Cesare ca khúc khải hoàn trở về thành Rome, như một người hùng chinh phạt. Cuộc đại diễu hành chào mừng chiến thắng của chàng là sự kiện ấn tượng nhất mà người dân thành Rome từng chứng kiến. Mọi quân sĩ dưới quyền Cesare, các đoàn khinh kị binh, và đám vệ binh Thụy Sĩ cầm thương đều mặc tuyền một màu đen; ngay cả đoàn xe ngựa chở quân trang của chàng cũng được phủ vải choàng màu đen. Còn bản thân Cesare với giáp trụ đen tuyền, dẫn đầu đoàn quân, đi cùng bốn vị hồng y vận trang phục màu đỏ và tía, tạo nên một bức tranh tương phản hoàn hảo. Để tán dương cuộc khải hoàn của chàng, ngay cả con bò mộng của nhà Borgia cũng được tạo thành huy hiệu màu đỏ trên nền đen, thay vì nền trắng như thường lệ. Đường bệ trên lưng con chiến mã đen bóng mượt, Cesare trông thật ra dáng một hắc y hoàng tử oai nghiêm.
Đám diễu hành đi ngang qua những hàng dài dân chúng đứng dọc theo các đường phố dẫn đến Vatican. Tại đó Cesare chào cha bằng tiếng Tây Ban Nha, quỳ xuống hôn nhẫn Giáo hoàng và dâng lên ngài các bộ chìa khóa của những thành phố và những lâu đài chàng đã chinh phục.
Alexander, nở mày nở mặt vì tự hào, nâng Cesare dậy và ôm hôn con mình nồng nhiệt trước đám đông mừng rỡ.
* * *
Ngay sau cuộc diễu hành, Cesare cáo từ cha và đi đến dãy phòng riêng của mình ở Vatican.
Bản thân Cesare đã thay đổi rất nhiều trong thời gian chàng lìa xa nơi này. Kể từ khi chàng hiểu rằng bọn Pháp tươi cười vì chúng nghĩ chàng là một tên ngố; kể từ khi chàng thử tán tỉnh Rosetta và thất bại, và từ khi chàng biết rằng hạnh phúc chàng đang hưởng với người vợ hiện nay vẫn bị hoen màu đôi chút bởi hoài niệm khó quên về em gái mình, thế là chàng nguyện với lòng sẽ che giấu những cảm xúc của mình. Từ ngày đó trở đi, trên mặt chàng ít khi nở nụ cười, còn đôi mắt không để lộ một tia giận hờn nào.
Bộ mặt chàng, than ôi, là cả một hình phạt quá nằng nề! Cesare lại bị bệnh giang mai tấn công, tàn phá nặng nề khuôn mặt chàng, để lại những lỗ sâu trên má, thâm nhập vào tận mũi và trán, in hằn nhiều vết sẹo tròn không bao giờ phai mờ. Trên chiến trường, chuyện này chẳng nhằm nhò gì, nhưng trong thành phố, tại các cuộc lễ lạt hoặc khi ăn nằm với gái hạng sang mà mang bộ mặt như thế quả là một sự nguyền rủa. Ở tuổi hai mươi lăm, Cesare Borgia đã quen với chuyện ngoại hình tuấn tú của mình được tâng bốc và ngưỡng mộ, giờ đây, chàng cảm thấy mất mát. Chàng bèn phủ kín mọi tấm gương trong phòng mình bằng vải đen và cấm đám kẻ ăn người ở tháo ra.
Những cơn mộng dữ đêm đêm lại quay về và thế là, để tránh cơn sợ hãi, chàng ngủ vào ban ngày và làm việc suốt đêm. Và chàng lại dành nhiều giờ cưỡi ngựa lang thang khắp vùng quê trong bóng đêm.
