Cây Bách Buồn

CHƯƠNG 11

Trước mặt bà Bishop mặt đồ đen oai nghiêm bệ vệ, Hercule Poirot ngồi có vẻ nghiêm tốn, tầm thường.

Thái độ lạnh lùng của bà Bishop không dễ dàng gì tan biến đi được. Bởi vì bà ta đã có những thói quen và tầm nhìn thủ cựu, không ưa người ngoại quốc. Mà Hercule Poirot thì rõ ràng là người nước ngoài, không còn nghi ngờ gì nữa. Bà ta có phản ứng lạnh nhạt, nhìn Poirot với con mắt ngờ vực, không tán thành.

Lời giới thiệu của bác sĩ Lord cũng chẳng làm dịu tình hình được bao nhiêu.

Khi bác sĩ Lord đi rồi, bà Bishop nói:

- Bác sĩ Lord là một bác sĩ lành nghề, sáng giá lắm. Thế nhưng bác sĩ Ransome trước ông ta thì đã ở đây nhiều năm rồi.

Thế có nghĩa là, bác sĩ Ransome được tín nhiệm vì cách xử sự của ông ta thích hợp với dân hạt này. Còn bác sĩ Lord thì chỉ là một gã trẻ vô trách nhiệm, mới phất lên, đã thế chỗ của bác sĩ Ransome. Ông ta chỉ được mỗi cái là “thạo” nghề thôi.

Thạo nghề thì không đủ. Cả cái thái độ của bà Bishop dường như nói như thế.

Poirot là người khôn ngoan, có tài thuyết phục. Nhưng lúc này, dù ông khéo léo hơn bao giờ hết, bà Bishop vẫn giữ thái độ cách biệt, không xiêu lòng.

Cái chết của bà Welman rất là buồn bã. Bà ta rất được người lân cận kính trọng. Việc cô Carlisle bị bắt giữ là cả một sự “ô nhục” và được cho là kết quả của “các phương pháp tàn nhẫn của cảnh sát”. Cách nhìn của bà Bishop đối với cái chết của Mary Gerrard thì mơ hồ đến tột độ; nhiều nhất thì bà ta cũng chỉ nói là “tôi không thể nói, tôi chắc là…”

Poirot chơi lá bài cuối cùng. Với niềm tự hào chất phác, ông thuật lại chuyến đi mới đây của ông đến Sandringham. Với lòng thán phục, ông nói về vẻ thanh lịch, sự giản đơn đầy thú vị và sự ân cần tử tế của hoàng gia.

Bà Bishop vốn theo dõi hàng ngày những hoạt động chính xác của Hoàng gia trong bản thông tri của triều đình, nên khựng lại khi nghe lời tường thuật của Poirot. Dù sao đi nữa, nếu Hoàng gia đã triệu đến ông Poirot - thì lẽ đương nhiên là khác hẳn rồi. Ngoại nhân hay chẳng ngoại nhân thì cũng thế thôi. Emma Bishop này là ai mà lại kiềm giữ lại trong lúc hoàng gia đã tiến bước?

Tức thì bà ta cùng Poirot bắt đầu chuyện trò rôm rả về một đề tài thực sự lý thú - không gì khác hơn là việc tuyển lựa cho công chúa một tấm chồng tương lai xứng đôi vừa lứa.

Sau khi đã nêu ra hết tất cả những người có thể được dự tuyển, coi như là chưa đủ tiêu chuẩn, câu chuyện xoay sang những giới khác ít được tán tụng hơn.

Poirot nhận định bằng một câu ngắn gọn nhiều ý nghĩa:

- Than ôi, hôn nhân thì đầy những hiểm nguy cùng cạm bẫy.

Bà Bishop nói:

- Phải, thực đúng thế, với cái nạn ly dị kinh tởm này - như thể bà ta đang nói về một bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn bệnh thủy đâu.

Poirot nói:

- Tôi nghĩ rằng bà Welman trước khi chết chắc hẳn đã lo liệu cho cô cháu gái có được nơi xứng đáng để yên bề duyên phận?

Bà Bishop cúi đầu chào nói:

- Phải, đúng thế. Cuộc đính hôn giữa cô Elinor và ông Welman đã khiến bà ta yên tâm. Đó là điều bà luôn luôn mong mỏi.

