Cha Con Giáo Hoàng

Chương 19

Alexander không chịu nổi những giọt nước mắt của Lucrezia. Giữa chỗ đông người, nàng khoác một bộ mặt dũng cảm, nhưng mỗi lần chỉ có hai cha con với nhau, nàng rất ít nói và khi cần thiết chỉ nói những lời lẽ lịch sự, trang trọng nhất. Ngay cả việc ông mời Julia và Adriana mang đứa con đầu lòng của Lucrezia đến ở chung với nàng dường như cũng không cất đi gánh nặng buồn đau trong lòng nàng. Giờ đây, hai cha con chỉ lặng lẽ ngồi bên nhau suốt cả chiều tối. Ông thèm nhớ những cuộc trò chuyện sinh động và nhiệt tình của Lucrezia, trước đây, thiếu vắng những điều ấy, tâm tư ông nặng trĩu.

Lại một lần nữa Lucrezia cảm thấy vô vọng trong việc thay đổi định mệnh của mình, và mặc dầu không phiền trách cha về việc liên minh với Pháp, nàng hiểu chồng mình phải lo cho gia đình chàng. Tuy nhiên nàng vẫn đau khổ với thực tế rằng những khác biệt chính trị nên nàng và đứa con sắp chào đời bắt buộc phải tự lo toan mà không có Alfonso bên cạnh. Đây quả là một cảnh ngộ khốn khó đáng sợ. Nàng cố lí luận bằng con tim mình, nhưng con tim nàng từ chối mọi lí lẽ. Và nàng tự hỏi hàng trăm lần mỗi ngày tại sao người chồng yêu quý lại không gửi cho mình bức thư nào.

Sau nhiều tuần lễ chứng kiến nỗi buồn khổ của con gái, Alexander thấy mình không là mình nữa. Và do vậy ông phải nghĩ ra một kế hoạch mà ông tin rằng có thể hữu dụng. Lucrezia là một phụ nữ thông minh duyên dáng và được trời phú cho nhiều đức tính của người lãnh đạo, như chính ông. Nàng chắc chắn thừa hưởng được khả năng lôi cuốn quần chúng của ông, dẫu cho đến nay chưa hiện rõ lắm.

Nhưng trong kế hoạch mở rộng, ông vẫn luôn xem xét việc ban phong cho nàng một số lãnh địa ở Romagna - một khi Cesare đã chinh phục được chúng - vậy nên ông lập luận rằng việc thực tập cầm quyền sẽ đem lại lợi ích sau này và giúp tâm trí nàng thoát khỏi nỗi buồn khổ trước mắt. Người chồng điên rồ của nàng vẫn còn náu mình trong lâu đài Colonna, bướng bỉnh từ chối quay về Rome. Tất nhiên là anh ta nhớ vợ, nhưng vì hàng tháng trời, nàng bặt vô âm tín, chàng nghĩ rằng nàng đã bỏ rơi mình. Giáo hoàng buộc phải sai Cervillon, tay sĩ quan Tây Ban Nha đã giữ lưỡi gươm trên đầu hai vợ chồng trong hôn lễ của họ, đến tranh thủ sự giúp đỡ của vua Naples để lấy lại Alfonso.

Về những chuyện tình cảm này Alexander rất thiếu kiên nhẫn. Mặc dầu ông không hề khắc kỉ trong đời sống tình cảm của bản thân, nỗi đau khổ của ông dường như thích đáng hơn nỗi buồn đau của hai người trẻ này. Bởi chỉ có Chúa biết người ta có thêm bao nhiêu người yêu nữa trong đời! Nếu con người cứ mãi khổ sở vì tình yêu đến mức này, e rằng sẽ chẳng còn thời giờ đâu để mà làm việc, còn cả việc của Chúa nữa.

Và thế là, sau nhiều cân nhắc và thảo luận kĩ càng với Duarte, Alexander quyết định gửi Lucrezia đến cai trị miền đất gọi là Nepi, một lãnh địa xinh tươi mà ông đã thu hồi từ hồng y Ascanio Sforza khi ông này lẻn khỏi Vatican để về Naples.

