Cách đây hơn chục năm, một diễn viên điện ảnh xinh đẹp bị lộ clip giường chiếu với bạn trai, sau đó điều tra thêm thì phát hiện thỉnh thoảng cô cũng làm nghề buôn vốn tự có, thế là cả xã hội thi nhau chửi bới cô không tiếc lời. Nhiều ông đàn ông đàn ang đường đường chính chính... cũng châm biếm chế nhạo cô như con vật, dù trước đó nếu mà được cô cầm tay thôi thì đã hồn xiêuphách lạc. Thậm chí có người còn làm thơ dè bỉu cô với nội dung hết sức tục tĩu và được share bằng email một cách vui mừng khôn xiết. Các tin tức cập nhật liên tục khi cô bị bắt, bị đi phục hồi nhân phẩm được mọi người theo dõi sát sao với một thái độ vừa hiếu kỳ, vừa hả hê, mát lòng mát dạ. Cô toan tự tử, nhưng đã được phát hiện và cứu. Nếu cô chết, thì đến bây giờ, xã hội quên lãng cô ngay, nếu đau xót, thì chỉ có gia đình cô và vài người, may ra.
Lúc đó, mình muốn không vào vòng xoáy ấy. Đi uống cà phê cũng nghe, đi nhậu cũng nghe, thậm chí đi họp cũng nghe. Nhiều lúc tự hỏi, có nhất thiết trí tuệ của bao nhiêu người đi săm soi một người đàn bà đáng thương như vậy không? Có người nói phải trị để xã hội sợ mà không bắt chước? Nhưng cũng có chừa được không? Hay thậm chí lại nhiều hơn. Rõ ràng sau sự cố đó, việc lộ clip nhạy cảm ngày càng nhiều, càng nhiều.
Gần đây, lại một sự cố khác. Một cô gái xuất bản một cuốn sách, có một số chi tiết phi logic, và người ta cân đo đong đếm... và rành rành là không thật. Nhưng cô thì trẻ người non dạ, nên thay vì im lặng, lại đi thanh minh thanh nga, xù lông lên bảo vệ, nên bị ghép luôn vào tội “ghét cái thái độ”. Phe bảo vệ cô khăng khăng là nên đọc tác phẩm theo hướng lấy cảm hứng và tinh thần dám đi dám làm, để ý chi các chi tiết vụn vặt; còn phe phản đối thì nói nhật ký phải chính xác 100% và phải trưng ra các bằng chứng, nếu không có phải đăng đàn xin lỗi, tự vả vào mặt mới chịu tha cho. Tranh luận dẫn đến cao trào, đưa ra trọng tài phân xử, lúc trọng tài chưa biết kết luận sao thì trên diễn đàn, hai phe tiếp tục mỉa mai, công kích cá nhân, lôi bằng cấp học vấn ra mạt sát nhau, chẳng dính dáng gì đến nội dung tranh luận.
Thời hồng hoang mông muội, cứ có sai lầm, người ta cứ sẽ trừng trị bằng một sai lầm khác, kinh khủng hơn. Lỡ chặt cây cau giết người thì sẽ sống dậy để xử tử hình kẻ thù bằng cách trụng nước sôi và cắt đầu làm mắm. Trộm chó phải đền mạng. Bắt được ăn cắp phải cấu véo cho tan nát đời người ta mới hả dạ hả lòng, mới sướng tay. Giờ thế kỷ 21. Sao vẫn cứ như xưa? Cũng là con người, có phải côn trùng rắn rết gì đâu mà ghét là lấy cây đập chết hay đâu phải thời “thay trời hành đạo” như trong tiểu thuyết Kim Dung.
