Chị ta đưa tay về phía tôi, những móng tay hôm trước vẫn còn để trơn hôm nay đã được quét lên một lớp sơn màu đỏ như máu, móng được sửa lại nhọn hoắt. Màu đỏ đó tương phản rõ rệt với màu trắng nhợt của những ngón tay, trông trùng hợp với một cảnh tượng nào đó trong ký ức của tôi. Tôi tưởng như hai bàn tay đó đã không còn đầy đặn như hôm trước nữa, da dù vẫn trắng nhưng lại hơi đờ đẫn, trên bàn tay trắng nhợt là những vết bầm tím xanh. Giống như, giống như... hồ máu tử thi.
Nước sông vàng vọt cuộn lên, gió lạnh thổi thê lương khiến cho những cây liễu rủ hai bên bờ sông không còn vẻ biếc xanh như bình thường nữa. tôi đứng bên bờ sông nhìn người ta tất bật, đàn bà thì khóc lóc than trời, đàn ông thì lo lắng vội vàng chạy đi chạy lại, cầm dây thừng, sào trúc, thang gỗ để mò dưới lòng sông. Không biết vì lạnh hay sợ hãi mà tôi bất giác quàng lấy hai vai mình, đứng run lên từng chặp trong gió lạnh, trong đầu trống rỗng.
Cuối cùng những người đàn ông mò tìm dưới sông cũng đi lên, ba người kéo theo một thứ gì đó màu đỏ, đã không còn là màu đỏ tươi trong ký ức mà là đỏ sậm của chiếc áo đã ngấm nước, giống hệt như màu máu khô. Nghĩ đến sự hình dung đó, tôi lại run lên cầm cập, như thế này đúng là điềm xấu.
Thời gian trôi qua rất chậm, chậm vô cùng, sau khi thứ màu đỏ đó đượt vớt lên, đám đàn bà con gái đột nhiên không khóc nữa, còn đám đàn ông thì bất động, họ lặng lẽ nhìn mấy người thợ lặn đặt thứ đó nằm thẳng ra trên mặt đất. Tiếng khóc, tiếng gào lại nhất loạt vang lên.
Là một người con gái! Khi đó, mái tóc dài đen nhánh của cô ấy đã bị dính bết thành một túm sau đầu, không còn sức sống. Hai màu đen và đỏ tạo thành sự tương phản rõ ràng, cứng nhắc đến mức đáng sợ. Nhìn tiếp xuống dưới, thất một bàn tay trắng toát, bị ngâm nước nên đã bợt bạt cả ra, năm ngón tay co quắp lại như đang muốn tóm lấy thứ gì.
Tim tôi đột nhiên nhảy thót lên, cuối cùng khi ba người đàn ông đó lật khuôn mặt cô gái đó ra, đầu tôi choáng váng như vừa nổ uỳnh một tiếng. Khuôn mặt trắng xanh, đôi môi tím ngắt, mái tóc đen, tấm áo đỏ, những ngón tay co quắp, khuôn mặt trắng xanh, đôi môi tím ngắt... Những màu sắc khủng khiếp ấy cứ trở đi trở lại trong đầu. Thậm chí khi đã nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung ra vết máu tụ trên mu bàn tay cô ấy. Trong cổ họng cảm thấy ngứa ngáy, không kìm chế nổi muốn hét lên, song cổ lại khàn đặc nên bị nghẹt, ngay cả một tiếng ặc ặc cũng không thốt nổi ra.
Khi đó, một thanh niên lao ra từ trong đám người, tấm lưng rộng của anh ta xoay lại phía tôi, không ngừng run rẩy, một lát sau, anh ta cúi người xuống. Tôi không thể cưỡng lại ý muốn nghiêng người xuống để nhìn rõ hơn, nhưng trong ánh bình minh mờ ảo, chỉ thấy anh ta chầm chậm áp má mình xuống khuôn mặt cô ấy, sau đó đặt đôi môi run rẩy lên môi cô. Trong tim tôi chợt trào lên nỗi bi thương không gọi được tên, nước mắt cứ tuôn ra trên má, cuối cùng khóc ầm lên không sao ngăn nổi. Chỉ sợ tiếng khóc sẽ làm kinh động đến anh ta, nên cố gắn nén lại thành tiếng nức nở, còn nước mắt vẫn không ngừng lăn xuống.
