Cha Con Giáo Hoàng

Chương 23

Trở lại Rome, Cesare đã rèn tướng chỉnh quân sẵn sàng, và lần này phần lớn binh sĩ của chàng là người Ý và Tây Ban Nha. Bộ binh Ý rất có kỉ luật, mang mũ bằng kim loại, áo chẽn đỏ thắm và vàng tươi, thêu phù hiệu của Cesare. Quân đội của chàng do các chỉ huy Tây Ban Nha có tài, các condottieri lão luyện chỉ huy, bao gồm Gian Baglioni và Paulo Orsini. Còn vị trí tham mưu trưởng, Cesare cẩn thận chọn người: tướng pháo binh Vito Vitelli với hai mươi mốt khẩu thần công khét tiếng trên các chiến trường Tây Âu thời đó. Tất cả là một đạo quân gồm hai nghìn hai trăm kị binh và bốn nghìn ba trăm bộ binh. Dion Naldi, cựu tướng của Caterina, mang các đoàn quân của anh ta về hiệp tá Cesare trong cuộc chinh phục mới của chàng.

Đích nhắm trước tiên là Pesaro, vẫn còn dưới quyền cai trị của chồng cũ Lucrezia, Giovanni Sforza. Alexander đã rút phép thông công chàng rể cũ khi có nguồn tin báo rằng chàng ta đã bí mật thương lượng với quân Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hai mặt giáp công quân đội giáo triều.

Ở đây, cũng như ở Imola và Forli, dân chúng không hề sốt sắng hi sinh tính mạng hay tài sản cho người cầm quyền hung bạo. Một số nhân sĩ đã cho bắt Galli, anh của Giovanni, khi nghe tin Cesare đang trên đường hành quân về thành trì của họ. Không muốn đối mặt tên anh vợ kinh khủng, Giovanni nhanh chóng chuồn đi Venice, dâng đất cho họ.

Trời đổ mưa khi Cesare nhập thành Pesaro, đi bên cạnh là đội cận vệ gồm một trăm năm mươi người mặc đồng phục màu đỏ và vàng, được đám đông hân hoan chào đón với kèn trống rộn ràng. Dân chúng nhanh chóng đầu hàng và trao cho Cesare chìa khóa của thành phố. Giờ đây chàng là chủ của Pesaro.

Không còn trận chiến nào nữa, Cesare lập tức xây dựng sở chỉ huy trong lâu đài Sforza, ngay chính nơi những căn phòng mà em gái chàng Lucrezia từng sống. Ở đó chàng ngủ nơi giường của em gái trong hai đêm, và mơ về nàng.

Sáng hôm sau chàng và Vitelli tịch biên được bảy mươi khẩu đại pháo từ kho quân cụ của Pesaro trước khi tiếp tục chiến dịch. Khi đến Rimini, Cesare đã thêm vào chín mươi khẩu đại pháo cho pháo binh của mình. Trở ngại lớn nhất phải vượt qua là những cơn mưa tầm tã trong cuộc hành quân dài ngày trên con đường ven biển. Nhưng trước khi Cesare đến các cổng thành, dân chúng - nghe tin chàng dẫn quân tới - đã đánh đuổi những kẻ áp bức đáng ghét của họ, đám anh em Pan và Carlo Malatesta. Một thành phố nữa lại đầu hàng.

Cesare vô cùng phấn khởi với những chiến thắng liên tiếp, thế nhưng cuộc chinh phục kế tiếp lại là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và có vẻ quá tầm.

Mục tiêu sắp tới của Cesare là Faenza, dưới quyền cai trị của một vị chúa tể được thần dân yêu mến, Astorre Manfredi.

Thành phố này không chỉ là một pháo đài kiên cố có những bức tường cao với lỗ châu mai bảo vệ, mà còn là nơi cư ngụ của những người dân trung thành và dũng cảm. Nó còn được đoàn bộ binh vào hàng thiện chiến nhất đất Ý bảo vệ. Faenza khó mà đầu hàng nếu không có một trận chiến kinh hồn long trời lở đất.

