Francis Saluti, thẩm vấn viên làm việc cho Hội đồng mười người của Florence, biết rằng đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc đời thi hành công vụ của mình: tra hỏi Girolamo Savonarola bằng cực hình.
Dù Savoranola là một tu sĩ và là một nhân vật quan trọng, nhưng ý thức về nhiệm vụ của ông vẫn không suy giảm. Đúng là ông đã thường nghe những bài thuyết giáo của nhân vật này và từng xúc động vì chúng. Nhưng Savonarola đã công kích chính Giáo hoàng và thách thức giới cầm quyền ở Florence. Hắn đã âm mưu cùng kẻ thù của nền cộng hòa. Vậy nên, hắn phải ra tòa. Sự thật về hành vi phản bội của hắn cần được “gặt hái” từ chính thân xác hắn.
Trong căn phòng đặc biệt, được lính tráng canh gác cẩn mật, Saluti điều động dàn nhân sự dưới quyền. Cái trăng đã sẵn sàng; người thợ đã kiểm tra máy móc, những bánh xe lớn nhỏ, các dây đai buộc những quả kéo. Chúng đều vận hành tốt. Một lò lửa nhỏ đỏ rực than hồng, cửa lò đầy rẫy các loại kẹp khác nhau, và, làm căn phòng nóng đến độ Saluti đổ mồ hôi. Hay có lẽ bởi vì ông ta biết rằng đây là một ngày mà mình sẽ kiếm được khoản tiền công rất hậu hĩ.
Saluti có niềm tự hào của một người chuyên nghiệp, nhưng không thích thú công việc của mình. Ông không thích chuyện mình làm là một bí mật của chính quyền, phải được giữ kín để bảo vệ chính ông. Florence là một thành phố đầy những con người nung nấu ý chí báo thù rửa hận. Ông luôn luôn vũ trang đầy đủ khi trên đường về nhà. Nhà ông nằm giữa những căn nhà của các thành viên khác trong gia tộc, họ sẵn sàng ứng cứu, bảo vệ ông nếu ông bị ai đó tấn công.
Công việc của ông được nhiều người thèm muốn, vì được trả lương đến sáu mươi florin mỗi năm, gấp đôi lương các thủ quỹ ngân hàng ở Florence thuở ấy, mà lại còn được khoản tiền thưởng hai mươi florin cho mỗi vụ việc mà Hội đồng giao phó.
Saluti mặc quần ống túm bó sát bằng lụa và một áo bờ-lu màu xanh đen, một màu vải đặc biệt chỉ có ở Florence. Màu sắc đó nhằm tôn vinh chức vụ, nhưng không quá gắt so với gu của ông. Saluti, mặc dầu bị rối loạn tiêu hóa thường xuyên và bị mất ngủ, nhưng vẫn là một người vui tính và biết suy nghĩ. Ông đã dự những buổi giảng về Plato ở đại học. Ông không bao giờ bỏ sót buổi thuyết giáo nào của Savonarola và ông đều đặn đến viếng các phòng tranh của những nghệ sĩ lớn để thưởng lãm những tác phẩm hội họa hay điêu khắc mới nhất. Ông còn có lần được mời tham quan những khu vườn kì diệu của Lorenzo Medici khi II Magnihco (tức Lorenzo Vĩ Đại) còn sống. Đó là ngày trọng đại nhất trong đời ông.
Ông không hề thích thú khi nhìn thấy các nạn nhân đau đớn. Ông căm ghét kết tội kiểu đó. Tuy nhiên, ông cũng không bao giờ bị giằng xé bởi những day dứt của lương tâm. Bởi xét cho cùng, chính Đức Giáo hoàng Innocent bất khả ngộ đã ban hành chỉ dụ cho phép tra tấn đối với tội tà giáo. Đúng là những tiếng kêu la của các nạn nhân nghe thật xé lòng. Đúng là những buổi đêm đối với Francis Saluti quả là dài, nhưng ông luôn nốc cạn một chai rượu vang trước khi đi nghỉ và điều đó giúp ông dễ ngủ.