Cả một đám đông khi nãy vẫn còn huyên náo, giờ đây đã trở nên lặng lẽ, không tiếng động, chỉ nghe thấy tiếng kêu ai oán đau buồn của người thanh niên. Mãi lâu sau, anh ta mới ngẩng đầu lên, lướt qua từng người một bằng đôi mắt đẫm lệ. Tôi cuối cùng cũng nhìn rõ khuôn mặt ấy. Anh ta, anh ta vì sao trông lại quen đến vậy? Ở ngay giữa lông mày là một nối ruồi lớn màu đen như mực. Cánh tay run rẩy của tôi không tự chủ đưa về phía anh ta, đang định chạm vào nốt ruồi đó, nhưng không ngờ lại hẫng đi trong không khí. Cũng giống như đêm qua, tôi không thể nắm bắt được bất kỳ sự vật nào.
Người đó khóc rất lâu, rồi đột nhiên nuốt nước mắt vào trong, hệt như đã phát điên, kéo tấm áo đang mặc trên người cô ấy xuống, để lộ ra chiếc yếm giống màu áo ở bên trong. Chiếc yếm thêu hình đôi uyên ương đang gối đầu vào nhau để ngủ. Anh ta vừa kéo vừa gào:
"Ta không muốn nàng chết, không muốn nàng phải lấy người khác. Tấm kỳ bào ta tặng nàng đâu? Tấm kỳ bào đó ở đâu? Ở đâu? Nàng hãy nói đi! Ta không muốn ngàng rời xa ta, không được rời xa ta! Trời ơi!".
"Liễu Thiếu Nguyên, người dừng tay lại cho ta! Con gái ta đã chết rồi, ngươi cút mau đi!", một lão phu nhân hai mắt sưng mọng giằng ra khỏi tay người chồng, cố gắng đẩy anh ta ra. Tôi trông thấy người thanh niên ngã ngồi trên đất, đưa tay muốn đỡ anh ta dậy, nhưng bàn tay vẫn bị hẫng vào không khí, trong lòng đột nhiên thấy nhói đau. Khoảng cách của tôi và anh ta chỉ có một bước chân nhưng lại cách xa đến cả ngàn dặm.
"Trời ơi! Vì sao chứ? Vì sao lại như thế này? Ha ha ha...".
Anh ta ngẩng đầu lên kêu trời, đang cười bỗng nhiên ngồi bật dậy, ôm phắt lấy thi thể của cô gái vào lòng:
"Chúng ta vẫn ở bên nhau, kiếp này không được thì kiếp sau, kiếp sau không được thì kiếp sau nữa. Chúng ta sẽ luôn ở bên nhau, luôn ở bên nhau!". Nói xong bèn ôm xác chết đó nhảy vọt xuống sông. Nước sông lại một lần nữa gầm lên, trong chớp mắt đã không thấy bóng dáng họ đâu nữa. Một nỗi đau đớn không sao ngăn nổi trào lên trong lòng, song tôi lại không thể nào rơi nước mắt, tất cả mọi người đều đờ đẫn nhìn chằm chằm vào xoáy nước, không ai khóc, không ai kêu gào, chỉ im lặng đợi chờ trong gió lạnh.
Đến lúc sắp sửa tuyệt vọng, khuôn mặt trẻ trung đó đột nhiên nổi lên trên mặt nước. Chỉ trong thoáng chốc nó đã trở nên già nua, nốt ruồi đen ở nơi lông mày đó nổi bật lên tới mức kinh người, hoàn toàn trùng hợp với ký ức sâu thẳm nhất trong đầu tôi.
"Á! Ông ơi". Tôi gào lên, ngồi bật dậy, bốn bề là một khoảng không đen sẫm, ánh sáng duy nhất từ cửa sổ chiếu vào, tấm rèm khẽ khàng lay động. Có một người đang đứng ngay bên ngoài khung cửa sổ sát từ sàn đến trần. Khuôn mặt hiền từ, ngay giữa lông mày là một nốt ruồi màu đen to chừng bằng hạt ngô, đúng là dáng vẻ của ông nội mười năm về trước.
"Ông nội!".
