Cha Con Giáo Hoàng

Chương 14

Vào ngày Cesare Borgia đội vương miện cho vua xứ Naples, chàng nhận một thông điệp khẩn từ em gái, do sứ giả bí mật của nàng mang đến và trao cho chàng khi chàng đang tản bộ một mình trong vườn của lâu đài. Bức thư viết rằng chàng phải gặp nàng ở Ngân Hồ trong vài ngày nữa, vì nàng cần nói chuyện với chàng trước khi một trong hai người quay về Rome.

Cả buổi tối hôm đó, Cesare dự lễ đăng quang huy hoàng. Toàn bộ giới quý tộc của Naples đều có mặt tại đó để gặp chàng, kể cả nhiều phụ nữ xinh đẹp, bị thu hút bởi ngoại hình phong nhã và phong thái ung dung đầy quyến rũ của chàng, tíu tít vây quanh bất chấp bộ trang phục hồng y trên người chàng. Chàng cùng đi với chú em út Jofre và cô em dâu Sancia, dường như bước đi của Jofre đã thay đổi, vững vàng, tự tin hơn kể từ khi Juan mất. Chàng tự hỏi không biết có ai khác nhận thấy điều đó không. Sancia cũng đã thay đổi. Nàng ta vẫn còn thích ve vãn, tán tỉnh nhưng có vẻ ít gay gắt với mọi người, bớt sôi nổi, bốc đồng so với trước đây.

Chính Jofre, trong buổi chiều tối hôm ấy đã giới thiệu Cesare với một chàng trẻ tuổi dáng người cao ráo, đẹp trai với trí thông minh sắc sảo và vẻ lịch sự nhã nhặn khiến Cesare ấn tượng. “Anh tôi, hồng y Borgia, đây là công tước Bisceglie, Alfonso xứ Aragon. Hai người đã gặp nhau chưa?”

Khi Alfonso vươn người tới để bắt tay chàng, Cesare liền cảm thấy hấp dẫn bởi ngoại hình của chàng trai trẻ. Chàng ta có vóc dáng lực sĩ nhưng những đường nét rất thanh tú và nụ cười rạng rỡ đến độ người ta không thể rời mắt khỏi chàng, như thể đang thưởng ngoạn một bức tranh tuyệt mĩ.

“Thật vinh dự được gặp hồng y,” Alfonso nói, cúi người, và giọng nói của chàng cũng khả ái như ngoại hình của chàng.

Cesare gật đầu đáp lễ. Nhiều giờ sau, hai chàng kiếu từ khách khứa để cùng dạo bước qua các khu vườn, nói chuyện ngày càng tâm đầu ý hợp. Trí tuệ của Alfonso tỏ ra cũng ngang tài cân sức với trí tuệ của Cesare và khiếu hài hước của chàng ta thật thú vị. Họ tranh luận về thần học, triết học và tất nhiên cả chuyện chính trị. Khi từ biệt Alfonso, Cesare cảm thấy rất quý mến chàng, “Không nghi ngờ gì nữa, anh bạn thật xứng đôi với em gái tôi. Và tôi chắc chắn cả hai sẽ hạnh phúc với nhau.”

Đôi mắt xanh của Alfonso ngời lên. “Tôi sẽ làm hết sức mình để được như thế.”

* * *

Cesare mong chờ gặp em gái ở Ngân Hồ. Đã nhiều tháng rồi chàng và Lucrezia chưa được riêng tư với nhau, và giờ đây khi nàng đã hồi phục sau khi sinh nở, chàng lại nghĩ đến việc làm tình với nàng. Chàng tự hỏi, trong khi phi ngựa nhanh vùn vụt, nàng cần phải nói với mình chuyện gì thế nhỉ. Từ mấy tuần qua chàng không nghe được lời nào từ cha chàng hay từ Duarte và vì thế chàng ngờ rằng đây là chuyện riêng tư hơn là chuyện quốc gia đại sự.

Đến bờ hồ trước nàng, chàng dừng lại một lát nhìn ngắm khoảng trời trong xanh, vui hưởng vẻ thanh bình của đồng quê trước khi bước vào lều. Tại đó, sau khi tắm rửa và thay quần áo, chàng ngồi nhâm nhi li rượu vang và suy tư về cuộc đời mình.

Vừa qua đã xảy ra bao biến cố, nhưng chàng biết trong tương lai không xa, sẽ còn nhiều chuyện xảy đến nữa. Khi rời Florence trở về Rome, chàng quyết định sẽ yêu cầu Đức Thánh Cha cất bớt cho chàng những trọng trách của một hồng y. Chàng hết còn chịu nổi thói đạo đức giả mà chiếc mũ hồng y áp đặt lên chàng. Chàng biết rằng thuyết phục Đức Thánh Cha sẽ là một chuyện thiên nan vạn nan, chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã căng như dây đàn giữa hai cha con. Từ sau cái chết của Juan, thay vì trở nên gần gũi hơn với chàng, thì cha lại dường như lại xa cách với Cesare.

