Cạm bẫy người

VIII. Những thủ đoạn ngoài chương trình b…

"Mặc áo này mà đánh ống thì nhạy hơn cả! Này, thế ông thử xem xét kĩ lưỡng cái áo này xem có gì là lạ không. Thử xem ông có tinh ý không nào?"

Tôi đỡ lấy cái áo trắng dài do ông ấm trao cho để "xem xét kĩ lưỡng". Nó có gì là lạ, một cái áo năm thân đủ tà, đủ gấu, đủ giải, đủ khuy, một cái áo mới may còn cứng nước hồ. Tôi lần từng sợi một, mãi không thấy cái "lạ" mà ông ấm bảo cố tìm cho ra; sau tưởng ông nói đùa phải trao lại trả.

Ông ấm mặc áo vào, ngồi xuống ghế, để chống hai tay vào giường lại hỏi:

- Thế bay giờ ông nhận ra chưa?

Ngắm qua, tôi vội đáp:

- Thấy rồi! Nó chỉ hơi lạ là khí dài hai tay…

Ông ấm gật đầu một cách rất hài lòng y như người ta đã bắt một cậu bé rất bướng bỉnh dạ được một cái vậy.

Ông tiếp:

- Ông thử nắn hai cổ tay xem.

Tôi theo ý, nắn hai tay xong rồi đáp:

- Hai cổ tay, vải cũng… dày.

Ông ấm:

- Thì đã hẳn! Vì những ba lần vải kia. Phải thửa mới được đấy. Cổ tay dày thì mới hụt bài để giấu vào trong được, chứ nếu áo tôi mặc cũng như áo ông mặc thì hụt bài vào cẩn thận rồi, có khi nó lại cứ cố chui ra! Hai cổ tay này cũng thuộc về việc làm của "xưởng chế tạo khí giới" nhưng nó không phải là việc của Ba Mỹ Ký mà chỉ là việc của một bác thợ may xoàng. Ông cứ nghiệm mà xem, phàm đã là dân b… ai cũng mặc cái áo có hai cánh tay dài như áo lễ sinh, bịp hay không, mình chỉ thoáng liếc mắt nhìn qua hai cánh tay là đủ rồi. Chơi lối đánh ống thì mặc thứ áo này… Nhưng không phải ai cũng áo ấy. Vũ ấy, hắn còn có tài đến nỗi hắn có thể ra, vào nhanh như chớp được mà chỉ vận áo sơ mi!

- Thế thì anh nào thạo đến đâu cũng bị mất…

- Phải. Có lần, tôi bắt một con mòng đã vào tay chơi thạo, trong cuộc đó có Vũ. Anh kia cứ "lên râu" mãi, cứ cắt nghĩa mãi rằng mình chỉ nhìn qua tay áo các ông là biết ngay bịp hay không bịp, thế rồi ngồi vào húc tài bàn với tôi, với Vũ, mà bị lột trần!

- Cứ như ý tôi thì mặc thứ áo riêng này như của ông, ra, vào được cũng đủ đã khó. Lại còn mặc áo sơ mi mà cũng ra, vào được thì không biết Vũ hắn làm ăn ra thế nào…

- Đó là tài riêng của anh ta. Mà nói đến cái tài thì thôi, không ai cắt nghĩa được!

Chúng tôi đang nhỏ to câu chuyện kín đến đây, bỗng thấy một hồi gót giày nện mạnh vào thang, làm chuyển cả sàn, rồi anh Vân tơi tả bước lên với cái bộ mặt một người bị nạn cháy mà đang định kêu: "Ai cứu tôi với…" vậy.

Anh Vân giơ hai tay ra bắt tay chúng tôi một cách thõng thẹo, ném vật cái mũ xuống giường, ngồi xuống ghế đá thở hồng hộc, gãi đầu một cái, cào cổ một cái, rối rút lỏng cái ca vát ra. Những cử chỉ lạ thường ấy, anh chưa kịp cắt nghĩa mà chúng tôi cũng gan, cứ ngồi lặng im ngắm nghía chớ không ai hỏi anh một câu nào.