Trận chiến bắt đầu rất bất lợi cho Cesare. Những khẩu đại pháo của Vitelli liên tục khạc lửa, bắn đá nặng vào những tường thành của pháo đài, thế nhưng cũng chỉ tạo ra một lỗ thủng nhỏ. Thật không may, khi họ cố gắng tràn qua lỗ thủng kia thì binh sĩ của Cesare bị bộ binh Ý của Astorre Manfredi đánh bật, và chịu tổn thất rất nặng nề.

Trong trại quân của Cesare, những cuộc khẩu chiến nổ ra giữa các tay chỉ huy quân đánh thuê Ý và các viên tướng Tây Ban Nha, bên này đổ lỗi cho bên kia về trận thua.

Thời tiết càng lạnh khắc nghiệt, mọi thứ đóng băng vì mùa đông đã tới. Quân lính bắt đầu cằn nhằn; Gian Baglioni, một trong những condottieri lừng danh của Cesare, nổi khùng vì sự chỉ trích từ phía Tây Ban Nha, đùng đùng dẫn quân trở về quê nhà Perugia.

Cesare biết rằng với những khó khăn trước mặt, trận chiến này không thể giải quyết dứt điểm trong mùa đông; muốn thắng, phải chờ đến mùa xuân. Và thế là chàng, chỉ để lại một lực lượng nhỏ bao vây thành phố và gửi số quân còn lại về các làng mạc nằm rải rác trên đường Rimini. Chàng bảo họ lên kế hoạch cho một cuộc trú quân lâu dài trong mùa đông, và chuẩn bị tái chiến một trận quyết định trong mùa xuân.

Còn Cesare đi đến Cesena. Thành phố nhỏ này, xưa kia được cai trị bởi nhà Malatesta, vốn đã chuồn đi khi nghe tin chàng đến, có một lâu đài lớn và dân chúng ở đây nổi tiếng khắp đất Ý là rất dùng mãnh trong chiến trận nhưng cũng rất lạc quan vui sống. Chàng chiếm giữ dinh thự Malatesta, và vui vẻ mời những người dân của thành phố đến nhìn ngắm những căn phòng trang trí xa hoa lộng lẫy nơi những người chủ cũ của họ đã sống và đã yêu, nhằm phô bày cho họ thấy bao công lao vất vả và bao hi sinh của họ đã đem lại những thành quả gì.

Trái với những người cai trị cũ, Cesare vui đùa giữa đám dân chúng. Suốt ngày chàng tham gia vào mọi cuộc tranh tài, và còn cưỡi ngựa đấu thương với các quý tộc vẫn còn ở lại. Chàng hớn hở đi dự hội, các cuộc khiêu vũ, hội chợ, dân chúng Cesena quý chàng, vui sướng khi chàng đến.

Trong một buổi chợ chiều, Cesare thấy một sảnh lớn được dựng riêng cho các cuộc đấu vật. Rơm rạ phủ khắp mặt sàn và ở trung tâm họ dựng nên một vòng khung bằng gỗ bên trong là các đấu sĩ trẻ vạm vỡ túm chặt lấy nhau vật lộn, mồ hôi tuôn xuống đầm đìa và họ chửi nhau ỏm tỏi.

Cesare tìm kiếm trong đám đông một đối thủ xứng tầm. Kia kìa, đứng gần vòng tròn, chàng thấy một anh chàng to bự, đầu hói, vững chãi như một bức tường đá. Anh ta cao hơn Cesare cả một cái đầu và to gấp đôi. Khi Cesare hỏi về nhân vật ấy, chàng được biết anh ta là một nông dân có tên Zappito, và hiện là đương kim vô địch của tỉnh nhà.

Nhưng chàng thị dân đã cho Cesare thông tin này cũng nhanh chóng thêm, “Tối nay anh ta không đấu nữa.”

