Cánh Phượng Tình Thơ

Chương 7

  Ngày tất niên rồi cũng đến, một vài ngày trước đó, các lớp có mục văn nghệ đã được chọn vào chung kết đều ráo riết tập dượt để chuẩn bị cho đêm trình diễn. Lớp của tôi chỉ có một tiết mục đơn ca của một bạn học được lọt vào vòng chung kết nên tôi và Minh Châu không phải đóng góp gì cho lớp của mình. Lớp của anh Hùng thì khá hơn, cả ba tiết mục của lớp anh đều được vào chung kết.

Ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, buổi sáng học sinh chúng tôi không phải học hành gì cả, các lớp mua đồ ăn và bánh kẹo vào lớp ăn tất niên. Một số các nam sinh đệ nhị cấp được các thầy cô chủ nhiệm chỉ định ra phụ trang trí hội trường cho đêm văn nghệ. Trường tôi được phòng giáo dục kế bên cho mượn hội trường cho đêm biểu diễn. Hội trường phòng giáo dục cũng khá lớn có thể chứa hết học sinh chúng tôi và phụ huynh đến xem.

Buổi trưa sau khi ăn tất niên xong chúng tôi tan trường về nhà. Đến tối chúng tôi quay lại hội trường sân khấu bên phòng giáo dục. Những học trò có tiết mục biểu diễn đã lo đến sớm trước để tập dượt lần chót. Minh Châu, anh Quốc Dũng và tôi vì không có phần biểu diễn nên đến trễ hơn, chúng tôi đi thẳng vào hội trường tìm chỗ ngồi. Hội trường lúc đó cũng đã có khá đông học sinh và phụ huynh đến tham dự. Những thầy cô giám khảo thì ngồi trên hàng ghế danh dự đầu tiên. Trong lúc ba đứa chúng tôi đi lanh quanh một hồi kiếm chỗ thì anh Quang Cận từ một hàng ghế trên đầu đưa tay vẫy ngoắc chúng tôi lên:

- “Sao bây giờ mới tới? Thằng Hùng nói anh đến sớm dành chỗ này cho mấy em. Anh chờ ở đây từ nẫy giờ.”

Tụi tôi ngỏ lời cám ơn anh Quang Cận và ngồi xuống chỗ của mình. Anh Quang vì không có mặt trong các tiết mục nên ngồi xem với chúng tôi, anh chọn ngồi bên cạnh tôi. Anh Quốc Dũng nháy máy với tôi, anh sau đó đổi chỗ sang ngồi phía bên kia Minh Châu. Hai anh con trai ngồi hai bên để hai đứa con gái tôi ngồi giữa. Minh Châu nói với tôi:

- “Ông anh mày kể ra cũng chu đáo và tỉ mỉ lắm, biết lo và sắp xếp trước cho em.”

Tôi gật đầu đồng ý với lời nhận xét này của Minh Châu. Anh tôi tuy ra ngoài đường thì ngông cuồng và tự đại nhưng đối với người thân trong nhà anh là một người biết chăm sóc và lo lắng mọi chuyện.

Buổi văn nghệ tối hôm đó xem ra rất khá. Các tiết mục của các lớp đều hay và đều đa dạng. Vì biểu diễn ở hội trường trong phòng kín nên âm thanh nghe cũng hay hơn nếu biểu diễn ở ngoài trời. Tiết mục hợp ca của lớp anh Hùng tuy hay nhưng cũng chỉ như những tiết mục hợp ca khác, không có gì đáng để nói tới. Tiết mục song ca của anh và của chị Điệp thì đáng nói tới hơn. Khi tên hai người được giới thiệu ra thì hội trường vỗ tay nhiệt liệt. Một số các anh huýt sáo inh ỏi. Khỏi nói cũng biết những huýt sáo đó là dành cho chị Điệp và những tiếng vỗ tay của các chị là dành cho anh tôi.

Anh Hùng thường ngày rất thích hát nhạc tiền chiến, nhưng hôm đó lên sân khấu anh và chị Điệp lại hát bài Lãng Du, một nhạc phẩm trẻ ngoại quốc dịch sang lời Việt. Những năm đó loại nhạc trẻ ngoại quốc rất thịnh hành và được giới thanh niên học sinh ưa thích. Anh Quang Hùng đã bỏ sở thích nhạc tiền chiến của mình sang một bên để biểu diễn một bài theo sở thích khán giả. Không biết vì ăn khớp hay vì có tập dượp chu đáo, biểu diễn của hai người rất có hồn. Ang Hùng ngồi trên ghế vừa đánh đàn vừa hát, chị Điệp đứng bên cạnh hát. Tiếng hát của chị thì thanh, cao và trong, tiếng hát của anh tôi thì trầm và ấm. Xuất sắc nhất là lúc họ hát bè, anh tôi đã khéo léo chế ra điệu bè nghe hay và lạ.

“…Lãng du khắp nơi, anh ước mong được ôm em trong giấc mộng

Lãng du khắp nơi xin cánh tay chàng kề em êm dưới gối,

Xin cho đôi ta yêu đắm say hương thời gian thêm ngất ngây đời phiêu lãng ôi đẹp thay...”

Sau khi bài hát được chấm dứt, mọi người vỗ tay nhiệt liệt, các thầy cô giáo giám khảo cũng gục gặc đầu ra vẻ hài lòng.

Tối đó tôi cũng thấy anh Khiêm. Khi anh Khiêm cùng với lớp của anh bước lên sân khấu để biểu diễn tiết mục hợp ca của mình, nhận ra tôi đang ngồi ở hàng ghế bên dưới gần sân sấu, anh nhìn tôi nheo mắt ra dấu chào. Tôi cũng gật đầu nhẹ chào lại anh và đưa tay ra dấu hiệu chúc anh may mắn. 