Tôi thử gọi một tiếng thăm dò. Ông chỉ đứng đó nhìn tôi mà không đáp lại. Khuôn mặt ông dần dần trở nên méo mó, dáng vẻ vô cùng đau khổ. Tôi bò từ đầu giường tới đó, đưa tay ra muốn kéo ông lại. Khi ấy có người gõ lên cánh cửa phòng, tiếng bà nội vang lên phía bên ngoài: "Tiểu Ảnh, Tiểu Ảnh, cháu làm sao thế?", ngay sau đó là tiếng chìa khóa xoay bên trong ổ.
Ánh mắt tôi chuyển sang phía đó. Cánh cửa mở toang, bà nội bước vào. Khi tôi quay đầu nhìn lại phía cửa sổ, chỉ có bóng râm của chiếc rèm in trên sàn. Ánh trăng đầm đìa, không thấy bóng hình ông nội tôi đâu nữa.
"Bà ơi, cháu nhìn thấy ông. Ở chỗ cửa sổ này!". Tôi chồm dậy, định lao ra đằng cửa sổ.
"Tiểu Ảnh, cháu chỉ nằm mơ thôi. Ngoan nào, mau ngủ tiếp đi! Mười năm trước ông nội cháu đã không cần chúng ta nữa rồi". Bà nội ôm lấy tôi, giữ chặt đầu tôi trong lòng mình. Trong bóng tối, tôi cảm giác thấy cơ thể bà run lên khe khẽ. Cũng không biết là vì xúc động do đột nhiên nghe thấy tin tức về ông, hay là vì nhiệt độ của điều hòa thấp quá.
"Không bà ơi, thật đấy! Đúng là ông nội mà. Ông chau mày lại như đang vô cùng đau khổ. Từ trước đến nay ông chưa từng như vậy, chắc chắn là ông đang phải chịu một nỗi khổ nào đó".
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn thấy bên má bà còn in dấu nước mắt, đôi môi không ngừng run rẩy, sắc mặt trắng nhợt nhạt, ánh mắt nhấp nháy bất định. Trong ánh mắt của bà, ngoài một nỗi oán hận, tôi còn nhìn thấy cả sự sợ hãi? Tôi giật thót người vì cái từ vừa đột nhiên xuất hiện trong đầu mình đó, vì sao bà lại sợ hãi kia?
"Là ông ấy không cần chúng ta! Là ông ấy không cần chúng ta!". Bà nội trở nên kích động, ánh mắt càng trở nên sắc bén hơn, mười ngón tay bấu vào vai tôi tới mức hơi đau. Vẻ mặt của bà khiến người ta thấy xót thương, nghĩ đến những nỗi bất hạnh bà đã phải trải qua trong suốt cuộc đời mình, rồi lại nghĩ đến bản thân mình giờ đây vẫn khiến bà phải lo lắng, vậy mà chỉ vì muốn nói ra cho sướng miệng nên một lần nữa khơi lên vết thương cũ của bà, đột nhiên tôi thấy mình vô cùng tàn nhẫn.
Tôi cũng vòng tay ôm lấy bà, nhẹ nhàng vỗ lên lưng bà như an ủi, cũng là an ủi chính mình: "Bà ơi, là Tiểu Ảnh hoa mắt rồi. Chỉ là cháu đã nằm mơ thôi!".
Cuối cùng bà cũng khóc thành tiếng, đây là lần đầu tiên trong suốt mười năm qua tôi thấy bà rơi lệ. Từ trước đến nay bà luôn kiên cường để làm chỗ dựa vững chắc cho tôi. Nhưng giờ đây, bà dựa vào lòng tôi khóc ầm lên như một đứa trẻ con bất lực không biết nương tựa vào đâu. Tôi muốn được bảo vệ, chở che cho bà, khi ấy tôi mới cảm thấy mình đã trưởng thành và có thể gánh vác được tất cả, không còn là một cô gái nhỏ ngồi trên căn gác nghe ông nội kể chuyện như xưa nữa, cũng không còn là đứa con gái đau lòng đến gần như trầm cảm sau khi bố mẹ ra đi nữa...
Sau cùng, bà nội cứ vậy tựa vào lòng tôi ngủ yên, còn tôi lại cảm thấy hơi hoảng loạn mà không hiểu vì sao, cũng không nói rõ được đó là vì sợ hãi, nhớ thương hay cảm giác có trách nhiệm đột ngột phát sinh. Dù sao thì cũng không còn buồn ngủ nữa, tôi đành ngồi tựa vào đầu giường cho tới sáng.