Vì Lucrezia đang mang thai vào thời kì cuối, Alexander biết rằng họ phải đặc biệt cẩn trọng và dành nhiều thời gian hơn cho cuộc hành trình của nàng. Ông sẽ cho một đoàn tùy tùng đông đảo để hộ tống nàng, một kiệu vàng trong trường hợp nàng thấy quá bất tiện khi cưỡi ngựa. Ông sẽ gửi Michellotto đi hộ giá nàng trong những tuần lễ đầu và đảm bảo lãnh địa được yên ổn. Tất nhiên nàng còn phải có cố vấn thân tín và đủ năng lực để chỉ dẫn cho nàng thuật lãnh đạo khi đến Nepi.

Giáo hoàng biết rằng có vài thành phần trong Giáo hội sẽ phản đối, vì xét cho cùng nàng vẫn là phụ nữ. Nhưng Lucrezia được sinh ra và nuôi dạy để làm quốc sự, không lí gì lại để nàng phung phí tài năng lãnh đạo chỉ vì nàng không sinh ra là đàn ông. Dòng máu Borgia chảy trong huyết quản nàng và như vậy tài năng của nàng phải có đất dụng võ.

Ông không cảm nhận sự say mê nào giống như thế đối với anh con út, Jofre, và thực tế còn rất bực tức cô vợ của anh con này, nàng Sancia. Tất nhiên ông cũng nhận ra rằng ác cảm của mình đối với cô con dâu này một phần cũng từ chuyện ông rất bất mãn chú của cô ta, vua xứ Naples, vì con gái ông ta là Rosetta đã khước từ, không chịu lấy con trai Giáo hoàng. Một sự ngạo mạn không thể tin nổi! Bố láo đến trơ tráo! Hơn thế nữa, Alexander đâu đã đến nỗi lú lẫn. Ông biết rõ rằng một ông vua có thể hạ lệnh cho con gái phải lấy người mà ông ta chỉ định, thế mà lão ấy lại chẳng chịu làm. Vậy thì, chính tên vua này, ông kết luận, đã khước từ con ông, và qua đó, khinh nhờn ông.

Sancia, nàng công chúa xứ Naples mà cậu út của ông đã kết hôn, vẫn luôn luôn cứng đầu cứng cổ, ương bướng theo ý mình; lại còn thêm chuyện hệ trọng nữa là mãi đến giờ cô ta vẫn chưa chịu cho Jofre một người thừa kế. Cô ta lại còn ưa mồi chài người này người nọ nữa. Mọi chuyện có lẽ đã vào nền nếp tốt hơn nhiều nếu phải chi Jofre thành hồng y còn Cesare làm chồng Sancia - bởi vì Cesare, chắc chắn sẽ biết cách trị đàn bà ương bướng. Giờ đây Alexander cho gọi cậu út mười bảy tuổi, Jofre, vào phòng riêng của ông. Cậu út đi vào, gương mặt vui vẻ nở nụ cười rạng rỡ, và mặc dầu không than vãn gì nhưng chàng ta lại đi khập khiễng rất khó khăn.

“Chuyện gì xảy ra vậy?” Alexander hỏi cậu út, mà không biểu lộ sự quan tâm như thường lệ hay ngay cả một cái ôm chiếu lệ ông cũng lơ luôn.

“Không sao đâu, cha,” Jofre trả lời, cúi đầu. “Con bị thương nơi đùi trong khi đấu kiếm.”

Alexander cố kiềm chế để không hét lên vì mất kiên nhẫn, nhưng sự vô dụng của cậu con làm ông bực mình.

Jofre có mái tóc vàng và sắc mặt cởi mở. Đôi mắt chàng ta không ánh lên vẻ thông minh như đôi mắt của cô chị, không có vẻ khôn lanh ma mãnh của đôi mắt Juan hay ánh lên tham vọng cháy bỏng như người ta có thể thấy trong đôi mắt của Cesare. Thực ra, khi Giáo hoàng nhìn vào đôi mắt của đứa con này, ông chẳng thấy gì và điều đó khiến ông lúng túng.