Màn kịch ông táo về trời của lớp anh Quang Hùng được sắp xếp vào màn biểu diễn cuối cùng của đêm văn nghệ. Anh Hùng đóng vai ông táo, một anh trong lớp làm Ngọc Hoàng, anh Thịnh Ú làm quân sĩ, một số anh chị khác đóng những vai phụ khác. Đến lúc anh Hùng bước vào chầu Ngọc Hoàng thì màn kịch bị bể đĩa. Lúc anh từ bên hông sân khấu chuẩn bị bước ra thì áo dài ông táo của anh mặc vì dài quá nên vướng vào cây đinh ở bên hông sân khấu, anh gỡ hoài không ra. Lúc đó mấy người dưới hội trường bắt đầu lên tiếng cười khúc khích. Gỡ hoài không được, anh Hùng nóng lòng đưa tay dựt mạnh, dựt mạnh quá anh mất thăng bằng té ra ngay giữa sân khấu. Tới lúc đó thì hội trường cười ồ cả lên. Tôi tưởng anh tôi vì như thế sẽ quê mặt chạy vào trong hậu trường. Ngọc Hoàng, quân sĩ và các nhân vật khác trên sân khấu lúc đó không biết xử trí ra sao, họ cứ vậy đứng ngẩn mặt ra. Anh Hùng không chạy như tôi đã nghĩ, sau khi tự mình đứng lên, anh nhanh trí lèo lái câu chuyện. Anh vòng tay tâu với Ngọc Hoàng:

- “Muôn tâu Ngọc Hoàng. Quân hầu của Ngọc Hoàng lười biếng không chăm sóc thiên đình cho chu đáo, khiến cho táo thần bị té. Thử hỏi nếu người bị té này không phải là táo thần mà là Ngọc Hoàng hay một trong những người trong thượng giới thì hậu quả sẽ ra sao. Xin Ngọc Hoàng xử tội đánh cho tên hầu mấy trượng làm gương.”

Lúc đó mấy nhân vật trên sân khấu còn đang ngỡ ngàng vì tình huống vừa xẩy ra và không biết phải làm gì, ngay khi thấy anh Hùng nói những câu vừa rồi, anh đóng vai Ngọc Hoàng vội vàng chụp ngay lấy cơ hội và nương theo đó nói luôn:

- ‘Táo quân nói rất đúng. Mấy tên quân hầu bê trễ biếng nhác này cần được phạt làm gương.’

Nói xong anh Ngọc Hoàng kêu người đem anh quân hầu Thịnh Ú ra đánh mấy hèo. Anh Thịnh nhăn mặt làm hề ra bộ như oan ức đau đớn lắm. Cả hội trường càng được dịp cười thêm. Tuy bị bể đĩa, nhóm kịch của lớp anh Hùng đã biểu diễn một cách khá xuất sắc và được mọi người thưởng thức và tán thưởng.

Buổi văn nghệ tất niên chấm dứt, các thầy cô giám khảo tuyên bố kết quả của cả ba môn tập san, bích báo và văn nghệ. Lớp tôi không đoạt được giải nào văn nghệ nhưng đoạt giải nhất môn bích báo. Lớp anh Hùng, bài hợp ca thì không được giải gì, bài song ca của anh và chị Phượng được đoạt giải nhất trong bộ môn song hoặc đơn ca. Vì không có lớp nào tham dự môn kịch, vở kịch ông táo của lớp anh đương nhiên được đoạt giải không cần tranh đua.

Sau đêm văn nghệ tất niên đó, anh Hùng và chị Điệp có thêm một danh hiệu mới, mọi người trong trường gọi họ là cặp Kim Đồng Ngọc Nữ của 11C1. Đương nhiên hai người họ thích biệt danh này lắm, mỗi khi nghe ai gọi như vậy thì họ chỉ tủm tỉm cười.

Vài ngày sau khi chúng tôi đã được nghỉ Tết, mẹ tôi từ Sài Gòn lên thị trấn thăm chúng tôi và ăn Tết với gia đình dì Hai. Ngoài hai anh em chúng tôi, cả gia đình dì Hai ai cũng vui. Đã bao năm rồi dì Hai mới có dịp ăn Tết với cô em gái thương yêu của dì. Lúc mẹ lên tới nơi, tôi thấy mẹ vui mừng để lộ ra mặt. Mẹ thấy đời sống anh em tôi đã được ổn định sung túc, hai anh em không còn cảnh đi lêu bêu ngoài đường như lúc ở Sài Gòn nữa, mẹ nói mẹ thật vui lòng. Nhân thấy mẹ đang vui như vậy, anh em tôi xin mẹ để chúng tôi được tiếp tục ở nhà dì dượng Hai. Chúng tôi nói chúng tôi thích cuộc sống ở đây và đã có nhiều bạn thân, chúng tôi thật không muốn quay về Sài Gòn. Lần này mẹ tôi đã thật dễ dãi và chấp thuận lời xin này ngay. Thế là anh em tôi được cho ở lại nhà dì Hai đi học cho đến khi anh Hùng học hết lớp 12. Tin này không những chỉ là tin vui cho gia đình dì Hai và anh em chúng tôi, Minh Châu cũng mừng không kém. Nó nói:

-  “Mẹ mày mà lên bắt anh em mày về thì tao sẽ buồn lắm.”

Năm đó mọi người chúng tôi ăn một cái Tết rất vui vẻ.