Trời vừa sáng tôi đã đến cửa hàng, trên cánh cửa vẫn còn nguyên tờ giấy dán ở đó tối hôm qua, xem chừng chị Lạc đã không đến. Ngày hôm đó việc kinh doanh nhộn nhịp lạ thường, chỉ một lúc buổi sáng tôi đã nhận được mấy đơn đặt hàng. Đến khi chọn xong vải cho mấy tấm kỳ bào được đặt may thì đã sang trưa, tôi vội vàng ăn xong rồi bắt đầu thiết kế kiểu dáng.
Khách hàng đến may xường xám thường chỉ cần đo các kích thước, sau đó tôi sẽ căn cứ vào phong cách, chiều cao, vóc người của họ để thiết kế một kiểu dáng cho phù hợp. Thế nên giá tiền công may của tôi cũng cao hơn khá nhiều so với những hiệu bán kỳ bào khác.
Mỗi tấm xường xám tôi đều dốc lòng dốc sức làm, điều quan trọng nhất là không bao giờ bị trùng kiểu mẫu, tôi có khả năng nhớ rất tốt về những chiếc xường xám mà mình đã làm, hơn nữa còn ghi lại chi tiết về những kiểu dáng mình đã từng thiết kế, bởi thế các phu nhân giàu có tuyệt đối không phải lo khi dự tiệc sẽ bị đụng hàng với bất cứ người nào. Vậy nên những sản phẩm mà bọn họ mua của tôi chắc chắn là đáng giá.
Khi tôi vẽ xong mấy bức thiết kế, mặt trời cũng đã lặn. Tôi chạy sang cửa hàng trái cây bên kia đường mua mấy quả tuyết lê coi như tự thưởng cho mình.
Toàn thân thư thái, tôi nằm gọn trong chiếc ghế mây ăn tuyết lê. Ánh nắng mặt trời xuyên qua cửa sổ kính đằng trước cửa hiệu, chiếu lên từng chiếc xường xám treo bên trong.
Lúc đèn phố vừa bật lên, tôi pha một cốc trà Phổ Nhị, trong làn khói lãng đãng bay lên, hai cây đa bên ngoài như một cặp tình nhân ôm riết lấy nhau. Vân Phong gửi tin nhắn bảo tôi đóng cửa sớm hơn một chút để đến đường Hoài Hải ăn đồ nướng với anh ấy. Đang định nhận lời thì tôi chợt nhớ ra hôm nay thiếu phụ họ Lạc đó có thể sẽ đến lấy đồ nên lại từ chối.
Vân Phong có vẻ hơi khó chịu. Không biết là do anh thay đổi hay tôi thay đổi, nhưng tôi luôn cảm thấy khả năng nhẫn nại của anh đã không còn như lúc trước, lẽ nào như trong sách nói, khi người ta yêu nhau lâu thì sẽ nảy sinh sự nhàm chán? Đột nhiên nhớ đến mẹ tôi – Kỷ Yên Như. Từ những bức ảnh cũ và ký ức hạn hẹp của mình, cả những lời kể của bà nội, mẹ là một người phụ nữ luôn dịu dàng và tĩnh tại như mặt hồ phẳng lặng, không hay nói, phong thái quý phái như hoa sen, đó đều là những thứ đã hấp dẫn bố tôi hồi họ mới quen nhau, song sau này lại trở thành cái cớ để bố chán ghét và vứt bỏ bà. Còn Vân Phong, tôi không dám nghĩ ngợi thêm nữa, vứt quả tuyết lê đang ăn dở vào thùng rác.
Đi loanh quanh mấy vòng trong cửa hiệu, chợt nhớ ra chiếc áo xường xám của thiếu phụ họ Lạc vẫn chưa được gói ghém lại, tới khi chuẩn bị xong túi thì tôi lại không sao tìm được chiếc áo đó dù đã lật tung mấy giá treo hàng mẫu lên. Nhớ ra hôm qua chỉ có Úy Bân đến cửa hàng mượn đồ, có thể là nó đã lấy đi, tôi bèn gọi đến studio của nó. Người bắt máy là cô lễ tân. "Chào quý khách, đây là ảnh viện Úy Lam!".
"Xin hỏi An Úy Bân có ở đó không?".
