Câu Thơ Yên Ngựa

Chương 10

Docsach24.com

ốn là chỗ đi lại thân thuộc với quan Thái Sư tể chấp Lý Đạo Thành, Thái Bảo Nguyễn Châu lầm lũi vòng theo lối bên, bước vào nội phủ, men quanh vườn hoa lần đến tận hiên tây, nơi đó quan Tể Chấp thường tĩnh nghỉ sau những giờ việc quan mệt nhọc.

Tể Chấp đang ngồi bên án trước chiếc khay gụ chạm rồng trên xếp một tập văn thư. Đằng sau là những chồng sách bìa cứng phất cậy gáy son, đặt ngay hàng thẳng lối, tăm tắp nghiêm nhặt. Căn nhà sạch tinh không vướng vất bóng một hạt bụi nhỏ trên vách phấn.

Thấy quan Thái Bảo, Tể Chấp đứng lên đưa tay sửa lại nếp khăn vấn đoạn xanh cho thật ngay ngắn, cân phân rồi mới phân ngôi chủ khách cùng ngồi.

Sau tuần trà, Thái Bảo đặt chén xuống, nhìn ra rặng thạch trúc bóng lá xanh um mọc trước sân nhà khẽ thở dài.

- Hôm nay quan Thái Bảo có điều gì mà trông thần sắc không vui – Tể Chấp dè dặt hỏi.

- Dạ, thưa Tể Chấp, có gì đâu ạ. Tiểu đệ vì đối cảnh sinh tình, mải ngắm rặng trúc kia mà nghĩ đến cảnh trúc già măng mọc nên mới chạnh lòng.

- Lão phu lại nghĩ khác – Tể Chấp mỉm cười vuốt chòm râu bạc chùng đến bụng – Thái Bảo trông kia, trúc càng già càng lộ hết mọi nét đẹp thanh cao, da trúc càng ngả sang màu ngà cao quí.

- Dạ, giá ai cũng nghĩ được như Tể Chấp thì việc thiên hạ tốt lành mà triều chính cũng tránh được mọi điều ngang trái – Thái Bảo hạ giọng vẻ buồn phiền – Thật quả tình tiểu đệ không hiểu Thái Úy nghĩ thế nào mà lại làm như vậy?

- Chắc Thái Bảo muốn nhắc đến chuyện tuyển tăng quan sang ngạch quan chức triều đình để điền vào những chỗ khuyết?

- Dạ, vâng, đúng như vậy ạ. Tiểu đệ thiển nghĩ việc chọn người cất nhắc là việc vô cùng hệ trọng, trên hòa cùng trời đất, dưới thuận với nhân tâm. Đáng lẽ Thái Úy nên nghĩ nhiều đến các vị lão thành, tôn trọng các bậc trưởng lão, đằng này Thái Úy tiến cử những kẻ đầu xanh tuổi trẻ. Chúng chỉ ham đấu vật chọi gà lấy điều háo thắng làm trọng. Có lần tiểu đệ đã nói: - Thái Úy nên quan tâm đến những bậc trưởng thượng vì có già rồi sau mới có trẻ. Thái Úy chỉ cười đáp: - Có trẻ rồi sau mới có già. Quan huynh còn quên vế sau đấy.

Thái Bảo Nguyễn Châu quả đã khía đúng vào chỗ sâu kín nhất trong tâm tư Tể Chấp. Ông và Thái Úy là hai vị túc thần đứng đầu triều. Hai người không ưa nhau vì tính khí không hợp nhau. Bên già, bên trẻ. Bên thuộc dòng hoàng tộc, bên từ bách tính xuất thân. Lý Đạo Thành là một nhà nho học lão thành, điềm đạm ôn hòa và hay cố chấp. Trái lại, Lý Thường Kiệt lại xông xáo, bộc trực có nhiều quyết đoán.

Sự xung khắc ban đầu về tính tình giữa hai gương mặt lớn nhất của thời đại này sẽ chỉ là vụn vặt, tuy có nhuốm thêm màu sắc nhiều mặt cảm riêng tư. Và những va chạm cỏn con ấy sẽ không đưa đến hiềm khích nếu không có sự tranh chấp bất đồng trong vấn đề nhân sự, trong cách nhìn nhận đánh giá người để sắp xếp vào phẩm trật triều đình.