Poirot mạo muội nói:

- Việc đính hôn này có lẽ đã được tiến hành một phần do muốn chiều lòng bà ta phải không?

- Ồ, không phải, tôi không nói thế, thưa ông Poirot. Cô Elinor lúc nào cũng đầy nhiệt tình sốt sắng với ông Roddy - như là một đứa trẻ vậy. Cô Elinor có bản tính trung thành và rất mực tận tụy.

Poirot nói khẽ;

- Thế còn ông ta thì sao?

Bà Bishop nghiêm khắc nói:

- Ông Roderick cũng hết lòng sốt sắng đối với cô Elinor.

Poirot nói:

- Thế mà việc đính hôn lại bị bãi bỏ sao?

Màu đỏ bừng lên trên mặt bà Bishop. Bà nói:

- Thưa ông Poirot, đó là do những ý đồ mưu mẹo của một con rắn lẫn trong đám cỏ.

Poirot có vẻ hơi cảm kích nói:

- Thực thế sao?

Bà Bishop mặt vẫn còn đỏ bừng, giải thích:

- Thưa ông Poirot, ở cái vùng này khi nói đến kẻ chết thì bao giờ cũng phải trang trọng phần nào. Thế nhưng cái con nhỏ kia, thưa ông, nó ăn ở thực quá nham hiểm.

Poirot trầm ngâm nhìn bà ta một lát. Rồi ông thành thật nói:

- Bà làm tôi ngạc nhiên quá. Nghe thiên hạ nói, tôi có cảm tưởng cô ta là một cô gái rất mộc mạc, khiêm tốn.

Cằm bà Bishop hơi rung rung:

- Thưa ông Poirot, nó rất xảo quyệt, lắm mưu nhiều mẹo. Thiên hạ đều bị nó lừa gạt. Chẳng hạn như cái bà Hopkins kia. Đúng thế, cả bà chủ đáng thương của tôi cũng vậy.

Poirot gật đầu kiểu đồng tình, rồi tặc lưỡi một cái.

- Phải, đúng thế - được khích lệ bởi tiếng tặc lưỡi đó, bà Bishop nói - Bà ta đang suy yếu dần thì con nhỏ kia len lỏi được vào trong lòng tin cẩn của bà. Nó biết bánh mì của bà ta phía nào được phết bơ. Nó lảng vảng bên bà ta, đọc sách cho bà ta nghe, đem cho bà ta những bó hoa thơm thảo. Lúc nào cũng Mary thế này, Mary thế nọ, Mary ở đâu? Lại còn số tiền bà ta đã chi cho nó nữa. Nào học trường đắt tiền, nào đi nơi này nơi nọ ở nước ngoài - mà nó chỉ là con gái của lão Gerrard. Lão ta không thích điều ấy, tôi có thể nói để ông biết. Lão ta thường phàn nàn về kiểu cách đài các tiểu thư của nó. Vượt quá mình, nó là như thế đấy.

Lần này thì Poirot lắc đầu, động lòng trắc ẩn nói:

- Ôi, đáng yêu, đáng yêu biết mấy!

- Thế rồi nó đã phỉnh phờ ông Roddy. Ông ta quá ư chất phác, nên không thấu rõ nó. Còn cô Elinor là một tiểu thư ngoan ngoãn thế kia, thì lẽ dĩ nhiên là chẳng thể nhận biết được cái gì đang xảy ra. Thế nhưng đàn ông họ đều giống nhau tuốt: dễ bị mắc vào tròng của nịnh bợ tâng bốc, của nhan sắc mỹ miều.

Poirot thở dài, hỏi:

- Cô ta có kẻ nào say mê mà thuộc cùng tầng lớp với mình không?

- Cố nhiên là có chứ. Có con trai của Rufus Bigland, tên là Ted - một chàng trẻ tốt. Thế nhưng cái cô tiểu thư đài các kia thì quá xứng với anh ta. Những cử chỉ, điệu bộ ấy, tôi không chịu nổi.

Poirot nói:

- Thế anh ta không tức giận về cách đối xử của cô ta đối với mình sao?

- Có chứ. Y trách cô ta là dan díu với Roddy. Tôi biết chắc thực là như thế. Tôi cũng chẳng trách y là đã buồn.