Cesare quyết định tự mình tiếp cận Zappitto. “Anh bạn!” Cesare tươi cười, “Tôi có nghe danh tiếng của anh. Là nhà vô địch ở đây, anh có thể cho tôi vinh dự được đấu với anh đêm nay không?”

Zappitto cười toe, phô ra hai hàm răng đen sì. Hắn sẽ được ngưỡng mộ hơn nhiều lắm nếu đánh bại được anh con cả của Giáo hoàng. Thế là hắn nhất trí ngay, và cuộc đấu sẽ diễn ra sau vài giây.

Cesare và Zappitto cởi áo khoác, áo sơ-mi và giày ống. Cesare cơ bắp cuồn cuộn, săn chắc, thế nhưng cơ tay, đùi, ngực của nhà vô địch trông gần như gấp đôi chàng. Nhưng đây chính là thách thức mà Cesare mong muốn.

Hai đối thủ bước vào vòng đấu.

“Ai thắng hai trong ba hiệp, là thắng!” Trọng tài la lớn, đám đông lập tức yên lặng.

Hai tay đấu vờn nhau nhiều lần; thế rồi, bất thình lình, gã khổng lồ lao vào Cesare. Nhưng Cesare nhanh chóng chúi đầu xuống lẩn tránh, húc mình vào chân Zappitto. Mượn chính sức nặng và lực của đối thủ, Cesare quẳng gã qua đầu, Zappitto ngã ngửa xuống sàn đấu. Trong lúc nhà vô địch còn nằm sửng sốt, Cesare đè lên ngực gã, lập tức giành điểm.

“Điểm đánh ngã cho người thách đấu!” Trọng tài la lớn.

Đám đông ngạc nhiên ngồi lặng yên một lát, sau đó bắt đầu reo hò và vỗ tay.

Cesare và Zappitto lui về hai bên sàn đấu.

Trọng tài hô, “Đấu!”

Hai đấu thủ lại vờn nhau. Nhưng Zappitto đâu phải thằng khờ. Lần này không có chuyện manh động lao tới. Hắn nhẩn nha và tiếp tục vờn mồi.

Cesare xuất chiêu thứ nhất. Chàng quất một cẳng vào đầu gối đối thủ, cố đánh khuỵu hai cẳng chân anh nông dân. Nhưng giống như là đá vào một thân cây. Chẳng có gì xảy ra cả.

Giờ đây Zappitto, di chuyển nhanh hơn Cesare tưởng, bắt được chân Cesare và bắt đầu quay vòng chàng. Rồi gã khổng lồ chộp lấy đùi Cesare, nhấc chàng lên vai gã, xoay chàng thêm hai vòng nữa. Cuối cùng hắn đập Cesare úp mặt xuống đống rơm, nhào lên đối thủ còn chuếnh choáng, lật ngửa chàng ra và ấn lưng chàng xuống sàn.

Đám đông rồ lên khi trọng tài hô, “Điểm đánh ngã cho nhà vô địch!”

Cesare phải mất khoảng vài phút để tỉnh táo đầu óc.

Rồi chàng sẵn sàng tái đấu.

Khi trọng tài hô, “Đấu!” Cesare nhanh chóng tiến lên.

Chàng định chộp lấy cả bàn tay của Zappitto theo một thế đánh chàng đã học được ở Genoa. Sau đó chàng sẽ kéo ngược các ngón tay đối thủ, khi gã khổng lồ tìm cách lùi lại để tránh áp lực, chàng sẽ vòng chân quanh đầu gối của Zappito, làm hắn chới với và ngã ngửa. Với đòn thế đó trong đầu, Cesare tìm cách chộp lấy bàn tay to tướng của gã nông dân. Vận hết sức lực, chàng bắt đầu kéo tay Zappitto ra phía sau. Nhưng, ngạc nhiên thay cho chàng: ngón tay hắn cứng chắc như những ống sắt, không hề oằn xuống.