“Ta muốn con đi theo chị con đến Nepi,” Alexander nói. “Chị con sẽ cần người thân đi kèm và cũng cần sự che chở. Nó đang là một người đàn bà đơn độc, sắp sinh con, và cần có một người đàn ông hiện diện bên cạnh mà nó có thể tin cậy.”

Jofre mỉm cười và gật đầu. “Thưa Đức Thánh Cha, con sẽ vui sướng nhận lãnh nhiệm vụ đó,” chàng ta nói. “Và vợ con cũng sẽ vui lòng, vì cô ấy rất thích chị Lucrezia, và cũng muốn thay đổi không khí.”

Alexander xem thử biểu cảm trên khuôn mặt của con trai mình có thay đổi không khi giáng cho cậu ta cú đánh kế tiếp, dù ông cũng đoan chắc sẽ chẳng thay đổi gì. “Ta không nói vợ con - như con gọi cô ta - đi theo con. Nó sẽ không đi theo, bởi vì ta đang có những kế hoạch khác liên quan đến nó.”

“Con sẽ nói với cô ấy,” Jofre ngờ nghệch đáp, “nhưng con chắc là cô ấy sẽ không vui đâu.”

Alexander mỉm cười, vì ông chẳng chờ đợi gì từ anh con này và, quả đúng như thế, nó không làm ông ngỡ ngàng.

Tuy nhiên, Sancia lại khác. Chiều hôm đó, lúc nghe được tin, nàng liền nổi trận tam bành với Jofre. “Anh chẳng bao giờ ra dáng chồng tôi và bớt làm con ngoan của cha anh à?” Nàng hét tướng lên.

Jofre dò chừng cô vợ, bối rối vì những lời của nàng ta. “Ông ấy không chỉ là cha anh,” Jofre biện hộ. “Ông ấy còn là Đức Thánh Cha. Sẽ nguy hiểm hơn nếu ta không chịu vâng lời ông ấy.”

“Còn nguy hiểm hơn nếu ông ấy buộc em ở lại còn anh ra đi, Jofre à,” Sancia cảnh báo, và sau đó nàng thất vọng bật khóc. “Khi bị bắt phải lấy anh, em ghét lắm, nhưng giờ đây em thực sự thấy thích anh hơn - vậy mà anh nỡ khiến đôi ta chia lìa ư?”

Jofre mỉm cười, nhưng lần đầu tiên là một nụ cười ranh mãnh. “Từng có lúc em rất muốn tránh xa anh mà… những khi em nằm trong vòng tay Juan đấy.”

Sancia lập tức trấn tĩnh và ngưng ngay những giọt nước mắt.

“Lúc đó anh hãy còn bé lắm và em rất cô đơn. Juan làm em khuây khỏa; thế thôi, chẳng có gì hơn.”

Jofre vẫn tỉnh khô. “Anh tin là em yêu hắn vì trong đám ma hắn em khóc lóc thảm thiết hơn ai hết.”

Sancia nói, “Đừng có khờ thế, Jofre. Em khóc vì em kinh sợ cho bản thân mình. Em không bao giờ tin anh của anh chết bởi tay người lạ.”

Jofre có vẻ cảnh giác. Đôi mắt ánh lên nét “thông minh lạnh” và trông chàng ta bỗng nhiên cao hẳn lên, đôi vai rộng hẳn ra, tư thế mạnh mẽ hiên ngang hơn trước nay rất nhiều. “Có phải ý cô là cô biết ai giết ông anh yêu quý của ta?” Chàng hỏi.

Vào thời khắc ấy, Sancia nhận thấy rằng có điều gì đó đã thay đổi nơi chồng mình. Giờ đây chàng hiên ngang đứng lên như một con người hoàn toàn khác với cậu thiếu niên mà nàng biết từ trước đến nay. Nàng tiến về phía chàng, vươn người ra, choàng cả hai cánh tay quanh cổ chàng. “Đừng để cha đẩy anh ra xa em,” nàng biện luận. “Hãy nói với cha là em cần phải luôn bên anh.”