Sau cùng, anh vừa thở vừa doạ một câu chẳng ăn thua đâu vào đâu:

- Thôi…! Phen này tôi đến nhảy xuống sông Cái mất!

Rồi anh lắc đầu, lắc đầu. Tôi nhìn ông ấm, ông ấm nhìn tôi, rồi không thể nào nhịn được trước cái dáng điệu khôi hài của anh, chúng tôi bật ra cười rũ rượi.

Anh Vân ngước mắt nhìn tôi ra ý kêu nài rằng "không nên thế…" đoạn nói tiếp:

- Tôi vừa mới thua ba chục!

Chúng tôi lại cười già hơn trước, vì rằng anh thua ba chục rồi sẽ nhảy xuống sông Cái hay không nhảy xuống sông Cái thì đó là việc riêng của anh chứ có can thiệp chi đến chúng tôi mà anh doạ…?

Anh Vân lại buông sõng một câu nữa:

- Đánh xì.

Đã hết cơn muốn đem sự im lặng ra trêu mãi một con "chim mồi" có giá trị của mình, ông ấm nghiêm bộ mặt lại rồi hỏi:

- Thế thua xì ở đâu?

- Ở một nhà tại phố Khâm Thiên.

- Nhà ai thế?

- Nhà một người không biết có phải tên là Sinh không.

- Sinh à? Người ngợm thế nào?

- Răng vàng… mặt trông chơi bời lắm.

Nghe đến đây, ông ấm ngẩn người ra một phút và lẩm bẩm: "Thôi không khéo thì…" Anh Vân lấy làm ngạc nhiên, giương tròn hai con mắt…

Ông ấm lại hỏi nữa:

- Chính thị tên là Sinh mà có răng vàng à?

- Phải.

- Thế ai dắt mà lại đến chơi nhà ấy?

- Một người quen của tôi…

- Thì ai chứ?

- Một… mẻng của tôi.

- Một mẻng à? Thị nào thế? Có phải… Dung không?

Đến lượt anh Vân ngẩn ra:

- Sao cụ biết rõ thế?

- Chứ gì! Vì tôi biết độn Gia Cát!

Anh Vân hỏi theo một cách ngớ ngẩn và có vẻ thán phục:

- Thế kia à?!

Ông ấm cười rộ một hồi dài nữa, vỗ vai anh ta rồi nói:

- Khỉ ơi là khỉ!!! Bị xiếc rồi.

Anh Vân tái mặt:

- Thế nào? Vào xiếc… nghĩa là bị bịp ấy à?

- Bẩm vâng ạ…

Có ai trông thấy anh Vân lúc này thì mới thấy cái sự khôi hài của anh ta, vì anh ta so vai một cái, gân ngay cổ lên cãi:

- Tôi bị bịp?… Thôi đi!…

Ông ấm lườm anh Vân xong, quay mặt nhìn ra chỗ khác làm bộ dỗi.

Anh Vân kể lể:

- Đến tôi mà còn bị bịp thì cụ bảo tôi tin ngay thế nào được?… Bao nhiêu ngón cụ đã chỉ cho rõ như thế, tôi còn lạ gì. Giác mùi, giác bóng, bài mẫu tử, đòn Vân Nam tôi còn nhớ rõ mồn một. Tôi chắc là tôi đen đấy chứ chẳng phải là bị bịp đâu.

- Ừ, thế ông kể rành mạch lúc đánh chác cho tôi nghe xem thế nào nào.

- Lúc ngồi vào, bắt đầu tôi chọn từng cây bài ngắm nghía xem có giác mùi, giác bóng hoặc có quân nào bị gọt sườn như nghĩa mẹ con, mẫu tử gì không đã. Quả thật là một cỗ bài mới, tôi mới đánh và chỉ những được là được. Tuy được nhưng chưa đến nỗi ngốt, tôi vẫn để ý xem có ai định cản, bò nhoài ra xin cái điếu hay gói thuốc gì đấy để một người khác giở đòn Vân Nam không. Cũng không nốt! Thế rồi tôi thua!… Có hai lẽ rằng tôi không bị bịp. Lẽ thứ nhất là tôi cũng chẳng phải là một thằng hớ, với lẽ thứ hai: nhân tình của tôi dắt tôi đến nhà một người quen để dậy hoá, chỉ những muốn cho tôi được để hòng tôi sắm cho cái này, cái khác mà lại bảo là để dắt tôi đến một chỗ cho người ta bắt tôi vào xiếc thì có lí nào?