"Anh Bân không có ở đây, xin hỏi ai đấy ạ?".
Tôi đột nhiên nhớ ra Úy Bân từng nói hễ có phụ nữ gọi điện đến thì nó đều bảo thư ký bỏ qua, còn khách làm ăn đã có số điện thoại di động của nó để gọi trực tiếp, coi như đây là một cách hay để tránh dây dưa với những "hoa đào nát", nên tôi vội nói: "Tôi là chị gái Úy Bân, gặp nó có chút việc".
"À, là chị An ạ. Mấy ngày trước giám đốc Bân có nhận được một hợp đồng, vừa sáng sớm hôm nay đã đi Lệ Giang để chụp ngoại cảnh rồi. Quả thực là không có ở đây!".
Khi giới thiệu tôi với mọi người, không bao giờ Úy Bân nói ra tên tôi. Nó bảo nếu nói rõ ra sẽ không còn thân thiết nữa.
"Vậy à, làm phiền cô quá. Tôi muốn nhờ cô giúp một việc, xem trong số áo dài xường xám mà Úy Bân mang về hôm qua có chiếc nào màu xanh sẫm hay không?".
"Xường xám ư? Giám đốc đã mang đi cả rồi".
"Ôi! Vậy cảm ơn cô, tạm biệt!".
Gác máy xong, tôi thấy lạnh toát từ đầu tới tim. Từ khi mở cửa hiệu đến nay, đây là lần đầu tiên xảy ra tình huống thế này. Lát nữa nếu như chị Lạc đến thì tôi biết phải ăn nói với người ta như thế nào? Quả là mất tín nhiệm quá. Tôi lại gọi vào điện thoại di động của Úy Bân, thằng đó còn tắt máy nữa, khiến tôi tức muốn chết. Trong lòng không khỏi rủa thầm nó mấy câu, song lại tự trách mình qua loa cẩu thả, khi nó chọn áo mà lại không kiểm tra kỹ lưỡng lại một lần.
Cho tới mười giờ rưỡi, trái tim cứ treo lơ lửng của tôi mới nằm yên được một lúc, vì thiếu phụ họ Lạc vẫn không đến lấy đồ. Chỉ hy vọng sáng mai có thể liên lạc được với Úy Bân, bảo nó nhanh chóng mang áo đến trả cho tôi.
Khi tôi cắt xong chiết áo dài mà Lâm phu nhân đặt may cũng đã quá mười một giờ. Vì mấy ngày hôm nay đều ngủ không yên giấc nên lúc đó tôi đã hơi buồn ngủ, bèn đóng cửa hàng rồi chuẩn bị về nhà.
Gần đây việc quản lý bộ mặt thành phố có vẻ lại lỏng lẻo hơn, trong con ngõ nhỏ ngay đằng trước mọc lên chi chít những quán hàng vỉa hè hệt như nấm sau mưa. Nào là lẩu cay, cánh gà chiên, ngô nướng... thứ gì cũng có. Trước cửa hiệu của tôi vốn đã ít người qua lại, đến tối lại càng vắng lặng, thế nên so với sự ồn ào náo nhiệt ở con ngõ đó quả là khác nhau một trời một vực. Dù rằng vẫn nói quán vỉa hè không được vệ sinh cho lắm, nhưng trong đêm khuya khoắt, ánh đèn vàng vọt cũng khiến cho người ta thấy lòng ấm áp hơn nhiều. Thế nên nếu như không mệt quá, kiểu gì tôi cũng băng qua đường lớn để đến đó ăn một bát canh lẩu hay mấy món nhẹ nhàng nào đó. Thực ra, tôi cũng chưa lần nào ăn được hết, nhưng thích ngồi ở đó trong chốc lát. Lấy cớ là đến đó ăn đêm, chẳng bằng nói luôn là để thể nghiệm những sự ấm áp không thể cảm nhận thấy trong cuộc sống hiện thực này. Dù rằng sự ấm áp ấy đều là của người khác, nhưng có lúc tôi cảm thấy được chứng kiến niềm hạnh phúc của người khác cũng là một niềm vui.
