Cây Bách Buồn

CHƯƠNG 13

Poirot chăm chú ngắm khuôn mặt dài và nhạy cảm của Roderick Welman.

Thần kinh của Roddy đang ở tình trạng đáng thương. Tay chàng quằn quại, mắt đỏ ngầu, giọng nói khàn khàn, nóng nảy.

Chàng nhìn xuống tấm danh thiếp nói:

- Cố nhiên là tôi biết tên ông, thưa ông Poirot. Nhưng tôi không hiểu bác sĩ Lord nghĩ thế nào mà lại cho là ông có thể làm được gì trong vụ án này. Hơn nữa, dù sao thì cũng có can dự gì đến ông ta đâu? Ông ta đã chăm sóc cho cô tôi, nhưng ngoài ra thì ông ta là một người hoàn toàn xa lạ. Elinor và tôi chưa hề gặp ông ta, mãi cho đến khi chúng tôi xuống đó vào tháng sáu vừa rồi. Chắc chắn đây phải là việc của ông Seddon, ông ta lo liệu tất cả các việc thuộc loại này.

Poirot nói:

- Về mặt chuyên môn thì đúng là thế.

Roddy buồn rầu nói tiếp:

- Ông Seddon không tin cậy tôi nhiều. Ông ta ủ rầu quá đỗi.

- Đó là thói quen của các luật sư.

- Hơn nữa - Roddy hơi vui vẻ nói - Chúng tôi đã nhờ ông Bulmer. Ông ta được coi là đang ở đỉnh cao của chức nghiệp, phải thế không?

Poirot nói:

- Ông ta nổi tiếng là đưa đến thất bại chắc chắn.

Roddy co rụt lại một cách rõ rệt.

Poirot nói:

- Tôi mong rằng ông không phiền lòng về việc tôi cố gắng giúp cô Carlisle?

- Không, không đâu. Cố nhiên là không rồi. Nhưng…

- Nhưng tôi có thể làm gì được? Có phải ông muốn hỏi thế không?

Một nụ cười hiện mau trên khuôn mặt lo âu của Roddy - một nụ cười duyên dáng bất ngờ đến độ Poirot hiểu được cái sức hấp dẫn huyền ảo của chàng trai này.

Roddy nói chữa lỗi:

- Có vẻ hơi khiếm nhã đôi chút, xin nói thẳng là thế. Nhưng thực sự, cố nhiên là, chính là điểm đó. Tôi xin không nói vòng vo. Thưa ông Poirot, tôi có thể làm gì được cho ông?

Poirot nói:

- Tôi có thể kiếm ra sự thật.

- Đúng thế? - Roddy có vẻ hơi hoài nghi.

Poirot nói:

- Tôi có thể khám phá ra những sự kiện khả dĩ giúp ích cho bị cáo.

Roddy thở dài:

- Chỉ mong sao ông làm được thế.

Poirot nói tiếp:

- Tôi rất mong có thể giúp ích được. Xin ông giúp cho tôi được biết ông nghĩ như thế nào về tất cả vụ này?

Roddy đứng lên, bước đi bước lại một cách bồn chồn:

- Tôi có thể nói gì đây? Tất cả vụ này rất là vô lý - rất là quái dị. Tôi biết Elinor từ khi cô ta còn bé. Chỉ nghĩ bây giờ cô ta thực sự làm một việc quá đáng như vậy, như đầu độc người, thì cũng đủ nực cười rồi. Nhưng biết là thế nào mà giải thích điều đó cho bồi thẩm đoàn được.

Poirot thản nhiên nói:

- Ông cho là không thể nào cô Carlisle lại làm một việc như vậy chăng?

- Ồ, hoàn toàn không thể! Điều đó khỏi cần nói! Elinor là một con người tuyệt diệu - rất thăng bằng, cân xứng - không có chút nào hung bạo trong bản tính của cô ta. Cô ta thông minh, nhạy cảm, và nói chung là không có phẫn nộ sôi nổi. Nhưng thuyết phục mười hai tên ngu xuẩn trong ghế bồi thẩm đoàn kia ư, có trời biết phải làm thế nào cho họ tin được. Xét cho cùng thì ta hãy nên biết lẽ phải quấy đôi chút: họ không phải ngồi đó  để xét đoán nhân cách con người đâu; họ ngồi đó là để xem xét chứng cứ. Sự kiện - sự kiện - sự kiện. Mà sự kiện thì rủi thay, bất hạnh.