Cesare là con người đầy tham vọng và đam mê; chàng muốn được sống trọn vẹn nhất. Nhưng chàng cảm thấy bị ngăn trở. Giờ đây khi em gái mình lại phải lấy chồng, chàng cảm thấy mình phải chật vật tranh đấu, cả với bản thân cũng như với bao tác nhân bên ngoài. Alfonso là một con người có phẩm giá đáng trọng, người mà chàng quý mến, và mặc dầu chàng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho Lucrezia, chàng vẫn thấy có chút ganh tị. Giờ đây em gái chàng sẽ có những đứa con mà nàng có thể yêu thương và có quyền được công khai làm mẹ chúng. Là hồng y, những đứa con của chàng không được công nhận - hoặc tệ hơn phải là con ngoài giá thú, như chính chàng. Chàng cố trấn tĩnh lại, tự khuyên mình thoát ra khỏi những cảm xúc kia, tự trách mình về tầm nhìn thiển cận. Cesare tự nhắc nhở mình rằng hôn ước giữa Lucrezia với con vua xứ Naples là một liên minh rất có lợi cho Giáo hội và cho Rome. Thế nhưng chàng vẫn thấy mất kiên nhẫn, và cay đắng nhận thấy rằng cuộc đời mình lại bị định đoạt bởi thứ bậc huynh đệ.

Giáo hoàng vẫn luôn vui hưởng cuộc đời của ông; ông thực sự cảm thấy thỏa mãn với sứ mệnh của mình trong Giáo hội và việc cứu vớt cho bao nhiêu linh hồn của nhân loại. Trong khi Cesare phải tranh đấu với đức tin và chẳng thấy hứng thú gì với nhiệm vụ mà Giáo hoàng đang giao phó cho chàng. Bao đêm mua vui với kĩ nữ hạng sang nhưng hiếm khi nào chàng thấy thỏa mãn; chàng vẫn thấy mình muốn điều gì hơn thế. Jofre và Sancia có vẻ hạnh phúc với cuộc sống cung đình xa hoa mà cả hai chẳng phải hao tổn tâm trí mới có được, chỉ cứ vô tư thụ hưởng thôi. Và ngay cả chú em Juan cũng đã có một cuộc sống huy hoàng - tự do, giàu sang, danh vọng - đến khi hắn thất thủ trước cái chết mà hắn đáng phải chịu.

Lúc Lucrezia đến, Cesare còn đang trong tâm trạng ủ rũ, buồn thảm. Nhưng khi nàng chạy ùa vào vòng tay chàng và chàng lại ngửi được mùi tóc nàng, cảm nhận cơ thể ấm áp của nàng sát vào cơ thể mình thì mọi nỗi bất bình dần tan biến. Chỉ khi đẩy nàng ra, nhìn vào gương mặt nàng và nhận ra nàng đang khóc tự nãy giờ.

“Có gì thế?” Chàng hỏi. “Gì thế, em cưng?”

“Papa đã sai người giết Perotto,” nàng nói. Từ lâu rồi, kể từ khi còn bé, nàng đã không còn gọi Giáo hoàng là Papa.

“Perotto đã chết?” Cesare thốt lên, sửng sốt với tin đó. “Anh đã bảo cậu ta đi trốn cho đến khi anh quay về.” Chàng hít vào một hơi sâu, và khẽ hỏi, “Cậu ta được tìm thấy ở đâu?”

Lucrezia ôm chặt anh mình. “Trong khu ghetto. Một quán rượu của khu ghetto. Một nơi mà anh ấy không bao giờ đặt chân đến.”

Cesare nhận ra rằng ngay cả khi chàng cố gắng giúp Perotto, mọi chuyện cũng đã quá muộn. Thế rồi họ nói với nhau về tính tình dịu dàng khả ái của chàng trai, lòng tự nguyện hi sinh của chàng cho tình yêu. “Anh ấy đúng thực là một nhà thơ,” Lucrezia nói.

“Thiện tâm của cậu ta khiến anh cảm thấy xấu hổ,” Cesare nói. “Bởi giả sử chuyện khác đi, anh không dám chắc mình sẽ chọn lựa như cậu ta, mặc dầu anh thực sự rất yêu em.”

Lucrezia nói, vẻ chắc nịch, sắc bén. “Có công lí trên nước Trời, em không hề nghi ngờ điều đó. Lòng can đảm, tâm hồn cao thượng của anh ấy sẽ được hiển vinh.”