Cái thực sự làm ông bực bội là tính ương ngạnh không tưởng của các nạn nhân. Tại sao họ lại không chịu nhận tội ngay để khỏi phải bị khảo tra, hành hạ? Tại sao họ lại bướng bỉnh chối tội để cả họ và những người khác phải chịu khổ đau cùng? Tại sao con người từ chối nghe theo lí trí? Đặc biệt ở Florence, nơi cái đẹp và lí trí nở hoa hơn ở bất kì nơi nào khác, có lẽ chỉ thua Athens thời cổ đại.
Quả là điều đáng tiếc, thực sự là đáng tiếc khi bản thân Francis Saluti phải trở thành một công cụ gây đau khổ. Nhưng chẳng phải thế sao, như Plato từng nói, rằng trong cuộc đời của mỗi con người, cho dầu người ấy có thiện chí đến đâu, họ vẫn làm cho người khác khổ sở ở cõi trần thế này?
Quan trọng hơn cả: các văn kiện pháp lí quả là không chỗ nào chê được. Dưới thể chế cộng hòa tốt đẹp của Florence, không một công dân nào có thể bị tra tấn trừ phi có bằng cớ rõ ràng về tội lỗi của hắn ta. Các văn kiện đó đã được các quan chức có trách nhiệm của Hội đồng cai trị kí. Ông đã đọc kĩ các văn kiện đó, không chỉ một mà nhiều lần. Giáo hoàng Alexander đã chuẩn y và gửi những vị chức sắc của Giáo hội đến làm quan sát viên chính thức. Người ta còn đồn rằng đích thân hồng y Cesare Borgia cũng đã bí mật có mặt ở Florence để theo dõi. Trong trường hợp đó thì, than ôi, chẳng còn chút hi vọng nào cho vị tu sĩ thánh thiện kia nữa. Kẻ phải khảo tra hành hạ lặng lẽ cầu nguyện cho con người thánh thiện kia được nhanh chóng rời khỏi cõi hồng trần. Linh hồn và tâm trí đã được chuẩn bị thông suốt, Francis Saluti đứng ở cánh cửa mở vào phòng tra tấn, chờ Lưỡi Búa chiến bại của Chúa, tu sĩ Girolamo Savonarola. Cuối cùng, nhà hùng biện lừng lẫy tiếng tăm được kéo lê vào phòng. Rõ ràng là ông ta đã bị đánh đập, một việc khiến Saluti rất phiền lòng và thất vọng. Chuyện này là một sỉ nhục đối với kĩ năng của ông.
Là những người chuyên nghiệp, Saluti và người phụ tá trói chặt Savonarola vào cái trăng. Không muốn để nhiệm vụ quan trọng cho thuộc cấp, chính Saluti tự tay quay các vòng sắt làm chuyển động các bánh răng, đến lượt chúng sẽ kéo các chi của nạn nhân từ từ rời ra khỏi cơ thể. Suốt tiến trình, cả Saluti lẫn Savonarola không ai nói lời nào. Điều này làm đẹp lòng Saluti. Ông ta coi căn phòng này như một nhà nguyện, một nơi chốn lặng yên để cầu nguyện, và cuối cùng, xưng tội, chứ không phải để nói chuyện tầm phào.
Chẳng mấy chốc mà Saluti nghe tiếng lạo xạo quen thuộc khi các cánh tay của vị tu sĩ gãy rời ở cùi chỏ. Vị hồng y già của Florence, ngồi kế bên, sợ xanh mặt, bị sốc vì âm thanh rùng rợn đó.
“Này Girolamo Savoranola, ngươi có chịu thú nhận rằng thông điệp mà ngươi nói ra là giả mạo và tà giáo, xem thường Chúa chúng ta?” Saluti hỏi.
Vẻ mặt Savonarola tái nhợt như xác chết, đôi mắt ông trợn ngược hướng lên trời cao giống các vị thánh tử đạo trong các bức bích họa tôn giáo. Thế nhưng ông vẫn không thèm trả lời.
Hồng y bèn gật đầu ra hiệu cho Saluti và ông này, lại một lần nữa, quay bánh xe. Sau một hồi, thịt xương hai cánh tay Savonarola bị bứt lìa khỏi vai, gãy răng rắc. Ông rú lên hãi hùng như con thú bị chọc tiết.
Saluti lại gằn giọng hỏi. “Này Girolamo Savoranola, ngươi có chịu thú nhận rằng thông điệp mà ngươi nói ra là giả mạo và tà giáo, xem thường Chúa chúng ta?”