Poirot trầm ngâm gật nói:

- Thưa ông Welman, ông là người đa cảm, thông minh. Các sự kiện đều quy tội cho cô Carlisle. Sự hiểu biết của ông về cô ta khiến cho cô ta được trắng án. Vậy thì, thưa ông, sự gì đã thực sự xảy ra. Sự gì có thể đã xảy ra?

Roddy tức giận chìa tay ra nói:

- Thực ghê gớm quá! Thế bà điều dưỡng kia không làm được việc đó sao?

- Bà ta không có lúc nào ở gần các bánh xăng-uých đó cả - ồ, tôi đã điều tra rất tỉ mỉ - bà ta không thể nào bỏ thuốc độc vào nước trà mà lại không tự đầu độc chính mình. Tôi chắc chắn thế. Vả chăng tại sao bà ta lại muốn giết Mary Gerrard?

Roddy nói to:

- Tại sao kẻ nào đó lại muốn giết Mary Gerrard?

Poirot nói:

- Đó hình như là vấn đề không thể giải đáp nổi trong vụ này. Không ai muốn giết Mary Gerrard cả. (trong trí ông nói tiếp “ngoại trừ Elinor Carlisle”). Vì thế, cái bước tiếp sau hợp logic sẽ phải là: Mary Gerrard đã không bị giết. Thế nhưng, hỡi ôi, lại không phải thế. Cô ta đã bị giết!

Ông hơi thống thiết nói tiếp:

- Nhưng nàng ở dưới mồ rồi, ấy là điều quan trọng với tôi lúc này.

- Xin ông nhắc lại cho - Roddy nói.

Poirot giảng giải:

- Đó là thơ của Wordsworth. Tôi đọc nhiều thơ của ông ta. Có lẽ những hàng đó diễn tả cái điều ông cảm thấy lúc này.

- Tôi ư?

Roddy có vẻ cứng nhắc, cách biệt.

Poirot nói:

- Tôi xin tạ lỗi, thành thật xin tạ lỗi. Thực quá khó khăn - là thám tử mà cũng là một pakka sahih. Như được diễn tả rất rõ trong ngôn ngữ của ông, có những điều mà người ta không nói ra. Nhưng, than ôi, người thám tử bắt buộc phải nói chúng ra. Phải đặt những câu hỏi về những việc riêng của người ta, về những cảm xúc của họ.

Roddy nói:

- Chắc chắn là tất cả việc đó thì hoàn toàn không cần thiết.

Poirot nói mau và khiêm tốn:

- Nếu tôi hiểu được lập trường ấy? Thôi, chúng ta hãy bỏ qua vấn đề khó chịu đó và không đề cập đến nữa. Thưa ông Welman, khá nhiều người biết rằng ông - yêu mến Mary Gerrard. Tôi nghĩ đó là sự thực, phải không?

Roddy đứng lên, đến bên cửa sổ. Chàng mân mê cái núm tua của mành cửa, nói:

- Phải.

- Ông yêu cô ta ư?

- Tôi cho là thế.

- Và bây giờ ông đang đau khổ vì cái chết của cô ta…

- Tôi cho là - tôi muốn nói là - thực thế, thưa ông Poirot.

Chàng trở thành - một con người nóng nảy, bồn chồn, nhạy cảm bị dồn vào chỗ đường cùng.

Hercule Poirot nói:

- Nếu ông có thể nói cho tôi nghe - cho tôi biết rõ ràng - thì thế là xong hết.

Roddy Welman ngồi xuống ghế, không nhìn ông ta. Chàng nói nhát gừng:

- Rất khó mà giải thích được. Có cần phải đi vào chuyện đó không?