Chàng rất nóng lòng gặp Lucrezia. Chàng đã đi xa quá lâu. Khuôn mặt nàng vẫn luôn là hình ảnh chàng mang theo trong mọi chiến công. Gần hai năm trôi qua kể từ lần cuối họ bên nhau, và chàng băn khoăn không biết nàng có đổi thay gì không. Nàng có còn khiến chàng xao xuyến sau chừng ấy thời gian, sau khi chàng cưới Lottie, còn nàng cưới Alfonso? Trong thâm tâm Cesare vẫn nuôi hi vọng rằng Lucrezia sẽ chán chồng, bởi giờ đây những liên minh của giáo triều đã thay đổi, thực tế Alfonso đã trở thành mối đe dọa cho nhà Borgia.
Chàng chìm trong suy nghĩ khi đang đợi được vào phòng riêng của Lucrezia. Mặc dầu trong cuộc sống hằng ngày, chàng coi thường hiểm nguy và dường như chàng chẳng quan tâm đến chuyện gì, nhưng bây giờ chàng lo lắng. Em gái chàng sẽ nghĩ gì? Nàng có bớt yêu chàng không?
Giây phút Lucrezia thấy anh mình, nàng chạy ùa tới ôm chầm lấy chàng, quàng hai tay quanh cổ chàng và nép mặt vào ngực chàng. “Lạy Chúa Lòng Lành! Em nhớ anh biết bao,” nàng nói, mắt ngấn lệ.
Khi ngước đầu lên nhìn chàng, nàng không cảm thấy kinh sợ, mà chỉ đau lòng vì những tai ương đã giáng xuống chàng. Nàng nâng niu mặt chàng trong đôi bàn tay mình. “Chez yêu quý, đời đã nhẫn tâm với anh đến thế sao…”
Biết rõ hình dáng mình hiện nay, chàng quay mặt lảng đi. Trái tim chàng vẫn đập dồn dập như trước đây, chỉ rộn ràng trước nàng mà thôi.
“Trông em khỏe lắm, Crezia,” chàng nói dịu dàng, không giấu được tình cảm trong ánh mắt. “Em vẫn hạnh phúc đấy chứ?
Nàng nắm tay chàng, dẫn đến bên chiếc đi-văng. “Chỉ có nước trời mới có thể đem lại cho em niềm vui lớn hơn,” nàng nói. “Có các con và Alfonso, em thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết, em sợ rằng mình sẽ sớm phải thức dậy khỏi giấc mộng đẹp êm đềm này.”
Chàng thấy cứng người lại. “Anh đã đến thăm Giovanni. Và anh thấy con chúng ta giống em hơn anh. Nhìn mấy lọn tóc màu vàng và đôi mắt xanh nhạt là thấy rõ.”
“Nhưng không hoàn toàn như thế,” Lucrezia cười nói. “Thằng bé có đôi môi của anh, nụ cười của anh và đôi bàn tay giống anh, giống tay của Papa.” Nàng cầm đôi tay chàng lên để chỉ cho chàng. “Adriana mang bé từ chỗ anh đến chỗ em mỗi ngày, và bởi vì thời gian vừa qua anh đi xa suốt nên em được gặp con nhiều hơn. Nó là một đứa bé thông minh và biết điều, tuy cũng có lúc bất ngờ nổi cơn giận dữ như anh vậy.” Nàng cười, và chàng có thể thấy vẻ vui sướng trên khuôn mặt nàng.
“Còn con riêng của em?” Chàng hỏi. “Em có hài lòng với nó giống như vậy không?”
Mặt nàng rạng rỡ, mái tóc vàng xoăn thành vòng trước trán và trên đôi má, Lucrezia gật đầu. “Rodrigo hãy còn là một bé con cho nên đâu có ai có thể nói trước được nó sẽ thế nào. Nhưng nó cũng đẹp và đáng yêu như cha.”
Cesare thận trọng nhìn em mình. “Vậy là em vẫn hài lòng với chồng em?”
Lucrezia biết rằng mình phải trả lời hết sức cẩn thận. Nếu như nàng cố trấn an anh mình bằng cách có ý xa gần là nàng không hạnh phúc, Alfonso sẽ không còn nằm trong vòng bảo vệ của nàng và cuối cùng, mất đi tự do. Nhưng nếu nàng nói nàng yêu chồng nhiều lắm, Alfonso còn mất nhiều hơn thế. Vì thế, nàng nói lửng, “Alfonso là một người tốt và đức hạnh. Anh ấy tử tế với em và các con.”