- Này ông phải biết: Sinh là một ông chủ cô đầu và là… đồng chí của tôi. Còn con Dung là một con mấy lần lại vào ở cô đầu sau mấy lần đã bước ra ngoài vòng cô đầu, là một tay săn mòng của Sinh.

Nghe câu này, anh Vân tái mặt đi.

Ông ấm lại hỏi:

- Thế ông thử nhớ kĩ lại xem, trước khi ông thua bọn kia có những cử chỉ gì lạ không đã.

Anh Vân cau mày nghĩ ngợi một lúc rồi đáp:

- Chỉ có trước khi tôi thua thì Sinh ra một cái bàn, mở ngăn lấy thêm tiền bỏ túi rồi lại vào bàn, cầm bài chia ngay.

- Lúc cầm bài thì hắn đứng, mà lúc chia cho ông thì hắn đã vén áo ngồi lên giường một cách chễm chệ rồi chứ?

- … Có lẽ thế thì phải.

Ông ấm nói một cách sung sướng:

- Thôi thế thì đích rồi!

- Đích rồi à? Có ai… bò nhoài ra đâu?

- Cứ gì phải có người bò nhoài ra mới đánh đòn Vân Nam được! Đây, tôi diễn lại kịch ấy là ông hiểu ngay.

Nói thế, ông ấm lấy ra hai cỗ xì, cho chúng tôi nhận rõ là mới nguyên cả. đoạn ông để một cỗ vào đĩa, quay ra một góc phòng rồi quay lại, vừa cười vừa hỏi: "Chang kĩ chưa? Đến lượt tôi chứ?" Rồi ông đến đứng cạnh giường, cầm cỗ bài ở đĩa vào tay, vén tà áo cho gọn, bước lên ngồi giường. Ông lại chang một thôi một hồi rồi chia ngay. Đoạn ông nâng vạt áo ở trước mặt lên: một cỗ bài đã nằm gọn trong lòng ông từ bao giờ ấy!

Xem chừng anh Vân vẫn chưa hiểu, ông ấm lại phải cắt nghĩa rằng:

- Đó cũng là cách tráo bài lối Vân Nam nhưng táo bạo hơn nhiều lối có người bò nhoài ra cản. Khi người ta cầm cỗ bài xong mới vén áo bước lên ngồi giường thì người ta đã tráo giữa cái lúc vén áo vậy. Mình thấy người ta, trước khi chia còn chang lại thật kĩ mà tưởng thế là thật là nhầm. Đó chỉ là lối chang bài "che mắt thế gian" vì cỗ ấy, người ta xếp lớp sẵn rồi, thì chang nghĩa là chỉ vỗ đồm độp phần bài trên vào phần bài dưới chứ có chang thực sự đâu! Rồi người ta chia, nhốt mình… vào xiếc là thế!

Anh Vân gật gù:

- Tôi hiểu rồi… có lẽ đã vào xiếc thật.

Ông ấm cười:

- Thôi, chiều ta lại xuống chơi dưới ấy rồi tôi bảo Sinh hắn trả lại. Không phải nhảy xuống sông Cái đâu!

Anh Vân cười nhưng cái cười giấu vẻ căm giận.

Việc ông ấm sẽ đòi hộ lại tiền chẳng đủ "chiêu hồn" cho anh.

Ngồi trầm ngâm với bộ mặt một người đi đưa đám ma, anh chỉ gượng nói, gượng cười. Có lẽ anh đang nghĩ đến mẻng của anh chẳng ngờ lại là một "chim mồi" của một người bạn của ông ấm B… là Sinh.