Poirot nói:

- Ta không thể lúc nào cũng tránh né và qua khỏi được những cái khó của cuộc đời, ông Welman ạ. Ông nói ông cho là ông để ý đên cô gái này. Thế ra ông không chắc sao?

Roddy nói:

- Tôi không biết nữa… Cô ta rất khả ái. Giống như một giấc mơ vậy. Bây giờ dường như thế đó. Một giấc mơ! Không thực! Thoạt tiên tôi - tôi trông thấy cô ta, tôi mê đắm cô ta. Một thứ si cuồng. Và bây giờ mọi sự đều hết cả rồi - đều qua đi rồi - như thể, như thể là nó chưa hề xảy ra.

Poirot gật đầu nói:

- Đúng thế, tôi hiểu.

Ông nói tiếp:

- Ông không có mặt ở Anh vào lúc cô ta chết ư?

- Không. Tôi ra nước ngoài ngày mồng 9 tháng bảy và trở về ngày mồng một tháng tám. Điện tín của Elinor theo dõi tôi từ nơi này đến nơi khác. Tôi vội trở về ngay khi được tin.

Poirot nói:

- Chắc hẳn tin đó phải là một kinh ngạc lớn lao đối với ông. Ông đã để ý đến cô gái quá nhiều.

Roddy nói, bực bội, gay gắt:

- Tại sao những việc đó lại xảy đến với người ta? Hình như không phải là người ta mong muốn chúng xảy ra. Thực trái ngược với tất cả - tất cả sự trông đợi tề chỉnh của người ta về cuộc đời.

Poirot nói:

- À, nhưng đời là thế đó! Nó không cho phép ta sắp đặt ngăn nắp theo ý muốn mình. Nó sẽ không cho phép ta thoát khỏi xúc động, mà sống bằng trí tuệ, bằng lý trí. Ta không thể nói rằng: “Mình sẽ cảm nhiều và không cảm nữa”. Thưa ông Welman, cuộc đời, dù là thế nào đi nữa, nó cũng không hợp lẽ phải đâu.

Roddy nói khẽ:

- Hình như là thế.

Poirot nói:

- Một buổi sáng mùa xuân, một khuôn mặt thiếu nữ, thế rồi cái trật tự liện tục của thực tại bị tan tác, rối loạn.

Roddy co rụt lại, Poirot nói tiếp:

- Đôi khi còn hơn cái đó đôi chút nữa - hơn một khuôn mặt. Thưa ông Welman, ông thực sự biết gì về Mary Gerrard?

Roddy chậm chạp nói:

- Tôi biết gì ư? Rất ít; bây giờ tôi thấy ra rồi. Tôi nghĩ là cô ta xinh xắn, dịu dàng; nhưng thực ra tôi không biết gì - không biết gì hết cả. Chính vì thế mà tôi không cảm thấy thiếu cô ta, tôi cho là thế.

Lúc này sự phản kháng và nỗi bực bội của chàng đều đã qua đi. Chàng nói một cách tự nhiên, chất phác. Hercule Poirot, nhờ có tài xử sự, đã tiến sâu vào thành lũy của chàng. Roddy hình như cảm thấy khuây khỏa phần nào bằng cách giãi bày tâm sự.

Chàng nói:

- Xinh xắn… dịu dàng… không thông minh lắm. Nhạy cảm và tốt bụng, tôi nghĩ thế. Cô ta có cái vẻ tao nhã mà người ta không hy vọng kiếm thấy nơi một thiếu nữ thuộc cùng tầng lớp.

- Cô ta có phải là hạng gái tạo nên kẻ thù mà không biết gì không?

Roddy lắc mạnh đầu:

- Không, không phải đâu, tôi không tưởng tượng ra nổi có ai không thích cô ta cả - thực sự không thích cô ta, tôi muốn nói thế. Còn hận thù thì lại khác.

Poirot nói mau:

- Hận thù à? Thế ra có hận thù à, ông nghĩ thế sao?

Roddy lơ đãng nói:

- Chắc hẳn là có, điều đó cắt nghĩa được vì sao có bức thư kia.

Poirot gay gắt nói:

- Bức thư nào?