Giọng Cesare dò xét. “Và nếu Papa lại muốn tìm cách hủy cuộc hôn nhân này, em có chấp nhận không?”
Lucrezia nhíu mày. “Cesare này, nếu như Papa mà tính một chuyện như vậy, hãy nói với cha rằng em thà chết còn hơn. Em sẽ không sống trên đời này mà thiếu Alfonso… cũng như em không muốn sống mà thiếu anh.”
Hôm ấy, khi tạm biệt nàng, lòng Cesare ngổn ngang trăm mối. Chàng thấy khó mà chấp nhận tình yêu của nàng dành cho chồng, tuy nhiên cũng thấy an ủi khi nàng thú nhận vẫn còn yêu mình.
Đêm đó, nằm trên giường, trong căn phòng chỉ được ánh trăng rọi sáng qua khung cửa sổ, chàng nhớ lại dáng vẻ, hương thơm từ người nàng, và những lời nàng đã thốt ra. Lúc đó, chàng ngẫm nghĩ về cái nhăn mặt thoáng qua khi lần đầu gặp lại chàng. Và khi cất lời, chàng nghe giọng nàng tràn ngập cảm thương, “Chez yêu quý, đời đã nhẫn tâm với anh đến thế sao…” Lúc đó chàng biết rằng nàng đã nhìn thấy cả những vết sẹo trên mặt, và cả những vết sẹo sâu thẳm trong tâm hồn chàng.
Từ ngày ấy trở đi, chàng thề rằng sẽ giấu đi khuôn mặt mình sau lớp mặt nạ, giấu đi những đau đớn đời mình. Chàng thề rằng sẽ phủ quanh mình bức màn huyền bí, và rằng chàng sẽ tiếp tục khởi động đao binh - không phải vì Chúa của cha, mà là nhân danh Chúa của cha.
* * *
Một tháng sau khi Cesare về Rome, trong một buổi lễ long trọng, Giáo hoàng chủ trì với vai trò Người Đại Diện cho Chúa Jesus, trong trang phục đẹp nhất, trước trang thờ lộng lẫy của Vương cung Giáo đường Thánh Peter.
Cesare Borgia, công tước xứ Valence, đứng trước mặt ông. Chiếc áo công tước được cởi ra, và Giáo hoàng khoác lên vai Cesare chiếc áo khoác của Gonaloniere, thống soái của quân đội giáo triều, đầu chàng đội chiếc mũ hình vuông màu đỏ thẫm. Cuối cùng, chàng được trao quyền trượng chỉ huy.
Cesare quỳ trước Giáo hoàng Alexander, bàn tay đặt trên Thánh kinh, tuyên thệ trung thành và phục tùng, long trọng hứa rằng chàng sẽ không bao giờ âm mưu chống lại Đức Thánh Cha, không bao giờ gây tổn hại đến ngài hay người kế vị, và dù bị tra tấn hay sợ chết, chàng cũng nhất quyết không tiết lộ bất kì bí mật nào của Giáo hoàng.
Và thế là sau đó Alexander chúc phúc chàng bằng Đóa Hồng Vàng, và nói bằng giọng trang trọng, “Hãy nhận đóa hồng này như một biểu tượng của niềm vui, con trai yêu quý của ta, bởi con đã cho thấy những đức tính cao thượng và dũng cảm. Cầu mong Cha Trên Trời ban phúc và cứu con khỏi mọi hiểm nguy!”