Toát mồ hôi vì gắng sức, Zappitto dần dần siết chặt bàn tay Cesare, bóp nát đốt tay. Cesare cố gượng đau để không la lên, và thử dùng cánh tay kia khóa đầu Zappitto, nhưng gã khổng lồ cũng bắt được cánh tay đó. Mặt mày nhăn nhó, tập trung cao độ, Zappitto bắt đầu bóp nát hai bàn tay Cesare.

Cơn đau mãnh liệt đến độ Cesare muốn ngộp thở, nhưng với nỗ lực mạnh mẽ sau cùng, Cesare bung cả hai cẳng chân lên, quàng quanh bộ ngực vạm vỡ của đối thủ. Đôi chân chàng săn chắc, mạnh mẽ. Cesare cố làm cho Zappitto đuối sức. Chàng nông dân gầm một tiếng, lấy hết sức quăng mình về phía trước dễ dàng húc Cesare ngã ngửa xuống sàn.

Zappitto nhanh chóng đè lên trên chàng.

“Đánh ngã và thắng cuộc!” Trọng tài la lên.

Khi ông ta nâng cánh tay Zappitto lên vinh danh kẻ chiến thắng, đám đông vỡ òa hạnh phúc. Nhà vô địch của họ lại thắng!

Cesare vui vẻ bắt tay Zappitto và thành thật khen ngợi đối thủ. “Một cuộc tranh tài xứng đáng!” Chàng nói. Sau đó Cesare vơ lấy áo khoác để cạnh sàn đấu, chàng thấy túi tiền trong đó. Nghiêng thật thấp người, và một nụ cười quyến rũ, chàng trao túi tiền cho Zappitto.

Giờ đây đám đông hăng tiết như hóa rồ. Họ la lớn và reo hò. Bởi Đại lãnh chúa không những đối xử tốt với họ mà còn chia sẻ niềm vui với họ. Cesare múa hát, đánh vật, và quan trọng hơn nữa, chàng vẫn lịch thiệp khi thua cuộc. Cesare tham gia vào lễ hội và những cuộc tranh tài này không chỉ vì thú vui riêng, mặc dầu chàng thực sự thích chúng, mà còn vì thu phục nhân tâm là mục đích quan trọng trong kế hoạch nhất thống sơn hà và vỗ an trăm họ của chàng. Tuy nhiên chỉ thiện chí không thôi chưa đủ. Phải thể hiện bằng hành động thực tế. Cesare ra lệnh cho các toán quân của mình dứt khoát không được hãm hiếp, cướp bóc, hay làm hại dân lành - dẫu với bất kì hình thức nào - trên những vùng lãnh thổ mà chàng đã chinh phục.

Chỉ một tuần sau cuộc đấu vật với Zappitto, vào một buổi sáng mùa đông lạnh, Cesare nổi trận lôi đình, một anh lính mang đến ba tên lính bộ binh bị xiềng xích.

Viên trung sĩ của đám lính, một người tên là Ramiro da Lorca, là một chiến binh La Mã khó tính, ông ta thông báo rằng ba ngựời lính này đã uống rượu suốt ngày. “Nhưng quan trọng hơn, thưa thống soái,” Ramiro nói. “Họ xông vào một cửa hàng thịt, lấy đi hai con gà và một đùi cừu, đánh con trai chủ nhà đến đổ máu khi chàng ta cố ngăn cản họ.”

Cesare tiến lại gần ba người lính, đang đứng túm tụm một cách khốn khổ trên các bậc thềm của dinh thự. “Các người có phạm tội như viên trung sĩ đã nêu?”

Anh chàng lớn tuổi nhất, khoảng độ ba mươi, nói với giọng biện hộ than van. “Thưa đức ông, chúng con chỉ kiếm chút thức ăn bỏ bụng thôi mà. Chúng con đói quá, thưa đức ông, là chúng con chỉ…

Trung sĩ da Lorca ngắt lời. “Chúng nó nói nhảm, thưa ngài. Chúng nó đều được trả lương đầy đủ, như tất cả mọi người. Đâu cần phải trộm cướp để có cái ăn.”