Roddy đỏ mặt, có vẻ khó chịu, nói:

- Ồ, chẳng có gì quan trọng.

Poirot nhắc lại:

- Bức thư nào?

- Một bức thư nặc danh. - Roddy miễn cưỡng nói.

- Thư đó tới bao giờ? Viết cho ai?

Roddy gắng gượng giải thích.

Poirot nói khẽ:

- Thực đáng lưu ý. Xin cho tôi được xem bức thư đó?

- Rất lấy làm tiếc ông không thể xem được. Thực sự là tôi đã đốt đi rồi.

- Tại sao ông lại làm vậy, thưa ông Welman?

Roddy trả lời cứng nhắc:

- Vào lúc ấy làm thế hình như là tự nhiên thôi.

Poirot nói:

- Có phải do bức thư đó mà ông và cô Carlisle vội vã xuống Hunterbury không?

- Chúng tôi có đi xuống, đúng thế. Tôi không hiểu về chữ vội vã của ông.

- Nhưng ông và cô ta có hơi băn khoăn, bứt rứt, phải thế không? Có lẽ ngay cả hơi hoảng hốt đôi chút?

Roddy lại càng cứng nhắc hơn, nói:

- Tôi không thừa nhận điều đó.

Poirot hét lên:

- Nhưng chắc chắn đó chỉ là tự nhiên thôi. Tài sản thừa kế của ông - được hứa cho ông - đang bị lâm nguy. Chắc chắc tự nhiên là ông không được yên tâm về chuyện đó. Tiền tài, thực rất quan trọng.

- Chẳng quan trọng như ông hiểu đâu.

Poirot nói:

- Cái tính thanh cao như vậy quả thực đáng chú ý.

Roddy đỏ mặt nói:

- Ồ, cố nhiên là lúc ấy tiền bạc có quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi không hoàn toàn dửng dưng đối với tiền bạc. Nhưng mục tiêu chính của chúng tôi là - xuống thăm cô tôi, để biết chắc rằng cô tôi bình an.

Poirot nói:

- Ông đi xuống đó với cô Carlisle. Lúc ấy bà cô ông chưa có làm di chúc. Ngay sau đó bà ta bị phát bệnh lần nữa. Rồi bà ta muốn làm di chúc, nhưng tiện cho cô Carlisle biết mấy - có lẽ thế - bà ta chết ngay đêm đó trước khi chúc thư có thể được làm.

- Này, ông muốn ám chỉ gì thế? - Mặt Roddy bừng lên vì tức giận.

Poirot trả lời như một tia chớp lóang:

- Thưa ông Welman, ông đã nói với tôi về cái chết của Mary Gerrard, rằng cái động cơ gán cho Elinor Carlisle là phi lý - tức là cô tá dứt khoát không phải là hạng người như vậy. Nhưng bây giờ đây lại có một cách hiểu khác, Elinor Carlisle có lý do để sợ rằng mình có thể bị mất quyền thừa kế, mà có lợi cho một kẻ ngoài cuộc. Bức thư kia cảnh giác cô ta, những tiếng thì thầm rời rạc của bà cô xác nhận nỗi sợ hãi đó. Trong phòng đợi dưới nhà có một chiếc cặp da đựng thuốc men và các đồ chữa bệnh. Thực dễ dàng rút lấy một ống morphione. Và sau đó - tôi nghe nói thế - cô ta một mình trong phòng bệnh với bà cô trong lúc ông và các cô điều dưỡng đang dùng cơm tối.

Roddy kêu lên:

- Lạy Chúa, ông đang gợi ý gì thế, ông Poirot? Ông muốn cho là Elinor đã giết cô Laura sao? Ý nghĩ gì mà kỳ cục.

Poirot nói:

- Nhưng ông có biết rằng lệnh khai quật tử thi bà Welman đã được thi hành không?

- Có chứ, tôi biết. Nhưng họ sẽ chẳng tìm thấy gì.

- Nếu như họ tìm thấy thì sao?

- Họ sẽ không tìm thấy gì! - Roddy nói một cách quả quyết.