Sau đó, Giáo hoàng gặp riêng Cesare trong phòng mình, chỉ có Duarte Brandao làm chứng, Alexander nói với con trai rằng ông ban cho chàng thêm nhiều đất đai và thu nhập nữa. “Chúng ta ban thưởng cho con thế này vì lòng quý trọng dành cho những chiến thắng của con. Và sau đó chúng ta phải bàn đến việc nối lại chiến dịch. Đúng là hiện nay Imola và Forli đã thuộc về chúng ta, nhưng ta vẫn còn phải chinh phục Faenza, Pesaro, Camerino và cả Urbino nữa. Là thống soái quân đội, con phải chinh phục bằng được các vùng đất đó, vì chúng ta phải thiết lập vị thế giáo triều và tạo ra một chính quyền đủ sức gây ảnh hưởng, nhằm bảo đảm một Romagna thống nhất.”
Sau những lời đó Alexander lui về dãy phòng riêng của ông, vì ông đã đặt lịch hẹn với nàng gái bao cao cấp mà ông yêu nhất.
* * *
Lễ toàn xá chỉ diễn ra hai mươi lăm năm một lần, vì vậy, ông cho rằng sẽ chỉ có một đại lễ trong suốt triều đại ông trị vì. Vì dịp đại lễ này sẽ đem lại những nguồn lợi khổng lồ - khi những người hành hương từ khắp châu Âu tràn ngập thành Rome để nghe Bài giảng Phục sinh của Giáo hoàng - nên việc chuẩn bị phải được thực hiện chu đáo nhằm bảo đảm làm đầy các két sắt của Hội thánh Công giáo. Giáo triều phải thu được lợi nhuận tối đa, bởi vì tiền của đó sẽ được dùng để tài trợ cho các chiến dịch nhất thống sơn hà.
Giáo hoàng Alexander muốn đại lễ toàn xá phải thật lộng lẫy, phải thật huy hoàng sao cho phản ánh được vẻ uy nghiêm chí tôn của Chúa. Vì vậy ông có rất nhiều chuyện phải làm. Ông phải cho xây dựng những đại lộ mới, rộng rãi và sạch sẽ cho xe cộ đi qua. Các khu nhà ổ chuột sẽ bị phá bỏ để xây dựng những công trình mới làm chỗ cư trú an toàn và tiện nghi cho khách hành hương khắp nơi trên thế giới đổ về.
Alexander gọi Cesare vào phòng riêng và yêu cầu chàng lãnh nhiệm vụ tiến hành dự án vì cuộc đại lễ này càng thành công về mặt tài chính thì càng có lợi cho chàng.
Cesare nhất trí, nhưng sau đó trình lên Giáo hoàng vài tin không vui. “Con mới nhận được vài báo cáo đáng tin rằng có hai người đang phục vụ cha nhưng lại không trung thành với cha. Người đầu tiên là vị chủ lễ của giáo triều, Johannes Burchard.”
“Và con đã nghe những gì về ông Burchard?” Alexander hỏi.
Cesare hắng giọng trước khi nói, “Rằng ông ta đang lãnh thêm khoản phụ cấp từ hồng y della Rovere và giữ trong tay một cuốn nhật kí ghi chép đầy những lời dối trá về gia đình chúng ta, và không thiếu những chuyện gây tai tiếng.”
Alexander cười tinh quái. “Ta đã biết về cuốn nhật kí đó từ lâu lắm rồi, nhưng Burchard là một con bài sáng giá của ta.”
Cesare tròn mắt ngạc nhiên, “Sáng giá?”
Alexander giải thích, “Trong vai trò thư kí, hắn chỉ thực hiện những nhiệm vụ nhỏ nhặt, không quan trọng. Giá trị đích thực của hắn đối với ta nằm ở chỗ khi nào ta muốn chuyện đến tai della Rovere, ta chỉ cần nói với Burchard. Đó là cách truyền tin tuyệt vời và hữu hiệu và cho đến nay vẫn phục vụ tốt cho ta.”
“Thế cha có đọc nhật kí của hắn chưa?” Cesare hỏi.
Alexander cười hào sảng. “Ta đọc rồi. Ta có đọc lén cách đây khá lâu rồi. Nhiều đoạn trong đó đọc nghe thú vị lắm, vì nếu chúng ta đồi bại trụy lạc như hắn vẽ ra, hẳn là chúng ta sẽ vui vẻ hơn nhiều đấy. Còn nhiều đoạn lại khiến ta cười vỡ bụng!”