Họ cùng tản bộ bên hồ hàng giờ liền, và hàng giờ sau, họ hàn huyên bên ngọn lửa sáng rực trong căn lều. Sau đó họ làm tình, còn mê đắm hoan lạc hơn cả trước đây. Họ nằm bên nhau thật lâu, trước khi bất kì người nào trong hai người muốn phá vỡ sự im lặng, và rồi Lucrezia lên tiếng trước. “Bé con của chúng ta là thiên thần xinh đẹp nhất em từng thấy,” nàng nói, mỉm cười. “Và trông bé giống như…”

Cesare nghiêng người trên cánh tay và nhìn vào đôi mắt xanh trong của em gái. “Giống hệt ai vậy?” Chàng hỏi.

Lucrezia cười lớn. “Giống hệt… chúng ta!” Nàng nói, và lại cười reo. “Em nghĩ chúng ta sẽ cùng hạnh phúc, cho dù bé chỉ là con anh, và không bao giờ có thể là con em.”

“Nhưng chúng ta là quan trọng nhất,” Cesare trấn an nàng. “Và chúng ta biết sự thật.”

Lúc đó Lucrezia ngồi dậy, quấn chiếc áo choàng lụa quanh người và chui ra khỏi giường. Giọng nặng nề, lạnh lẽo, nàng hỏi, “Cesare, anh có nghĩ Đức Thánh Cha độc ác?”

Cesare thoáng rùng mình. “Có những lúc anh không chắc mình có biết thiện ác là gì không.” Chàng nói. “Lúc nào em cũng chắc chắn ư?”

Lucrezia quay lại nhìn chàng. “Vâng, em chắc chứ, thưa anh. Em biết phân biệt thiện ác. Điều ác không thể ngụy trang lừa gạt em…”

* * *

Sáng hôm sau Lucrezia rời Ngân Hồ quay về Rome, nhưng Cesare thì không thể. Còn quá sớm để chàng chạm mặt cha mình, bởi chàng còn đầy tức giận xen lẫn cảm thức tội lỗi. Perotto cũng đã chết rồi, nên chẳng có lí do gì phải vội nữa.

Hóa trang trong bộ quần áo thô mộc của một nông dân, Cesare cưỡi ngựa hướng về cổng thành Florence. Dường như đã lâu lắm rồi kể từ khi chàng đặt chân đến thành đô này. Trong lúc một mình một ngựa, để lại đoàn tùy tùng bên ngoài cổng thành, chàng nhớ lại lần đầu đến Florence. Ngày còn là sinh viên, chàng đã có dịp đến nơi này cùng Gio Medici. Cảnh vật cũng như con người nay đã khác xưa nhiều…

Đã có một thời khi Florence từng là một nước cộng hòa đầy tự hào, tự hào đến nỗi nghiêm cấm bất kì người nào mang dòng máu quý tộc được tham gia chính quyền. Nhưng gia đình Medici với nguồn lực tài chính dồi dào, đầu tư mạnh tay, mới là thế lực cai trị Florence thông qua ảnh hưởng lên các quan chức đương nhiệm, bằng cách chu cấp cho những nhân vật sau này được dân chúng bầu lên nắm quyền. Và như thế, cha của Gio Medici, ngài Lorenzo Vĩ Đại, đã củng cố quyền lực của nhà Medici.

Đối với chàng trai trẻ Cesare Borgia, quả là mới mẻ khi sống trong một thành bang lớn nơi người cầm quyền được hầu hết dân chúng yêu mến. Lorenzo là một trong những người giàu nhất và hào hiệp nhất trần. Ông cho những cô gái nghèo của hồi môn để lấy chồng. Ông bảo trợ cho những nghệ sĩ có tài, họa sĩ, điêu khắc gia tiền bạc và tiện nghi để làm việc. Danh họa bậc thầy Michelangelo thời trẻ từng sống trong dinh thự nhà Medici, được Lorenzo xem như con trai.

Lorenzo Medici mua những quyển sách giá trị từ khắp nơi trên thế giới, rồi cho người dịch và chép tay ra thành nhiều bản với chi phí rất lớn để các học giả ở Ý có sẵn tài liệu nghiên cứu. Ông tài trợ các giảng đàn triết học và ngữ văn Hy Lạp tại các trường đại học ở Ý. Ông làm thơ và thơ ông được những nhà phê bình khó tính nhất khen ngợi. Ông còn sáng tác các bản nhạc được trình tấu trong những lễ hội lớn. Giới học giả, những nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ, và nhạc sĩ tài danh nhất thường là khách mời trong các bữa tiệc tại tư dinh nhà Medici.