Cư dân mạng quen với khái niệm ném đá. Xưa kia các nước Hồi giáo, những cô gái trót làm liều với người mình yêu, sẽ bị dân làng phạt. Cô gái sẽ bị trói giữa bãi đất trống, tất cả mọi người đi qua, nhặt một viên đá ném vào cô. Có viên đá to, viên đá nhỏ. Có viên rơi trúng đầu, có viên trúng mắt, trúng tay chân. Có người ném mạnh, có người ném nhẹ. Thân thể cha mẹ cô sinh ra, bị tàn phá bởi đám đông cuồng nộ. Rồi cô sẽ chết, chết trong đau đớn tột cùng của cô và trong sự vui mừng hỷ hả của dân làng. Đặc biệt là các nhà hàng xóm, cũng có con gái xấu xí hơn, thì càng vui mừng gấp bội, sự hằn học đố kỵ. Còn ở Việt Nam cũng chẳng hơn gì, một cô gái có hoang thai, sẽ bị gọt đầu bôi vôi, thậm chí thả bè trôi sông, cả làng đứng trên bờ vỗ tay, vui cười hoan hỉ, người đàn bà kia dưới sông, nước mắt ngắn dài, gọi tên cha tên mẹ, tên người thân trong tuyệt vọng và từ từ chìm xuống nước, mất hút...
Dân làng tụ họp, các cụ sai mổ lợn, ăn uống hát hò. Cả làng cười nói xôn xao, chỉ trừ gia đình cô gái nọ...
Khi cái ác đã lên tới đỉnh điểm, văn minh hãy còn quá xa vời. Dù là bây giờ, nó được gọi với một cái tên khác, hình thức khác, nhưng sự tò mò, sự hiếu kỳ, sự đố kỵ, tâm lý đám đông... vẫn khiến người ta sống hết sức khổ sở. Giá mà đám đông biết dừng lại, mỗi cá nhân (có lương tâm và có việc để làm) thôi không tham gia vào đám đông ấy nữa, thì sự việc sẽ không đẩy đến chỗ quá xa. Rồi mất hút vì sẽ một sự cố khác, tò mò hơn, xuất hiện, chắc chắn.
Hãy nhìn sự vật với ánh mắt vị tha hơn, hãy coi như là một sự cố trong đời sống văn hóa văn nghệ, chứ xã hội mình còn nhiều điều phải làm lắm. Trí lực nên dành cho việc khác, thiết thực hơn. Hãy nhìn vào những điểm sáng của một bức tranh, để thấy đời này hãy còn đẹp lắm. Hàng Tàu vẫn có những cái xài rất được. Tên đồ tể vẫn có những phút rất người. Bài viết của Tổng lâu lâu cũng có một câu hay chứ bộ...
Xin hát câu cuối bài hát “Biển khát” của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, với giọng nam cao quen thuộc của Tổng nhé: “Còn tình yêu đó, lỗi lầm sẽ qua...”
Ngày 13/10/2013
Chuyện ở Davao
Davao là thành phố lớn nhất ở miền Nam Philippines tính về diện tích đất. Từ thủ đô Manila, bay gần 2 giờ mới đến được. Đây là địa phương trồng chuối và dứa nổi tiếng góp phần đưa Philippines trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về hai loại nông sản này. Nếu bạn sang Nhật hay Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí ở siêu thị ở Việt Nam vẫn thấy bày bán. Chuối thì dài, to trông rất đẹp mắt, còn dứa (thơm) thì đều quả nhìn cứ như là từ một dây chuyền sản xuất công nghiệp chứ không phải là nông sản.
Davao có biển và núi. Mà thật ra ở Philippines chỗ nào chẳng là đảo và núi rừng. Nên ngồi trên núi vẫn ăn được hải sản tươi sống, đặc biệt món cá ngừ đại dương gói lá chuối nướng, hay canh nghêu nấu lá ớt thì thôi rồi. Các bạn có có món sinh tố xoài xanh, tức xoài xanh của mình, xay nhuyễn, có chút muối để hãm vị chua, quyện với vị đường và sữa, ngon như trên đời này chưa có loại sinh tố nào ngon hơn. Khu trung tâm thành phố Davao nhỏ, nhà cửa xen lẫn trong những cây dừa, cây xoài, cây chùm ngây, cây me... xinh đẹp như là một thành phố công viên. Tuy không sạch sẽ lắm nhưng không xô bồ, náo nhiệt như thủ đô Manila. Davao có núi cao, có ngọn Apo cao nhất nước, có nhiều bãi biển đẹp, nghe nói du lịch cũng phát triển lắm. Trong mắt tụi Tây, bãi biển ở Đông Nam Á, đẹp nhất là ở Philippines. Tony thì không tới đó, vì đợt này đi có hai ngày, gấp rồi về có việc, chứ thường là đi công tác ở đâu cũng tranh thủ một buổi hay một ngày thăm thú phong cảnh địa phương. Đối tác đưa Tony đi về phía Tây, sâu vào trong núi. Khu này tương đối heo hút, hầu như không có khách du lịch, chỉ là các thương nhân đến giao dịch làm ăn, hoặc mua nông sản hoặc cung cấp vật tư nông nghiệp như Tony, mới mò đến đây.