Jofre lùa tay vào tóc nàng, hôn lên mũi. “Em có thể thưa trình với cha,” Jofre nói, nhận ra rằng xét cho cùng, cậu ta vẫn còn giận về chuyện giữa nàng và Juan. “Cứ nói những gì em thấy cần thiết, để xem em có làm được khá hơn những người từng cố cãi lệnh Đức Thánh Cha hay không.”

Thế là Sancia xăm xăm đi đến dãy phòng riêng của Giáo hoàng và xin yết kiến ông.

Alexander đang ngồi trên ngai khi nàng bước vào; ông vừa kết thúc cuộc tranh luận với viên đại sứ từ Venice, kẻ khiến ông khó chịu đến giờ.

Sancia đứng trước mặt ông, sau khi hơi nghiêng mình cúi đầu, không thèm hôn nhẫn hay hôn chân để tỏ lòng cung kính. Nhưng nghĩ đến những gì mình sắp ra tay với nàng ta, ông bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt này.

Sancia nói không cần đợi cho phép, vì dẫu sao thì nàng cũng là con gái và cháu gái của vua mà. Ngày hôm nay, nàng lại càng giống ông nội, vua Ferrante; mái tóc đen buông lơi, để lòa xòa. Đôi mắt xanh lục sắc lẻm, nàng nói giọng kết tội. “Chuyện gì thế này? Tôi không được đi cùng chồng và chị Lucrezia đến Nepi sao? Tôi phải ở lại Vatican một mình, không có những người tôi thích bên cạnh?”

Alexander thong thả ngáp, “Này cô con dâu yêu quý, cô phải làm như yêu cầu, một chuyện rõ là không mấy dễ chịu với cô.”

Sancia giậm chân tức giận, tức không chịu nổi. “Lần này ông đã đi quá xa. Jofre là chồng tôi, và tôi là vợ anh ấy. Chỗ của tôi là ở bên anh ấy, tôi nợ chồng mình lòng thủy chung.”

Giáo hoàng cười lớn nhưng ánh mắt ông rắn như thép. “Này cô Sancia yêu quý. Cô thuộc về Naples. Với ông chú điên rồ, và lãnh địa của con dã thú Ferrante, ông nội cô. Ta sẽ tống cô về đó ngay nếu cô không chịu giữ mồm giữ miệng.”

“Ông không hù dọa được tôi đâu, thưa Đức Ông,” nàng nói. “Vì tôi tin vào một quyền năng còn cao hơn quyền năng của ông. Tôi chỉ cầu nguyện với đức Chúa Trời.”

“Này, cô bé, nói năng cho cẩn thận đấy.” Alexander cảnh cáo. “Vì ta có thể treo cổ hay thiêu sống cô về tội tà giáo, và ngày cô tái hợp với chồng sẽ mất nhiều thời gian hơn đấy.”

Sancia cứng họng, nàng nổi cơn cuồng nộ, bất cần. “Tôi sẽ gây ra một vụ tai tiếng, ông cứ việc cho thiêu tôi! Muốn làm gì thì làm nhưng không thể cản được tôi nói lên sự thật. Vì ở cái thành Rome này, mọi chuyện chẳng như vẻ bề ngoài, sự thật phải được hé lộ.”

Khi đứng lên, Giáo hoàng là một con người đường bệ oai nghiêm, gây ấn tượng mạnh đến nỗi Sancia, theo bản năng, phải lùi lại, nhưng chỉ một thoáng ngắn ngủi nàng đã định thần, lấy lại tư thế, chân đứng vững. Nhưng nàng không chịu cúi đầu, không bị ánh mắt trừng trừng của ông dọa cho chết khiếp. Ông liền nổi quạu với cô con dâu. Nếu con trai ông không thể trị ả, vậy thì ông phải ra tay. “Ngươi phải rời khỏi đây, về lại Naples ngay trong ngày mai,” Giáo hoàng nói. “Và mang thông điệp của ta đến cho vua Naples. Bảo với y rằng nếu y không muốn gì ở ta, ta cũng chẳng muốn gì ở y.”