Lần này thì chịu hết xiết rồi. Chỉ nghe thấy loáng thoáng Savonarola thều thào, “Tôi thú tội.”
Thế là xong.
Savonarola đã công nhận mình rao giảng tà thuyết, và thế là kết cuộc đã được định sẵn. Không gặp sự phản đối nào từ người dân xứ Florence. Đã có một thời họ đem lòng ngưỡng mộ, nhưng giờ đây họ thấy nhẹ nhõm vì đã tống khứ được ông. Lưỡi Búa của Chúa bị treo cổ trong tuần đó, thân xác dập nát của ông đung đưa trên mấy sợi dây thừng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Sau đó, ông được hạ xuống và đốt xác trên giàn thiêu đặt ngay giữa quảng trường đối diện Giáo đường Thánh Marco, nơi ông từng khạc ra lửa với lời lẽ hùng hồn, suýt nữa đưa Giáo hoàng vào chỗ chết và bại vong.
* * *
Một buổi sáng trong tuần, Giáo hoàng Alexander, ngẫm nghĩ về nhân tâm thế đạo, những mưu mô gian xảo của các quốc gia, những dối trá lọc lừa của bách tính thiên hạ và những nước cờ hiểm hóc, quái chiêu ẩn sâu trong tâm trí của mỗi cá nhân trên cõi trần gian tục lụy này. Tuy thế, ông không hề tuyệt vọng. Ông không bao giờ phải đắn đo về sự an bài của Đấng Tối Cao, vì ông chính là Người Đại diện của Chúa Jesus trên mặt đất và niềm tin của ông là vô lượng vô biên, không thể nào cân đo đong đếm được. Ông biết rằng trên tất cả, Thiên Chúa là Chúa Lòng Lành, và sẽ tha thứ mọi kẻ có tội. Đó là viên đá tảng trong niềm tin của ông. Ông không bao giờ nghi ngờ mục tiêu của Chúa là tạo ra hạnh phúc và niềm vui trong thế gian này.
Nhưng những nhiệm vụ của một Giáo hoàng vẫn khác biệt. Trên hết, ông có bổn phận tăng cường sức mạnh cho Hội Thánh để rao truyền lời Chúa rộng khắp trần gian - và quan trọng hơn nữa, vượt qua bao la của thời gian tiến đến tương lai vô hạn. Nếu lời của Chúa Jesus tắt đi, đó sẽ là tai họa lớn nhất cho con người.
Con ông, Cesare có thể phụng sự theo cách này. Mặc dầu không còn là hồng y, nhưng chắc chắn nó có thể giúp thống nhất các lãnh thổ thuộc giáo triều bởi nó là một nhà chiến lược quân sự ưu việt và cũng là một người yêu nước nhiệt thành. Vấn đề duy nhất là nó có đủ phẩm chất để đứng vững trước những chước cám dỗ của quyền lực? Nó có biết đến lòng nhân? Bởi nếu không, nó có thể cứu vớt linh hồn của nhiều người, nhưng lại đánh mất linh hồn của chính mình. Điều này làm Alexander lo nghĩ mãi.
Nhưng giờ đây còn phải đưa ra những quyết định khác nữa. Những chi tiết về chức vụ, những quy định hành chính chán ngắt. Hôm nay có ba chuyện, và chỉ một trong số đó khiến ông rối trí. Ông phải quyết định chuyện sống hay chết của chánh văn phòng Plandini, người bị kết tội bán chỉ dụ của Giáo hoàng. Sau đó, ông phải quyết định xem một thành viên trong một gia đình quý tộc danh giá có nên được phong thánh hay không. Thứ ba, cùng với con trai và Duarte, ông phải xét duyệt các kế hoạch và gom lại tiền mà ông đã đầu tư để bắt đầu một chiến dịch mới nhằm thống nhất các lãnh thổ thuộc giáo triều.
Alexander mặc lễ phục, nhưng đơn giản thôi - như một Giáo hoàng sẽ ban bố ân huệ chứ không phải sẽ đòi hỏi những cống hiến. Một áo dài trắng không thêu thùa, chỉ viền lụa đỏ, và trên đầu đội một mũ tế bằng vải lanh nhẹ. Trên bàn tay ông chỉ đeo chiếc nhẫn của Thánh Peter, chiếc nhẫn Giáo hoàng để con chiên hôn. Không còn gì khác.
