Xưa xưa, sinh viên hay truyền nhau cái chuyện cái Lan và bịch bột giặt. Số là cái Lan đi ra ngoài mua bịch bột giặt Tide rồi về ký túc xá giặt đồ. Tới cổng bảo vệ ký túc xá thì anh bồ đến thăm rủ đi chơi, nên cái Lan gửi bịch bột giặt cho anh bảo vệ rồi leo lên xe đi. Anh bảo vệ do không coi ngó nên người khác lẻn vào lấy mất. Cái Lan về tiếc tiền, tức khóc và bắt anh bảo vệ đềnbịch bột giặt mới. Ngày mai, trên trường đồn nhau là cái Lan, quê Sơn La, ở phòng A217 ký túc, vừa có thai. Tác giả cái thai là anh bảo vệ. Anh bảo vệ không chịu thừa nhận nên cái Lan nó khóc đòi tự tử...
Trí thức xứ ta mà còn hiếu kỳ và tò mò vậy huống hồ chi dân thường, rảnh rang thì càng nhiều chuyện lắm. Ở quê thì nói chung tò mò hơn thị thành. Người nổi tiếng thì càng bị tò mò chuyện đời tư. Nói chuyện một hồi thì ai cũng quen Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Tâm. Và ai cũng khẳng định là có quen biết hay tận mắt thấy, tận tai nghe... để tăng phần thuyết phục khi kể chuyện. Ở một làng quê nọ, đêm đến, hai vợ chồng nhà X to tiếng trị tội thằng con, thằng con quỳ gối không được nói, cửa thì đóng nên thì hàng xóm bỏ ăn bỏ ngủ bu quanh nhà, hand in hand, miệng mồm im thin thít để lắng nghe và thấu hiểu. Khổ là tiếng được tiếng mất, có quá nhiều dấu ba chấm do lúc đó hai đương sự tự nhiên nói nhỏ lại, đám đông ghé tai sát vách cũng nghe không rõ gì cả. Thế là đám đông bên ngoài tự động điền vào chỗ trống, cho nó hay, tùy theo khả năng sáng tạo. Cả làng cả đêm trằn trọc không ngủ, chỉ mong tinh sương sớm mai ra chợ kể nhau nghe. Chuyện vợ chồng nhà X rì rầm cùng tiếng gà tiếng vịt kêu quang quác, tiếng chặt thịt lao xao. Đâu trưa trưa bà vợ nhà X đi chợ, gặp ai cũng nghe nói kiểu thế sáng này vẫn dậy đi chợ được à, hay mua thịt cho nó ăn làm chi em ơi, đàn ông nó vậy đó em, em có hầu hạ cho lắm thì nó cũng có bồ khác thôi... Chị vợ nghe xong không biết là chuyện nhà mình, tưởng chị hàng thịt có tâm sự nên chia sẻ ghê lắm, nước mắt lưng tròng vì thương chị ấy. Đi về, quăng miếng thịt xuống bếp, lên nhà trên ngay để kể cho chồng nghe rằng chị bán thịt chợ mình vừa bị chồng bỏ tội lắm anh à. Anh chồng liền gọi bạn bè qua làm xị rượu Làng Vân để thảo luận đề tài khoa học cấp thôn, “vì sao mấy cô hàng thịt hay bị chồng bỏ...”.
Xưa Tony có một anh tài xế rất vui vẻ. Bữa đó đường khá đông nhưng anh không tập trung lái gì cả, chỉ nhìn ra cái gương chiếu hậu bên phải. Thấy cứ nhìn hoài nên Tony cũng nhìn theo, thì thấy một cặp hai thanh niên đang đi xe máy, vừa đi vừa chỉ chỏ bàn tán về cái xe của Tony. Nó chạy theo khá dài nên Tony nghĩ chắc là sợ nó bẻ gương hay gì đó nên anh ấy đề phòng. Ai ngờ lúc đèn đỏ ngừng lại, thấy anh tài xế hạ kính xuống, thò đầu ra nói “xe 7 tỷ chứ không phải hai tỷ đâu Phúc ơi, Minh nó nói đúng đó”. Tony hỏi ủa chuyện gì vậy, anh quen tụi nó hả? Ảnh nói đâu có, tại tui nhìn qua gương, thấy hai đứa nhép miệng nói qua nói lại về đề tài cái xe mình, tui hiểu hết. Thằng lái tên Phúc, thằng sau tên Minh, tụi nó nói đúng hết các chi tiết, chỉ trừ cái giá xe nên tui lật đật đính chính...