Chủ các quán hàng phần lớn là cặp vợ chồng hoặc một gia đình ba người. Những cảnh tượng ấm êm đó thường khiến tôi nhớ tới những khi ông nội vẫn ở nhà. Khi ấy, tôi thường ngồi trên đầu gối ông, nghe ông kể chuyện, trong đó nhiều nhất cũng vẫn là "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào". Câu chuyện nếu như nghe từ miệng người khác thì đầy nỗi sợ hãi và máu me ấy nhưng khi được kể ra từ miệng ông, sự kinh khủng đã giảm đến ba phần. Thực ra ông nội cũng cố hết sức tránh đi những cảnh tượng máu me đáng sợ, chỉ nhắc nhiều đến tình cảm chứa đựng bên trong đó cùng nỗi buồn bã triền miên. Thế nên từ nhỏ tôi đã hy vọng sẽ có một ngày mình được nhìn thấy tấm kỳ bào huyền thoại đó.
Nghĩ lại giấc mộng hai ngày trước, lẽ nào câu chuyện cổ xưa đó có thật ư? Con người thực sự có kiếp trước kiếp sau hay sao? Liệu có phải là kiếp này không thể bên nhau đến bạc đầu thì kiếp sau lại có thể kết thành đôi lứa? Tôi và Vân Phong thuộc dạng duyên nghiệp nào? Nghĩ xong lại không khỏi tự cười mình ngốc nghếch, cái truyền thuyết đó tôi đã nghe không dưới cả trăm lần, tới mức gần như có thể đọc ngược một cách trôi chảy, thảo nào người ta cứ nói ngày làm sao, đêm chiêm bao làm vậy. Thế mà giờ còn ngồi đây nghĩ ngợi linh tinh nữa.
Đêm hơi se lạnh, cửa hàng bên cạnh đã đóng cửa rồi. Tôi vừa mới sập vòng khóa kiểu cổ bằng đồng vào, còn chưa quay người lại thì đã nghe thấy một giọng nói u ám vang lên ở bên tai: "Cô Lý, áo xường xám của tôi đã xong chưa?".
Giọng nói đó áp sát bên tai, lời lẽ giản đơn, tôi quay đầu lại theo bản năng. Người đang đứng ngay sau lưng tôi chính là thiếu phụ họ Lạc, hôm nay chị ta buông xõa mái tóc rối bời ở trước ngực, sau lưng. Đôi mắt vốn rất sinh động cũng hơi u tối. Chị ta mặc một chiếc áo len màu trắng theo kiểu cổ rộng thùng thình, so với vẻ cao sang thanh nhã hôm trước thì bộ này trông có vẻ hơi quá lôi thôi. Thấy tôi quay lại, khóe môi chị ta hơi hé mở, trên khuôn mặt thoáng một nụ cười miễn cưỡng, khiến tôi rùng mình, lông tơ đột nhiên dựng đứng hết cả lên.
"Trời quả là hơi lạnh nhỉ!". Hai tay tôi đan chéo xoa xoa lên cánh tay mình, cố gắng nở nụ cười, song trong đầu thấy rỗng toác, cố lục tìm lấy một lý do nào đó.
"Phải đấy! Cô Lý, áo xường xám của tôi đã xong chưa?". Chị ta đưa tay về phía tôi, những móng tay hôm trước vẫn còn để trơn hôm nay đã được quét lên một lớp sơn màu đỏ như máu, móng được sửa lại nhọn hoắt. Màu đỏ đó tương phản rõ rệt với màu trắng nhợt của những ngón tay, trông trùng hợp với một cảnh tượng nào đó trong ký ức của tôi. Tôi tưởng như hai bàn tay đó đã không còn đầy đặn như hôm trước nữa, da dù vẫn trắng nhưng lại hơi đờ đẫn, trên bàn tay trắng nhợt là những vết bầm tím xanh. Giống như, giống như... hồ máu tử thi [5]. Thực ra tôi cũng không hiểu hồ máu tử thi trông thế nào, chỉ mới nhìn thấy cơ thể biến màu của người con gái vừa chết trong giấc mộng hai ngày trước, nên ký ức vẫn còn nguyên như mới mà thôi. Cảnh trong mộng quá sống động, khiến người ta khó mà quên đi được, thêm vào đó giờ là lúc đêm khuya, nên khó tránh khỏi nỗi kinh hoàng.