Hôm nay, nhằm biện minh cho những hành động mà ông sắp thực hiện, ông phải cho dân chúng thấy Giáo hội đầy từ tâm. Với mục đích đó, ông sử dụng phòng tiếp tân trên tường có tranh vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, người khẩn cầu với Chúa cho mọi kẻ tội lỗi.
Ông lệnh cho Cesare ngồi cạnh ông, vì ông hiểu rằng có những người cần được chỉ dạy việc thực thi lòng nhân một cách đúng đắn.
Người đầu tiên mà ông phân xử là người phục vụ trung thành nhất của ông trong hai mươi năm qua, Stiri Plandini, người bị phát hiện đã giả mạo các chỉ dụ Giáo hoàng. Cesare quá biết nhân vật này vì ông ta đã làm việc ở giáo triều từ cái thời Cesare còn bé tí xíu.
Ông ta được đẩy vào phòng bằng chiếc ghế lăn dành cho tù nhân, bị trói chặt vào ghế, không nhúc nhích gì được, tấm áo choàng phủ kín người vì lòng tôn kính đối với đôi mắt dịu dàng của Đức Thánh Cha.
Alexander ra lệnh tháo bỏ ngay những xiềng xích trên hai tay người tù và sau đó ra lệnh đem đến cho ông ta một li rượu vang. Plandini cố nói, nhưng chỉ có thể thều thào những tiếng khàn khàn.
Rồi Giáo hoàng nói, với lòng thương xót. “Plandini, anh đã bị luận tội và bị kết án. Anh đã cúc cung tận tụy vì ta trong nhiều năm qua, thế nhưng giờ đây ta không thể giúp anh. Nhưng anh đã nài xin một cuộc hội kiến và ta không thể từ chối anh. Vậy thì, nói đi.”
Stiri Plandini là một thư kí điển hình. Đôi mắt ông ta hay nheo lại vì đọc nhiều, còn khuôn mặt bủng beo chứng tỏ không bao giờ săn bắn hay mang áo giáp. Thân hình ông ta mảnh khảnh đến độ chỉ chiếm một khoảng nhỏ của chiếc ghế. Khi nói, giọng ông ta rất yếu.
“Thưa Đức Thánh Cha, xin ngài thương xót vợ con con. Đừng để họ đau khổ vì tội lỗi của con.”
Alexander nói, “Ta sẽ đảm bảo họ không bị tổn hại gì. Nào, anh đã khai ra tất cả những kẻ đồng mưu chưa?” Ông hi vọng Plandini có thể nêu tên một hồng y mà ông đặc biệt không ưa.
“Thưa vâng, Đức Thánh Cha,” Plandini nói. “Con hối hận về tội lỗi của mình và cầu xin ngài, nhân danh Thánh Nữ Đồng Trinh, tha cho mạng sống của con. Cho con được sống để lo cho gia đình vợ con.”
Alexander cân nhắc chuyện này. Tha thứ cho người này có thể sẽ khuyến khích những kẻ khác lạm dụng lòng tín nhiệm của ông. Nhưng ông cảm thấy thương hại. Biết bao nhiêu buổi sáng ông đã đọc cho Plandini viết thư và cả hai bông đùa cùng nhau, hay hỏi han sức khỏe các con ông ta. Con người này là một thư kí hoàn hảo và một Ki-tô hữu ngoan đạo.
“Anh được trả lương hậu hĩ. Tại sao anh còn phạm một tội nặng như vậy?” Giáo hoàng hỏi.
Plandini lấy tay ôm đầu, toàn thân rung lên vì những tiếng thổn thức, nức nở. “Vì các con con,” ông ta nói. “Chúng còn trẻ và hoang đàng, con phải trả nợ cho chúng. Con phải giữ chúng gần con. Con phải mang chúng quay về với đức tin.”
Alexander nhìn về phía Cesare, nhưng nét mặt vẫn tỏ vẻ vô cảm. Đúng hay sai, đây vẫn là câu trả lời khôn ngoan của Plandini. Lòng yêu mến của Giáo hoàng đối với các con ông thì ai ở thành Rome mà chẳng biết. Con người này đã chạm được yếu huyệt của Đức Thánh Cha.