Hồi Cesare còn đến làm khách ở đây, mặc dầu mới chỉ là một thiếu niên mười lăm tuổi, chàng vẫn được Lorenzo và bạn bè đối đãi vô cùng lịch sự. Nhưng kỉ niệm yêu thích nhất của Cesare về Florence là những câu chuyện chàng được nghe về quá trình vươn lên đỉnh quyền lực của nhà Medici - đặc biệt là câu chuyện mà Gio kể cho chàng nghe về chuyện ông Lorenzo cha chàng ta thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc khỏi một âm mưu lớn, khi ông ấy hãy còn là một chàng trai trẻ.

Vào tuổi hai mươi, lúc thân phụ qua đời, Lorenzo đã trở thành người đứng đầu gia đình Medici. Ở thời điểm đó nhà Medici chuyên cho Giáo hoàng và nhiều ông vua bà chúa vay tiền, là tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới. Nhưng Lorenzo nhận ra rằng nếu không muốn vị thế đó lung lay, ông phải củng cố quyền lực của chính bản thân.

Vì thế, ông tài trợ cho những lễ hội lớn để dân chúng vui chơi, giải trí. Ông cho dàn dựng những trận hải chiến giả trên sông Arno, và tài trợ những vở nhạc kịch trình diễn tại đại quảng trường Santa Croce; ông bảo trợ những cuộc diễu hành rước các thánh tích của đại giáo đường: một cái gai trên vòng gai Chúa Jesus từng mang, một cái đinh từ cây thập giá của Người, và một đoạn mũi giáo của người lính La Mã đâm vào mạn sườn Chúa. Khắp thành phố Florence, hàng quán đều được trang trí với hiệu kì nhà Medici mang hình ảnh ba quả bóng đỏ nổi bật.

Lorenzo là người mộ đạo nhưng cũng không kém trần tục. Trong các ngày lễ hội, những chiếc thuyền được trang trí vui mắt chở đám gái điếm xinh đẹp nhất thành phố diễu qua đường phố; vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trên Đoạn đường Thập giá, cuộc đời và cái chết của Chúa Jesus được tái hiện bằng cách mang đến giáo đường những bức tượng Chúa Jesus, Đức Mẹ Đồng Trinh Maria và nhiều vị thánh có kích cỡ như người thật. Bầy bồ câu trắng trong lồng được phóng sinh, tung cánh khắp trời như những thiên thần. Còn có những cuộc thi sắc đẹp dành cho các cô gái trẻ từ các gia đình nền nếp, và các tu sĩ diễu hành cảnh báo cho dân chúng về địa ngục.

Lorenzo có lẽ là người xấu trai nhất Florence nhưng với trí tuệ sắc sảo và ăn nói có duyên nên vẫn tốt số đào hoa, có lắm mối tình lẻ. Em trai và cũng là bạn thân thiết nhất của ông, Giuliamo, ngược lại, được ca ngợi là người khôi ngô tuấn tú nhất thành phố trong một lễ hội được tổ chức mừng sinh nhật thứ hai mươi hai của chàng hồi năm 1475. Cũng chẳng ngạc nhiên mấy vì bộ trang phục chàng mặc trong sự kiện này được thiết kế bởi danh họa Botticelli và chiếc mũ do Verrocio chế tác với cái giá hai mươi ngàn florin. Dân chúng thành Florence hân hoan khi thấy chàng Lorenzo xí trai nhưng đại lượng ôm em trai mình không hề ghen tị.

Nhưng khi Lorenzo đang ở đỉnh cao quyền lực và hạnh phúc, thì cũng là lúc nhà Medici trở thành mục tiêu của một âm mưu tranh giành quyền lực.

Rắc rối bắt đầu khi Lorenzo từ chối duyệt y một khoản vay khổng lồ do một Giáo hoàng đời trước đề nghị; tiền vay sẽ được dùng để mua thành phố chiến lược Imola trong vùng Romagna. Giáo hoàng Sixtus nổi điên khi bị từ chối cho vay tiền. Ông Giáo hoàng này cũng rất tận tụy với gia đình mình: ông đã ban cho bảy đứa cháu mỗi đứa một chiếc mũ hồng y, và ông muốn dành thành phố Imola cho đứa con ruột, Girolamo. Khi Lorenzo từ chối cho vay, để trả thù, Giáo hoàng quay sang nhà Pazzi, đại kình địch của nhà Medici.