Thấy vậy, tôi tìm lời khuyên giải:

- Đó cũng là do cái luật thừa trừ của tạo vật. Anh còn nỡ thịt cả ông cụ để lấy tiền nuôi gái thì gái nó rất có thể thịt anh là nhân tình để lấy tiền nuôi thân…

Sự xảy ra này đã khiến ông ấm B… chốc chốc lại nhìn trộm anh Vân để mỉm cười. Muốn đánh tan cái đau đớn của một anh chàng bị gái lừa, ông lại thuật hai chuyện thú vị hơn.

- Cái đòn của Sinh đấy cũng là một cách quyền biến khôn ngoan lắm. Kể ra, những thủ đoạn trong những lúc "chấp kinh tòng quyền" không có nói sẵn trong chương trình b… còn nhiều lắm. Xin kể hai trường hợp đặc biệt để các ông nghe.

Một bữa kia, không ai nhớ được rõ ngày tháng: Tham Ngọc với hai đồng chí nữa, rủ nhau săn một con mòng. Con mòng này không quých một tí nào cả. Thua, nó cũng không cay, được nó chẳng ngốt: hai mắt nó lúc nào cũng như mắt rắn ráo khiến cho cả ba anh không ai giở được ngón gì.

Thói thường, những ông bịp mà không giở được ngón cứ phải ngồi đánh siệng là chỉ có một thua thôi. Theo bộ từ điển của làng b… định bịp mà không giở được ngón để đến nỗi thua, thế gọi là sa hố.

Vậy thì, Ngọc và hai đồng chí, trong những cuộc săn con mòng hắc búa kia, tối đầu sa hố. Ba người đã bàn nhau định giở đến một ngón đặc biệt, khốn thay! Lại sa hố nốt cả tối thứ nhì.

Đến tối thứ ba…

Ta nên biết rằng đến ba người đi chinh phục đất để thịt có một người, nếu không thành công thì cả ba còn mặt mũi nào về tạ lỗi với… quân sư nữa? Vả chăng, lẽ thứ hai lại càng khó xử: quân sư đã phải vay "binh khí" tận bên… Trung Quốc (ông Cả Ủn) thì những số thiếc mà mình đánh mất, chẳng lẽ lại để riêng quân sư è cổ ra đền! Cho nên trước khi ngồi vào bàn, cả ba sắp sẵn mưu một cách quỷ quyệt…

Con mòng được nước cứ việc vơ giấy bạc bứa bừa. Hốt nhiên đến ván ấy, một ông kêu thiếu bài. Hai ông kia hưởng ứng ngay: xin khám. Phải rồi, thiếu bài là khám, lẽ ấy rất cố nhiên.

- Nào thế các ông đứng dậy hộ một tị.

Ba người đứng phắt dậy, còn mòng, vô tình, cũng vững tâm đứng ngay lên.

- Cái gì thế kia? Hở?

- Chơi lối thế à???

- Có thật muốn giở ngón cờ gian bạc lận ra với chúng ông không?

Mòng bị cả ba anh sừng sộ, tái mặt lại, run đây đẩy, nhìn xuống chỗ chiếu mình ngồi. Giời hỡi! Đất hỡi! Có ông thánh nào thiêng, có ông thần nào linh, xin chứng giám cho nỗi oan này!… Mê ngủ hay vẫn thức? Mòng bàng hoàng giụi mắt nhìn, vẫn chưa tin, lại giụi mắt lần nữa. Lạ thật! Quái thật! Kì thật! Vô phúc thật! Nào mình có giở ngón cờ gian bạc lận ra bao giờ, cớ sao bài lại thiếu, mà cớ sao ở chiếu chỗ mình ngồi lại có một, hai quân bài nằm lù lù thế kia?

- Có thật anh chơi lối thế không???