Ngày 06/07/2013
Hot boy, hot girl và hot dog
Năm 2006, bà Iris người Hà Lan qua Việt Nam chơi và thăm Tony. Tony gặp bà ở lâu đài Windsor ở Anh năm 2005, lúc đó mình cứ gặp Tây là tranh thủ tiếp thị đất nước, gặp ai cũng líu lo welcome to Vietnam rồi nói Việt Nam hay lắm, đưa card ép lấy, nói có qua thì email, mình sẽ đón tiếp nồng hậu, dù buôn phân chứ chả phải làm du lịch. Không quen biết gì, chỉ gặp nói chuyện một chút, vậy mà về email qua lại, rồi thân thiết. Một hôm, bà Iris rủ thêm bà Catherine đi qua Việt Nam chơi luôn. Tony đưa đi bảo tàng chiến tranh, đi Củ Chi, đi Mê Công Đéo Tà (Mekong Delta) chèo thuyền ăn mận, ăn cá elephant ear (tai tượng), hai bà say mê lắm. Nói nước mày đẹp quá, anh hùng quá hà, tụi tao say mê rồi. Chuẩn bị đưa đi miền Trung và miền Bắc cho ngất ngây con gà tây luôn với bao nhiêu di sản thế giới...
Trên đường về Sài Gòn có ngang qua khu chợ ông Tạ gần ngã tư Bảy Hiền. Một bà nhác thấy bên đường là cửa hàng bán các con chó quay vàng ươm đang bị móc họng treo lủng lẳng, mấy con khác thì còn trắng hếu trên bàn. Một bà hỏi bán thịt gì vậy, mình chưa kịp đáp thì thằng tài xế tài lanh tài lọt nói dog dog rồi cười ha hả. hai bà tự nhiên im lặng, một lúc sau thì khóc thút thít. Tối đến hai bà không ăn gì. Tony mời ăn đồ ăn Việt, hai bà kiên quyết không ăn, mặc dù hôm trước là khen ngon và ăn khí thế. hai bà chỉ mua hai cái bánh mì rồi về phòng khách sạn.
Sáng hôm sau bà Iris viết cái mail cho Tony, nói là tối qua hai bà nhức đầu quá không ngủ được, và nói thôi đặt vé máy bay cho bà về nước sớm. hai bà không có good mood để đi tham quan nữa. Và cũng không muốn nói chuyện với người Việt nữa, vì cứ nhìn thấy những cái miệng xinh đẹp kia từng cắn xé từng miếng thịt chó là hai bà bị ám ảnh, không trò chuyện được. Vì đối với hai bà và phần lớn người phương Tây, chó là người bạn. Không ai ăn thịt bạn hay vui chơi với người đã ăn thịt bạn mình. Già thì khó tính. Thôi thì chiều ý, Tony đặt vé cho bà đi Angkor Wat rồi nối tuyến bay về Amsterdam, dù sao đến Đông Nam Á thì cũng nên đi Angkor, chứ già rồi sợ không có dịp quay lại.
1 tuần sau về nước, bà mới gửi Tony một cái mail khoe hình và nói ở Angkor Wat, hai bà đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Nhắc đến Việt Nam, hai bà nói về có kể lại cho bạn bè nghe, ai cũng ngạc nhiên và trách móc sao người Việt, một dân tộc dũng cảm anh hùng... lại ăn thịt chó, nó là thú nuôi chứ đâu phải thực phẩm, tức các con vật được sinh sản nhân tạo và nuôi đại trà trong các farm đâu. Bà nói, truyện ngụ ngôn phương Tây có kể rằng ngày xưa, khi tất cả muôn loài được sinh ra, chó mèo vẫn còn ở trong rừng. Loài người mới dụ khị kêu về ở chung cho vui, loài chó có ra điều kiện là sẽ trung thành tuyệt đối, dù có đánh, nó vẫn vẫy đuôi mừng, nên mình có quyền định đoạt, tức có thể đánh chết, nhưng không có được ăn thịt nó, thì nó mới theo về. Loài người hứa... rồi quên. Người châu Âu cũng từng ăn thịt chó, dẫn đến hành vì báo oán, tai họa dịch bệnh liên miên, có dịch chết mấy triệu người. Ai ăn thịt chó thì chó nó thấy là nó sủa dữ dội, và trước sau gì cũng bị tai ương vì lời nguyền ngày xưa. Nên bà nói, ai ăn thì ăn nhưng mày đừng ăn Tony nha. Tony từng ăn thịt chó khí thế, từng lê la từ khu sân bay, đến khu Cống Quỳnh, khu cầu Thị Nghè, khu cư xá Bắc Hải, khu K26 Gò Vấp còn ở Hà Nội thì khỏi nói, Hải xồm Hải không xồm, Tú béo Tú gầy Tú thật Tú giả gì cũng ghé qua... nên nghe bà nói vậy, thấy sợ sợ nên sau đó thấy thịt chó, tự nhiên bị bad mood liền, mà trước đấy, chưa bao giờ có cảm giác này.