Nhà Pazzi và ngân hàng của họ nhanh chóng mở hầu bao trao cho Giáo hoàng khoản tiền năm mươi ngàn ducat, và yêu cầu các khoản lợi khác từ giáo triều, đặc biệt là việc khai thác các mỏ phèn ở Ngân Hồ ngay bên ngoài thành Rome. Nhưng Giáo hoàng không muốn thực hiện, có lẽ vì Lorenzo đã gửi nhiều quà biếu đáng giá để xoa dịu ngài. Tuy nhiên, mối bất hòa giữa Lorenzo và Giáo hoàng vẫn ngày một lớn dần. Khi Giáo hoàng bổ nhiệm Francisco Salviata làm tổng giám mục của Pisa, một miền đất thuộc quyền Florence - vi phạm thỏa ước theo đó những chức vị như vậy phải được các quan chức Florence chuẩn y - Lorenzo đã ngăn vị tổng giám mục nọ tiếp nhận chức vụ.

Ở Florence, nhà Pazzi có rễ sâu gốc bền, dòng dõi danh giá hơn nhà Medici. Và vị gia trưởng của họ, Jacopo, một người lớn tuổi và điềm đạm hơn, rất ghét chàng trai trẻ Lorenzo. Tổng giám mục Salviata và Francisco Pazzi cũng sôi sục tham vọng và lòng căm ghét. Hai người này thu xếp một cuộc hội kiến với Giáo hoàng Sixtus và thuyết phục ông rằng họ có thể lật đổ nhà Medici. Giáo hoàng chuẩn y. Điều này thuyết phục ông già Jacopo Pazzi, một kẻ nhẫn tâm, tham gia vào âm mưu.

Kế hoạch là giết Lorenzo và em ông ta, Giuliano trong lúc họ dự lễ mi-xa ngày Chủ nhật; sau đó những kẻ hậu thuẫn Pazzi và quân lính ẩn núp bên ngoài tường thành sẽ ùn ùn kéo vào bên trong, chiếm lấy thành phố.

Để tập trung mọi người vào nhà thờ cùng một lúc, bọn họ sắp xếp cho hồng y Raphael Riario, mới mười bảy tuổi, cháu nội của Giáo hoàng, đến thăm Lorenzo. Đúng như dự đoán, Lorenzo định tổ chức một bữa tiệc lớn để khoản đãi hồng y và sau đó tháp tùng ông ta đi dự lễ mi-xa vào buổi sáng Chủ nhật. Đi phía sau là hai tu sĩ có tên Maffei và Stefano, cả hai đều giấu dao găm dưới áo chùng.

Khi tiếng chuông lễ vang lên để tôn vinh Thánh Thể, tất cả bổn đạo trong nhà thờ đều cụp mắt xuống, còn đám tu sĩ hổ mang này sẽ rút dao găm ra và thực hiện hành vi tội lỗi của họ. Nhưng người em của Lorenzo, Giuliano, không có mặt ở đó, trong khi những kẻ âm mưu đã nhận chỉ thị phải giết cả hai. Francisco Pazzi chạy ùa về nhà Giuliano để thúc giục anh ta đến nhà thờ; trên đường trở lại hắn vỗ vào người Giuliano, làm bộ như vui đùa thân mật, nhưng thật ra là để xem anh ta có mang giáp bên dưới lớp áo thường hay không.

Trong nhà thờ, Lorenzo đứng ở phía xa trang thờ. Ông thấy em mình, Giuliano đi vào nhà thờ với Francisco Pazzi theo sau, và sau đó ông nghe chuông lễ vang lên. Ông thất kinh hồn vía khi thấy Francisco rút ra con dao găm và đâm ngập vào người Giuliano. Ngay lúc ấy, một bàn tay chộp lấy vai ông. Ông rụt người lại khi cảm nhận thép lạnh chạm vào cổ họng làm chảy máu. Theo bản năng, cơ thể ông tự động lùi xa ra và liền đó ông vung áo choàng ra, dùng nó để đẩy lệch nhát dao găm của một tu sĩ khác.

Lorenzo rút kiếm ra chống trả, rồi thừa cơ nhảy vọt qua hàng lan can trang thờ và chạy về phía cửa ngách. Ba người bạn cùng sát cánh bên ông. Ông dẫn họ vào phòng để đồ thờ và kéo hai cánh cửa nặng nề khép lại sau lưng. Lúc này, ông đã an toàn.

Trong khi đó, bên ngoài, tổng giám mục Salviata và tên thích khách, Francisco Pazzi, chạy ra khỏi đại giáo đường, la lớn lên rằng anh em nhà Medici đã chết và Florence được giải phóng. Nhưng dân chúng của thành phố chạy đi cầm lấy vũ khí. Những toán quân của tổng giám mục nơi quảng trường bị đám đông áp đảo và tàn sát không còn một mống.

Lorenzo xuất hiện từ phòng để đồ thờ trong tiếng reo hò vui mừng của bạn bè và những người ủng hộ ông. Trước tiên ông phải nắm chắc là không ai làm hại đến hồng y trẻ Riario, nhưng ông làm ngơ trước việc hành hình tổng giám mục và Francisco; họ bị treo cổ lên hai cửa sổ của giáo đường.