Vì phải thị sát những nông trường trồng chuối và dứa nên Tony đi khá xa tỉnh lỵ Davao. Càng đi, dân cư càng thưa thớt, cứ khoảng vài ba chục kilomet có một thị trấn nhỏ. Xe chạy ngang những quả núi trồng toàn chuối hay dứa từ dưới chân đến ngọn, mình ngạc nhiên mãi, nói sao trồng được hay thế. Đất đai cũng chẳng tốt, thấy toàn đất xám pha sỏi cát. Hỏi mới biết là có những công ty chuyên dịch vụ, với những chiếc máy xúc của Mỹ to đùng, đào rất sâu thành các hố để trồng. Rễ đâm sâu xuống tới hai mét nên khỏi tưới nước, nên trời khô hạn vậy mà cây vẫn tốt tươi. Phân thuốc thì được phun xịt bằng máy cao áp bán kính tới vài trăm mét. Công ty dịch vụ còn nhập cả máy bay để phun xịt từ trên cao như các nông trang bên Mỹ vậy. Công nhân hàng ngày sẽ đi vệ sinh cây chuối hay dứa, bẻ bỏ hết chỉ chừa lại một cây con để sau này thay thế cây mẹ, giúp dồn sức cho việc ra quả, dẫn đến quả to, đều. Lịch làm đất, bón phân, tưới nước,... thống nhất nên nông sản có kích cỡ đều nhau, không có chuyện phân loại đến mấy phẩm cấp như ở ta. Dứa có hai loại, dùng để ăn tươi thì khoảng 1kg/quả, còn dùng ép nước hay đóng hộp thì hai kg/quả. Chuối cũng vậy, một buồng chuối (tiếng Anh gọi là a bunch of bananas) có 8-10 nải chuối (hands of bananas, chắc nải chuối giống bàn tay nên từ nải dịch qua tiếng Anh là hand, các bạn trẻ nắm các từ này để dịch những cụm từ như u nang buồng chuối hay chuối cả nải nhé...), một nải có khoảng 20 quả, có 4 loại chính là xanh, vàng nghệ, đỏ bầm và vàng chanh. Nhưng không có loại nào ăn ngon như chuối Việt Nam. Những công ty đa quốc gia lớn của Nhật hay Hàn, Mỹ, châu Âu... đều đến đây thuê đất để làm, rồi tự bao tiêu sản phẩm. Nghe bạn kể, hồi đó thương nhân Phi đang bán cho khắp thế giới, cái bị thương nhân Trung Quốc chơi vố đau. Đầu tiên là thương nhân TQ qua đặt quan hệ, mua giá cao ngất. Thế là tụi Nhật, Hàn... không mua được nữa, dần dần họ chán, tự thuê đất trồng, còn nông sản do nông dân Phi trồng quy mô nhỏ lẻ đều xuất quaTrung Quốc cả. Vụ lùm xùm biển Đông, Trung Quốc ngưng nhập chuối của Philippines làm bọn họ điêu đứng hết mấy tháng, nhưng sau đó, họ đồng lòng đi mở thị trường khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Sau đó Trung Quốc phải mở cửa trở lại, nhưng thương nhân Philippines giờ khôn, nói đưa tiền trước mới giao, chỉ chấp nhận thanh toán T.T advance, họ liên kết với nhau, kiên quyết nói không với các hình thức thanh toán khác, không thì họ không bán. Chính vì vậy, hàng hóa đến cảng Thượng Hải, chính sách nhập chuối của Trung Quốc có thay đổi thế nào đi nữa thì thương nhân Trung Quốc mới là người thiệt hại.