- Tôi cũng vậy - Poirot nói - Thưa bà Bishop, bà khiến tôi cao hứng lắm. Có người có cái tài là chỉ bằng một vài tiếng thôi mà trình bày được một cá tính một cách rõ rệt, mạnh mẽ. Đó thực là một năng khiếu lớn lao. Bây giờ thế là cuối cùng tôi có được một bức hình sáng rõ của Mary Gerrard.

- Xin ông chú ý đây - bà Bishop nói - Tôi không nói một lời nào chống lại cô ta đâu. Tôi không nên làm thế - cô ta đã ở dưới mồ. Nhưng quả thực là cô ta đã gây ra nhiều rắc rối.

Poirot nói khẽ:

- Tôi tự hỏi là chuyện đó lẽ ra sẽ kết thúc ra sao?

- Tôi nói thế đó - bà Bishop nói - Thưa ông Poirot, ông có thể tin lời tôi. Cái chết của bà chủ tôi vào lúc ấy là một nỗi kinh động khủng khiếp, nhưng bây giờ thì tôi thấy rằng không may lại hóa ra may - tôi không biết chuyện đó có thể kết thúc ra sao nữa.

Poirot tỏ vẻ mời mọc nói:

- Bà có ý nói gì?

Bà Bishop ngiêm trang nói:

- Nhiều lần tôi có tình cờ gặp chuyện như thế này. Nó xảy ra trong thời kỳ bà chị ruột tôi đang phục dịch. Một lần là khi cái lãi đại tá Randolph chết, để lại tất cả tiền tài của bà vợ khốn khổ cho một con đàn bà hư thân mất nết ở Eastbourne, lại một lần khi bà lão Dacres để lại tài sản cho cái anh chàng đánh đàn ọc-gan trong nhà thờ, một trong số những gã trẻ để tóc dài thượt - mà bà ta thì đã có rể, có dâu.

Poirot nói:

- Bà muốn nói là bà Welman chắc hẳn sẽ để lại tất cả tiền bạc cho Mary Gerrard phải không?

- Điều đó chẳng làm tôi ngạc nhiên chút nào cả - Bà Bishop nói - Đó chính là mưu đồ của con nhỏ nọ, tôi chắc chắn thế. Lúc ấy nếu tôi mà mạo muội thốt ra một lời, thì bà Welman sẵn sàng cắt đứt đầu tôi ra, cho dẫu là tôi đã ở với bà ta gần hai chục năm. Đời này thực là vô ơn bạc nghĩa. Thưa ông Poirot, mình đã cố gắng làm phận sự thì cũng chẳng được đánh giá đúng.

- Than ôi - Poirot thở dài - Thực đúng lắm thay.

- Thế nhưng cái ác chẳng phải bao giờ cũng mọc đầy - bà Bishop nói.

Poirot nói:

- Đúng thế. Mary Gerrard đã chết rồi.

Bà Bishop thoải mái nói:

- Nó đã đến ngày đền tội, chúng ta chẳng cần phải phán xét nó.

Poirot trầm ngâm nói:

- Những tình tiết về cái chết của cô ta có vẻ như hoàn toàn không thể cắt nghĩa nổi.

- Cảnh sát kia cùng với những ý tưởng mới tàn nhẫn của họ - bà Bishop nói - Cứ như thể là một tiểu thư trẻ trung được giáo dụ tử tế như cô Elinor kia mà lại đi đầu độc kẻ khác? Họ cũng cố gắng lôi kéo tôi vào chuyện này, bảo rằng tôi đã nói thái độ của cô ta là kỳ dị.

- Thế nhưng nó không kỳ dị sao?

- Mà tại sao nó lại không kỳ dị được nhỉ? - Ngực bà Bishop phập phồng nhô lên - Cô Elinor là một tiểu thư nhiều tình cảm. Cô ta sắp đến để thu dọn, lại thải các vật dụng của bà cô - việc này bao giờ cũng là một công việc mệt nhọc.

Poirot gật đầu tán thành nói:

- Phải chi bà đi cùng cô ta, thì có phải sẽ dễ dàng hơn nhiều cho cô ta không?