Hai tu sĩ Maffei và Stefano bị thiến và chặt đầu. Jacopo Pazzi bị truy đuổi, lột trần truồng và treo cổ bên cạnh ngài tổng giám mục. Dinh thự của nhà Pazzi bị cướp phá và mọi thành viên của gia tộc Pazzi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Florence.

Nhiều năm trôi qua kể từ sự kiện đó, Cesare quay lại thành Florence, nhưng thay vì một thành phố hoa lệ và tuân thủ công lí, chàng lại gặp một Florence hoàn toàn khác.

Đường phố hoàn toàn lộn xộn, vô trật tự, với rác rưởi và nước thải tràn lan. Xác động vật chết trương sình nằm rải rác trên khắp các ngõ hẻm; mùi hôi thối còn tanh nồng tởm lợm hơn cả ở Rome. Đúng là bệnh dịch hạch có xuất hiện ở Florence dù chỉ vài ca thôi; nhưng dường như bệnh tật đã làm dân chúng mất hết tinh thần. Trong lúc Cesare cưỡi ngựa qua các đường phố, chàng nghe tiếng cãi vã om sòm và nhìn thấy những cuộc choảng nhau bằng gậy gộc, tiếng la hét vì tức giận át cả tiếng chuông giáo đường.

Khi dừng chân trước một quán trọ trông có vẻ tinh tươm nhất giữa thành phố lôi thôi lếch thếch này để tìm một phòng trọ hầu có chỗ nghỉ ngơi trước khi đêm xuống, chàng tin chắc là ông chủ quán trọ không nhận ra mình - thậm chí còn cố đuổi chàng đi, cho đến khi Cesare ấn một đồng ducat vàng vào tay ông ta.

Tên chủ quán liền tỏ ra lịch sự và hào phóng. Ông ta dẫn Cesare đến một căn phòng, mặc dầu đồ đạc chỉ lác đác, nhưng sáng sủa sạch sẽ và thuộc loại khá là sang. Từ cửa sổ, Cesare có thể thấy quảng trường trước Giáo đường Thánh Marcos và tu viện của ngôn sứ Savonarola. Chàng quyết định chờ cho đến chiều tối trước khi ra đường để xem mình có thể khám phá được chuyện gì chăng.

Một lúc sau, ông chủ quán quay lại với một bình rượu vang to và một khay lớn đựng trái cây tươi, phô-mai. Cesare lên giường nghỉ ngơi, rồi chìm vào cơn mộng mị…

Đó là một giấc mơ gây phiền muộn, một ác mộng trong đó những thập giá và bình đựng rượu thánh, trang phục hành lễ và đồ thờ cúng xoay vòng quanh chàng, nằm ngoài tầm tay. Một giọng nói như sấm vang ngay trên đầu bảo chàng cầm lấy bình đựng rượu thánh bằng vàng, nhưng khi cầm lấy nó, chàng lại thấy một khẩu súng ngắn trong tay mình. Mặc dầu chàng cố gắng kiểm soát nó nhưng dường như nó cứ tự động bắn ra. Thế rồi, như trong mọi giấc mơ, cảnh vật thay đổi, chàng đi dự lễ hội, ngồi đối diện cha, em gái và phu quân mới của nàng, hoàng tử Alfonso. Nụ cười trên mặt chàng chuyển sang nét nhăn nhó, và khẩu súng vàng vụt ra và bắn nát khuôn mặt hình như là của em gái hay của Alfonso - chàng không thể thấy rõ ai là ai.

Cesare thức dậy, đầm đìa mồ hôi, nghe tiếng ồn ào la hét của dân chúng nơi quảng trường bên dưới cửa sổ phòng chàng. Chàng ngồi dậy, bước ra khỏi giường, người vẫn còn run, và nhìn ra ngoài. Ở đó, trên một bục giảng bằng gỗ đẽo gọt thô sơ, một người giảng đạo đang đứng: Savonarola. Ông ta bắt đầu bằng một bài kinh cầu nhiệt thành dâng lên Chúa, giọng lạc đi vì xúc cảm, và tiếp theo là một bài thánh ca. Tại quảng trường, đám đông thốt lên với lòng ngưỡng mộ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, nhà thuyết giáo bắt đầu tố cáo kịch liệt giáo triều ở Rome.

“Giáo hoàng Alexander là một Giáo hoàng giả dối,” vị tu sĩ hét lên, giọng ông ta dồi dào sinh khí và say mê. “Những kẻ theo Chủ nghĩa nhân văn có thể đổi trắng thay đen, nói không thành có. Nhưng bởi vì trên đời trắng đen là rõ rệt, thiện ác phải phân minh, nên có thể suy ra rằng: cái gì không thiện là ác, không tốt là xấu!”