- Anh phải biết, hả!…

Đã hai người xắn tay áo, sừng sộ, chực choang rồi. Còn một người, nhân từ hơn (Cái nhân từ của người này, mòng sẽ chịu ơn đến chết!) gạt hai người quá nóng ra:

- Thôi các ông, tôi xin. Việc này xảy ra thật đáng tiếc, nhưng nếu vì thế mà phải đánh đạp người ta, ầm ĩ hàng phố lên, kể cũng phiền. Để tôi thu xếp…

Rồi người ấy quay lại bảo mòng:

- Đấy nhé, tôi đã can các ông ấy rồi. Vậy ông xử thế nào cho phải thì xử đi…

- Ô hay, nào tôi…

Mòng chưa kịp mở mồm, một người kia đã vội:

- Này, đừng chực già họng nhé! Ông lại giã cho lìa phụ mẫu bây giờ… Chứng cớ lù lù ra kia, còn chực cãi cái thá gì nữa???

Người khác:

- Biết điều thì được bao nhiêu tiền phải trả cả cho chúng ông đi!

- Vâng, vâng, rõ thật chẳng may cho tôi. Đây tôi xin trả lại các ngài vậy.

Rồi mòng lôi cả đống giấy bạc trong túi ra:

- Thưa đây ạ: tối hôm thứ nhất, tôi được của các ông tất cả 50 đồng; tối thứ hai tất cả 42 đồng… còn tối hôm nay, để tôi xin trừ cái vốn của tôi là đúng tám chục thì các ông thua bao nhiêu sẽ rõ…

- Anh nói cái gì thế?

- Tôi cứ biết là tôi, tôi đã mất tám chục…

- Tôi cũng hơn bảy chục…

- Còn tôi hơn bốn chục nhưng cứ cho là bốn chục.

Mòng cãi bằng giọng ngọt:

- Có đâu quá thế?…

- Cái gì mà quá?

- Thì tôi được bao, vẫn còn nguyên đây tất cả…

- Thôi đi, anh nói khó nghe lắm. Anh được thì ít ra anh cũng phải chén, phải đưa về cho vợ, phải trang trải mọi công nợ chứ có đời thuở nào có một thằng được bạ lại vẫn đem nguyên cả số tiền được ấy đi đánh, để nhỡ rồi thua mẹ nó cả đi!

- Cả chỗ ấy cũng chưa đủ số tiền chúng tôi thua, anh nghe ra chưa?…

- Tôi xin thề là nếu tôi đã tiêu hơn hai đồng vào đây thì tôi cứ làm giống chó!

- Ấy đấy, rõ tiền hậu bất nhất chưa… Trước bảo chưa tiêu, sau lại thú đã tiêu hai đồng!

- Biết điều thì để cả lại trả các bố!

Đứng trước cái sừng sộ của ba người chực đánh một, kém thế, mòng đành lui.

Thế là mòng bỏ vào túi cái ví dạ lép kẹp rồi đỏ mặt bước ra, mất cả tiền lưng lẫn tiền được.

Mòng không bao giờ nghĩ được ra rằng trong canh bạc, chính giữa lúc nhoài ra với lấy bao diêm, một ông trong ba ông kia đã thừa cơ nhét hai quân bài dưới đũng quần mình.

° ° °

Lại một lần khác.

Ông ấm đang ngồi tính việc phái tay này đi phố này, tay kia đi phố khác, thì một bà cô ruột, một bà cụ đã ngót 70 tuổi, đến mếu máo:

- Anh làm thế nào chớ con tôi nó giết tôi rồi, hỡi giời cao đất dày ôi!…

Ông ấm cuống:

- Cái gì thế bà? Cái gì thế bà?

Bà cụ:

- Ông em anh đã đem số tiền ba trăm bạc tôi sắp chồng họ cho người ta đi nướng hết ở sòng Hai Ve rồi… Ới giời đất cha mẹ ơi!!…

Ông ấm sa sầm nét mặt:

- Cái thằng mặt chó! Thế bây giờ nó ở đâu?

- Nó đang nằm ăn vạ ở nhà ấy.

- Bà về bảo nó lại ngay đây, tôi dắt đi gỡ…

- Gỡ gì??? Gỡ lấy cái chết nữa ấy à? Hu! Hu!!…

- Khổ lắm, thì bà biết gì nào? Bà có về bảo nó lại ngay đây cho tôi hay không thì bảo…

Bà cụ lại mếu máo rồi, như một cái máy, lại quay về.