Đứng trong ánh nắng sáng tươi rọi qua các cửa sổ lắp kính, xung quanh là bao ảnh tượng của Đức Mẹ khoan dung, Alexander cảm thấy lòng đè nặng trách nhiệm. Chính vào ngày này đây, chính con người đang ở trước mặt ông đây sẽ bị treo lủng lẳng lên giá treo cổ nơi quảng trường công cộng, vĩnh viễn không còn biết gì đến những lạc thú trần gian - năm đứa con trai và ba người con gái của ông ta sẽ đau buồn đến xé ruột xé gan. Và chắc chắn là ba kẻ đồng mưu phải chịu tử hình, ngay cả khi ông tha tội cho người này. Vậy thì cũng phải giết ông ta mới là công bằng! Alexander nhấc chiếc mũ lễ vải lanh khỏi đầu; dẫu nó nhẹ tênh nhưng ông cảm thấy thật nặng nề, không mang nổi nữa. Ông hạ lệnh cho mấy vệ binh Giáo hoàng giải phóng người tù và giúp ông ta đứng lên. Giáo hoàng liền trông thấy phần thân trên bị biến dạng của Pladini, hai vai bị cái trăng bẻ vẹo đi khi khảo tra.
Lòng trào dâng nỗi buồn không chỉ riêng cho gã tội đồ này, mà còn cho tất cả tội lỗi trên thế gian, ông đứng lên và ôm lấy Pladini. “Đức Mẹ Nhân từ Thần thánh đã nói với ta. Con sẽ không chết. Ta tha lỗi cho con. Nhưng con phải lìa xa Rome và lìa xa gia đình mình. Con sẽ sống suốt phần đời còn lại trong một tu viện xa khỏi nơi đây, và hiến đời mình cho Chúa để cầu xin từ tâm của Người.”
Ông nhẹ nhàng đẩy Plandini lùi trở lại trong ghế và ra hiệu đem ông ta ra ngoài. Mọi chuyện sẽ được thu xếp ổn thỏa; việc tha tội sẽ được giữ bí mật, những kẻ đồng mưu sẽ bị xử treo cổ và ông đều làm tròn bổn phận với Giáo hội lẫn Chúa. Bỗng dưng ông cảm nhận được một niềm vui hiếm hoi - ngay cả với con cái mình hay cả với những người phụ nữ ông yêu, những kho báu mà ông tích lũy để chuẩn bị cho cuộc Thập tự chinh thần thánh. Ông cảm nhận niềm tin vào Chúa Jesus của mình thuần khiết đến độ mọi phù hoa hào nhoáng, mọi quyền uy thế gian đều tan biến, và dường như người ông toàn là ánh sáng. Khi cảm giác đó phai dần, ông tự hỏi không biết Cesare con mình có bao giờ cảm nhận được nỗi hân hoan xuất thần đó không.
Người thỉnh nguyện bái kiến tiếp theo thuộc một dạng hoàn toàn khác, Alexander nghĩ. Ông sẽ phải kiên quyết giữ vững tinh thần đối với nhân vật này và không được mềm mỏng. Một cuộc mặc cả giằng co, gay go lắm đây, và dứt khoát không thể yếu lòng. Đừng để tay khách hàng này khơi gợi lên một mảy may từ tâm nào nơi ta. Đã quyết như thế, ông đội lại chiếc mũ lễ lên đầu.
“Con sẽ đợi ở tiền phòng?” Chàng dọ ý cha, nhưng Giáo hoàng ra dấu cho Cesare đi theo ông.
“Có thể con sẽ thấy chuyện này lí thú đấy,” ông nói.
Alexander đã chọn một phòng khác cho cuộc hội kiến này, một căn phòng không có vẻ khoan dung độ lượng như căn phòng mới rồi. Các bức tường được vẽ chân dung của các Giáo hoàng chiến binh, đang hạ gục những kẻ thù của Giáo hội với gươm và nước thánh. Những bức tranh về các vị thánh bị quân tà giáo chặt đầu, tranh Jesus Christ trên thập giá đội vòng gai và những bức tường sơn màu đỏ tươi. Đây là Phòng Các Thánh Tử Đạo, thích hợp cho cuộc hội kiến này hơn.