Cesare quan sát kĩ con người này. Gầy gò, khổ hạnh, mặc áo trùm đầu màu nâu của dòng Đa-minh; nét mặt có phần thô ráp nhưng không hề khả ố. Cái đầu cạo trọc đung đưa khi kết án, và đôi tay vung vẩy nhấn mạnh từng lời một khi kể chuyện ngụ ngôn. “Giáo hoàng này nuôi những gái bao làm thê thiếp,” ông ta hét toáng lên. “Hắn giết người và đánh thuốc độc. Giới tăng lữ ở Rome nuôi thanh thiếu niên làm đầy tớ, trộm cắp của người nghèo để thu vén cho bản thân và cho bọn nhà giàu. Bọn chúng dùng cốc đĩa bằng vàng và cưỡi lên lưng những người sống trong cùng khổ.”

Dân chúng tiếp tục tụ tập càng lúc càng đông thêm, và Cesare thấy mình bị con người này thu hút một cách lạ lùng, mê mẩn, như thể chàng không biết đến đám dân đen mà vị tu sĩ đang kêu ca cho số phận họ.

Đám đông ngày một lớn dần, những tiếng la hét giận dữ nổi lên, nhưng khi vị tu sĩ bắt đầu nói trở lại, bầu không khí tĩnh lặng bao trùm, tĩnh lặng đến nỗi nếu có một vì sao sa xuống trần, ai cũng có thể nghe thấy. “Chúa trên trời cao sẽ đày linh hồn những kẻ đó xuống địa ngục đời đời, và những ai đi theo bọn tu sĩ tà ma ngoại đạo này cũng sẽ bị đọa đày. Hãy bỏ đi mọi của cải thế gian và đi theo con đường đạo hạnh của Thánh Đa-minh.”

Từ trong đám đông có người la lên. “Nhưng trong tu viện mấy người cũng nhận lương thực từ bọn nhà giàu! Cốc đĩa của các người đâu phải bằng gỗ và ghế ngồi của mấy người cũng có nệm bọc nhung lụa. Mấy người cũng chỉ là con rối trong tay bọn nhà giàu đó thôi!”

Savonarola rùng mình và nêu lời khấn nguyện. “Kể từ hôm nay trở đi mọi tiền bạc từ những người giàu sẽ bị từ chối. Các linh mục trong tu viện Thánh Marco sẽ chỉ ăn những gì do người dân hiền lành tốt bụng của Florence cung cấp. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa là đủ. Phần lương thực thặng dư sẽ được phân phát cho người nghèo tụ tập ở quảng trường mỗi chiều tối. Không ai phải ra về với bụng đói. Nhưng như thế mới chỉ là lo cho phần xác của các con. Muốn giữ gìn phần hồn, các con phải khước từ Giáo hoàng giả dối ở Rome. Hắn ta là đứa gian dâm, loạn luân; con gái hắn là một ả điếm ngủ cả với cha lẫn anh ruột mình và cả đám nhà thơ nữa.”

Cesare đã chứng kiến đủ rồi. Một khi Giáo hoàng nghe chuyện này, ông sẽ không chỉ rút phép thông công Savonarola - mà chắc chắn còn kết tội ông ta là tà giáo.

Cesare thấy lúng túng trước nhân vật này. Chàng tin rằng con người này được ơn khải tượng nhưng cũng tin rằng ông ta điên. Bởi nếu không điên, ai lại tự nguyện tử vì đạo như vậy, dù biết chắc hậu quả những lời mình nói, những việc mình làm? Tuy thế, chàng phải thừa nhận rằng, ai có thể biết được quan điểm hay hình mẫu mà những kẻ khác một lòng hướng về? Bất chấp những lí lẽ ấy, chàng biết rằng nhân vật này là phần tử nguy hiểm và cần phải ra tay trừ khử. Vì bộ máy lãnh đạo mới ở Florence có thể bị ảnh hưởng, và nếu họ ngăn cản Florence gia nhập Liên minh thần thánh, thì những kế hoạch của cha chàng nhằm thống nhất Romagna sẽ bị ngăn trở.

Dứt khoát không thể để xảy ra chuyện này.

Cesare nhanh chóng mặc quần áo vào. Chàng ra ngoài, len lỏi giữa dòng người tấp nập để đến khu quảng trường, bỗng một chàng trai xanh xao trong áo choàng đen, thấp hơn chàng một cái đầu, tiến đến bên chàng, thì thầm, “Hồng y!”

Cesare quay lại, tay chàng đã đặt lên đốc kiếm giấu bên dưới áo choàng.