Cesare cau mày. “Con tin chắc rằng della Rovere đã lên kế hoạch một ngày nào đó cho công bố cuốn nhật kí này dưới dạng bản ghi chép trung thực về giáo triều. Cha chẳng chút ưu tư hay sao?”
Đôi mắt Alexander rất sáng và minh mẫn. “Cesare này, có rất nhiều tên được kẻ thù của chúng ta trả tiền để tung tin bậy bạ. Thêm một đứa nữa cũng chẳng khác gì.”
“Thế nhưng cha có thể chặn chúng mà,” Cesare sốt sắng nói.
Giáo hoàng trầm tư mấy phút rồi mới trả lời. “Rome là một thành phố tự do, con trai à,” ông nói. “Và ta đánh giá cao tự do.”
Cesare nhìn cha với vẻ tần ngần, nghi ngại. “Những tên vu khống và dối trá vẫn được tự do, thưa cha, trong khi những người cai trị và phục vụ dân chúng lại không thể tự bảo vệ mình? Chẳng có ai muốn tin sự thật cả. Nếu được xét xử bọn tung tin đồn nhảm kia, con sẽ trừng trị chúng nghiêm khắc; chúng sẽ không ung dung nhởn nhơ với những lời dối trá và lăng mạ bịa đặt như thế đâu.”
Giáo hoàng Alexander thấy vui vui khi anh con cả nổi giận. Cứ làm như thể hễ là Giáo hoàng là có thể cấm dân chúng có ý kiến và nắm hết được suy nghĩ của họ vậy! Biết người ta nói gì vẫn tốt hơn là để họ giấu kín trong lòng. “Tự do không phải là quyền mà là một đặc ân do ta ban phát. Và trong thời điểm này người mà ta chọn để ban phát đặc ân đó là Burchard. Có thể đến một lúc nào đó, ta sẽ đổi ý, nhưng hiện tại, ý tưởng tự do lại hấp dẫn ta.”
Khi Cesare nói về cáo buộc tiếp theo, chàng hơi bối rối, phân vân, bởi chàng biết chuyện này ảnh hưởng thế nào đến em gái mình. “Con đã được nghe từ nhiều nguồn rất đáng tin, thưa cha, rằng có người trong gia đình ta đang thông mưu với kẻ thù để hủy hoại chúng ta.”
Nét mặt Alexander không hề biến sắc. “Con không định nói với ta đó là đứa em tội nghiệp của con, Jofre, đấy chứ?”
“Không đâu, cha,” Cesare nói. “Dĩ nhiên là không phải rồi. Nhưng một người thân cận gây nguy hiểm cho chúng ta. Chồng của Lucrezia, hoàng tử Alfonso.”
Một thoáng cảnh giác lướt qua khuôn mặt Giáo hoàng, nhưng ông kịp định thần lại ngay. “Một lời đồn nham hiểm, Cesare à. Ta chắc thế. Và chúng ta cần sáng suốt để nhận định chính xác, vì Crezia yêu chàng ta lắm. Tuy nhiên ta sẽ xem xét cẩn thận chuyện ấy.”
Vào ngay lúc ấy, câu chuyện bị ngắt quãng vì tiếng kèn trống vọng lên từ dưới đường. Alexander đi đến bên cửa sổ, kéo khung cửa sổ và cười vang. “Đến đây, Cesare, nhìn đây này.”
Cesare đứng bên cha và nhìn ra. Dưới kia chàng thấy nhiều người mang mặt nạ đang diễu hành, tất cả đều mặc toàn đồ đen. Có khoảng hơn năm mươi người, và trên mỗi mặt nạ, nơi đáng ra là cái mũi lại chĩa lên một dương vật to đùng.
“Cái gì thế này?” Cesare hỏi, tỏ ra bối rối.