Sancia rời đi với một nhóm hộ tống rất ít ỏi và hầu như chẳng được mấy đồng dằn túi đi đường. Trước khi lên đường, nàng bảo Jofre, “Cha anh có nhiều kẻ thù hơn anh biết đấy. Rồi sẽ có một ngày chuyện này sẽ đi đến kết cục chẳng hay ho gì đâu. Tôi chỉ cầu mong ngày đó tôi có mặt ở đây để chứng kiến.”

* * *

Vua Louis trong trang phục đính ong vàng rực rỡ, ngự giá thân chinh, dong ngựa vào thành Milan với Cesare đi bên cạnh. Họ đi cùng hồng y della Rovere, hồng y d’Amboise, công tước Ferrara, Ercole d’Este và một binh lực gồm bốn mươi ngàn quân chiếm đóng.

Ludovico Sforza, biệt danh Il Moro, rơi vào cảnh túng thiếu khi phải chi những khoản tiên khổng lồ cho đám lính đánh thuê nhưng chúng lại không phải là địch thủ xứng tầm với những binh sĩ Pháp tinh nhuệ. Biết rằng quân mình sắp thua trận đến nơi, Lucdovico đã gửi hai đứa con trai và người em Ascanio, qua Đức để được anh rể ông, hoàng đế Maximilian, bảo hộ.

Và thế là sau một chiến thắng dễ dàng, vua Louis của nước Pháp được tuyên bố là công tước đích thực của Milan. Và nhà vua rất biết ơn vì sự giúp đỡ của Giáo hoàng trong cuộc xâm lăng này: Alexander đã ban phước cho ông, còn có Cesare trợ giúp nữa.

Khi xem xét thành phố, chỗ đầu tiên nhà vua đến là lâu đài hoành tráng của nhà Sforza. Tại đó ông cho lùng sục những chiếc tủ gỗ sồi với ổ khóa đặc biệt do chính bậc thầy Leonardo da Vinci thiết kế, nghe đồn đựng đầy vàng bạc châu báu. Nhưng khi mở ra, chúng trống rỗng. Rõ ràng là Ludovico đã mang theo những gì quý giá nhất, cùng số tiền hơn hai trăm bốn mươi nghìn ducat khi ông ta bỏ chạy. Nhưng những gì còn lại trong pháo đài cũng còn đủ giá trị để gây ấn tượng cho vua Louis với sự xa hoa tráng lệ của triều đình Ludovico - từ những chuồng ngựa của nhà Sforza với những bức vẽ ngựa quý đầy chi tiết sống động cho đến bức bích họa Bữa Tiệc Ly của Leonardo da Vinci trong tu viện Santa Maria.

Vậy mà nhà vua lại chẳng quan tâm chuyện các cung thủ dùng pho tượng chiến mã bằng đất sét tuyệt đẹp do Leonardo tạo tác ở quảng trường làm bia tập bắn và phá tan tành. Những thị dân có văn hóa ở Milan nghĩ binh lính Pháp là bọn man rợ, vì chúng khạc nhổ lên nền các lâu đài và xả rác bừa bãi trên đường phố.

Nếu các vùng lãnh thổ của Romagna được thống nhất, cuộc xâm lăng đất Ý của Louis có lẽ đã dừng lại ở đó. Nhưng chưa. Và thế là Alexander biết rằng đây chính là thời cơ để ông đòi lại chúng, bởi vì, xét cho cùng, các vùng lãnh thổ này chính là các lãnh thổ thuộc giáo triều, chỉ vì lòng khoan dung độ lượng của ông mà đám sứ quân tham lam kia cai trị lâu đến thế.

Giờ đây Cesare chỉ việc lật đổ đám vua một cõi kia để chinh phục phần còn lại của các vùng lãnh thổ trong các lãnh thổ thuộc giáo triều, nhằm thống nhất đất Ý và mang vinh quang, phú cường về cho gia đình chàng và cho thành Rome.

* * *

Ở Nepi, Lucrezia toàn tâm toàn ý lao mình vào những công việc hành chính. Nàng đặt ra một cơ quan lập pháp và lực lượng cảnh sát để thực thi pháp luật, giữ trị an trên các đường phố. Mỗi thứ năm hàng tuần, noi gương cha, nàng mời các công dân vào lâu đài để lắng nghe những bất bình của họ và sau đó dùng hết khả năng để giải quyết những trường hợp đó. Dường như nàng thực sự có tài cai trị và thần dân của nàng rất cảm kích nữ chủ nhân của họ.