Nhưng chàng trai đã cúi đầu thi lễ. “Tên tôi là Niccolo Machiavelli. Và chúng ta nên nói chuyện với nhau. Vào thời điểm này, các đường phố Florence đầy hiểm nguy cho ngài. Đi cùng tôi nhé?” Ánh mắt Cesare dịu lại, và thế là Machiavelli nắm lấy cánh tay chàng và dẫn về căn hộ của anh ta, tránh xa quảng trường.

Phòng ốc trong nhà được trang trí rất đẹp, đầy ắp sách vở, bàn làm việc bừa bộn, giấy tờ nằm vương vãi trên ghế và sàn nhà. Một ngọn lửa nhỏ cháy trong lò sưởi bằng đá.

Machiavelli dọn sạch một chiếc ghế và mời Cesare ngồi. Cesare nhìn chung quanh căn phòng, chàng cảm thấy thoải mái kì lạ. Machiavelli rót mỗi người một li rượu và lấy một chiếc ghế ngồi đối diện Cesare.

“Thưa hồng y, ngài đang gặp nguy hiểm đấy,” Machiavelli cảnh báo. “Vì Savonarola tin rằng ông ta được tín thác một sứ mệnh, một sứ mệnh thiêng liêng. Để hoàn thành vai trò của mình trong sứ mệnh đó thì Giáo hoàng Borgia phải bị truất phế, nhà Borgia phải bị tận diệt.”

“Tôi biết ông ta phản đối những đường lối ngoại đạo của gia đình chúng tôi,” Cesare nói một cách mỉa mai.

“Savoranola có những thị kiến,” Machiavelli cảnh báo. “Trước tiên là mặt trời rơi khỏi bầu trời, và Lorenzo Vĩ Đại qua đời. Sau đó, lưỡi gươm sáng ngời của Chúa vung lên từ phương bắc, xuyên thẳng vào bạo chúa, và tiếp đến là cuộc xâm lăng của quân Pháp. Ông ta rất có uy quyền đối với dân chúng; họ lo sợ cho bản thân và cho gia đình mình, tin rằng vị ngôn sứ này được ơn mặc khải. Ông ta bảo rằng điều lành chỉ đến cùng các thiên thần trong áo trắng tinh khôi, sau khi xóa bỏ mọi bất công độc ác, khi những người thiện tâm tuân theo lời răn của Chúa và ăn năn hối cải.”

Cesare nhận thấy niềm tin đó nơi Savonarola. Nhưng không ai chịu đựng nổi những thị kiến của vị tu sĩ này, mà vẫn có thể sống bình thường trên đời. Khi đã chọn cách lên tiếng, giả sử ông ta có ơn mặc khải thật, hẳn ông ta phải có khả năng tiên đoán số phận của chính mình. Đối với Cesare những thị kiến này không bao giờ có thể là chân lí cho chàng vì chúng phủ nhận tự do. Nếu định mệnh luôn luôn nắm chắc phần thắng, vậy thì con người còn giữ vai trò gì trong chính cuộc đời mình? Bấy giờ, đấy chỉ còn là cuộc chơi định sẵn, con người chẳng xoay chuyển được gì. Cesare quay sang Machiavelli. “Giáo hoàng đã rút phép thông công tên tu sĩ này. Nếu cứ tiếp tục kích động dân chúng, hắn sẽ bị tử hình, bởi Đức Thánh Cha không còn cách nào khác để khiến hắn câm miệng.”

Khuya hôm đó, quay trở về phòng mình nơi nhà trọ, Cesare vẫn còn nghe được giọng của Savonarola vang vang xuyên qua cửa sổ phòng chàng. Giọng ông ta vẫn hùng hồn, quyết liệt. “Alexander Borgia là một Giáo hoàng tà đạo, hướng về lũ tà thần Ai Cập để tìm linh hứng! Hắn ta lặn ngụp trong những thú vui tà mị, trong khi chúng ta, những người chân tín phải chịu đau khổ. Hằng năm, để chất đầy tiền của vào két sắt, lũ hồng y ở Rome bắt dân chúng phải è cổ chịu sưu cao thuế nặng. Chúng ta đâu phải là những con lừa gánh lấy tủi cực, còn bọn chúng ngất ngưởng đè đầu cưỡi cổ mãi!”

Trong lúc Cesare bắt đầu chìm vào giấc ngủ, chàng vẫn còn nghe giọng nói sôi nổi của vị tu sĩ và những lời nguyền tận thế: “Giáo hội thuở khai sinh, những cốc đựng rượu thánh làm bằng gỗ, nhưng đức hạnh các vị tông đồ lại là vàng ròng. Còn trong thời đại tối tăm này, với Giáo hoàng giả hiệu và những hồng y hư hỏng ở Rome, những cốc đựng rượu thánh làm bằng vàng ròng nhưng đức hạnh của hàng tăng lữ lại là gỗ mục!”