Lý Đạo Thành được vua Lý Thánh Tông chọn làm Tể Chấp từ lúc mới lên ngôi. Mười tám năm làm tể tướng, ông chưa gặp điều gì va vấp. Các quan văn võ kính yêu, các nhà minh kinh bác học đều phục. Mười tám năm làm tể tướng, ông ung dung cầm cương đưa cỗ xe nhân sự đi từng bước một nhịp nhàng, êm đềm, nhàn nhã. Thế mà bỗng dưng có kẻ ngồi đằng sau ông cứ muốn vụt roi cho ngựa lồng lên thì ông chịu làm sao nổi.

Nghĩ đến Thái Úy, Tể Chấp không khỏi cảm thấy lấn cấn. Ông nhìn ra rặng thạch trúc rồi kéo cái khay gụ lấy ra một tập văn án: Thái Bảo còn chưa biết điều này. Đây, quan Thái Úy còn muốn vượt qua qui tắc, tuyển người không thông qua cửa Phật.

- Ồ! Không ở cửa tăng sư ra thì lấy đâu đủ học vấn chữ nghĩa để làm việc quan – Thái Bảo kêu lên- quá thể! Rõ là quá thể!

- Quan Thái Úy khuyên lão phu mở những kỳ thi tuyển chọn những kẻ tinh thông hình luật, bổ làm viên lại cho bộ Hình. Thái Úy muốn mọi việc xét xử được nghiêm minh nhanh chóng. Lão phu nhớ Tiên Đế xưa thương dân như con. Phàm kẻ can án, Tiên Đế coi như đứa con hư cần phải chăm sóc nhiều hơn. Lão không quên năm Ất Mão, trời đông giá rét, lão mặc kép áo khoác cừu mà vẫn thấy rét run. Tiên Đế nói với lão phu rằng: - Ta ở trong cung kín sưởi lò than, khoác áo lông, mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao, chịu trói buộc khổ sở mà chưa biết phải trái ra sao, ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân. Ta thật lấy làm thương. Rồi Tiên Đế sai quan sĩ sư cho người đem chăn chiếu phát cho tù nhân, cấp cho một ngày hai bữa cơm. Rồi lại một lần khác khi Tiên Đế xử kiện có công chúa Đông Thiên bên người, năm ấy là năm nào nhỉ?

- Dạ, năm Ất Tị, tiểu đệ còn nhớ Tiên Đế chỉ vào công chúa nói rằng: - Ta yêu con ta như là cha mẹ dân yêu dân. Vì dân không hiểu luật nên mắc tội. Ta lấy làm thương. Vậy từ nay về sau, không kể tội nặng hay nhẹ, các người phải xử một cách khoan hồng.

- Đúng đấy. Đại loại những chuyện ấy lão phu đều kể qua để nhắc khéo Thái Úy. Lão phu nghĩ trước đã làm thế nào thì nay cứ thế mà làm.

- Dạ tiểu đệ chắc Thái Úy không còn đâu lý lẽ để mà cãi nữa.

- Thái Úy chỉ nhẹ nhàng bảo lão phu rằng hiện nay có nhiều người ăn trộm trâu nếu không nghiêm trị thì dân cày sẽ vô cùng khốn đốn. Tiên Đế thương dân chứ không thương những kẻ đang làm hại dân. Lão phu còn đang gẫm lại những lời của Thái Úy.

- Dạ, thưa Tể Chấp – Thái Bảo nhìn xoáy vào Lý Đạo Thành – Tiểu đệ chỉ lo rằng không khéo Thái Úy lại học đòi bắt chước người Tể tướng họ Vương của nhà Tống thi hành tân pháp.

- Bắt chước thế nào được! – Giọng Tể Chấp trở nên sôi nổi – Vua Tống Thần Tông trẻ người non dạ, tính hay sính cường mới thích dùng những kẻ hung hăng như Vương An Thạch làm tể tướng. Chứ ở ta, tự quân còn thơ ấu, chẳng lẽ phải chọn trẻ con vào triều để bàn việc nước ư?