- Thưa ông Poirot, tôi muốn đi cùng cô ta, nhưng cô ta gay gắt rầy la tôi. Ồ, cô Elinor bao giờ cũng là một tiểu thư dè dặt và rất tự hào. Mặc dầu thế, tôi mong rằng tôi đã đi cùng cô ta.

Poirot nói khẽ:

- Bà đã không có ý nghĩ đi theo cô ta lên khu nhà hay sao?

Bà Bishop oai vệ ngẩng đầu lên:

- Tôi không đi đến nơi nào người ta không cần đến tôi, thưa ông Poirot.

- Hôm ấy trời rất nóng, tôi nhớ thế. Rất oi bức. - Bà thở dài - Tôi đi đến nghĩa trang đặt lên mộ bà Welman một ít hoa để tỏ lòng tôn kính; tôi đã phải ở lại đây một thời gian khá dài. Tôi bị ngợp vì nóng bức. Tôi trở lại nhà ăn trưa trễ, cô em tôi bực bội khi thấy tôi bị nóng bức như thế. Cô ta bảo tôi đừng bao giờ nên đi như thế vào một ngày như thế này.

Poirot nhìn bà Bishop tỏ vẻ thán phục nói:

- Tôi rất khâm phục bà, thưa bà Bishop. Sau một cái chết mà không có điều gì phải trách mình, thì thực là hay lắm. Tôi nghĩ chắc ông Roderick Welman phải hối hận lắm vì đã không vào thăm bà cô tối hôm đó, mặc dù lẽ dĩ nhiên là ông ta không biết được bà ta sắp ra đi quá mau như vậy.

- Ồ, ông lầm đó, thưa ông Poirot. Tôi có thể nói chắc với ông thế. Tối ấy ông Roddy có vào phòng bà cô. Lúc đó tôi đang đứng ở đầu cầu thang phía bên ngoài. Tôi nghe thấy bà điều dưỡng đi xuống nhà, tôi nghĩ là nên vào xem bà chủ có cần gì không, bởi vì ông biết bọn điều dưỡng là thế nào rồi - lúc nào cũng ở dưới nhà tán gẫu với bọn hầu gái, hoặc làm phiền họ, đòi hỏi họ hết cái này đến cái kia. Không phải là bà Hopkins cũng tồi tệ như cái cô tóc đỏ Ái-nhĩ-lan kia đâu. Cô ta thì luôn luôn chuyện trò và gây phiền nhiễu. Nhưng, như tôi nói đó, tôi nghĩ là tôi nên vào xem mọi sự có ổn cả không, thì lúc ấy tôi trông thấy ông Roddy lẻn vào phòng bà cô. Tôi không biết bà chủ có nhận biết ông ta không; nhưng dù sao thì ông cũng chẳng có điều gì phải tự tránh mình cả.

Poirot nói:

- Thực là hay. Ông ta là người tính tình bồn chồn, nóng nảy.

- Hơi kỳ quặc, gàn dở. Ông ta lúc nào cũng như vậy.

Poirot nói:

- Thưa bà Bishop, bà quả là người biết nhiều hiểu rộng. Tôi rất thán phục sự phán đoán của bà. Theo bà nghĩ thì sự thực về cái chết của Mary Gerrard là như thế nào?

Bà Bishop khịt mũi:

- Khá đủ rõ rệt, tôi nghĩ thế. Một trong số những hũ bột nhồi ghê tởm của tiệm Abbott. Để trên kệ hàng bao nhiêu tháng trời. Có lần chú em họ thứ hai của tôi bị bệnh suýt chết chỉ vì thứ cua đóng hộp đó.

Poirot phản đối:

- Thế nhưng còn chất morphine tìm thấy trong xác chết thì sao?

Bà Bishop nghiêm trang nói:

- Tôi không biết gì về chất morphine cả. Tôi biết bác sĩ là thế nào rồi. Cứ bảo họ tìm cái nhìn, là họ sẽ tìm thấy cái đó. Thứ bột cá nhồi ôi kia chưa đủ tốt đối với họ đâu.

Poirot nói:

- Bà không nghĩ có thể là cô ta đã tự tử sao?

- Cô ta ấy ư? - Bà Bishop khịt mũi - Không đời nào. Thế cô ta không định lấy ông Roddy sao? Mà lại tự tử?