Cạm bẫy người

XI. Tấm lòng đi bịp, từ nay xin chừa

Tôi đã về Bắc Ninh được ngót nửa tháng. Trong nửa tháng ấy, tôi không được chút tin tức gì về mọi sự hoạt động của làng b... nữa, ngoài một lá thư của anh Vũ gửi sang hỏi thăm mấy câu làm quà.

Nghĩ mà giật mình đến cái thời gian trong hơn ba tháng trời lăn lộn với đủ mọi nhân vật của làng bạc bịp, đến cách tổ chức của họ, đến những bi kịch do những tay săn mòng gây cho những gia đình của bọn tín đồ "tôn giáo đỏ, đen". Không phải tôi có ý kết án bọn bạc bịp. Nếu ở đời này, trong tình bằng hữu còn thấy có dây những vết nhơ bẩn của sự tài lợi, trong nhiều cuộc hôn nhân còn thấy có cái tính cách buôn bán và trong mọi sự buôn bán vẫn có nhiều mặt trái thì trong sự có bạc, có lẽ có mọi ngón bịp, chỉ là sự tất nhiên, rất thường. Chỉ có cái máu cờ bạc của loài người là khiến tôi không thể hiểu được, phải băn khoăn.

Sáng hôm sau, cụ phán phàn nàn với tôi:

- Không hiểu thằng Vân nó làm gì ở Hà Nội mà mãi nó chưa về. Đây này, nó lại viết giấy nã tiền tôi lần nữa đây. Chuyến trước đi, đã lấy hai chục. Bây giờ lại xin chục nữa!... Lần nào nó cũng kêu là để chạy việc, tôi biết có nên tin nó hay không.

Tôi đỡ lá thư, nhìn đến đoạn có ngón tay của cụ phán chỉ...

"Con phải chờ có lẽ đến năm hôm nữa mới biết tin tức đích xác được. Nhận được thư này, thầy gửi ngay cho con chục nữa để cho con tiêu pha, xe pháo, và thù tạc với mấy người đang lo việc cho con..."

Cụ phán cúi đầu, nhìn tôi một cách trông buồn cười là phóng nhỡn tuyến lên bên trên đôi mắt kính. Thấy tôi không phán đoán thế nào, cụ chỉ lắc đầu bỏ thư vào túi rồi quay đi. Cụ ra ngồi bàn kéo một hơi thuốc lào rồi trầm ngâm nghĩ ngợi. Tôi quay mặt đi chỗ khác để mỉm cười.

Một lát sau, cụ hấp tấp mở ngăn kéo, lại chìa cho tôi một phong thư nữa.

- Đây này, quên mất, còn lá thư này nó viết cho anh đây.

Thư của anh Vân, mà lại vào trường hợp này thì tôi phải đọc một cách giấu giếm theo lối "gái ngoan" đọc thư của nhân tình mới được ! Tôi lên gác, khép cửa cẩn thận, đoạn mới xé phong bì...

Hanoi, le 20 juin 1933 1

Chú Ph...

Đêm hôm nay, tôi nằm trằn trọc, không thể nào ngủ được, chuông đồng hồ vừa đánh hai tiếng mà phải ngồi dậy, vặn đèn để viết thư cho chú đây.

Gớm, sao mà may hôm nay tôi thấy xảy ra nhiều chuyện quá! Thôi, chuyến này thì tha hồ chú được nghe cái mới, cái lạ, kẻo không lại bảo thư tôi viết cho chú ít khi được "có vị ". Chỉ tiếc rằng nó toàn có một vị cay, chua. Nhưng chỉ cay, chua riêng cho tôi thôi, còn chú là người đọc thư thi chắc rằng sẽ thấy thư thú vị hết chỗ nói! Chẳng lẽ tôi lại dùng cái giọng "em chết mất anh ạ" của trai gái trong những tiểu thuyết bi tình; dù sao tôi cũng cố gượng cười, chỉ mong thư không đến nỗi khôi hài đã là may.

Tôi đau lòng quá, chán đời quá, khổ quá, dễ thường đến hoá ra... thi sĩ mất! Đã cay bởi thua bạc, chán nản bởi khan xu, lại đau đớn trong tình trường. Không hiểu những bậc thánh hiền thuở trước chán thế sự, phải lên núi tu tiên, thì lúc ấy, những cảm giác của các bậc ấy nó lâm li thế nào, nó thống thiết thế nào, chứ cái đau lòng của tôi lúc này thật cũng có thể khiến cho tôi đủ chán đời rồi lên núi tu tiên. Chỉ sợ nước Nam ta vào bây giờ, trên ngọn núi nào cũng có tổ tôm, tài bàn, xóc đã, ích xì thì thôi!... Thôi... Lên đến núi rồi, tôi cũng khó lòng mà thu được vì rằng - chú phải biết - bọn Mường, bọn Mán ở các núi bây giờ cũng đã biết tổ tôm, tài bàn đủ ngón rồi, văn minh ghê. Cho nên trước khi lên núi tu tiên, tôi cứ băn khoăn mãi không biết là mình sẽ thành tiên hay không khéo lại ra một ông "ấm B... con" thì thật vô phúc cho cả núi.