Alexander vẫn luôn bảo Cesare rằng là lãnh tụ thì phải biết chọn lựa, dẫu gặp phải những chọn lựa khó khăn. Giờ đây chàng nhìn ba người lính, và nhìn vào đám đông thị dân đã tụ tập nơi quảng trường. “Treo cổ chúng lên,” Cesare nói gọn.

Kẻ phạm tội nói như thể không nghe thấy Cesare. “Chỉ là vài con gà và ít thịt thôi mà, thưa đức ông. Đâu có gì nghiêm trọng.”

Cesare tiến về phía hắn ta. “Mi hiểu lầm rồi đấy, tên lính bất tuân thượng lệnh kia! Vấn đề không phải là vài ba con gà. Theo lệnh của Đức Thánh Cha, mọi người trong đạo quân này đều được trả lương đầy đủ. Vì sao? Vì như thế họ sẽ không cướp bóc hay bạo hành dân chúng ở những nơi mà chúng ta chinh phục. Những binh sĩ của ta đều được ăn uống đầy đủ, có chỗ nghỉ ngơi tiện lợi, nhằm phòng ngừa mọi nhũng nhiễu đối với người dân địa phương. Ta đã ban cho tất cả những thứ này để cho người dân của các thành phố chúng ta chinh phục sẽ không chán ghét binh lực giáo triều. Họ không buộc phải yêu mến chúng ta, nhưng ta hi vọng rằng họ sẽ, ít ra, không khinh bỉ chúng ta. Những gì mà các ngươi phạm phải đang làm hỏng kế hoạch của ta, và xúc phạm lời răn của chính Đức Thánh Cha. Các ngươi đã hiểu ra chưa?”

Chiều hôm ấy vào lúc hoàng hôn, ba phạm nhân, binh sĩ của quân đội giáo triều, bị treo cổ nơi quảng trường để làm gương cho mọi toán quân khác và như một lời tạ lỗi đối với mọi người dân Cesena.

Sau đó, nơi các quán rượu cũng như ở mọi căn nhà khắp phố thị miền quê, trăm họ cùng một lời ca ngợi vị thống soái và đều nhất trí là thời kì tốt đẹp hơn đang tới. Vì người cai trị mới của họ, Cesare Borgia, là con người công chính.

* * *

Khi mùa xuân đến gần hơn, lực lượng của Cesare được một đạo quân Pháp do vua Louis gửi tới tăng viện. Và một người bạn thân ở Milan đã trân trọng giới thiệu nghệ sĩ, kĩ sư và nhà phát minh Leonardo da Vinci, còn được coi là chuyên gia cự phách, nghĩ ra những chiến cụ tân kì và những chiến lược, chiến thuật độc đáo.

Khi da Vinci đến dinh thự Malatesta, ông thấy Cesare đang mải mê nghiên cứu bản đồ các công sự phòng thủ như đồn lũy, tường hào… ở Faenza. “Những bức tường này rảy các cuộc dội pháo của chúng tôi ra cứ như thể vịt rảy nước. Làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra một lỗ hổng đủ lớn để kị binh và bộ binh tấn công cho hiệu quả?”

Da Vinci tươi cười, mái tóc nâu xoăn. “Không khó đâu. Chẳng có gì khó cả, thưa thống soái.”

“Xin tôn sư giải thích,” Cesare hào hứng nói.