Lên mạng search và hỏi thăm, thì biết thế giới hiện giờ chỉ còn người Triều Tiên (Nam Bắc Hàn), Trung Quốc (1 số tỉnh phía nam TQ giáp Việt Nam và phía Đông bắc giáp Triều Tiên), và Việt Nam là còn thói quen ăn thịt chó. Qua Hàn Quốc, mấy đệ tử bên đó nói thế hệ tụi em không ăn đâu anh à, chỉ có thế hệ cha chú, lúc đó Hàn Quốc còn nghèo còn đói nên mới ăn, giờ nhiều thực phẩm quá nên tụi em chủ yếu ăn hải sản và các loại rong biển. Và thằng Khan còn bảo, em nghe nói các nhà khoa học giải mã ADN của chó, nó là động vật giống con người nhất, hơn cả khỉ, nên đạm của chó vào cơ thể sẽ được hấp thụ cực nhanh. Nhưng cũng có nhiều phản ứng như co giật, sùi bọt mép sau khi ăn thịt chó do có sự tương hợp khi ăn thịt đồng loại. Thường gà sẽ không ăn thịt gà, chó không ăn thịt chó, heo không ăn thịt heo... dù chúng ăn tạp như thế nào đi nữa, do sự dị ứng tương hợp này. Mình chợt nhớ lời bà Iris, thấy buồn.
Rồi gần đây, vì nhu cầu ăn thịt chó tăng cao, lượng chó bắt trộm từ Thái Lan, Lào và Cambuchia ùn ùn kéo sang Việt nam qua cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh, từng đoàn xe chở chó, ánh mắt con nào con nấy thống thiết nhìn lại cố hương lần cuối trước khi tập kết rồi hóa kiếp tại bờ đê sông Hồng. Khổ thay phận chó Miên chó Lào, tưởng được êm ấm trên những thửa ruộng bậc thang, được vui đùa mỗi chiều trên bên dòng Mê Công, tung tăng bên nương rẫy với các bạn có cái tên nghe na ná Ôm Chảo Bay Ra Biển thì... Trong cái chiều định mệnh, đang lang thang vui đùa trên đường quê thì bị sợi dây thòng lòng của hai tên đi xe máy thít cổ một phát lôi lên xe trong tích tắc, rồi… tập kết hết lên xe có song sắt phía sau, thành hàng hóa xuất khẩu sang quốc gia láng giềng. Chúng chỉ biết kêu rên ăng ẳng, ánh mắt buồn xa xăm trên con đường gập ghềnh. Để lại sau lưng là những nhà sàn với khói bếp lam chiều, những đứa trẻ đứng khóc mếu máo vì nhớ bạn Vằn bạn Vện, những ông cha bà mẹ đi khắp núi rừng để tìm về, cứ ngỡ chúng hôm nay mãi săn chuột mà đi lạc ở nơi đâu...
Tony qua Lào vào nhà bạn chơi, thấy một con chó đẹp chạy đến vân vê, các bạn nhìn mình với ánh mắt nghi ngại, nghĩ mình thèm. Rồi tin ở Nghệ An, trộm chó bị đám đông dân làng đánh chết, cũng bỏ vào bao tải đập chết rên ư ử giống như trộm chó đã làm với chó, nói cho mày chừa. Có chừa được không khi nhu cầu thịt chó vẫn cao chất ngất? Có cầu thì ắt có cung. Có chừa được không khi hàng quán thịt chó vẫn đông khách thâu đêm, cô em Nam Định xinh xinh Tony gặp một lần vẫn có thói quen dùng tay cầm đùi chó gặm từng miếng và khen không biết chó vùng nào ngọt thịt quá, từng sợi thịt chó vẫn giắt vào kẽ răng khi em cười... Có ông ngồi bên cũng bị giắt răng, bèn lấy tăm xỉa ra rồi nuốt lại vì ngon quá, thấy tiếc...
Trên mạng diễn ra cuộc tranh luận gay gắt. Có người nói sao mạng người rẻ hơn mạng chó, nhưng cũng có người cãi lại, tại tụi nó ăn cắp, hành vi ăn cắp cần phải trừng trị... thói quen của cô Tấm ăn sâu vào dân mình, cứ phải cắt đầu làm mắm thì mới hả dạ. Một mạng người đã ra đi... để phục vụ cho nhu cầu nướng riềng sả lá mơ, xáo măng rựa mận, hấp hành... cho những nam thanh nữ tú, những hot boy hot girl ở thành phố. Họ không biết rằng, khi ăn thịt chó, họ đã phạm phải một lời nguyền, từ rất xưa, khi con người còn là đồng đẳng với chó, với muôn loài...
Nếu dân ta không có thói quen không ăn thịt chó nữa, thì làm gì có trộm chó, rồi bị quánh chết tang thương. Yêu thương nhau, yêu thương muôn loài, quây quần chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau có phải hay hơn không? Chợt văng vẳng câu thơ Tố Hữu
“ Có gì đẹp trên đời hơn thế, người yêu người, sống để yêu nhau”
Có khi nào bên miếng dồi chó thơm phức và ly rượu cay nồng, chợt nhớ ai đó vì miếng ăn này mà phải bỏ mình. Thôi không thương chó thì hãy thương người. Cũng là người Việt, cũng con cháu Lạc Hồng, cùng màu da giọng nói với nhau, ai nỡ...