Nhân vật đến trình diện trước Giáo hoàng lần này là người đứng đầu của gia đình Rosamundi, một gia đình quý tộc và giàu có của thành bang Venice. Ông ta sở hữu một trăm chiếc tàu lớn, giao thương khắp thế giới. Là một người Venice thực thụ, mức độ giàu có của ông là một bí mật được giữ kín.
Baldo Rosamundi đã quá ngưỡng thất thập, vận trang phục đen trắng đứng đắn, nhưng hàng cúc áo bằng đá quý. Và gương mặt ông ta toát lên vẻ nghiêm chỉnh của người sắp thực hiện việc làm ăn, như lúc hai người từng làm đối tác với nhau, khi Alexander còn là hồng y.
“Vậy là anh nghĩ cháu gái anh đáng được phong thánh,” Alexander nói vui vẻ.
Baldo Rosamundi cung kính thưa gửi. “Thưa Đức Thánh Cha, nếu như vậy chẳng phải là con quá táo bạo hay sao? Con nào dám thế. Chỉ là do dân chúng thành Venice bắt đầu thỉnh nguyện cho nó được phong thánh. Chính các vị chức sắc của Giáo hội đã xem xét thỉnh nguyện và đệ trình lên các cấp. Nhưng con biết rằng chỉ có Đức Thánh Cha mới là người duyệt y tối hậu.”
Alexander đã nghe báo cáo từ vị giám mục được chỉ định làm Người Bảo Vệ Đức Tin mà nhiệm vụ là điều tra, xem xét các thỉnh nguyện về việc phong thánh. Đây là một trường hợp rất bình thường. Doria Rosamundi có thể là một vị thánh trắng, không phải thánh đỏ. Nghĩa là cô ta có thể được phong thánh vì sống một đời đức hạnh không có gì đáng chê trách: một cuộc đời thanh bần, khiết bạch và đầy thiện nghiệp, được điểm xuyết với một vài phép lạ không chắc có thực. Mỗi năm có hàng trăm yêu cầu na ná như thế. Alexander không mấy cảm tình với các vị thánh trắng; ông ưu ái những người tử vì đạo cho Hội Thánh hơn - những vị thánh đỏ.
Tư liệu chứng tỏ rằng Doria Rosamundi coi thường cuộc sống giàu sang xa hoa của gia đình mình. Cô chăm sóc, giúp đỡ những người nghèo, và vì ở Venice người nghèo khá hiếm - một thành bang cấm cả cái quyền được nghèo - thế cho nên cô đã phải vất vả du hành qua nhiều thành phố nhỏ, kể cả phải lặn lội đến các vùng sâu, vùng xa của đảo quốc Sicily ở miền nam Ý, thu nhặt trẻ thơ côi cút, bất hạnh, đem về chăm sóc, giáo dưỡng. Cô đã nguyện sống suốt đời trinh bạch và quan trọng nhất là cô đã chăm sóc mà không hề sợ hãi những nạn nhân của dịch tả, căn bệnh vốn thường xuyên tấn công dân chúng nghèo khổ. Và sau đó cô đã chết ở tuổi hai mươi lăm vì bị nhiễm bệnh. Mười năm sau ngày mất, gia đình cô bắt đầu tiến hành thủ tục xin phong thánh.
Tất nhiên, phải có những phép lạ để làm bằng. Trong trận dịch vừa qua, một vài nạn nhân đã bị tuyên bố là chết rồi và bị đặt lên giàn hỏa để thiêu. Nhưng khi Doria cầu nguyện cho họ, họ bỗng sống lại một cách kì diệu.
Sau khi cô chết, nhiều người cầu nguyện ở mộ cô khỏi được những căn bệnh hiểm nghèo. Và trên sóng nước biếc của Địa Trung Hải, thủy thủ thường thấy khuôn mặt cô bay quanh các con thuyền của họ trong cơn bão tố. Hết tư liệu này đến tư liệu khác chứng thật cho những phép lạ này. Mọi chuyện đều đã được kiểm tra và không có trường hợp nào bị phản biện. Và, cũng may là, nhà Rosamundi lắm tiền nhiều của nên thỉnh nguyện này được các cấp Giáo hội thông qua.