Da Vinci bắt đầu, “Ngài chỉ cần sử dụng tháp-cầu-thang di động của tôi. Tôi biết, ngài đang nghĩ rằng những tháp hãm thành từng được dùng qua hàng bao thế kỉ thế nhưng chúng chẳng được việc cho lắm. Nhưng tháp của tôi khác biệt với những cái kia. Nó được cấu tạo bằng ba phần riêng biệt, và có thể đẩy trên bánh lăn áp sát vào tường của các pháo đài vào giai đoạn cuối của cuộc công thành. Bên trong tháp, có thang dẫn đến một chỗ trú quân được che chắn kĩ, đủ chỗ cho ba mươi binh sĩ. Họ được bảo vệ mặt trước bằng tấm chắn bằng gỗ ráp vào bản lề, có thể hạ thấp xuống giống chiếc cẩu kéo, khi đến đỉnh tường thành tạo ra một cái bệ để ba mươi binh sĩ chạy qua, tay cầm sẵn vũ khí xông vào trận chiến, ba mươi người khác nhanh chóng thế chỗ họ trong chỗ trú quân. Chỉ trong vòng ba phút, chín mươi binh sĩ đã có thể vào bên trong các bức tường thành, chém giết quân địch tưng bừng. Thêm mười phút nữa, sẽ có ba trăm binh sĩ, đó là số quân mà mỗi cái tháp của tôi có thể chuyên chở cho một lần công thành.” Da Vinci, dừng lời, gần như hụt hơi.

“Tuyệt quá, tôn sư ạ!” Cesare reo lên, phá lên cười sảng khoái.

“Nhưng thật ra, điểm xuất sắc nhất của chiếc tháp này,” da Vinci tiếp lời, “đó là ngài sẽ không bao giờ phải dùng đến nó!”

“Tôi thật sự không hiểu!” Cesare bối rối nói.

Vẻ mặt nghiêm nghị của da Vinci giãn ra. “Biểu đồ của ngài chỉ ra rằng những bức tường của Faenza cao ba mươi lăm bộ. Nhiều ngày trước khi trận đánh diễn ra, ngài phải cho loan truyền lời đồn đến tai quân địch rằng ngài sắp sử dụng loại thang mới của tôi. Và rằng nó có thể làm thủng một lỗ trong bất kì bức tường nào cao đến bốn mươi bộ. Ngài làm được điều đó chứ?”

Cesare nói, “Tất nhiên là được. Mọi quán xá trên đường Rimini đều đầy những kẻ sẽ chạy bay về Faenza với tin đó.”

“Sau đó ngài bắt đầu dựng tháp, và làm sao cho kẻ địch nhìn thấy.” Da Vinci mở ra tấm giấy da dê trên đó vẽ cái tháp ba phần đồ sộ rất đẹp. “Tôi có bản thiết kế ngay đây,” ông nói.

Nhưng cũng như bản vẽ, mỗi phần được mô tả bằng thứ mật ngữ mà Cesare chịu không đọc được.

Nhận thấy vẻ bối rối của Cesare, da Vinci cười khẽ. “Đó là một mánh nhỏ của tôi nhằm đánh lừa bọn gián điệp và những đứa ăn cắp ý tưởng, ai mà biết được kẻ nào rình mò ăn trộm tài sản của mình. Hầu hết các bản thiết kế của tôi chỉ có thể đọc được bằng cách đưa ra trước gương. Khi đó, văn bản sẽ hiện ra mồn một.”

Cesare mỉm cười, bởi chàng quý những con người chu đáo.

Da Vinci tiếp tục. “Giờ đây, thưa thống soái, quân địch đã nghe về cái tháp đáng sợ rồi. Chúng nhìn thấy ta dựng tháp, chúng biết là không còn nhiều thì giờ nữa. Tháp sẽ đổ quân ta tràn qua những bức tường chỉ cao ba mươi lăm bộ. Thế thì chúng phải làm gì? Chúng sẽ xây tường cao thêm, chúng sẽ chất tảng đá này chồng lên tảng đá kia chung quanh pháo đài cho đến khi các bức tường đều cao thêm mười bộ. Nhưng chúng đã phạm một sai lầm chết người. Chúng quên điều gì nào? Chúng quên rằng nếu làm thế thì những bức tường đó sẽ không còn vững nữa, bởi móng phải được gia cố mới chịu được sức nặng lũy tiến kia. Nhưng khi chúng hiểu ra được chuyện đó thì pháo binh của ngài đã khạc lửa đì đùng. Và đến khi chúng vỡ lẽ thì chúng cũng đã vỡ trận rồi!”