Ông ấm vứt ra hào bạc, sai con giai:

- Đi mua cho tao một cái "toe toe"!

Rồi ông bảo con sen:

- Bắt lên đây cho tao con vịt…

Con giai ông mua bong bóng về. Con đòi cũng đã bắt vịt lên. Ông vắt nửa quả chanh vào bát, chọc tiết vịt. Vừa xong thì một cậu trẻ tuổi, mặt xanh nhợt cũng vừa bước vào, ông ấm liền bảo:

- Rõ ràng mặt mẹt chửa! Lại gần đây!!!

Cậu kia để tay lên má sẵn, rón rén lại gần.

- Nhanh lên! Ai đánh mà mày sợ.

Rồi ông nói thầm hồi lâu với cậu. Cậu mỉm cười.

Ông dặn một câu to:

- Phải khéo lắm đấy!

Đoạn ông cởi trần ra, lấy miếng sắt tây để vào ngực. Ông đưa dây gai để cậu kia buộc rõ chặt nó lại, đoạn đổ bát tiết vào cái bong bóng "toe toe". Ông buộc bong bóng ngoài miếng sắt tây, xong lại vận vào áo. Rồi ông mở tủ, đưa cho cậu kia một tập giấy bạc, móc túi đưa ra cả một con dao dài gần một tấc và bảo: "Đi trước đi!" Sau cùng, ông xỏ chân vào đôi giày Tàu và với lấy một cái cát két, rồi cũng đi nốt. Người nhà, đầy tớ chẳng ai đoán nổi ông đi đâu thế và việc mổ vịt kia, ông định để tiếp khách nào.

Đến cảnh bài trí khác: sòng bạc xóc đĩa. Nửa trăm người rì rào một cách khó chịu vì người này cũng chẳng nói khẽ mà lại cứ mắng người nọ là nói to. Bác hồ lì thỉnh thoảng lại kêu:

- Tôi lạy các ngài, các ngài khe khẽ một tí…

Một tên tạ dắt một cậu bé trẻ tuổi vào. Mười lăm phút sau, tên tạ khác lại dắt một người đi giày Tàu, đột cát két, đã có tuổi, vào…

Người xóc cái hô:

- Bán chẵn bốn chục!

Cậu trẻ tuổi với người già cùng giơ tay:

- Tôi…! Tôi…!

- Không, tôi kia!

- Thôi, hãy để tôi lần này…

Mở bát, người xóc cái reo: chẵn! Cậu trẻ xô lại thì bị người già đẩy ra một cái. Cậu trẻ tuổi sừng sộ: "Có thật mày ăn chặn không?" Tức thì một mũi dao tuột ra, phóng ngay vào ngực người già. Người già loạng choạng, ôm ngực ngã vật xuống chiếu. Cả làng cướp tiền nhau tán loạn; cậu trẻ thừa lúc hỗn độn đã chuồn được ngay. Người ta nhao nhao lên: "Bắt lấy nó! Nó đấy!" mà chỉ người này vồ nhầm người khác. Rồi cãi nhau, chửi nhau, xô nhau. Rồi ông chủ sòng, mặt tái mét, chạy lên, đỡ người già dậy. Trên chiếu bạc, một vũng máu. Người già ôm chịt lấy ngực, hổn hển nói:

- Tôi không chết đâu nhưng bị chúng nó cướp cả bốn trăm bạc rồi.

Ông chủ hấp tấp lấy ra năm cái đỉnh 1:

- Thôi đây, xin đền ngài và biếu ngài một trăm. Lạy ngài, ngài chữa ở nhà, đừng vào nhà thương mà chúng tôi khốn mất!

Rồi hai tên tạ vội xốc nách người già ấy ra cửa sau, thuê xe bảo phu kéo về nhà. Ông chủ bảo một người tạ khác:

- Mau đem cái chiếu này xuống cọ sạch, tức khắc đi!…

--------------------------------

1 Giấy bạc một trăm đồng có in cái đỉnh là giấy bạc cao nhất thời ấy.