Nhớ đêm đi vô núi để ngày mai phun khảo nghiệm loại phân bón mới, đối tác đưa Tony đi vào rừng. Đầu tiên là đường nhựa, cứ khoảng vài kilomet có một chốt gọi là check point, có lính bồng súng đứng, mở cửa xe, rà soát bom mìn trên xe. Sau đó là đường đất, tối om, và không còn các trạm checkpoint nữa. Cái Tony cũng hoảng, vì trước đó cũng đã diễn ra các vụ bắt cóc thương nhân nước ngoài. Cái Tony lấy cái áo vải jean ra mặc vào, nói đối tác ai hỏi gì thì nói tao người Phi. Nói tao câm và điếc bẩm sinh nha, tụi đối tác cười hả hả, nói mày thông minh quá, vậy mà cũng nghĩ ra được. Vì trước đó, có mấy thương nhân nước ngoài vào khách sạn, trình hộ chiếu ra, người của khách sạn thông đồng, bắn tin ra ngoài cho bọn bắt cóc biết, tụi nó nửa đêm ập vào bắt đi, giả bộ bắn bùm chéo nhưng chả chết thằng bảo vệ nào. Tony đưa hộ chiếu cho anh bạn cầm, nói mày làm sao thì làm, tao phải an toàn. Nói vậy chứ trong lòng cũng bất an, vì ngó ngoài xe, thấy xung quanh đêm tối mịt mùng, những dáng núi cao sừng sững, con đường chạy giữa rừng hun hút, không một mái nhà, không một bóng đèn, chỉ có những chiếc xe tải chạy ngược lại. Thỉnh thoảng mới có một cây xăng, nhưng thanh toán bằng thẻ tự động như bên Mỹ, vì ở đấy đã xảy ra nhiều trường hợp cướp tiền mặt.
Xe ngừng lại ở một thị trấn nhỏ xíu giữa núi rừng hoang vu. Vào nhà nghỉ chắc là lớn nhất ở địa phương. Trên tường vẫn còn loang lổ những vết đạn của các lần chạm súng trước đó. Hai anh bảo vệ ra mở cửa xe, nhìn mình dò xét. Dưới ánh đèn neon mờ mờ, ông chủ nhà nghỉ hất hàm hỏi hỏi passport đâu, thấy cao to đẹp trai nên nghi là người nước ngoài, thằng kia nói không, thằng này người mình đó, bị câm và điếc tội nghiệp lắm. Cái ổng đòi ID card, tức chứng minh nhân dân, anh bạn lanh lợi nói nó cũng bị khùng khùng nên rớt mất cái cái miếng giấy để chứng minh là nhân dân rồi. Chứ sure nó là nhân dân. Tony cũng giả vờ ngây ngô liền, đưa tay hái hoa bắt bướm, gương mặt thanh tú lập tức chuyển qua trạng thái hoang dại. Ông chủ nhà nghỉ vẫn nhìn với ánh mắt nghi ngờ, vừa câm vừa điếc vừa ngáo ngơ đến nỗi giấy tờ tuỳ thân cũng rớt mất thì đến đây làm chi, thấy vậy, Tony lật đật bẻ viên sủi Upsa C bỏ vào ngậm trong họng, bọt trào ra khóe miệng trông thật tội nghiệp.
Cái ông chủ hỏi ủa sao vậy, anh bạn Phi nói nó đói bụng đó, sùi bọt mép là lúc phải cho ăn, cho nó lên phòng đi. Ông tự nhiên thấy thương, nhìn mình ái ngại, kêu vợ ra lấy chuối ra đãi khách. Bà chủ từ nhà bếp chạy ra, nhìn sững sờ, đánh rơi dĩa chuối. Tony cũng há hốc mồm.
Trời ơi, Quỳnh.
Ngày 16/10/2013
Chuyện ăn chuyện nói (Bài 1): Nhận diện thể loại ăn nói vô duyên
Gửi con thân yêu của dượng,
Bữa nay dắt con đi ăn với khách hàng, mà dượng thấy con giao tiếp không được hay. Nên dượng viết bài này gửi con và các bạn trong câu lạc bộ “con-dượng”. Con đã năm cuối đại học rồi, vài bữa nữa là ra trường, đi làm. Kỹ năng ăn nói nó quan trọng lắm, mình ăn nói có duyên một cái á, muốn gì được đó. Ai cũng yêu mến, làm gì cũng hanh thông. Dượng soạn 10 bài về kỹ năng ăn nói, con cứ làm theo.