Cesare điều tất cả quân đội từ khắp các thị trấn gần đó về, bảo họ kể với những kẻ hóng chuyện ở hàng quán về cái tháp mới thần kì của ngài thống soái Cesare Borgia.

Như da Vinci đề nghị, Cesare cho người của mình bắt đầu chế tạo cỗ máy kia trong tầm nhìn của Faenza. Khi lực lượng của Cesare vào vị trí chiến đấu quanh thành phố và các khẩu đại pháo được mang lên trước trận, Cesare có thể thấy sự nỗ lực to lớn ngay từ đầu. Binh sĩ Faenza lăng xăng chạy trên bờ thành, xếp những tảng đá lớn chồng lên nhau. Thích chí, Cesare hoãn cuộc tấn công để quân địch có thêm thời gian chuẩn bị.

* * *

Giờ đây Cesare sai người tìm chỉ huy pháo binh Vito Vitelli. Họ đứng trong lều của chàng cùng nhìn bao quát cái thành trì bất hạnh trước mặt.

“Ta muốn thế này, xin tướng quân Vito hãy nghe đây,” Cesare nói. “Nhắm thẳng tất cả hỏa lực vào ngay chân tường giữa hai cái tháp kia.” Chàng chỉ tay vào khoảng chân tường thừa đủ rộng cho đoàn quân mình ào qua.

“Vào chân tường sao, thưa ngài?” Vitelli hỏi, vẻ hoài nghi. “Đó là điểm chúng ta nhắm vào hồi mùa đông vừa rồi. Giờ đây chúng ta nên bắn phá trên đầu tường thành, dù sao cũng diệt được vài tên địch.”

Cesare không muốn ai biết về bí mật cái tháp của da Vinci, bởi sau này có thể chàng còn cần dùng đến nó để công phá bao nhiêu thành trì khác.

“Tướng quân Vito, xin cứ làm như tôi đã nói,” Cesare ra lệnh, “tập trung mọi hỏa lực nhắm vào chân thành.”

Viên tướng chỉ huy pháo binh trông có vẻ phân vân, nhưng vẫn nhận lệnh, “Tùy ngài thôi, chỉ e là phí đạn.”

“Không đâu, lần này sẽ khác. Xin tướng quân y lệnh. Rồi sẽ thấy.” Cesare chốt lại vấn đề, không giải thích nhiều lời. Vito nghiêng người chào chủ soái và cáo lui.

Vitelli ra lệnh cho pháo binh chuyển các khẩu đại pháo về khu vực mà Cesare đã chỉ định. Binh sĩ quay các khẩu pháo để hạ thấp góc khai hỏa.

Cesare ra lệnh cho bộ binh và khinh kị binh tập hợp ngay sau các khẩu pháo. Bản thân chàng đã sẵn sàng giáp trụ từ nhiều giờ trước. Giờ đây chàng hạ lệnh cho binh sĩ sẵn sàng, vì họ vẫn phải luôn trên mình ngựa. Họ càu nhàu. Cuộc hãm thành có thể kéo dài hàng tháng. Họ phải trên yên cho đến mùa hè?

Khi Cesare chắc rằng quân lực của mình đã sẵn sàng, chàng ra hiệu cho Vitelli bắt đầu khai hỏa phá thành.

Đến lượt mình, viên tướng condottieri hô lớn, “Bắn!”

Các khẩu pháo đồng loạt gầm lên, nạp đạn rồi lại gầm lên. Cesare nhìn thấy những quả đạn đá bắn vào các bức tường chỉ khoảng ba, bốn bộ phía trên chân tường. Những loạt đạn đập đùng đùng không dứt. Hai lần Vitelli quay lại nhìn Cesare như kẻ điên. Hai lần Cesare ra hiệu tiếp tục bắn theo lệnh. Bỗng nhiên, họ nghe thấy tiếng nổ ẩm ầm ngày càng lớn khi cả một mảng tường cao năm mươi bộ đổ ập, làm bốc lên một đám mây bụi khổng lồ. Họ nghe thấy tiếng rên la của đám lính bảo vệ đoạn tường đó, chỉ vài người sống sót. Ngay lập tức Cesare cho các toán quân kị xông lên tấn công. Reo hò, phóng ào ào vào khoảng tường bị phá, theo sau là bộ binh. Họ tràn vào thành, tấn công địch từ phía sau. Cesare chờ đúng bốn phút. Rồi chàng ra hiệu cho binh sĩ tấn công.