[5] Sau khi chết, máu dồn xuống tạo thành các hồ ở phần thấp của xác (theo trọng lực), thuật ngữ y học gọi là hồ máu tử thi
Tôi nuốt nước bọt, cố nén lại nỗi sợ hãi trong lòng, run rẩy nói:
"Chị Lạc, hai ngày nữa chị đến lấy áo được không? Áo của chị bị người khác lấy nhầm, hiện giờ cậu ấy đang ở Lệ Giang. Chị để số điện thoại lại, khi cậu ấy quay về tôi sẽ gọi điện cho chị có được không?". Tôi cố gắng làm vị khách đó vừa lòng.
"Vì sao lại bị người khác lấy đi? Áo xường xám của tôi, sao cô lại có thể bất cẩn như thế được? Đó là áo của tôi kia mà!". Chị ta ngồi xổm xuống, hai tay ôm lấy gối rồi bắt đầu khóc thành tiếng, hai vai không ngừng rung lên, trông dáng vẻ cực kỳ đau khổ. Nhưng vì một chiếc áo, dù là áo cổ, mà tới mức thế này thì đúng là chuyện bé xé ra to rồi. Song người làm sai là tôi, nên tôi cũng không thể trách chị ta được.
"Chị Lạc, xin lỗi chị! Hai ngày nữa tôi sẽ lấy lại cho chị có được không? Quả thực xin lỗi chị, chị đừng như vậy có được không?". Tôi định kéo chị ta lên, song khi vừa chạm vào tay chị ta, đã rụt ngay tay lại theo bản năng. Đôi tay chị ta lạnh ngắt như vừa kéo lên từ một tảng băng, thậm chí còn lạnh hơn mấy phần so với hai ngày trước.
Tôi không biết phải làm sao, đứng nguyên tại chỗ, khi còn đang không biết phải an ủi chị ta thế nào thì tiếng khóc đột nhiên nín bặt. Chị ta ngẩng đầu lên, trên khuôn mặt nở một nụ cười lay động lòng người, chỉ có dấu nước mắt còn vương lại trên mi cho thấy nỗi đau khổ mới bộc lộ ra ban nãy. Khóc đấy cười đấy, chỉ cách nhau chưa đầy hai phút, tâm trạng thay đổi nhanh tới mức khiến người ta khó mà chấp nhận nổi. Chị ta cười hỏi tôi:
"Là Lệ Giang phải không? Cũng không cần phải vội. Tôi đi trước đây, không vội, không vội?".
Cũng không chờ tôi nói câu tạm biệt, chị ta đã quay người bước đi. Khi ấy tôi mới phát hiện ra chân chị ta đi một đôi giày cao gót, trông hơi cao quá so với bộ trang phục trên người. Đột nhiên nhớ ra mới rồi không hề nghe thấy tiếng giày. Còn khi đó cơ thể chị ta cũng như đang trôi dạt, bước chân không chạm đất, dù bước đi nhưng cũng không hề nghe thấy tiếng giày cao gót nện trên nền đá lát đường.
Tôi cố gắng trấn tĩnh, trên đường về nhà trái tim đều treo lơ lửng trên đầu, bụng bảo dạ không ngừng tự an ủi, chắc chắn là mình đã nghễnh ngãng rồi. Có lẽ là căng thẳng quá, có lẽ tôi bị điếc thật, ngay cả tiếng xe chạy bên đường tôi cũng không nghe thấy, cứ đi thẳng một mạch về nhà trong tình trạng vô thanh như vậy, nằm trên giường một lúc mới thấy phục hồi thính lực. Cuối cùng cũng thở phào được một hơi, hóa ra chỉ là điếc tạm thời. Thế nhưng vì sao ban nãy tôi có thể nói chuyện với chị ta? Khi đã sắp ngủ rồi, trong đầu tôi lại chợt giật đến đoàng một cái, đột nhiên nghĩ tới đây, lại nổi da gà.
Tôi nhớ đến truyền thuyết quái đản về chiếc áo xường xám đó, đến tất cả những chuyện mới xảy ra, nghĩ lại mà thấy trong lòng sợ hãi vô cùng, bèn gọi điện thoại cho Úy Bân nhưng nó vẫn tắt máy. Dù rằng tận trong đáy lòng tôi vẫn không mấy tin vào những chuyện truyền miệng ấy, nhưng cũng không thể không cầu khấn: "Đừng để Úy Bân xảy ra chuyện gì!".