Để hiểu thêm được câu chuyện giữa hai vị đại thần này xin mách với bạn đọc rằng:

Triệu Khuông Dẫn sau khi đánh tây dẹp nam, chinh phục các nước lân bang đã lập nên nhà Tống. Tống Thần Tông Triệu Húc là đời vua thứ sáu. Chắc hẳn vào một buổi sáng đầu xuân tại đất Thăng Long, vua Lý Thánh Tông đang vỗ long án giận dữ vì nước Chiêm sinh lòng phản nghịch dám vô cớ tuyệt giao để hai năm sau kéo quân sang chinh phạt, thì cũng vào giờ ấy ở bên kia, Tống Thần Tông bước lên ngôi vua. Ông vua trẻ tuổi này mang lên ngôi một ý chí quật cường chấm dứt chuỗi ngày yên lạc triền miên của các đời vua trước. Chỉ 8 tháng sau ông đã tìm gặp được một đình thần lý tưởng: Vương An Thạch. Và có lẽ khi đám mây vàng hình rồng hiện trên chiếc lầu thuyền của vua Thánh Tông chuẩn bị cuộc nam chinh thì trong cung nhà Tống xảy ra cuộc gặp gỡ quyết đinh, lý thú nhất và cũng tâm đắc nhất giữa vua Tống với bậc kỳ tài của đất nước họ. Và cũng chỉ tháng sau, vua Tống trao vào tay họ Vương chức tể tướng đầu triều. Vương An Thạch là một bộ óc kinh bang tế thế vĩ đại và tân tiến có một không hai của dân tộc Trung Hoa. Những phương sách ông đề cử với vua Tống nhằm làm dân chúng giàu có, quốc khố dồi dào, binh lực hùng mạnh cho đến ngày nay vẫn còn có giá trị. Các phép nội trị mới mẻ ấy được gọi là tân pháp. Để thi hành tân pháp, Vương tể tướng dùng loại quan trẻ.

Phải nói rằng vua ấy với tôi ấy có thể làm nên sự nghiệp nếu không có sự phản kháng mạnh mẽ của các vị lão thần. Họ Vương, tuổi trẻ mà quyền sớm thịnh nên không khỏi bị đồng liêu ganh ghét. Hơn nữa phái quan trẻ hết lòng ủng hộ Vương An Thạch, còn phái lão thần lại ra sức bài xích. Trong triều hình thành hai phái – phái trẻ phái già, phái tân phái cựu – phân tranh kịch liệt.

Nhắc đến Vương An Thạch, Thái Bảo Nguyễn Châu ngụ ý bảo ngầm Lý Đạo Thành rằng cái họa phân tranh kia sẽ xảy ra nếu không kịp thời chặn đứng bàn tay của Thái Úy. Nhưng Tể Chấp vẫn tiếp lời, giọng quả quyết: - Thái Úy trẻ tuổi nên tính khí còn cương cường. Nhưng xin Thái Bảo đừng quá lo. Còn cái đầu bạc này đứng giữa triều thì mọi việc còn tuân theo lệ cũ. Bỗng Tể Chấp dừng lại lắng nghe. Có tiếng nhộn nhạo ở phía trước dinh. Một viên quan thân hình bé choắt, hớt hải vào báo: - Bẩm quan Tể Chấp, có Thái Hậu giá lâm.

Hai người vội vàng chỉnh lại quần áo rồi cùng ra bên ngoài nghiêm giá.

Dương Hậu bước xuống xe loan, cho mọi người miễn lễ rồi đi thẳng vào giữa tiền đường. Các gia binh trong dinh tản ra xa, canh phòng cẩn mật.

Trông thấy Nguyễn Châu, Thái Hậu vui vẻ nói: -“Có mặt quan Thái Bảo ở đây càng hay. Ta đến báo cho các khanh một tin hệ trọng: Thái Úy Lý Thường Kiệt bị giết rồi!”. Dướng như những thớ thịt trên mặt Tể Chấp co giật. Trước mặt ông, một khoảng trống nhỏ hiện ra rồi lan rộng dần như những vòng nước dợn khi có viên đá ném giữa mặt ao. Tin dữ đến đột ngột như cơn lốc reo ù ù trong tai làm Tể Chấp không sao nghe rõ lời Thái Hậu đang nói tiếp: - Thái Úy bị bắn chết trên đường hòe giữa lúc ông ta đang ngồi trên kiệu về kinh – Thái Hậu dừng lại nhìn vào gương mặt trắng bệch của Tể Chấp: - Thôi thế cũng đỡ được cái gai nhọn trước mắt ta mà lão khanh cũng được thỏa lòng – Bà gằn giọng: - Có Tể Chấp Lý Đạo Thành không thể có Thái Úy Lý Thường Kiệt.

Câu nói này làm Tể Chấp chợt tỉnh: - Muôn tâu Thái Hậu, giữa thần và Lý Thường Kiệt quả có điều xích mích, nhưng đó là những điều nhỏ nhặt trong cung đình.

