Florence, và đặc biệt còn được dân quyền quý ở Venice đặt hàng. Tuy Filofila không dám kí tên, nhưng hình hai con quạ đấu võ mồm với nhau bên dưới mỗi bài thơ đã trở thành kí hiệu độc đáo của hắn. Và thế là dân chúng đều biết tác giả là ai.
* * *
Một chiều hè tràn ngập nắng vàng, gã thi sĩ ăn vận chỉnh tề, xức nước hoa nồng nàn, chuẩn bị lên đường đến dinh của chủ soái, hồng y Orsini. Hồng y đã cho phép hắn tùy nghi sử dụng một căn nhà nhỏ trên đất của dinh thự Orsini. Giống như mọi đại lãnh chúa, hồng y muốn những kẻ phò tá mình và những thân quyến ruột thịt ở gần để bảo vệ mình. Và Filofila dùng dao găm thiện nghệ như dùng bút lông ngỗng. Nghe tiếng vó ngựa gõ lộp cộp và tiếng loảng xoảng của giáp trụ, hắn vội nhìn qua cánh cửa sổ phòng ngủ. Khoảng một tá kị sĩ đang dong ngựa bao vây quanh nhà hắn. Họ đều mặc giáp nhẹ, trừ người dẫn đầu trong trang phục tuyền một màu đen - áo chẽn đen, quần ống túm đen, găng tay đen và trên đầu, một mũ vuông đen.
Cổ họng như nghẹn lại, Filofila nhận ra Cesare Borgia mang mặt nạ đen - và để ý thanh gươm và con chủy thủ chàng mang.
Ngay sau đó Filofila thở phào vì một toán quân của Orsini đang tiến đến gần. Nhưng Cesare cứ lờ bọn chúng đi, thẳng tiến đến chỗ tay nhà thơ. Filofila đi ra, lần đầu giáp mặt Cesare. Với Filofilia, Cesare trông cao to vạm vỡ chẳng kém gì một tên man di phương bắc. Khuôn mặt nở nụ cười tươi, Cesare trực tiếp nói chuyện cùng Filofila với vẻ lịch sự giả tạo, “Sao, nhà thơ bậc thầy? Ta đến đây để khơi nguồn cảm hứng thi ca cho anh đây. Nhưng nơi này e rằng không thể. Anh phải đi với ta thôi.”
Filofila cúi người thấp. “Thưa ngài, tôi phải từ chối thôi. Hồng y đã triệu tập tôi. Tôi sẽ đến khi nào ngài rảnh.” Hắn thấy căm phẫn vì đám Borgia dám tự tiện xông đến nhà mình, nhưng hắn không dám chạm tay vào gươm đao.
Cesare không chút do dự. Nhấc bổng hắn ta lên nhẹ nhàng như nắm giẻ rách, Cesare ném hắn nằm vắt ngang qua lưng ngựa. Khi phóng lên ngựa, chàng đấm cho Filofila một cú, nhưng chỉ nhiêu đó thôi cũng làm hắn bất tỉnh.
Khi gã thi sĩ mở mắt, hắn ta thấy những thanh gỗ được cưa đẽo thô sơ và các bức tường với những đầu thú nhồi bông - nai, gấu, bò rừng,… Dường như hắn đang nằm trong một chòi săn. Sau đó hắn nhìn qua căn phòng và thấy một người mà mình nhận ra. Chỉ vì cú sốc quá mạnh mới khiến tiếng kêu dừng lại trong cổ họng, gan ruột hắn lộn mèo vì sợ hãi: đó là đại hung thần Don Michelotto! Gã đang mài một con dao dài. Lát sau, Filofila cố trấn tĩnh và nói, “Mấy người nên biết là hồng y Orsini và vệ binh của ông ấy sẽ tìm thấy ta ở đây, và sẽ trừng trị nghiêm khắc bất kì kẻ nào làm hại ta.”
Michellotto vẫn lặng thinh, chỉ miệt mài liếc lưỡi dao cho thêm bén.
“Ta nghĩ ngươi định siết cổ ta chứ,” Filofila nói, giọng run rẩy.
Lúc này, Michelotto dường như mới chịu để ý đến hắn. “Ồ không, thưa ngài nhà thơ, không đâu. Làm như thế thì quá nhanh, quá dễ dàng cho một người mang tội ác tày trời như ngài. Cho nên tôi dự định cắt lưỡi trước, rồi đến tai và mũi, sau đó đến bộ phận sinh dục, rồi ngón tay, mỗi lần một chút. Tiếp theo, tôi sẽ cắt những thứ khác. Hoặc, nếu bỗng rủ lòng thương, tôi sẽ ban cho ngài ân huệ được chết.”
* * *
Chiều hôm sau, một túi vải lớn máu me đầm đìa được ném qua bức tường của dinh thự Orsini. Những thứ bên trong chiếc túi vải kia làm cho đám vệ binh của hồng y khi mở ra là phát sốt! Bên trong là cái thây không đầu, không ngón tay. Cái lưỡi, các ngón tay, cái mũi, đôi tai và bộ phận sinh dục được gói trong một bài thơ của Filofila. Không có lời nào về sự cố này được tiết lộ. Những vần thơ của Filofila không còn xuất hiện nữa. Thiên hạ đồn rằng hình như nhà thơ đã sang Đức tìm suối nước khoáng tắm cho thư giãn.