À này, quên đi mất, tôi có một việc tối quan trọng, cần phải chú giúp sức cho, việc may ra mới có hi vọng thành. Cùng chuyến xe lửa với lá thư này, tôi có gửi cho ông via "phịa" chuyện xoáy ông ấy chục bạc nữa đấy. Tôi lấy cớ chạy việc, chú phải đứng ngoài làm hậu thuẫn cho tôi, tôi đến phải gói cơm nắm, muối vừng, kéo bộ bò về mất. Mà ức nhất là cuộc "cổ động thể thao" ấy, nếu sẽ có thật, mình tất rồi chẳng có người đón rước, dâng hoa với chụp ảnh kỷ niệm như các tiểu thư đi bộ Hà Nội - Hải Phòng thì cực đến đâu. Thôi, đừng lo, tôi sẽ có cách nói dối ông via lần thứ nhì về công cuộc "chạy việc".

Ngoài chuyện này tôi lại còn nói với chú nhiều chuyện khác:

Theo lời hứa của ông ấm sẽ đi cùng tôi xuống nhà lão Sinh điều đình việc lấy lại số tiền ba chục mà tôi đã thua xì (chuyện này chắc chú còn nhớ rõ lắm), thì đúng 6 giờ chiều hôm ấy, tôi quay lại toà nhà phố Hàng Cá, trong lòng chứa chan hi vọng ở ông... quân sư. Đến nơi, người nhà ông kêu ông đi vắng. Rõ cái ông ấm ranh mãnh ấy, buổi trưa vừa nói thế, chập tối đã quên khuấy ngay mất, lại đi săn mòng! Thành thử mình phải một đêm trằn trọc, chờ mãi mới thấy sáng. Bảnh mắt hôm sau, tôi lại đến tìm ông ấm. Ông ta nể lời, đêm trước cũng thức suốt đến sáng mà không dám ngủ nữa, chiều ý mình, dậy đi ngay. Xuống đến nơi... sau khi nói rõ mọi ngón của nhau, giới thiệu nhau là "đồng nghiệp" đâu đấy rồi, lão Sinh nhe răng ra cười trừ rồi đưa ra được sáu của...

- Thế thì hỏng. Tôi đã tiêu pha cả rồi, chỉ còn chỗ này đây thôi. Ông cứ cầm, bao giờ có con mòng nào, tôi sẽ đền ông sau vậy...

Đau chưa? Nhưng còn sáu đồng thì cũng còn hơn không, tôi cầm. Rồi tôi đi lùng con Dung. Nó lẩn mặt hoài, tôi phải cuốc khắp mọi nơi, lùng như linh mật thám lùng kẻ cắp mãi mới tóm được nó. Đứng trước mặt nó, vì nghĩ rằng to tiếng bao nhiêu chỉ tỏ dại mặt, vừa phần tức quá cũng không nói gì được nữa, tôi trợn hai con mắt nhìn nó trừng trừng. Con khốn nạn! Nó dám mở miệng viện những lẽ thế này này:

- Sự đã xảy ra rồi tuỳ lượng của cậu đấy... Em là kẻ còn ở với người ngày nào, người ta bảo gì mà em không nghe. Vì bần cùng nên em phải lừa dối cậu. Nếu cậu muốn không bao giờ sẽ xảy ra những chuyện mà em phải dúng tay vào một cách đau đớn như chuyện này nữa thì tìm cách tháo cũi, sổ lồng cho em đi...

Rồi nó cúi mặt xuống, cố rặn mãi ra cái vẻ đau đớn !

Ái chài Nhưng thôi, tôi chẳng dại như xưa mà cảm động xằng mãi... Chỉ đứng nhìn cái bộ mặt đóng kịch của nó mà thôi. Đáng buồn chưa? Cái mặt nó đáng hôn thế mà cái tâm địa nó giả dối thế, đểu cáng thế! Sau cùng, vi nghĩ rằng mình dan díu với nó bởi lẽ dục nhiều, tình ít, tội gì mà phẫn, liều, cũng phải vờ làm ra vẻ sẵn lòng tha thứ nó, tôi không nói gì cả, lẳng lặng quay gót đi. Dù trận bão nổi lên trong cốc nước thì trong cốc cũng phải có sóng, lẽ tự nhiên, tôi cũng có chút đau lòng cái đau đớn của một "thi sĩ" đến một bàn kem ở Bờ Hồ.