- Không nhỏ nhặt đâu, lão khanh hãy nghĩ lại coi. Thường Kiệt là một viên quan nhỏ ở chức Hoàng môn trong nội đình. Vậy mà ở gần vua, nhờ tài ton hót, Tiên Đế nâng lên hàng Thái Bảo rồi Tiết độ sứ lại phong làm nghĩa nam của Thiên tử. Bấy lâu nay y tranh chức đoạt quyền với lão khanh. Hai người ở cái thế rồng cọp tranh đua, sao Tể Chấp còn mơ hồ như vậy?

- Tâu Thái Hậu, thần trộm nghĩ Thường Kiệt là cột trụ của triều đình. Mất Thái Úy thì rồi đây phên giậu của nước nhà lấy ai chống đỡ?

- Thái Úy đang nắm giữ mọi binh quyền. Ta thử hỏi nếu mai đây y trở lòng quay giáo đổi cờ thì liệu cơ nghiệp của nhà Lý có còn nguyên vẹn. Sao lão khanh sớm quên cái họa quan Thập đạo Tướng quân ở đời triều trước nhỉ?

- Tâu Thái Hậu – Lý Đạo Thành vụt quỳ xuống – quả hạ thần bụng không ưa Thái Úy nhưng miệng phải nói rằng, Lý Thường Kiệt là một đấng đại thần, lòng trung sáng tỏ. Người ấy dám đội vạc trước sân rồng, cho trâu ăn dưới vực thẳm để giúp các tiên đế dựng nên nghiệp lớn. Điều gì chứ điều ấy quả thần không dám nghĩ sai.

Tể Chấp đã dứt lời mà tiếng nói vẫn còn vang trong đầu ông. Dường như đó không phải là tiếng ông mà tiếng một người nào khác bấy lâu ẩn kín trong người ông. Ông có cảm giác như những lời ấy ở từ các ngóc ngách sâu thẳm nào bất giác trồi lên miệng ông mà sức ông không kiềm chế nổi. Lạ một điều là ngày thường, xưa nay ông không ưa thích gì Thái Úy, vậy mà trong giờ phút này, nghe tin Thái Úy chết thì hình dáng Thái Úy bỗng đứng thẳng lên sừng sững trước mặt ông rõ nét uy nghi đúng với tầm cỡ của nó. Ông nhớ lại con người ấy đã giúp Tiên đế phạt Chiêm cự Tống, trong chấn chỉnh nội đình, ngoài phủ dụ năm châu sáu động ba nguồn, vỗ yên các phiên trấn, mở mang bờ cõi tận phía Nam. Công lao hãn mãn là thế mà nay bị một tên tiểu tốt vô danh nào sát hại. Ông ngẩng mặt lên tâu: - Thưa Thái Hậu, chẳng hay kẻ nào dám cả gan giết chết Thái Úy?

Thái Hậu đáp gọn: - Hắn là thằng cháu của Tể Chấp mà cũng là cháu ta.

- Ôi! Lý Ngân ư? Thằng nghịch đồ dám làm việc bạo thiên nghịch địa.

- Hắn vì ta, vì Tể Chấp, vì sự sống còn của dòng họ Lý mà xả thân. Đấy còn lại giọt máu cuối cùng của chi tộc nhà Tể Chấp đấy. Cứ đem mà giết đi.

Tể Chấp lặng im thấy người rời rã. Nhưng một hy vọng mong manh thoáng qua trong đầu ông. Biết đâu tin Thái Úy chết chưa chắc đã xác thực. Ông cất câu hỏi bâng quơ:

- Đã chắc gì bắn trúng mà chắc gì Thái Úy đã chết hẳn? Thái Bảo Nguyễn Châu nãy giờ vẫn đứng lặng thinh câm như thóc bỗng góp lời: - Thưa Tể Chấp, với kẻ nào khác còn ngờ được chứ với tài thiện xạ của công tử Lý Ngân thì mấy ai thoát chết.

Mơ ước cuối cùng tắt ngấm. Cái chết của Thái Úy giờ đây đã thấm vào người Tể Chấp và trở thành một sự thật hiển nhiên rồi. Tể Chấp rũ rượi gục đầu xuống ngực mơ màng nhìn hai giọt nước mắt rơi xuống chậm chạp lăn tròn trên chòm râu chùng trắng như tuyết…