Alexander nói, “Điều anh yêu cầu là chuyện trọng đại, trách nhiệm của ta còn trọng đại hơn. Một khi cháu gái anh được phong thánh, thì theo định nghĩa, cô ấy ở nước Thiên đàng, ngự bên cạnh Chúa và do vậy có thể cầu nguyện giúp cho tất cả những người cô yêu mến. Nhà mồ và nơi thờ cúng cô ấy sẽ ở trong giáo đường của anh; những người hành hương từ khắp thế giới sẽ đổ xô về để tôn thờ. Đây là một quyết định rất nặng nề. Anh có thể thêm gì vào tất cả những bằng chứng này?”
Baldo Rosamundi cúi đầu cung kính. “Trải nghiệm bản thân con,” ông nói. “Khi cháu hãy còn là một bé gái, thì con đang ở đỉnh cao hạnh vận và tuy thế điều ấy chẳng có ý nghĩa gì lắm đối với con. Tất cả cũng chỉ là tro bụi. Nhưng khi Doria mới lên bảy, cháu thấy nỗi buồn trên mặt con và nài nỉ con hãy cầu nguyện Chúa để Người ban cho hạnh phúc. Con đã làm theo lời và con cảm thấy hạnh phúc. Khi còn bé, cháu cũng không bao giờ ích kỉ; cháu cũng chẳng hề ích kỉ khi là thiếu nữ. Con rất vui sướng khi mua cho cháu những trang sức bằng châu ngọc đắt tiền, thế nhưng cháu không bao giờ chưng diện chúng. Cháu đem bán cả để lấy tiền cho người nghèo. Sau khi cháu mất đi, con bị ốm nặng. Các bác sĩ trích máu cho con đến khi con trắng bệch ra như một con ma, ấy thế mà bệnh tình con chẳng chút thuyên giảm. Thế rồi một đêm nọ con thấy mặt cháu, và cháu nói chuyện với con. Cháu bảo, ‘Ông nội còn phải sống để phụng sự Chúa’.”
Alexander đưa cả hai bàn tay lên làm cử chỉ chúc phúc long trọng và sau đó dỡ chiếc mũ lễ khỏi đầu mình. Ông đặt nó lên trên bàn, giữa hai người. “Và anh có sống để phụng sự Chúa?”
“Con có chứ, hẳn ngài cũng biết,” Baldo Rosamundi tự tin khẳng định. “Con đã xây ba nhà thờ ở Venice. Con đã tài trợ toàn bộ kinh phí cho một cô nhi viện để tưởng nhớ cháu gái con. Con đã khước từ những thú vui trần tục không còn phù hợp với những người ở độ tuổi con, và con cảm nhận một tình yêu mới mẻ đối với Chúa Jesus và Đức Mẹ đầy ơn phước.” Ông ta tạm ngưng một lúc và sau đó nhìn thẳng vào Giáo hoàng với một nụ cười hòa nhã mà Alexander còn nhớ rất lâu. “Thưa Đức Thánh Cha, ngài chỉ cần ra lệnh cho con về chuyện con phải phục vụ Giáo hội như thế nào.”
Alexander làm ra vẻ cân nhắc chuyện này, rồi nói. “Chắc anh cũng biết là từ khi ta được bầu chọn vào nhiệm chức thiêng liêng này thì hi vọng lớn nhất của ta là dẫn đầu một cuộc Thập tự chinh mới. Dẫn đầu một đạo quân Ki-tô giáo đến Jerusalem để lấy lại nơi Chúa Jesus ra đời.”
“Vâng, vâng,” Rosamundi sốt sắng nói. “Con sẽ dùng tất cả ảnh hưởng của mình ở Venice để giúp ngài có được đội tàu thuyền tốt nhất. Ngài có thể tin cậy ở con.”
Giáo hoàng nhún vai. “Venice đã bắt tay với bọn Thổ Nhĩ Kỳ, như anh biết rồi đấy. Họ không thể gây nguy hiểm cho những tuyến giao thương và những thuộc địa của họ bằng cách hào phóng hỗ trợ một cuộc Thập tự chinh của Hội Thánh. Ta hiểu điều đó, và chắc chắn anh cũng thế. Cái ta thực sự cần đến là vàng để trả lương cho binh sĩ và cung cấp nhu yếu phẩm cho họ. Quỹ của Giáo hội dành cho chuyện này hiện còn rất eo hẹp. Ngay cả với những lợi tức từ năm toàn xá, từ thuế phụ trội đánh vào mọi thành viên của hàng tăng lữ, dầu thấp hay cao, và khoản thuế mười phần trăm cho Thập tự chinh đối với mọi tín đồ Ki-tô giáo. Đối với người Do Thái ở Rome, ta đòi hỏi họ đến hai mươi phần trăm. Nhưng quỹ thánh chiến hãy còn ít ỏi lắm.” Ông cười tủm tỉm và rồi nhẹ nhàng, “Và như thế, anh có thể phụng sự?”