Tình cờ, tôi gặp tham Ngọc. Lần thần không biết tôi nghĩ thế nào mà lại kể lể tâm sự cho Ngọc nghe!... Rồi lại đưa cái ảnh Dung đứng quàng cổ tôi cho Ngọc xem nữa. Rõ khốn nạn! Lại thêm một cuộc tai biến nữa: Ngọc tái mặt, kêu Dung với hắn đang cùng nhau "chỉ non thề bể, nguyện một chữ đống" ! Rồi Ngọc thề là quyết sẽ cho nó một trận cho mà xem... Nghĩ thật khôi hài: cái anh chàng đã đi bịp thiên hạ, tưởng còn lép nước gì, té ra trong tình trường cũng yếu, linh hồn cũng hoá ra mòng, cũng quých. Ghen với ả đào, anh chàng này đã ngu hơn tôi. Khi chia tay nhau, Ngọc nói một câu nửa thật nửa đùa rằng: "Bác đã phá hoại mất... hạnh phúc của tôi, rồi phải đền tội mới được ".

Thằng khốn nạn, câu tôi tưởng đùa, té ra nó thực hành bằng được. Một buổi tối, cách vài ngày sau cuộc vỡ lở ấy, tôi được một canh xóc đĩa ngót 40 đồng. Sáng hôm sau, tôi còn nằm uể oải trong chăn, nó đã đến lôi tôi dựng đứng dậy. Rồi nó xưng xưng, nó nói:

- Bác vừa phát tài mà tôi túng quá, giúp tôi một ít cho tôi tiêu.

Tôi cũng nể, hỏi:

- Bác lấy mấy đồng?

Nó:

- Độ chừng bốn chục.

Bốn chục? Bốn chục??? Thế thì ra nó định bóc lột tôi ư?... Tức quá, không chịu được, tôi gắt rằng:

- Tôi được có bốn chục mà bác đòi lấy cả bốn! Bác vô lí quá!...

Nó điềm nhiên, dịu dàng:

- Bốn chục cũng không có nghĩa gì cả!

Tôi dồn một hồi:

- Thế nào mới có nghĩa? Thế nào? Bao nhiêu???

Nó vẫn điềm nhiên:

- Danh giá bác còn to hơn.

Tôi nghĩ mãi, không hiểu ý nó thế nào. Sau nó giơ ra cái thư tôi đã gửi cho ấm B... khi trước:

- Cái này gửi về hầu cụ còn to chuyện hơn.

Thì ra (lạ chưa?) lúc tôi viết thư ấy thì không thấy gì mà bây giờ chỉ đọc tôi cũng đủ xấu hổ. Rành rành bút tích mình đó, lại cả đến câu: chính ông thân tôi là mòng. Nguy chưa? Chuyện này sở dĩ mà có, nó sở dĩ giở mặt được với mình cũng chỉ tại cái ảnh con Dung quàng cổ mình đây! Nó bắt chẹt tôi ý như ông ấm B... bắt chẹt Nguyễn Đinh Mầu khi xưa vậy! Sau khi tôi trao cho nó bốn chục rồi, nó nhăn răng ra cười, trả tôi cái thư mà rằng:

- Có dịp khác, tôi sẽ trả lại bác! Cảm ơn!...

Thôi tử tế vuốt đuôi kể gì.

Thành thử bấy giờ mình thành ra trần, trong túi chỉ còn một hào hai! Chú cố trợ lực tôi, thuyết ông cụ mau gửi tiền cho tôi để tôi về chứ quần áo, mũ giày, sang trọng thế này, nhỡ đi ra đường, chạm phải hàng bánh đa thi khốn. Thôi, tôi xin kệch đến già. Làng B... có nhiều nhân vật khó chơi quá! Vậy chú giúp tôi đi, tôi lạy chú.

Bái thư

Vân

TB. Hôm nay tôi bói Kiều, nhìn đến dòng: Tấm lòng trinh bạch, từ nay xin chừa. Tôi thấy ứng vào cái lòng "cải tà quy chinh" của tôi. Vậy xin đổi rằng: Tấm lòng... đi bịp, từ nay xin chừa vậy.

° ° °

Tôi chưa hết cơn buồn cười, bà cụ, đẻ anh Vân, đã đẩy cửa phòng bước vào hỏi:

- Vân nó viết thư nói những gì với anh?

Tôi phải làm một bộ mặt rất nghiêm:

- Anh con bảo còn chờ dăm ngày, có hi vọng thành việc !

Bà cụ quay ra, xuống gác.

Tôi thấy giọng lanh lảnh của bà cụ cự ông cụ:

- Ô hay! Việc nó là việc cần, sao ông không ra nhà Dây thép đi mà còn ngồi mãi thế?

Rồi thấy ông cụ gắt lại:

- Tôi biết rồi, làm gì mà bà phải rối lên?

- Khốn nhưng tính ông cứ đận đà...

- Chứ không đận đà à? Việc gì mà vội?

Giọng bà cụ thấy mỉa mai, gay gắt thêm mấy độ nữa:

- Phải rồi! Thằng Vân nó không là con ông! Dễ thường nó là... con riêng tôi đấy !

Tiếc thay, anh Vân lại không ở đây, lúc này...

--------------------------------

1 Hà Nội ngày 20 tháng 6 năm 1933.