Alexander, trông rất vui thích, nói, “Ta mong là họ làm như thế để tôn vinh con đấy, con trai à. Ta đồ rằng con không thắc mắc gì về mấy cái mặt nạ đâu nhỉ?”
* * *
Trong những tháng chờ đợi chiến dịch mới, Cesare viết thư cho vợ, Lottie, ở Pháp, kể lể rằng mình nhớ nàng lắm lắm, và hai người sẽ lại sớm ở bên nhau thôi. Nhưng chàng cảm thấy đưa nàng về Rome lúc này là chưa được an toàn. Dường như chàng bị đẩy vào một tham vọng bất thường, bị giày vò vì những điều chàng sợ hãi. Mặc dầu là một người có sức mạnh phi thường, nhưng chàng khá gầy, chỉ được khoản cơ bắp săn chắc. Bị thôi thúc bởi bản chất ưa đua tranh, chàng thường ngụy trang để vi hành qua các làng mạc quanh thành Rome, thách đấu những tay vô địch đấu vật, đánh đấm ở đó, và chàng luôn thắng cuộc.
Cesare giống như nhiều vị vương công của thời ấy, tin vào khoa chiêm tinh. Chàng đến thăm vị chiêm tinh gia lỗi lạc nhất của triều đình; vị này sau khi nghiên cứu các ngôi sao và hành tinh, kết luận rằng số mệnh của chàng gian nan trắc trở lắm. Song chàng không hề e ngại, bởi Cesare tin chắc rằng chàng có thể lừa cả các vì sao nếu chàng đủ thông minh.
Sau đó, vào lúc dùng bữa trưa với em gái, chàng nghiêng người qua bàn ăn nắm lấy bàn tay em và bộc bạch những gì chàng vừa được biết, kèm theo nụ cười. “Bây giờ anh biết rằng vào tuổi hai mươi sáu anh có nguy cơ bị giết vì vũ khí khi trên tay còn cầm vũ khí. Bởi vậy em nên tận dụng cơ hội để yêu anh trong khi anh còn sống.”
Lucrezia trách mắng chàng. “Đừng nói gở như thế, Chez. Bởi không có anh thì em vô vọng. Con cái em cũng thế. Anh phải thật bảo trọng, vì cha và mọi người đều trông cậy vào anh.”
Nhưng trong vòng một tuần, để thử xem số mệnh của mình ra sao, chàng ra lệnh tổ chức một cuộc đấu bò tót, trong đó sáu con bò được thả chạy rông quanh một sân đấu lộ thiên rộng được xây dựng đặc biệt tại Quảng trường Thánh Peter.
Cesare cưỡi con chiến mã màu trắng ưa thích, tiến vào đấu trường và lần lượt đấu với từng con bò tót, đâm ngập mũi giáo, vũ khí duy nhất của chàng vào mình chúng, sâu đến độ chẳng mấy chốc cả năm con bò đều ngã ra chết. Con thứ sáu là một đối thủ hạng khủng, to dềnh dàng và đen bóng như gỗ mun, nhưng rất nhanh nhẹn, linh hoạt vì đang đúng độ tuổi sung sức nhất. Cesare thay mũi giáo bằng một thanh kiếm sắc hai bản, và lại dong ngựa vào đấu trường. Thế rồi, lấy hết sức bình sinh, chàng giáng một cú sấm sét vào con bò, chặt phăng đầu nó.
Mỗi ngày trôi qua, dường như chàng càng muốn thử thách sức mạnh và tài nghệ vũ dũng của mình bằng cách trình diễn những pha liều lĩnh gần như bất khả thi. Chiếc mặt nạ, bản tính không biết sợ là gì, và cung cách bí hiểm của chàng bắt đầu khiến người dân thành Rome sợ hãi.
Khi Duarte Brandao đến bên Giáo hoàng để bày tỏ mối ưu tư của mình, Alexander trả lời. “Đúng là nó báo thù rất khủng khiếp, và không khoan nhượng lời lẽ sự sỉ nhục. Nhưng ngoài chuyện đó ra, con trai Cesare của ta là một chàng trai có bản chất tốt.”