Baldo Rosamundi ưu tư gật đầu như thể ngạc nhiên với chuyện này lắm. Ông ta đánh bạo nhướn nhẹ đôi hàng lông mày. Thế rồi ông nói, “Thưa Đức Thánh Cha, xin hãy nói rõ ý ngài và con sẽ vâng lời, cho dầu phải cầm cố cả đội thương thuyền của con.”
Alexander đã ngẫm nghĩ về số lượng tiền, vàng có thể moi từ Rosamundi. Nếu có một vị thánh trong gia đình, nhà Rosamundi sẽ được chào đón trọng thị nơi mọi triều đình trong giới Ki-tô giáo. Điều đó sẽ bảo vệ cho họ khỏi mọi kẻ thù quyền thế ở một mức độ đáng kể. Trong lịch sử Giáo hội Công giáo đã có đến gần mười ngàn vị thánh, chuyện đó cũng chẳng thành vấn đề. Bởi chỉ có vài trăm vị trong số đó có được chứng nhận của giáo triều La Mã.
Alexander chậm rãi nói. “Cháu gái của anh hẳn là được ơn phước bởi Chúa Thánh Thần. Trong tư cách là một giáo đồ Ki-tô, cô ấy không có điểm nào đáng chê trách. Cô ấy đã thêm vào vinh quang của nước Trời trên mặt đất. Nhưng có lẽ là còn quá sớm, kể từ ngày cô mất, để phong thánh cho cô. Còn có rất nhiều ứng viên khác đang chờ, có người đã chờ đến năm mươi năm, có người thậm chí đến cả trăm năm… Ta không muốn vội vàng. Bởi đây là việc một khi đã quyết, ta không thể nào thay đổi được.”
Baldo Rosamundi, mới mấy chốc trước đây thôi hãy còn rạng ngời hi vọng và tin tưởng, giờ đây co rúm người trên ghế. Ông nói bằng giọng thì thầm hầu như không thể nghe được, “Con muốn cầu nguyện nơi mộ cháu trước khi mình chết, và con cũng chẳng còn sống bao lâu nữa. Con muốn cháu cầu thay cho mình nơi nước Trời. Con là một người thực sự tín mộ vào Chúa Jesus và con thực tâm tin rằng cháu Doria của con là một vị thánh. Con mong muốn thờ kính cháu trong khi mình còn tại thế. Con van xin ngài, thưa Đức Thánh Cha, cứ đòi hỏi con điều gì ngài muốn.”
Vào thời điểm đó Alexander thấy rằng con người này thành tâm, rằng ông ta thực sự tín mộ. Thế là, với niềm vui của một con bạc biết chắc mình thắng vì đã thấy rõ con bài tẩy của đối phương trước khi lật bài, Alexander ném ra yêu cầu gấp đôi con số mà ông đã dự trù trước đây: “Quỹ của chúng ta dành cho Thập tự chinh cần năm trăm ngàn ducat,” ông hét giá. “Vậy là thế giới Ki-tô có thể dong buồm tiến về Jerusalem.”
Baldo Rosamundi giật nẩy lên, như bị sét đánh trúng. Trong một thoáng, ông ta ép hai bàn tay vào hai bên tai như thể không nghe, nhưng vẫn tập trung tâm trí và cố gắng trả lời. Sau đó ông định thần lại, vẻ bình thản lan tỏa trên khuôn mặt. “Tạ ơn Đức Thánh Cha,” ông nói. “Nhưng đích thân ngài phải đến Venice để thánh phong phần mộ cháu và hoàn thành các lễ nghi cần thiết.”
Alexander nhẹ nhàng nói, “Đó chính là ý định của ta. Một vị thánh thì vĩ đại hơn bất kì Giáo hoàng nào. Và giờ đây chúng ta sẽ cùng cầu nguyện để xin thánh nữ cầu thay cho chúng ta nơi thiên đàng.”