Poirot lắc đầu:

- Tôi không chắc chắn như vậy đâu. Ông hiểu rõ rằng chỉ có một người sẽ được lợi do bà Welman chết vào lúc đó thôi.

Roddy ngồi xuống, mặt trắng bệch, người hơi rung động. Chàng đăm đăm nhìn Poirot, rồi nói:

- Tôi đã tưởng rằng… ông đứng về phía cô ta.

Poirot nói:

- Dù đứng về phía nào đi chăng nữa, ta cũng phải đối đầu với các sự kiện. Thưa ông Welman, tôi nghĩ rằng từ trước đến nay trong cuộc đời ông đã muốn tránh né đương đầu với một sự thực khó xử khi nào có thể được.

Roddy nói:

- Tại sao lại cứ nhìn về phía xấu xa nhất để mà tự dày vò mình?

Poirot nghiêm nghị đáp:

- Bởi vì đôi khi cần thiết phải thế.

Ông ngừng lại một phút rồi nói:

- Chúng ta hãy đối đầu với cái khả năng là cái chết của cô ông có thể được thấy là do dùng thuốc morphine. Như vậy thì sao?

Roddy lắc đầu tỏ ý bất lực:

- Tôi không biết.

- Nhưng ông cần phải cố mà nghĩ xem. Ai đã có thể đưa thuốc ấy cho bà ta? Ông phải thừa nhận là Elinor Carlisle cô cơ hội tốt nhất để làm việc này.

- Thế còn các cô điều dưỡng thì sao?

- Cả mấy người đó đều có thể làm như vậy, chắn chắn là thế. Nhưng bà Hopkins lúc ấy đã có băn khoăn về việc mất ống thuốc và đã nói rõ ra. Lẽ ra bà ta không cần phải làm thế. Giấy chứng nhận cái chết của cô ông đã được ký rồi. Nếu quả bà ta đã phạm tội, thì tại sao lại còn gợi sự chú ý về việc mất ống thuốc morphine? Việc ấy có thể khiến bà ta bị khiển trách vì lỗi bất cẩn; hơn nữa, nếu bà ta đã đầu độc bà Welman thì thực là dại dột khi gợi ý về thuốc morphine này. Vả lại, bà ta có thể được lợi gì do cái chết của bà Welman cơ chứ? Chẳng được gì cả. Về trường hợp cô O’Brien, cũng vậy. Cô ta có thể đã cho dùng thuốc morphine, có thể đã lấy ống thuốc đó trong cặp của bà Hopkins; nhưng một lần nữa - tại sao cô ta lại phải làm thế?

Roddy lắc đầu:

- Tất cả cái đó, ông nói đúng.

Poirot nói:

- Lại còn ông nữa.

Roddy giật nảy mình giống như một con ngựa hoảng hốt:

- Tôi ư?

- Chắc chắn thế rồi. Ông có thể lấy thuốc morphine đó. Ông có thể đã đưa thuốc đó cho bà Welman. Đêm ấy có một khoảng thời gian ngắn ông đã ở một mình với bà ta. Thế nhưng - lại một lần nữa - tại sao ông phải làm thế? Nếu bà ta sống mà làm di chúc, thì ít nhất có lẽ ông đã được đề cập đến trong tờ di chúc. Như vậy, ông thấy đó, lại một lần nữa không có động cơ nào. Chỉ có hai người có động cơ thôi.

Mặt Roddy bừng sáng lên:

- Hai người ư?

- Phải. Một người là Elinor Carlisle.

- Còn người kia?

Poirot chậm rãi nói:

- Đó là người viết thư nặc danh kia.

Roddy có vẻ nghi ngờ.

Poirot nói:

- Một người nào đó đã viết bức thư này - một người nào đó đã ghét Mary Gerrard hay ít nhất là không thích cô ta - một người nào đó đã “đứng về phía ông”, người ta nói thế. Tức là một người nào đó đã không muốn Mary Gerrard được hưởng lợi về cái chết của bà Welman. Thưa ông Welman, lúc này ông có ý nghĩ nào về cái người có thể là kẻ đã viết bức thư đó?

Roddy lắc đầu.