Thời gian này, Jofre giúp nàng khuây khỏa nỗi nhớ Alfonso và ngược lại, nàng cũng là nguồn an ủi cho cậu em trai. Bởi Jofre chán nản Sancia, nàng ta rất khó bảo mà cũng khó chiều. Trong khi Lucrezia học cách cai trị, Jofre đi săn bắn và cưỡi ngựa qua các vùng quê tươi đẹp, ngày qua ngày, cuộc sống càng trở nên dễ chịu hơn cho cả hai chị em.

Để tưởng thưởng cho tài năng và mẫn cán của nàng, một tháng sau khi Lucrezia đến Nepi, Giáo hoàng tìm cách thuyết phục Alfonso đến với nàng. Vì mục đích đó, ông hào phóng ban phát cho đôi trẻ cả thành phố, lâu đài và những phần đất bao quanh Nepi. Đôi vợ chồng trẻ lâng lâng với hạnh phúc vô ngần khi lại được vui sống bên nhau đến nỗi quên cả việc hỏi Giáo hoàng muốn họ đền đáp thế nào.

Alexander để cho Alfonso và Lucrezia riêng tư bên nhau vài tuần lễ trước khi ông đến thăm họ. Nhưng ông không thể đợi thêm được, không còn thời gian nữa rồi. Vào ngày thứ nhì ở Nepi, trong một bữa ăn trưa thịnh soạn, Giáo hoàng hỏi Lucrezia xem nàng có muốn quay về Rome để sinh con không. Lời lẽ của ông thật thuyết phục khi giải thích rằng ông tuổi ngày càng cao nên một đứa cháu trai nữa sẽ giúp ông vui hưởng tuổi già. Giữa niềm hạnh phúc ngập tràn khi được về lại bên chồng, thêm vào đó, nếu được sống cùng Julia và Adriana, nàng sẽ thật thoải mái, nhẹ nhõm, vậy nên, nàng đồng ý đi. Đã thề nguyền rằng không bao giờ chia lìa nhau nữa, Alfonso tất nhiên là đồng ý đi với nàng.

* * *

Lucrezia quay trở lại Rome với chồng, Alfonso và cậu em Jofre. Giáo hoàng sai một ban nhạc, diễn viên kịch câm và nghệ sĩ tung hứng đến chào đón họ ở cổng thành.

Trong thời gian nàng vắng mặt, dinh thự Santa Maria in Portico của Lucrezia đã được trang trí bằng những dải lụa nhiều màu lộng lẫy và thảm thêu tinh vi. Không chút chậm trễ, đích thân Giáo hoàng cũng đến chào đón vợ chồng nàng và Jofre trở về. “Thật là một ngày hạnh phúc,” ông reo lên, ôm chầm rồi nhấc bổng nàng lên, bất chấp tình trạng tế nhị hiện nay của nàng. “Con gái yêu quý của ta trở về, và chẳng bao lâu nữa con trai Cesare của ta sẽ hát khúc khải hoàn, trở thành người hùng chinh phục.” Trong tâm trạng hân hoan phấn chấn đó ông còn ôm hôn cả Jofre. Vào ngày đó, ông cảm thấy mọi điều nguyện cầu của ông đều được đáp ứng.

Không lâu sau đó, niềm vui của ông càng vỡ òa khi nhận được tin Cesare đã thành công trọn vẹn khi cùng vua Pháp chiếm Milan. Chẳng bao lâu sau, Lucrezia hạ sinh một bé trai khỏe mạnh, được đặt tên là Rodrigo để tôn vinh cha nàng, Alexander đắc chí vui sướng đến độ ông ngất đi, phải nằm tĩnh dưỡng trên giường suốt ngày hôm ấy. Nhưng ngay sau khi hồi phục, ông liền bắt đầu chuẩn bị lễ rửa tội cho đứa bé.