Lực lượng dự bị trong thành vội chạy đến khu vực có lỗ thủng và sẵn sàng nghênh chiến để bảo vệ đoạn thành bị mất. Nhưng họ bị giẫm đạp xuống bụi đất vì binh lính của Cesare đang ào ạt tràn vào như nước lũ.

Quân Faenza tuyệt vọng còn trụ lại trên các phần tường thành thấy mình bị đánh tập hậu. Cung nỏ, đao kiếm, thương giáo của quân lính Cesare nhanh chóng hạ gục họ. Chỉ trong vòng mấy phút, một sĩ quan Faenza la lớn, “Chúng tôi đầu hàng, đầu hàng!”

Cesare thấy binh lính địa phương bỏ vũ khí xuống và đưa tay lên. Chàng gật đầu rồi ra hiệu cho các viên chỉ huy của mình ngưng cuộc tàn sát. Và thế là Faenza trở về dưới quyền kiểm soát của giáo triều.

Người cai trị của họ, hoàng tử Astorre Manfredi, được Cesare bảo vệ an toàn và được phép về Rome. Nhưng vì ấn tượng Cesare cùng đạo quân của chàng, cộng thêm máu phiêu lưu, chàng ta yêu cầu được lưu lại một thời gian để phục vụ trong bộ tham mưu của Cesare. Cesare ngạc nhiên, nhưng rồi chấp thuận. Manfredi mới mười sáu tuổi, nhưng là một chàng trai trẻ đầy trí tuệ và biết phán đoán. Cesare thích cậu ta.

Sau ít ngày nghỉ ngơi, Cesare lại một lần nữa thúc quân tiến lên.

Chàng ban thưởng trọng hậu cho da Vinci, và thỉnh cầu ông theo đoàn quân chinh phục. Nhưng da Vinci lắc đầu từ chối, “Tôi phải trở về với nghệ thuật. Vì chàng điêu khắc trẻ Michelangelo Buonarroti đang làm ra bao tác phẩm và kiếm bộn tiền, trong khi tôi phí thời gian nơi chiến địa. Chàng ta có tài năng, tôi công nhận, nhưng chưa sâu sắc và chưa tinh tế. Tôi phải trở về.”

Giờ đây khi Cesare cưỡi con chiến mã màu trắng và chuẩn bị bắc tiến, chàng từ biệt da Vinci. Tôn sư ân cần trao cho Cesare tấm giấy da dê. “Đó là danh sách những kĩ năng mà tôi thực hành, thưa thống soái… hội họa, bích họa, các hệ thống ống nước, hàn chì… nhiều lắm… Chuyện tiền bạc chúng ta sẽ bàn sau.” Ông mỉm cười, và rồi nảy sinh một ý. “Thưa ngài, tôi đã thực hiện bức bích họa Bữa Tiệc Ly ở Milan. Tôi mong Đức Thánh Cha thưởng lãm bức tranh đó. Ngài có nghĩ Đức Thánh Cha sẽ hứng thú không?”

Cesare gật đầu. “Tôi đã thấy tác phẩm đó khi ở Milan. Quả thực là tuyệt phẩm. Đức Thánh Cha rất yêu thích những gì tinh mĩ. Tôi chắc là người sẽ có nhã hứng đấy.” Chàng gấp tấm giấy da dê lại cẩn thận, đút vào túi áo khoác. Sau đó, chàng cung kính chào da Vinci, rồi quay đầu con tuấn mã, hăng hái nhịp vó câu trên đường bắc tiến.