- Tôi chẳng có ý nghĩ gì cả. Đó là bức thư của một kẻ dốt đặc, viết sai lỗi be bét trên thứ giấy rẻ tiền.

Poirot phẩy tay nói:

- Không có gì hơn thế nữa à? Có thể thư đó do một người có học viết ra mà cố ý che giấu sự thật. Chính vì thế mà tôi mong ông còn giữ thư đó. Người có viết theo cách của một kẻ vô học thì thường tự lòi ra thôi.

Roddy nghi ngờ nói:

- Elinor và tôi nghĩ rằng thư đó có lẽ là của một người trong số các gia nhân.

- Ông đã nghĩ người đó là ai?

- Không, tôi không nghĩ về bất cứ ai cả.

- Ông có nghĩ là bà quản gia Bishop không?

Roddy có vẻ ngạc nhiên:

- Ồ, không đâu, bà ta là người rất đáng kính và vô cùng kiêu ngạo. Bà ta hay viết những bức thư rắc rối, màu mè, dài dòng văn tự. Vả lại, tôi chắc bà ta không bao giờ…

Chàng gập ngừng, Poirot ngắt lời:

- Bà ta không ưa Mary Gerrard.

- Tôi nghĩ bà ta không thích cô ta. Tuy nhiên tôi không nhận thấy điều gì cả.

- Nhưng có lẽ là ông không chú ý nhiều chăng?

Roddy chậm rãi nói:

- Thưa ông Poirot, ông không nghĩ là cô tôi đã có thể tự mình nhận lấy viên thuốc morphine đó, phải thế không?

Poirot nói:

- Đây cũng là một ý, đúng thế.

Roddy nói:

- Cô tôi ghét sự bại liệt, bất lực của mình, ông biết đấy. Bà thường nói bà mong sao có thể chết được.

Poirot nói:

- Nhưng bà ta không thể dậy nổi, không thể rời khỏi giường, xuống dưới nhà để tự lấy ống thuốc morphine trong cặp của bà điều dưỡng.

Roddy nói chậm.

- Không thể được, nhưng có người nào đó đã lấy dùm cho cô tôi.

- Ai?

- À, một người trong số các điều dưỡng.

- Không phải đâu, không có người điều dưỡng nào làm như thế cả. Họ biết rất rõ là nguy hiểm cho chính mình. Các điều dưỡng này là những người cuối cùng để ta ngờ vực.

- Thế thì - có một kẻ nào khác.

Roddy giật mình, miệng mở ra rồi lại ngậm lại.

Poirot điềm nhiên nói:

- Ông đã nhớ lại một điều gì, phải thế không?

Roddy nghi ngờ nói:

- Phải. Thế nhưng…

- Ông tự hỏi có cần cho tôi biết không, phải không?

-À, đúng thế.

Một nụ cười tọc mạch nhếch trên khóe miệng của Poirot. Ông nói:

- Cô Carlisle đã nói điều đó vào lúc nào?

Roddy hít một hơi dài:

- Trời ơi, ông đúng là một thầy phù thủy! Đó là lúc ở trên xe lửa xuống đó. Ông biết đấy, chúng tôi nhận được điện tín báo cô Laura phát bệnh lần nữa, Elinor nói cô ta rất lấy làm buồn cho bà cô, bà cô ghét bệnh hoạn như thế nào, lúc này lại càng bại liệt hơn, chắc phải khổ sở lắm. Elinor nói: “Mình cảm thấy là người ta cần phải được giải thoát nếu tự họ thật lòng muốn thế”.

- Còn ông, ông đã nói gì?

- Tôi đồng ý.

Poirot nói rất nghiêm trang:

- Thưa ông Welman, mới vừa đây ông bác bỏ cái khả năng cô Carlisle đã giết cô ông vì tiền. Bây giờ ông cũng bác bỏ khả năng cô ta có thể đã giết bà Welman vì lòng thương hại, phải không?

Roddy nói:

- Tôi… tôi… không, không thể nào.

Hercule Poirot cúi đầu chào, nói:

- Phải rồi, tôi đã nghĩ - tôi đã chắc chắn - rằng ông sẽ nói thế.